Ống kính phê bình

23/3
8:58 AM 2017

KỶ NIỆM 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN, VIỆT NAM: XUÂN DIỆU, HUY CẬN, CHẾ LAN VIÊN NGHĨ VỀ THƠ

THU TỨ-"Trí tuệ làm cho thơ khô đi ư/ Anh ngỡ chất liệu sống mà nhồi nhét không đúng cách vào thơ, không làm chết thơ đi đấy chắc? (...) Đừng có nói trái tim cao hơn bộ óc!". Hồn của thơ cứ gì phải là cảm xúc. Chế Lan Viên ưa nghĩ và hay lấy những cái nghĩ của mình ra làm thơ. Rõ ràng thơ chở nghĩ vẫn có thể "ướt", "sống". Miễn có tài thơ, thì trí tuệ cũng nên thơ!

Nghĩ về thơ, biết bao nhiêu cái để nghĩ. Nếu người nghĩ là một nhà thơ, thì hẳn cái tập hợp những đề tài người ấy chọn nghĩ nó có liên hệ mật thiết với tập hợp thơ mà người ấy đã sáng tác. Xuân Diệu nói về thơ nói chung chứ không phải nói về thơ Xuân Diệu. Vậy mà đọc những nhận thức thơ sâu sắc của ông ta không khỏi liên tưởng đến Vội vàng, Giục giã, Phải nói, Xa cách, Mãi mãi, Cảm xúc, Mời yêu, Yêu mến v.v...

*

"Một trứ tác nghệ thuật lớn (...) bản thân (...) là sự sống[1]. Người sáng tạo nghệ phẩm thì cũng như Chúa sáng tạo người. Đâu phải chỉ nặn cục đất, mà còn phải hà hơi, thì cái tượng ấy nó mới thành... ông A-đam. Hà được hơi mình vào tượng, không phải chuyện dễ. Cho nên không phải nghệ phẩm nào cũng là sự sống, mà chỉ một số ít thôi.

"Trong văn nghệ, trong thơ phải chân, nghĩa là mình có bao nhiêu tâm hồn thì viết bấy nhiêu, đừng gắng hơi, đừng cố mượn hơi ở đâu người khác mà thổi cái bong bóng của mình; phải chân chứ đừng định lừa người đọc, phải chân như cái hương tự nhiên của tâm hồn". Khoảng cuối thập kỷ 1950, đầu thập kỷ 1960, ở miền Nam có ví dụ đáng chú ý. Thi sĩ ấy thực ra khác hẳn Tây. Thế mà tự ép mình suy tư y hệt như thanh niên Tây bấy giờ đang suy tư, rồi đem cái nội dung thiếu hẳn chân thành ra làm thơ. Kết quả nghệ thuật dĩ nhiên thê thảm. Ờ, nhưng mà tại sao hồn phải thật thì xác mới có thể đẹp, nhỉ? Chắc, Thật, Tốt, Đẹp là một, như có người đã nghĩ.

"Cuối cùng của thơ là lẽ đời, là chuyện sống, là lòng yêu. Bạn muốn làm thơ, bạn muốn làm thơ hay, mà bạn yêu cuộc sống như thế nào? Yêu qua loa, cảm xúc cạn như đĩa đèn, thì thơ không thể hay được. Cái phải bồi dưỡng trước nhất là tình cảm (...) phải có cái hồn". Yêu đời hay chán đời đều có thể nên thơ hay, miễn là cảm xúc sâu như giếng. Không chỉ riêng làm nghệ thuật, bất cứ làm gì mà hờ hững thì cũng không thể nên hay. Cũng có ngoại lệ: mua vé số hờ hững vẫn có thể trúng độc đắc.

"Cảm xúc của nhà thơ thì nhất định không được già mà phải trẻ luôn luôn. Cái trẻ luôn luôn của cảm xúc, của yêu thương, chính là lực của sự (sáng tác) đó (...) Xúc cảm gắn liền (...) với cơ thể; bởi vậy nên phải đề phòng với tuổi tác, và bởi vậy nhà thơ phải chăm sóc cho sự nhạy bén lâu dài của xúc cảm ngay trong khi nó hãy còn tràn đầy (...) nhà thơ có thể vô tâm với sức xúc cảm của mình được sao? Cứ để cho nó tự nhiên nhi nhiên sớm nở tối tàn hay sao? (...) Nhà thơ nhận thức được, tự giác được về sức trẻ của (thơ) mình, thì có thể đẩy lùi được sự tàn phai và chọc thủng được sự bao vây của tạo vật. "Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non, hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo, hãy để cho bà nói má thơm của cháu, hãy nghe tuổi trẻ ca ngợi tình yêu...". Nhà thơ đừng đứng yên chỗ để bị động với tuổi mà phải tìm chỗ đứng di động thế nào để cho sự vật lổ lộ cái góc độ nào có lợi nhất, trẻ nhất, đẹp nhất của nó". Xuân Diệu không chỉ nói, mà hăng hái "nêu gương": đọc những dòng tình tứ, đam mê trong Đứng chờ em, Dấu nằm v.v..., ai ngờ tác giả thơ đã ngoại lục tuần! Nhớ Ẩm tửu khán mẫu đơn của Lưu Vũ Tích. Nhà thơ Trung Quốc đời Đường ấy ngắm hoa đẹp cao hứng uống hơi nhiều rượu, rồi ngại hoa lên tiếng bảo "Không nở cho người già"! Thiết tưởng nghệ sĩ già nên như Xuân Diệu, chớ ngại. Mình yêu hoa, bất kể hoa gì, là vì nghệ thuật. Yêu để có cảm xúc chân thành, mãnh liệt mà sáng tạo cho thành công. Yêu hoa vì thơ vì tranh vì nhạc... Còn hoa có yêu được mình hay không là chuyện khác. "Đẩy lùi được sự tàn phai và học thủng được sự bao vây của tạo vật"... Phát biểu sôi nổi quá. Không chỉ trong thơ mà ngay cả trong tâm sự về làm thơ, Xuân Diệu cũng nêu gương!

"Nghệ thuật luôn luôn là một thế quân bình linh động: quân bình giữa cái mới và cái bền, giữa cái tự do và cái gò bó. Nghệ thuật (...) sống nhờ mâu thuẫn mà chết trong sự (...) nhác lười". Từ khi dân tộc Việt Nam tiếp xúc với văn hoá Tây phương, trong mọi sinh hoạt chứ không chỉ riêng làm nghệ thuật, một vấn đề "quân bình linh động" luôn luôn đặt ra: đâu là biên giới giữa tiếp thu tự chủ và bắt chước nô lệ? Đứng ở bên này và sát biên giới là tiếp thu tự chủ ở mức cao nhất, học được nhiều cái hay nhất mà vẫn là mình. Quá bước sang bên kia là bắt đầu thành... nô lệ. "Nhác lười" sẽ dần chết khô. Còn ngược lại thì... chết ướt, nghĩa là xác tươi rói đấy nhưng bên trong hồn Việt đã đi rồi.

"Trong một tác phẩm (...) cái (...) cần trước hết là cuộc sống (...). Tuy nhiên (...) muốn có tác phẩm hay thì còn phải biết đến (...) nghệ thuật (...). Tự nó (tức nghệ thuật), nó không là cái gì hết nếu không có (...) cuộc sống. Nhưng khi đã có (cuộc sống) mà không có (nghệ thuật) thì đó là (...) chất cuộc sống ở ngoài đời (...) nào phải đâu là chất cuộc sống (...) trong bài văn". Nếu không có nghệ thuật, thì bài văn chỉ là một bản sao của thực tại. Bây giờ máy quay phim tốt thiếu gì, nếu chỉ muốn sao thì vớ lấy một cái, vừa đỡ tốn giấy mực lại vừa sao được chính xác hơn không biết bao nhiêu. (Đây chỉ nói cách dùng máy "giơ, bấm", không nói về điện ảnh nghệ thuật).

"Thực tế phong phú, ngồn ngộn, mạnh mẽ đến đâu cũng chỉ mới là quặng quý (...) phải đem tất cả (...) bỏ vào trong tâm trí mình (...) mà nhào luyện lại, tái tạo (...) Không nên thần bí hoá (...) "thơ là tiếng nói của thần linh", cũng không nên tầm thường hoá (...) coi là một sự phô phang những tài liệu đã lấy được như khoe những "pô" ảnh chụp được". Có thể nghĩ mỗi nghệ phẩm như một cái "bóng đời" trong tâm hồn người nghệ sĩ đã mượn chữ hoá thơ, mượn gỗ hoá tượng, mượn vải sơn hoá tranh v.v... "Hoa trong gương" có thể xem là hoa thật tái tạo không nhỉ?

"Không lấy hiện thực làm nền tảng của nghệ thuật thì chẳng ai muốn nghe, muốn gần cái trò chơi trống rỗng của những kẻ nhàn cư, nhưng không có cái tinh thần lãng mạn nhào nặn vào thì nghệ thuật ngột ngạt, khô khan, không có cánh!". Làm nghệ thuật cần phải "nhào nặn" hiện thực... Tức vo tròn bóp méo, xuyên tác hiện thực! Thì sao? Đừng tưởng làm khoa học không xuyên tạc. Kìa mặt trăng. Nhà thơ dùng tâm hồn mình vẽ vời thêm thắt cho nó nên... "vú mộng" (xem bài Ca tụng của XD). Nhà khoa học dùng trí óc mình đơn giản hoá nó thành... cục đất. Tưởng trăng không vú, mà cũng chẳng đất! Không đừng được, làm là xuyên tạc. Vậy chỉ cần lo xuyên tạc thế nào cho nó kết quả. Làm thơ, hãy để cái "tinh thần lãng mạn" nó tha hồ nhào nặn cho đến khi thơ "thoáng, ướt và có cánh"!

"Tác phẩm nghệ thuật là một sản phẩm rất cá thể hoá, không thể họp những đầu, mình, tay, chân đẹp ở nhiều nơi để thành một con người đẹp được". Chắc chắn không lâu lắm nữa, ra đường ta sẽ gặp những ”người" mà ta cứ tưởng là người, trong khi đó thực ra là máy! Có máy giống hệt người, có lời giống hệt thơ... Thưởng thức nhầm một bài thơ lắp ráp giống như yêu nhầm một người máy.

"Mọi lý thuyết đều màu xám, và cây đời vĩnh viễn xanh tươi/ Vĩnh viễn chim ca, vĩnh viễn nắng cười/ Vĩnh viễn anh yêu em, như yêu sự thật/ Và cây đời mãi mãi xanh tươi/ Mãi mãi em ơi/ Cây đời trĩu trái/ Gió trong lá mùa thu rồi trở lại/ rì rào đôi ta tình ái muôn đời/ Trong mắt đen em mãi mãi ánh trời/ Ngời qua một sợi tóc buông rũ trán/ Mãi mãi môi em nhuỵ đời vô hạn/ Và cây đời ôi! sáng lạn xanh tươi". Mọi lý thuyết đều đầy khái niệm. Khái niệm là thực tại sau khi đã đi qua trí óc ta. Thực tại vốn sống động, nhưng trí óc ta lọc hết chất sống, cho nên mọi khái niệm đều cứng đờ. Nếu trông "cây đời" mà ta không nghĩ gì hết, chỉ tập trung cảm, thì trong ta sẽ có một cái gì đó cũng "mãi mãi xanh tươi"...

"Chúng ta yêu cái thật đẹp, yêu cái đẹp thẳng cánh thẳng tay, yêu cái đẹp được diễn tả với một khiếu thẩm mỹ chắc chắn và đồng thời chúng ta rất sợ cái đèm đẹp...". "Khiếu thẩm mỹ chắc chắn" mấy ai có, nên "đèm đẹp" bao giờ cũng nhiều hơn hẳn đẹp. "Rất sợ" đây là một người làm nghệ thuật tự hỏi mình có bao giờ làm ra được "cái đẹp thẳng cánh thẳng tay"? Hay là một người thưởng thức không muốn tiếp xúc với những cái gì nửa vời? Dù sao, đẹp vốn thường nổi bật, bây giờ đẹp lẫn vào đèm đẹp. Tưởng rất nên buồn.

"(...) làm thơ vì sự thúc đẩy bên trong, vì nhu cầu của tâm hồn. Thắt lại đến cùng vẫn phải có cái động cơ ấy: Tôi cần làm thơ, như tôi cần yêu người yêu! Nếu ta không có cái nguyên cớ cuối cùng ấy thì ta không làm thơ nổi (...). Khi người thi sĩ xông vào con đường thăm thẳm của thơ, họ mơ ước những hạt ngọc Lam Điền mới đông và sáng mãi mãi". "Tôi cần làm thơ", không phải làm lấy có, mà làm hết sức nhằm sáng tạo ra thơ tuyệt tác. Tốt, phải có cái mơ ngọc thì may ra mới có ngọc. Ờ nhưng tại sao ta lại đi mơ làm được thơ hay, nhỉ? Xuân Diệu bảo vì "cái sự dứ ghê gớm: (thơ hay) sẽ sống mãi". Nghĩa là vì cái rất chóng "tắt" là ta muốn để lại một cái gì "sáng mãi mãi"... Bể dâu rồi, người xưa ơi. "Mãi mãi" là trong tâm hồn, mà tâm hồn thì đang hấp hối! "Ngọc Lam Điền" đông dưới mắt thờ ơ, ít lâu nữa sẽ thôi hẳn đông.

"Việc sản xuất thơ không thể bảo đảm chất lượng đều luôn như sản xuất ở nhà máy. Làm được mười bài thơ hay hoặc khá, đến bài thơ thứ mười một vẫn cứ có thể là dở. Hai mươi năm thơ nở như hoa tươi và ướt, đến năm thứ hai mươi mốt thơ có thể gạn (gạo?), khô!...". Việc sản xuất thơ tuỳ thuộc vào độ nhạy cảm của nhà thơ với cuộc sống, năng khiếu diễn cảm nghĩ thành lời đẹp, và hứng. Cả ba yếu tố đều thay đổi theo thời gian và hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát, làm sao nhà thơ đảm bảo chất lượng "sản phẩm" được. Nhà máy hoạt động cũng tuỳ thuộc những yếu tố có thể thay đổi, như cung cấp năng lượng, tình trạng máy móc, độ lành nghề của lao động... Chỗ khác, so với nhà thơ, là tất cả yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất đều nằm trong tầm kiểm soát của con người.

"Cá nhân (...) rất quan yếu. Văn nghệ không phải cứ mãi là phong trào mà được; văn nghệ không chịu được cái sàn sàn. Phải có những tài năng, những thiên tài (...) những thiên tài này do quần chúng, do phong trào đẻ ra, nhưng (...) cất lên những tiếng hát thật đặc biệt, thật cá tính, thật bản sắc". Mỗi phong trào văn nghệ nó như một cái cây hoa mới. Phải liệu đơm hoa, càng nhiều càng tốt, chứ không thể cứ toàn lá mãi! Hoa văn nghệ cũng như hoa thật, không giống... lá. Hoa văn nghệ, ngoài ra, còn không giống nhau: chẳng hạn cùng nở trên cây Thơ Mới, nhưng đoá xuân không giống đoá Huy, đoá Hàn, đoá Chế v.v...

"Trong văn học nghệ thuật, chúng ta phải thực hiện cho thành một quy luật cái câu "càng già càng dẻo càng dai"; mặt khác, chúng ta cũng hướng về những bạn làm thơ trẻ để tìm những tài năng mới khơi ra được những dòng suối xuân trong xứ thơ, đem đến những giọng điệu mới mẻ. Là vì ở trong tuổi bắt đầu cuộc đời, người ta có trăm nghìn cảm xúc mới lạ, người ta có cái sức trẻ rất cần thiết cho thơ...". Xuân Diệu "trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ" mà như ôn chuyện chính mình: vừa tiếp xúc sơ sơ với cuộc sống, ông đã nảy ngay "trăm nghìn cảm xúc mới lạ"; vừa tập sáng tạo, ông đã đem đến ngay cho thơ Việt Nam một "giọng điệu mới mẻ" có sức hấp dẫn lâu dài. Nhưng như ông là hết sức ngoại lệ. Lệ là, phải từng trải cuộc sống, phải lăn lộn với việc làm thơ, thì thơ may ra mới nên hay. Không phải càng trải càng lăn càng hay. Có khi trải quá hoá chua, đắng, hoặc hoá chai đờ; lăn quá hoá máy móc! Thơ hay nhất ra đời khi nhà thơ vừa cảm xúc đậm đà, đằm thắm, vừa chưa thành dây chuyền lắp ráp chữ nghĩa. Trẻ là tương lai. Ta nên hướng về những bạn trẻ nhưng chớ nên tán thưởng họ dễ dãi quá, kẻo khiến thơ không có... tương lai. (Trong tình hình văn hoá diễn biến hiện nay, đằng nào thơ cũng không có tương lai!).

"Thơ không phải chỉ là một nội dung tư tưởng, tình cảm, thơ còn là cái thần của ngôn ngữ nữa". Không phải ngôn ngữ nào cũng nhiều "thần" như ngôn ngữ nào. Tiếng Việt và các thứ tiếng Tây, bên nhiều thần bên ít thần chênh lệch nhau đến mức trở nên cái khác về chất chứ không phải về lượng nữa. Lời ta nói gồm những từ hết sức gợi cảm, gắn bó với nhau cách tự nhiên, hữu cơ, thành một toàn thể liền lạc, giống như một sinh vật! Lời Tây nói gồm những từ gần như trơ trơ, được lắp ráp lại với nhau theo một ngữ pháp cứng nhắc, thành một tập hợp bộ phận, giống như một cái máy![2] Tuy khi làm "thơ" Tây có linh động phần nào cách lắp từ, nhưng nói chung kết quả cơ bản vẫn "chỉ là một nội dung" thôi. Oái oăm, chính nhờ đó "thơ" Tây có thể được dễ dàng "chuyển" qua đủ thứ ngôn ngữ khác cho cả thế giới đua nhau trầm trồ!

"Người nghệ sĩ (...) cần tu dưỡng cái khả năng biểu hiện lại sự sống". "Sự sống" đây không phải là trời đất, núi sông, cây cỏ, chim muông, hay cô gái nào cả. Mà là ấn tượng của ta khi tiếp xúc với... Chỉ cái sống mới thực diễn được cái sống. Vậy thơ sao cho lời lời tươi rói đó thì thơ!

"Nhà thơ mang nhược điểm của mình như một cây đàn mang hạn chế của nó: đàn nguyệt gảy bằng ngón tay: tiếng tròn, đàn nhị kéo bằng vĩ tơ: tiếng dài, nguyệt không réo rắt xé không gian được như nhị, nhị không thánh thót "mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân" được như nguyệt; vấn đề ở chỗ: nguyệt hay đến độ cao nào? nhị hay đến đỉnh chót nào?". Đàn nhiều loại. Nhà thơ càng nhiều loại: mỗi nhà thơ là một loại! Có loại Thiều, loại Điềm, loại Du, loại Trứ, loại Quát, loại Khuyến, loại Xương, loại Hiếu, loại Xuân, loại Huy, loại Bính, loại Hàn, loại Chế v.v... Bất cứ loại nào cũng vừa "không (...) được như" bất cứ loại nào khác, lại vừa có cái hay riêng không loại nào khác có được. Hành trình sáng tạo nghệ thuật là cố đi cho đến cái "đỉnh chót" của "cây đàn" mình. Chẳng hạn, "con chim đến từ núi lạ"[3] có một lối hót riêng chưa chim nào từng, nó đã cứ thế mà "dào dạt với âm thanh" suốt đời, để lại cho ta những "tiếng lòng" say sưa chót vót!

Đàn nào chả có hạn chế

Đừng ôm nguyệt mà réo rắt

Hay kéo nhị cho thành giọt!

Sáng tạo

Là cố đi

Sao cho đỉnh mình.

2014

 

*

Các cụ ta xưa kia sống cái triết đông chứ không suy luận miên man về triết Đông. Các cụ ta xưa kia làm thơ chứ không lý luận miên man về thơ.

Không luận liếc gì cả, nhưng các cụ sống, nói như Phạm Quỳnh, khiến "ta thật đáng thờ (...) làm ông cha"[4]. Không luận liếc gì cả, nhưng các cụ thơ "động đất trời"[5].

Chưa gặp Tây, người Việt Nam coi như chỉ sống và thơ. Gặp Tây, thấy Tây luận say sưa, thỉnh thoảng ta cũng luận tí cho vui, sau khi đã sống và thơ thật đã đời. Sau hơn nửa thế kỷ sáng tạo, Huy Cận có gửi lại cho hậu thế chút suy nghĩ về nghệ thuật[6]. Cái nghĩ nói chung thấu đáo mà cách diễn cái nghĩ nhiều chỗ cũng thú vị ghê. Ai ưa luận vì luận thì đi nghe Bụt ở... Tây phương, còn ai thích luận vì thơ thì đây tiếng "Bụt chùa nhà"!

*

"Chúng ta ngày nay có dịp tiếp xúc với nhiều lý luận văn nghệ của các nước (...) điều ấy rất bổ ích cho sự nghiên cứu, tìm tòi của chúng ta. Nhưng thiết tưởng cũng cần tìm hiểu (...) những suy nghĩ, những tổng kết của cha ông về văn học, nghệ thuật. Chả lẽ bụt chùa nhà thì cứ phải kém thiêng!". "Cha ông" mà Huy Cận nói đây là một người xưa nào đó từng phát biểu rằng "Văn chương là tiếng chim gọi đàn". Đối với bây giờ, Huy Cận chính là "cha ông". Vậy ta hãy chú ý lắng nghe "Bụt" này "thuyết thơ".

"Người nghệ sĩ phải tự tạo luôn luôn thì mới sáng tạo được tác phẩm (...) tự nhào nặn mình qua hành động trong cuộc sống và (...) qua lao động nghệ thuật nữa. Chính lao động nghệ thuật ấy tiếp tục sáng tạo ra nội dung, sáng tạo ra tâm hồn. Không phải rằng lúc ta đến bàn viết (...) là ta đã có sẵn, hoàn chỉnh, tác phẩm trong đầu và chỉ còn cái việc thể hiện ra (...). Trăm lần không phải như vậy! Lúc anh ngồi vào bàn (...) anh chỉ mới có cái "khung", chỉ mới có một niềm xúc động (...) anh còn phải lao động đổ mồ hôi (...) để cho niềm xúc động ấy đầu thai (...). Anh còn phải vật lộn trầy xương với cái vật chất của chữ (...) làm cho cái vật chất ấy chịu nói cái tâm hồn mà anh cảm thấy đang hình thành, mà không có vật chất ấy thì cái tâm hồn kia cũng không hình thành được (...) Một nhà phê bình (...) thường đơn giản hoá vấn đề đi, không thâm nhập vào quá trình biện chứng của việc sáng tạo nghệ thuật, cho nên không bắt được phép biện chứng của sự sáng tạo". Nghệ phẩm có xác và hồn. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, xác và hồn cùng lớn lên với nhau, ảnh hưởng qua lại. Chứ không phải là hồn đã lớn sẵn từ đầu và trơ trơ trong khi nghệ sĩ làm xác. Một cảm nghĩ hết sức mơ hồ chợt hiện ra thành vài câu thơ rất đỗi vu vơ. Những câu thơ đầu tiên ấy giúp cảm nghĩ trở nên rõ ràng hơn một chút, hiện ra thành những câu thơ bớt vu vơ hơn một chút, rồi những câu thơ mới này lại giúp cảm nghĩ trở nên rõ ràng hơn chút nữa v.v... Nghệ sĩ sáng tạo, không phải chỉ làm xác mà làm cả hồn!

"Các cụ ta ngày xưa thường nói "thơ ca di dưỡng tinh thần". Đúng lắm! (...) (Thơ giá trị chứa) một trạng thái tâm hồn (...) cởi mở, thư thái mà sôi nổi, hào hứng mà lắng trong, một trạng thái toàn diện trong đó ý và tình đều như đang sinh ra, đang nhú lên, tình đang đọng thành ý, ý còn mang tất cả cái rung động của tình, một trạng thái tinh khôi, sáng tạo (...). Đúng là một chất di dưỡng cho tâm hồn (...). Một bài thơ hay là một cơ thể sống trong đó ý và tình, cảm giác và cảm tưởng, chữ và nhịp, hình tượng và nhạc điệu, tất cả đều tồn tại trong một thể thống nhất, gây thành một xúc động thống nhất, toàn diện (...). Cho nên có những điều kỳ lạ, tưởng như mâu thuẫn, lúc nhà thơ đang làm thơ và lúc độc giả đang đọc thơ, đang hưởng thơ. Ví dụ: làm hoặc đọc một bài thơ về đau khổ (...). Theo lý luận thông thường thì lúc đó nhà thơ hay người đọc thơ phải ở trạng thái đau khổ (...) Nhưng không! Nhà thơ làm thơ về đau khổ trong một trạng thái tâm hồn hào hứng, trong một trạng thái trái đang chín cây. Người đọc thơ di dưỡng tinh thần với trạng thái ấy, mặc dù người làm thơ có thể mang nỗi đau khổ trong đáy tâm hồn mình". Làm hay đọc một bài thơ hay, đều được sướng. Nhưng người làm thơ sướng nhiều hơn người đọc thơ. Vì ngoài cái sướng trong tư cách một người đọc bài thơ đã làm xong (thi sĩ cũng là một độc giả của thơ mình), người làm thơ trước tiên có cái sướng trong khi sáng tạo. Ồ, trông thấy tận mắt một cảm nghĩ hết sức mơ hồ nhờ sự cố gắng và năng khiếu của mình mà hiện ra thành lời, lời dẫn, chín dần thành một bài thơ giá trị, sướng để đâu cho hết! Kẻ trồng cây sướng hơn người chỉ ăn quả, như thế cũng là lẽ công bằng.

"Rung động (...) làm ra nghệ thuật (...) cùng loại với rung động của tình yêu. Bắt đầu yêu là một niềm xao động, bắt đầu của một tứ thơ cũng là một nỗi niềm, mà tôi muốn gọi là nỗi - niềm - tinh - vân. Bắt đầu chưa có câu, chưa có lời, thậm chí chưa có tứ cụ thể. Câu sẽ đến sau, lời sẽ đến sau. Nhưng trước hết là một nỗi niềm ùn ùn trước ngực, rạo rực tâm hồn. Bắt đầu là tinh vân, tinh vân đọng lại mới hình thành mặt trời, mặt trăng và các hành tinh... Từng câu, từng lời cũng như những hành tinh, mặt trời, mặt trăng đọng lại từ tinh vân nguyên thuỷ. Thưởng thức thơ là phải biết sống lại quá trình ấy, quá trình từ nỗi - niềm - tinh - vân đọng lại dần thành từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ. Biết sống lại quá trình tác tạo ra một bài thơ là "hiểu", là xúc động thơ từ bên trong một cách biên chứng (...). Nỗi - niềm - tinh - vân (...) là do một quá trình tích luỹ lâu dài (...) của người làm nghệ thuật mà có (...) tích luỹ vốn sống (...) tích luỹ hình tượng nó là tín hiệu sống (...) Tích luỹ càng giàu, càng nặng thì nỗi - niềm - tinh - vân càng phong phú (...) muôn vẻ, muôn màu, bồi hồi sự sống". "Nỗi - niềm - tinh - vân", so sánh hay và đẹp quá! Nhưng khi Huy Cận bảo "Thưởng thức thơ là phải biết sống lại (...) quá trình từ nỗi - niềm - tinh - vân đọng lại dần thành từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ", thì e rằng ông đã đòi hỏi quá nhiều nơi người thưởng thức. Chẳng những độc giả không tài nào "sống lại" quá trình sáng tạo của thi sĩ, mà chính thi sĩ có lẽ nói chung cũng khó thực sự sống lại được cái quá trình sáng tạo một bài thơ nào đó của mình! Lần trước nói thi sĩ sướng nhiều hơn độc giả vì đã sướng ngay từ lúc còn đang sáng tạo. Lần này xin nói thêm rằng cái sướng "đầu tiên" ấy có lẽ nói chung chỉ hưởng được có đúng một lần. Trong khi cái sướng thưởng thức bài thơ làm xong thì cứ mỗi lần đọc lại là mỗi lần hưởng lại! (Bài thơ làm xong như đoá hoa nở; ta có thể thưởng hoa mà không biết gì về quá trình nở của hoa thì ta cũng không thể thưởng thức thơ mà không biết gì về quá trình ra đời của thơ).

"Sự đầu thai của một tứ thơ vào một thể loại thơ, vào những hình tượng thích ứng, đó là một quá trình hào hứng và rộn rực, có khi dằn vặt (...) Không phải tứ thơ nào cũng có thể khuôn vào bất cứ hình thức, thể loại nào (...) Xác và hồn, hồn và xác của một bài thơ quyện nhuyễn vào nhau làm một (...). Nội dung quyết định hình thức, có nghĩa là phải tìm cho ra hình thức thích hợp để cho nội dung đầu thai thành máu thịt của tác phẩm (...). Nội dung của tác phẩm nghệ thuật không chỉ là ý, mà là cả một tổng thể xúc động của tác phẩm". "Hồn và xác của một bài thơ quyện nhuyễn vào nhau làm một"... Chợt nghĩ tới chuyện dịch thơ. Hai cái quyện nhuyễn làm một, nên hễ đụng tới cái này là đụng luôn tới cái kia, mà dịch là đụng hết sức mạnh tới xác, là thay hẳn xác, tức không đừng được cũng là thay hẳn hồn. Vậy bài thơ dịch không có chút liên hệ gì với bài thơ nguyên tác hay sao? Không hẳn như thế. Hồn của một bài thơ là một "tổng thể xúc động' trong đó có tứ. Bài thơ dịch có liên hệ với bài thơ nguyên tác vì hồn của nó chứa tứ của nguyên tác.

"Trong câu thơ, mỗi chữ (...) thấm nhuần cái sức xúc cảm của chữ bên cạnh (...) chữ trước nó và chữ sau nó toả điện vào nó, biến nó thành một nghĩa mới, mang cảm xúc mới (...). Sở dĩ có hiện tượng truyền điện như vậy là do có một luồng điện, tức là (...) hồn thơ nó chạy suốt qua câu thơ. Vì vậy (...) có một độ tối ưu (...). Nếu tham nhét nhiều (...) nhiều tính từ quá (...) thì tăng điện trở (...) luồng điện thơ không qua được. Cũng vì vậy mà trạng từ có vai trò đặc biệt, trạng từ có sức dẫn điện cao. Vì sao? Phải chăng trạng từ nói lên dáng dấp của sự vật, dáng dấp của tâm hồn (...). Khéo dùng trạng từ thì câu thơ dễ truyền đạt cho ta trạng thái tâm hồn thông qua trạng thái sự vật. "Nao nao dòng nước uốn quanh, nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bác ngang. Sè sè nấm đất bên đàng, rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh". "Nao nao", "sè sè", "rầu rầu", vẽ lên dáng dấp rất khó tả của buổi chiều thanh minh và nàng Kiều lần đầu tiên gặp bóng dáng của số mệnh (...). "Động phòng dìu dặt chén mồi, bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa" (...) Dáng dấp của tâm hồn chàng Kim nhớ mối tình đầu với nàng Kiều trong buổi sum vầy trở lại (...) chỉ cần hai trạng từ là nói được đầy đủ. Những chữ mà Huy Cận gọi chung là "trạng từ" thực ra thuộc hai nhóm từ khác nhau[7]. "Nao nao" là từ cụ tượng hữu cảm, vì nó diễn vừa trạng thái sự vật vừa trạng thái tâm hồn của người nhìn sự vật. Trong khi "bâng khuâng" là từ trừu tượng cảm xúc, vì nó không liên hệ vật cụ thể nào cả mà chỉ chứa tâm trạng. Những từ trong hai nhóm vừa nói nếu người làm thơ biết dùng thì sẽ có "hiệu quả (...) vô cùng lớn lao" đối với giá trị nghệ thuật của câu thơ. Từ lâu tiếng Việt đã hết sức giàu những từ ấy. Vật liệu thơ đã sẵn sàng, chỉ cần chờ... Nguyễn Du múa bút khiến chúng kết lại với nhau thành tuyệt phẩm văn chương!

"Trí nhớ cũng cần cho sáng tạo văn học, vì trí nhớ (...) tích luỹ vốn sống, chất liệu của nghệ thuật (...) Có hai (...) cách nhớ: Một là nhớ các sự việc (...) (Hai là) nhớ trạng thái tâm hồn của chính bản thân tác giả lúc sự việc (...) đang xảy ra (...). Có lẽ cách thứ nhất cần nhiều cho người viết tiểu thuyết, và cách nhớ sau cần cho người làm thơ nhiều hơn (...). Lúc làm bài thơ là lúc phải sống lại đầy đủ xúc động của tâm hồn (...) Khó tưởng tượng một nhà thơ làm thơ tình yêu bằng cách mở các "ký hoạ" về tình cảm (...) Rèn luyện trí nhớ (là) làm cho quá khứ luôn luôn sống trong (...) tâm hồn". Có lẽ có thể nghĩ như thế này: Đối diện thực tại, giác quan thu hình ảnh rồi tâm hồn nảy sinh ấn tượng về hình ảnh. Nhớ có thể là nhớ hình ảnh, có thể là nhớ ấn tượng, có thể cả hai. Làm nghệ thuật cần ấn tượng. Nếu quên ấn tượng mà còn hình ảnh (trong trí nhớ hoặc sổ tay, tập ảnh), có thể tập trung hồi tưởng hoặc đem ra mà ngắm để cố nhớ ấn tượng. Nếu mãi vẫn không nhớ đã cảm thấy thế nào cả, thì đành không làm được nghệ thuật. Kể ra, trên nguyên tắc, ta có thể quên hẳn ấn tượng cũ nhưng lại nảy được ấn tượng mới...

2012

 

*

Trong số các thi sĩ Việt Nam nổi tiếng, Chế Lan Viên hay nghĩ nhất.

Rất tự nhiên, nhà thơ đặt câu hỏi: Liệu nghĩ có nên được thơ không? Và tự trả lời: Tại sao không? Và tiến hành làm rất nhiều thơ giá trị mà nội dung chứa thuần nghĩ ngợi.

Thơ chứa nghĩ của Chế Lan Viên được chú ý quá, khiến có lẽ ta gần như quên rằng ông cũng có khá nhiều lần phát biểu những nghĩ ngợi độc đáo của mình ra bằng cách như mọi người, tức là bằng thứ lời không phải thơ.

Thi Sĩ Của Trí Tuệ trầm tư về đủ thứ cái và đủ thứ chuyện. Sau đây là một số phát biểu về thơ và việc làm thơ, bằng lời thường[8].

*

"Bất cứ thơ nào cũng là để đi đến trái tim người". Lời thơ có nghĩa, nên thơ ít nhiều phải đi qua óc. Nhưng thơ đích thực không dừng lại ở óc, mà tiếp tục "đi đến trái tim người". Thơ qua óc, để lại chút nghĩa làm kỷ niệm! Thơ đến lòng, để lòng ôm lấy lời thơ mà rung động miên man.

"Khi ta nói cô diễn viên kia đóng kịch rất hồn nhiên, nhờ cô đã tập vất vả hàng trăm lần, thì ai cũng đồng ý. Nhưng khi nói về thơ, thì người ta cứ muốn nhà thơ, mở miệng ra là thành thơ... vọt một cái thành thơ". Tại sao thế nhỉ? Tại sao lại có cái nếp nghĩ rằng diễn viên đóng "nên kịch" phải vất vả còn thi sĩ làm "nên thơ" thì chỉ cần... vọt miệng?! Có lẽ vì đa số dễ dàng hình dung được cái "công phu" mà diễn viên phải bỏ ra để hoá thanh thần nhân vật, trong khi rất ít người thấu hiểu cái quá trình sáng tạo một bài thơ. Đa số xem thơ như châu ngọc nằm sẵn trong bụng nhà thơ, chỉ chờ được phun ra! Làm gì có ai có châu ngọc sẵn. Con trai dưới biển phải chịu một vết thương, rồi bồi đắp bao nhiêu năm mới có một viên. Loài người "ưu việt", nên hễ có khiếu thì thường "bồi" được nhiều "viên" hơn, nhưng từng viên cho đáng nên "ngọc thơ" vẫn là bao nhiêu vất vả.

"Trí tuệ làm cho thơ khô đi ư/ Anh ngỡ chất liệu sống mà nhồi nhét không đúng cách vào thơ, không làm chết thơ đi đấy chắc? (...) Đừng có nói trái tim cao hơn bộ óc!". Hồn của thơ cứ gì phải là cảm xúc. Chế Lan Viên ưa nghĩ và hay lấy những cái nghĩ của mình ra làm thơ. Rõ ràng thơ chở nghĩ vẫn có thể "ướt", "sống". Miễn có tài thơ, thì trí tuệ cũng nên thơ!

"Trong lúc sáng tác ta đừng tìm cách để "lộ" cái ta ra, cũng đừng tìm cách "giấu" nó. Cứ tự nhiên, hồn nhiên (...) Thế rồi trong khi ta ngỡ là chỉ (...) thì ta đã vô tình (...) cả ta trong ấy". Có tự nhiên, hồn nhiên, thì mới nhập được chính mình vào trong nghệ phẩm. Nghệ phẩm giá trị, lột được tinh thần của cái gì đó, thực ra là nhệ phẩm nhập được chính tác giả vào trong nó.

"Nội dung quyết định hình thức là vật lộn cùng hình thức để nói được nội dung". Nói về thơ thì cuộc "vật lộn cùng hình thức" bắt đầu với việc chọn thể thơ. Tứ quyết định thể... Nhưng tứ hoàn chỉnh đã có đâu?! Thoạt tiên, nhà thơ chỉ mới có một bào thai tứ. Thiết tưởng trên thực tế kết quả chọn hình thức thường tuỳ thuộc vào: hoặc trạng thái tâm hồn nhà thơ lúc đó, hoặc gợi ý tình cờ lúc đó, chẳng hạn nhà thơ vừa đọc xong mấy bài lục bát nên thể lục bát đang nổi bật nhất trong lòng, hoặc quyết tâm nào đó, như nhất định dịch thơ Đường thành thơ lục bát để so chơi! Dĩ nhiên sau khi làm xong bài, hay được một số câu, nhà thơ có thể cảm thấy chọn lựa hình thức ban đầu là không ổn, và quyết định làm lại theo hình thức khác. Còn điều này nữa. Đành mỗi thể thơ có một phong cách riêng. Nhưng cái sức diễn của mỗi thể nó vẫn luôn bất ngờ. Cứ thử làm theo thể ấy đi, biết đâu sẽ làm nên một bằng chứng về độ linh động của nó đấy. Như song thất lục bát ta quen nghĩ là chỉ thích hợp để diễn một tâm trạng (của cung nữ, chinh phụ v.v...), nhưng Tỳ bà hànhTrường hận ca cơ bản là kể chuyện, thế mà Phan Huy Vịnh và Tản Đà dịch ra song thất lục bát, vẫn hay tuyệt!

"Nhất dáng, nhì da, thứ ba khuôn mặt (...). Thơ cũng vậy. Trước hết phải đẹp toàn bài. Phải được toàn bài. Phải có ý của toàn bài. Toàn bài phải nhằm cái gì đã rồi mới nói đến câu. Một bài thơ mà ghép nhiều câu hay lại chưa chắc đã là một bài hay (...) thơ phải được tổng thể, hay tổng thể đã rồi mới bàn đến câu. Nó như cái dáng chung của người đẹp (...). Tổng thể bài thơ như cái quạt thì câu thơ như cái nan quạt và tứ thơ như cái đinh găm các nan quạt lại. Không có cái đinh (...) thì (...) không thành quạt". So sánh cái nọ với cái kia bao giờ cũng chỉ đại khái. Chớ nên thắc mắc "khuôn mặt" của thơ nó ở đâu, hay nếu nan quạt là câu thơ, đinh găn là tứ thơ, thì giấy phát quạt là cái gì của thơ?

"Chúng ta rất mừng khi thấy một nghệ thuật nào đó có gốc rễ sâu trong quá khứ dân tộc. Nhưng nghệ thuật cũng như cái cây vậy, nếu rễ ăn sâu nhưng cây đã ruỗng đã già thì có nghĩa gì. Theo tôi, không phải cái gì cổ nhất thì dân tộc nhất (...). Dân tộc, theo tôi nghĩ, cũng không bắt buộc là phải xuất xứ, sinh sản ngay từ trong dân tộc ấy (...) Ta hay nhầm lẫn "vin vào cái gốc", "giữ vững cái gốc", với "bo bo lấy gốc". Bo bo lấy gốc thì không tiếp thu cái mới, tiếp thu hiện đại được! Mà "mới", "hiện đại", là nhu cầu cấp thiết của tất cả mọi (..) nghệ thuật nào muốn tồn tại". Giữ cũ hay không?... Nhận mới hay không?... Dù chính trị hay nghệ thuật hay bất cứ, chỉ là băn khoăn lý thuyết! Thực tế là không có nhà nước nào có thể thực sự quyết định hướng đổi của văn hoá tinh thần. Duy nhất độ chênh trong điều kiện vật chất giữa ta và người quyết định mà thôi. Nếu vật chất người hơn ta, thì vừa người bắt được ta theo tinh thần người vừa chính ta tự nguyện theo. Lúc đầu sự đồng hoá là do người và do ta, nhưng chẳng bao lâu vì môi trường ta mỗi ngày mỗi thêm giống môi trường người, sự đồng hoá sẽ còn xảy ra cách tự nhiên, hoàn toàn ngoài ý thức của bất cứ ai. Không đừng được, ta sẽ hoá một về tinh thần với người hơn ta về vật chất. Ai chả mong thành tiên. Nhưng thiết tưởng đến năm 2013 thì cơ sợ đã rõ ràng. Nhân loại đang hoá Tây để thành... quái!

"Chúng ta phải thắng một cái hồn nhiên thấp để đến một cái hồn nhiên cao hơn, thứng một cái hồn nhiên cũ để đến một cái hồn nhiên mới". Nghệ thuật phải hồn nhiên. Muốn hồn nhiên phải tránh tính toán. Thơ Việt Nam từ vè lên đến Kiều là nhờ các cụ ta xưa kia đã cảm thật nhiều mà tính toán thật ít. Khá lâu sau Nguyễn Du, người Việt Nam vẫn cơ bản chủ cảm nên vẫn tiếp tục có thơ hay. Thơ hay về sau khác chứ không cao hơn Kiều. Khỏi ai bây giờ bận tâm tìm cách vượt Kiều. Bây giờ ta bắt chước Tây tính toán như điên. Không ra nổi thơ đúng nghĩa đâu, nói chi thơ hay.

"Làm thơ với trái tim, với chất sống, không đủ. Phải có văn hoá nữa". Miếng ngon là cả một truyền thống ẩm thực chứ đâu phải chỉ là thịt. Thơ hay là cả một truyền thống thơ chứ đâu phải chỉ là "trái tim", "chất sống".

"Một nhà thơ tồi nhất cũng có thể có một câu thơ hay". "Một con én không làm nên mùa xuân". Nhưng gặp mùa thì cứ vào đi, không thấy xuân, biết đâu thấy én (một con). Nói vậy, chứ đã biết "nhà" ấy thuộc loại "tồi nhất" mà đụng thơ của "nhà" vẫn cố đọc vì mong thấy được một câu hay, thì cần phải là người chịu khó lắm.

"Văn xuôi (...) phản ánh được nhiều mặt (...) Thơ (...) bé nhưng là bé hạt tiêu". Thơ "bản thân là sự sống" (Xuân Diệu). Trong khi văn xuôi diễn cách nhìn sự sống. Đằng gợi trực tiếp bằng lời, đằng gợi bằng cái "nhiều mặt" mà lời vẽ ra.

"Muốn có thơ hay thì phải sống, phải trải, phải chiêm nghiệm (...) Nghĩa là cái đầu vào phải nặng, phải khá. Chớ suốt ngày trà lá nói dóc, tán phét mà đòi thơ hay thì không có đâu (...) Con ong (...) cho đời (...) mật, còn con nhặng (...) có khi cũng hao hao giống con ong (...) bay qua cả một mùa hoa cũng chẳng làm được trò trống gì, có khi lại làm thối hoa ra cũng chưa biết chừng". Ờ nhỉ, nghệ sĩ như con ong. Xuân Diệu say sưa "hút nhuỵ của mỗi giờ tình tự", rồi làm ra thứ "mật thơ" đọc rất dễ say... Mỗi khoảng thời gian sống, có thể một cái hoa! Thời gian sôi nổi tình tự với "em", thời gian rạo rực cảm nghe đất trời, thời gian đau đáu nhớ quê, thời gian dạt dào yêu nước, thời gian rưng rưng trước bất hạnh v.v..., hiển nhiên đều hoa cả. Nhưng thời gian uống rượu quay thìa ở Khâm Thiên, thời gian nằm canh ngọn đèn dầu lạc, thời gian đi thăm dân cho biết sự tình v.v..., cũng hoa chẳng kém, như Nguyễn Tuân tiền chiến đã chứng tỏ bằng thứ "mật văn xuôi' đẹp đẽ độc đáo...

Trời sinh làm ong

Thì anh phải bay tìm hoa hút nhuỵ

Không phải để về ngủ kỹ

Mà để trăn trở, thao thức, tìm cách

biến tinh tuý của hoa

thành tinh tuý của mình

Giọt nhuỵ trót vào rồi

Phải làm sao cho ra giọt mật, nhé anh.

Nguồn: Tạp chí Thơ HNV

 

 

 

 

[1] Tất cả các chỗ trích dẫn lời Xuân Diệu đều từ:

- Các nhà văn nói về văn, NXB Tác phẩm mới, 1985

- Ba thi hào dân tộc (Xuân Diệu viết), NXB Thanh niên, 2000.

[2] Xem bài Tương lai từ vựng tiếng Việt và bài Tương lai ngữ pháp tiếng Việt của TT.

[3] Xem Lời thơ vào tập Gửi hương ở đầu tập Gửi hương cho gió của XD.

[4] Phạm Quỳnh, "Luận về quốc học", Nam Phong, số 163, 6-1931.

[5] Thơ Tố Hữu: "Tiếng thơ ai động đất trời, nghe như non nước vọng lời nghìn thu".

[6] Tất cả những đoạn trích dẫn đề từ Tuyển tập Huy Cận III - Thơ và văn xuôi, NXB Văn học, 1995.

[7] Xem bài "Tương lai từ vựng tiếng Việt" của TT.

[8] Nguồn trích dẫn:

- Chế Lan Viên - Thơ văn chọn lọc, Sở Thông tin Nghĩa Bình, 1988.

- Các nhà văn nóiv ề văn, NXB Tác phẩm mới, VN, 1985.

- "Chế Lan Viên nói về thơ", báo Văn nghệ, số 15/11/2003.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *