Chân dung văn

30/5
10:12 AM 2016

TÁC GIẢ ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH: Nhà văn Hữu Mai

KHIÊM NHƯỜNG MỘT NHÀ VĂN ĐA TÀI

Nhà văn, Đại tá Hữu Mai (1926-2007) quê gốc ở TP Nam Định, nhập ngũ cuối năm 1946, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và có hơn 25 năm công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông đã xuất bản hơn 60 tác phẩm văn xuôi và tác giả kịch bản nhiều bộ phim truyện về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng… Hữu Mai đã được Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 1 (năm 2001), Huân chương Độc Lập hạng Nhì năm 2003 và vừa qua được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt năm 2016.

Khoảng 60 năm cầm bút, Hữu Mai đã để lại một gia tài tinh thần đồ sộ, trong đó có những tác phẩm không chỉ đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tài năng Hữu Mai mà còn để lại dấu ấn đậm nét trong sự phát triển chung của văn học Việt Nam về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Ba cuốn tiểu thuyết được chọn đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này chỉ là một phần trong gia tài văn học của Hữu Mai, được xuất bản vào những năm cuối đời của tác giả: Tiểu thuyết Đêm yên tĩnh (2002) đã đoạt liền 2 giải A của Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Tiểu thuyết Người lữ hành lặng lẽ (2003) với nguyên mẫu nhân vật là cố Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Đạo. Đặc biệt, Không phải huyền thoại (2007) là cuốn tiểu thuyết văn học đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xuất bản sau khi tác giả đã qua đời, đã được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng Bằng khen cho Tác phẩm xuất sắc về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, đến nay đã tái bản lần thứ 9…

Vợ chồng nhà văn Hữu Mai (ảnh chụp năm 2003, do gia đình cung cấp)

Là ngẫu nhiên hay có “duyên số” gì với anh, khi mới 13-14 tuổi, vài năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, tôi đã đọc một vài truyện ngắn của Hữu Mai đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội – đặc biệt hơn là tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng (1960). Thời ấy, tôi còn trẻ lắm, chỉ biết và nghe về chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Vì yêu văn học, nghe tin có cuốn sách gây xôn xao dư luận, tôi tìm đọc. Một chân trời hiểu biết hoàn toàn mới mở ra trong trí óc non trẻ của tôi lúc đó. Khoảng 7-8 năm sau, khi là cán bộ giảng dạy lý luận văn học ở khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có thêm nhiều hiểu biết về văn học, trong các bài giảng của mình, tôi đã đặt Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai cùng với Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Sống mãi với Thủ đô  của Nguyễn Huy Tưởng, Trước giờ nổ súng của Lê Khâm... vào trong số những tiểu thuyết (cùng ra đời những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX) là những tác phẩm thể hiện bước tiến vượt bậc tư duy sáng tạo của nhà văn Việt Nam trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam hiện đại. Không còn kể tả lại đơn giản, một chiều các sự kiện, biến cố chiến tranh, hành động của con người trong chiến tranh mà là sự nỗ lực đào sâu vào hiện thực đó để tìm ra những vấn đề, trả lời những câu hỏi lớn về số phận dân tộc, số phận con người trong chiến tranh. Cao điểm cuối cùng là tiểu thuyết như vậy. Chiến công hiển hách gắn liền với những hy sinh, mất mát đến tột cùng. Người lính gục ngã hay đứng vững trong trận đánh khốc liệt cuối cùng đi đến chiến thắng? Cái giá phải trả cho chiến thắng là như thế nào?...

Những năm đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cả nước trở  thành chiến trường. Trận địa phòng không dày đặc. Bỗng có tin ta đã có máy bay chiến đấu, phi công Việt Nam sẽ cất cánh không chiến với “giặc lái” Mỹ. Cả nước sung sướng đến bàng hoàng như một giấc mơ, như chú bé làng Gióng vụt trở thành dũng tướng ra trận, như cảm giác Việt Nam “rũ bùn, đứng dậy sáng lòa”. Hồi ấy, ngay khi máy bay Mỹ đang ném bom, nhiều người đã vọt ra khỏi hầm trú ẩn khi biết tin phi công ta đang đọ sức với máy bay Mỹ. Chúng tôi reo hò quên hẳn nguy hiểm và cái chết đang rình rập. Mọi người nghĩ đến các anh phi công với sự ngưỡng mộ và sự tin yêu vô bờ. Trong tâm thế chung ấy của cả dân tộc, thầm lặng và chân tình, Hữu Mai trở thành người bạn thân thiết của đơn vị không quân anh hùng và năm 1971 anh cho ra đời tiểu thuyết Vùng trời (tập 1) – tiểu thuyết đã đáp ứng được khát khao tình cảm và mong được hiểu biết của công chúng về vẻ đẹp, sự anh hùng, những hy sinh và cả cuộc sống đời thường của những phi công Việt Nam. Chất sử thi, chất lãng mạn được thể hiện bằng giọng văn bình dị, từ tốn, không khoa trương, không lên gân. Tình yêu và chiến đấu, cái cao cả và cái đời thường bình dị trong cuộc đời của những phi công Việt Nam, trong tình yêu đôi lứa của họ, giữa Quỳnh và Hảo, giữa Đông và Thùy... là những khám phá nghệ thuật mới mẻ, đáp ứng tâm thế xã hội thời đó, không một sự ép buộc hay mệnh lệnh nào đòi anh viết như vậy. Sau này, nghĩ về nghề văn, Hữu Mai viết chân thật đến ngạc nhiên: “Tôi chỉ mong ghi lại một cách trung thực, càng nhiều càng tốt, những gì đã biết về một thời kì lịch sử hiếm có, rất đẹp, rất phong phú của dân tộc mà mình đã may mắn vừa là nhân chứng vừa là người trong cuộc. Tôi có ít tham vọng văn chương vì thế hệ chúng tôi không đủ thời gian để làm công việc này”. Đó là tâm sự gan ruột của anh. Và cả đời văn của mình và anh đã đi theo hướng đó.

Năm 1975, tôi về phòng Văn hóa-Văn nghệ quân đội, anh Hữu Mai ở tạp chí Văn nghệ quân đội, đều cùng ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế-Hà Nội. Thỉnh thoảng gặp anh, tôi chỉ chào và nghĩ về anh như một “ẩn số” đối với tôi, một người đang tập viết phê bình văn học. Ba năm sau, anh được điều sang làm Trưởng phòng của tôi và từ đó, anh trở thành người bạn lớn tuổi nhưng gần gũi và thân thiết như anh em của tôi. Những “ẩn số” về anh dần được giải đáp. Hầu như anh không kể về công việc sáng tác của mình. Hỏi gặng, anh chỉ cho biết: Hàng tuần, anh đến gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp một buổi để ghi chép lời kể của ông. Có lần, anh đi với anh Vũ Ngọc Nhạ-sĩ quan tình báo nổi tiếng của quân đội ta-vào phòng văn nghệ, nói chuyện phiếm ít phút. Rồi năm 1983, anh anh được điều sang Hội nhà văn Việt Nam. Công việc củng cố tổ chức Hội, mở rộng hoạt động của Hội thật bề bộn. Không hiểu anh lấy từ đâu thời gian, sức lực, sự kiên trì, cần mẫn và cả sự tỉnh táo, vừa nghe kể chuyện vừa phải sưu tầm những tập tài liệu khổng lồ, trong đó không ít tài liệu nội bộ để có được những tác phẩm ghi chép chân thật, chính xác, vừa cụ thể đến từng chi tiết, vừa có tầm khái quát chiến lược khi viết những hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng cộng 6 tập với mấy nghìn trang sách. Đây là công trình vô giá không chỉ về vị tướng tài ba lỗi lạc của quân đội ta, mà qua đó, tái hiện lại những bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc để đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cũng như vậy, trong mấy năm công tác với tư cách Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa III, khóa IV), vừa từ tốn, mềm dẻo mà không kém phần kiên quyết khi giải quyết công việc Hội; vừa thầm lặng, khiêm nhường, hầu như không nói gì đến công việc sáng tạo của mình, anh đã cho ra đời tiểu thuyết hấp dẫn 3 tập Ông cố vấn và tập 1 tiểu thuyết  Đất nước với dự định lớn lao là tái hiện toàn cảnh cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc từ chống Pháp đến chống Mỹ. Cùng thời gian đó, các kịch bản văn học: Hoa ban đỏ, Ông cố vấn... của anh được dựng thành phim (sau này anh còn viết các kịch bản phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông; Cao điểm cuối cùng). Sức hấp dẫn của Ông cố vấn, đúng như tâm sự của Hữu Mai, là ở chỗ bằng tài năng của mình, anh đã “ghi lại một cách trung thực về một thời kì lịch sử hiếm có”. Với tác phẩm này, cái huyền thoại với những chiến công “kỳ lạ” của tình báo Việt Nam đã được miêu tả trong sự bình dị đến khó tin, song đó là sự thật. Và cũng với tiểu thuyết này, năm 1989, Hữu Mai trở thành thành viên của Hiệp hội quốc tế những nhà văn viết truyện trinh thám (AIEP).

Với sự tích lũy vốn sống từ nhiều kênh như vậy, Hữu Mai sở hữu một tài sản vô giá để viết, để sáng tạo. Xin kể hai chuyện nhỏ: Cuối năm 2003, tôi được phân công làm chủ biên tổ chức và biên tập bản thảo Hồi ký về Điện Biên Phủ để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng vĩ đại này. Cùng làm việc trên với tôi có nhà văn Hữu Mai, một số nhà nghiên cứu lịch sử quân sự và cả một vài tướng lĩnh. Chúng tôi sưu tầm, lựa chọn, biên tập để mong có một tập hồi ký đầy đặn, chân thật và phong phú, nói được mọi mặt của chiến dịch này. Làm việc vất vả, công phu và cả trao đổi, tranh luận sôi nổi, nhưng công việc vẫn ngổn ngang. Tôi có phần lo lắng. Một hôm, anh Hữu Mai ôm vai tôi nói vui: “Dũng cứ yên tâm, tớ sẽ làm thư ký cho cậu”. Mấy hôm sau, Anh chuyển cho tôi một tập bản thảo dày khoảng 800 trang (khổ A4), vi tính đẹp đẽ, chú thích đầy đủ, sắp xếp khoa học. Chúng tôi chia nhau đọc lại, song thực ra chẳng cần phải sửa chữa gì nhiều, đã là một bản thảo hoàn chỉnh. Tôi nhớ mãi việc đề nghị anh đứng tên chính trong những người tổ chức bản thảo nhưng anh chỉ cười: “Có tên tớ đứng cùng các anh em là vui rồi…”. Hữu Mai – một nhân cách khiêm nhường, một người lao động sáng tạo thầm lặng!

Chuyện thứ hai: Trước và sau Hữu Mai, đã có nhiều tác phẩm viết về 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội cuối năm 1946, đầu năm 1947. Là người trong cuộc (anh là tự vệ chiến đấu bảo vệ Hà Nội những tháng ngày đó), là người tiếp xúc, phỏng vấn những người có mặt ngày đó và đặc biệt, là người dày công sưu tầm, nghiên cứu công phu các tài  liệu lưu trữ còn để lại, Hữu Mai nghiền ngẫm, trăn trở khi bắt tay tái hiện lại cuộc chiến đấu có một không hai đó, sau gần 40 năm nhìn lại. Năm 1984, tiểu thuyết  Đất nước  (tập 1 với tên Những người tình nguyện) ra đời. Anh dành hơn 200 trang của tiểu thuyết viết về 60 ngày đêm chiến đấu trên. Khác với một số tác phẩm cũng viết về đề tài đó, Hữu Mai không đưa người đọc vào hoàn cảnh của những trận quyết chiến dữ dội, khốc liệt với những chiến công vang dội. Anh cũng không lãng mạn hóa cuộc chiến đấu vốn rất bình dị ấy bằng những từ ngữ hào nhoáng , bóng bẩy làm cho người đọc ngộ nhận sai lệch về một sự thật lịch sử vốn rất độc đáo, song cái độc đáo xuất phát từ chỗ, cuộc chiến đấu ấy không nằm trong  một khuôn mẫu, một mô hình có sẵn nào. Cuộc chiến đấu xuất phát từ lòng yêu nước, mọi sáng tạo đến kỳ lạ trở nên bình dị không thể ngờ.

Đó là thành công, là sự khám phá của riêng của Hữu Mai nhờ cái vốn hiếm có đã tích lũy được và nhờ tài năng lớn của một nhà văn đích thực mà danh hiệu cao quý được Đảng, nhà nước, nhân dân và quân đội trao cho, như anh đã tự xác định với niềm tự hào sâu sắc: “Tôi thuộc thế hệ nhà văn – chiến sĩ. Chiến tranh chỉ dành đủ thời gian cho công việc người lính, còn văn chương thì chưa. Tôi mong giữ lại trên trang viết những gì mình đã biết, đã trải... Là người cầm bút, tôi đã được ưu đãi sống trọn vẹn một thời đại lịch sử của dân tộc với biết bao điều cần ghi lại”. Chính tâm thế, suy nghĩ đó đã tạo nên một Hữu Mai khiêm nhường, thầm lặng nhưng thật độc đáo và đa tài.

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG

 

   

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *