Tin tức

15/3
3:17 PM 2020

NHÀ VĂN, NHÀ GIÁO ĐẶNG HIỂN QUA ĐỜI

Nhà văn Đặng Hiển (Đặng Đức Hiển) sinh ngày 9/5/1939 tại Hà Nội, nguyên quán: Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn khóa I (1959), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội đã từ trần hồi 18 giờ 20 phút, ngày 14/3/2020, thọ 82 tuổi; Lễ viếng từ 7- 9 giờ ngày17/3/2020 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 108, Hà Nội), an táng tại Nghĩa trang Thiên Đức (Phù Ninh, Phú Thọ).VANVN.NET xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nhà văn và bạn hữu.

Sau khi ra trường, nhà giáo Đặng Hiển đã dạy học tại trường cấp 2 Mỹ Đức, cấp 3 Ứng Hòa, cấp 3 Phú Xuyên, THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Hà Tây, phó Hiệu trưởng trường PTTH Lê Quý Đôn Hà Đông (Hà Nội). Trong quá trình công tác, ông đã được tặng Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến Chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huy chương “Vì thế hệ trẻ”, Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam”, Huy chương “Vì sự nghiệp Giáo dục”. Ông đã xuất bản: 15 tập thơ và Trường ca, 5 tập kịch, 4 tập truyện kí và 9 tập lý luận phê bình văn học và đã nhận được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam- Bộ Lao động thương binh và Xã hội cùng nhiều giải thưởng của các cơ quan báo chí, tổ chức chính trị, xã hội địa phương và Trung ương… VANVN.NET xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Thanh Ứng về nhà văn,nhà giáo Đặng Hiển

NGƯỜI THẦY CỦA MỘT THỜI     

  Tháng 9 năm 1960, ở phía nam của tỉnh Hà Đông cũ có thêm một trường cấp 3 được thành lập. Đó là trường cấp 2-3 Ứng Hòa. Trên cơ sở trường cấp 2 cũ của huyện chuyển từ xã Hoa Sơn về và có thêm 2 lớp 8 “nhô” là 8A và 8B. Ngoài học sinh của 3 huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai còn có cả học sinh ở các huyện Chương Mỹ, Đan Phượng, thị xã Hà Đông và một số nơi khác về học. Trong lúc chờ xây dựng cơ sở mới, trường khai giảng,  học tạm ở đình và một số quán chợ của làng Hoàng Xá. Năm đầu còn thiếu nhiều giáo viên, thầy Viễn vừa là hiệu trưởng, vừa dạy toán lớp tôi. Đến năm sau, trường có thêm giáo viên, các thầy đều tốt nghiệp đại học chính quy như thầy Dậu dạy toán, thày Ba dạy sử, thầy Hoa Thế  Đán dạy Trung văn, cô Đông Mai (chị ruột nữ sĩ Xuân Quỳnh), thầy Hoàng Mai dạy văn, thày Giang Hà Vị dạy Địa … Năm đầu, thầy Đặng Hiển chủ nhiệm cả hai lớp 8, sau đó thầy chủ nhiệm và dạy văn lớp 8A, 9A, 10A chúng tôi suốt ba năm. Năm đó thầy còn rất trẻ vẫn mang dáng dấp sinh viên thị thành, có mái tóc xoăn xoăn trước trán, khi đi tay hất mái tóc trông rất điệu, khi đứng một mình bao giờ đôi mắt cũng nhìn về phía trời xa xăm, mơ mộng. Học trò hồi ấy nhiều anh lớn tuổi, có anh đã có vợ, phần đông là con nông dân nghèo ở xa trọ học. Cứ thứ bảy lại về nhà mang gạo, củi, muối và xin nhà dăm ba đồng để mua rau. Thầy hòa nhập vào hoàn cảnh đó rất nhanh. Thầy hỏi thăm tình hình ăn ở và thăm nơi trọ của chúng tôi. Thấy cuộc sống của học sinh khó khăn thầy tỏ ra thông cảm và thể hiện những băn khoăn trên gương mặt..Những bài văn đầu tiên của chương trình cấp 3 hồi ấy là những bài khái luận : Văn học phản ánh hiện thực, tính giai cấp, tính dân tộc…rất khó hiểu. Thầy giải thích mãi mà chúng tôi chỉ hiểu lơ mơ nhưng chúng tôi vẫn hướng về thầy nhìn gương mặt, ánh mắt, một tay cầm giáo án, một tay như đánh nhịp vào không khí và giọng nói nhệt tình với những trang giáo án dày đặc chữ, chúng tôi biết văn chương trở thành niềm say mê của thầy. Từ những kiến thức lý luận văn học, phương pháp giảng bài, từ những trang giáo án trong suốt bốn mươi năm đứng lớp, thầy đã tập hợp, bổ sung và nâng tầm thành những tập sách lý luận-phê bình vừa có giá trị khoa học vừa mang tính sư pham cao. Đó là các tập “Cảm nhận và suy nghĩ”(Hội VHNT Hà Tây-2000), “Dạy văn-Học văn”(NXB Đại học sư phạm HN-2005), “Bình luận văn học”(NXB Đại học sư pham HN-2008), “Văn chương cảm nhận và binh luận”(NXB Hội Nhà văn-2011), “Văn chương người cùng thời”(NXB Hội Nhà văn-2015), “Đọc, viết-Học” (2017)… Các tập sách của thầy được các nhà trường và đội ngũ giáo viên đón nhận như những người bạn đồng hành hỗ trợ họ trong công việc giảng dạy và nghiên cứu văn học. Vừa làm chủ nhiệm lớp, vừa dạy văn, thầy quan tâm đến việc bồi dưỡng lòng yêu văn chương cho chúng tôi.Biết thầy vừa dạy học, vừa làm thơ, chúng tôi rất phục, được đọc bài thơ “Đoàn thuyền chở đá” của thầy đăng trên báo “Văn học”(nay là tuần báo “Văn Nghệ”) với niềm lạc quan tràn ngập hình tượng thơ: “Thuyền ta chở đá / Buồm ta chở gió / Ta chở niềm vui / Qua bến rộng sông dài / Về công trường xây những nhà máy lớn …”, lũ học trò ăn cơm rau chấm muối, có anh ngày chủ nhật trằn lưng vác đá ở bến Lò Vôi (Vân Đình) kiếm thêm tiền đong gạo túm tụm đọc thơ thầy mà thấy quên đi những nhọc nhằn, khốn khó, mừng vì ta có thày giáo được in thơ tận Hà Nội, cả nước biết tên. Thế rồi thầy tập hợp một số học trò thích học văn và đóng kịch vào nhóm ngoại khóa. . Thầy soạn các tiết mục kịch cho chúng tôi diễn trong các kì hội diễn của huyện hoặc liên hoan tổng kết năm học. Những năm sau, thầy tiếp tục đi sâu vào kịch, viết kịch bản, làm đạo diễn cho các câu lạc bộ văn học của các trường. Cũng từ niềm đam mê đó, thầy đã cho ra đời 4 tập kịch (“Con chúng ta”(1995), “Trên đồi thông”(2003), “Nỗi đau trồng người”(2008), “Điểm hẹn của lịch sử”(2010), “Áo trắng tháng 10” (2014) và được kết nạp vào Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Chúng tôi học thầy Hiển và các thầy ba năm ở ngôi trường này- Ngôi trường được cho là xứ Xi bê ri của Hà Đông hồi đó như thầy Viễn đã ví von. Năm ấy thi tốt nghiệp hai đợt. Đợt 1 đỗ rất ít. Nhiều anh học lại hoặc rẽ ngang, số người thành đạt không được mấy, có người về quê làm ruộng, làm thợ mộc, nhiều người lao đao trong cuộc sống…Đây là lứa học trò để lại trong thầy nhiều ấn tượng nhất. Đến bây giờ, hơn 50 năm rồi, thầy vẫn giữ quyển sổ lưu bút của học trò chúng tôi và thầy vẫn thường xuyên nhắc nhở chúng tôi hãy nhớ về các bạn cũ, nhất là các bạn đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc như: Phạm Văn Hùng, Phạm Văn Dzư, Mai Xuân Ngạc, Nguyễn Duy Toàn, Trương Đỗ Thế, Phạm Văn Tiệp v.v… Thầy đã viết về họ và có một ước muốn là được đến từng nhà để được thắp hương lên bàn thờ những học sinh đã đi xa. Đã đôi lần thầy nhắc tôi và bè bạn mà vẫn chưa thực hiện được, “lực bất tòng tâm”… Lứa học trò cấp 3 đàu tiên của thầy cũng đã trên dưới bảy mươi, có người đã mắt mờ, chân chậm…chưa kể bao điều kiện khác nữa ngoài tầm tay…

            Không chỉ với lứa học trò đầu tiên, mà sau này, lớp lớp các lứa học trò khác trong nửa thế kỷ dạy học và viết văn, thầy cũng dành những tình cảm thương yêu nhất đối với họ. Tác phẩm đầu tiên thầy tặng tôi khi tôi đang dạy học trên Hòa Bình là trường ca “Đôi cánh” viết về anh hùng không quân Nguyễn Đức Soát, học trò của thầy ở trường cấp 3 Phú Xuyên.Tiếp theo là các tập thơ “Thời gian xanh”, “Bài thơ trên đá”, “Lời chào mùa thu”, “Phía trước mùa xuân”, “Chiếc lá”…Trường ca “Đất nước trong lớp học”, Trường ca “Đất thiêng”…Thơ của thầy là cảm xúc, suy nghĩ, triết luận về nhiều vấn đề của cuộc sống, của con người trong những thời kỳ gian khổ, hào hùng của đất nước. Xúc động và sâu lắng là tấm tình của thầy đối với những học trò đã khuất. Thầy cảm thông với những học trò giỏi giang thông tuệ mà rồi do nhiều lý do khách quan đã trở thành “phó thường dân”… 50 năm, những thế hệ học trò của thầy đã trải qua và vươn lên trong nhiều vận hội của đất nước, có hy sinh, đau khổ, có vinh quang, kiêu hãnh. Tất cả như trên một chuyến đò mà thầy cùng với các thầy, cô khác vừa là người cầm lái, vừa góp những mái chèo đưa con thuyền lên phía trước. “Từ tuổi hai mươi đi làm thầy giáo”,từ một chàng trai sinh viên thị thành về dạy học ở làng quê “Biết tát gầu sòng đêm sương, biết tát gầu giai trưa nắng”. “biết ăn châu chấu, cào cào, thịt chuột ướp lá chanh chấm muối”, về với vùng quê nghèo, những lớp học đơn sơ và đám học trò thôn dã, thầy đã trở thành Đảng viên Cộng sản Việt Nam (năm 1968) và năm 2002 thầy được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam…Năm 1998, thầy được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú..Năm 2015, thầy tập hợp tất cả các bài thơ viết về thầy giáo, nhà trường và nghề dạy học thành một tập thơ dày dặn gồm 90 bài thơ viết từ năm 1961 đến 2015 với các tên giản dị: “Mái trường mến yêu”(NXB Giáo dục-2015 và NXB Hội Nhà văn 2016). Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức giới thiệu tập thơ trên tai Trụ sở Hội, số 9 Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam dự và phát biểu:” Tôi thực sự xúc động vì lâu nay chỉ thấy trò viết về thầy, rất ít khi thầy viết về trò nhưng , với nhà giáo Đặng Hiển tình cảm thầy dành cho học trò như vô bờ bến. Đọc tập thơ, ta thấy một không gian giáo dục, một môi trường sư phạm  trong trẻo đã tràn vào thi ca với tình thầy trò chân thành nhất” (Dẫn theo Thu Phương-Báo Điện tử Dân trí ngày 30/7/2016). Các nhà thơ Vũ Quần Phương, Nguyễn Thị Mai, nhà phê bình văn học Bùi việt Thắng, Trần Thị Tâm và một số nhà thơ, nhà phê bình văn học đã có những ý kiến trao đổi rất đáng quý về tập thơ.

              Khi chúng tôi học xong lớp 10, thầy chuyển về trường cấp 3 Phú Xuyên. Năm 1971, thầy chuyển về trường cấp 3 “vừa học-vừa làm Hà Đông”  (sau là trường THPT Lê Quý Đông), làm tổ trưởng chuyên môn, làm Chủ tịch Công đoàn, làm hiệu phó, phụ trách hệ chuyên văn do sở đặt tại trường. Hội văn nghệ tỉnh thành lập, thầy tham gia hoạt động và làm phó chủ tich Hội…Tuy vẫn quan tâm đến giáo dục nhưng thầy không trực tiếp đứng lớp nữa mà dành phần lớn thời gian cho việc viết văn và không chỉ làm thơ, thầy còn viết truyện, kí, kịch và nhất là lý luận phê bình.Thầy tham gia biên soạn sách giáo khoa văn THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.        

             . Đến nay, đã hơn chục năm, sau ca mổ thận, và gần đây lại một lần mổ nữa ở bệnh viện Đại học Y, sức khỏe của thầy vẫn tốt. Thầy vẫn còn dẻo dai trong công việc và trong sáng tác văn chương. Ngay năm 2018  thầy đã ra tập “Thơ hay và lời bình tập 1”  với  gần 400 trang in và  tập 2 (cũng từng ấy trang) trong năm 2019. Mấy tháng gần đây, mặc dù thấy sức khỏe có phần giảm sút thầy vẫn soạn và xuất bản tập tiểu luận “Thời gian và trang viết”. Trước khi chuyển bệnh, thầy đã kịp hoàn thành tập bản thảo bàn về “Năng khiếu văn học” viết theo đề tài đã đăng kí và được “Hội đồng lí luận phê bình văn học-nghệ thuật Trung ương” duyệt và hỗ trợ kinh phí …

 Thế rồi, nghiệm thấy điều gì đấy, thầy đã viết bài thơ “Biển và sóng”- “Gửi các thế hệ học trò” như một lời di huấn: “Các em đi qua vịnh biển đời ta như bao đợt sóng / Đợt này chưa qua đợt khác đã lên /…Cho đến một ngày biển không còn sóng nữa / Biển sẽ buồn lặng im / Biển thấy như mình chỉ từng mơ thấy sóng / Những con sóng xa vời trong nhớ trong quên…” . Ngẫm nghĩ những dòng thơ trên, tôi muốn thưa với thầy rằng: Làm sao có giấc mơ dài hơn 50 năm, đó thực sự là cuộc sống của thầy. Thầy đã tận tâm với các lứa học trò, với văn chương…Học trò của thầy như sóng có hòa tan vào đại dương bao la thì vẫn nhớ về vịnh biển-nơi những làn nước biết mình nhờ đâu mà trở thành muôn đợt sóng…Đó là điều mà các thế hệ học trò mãi mãi tự hào về thầy: Một nhà giáo ưu tú, một nhà văn- Người thầy của một thời và mãi mãi với chúng tôi…

                                                                                  Thanh Ứng

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *