HOÀNG ĐĂNG KHOA VÀ CUỘC PHIÊU LƯU CỦA NHỮNG CÁCH ĐỌC
Tôi không gọi anh là nhà phê bình trẻ, như một định vị ngôi thứ, hay phân hạng, mà xếp anh vào một trong những cây bút nổi bật của phê bình thế hệ f - thế hệ khoảng 7x, 8x, thế hệ của facebook. So với những người viết phê bình cùng thế hệ, mối quan tâm chữ nghĩa của Hoàng Đăng Khoa khá sâu rộng, nhưng phải chăng vì cầu toàn mà anh chậm muộn hơn trong việc xuất bản tập phê bình đầu tay của mình? Phiêu lưu chữ, cuốn phê bình - tiểu luận do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2017 như một sự tiểu kết ấn tượng cuộc “phiêu lưu” trong sự đọc, sự viết của Hoàng Đăng Khoa. Đọc kĩ công trình đầy tâm huyết này, bạn đọc dễ nhận diện những ưu điểm (và cả những giới hạn) của một cây bút phê bình đáng đọc hiện nay trên văn đàn, trong đó những nét đặc sắc, cá tính riêng đã làm nên bút hiệu phê bình Hoàng Đăng Khoa.
Trước tiên, ta có thể dễ dàng nhận ra khả năng sáng tạo từ, sáng tạo cách diễn đạt, cách hành văn, sự đặc trội về tư duy hình tượng của Hoàng Đăng Khoa trên từng văn bản phê bình. Phê bình văn học là một “con vật lưỡng thê” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy), nằm vắt qua ranh giới giữa khoa học và nghệ thuật, vừa nhân hình hóa lại vừa phi nhân hình hóa trong thao tác tư duy. Phê bình văn học của Hoàng Đăng Khoa có thể lấy làm ví dụ tiêu biểu cho đặc trưng này. Anh đã đọc và viết như một hành vi sáng tạo, hơn là một hành vi khảo cứu thuần túy lí tính, khoa học. Những ví von, ẩn dụ đầy hình tượng xuất hiện dày đặc đã làm mềm hóa văn bản phê bình, trình hiện cái tôi của người viết một cách đầy cá tính, tương tự như nhà văn đang sáng tạo tác phẩm. Từ đó, tất yếu tạo nên hứng khởi đọc từ phía người tiếp nhận, biến mỗi bài phê bình thực sự trở thành một cuộc phiêu lưu tài hoa của sự đọc và sự viết. Nhiều ý tưởng mới lạ phát lộ đầy thú vị trong các văn bản phê bình. Tuy nhiên, cũng như nhiều nhà phê bình thế hệ f khác, Hoàng Đăng Khoa đôi khi tỏ ra lạm dụng những gì mình sở trường, những gì được xem là cá tính và phong cách riêng…
Nhược điểm vừa nói sẽ không làm bạn đọc thất vọng, mà ngược lại, sẽ khiến bạn đọc thông cảm, yêu quý nhà phê bình hơn bởi bản tính hồn nhiên, duy cảm, duy mĩ trong sự đọc, sự viết cũng như sự sống của Hoàng Đăng Khoa. Đi vào Phiêu lưu chữ, tôi khá bất ngờ thú vị trước những câu thơ được tác giả cuốn sách chọn làm đề từ ở đầu mỗi văn bản phê bình. Những câu thơ này không phải của ai khác mà là của chính Hoàng Đăng Khoa. Tại sao không, khi - như anh nói trong một bài thơ của mình - Va đập tháng năm hồn mới rỉ giọt thơ? “Thơ nhà làm được”, là sản phẩm những cuộc phiêu lưu chữ của anh ở một thể thực hành sáng tạo khác, anh cần gì phải tầm trích ở đâu xa xôi? Điều đáng nói hơn ở đây là những câu/đoạn thơ của mình mà Hoàng Đăng Khoa chọn làm đề từ cho văn bản phê bình, ngoài sự tương hợp tự nhiên với dụng ý cắt nghĩa đối tượng phê bình, khởi tạo không khí cho bài viết, chuẩn bị tâm thế cho người đọc trước khi phiêu lưu vào cái đọc, xét ở tư cách thơ của nó, nhiều câu/đoạn lấp lánh tài hoa. Và phải chăng, vì trước khi đến với phê bình, hoặc đồng thời với phê bình, Hoàng Đăng Khoa là chủ thể của những thực hành thi ca, nên văn phê bình của anh có sự chắt lọc, trau chuốt trong câu chữ, cùng với đó là nhạc tính, thi tính cứ đầy lên một cách tự nhiên trong hành văn? Thơ Hoàng Đăng Khoa giàu hình tượng, ẩn kín đằng sau đó là những ưu tư thời đại và trăn trở phận người. Cách đặt tình huống mới mẻ từ những điều tưởng chừng như đã cũ, xuất phát từ việc chiêm nghiệm cái tôi hiện sinh tiểu tự sự trong hoàn cảnh hậu hiện đại, đã biến những đoạn thơ đề từ trở thành một liên văn bản (intertext) rất thú vị. Chính nhờ những đề từ này, mà đôi khi bài phê bình ngắn đã được nới giãn thêm. Phải chăng chọn lối viết ngắn này đồng nghĩa với việc Hoàng Đăng Khoa chọn cho mình không gian phê bình báo chí để trình hiện? Công nhận rằng, so với những bài viết lê thê, lòng vòng, rối rắm, tù mù, rậm lời nghèo ý… xuất hiện nhiều trên các diễn đàn, thì những bài phê bình ngắn gọn, cô nén mà “đọc vị” được đối tượng của Hoàng Đăng Khoa như một thế đối trọng. Hoàng Đăng Khoa giả định người đọc thông minh nên anh chọn cách nói lấp lửng, ám gợi, kích thích. Tuy nhiên, ở một số bài, người đọc muốn được cùng tác giả phiêu lưu dài hơi hơn trong sự đọc, nên đòi hỏi tác giả dụng công hơn, đào xới vấn đề rốt ráo hơn, toàn triệt hơn.
Tôi vẫn luôn tin Hoàng Đăng Khoa hoàn toàn có thể thực hành những cuộc phiêu lưu chữ dài hơi này, bởi vốn kiến văn rộng rãi, sự làm chủ tri thức, khả năng cập nhật lí thuyết văn học của anh. Đọc kĩ Phiêu lưu chữ, bạn đọc có thể nhận ra hàm lượng tri thức văn chương và sự cập nhật, vận dụng những lí thuyết văn học mới một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả của nhà phê bình. Có thể nói, phê bình văn học của Hoàng Đăng Khoa được xây dựng trên một nền tảng đa hệ thống lí thuyết văn học, nhưng có bốn chân đế lí thuyết vững chắc nhất được sử dụng thường xuyên, đó là phân tâm học, lí thuyết đối thoại của Bakhtin, lí thuyết văn học hậu hiện đại và thi pháp học. Bốn thành tựu lí thuyết lớn của hệ hình tư duy lí luận văn học hiện đại, hậu hiện đại đã giúp Hoàng Đăng Khoa có những giải mã mới mẻ một số hiện tượng lớn của văn chương Việt Nam đương đại, như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Trương Đăng Dung, Nguyễn Ngọc Tư… Nhìn chung, phê bình của Hoàng Đăng Khoa là cuộc phiêu lưu chữ của người có lí thuyết, được đào tạo bài bản qua môi trường hàn lâm, dù anh hoạt động nghề nghiệp trong không gian báo chí. Nhờ biết cách vận dụng những thành tựu lí thuyết mới, mà Hoàng Đăng Khoa đủ khả năng len sâu ngòi bút phê bình nhằm phát hiện những cách tân, đặc sắc, đóng góp cả về nội dung và hình thức của tác phẩm văn học. Nếu Hoàng Đăng Khoa dung hòa hợp lí giữa phê bình (trên nền) lí thuyết, khách quan với phê bình ấn tượng, chủ quan, giữa ngôn ngữ khoa học với ngôn ngữ trữ tình, thì tôi tin anh sẽ còn tiến xa trong sự nghiệp.
Điều tôi rất tâm đắc ở Hoàng Đăng Khoa đó là bản lĩnh ngòi bút của anh. Vượt lên trên lối viết phê bình cánh hẩu, thù tạc, bốc thơm hay dìm hàng, chỉ điểm, đốt đền…, Hoàng Đăng Khoa đã thể hiện sự chính trực, sòng phẳng, thái độ trí thức đúng đắn của mình trước văn bản. Với Đoàn Cầm Thi, mặc dù đánh giá rất cao nhà phê bình này, nhưng Hoàng Đăng Khoa không đồng tình, chia sẻ với cách đọc của chị về Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng hay Mình và họ của Nguyễn Bình Phương. Đặc biệt, với trường hợp Tống Ngọc Hân, một mặt Hoàng Đăng Khoa đánh giá rất cao truyện ngắn Hồn xưa lưu lạc, mặt khác anh không ngại ngần đánh giá thấp truyện ngắn Mầm đắng. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao nhất trong lối “phê bình phản biện” của Hoàng Đăng Khoa là những bài tổng quan về đời sống văn chương đương đại Việt Nam nằm ở cuối cuốn sách. Qua đấy, phê bình của Hoàng Đăng Khoa thực sự không chỉ là cuộc đối thoại hai người (nhà phê bình - nhà sáng tác), mà còn là cuộc đối thoại với những cách đọc khác, những lối phê bình khác. Nhiều kiến giải, đề nghị của Hoàng Đăng Khoa là hợp lí, xác đáng, đáng suy ngẫm.
Hoàng Đăng Khoa đọc nhiều, nhớ rộng. Đọc phê bình của anh, bạn đọc khoái thú ở chỗ được mở rộng kiến văn ra ngoài văn bản văn học. Có cảm giác như dưới lối viết móc xích, đan cài kiểu liên văn bản, ở bất cứ chỗ nào, câu nào, ý nào, nếu muốn, Hoàng Đăng Khoa đều có thể hoặc công khai hoặc bán công khai đưa ra những liên tưởng, trích dẫn tương thích. Vốn đọc, khả năng ghi nhớ thể hiện nội lực, sự lịch lãm văn hóa của nhà phê bình.
Nhà phê bình hiện nay không chỉ thực hành viết như một hành vi chữ nghĩa thuần túy nghệ thuật, mà qua đó, còn/cần thể hiện thái độ công dân cũng như phát đi thông điệp dụng hành xã hội của mình. Câu chuyện văn chương và câu chuyện cuộc đời cần xoắn quyện, ám dụ về nhau. Nghệ thuật cần được nhấn mạnh tính giải trí, thẩm mĩ nhưng không thể biến thành trò chơi thuần túy, mà phải có một dụng năng nào đó tương tác với cuộc đời ngoài kia. Từ cách hiểu ấy, tôi đánh giá cao Hoàng Đăng Khoa trong việc lựa chọn đối tượng phê bình, cách anh khéo léo đan cài những thông điệp xã hội và chính trị vào trong những thông điệp văn chương (tiêu biểu là các bài phê bình về Thoạt kì thủy của Nguyễn Bình Phương, Những kỉ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Họng đêm của Nguyễn Lãm Thắng, Mùi của Hoàng Vũ Thuật, Cơ bản là buồn của Nguyễn Ngọc Thuần, Gia tộc ăn đất của Lê Minh Nhựt…). Tuy nhiên, như đã nói, Hoàng Đăng Khoa luôn đủ “khôn” để chỉ “ăn nói nửa lời”, bởi anh luôn giả định những người đang/sẽ tham gia đối thoại với mình là những người đủ/thừa thông minh.
Tóm lại, Phiêu lưu chữ là một cuộc dạo chơi bước đầu nhưng ấn tượng của một nhà phê bình năng động, dũng cảm, năng sản trên cánh đồng chữ nghĩa. Những giới hạn của cuốn sách là những giới hạn tất yếu của mỗi người viết, bởi con người luôn phải chấp nhận tồn tại trong những giới hạn của đời mình. Nói như Trương Đăng Dung là chúng ta đang tồn tại giữa những bức tường. Nhưng trên hết và sau cùng, đồng hành những chuyến phiêu lưu chữ đầy khoái thú của Hoàng Đăng Khoa, bạn đọc sẽ thêm cơ hội được mở rộng chân trời tri kiến và củng cố tình yêu văn chương. Chúc cho những cuộc phiêu lưu của anh trong tương lai sẽ đi xa-sâu-cao-rộng hơn vào thế giới chữ.
Nguồn: Văn nghệ Quân đội