Chân dung văn

30/5
10:35 AM 2016

TÁC GIẢ ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH: Nhà thơ Thu Bồn

Như một cánh rừng nguyên sinh...

Nhà thơ Thu Bồn (1935-2003) tên thật là Hà Đức Trọng, quê ở Quảng Nam, tham gia Thiếu sinh quân từ năm 12 tuổi, từng trực tiếp chiến đấu trên nhiều mặt trận ác liệt ở miền Nam, BTV tạp chí VNQĐ trước khi nghỉ hưu. Ông đã xuất bản hơn 20 đầu sách văn học bao gồm nhiều thể loại, trong đó trường ca “Bài ca chim chơ-rao” đã được trao nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Vừa qua, ông đã được Bộ VH-TT-DL đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.

Trong một hồi ức, Thu Bồn kể rằng: Năm 1962, anh được cấp trên cử ra trạm Cà Tu-ranh giới giữa Lào và Kon Tum-đón nhà thơ Thanh Hải trên đường từ Huế vào Trung Ương Cục truyền đạt lệnh, nhưng phải ra ngay Hà Nội nhận công tác đặc biệt. Nhân đó, nhà thơ gửi bản thảo viết tay duy nhất của trường ca Bài ca chim chơ-rao, nhờ nhà thơ Thanh Hải mang ra Bắc. Mất hút mấy năm, mãi đầu năm 1965, khi được phái đến vùng ngã ba biên giới, chuẩn bị thời cơ để đánh bọn “kỵ binh bay” ở Plây-me, gặp một đoàn nhà báo từ miền Bắc vào, trong đó có nhà báo Đinh Phong mang theo phụ trương tờ báo Văn Nghệ từ năm 1964, in trọn vẹn Bài ca chim chơ-rao. Thế là: “Tôi mang tờ báo có bản trường ca, đi bộ suốt 15 ngày để đến với cái làng Đê-pa-pơ-lênh đã đẻ ra bản trường ca của tôi. Lũ làng ơi! Tôi kêu lên giữa nhà rông: Cái tờ giấy có mồm nói cho người cả nước cùng nghe bài ca của làng mình đây! Tôi hú lên. Bên kia vách rừng Pa-lơn-khơn vang vọng lại tiếng hú của tôi. Nhưng khi lũ làng kéo về, tờ báo có trường ca được mở ra, già làng muốn xé tờ báo cho mỗi người giữ một mảnh, thì B52 chụp xuống. Thế là trong phút chốc, cả nhà rông tan biến, tờ báo có mang theo Bài ca chim chơ-rao của tôi cùng với ba lô đồ đạc tan biến. Đau khổ hơn là máu của lũ làng đã đổ. Và những chiếc trực thăng như trồng ngược lên từ phía sau dãy núi bắn xối xả xuống làng buôn. Cuộc đụng độ của sư đoàn “kỵ binh bay” và quân chủ lực của ta đã bắt đầu. Lửa cháy rực cao nguyên. Sắt thép và máu tung tóe mười ngày đêm...

Lần ấy, nhà thơ suýt bị kỷ luật vì hành động tự do bột phát.. .

Kỷ niệm đó chỉ là một trong muôn vàn những hoàn cảnh và tình huống thật độc đáo mà chỉ có ở Thu Bồn. Đọc lại mấy tập sách sau khi ông mất, do bạn bè làm, có thể gặp nhiều nhân chứng sống cho các chặng đời hoạt động của nhà thơ. Hàng trăm người,từ nhiều ngành nghề và cương vị xã hội khác nhau, gặp nhà thơ ở nhiều thời điểm khác nhau, đều “chúng khẩu đồng từ” tôn vinh Thu Bồn là nhà thơ-chiến sĩ-hiệp sĩ hàng đầu trong thế hệ các nhà thơ kháng chiến. Nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung kể: “Thu Bồn cùng tập kết ra Bắc, rồi lại cùng về Nam với tôi. Chín đứa cùng về Mặt trận Khu 5 một đợt cuối năm 1961, thì bảy đứa hy sinh. Sau chúng tôi lại cùng về tạp chí VNQĐ, rồi lại cùng đi chiến trường K. Tôi được phong Thiếu tướng, Thu Bồn vẫn Trung tá khi về hưu. Nhưng anh không bận tâm chuyện đó, cứ mải mê sống, mải mê viết, và mải mê yêu...”.

Năm 2003, Nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công đã 92 tuổi, là Thủ trưởng của nhà thơ qua mấy mùa kháng chiến, nghe tin Thu Bồn mất, đòi dẫn đi viếng bằng được. Nét bút run rẩy, ông ghi hai dòng tâm huyết vào sổ tang: “Thu Bồn sống để chiến đấu và làm thơ. Thơ Thu Bồn sống mãi với nhân dân và người chiến sĩ.”

Một nhà văn cùng thời, đã viết: “Tôi được sống với Thu Bồn suốt thời chiến tranh chống Mỹ, anh vào chiến trường rất sớm, trước tôi gần một năm. Ngay cả việc đi vào cuộc chiến tranh của dân tộc, anh cũng rất vội, cứ như sợ không kịp! Ở chiến trường, Thu Bồn sống ào ạt, lao động ào ạt, viết ào ạt, yêu ào ạt… Ngay cả trong tình yêu nữa, anh như lúc nào cũng sợ như không kịp, không đủ. Anh chung thủy vô cùng và cũng thay đổi vô cùng! Trong lao động - lao động giữa chiến tranh và sau này trong hòa bình - anh nổi tiếng mạnh mẽ và tháo vát. Đi chiến đấu, Thu Bồn bao giờ cũng đòi có mặt ở mũi nhọn nhất… Và chính giữa những ngày tháng khó khăn gian khổ nhất ở chiến trường, anh viết Bài ca chim chơ-rao nổi tiếng. Xuân Mậu Thân 1968, ở sát ngay ngoại ô thành phố Đà Nẵng, trước đoàn quân hàng ngàn người sắp bước vào cuộc Tổng tấn công, anh đọc như thét vang: Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con/Như người yêu gọi người yêu xa cách... Cũng nhắc về bài thơ lịch sử này, ông Phạm Đức Nam, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, người từng biết nhà thơ từ thời kỳ chống Pháp qua chống Mỹ, khẳng định chắc nịch: Thu Bồn ngày nay vẫn y như Thu Bồn ngày xưa đánh Mỹ. Thơ Thu Bồn mạnh hơn một binh đoàn. Đó là bài thơ Đà Nẵng gọi ta, Thu Bồn viết trước cuộc xung trận Mậu Thân 1968. Chính ở những bước ngoặt đó, anh là người đi tiên phong mở đường và bao giờ cũng để lại những tác phẩm ghi dấu mốc lịch sử một cách chói sáng...

Từ phải qua: Nhà phê bình Ngô Thảo, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và vợ chồng Thu Bồn (Ảnh: ĐÌNH TOÁN)

Lần theo lý lịch từng tác phẩm (6 tập thơ, 10 trường ca, 10 tiểu thuyết...) và các bài viết có phần tự truyện, chúng ta thấy hiện lên một nhà văn với tầm vóc cao lớn, một sức làm việc đáng nể, một tài năng nhiều mặt... và quan trọng là một cảm hứng sáng tạo thường trực, mãnh liệt. Người ta thường ví những nhà văn lớn là những cây đại thụ. Nhưng hình như điều đó không đúng trong trường hợp Thu Bồn. Có lẽ sẽ đúng hơn, nếu coi Thu Bồn là một cánh rừng nguyên sinh. Không phải cây cỏ nào cũng quý, nhưng có nhiều những cây con quý hiếm mà không nơi nào có được. Thế giới thơ của Thu Bồn là một ví dụ. Thơ chiến đấu và đặc biệt các Trường ca hoành tráng, hào sảng, bi hùng, dữ dội (Bài ca chim chơ-rao; Quê hương mặt trời vàng; Ba dan khát; Cam-pu-chia hy vọng; Oran 76 ngọn; Người vắt sữa bầu trời; Chim vàng chốt lửa; Tiếng hú người Di-ô-loa; Hà Nội ngày nào…). Thơ về quê hương đất nước nồng nàn, thiết tha (Tre xanh; Mặt đất không quên; Tôi nhớ mưa nguồn…). Thơ thế sự sâu, đằm mà không bi quan. Thơ tình mặn nồng, hào hoa, thiết tha, say đắm (Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên; Tạm biệt Huế...). Nhưng là nói vậy thôi. Trong từng bài, từng tứ thơ, hình như tất cả quyện làm một. Từ một chi tiết nhỏ: Năm 1962, đi an táng cho một người du kích, đêm về anh viết bài thơ Em đắp mồ anh. Nhưng ngay khi báo cáo chỉ huy, anh bị buộc phải quay lại xóa nấm mộ vừa đắp, đề phòng kẻ địch phát hiện, nên câu thơ phải sửa lại: Khuya rồi em xóa mộ anh/ Ngang trời một ánh sao xanh dẫn đường. Bài thơ Mẹ, viết khi bà mẹ mà ông một đời xa cách vừa gặp lại mất: Quê hương bỗng trở thành khoảng trống lặng im/ Đường không hoa không gió không chim/… Mẹ không còn nữa ở trên đời/… Chẳng còn ai mỏi mắt đợi con về/ Con lớn khôn từ phía sông Hồng/Nghe gió bấc nhớ manh mền manh chiếu... Và thơ thế sự trong bài Hành phương Nam có cái hào khí của những tráng sĩ xưa, nhưng vẫn giàu tính hiện thực: Xưa kia tráng sĩ hề da ngựa/ Ta nay uống cạn mấy rừng mưa/ Độc huyền tráng sĩ xưa ca cẩm/ Ta ôm xích đạo gẩy vòng cung/ Môi hôn ngọn gió thơm hoa trái/ Núi cũng chiều ta đứng trập trùng/… Bơi qua biển lửa ta về lại/ Gọi Thái Bình Dương đến dạo đàn… Và hai khổ thơ gợi nhớ những ngày tháng vô cùng gian khổ của bộ đội chiến đấu ở chiến trường K: Có đêm tung súng lên trời hát/Hỏa pháo soi từng cổ họng khô/ Em có đem về thêm giọt nước/ Rưới cho bạn khát dưới nấm mồ/Ta nằm nghe gió qua rừng Thái/Nghe cả tiếng tru lũ sói rừng/Con trăng cứ sáng rồi cứ khuyết/ Ta uống vầng trăng đến cạp vành...

Cùng với Tuyển tập Trường ca, tiểu thuyết hai tập Dưới đám mây màu cánh vạc được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2001. Nhưng Thu Bồn còn có nhiều tiểu thuyết nổi tiếng: Chớp trắng (1970); Hòn đảo chân ren (1972); Dòng sông tuổi thơ (1973); Đỉnh núi (1980); Mắt bồ câu và rừng phi tiễn (1986); Vùng pháo sáng (1986); Cửa ngõ miền Tây (1986); Em bé vào hang cọp (2 tập,1986) v.v... Tác phẩm được đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này gồm Tuyển thơ Thu Bồn và tập truyện ngắn đặc sắc Dưới tro cùng hai tiểu thuyết Chớp trắng Vùng pháo sáng. Đây là hai tiểu thuyết viết về hai thời kỳ chiến tranh đặc biệt. Chớp trắng là ánh lửa của bộ đội đặc công đánh tàu Mỹ ngay ở Cảng Đà Nẵng. Nhưng để có chiến công đánh trực diện vào sào huyệt quan trọng, được canh gác cẩn mật của quân Mỹ, từ nhiều năm trước, ta đã chuẩn bị tổ chức lực lượng ở vùng rừng núi miền Tây Quảng Nam, nơi sinh sống của đồng bào nhiều dân tộc. Tiểu thuyết được viết từ năm 1968, khi Mỹ còn trực tiếp tham gia chiến đấu, với binh hỏa lực hùng mạnh. Nhưng với mưu trí, gan dạ, bộ đội ta vẫn tổ chức các trận chiến đấu, và giành những chiến thắng vang dội. Các nhân vật hai phía có số phận, có cá tính khá đắc sắc. Những nhân vật dao động giữa hai chiến tuyến cũng làm nên một nét tìm tòi thú vị của tiểu thuyết.

Mùa hè 1972, Thu Bồn cùng đoàn nhà văn quân đội có mặt tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Dạo đó, ta đẩy địch về phía nam sông Mỹ Chánh, ranh giới giửa hai tỉnh Quãng Trị - Thừa Thiên. Thấy rõ nguy cơ thất thủ Huế, đối phương dùng toàn bộ hải lục không quân mở cuộc phản kích quyết liệt. Ta phải về cắm cờ ở phía bắc sông Thạch Hãn. Để bảo vệ nhân dân khỏi vùng lửa đạn, nơi hai bên đang tranh chấp quyết liệt, ta tổ chức đưa mấy vạn đồng bào các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh... tản cư ra Vĩnh Linh, phía bắc Vĩ tuyến 17. Để giành dân, kẻ địch tạo ra một vành đai hỏa lực trên không, pháo binh mặt đất và cả bom mìn, dồn dân chạy vào Nam. Có mặt trong những ngày đó, Thu Bồn đã trực tiếp chứng kiến hoàn cảnh chiến tranh kỳ lạ, những nỗi thống khổ khốn cùng mà người dân phải chịu trong những ngày nghiệt ngã. Đó là bối cảnh của Vùng pháo sáng. Số phận đầy bi kịch cuả người dân ở một làng quê phía Nam, sau 10 năm bị chia cắt, bị giằng xé giữa hai phía, là sự quan tâm đặc biệt của tiểu thuyết. Ngôn ngữ địa phương Quảng Trị sinh động, nhiều tính cách và số phận được khắc họa rõ nét bởi những tiểu sử đặc biệt. Những số phận bi kịch nhiều biên độ, đặc biệt những vợ có chồng đang công tác ở bờ Bắc, bị địch dùng mọi cách ly gián, làm nhục tạo nên nét riêng của tiểu thuyết.

Hình ảnh nhân vật đẹp nhất trong hai tiểu thuyết trên đây là những người lính, mặc cho những bi kịch gia đình vẫn luôn vượt lên mọi thử thách, để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Phải chăng đó cũng là thể nghiệm của chính cuộc đời của nhà thơ? Ông có hai con trai với người vợ đầu ở chiến trường, cả hai đều bị nhiễm chất độc da cam. Cháu Thảo Nguyên mất năm 16 tuổi vì bệnh máu trắng. Cháu Băng Ngàn bị tâm thần phân liệt, không có khả năng làm việc, hiện sống với mẹ. Anh còn sống với mấy người phụ nữ nữa, nhưng không dám có con. Ám ảnh di họa chiến tranh là nỗi đau không dễ nói thành lời. Nhưng cánh rừng nguyên sinh những tác phẩm được sinh thành bởi tài năng, tâm huyết của Thu Bồn chắc chắn sẽ còn sống mãi và nói với người tương lai những gì quý báu và tốt đẹp nhất về thời của chúng ta!

Nhà phê bình văn học NGÔ THẢO

Nguồn: qđnd.vn

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *