CHƯƠNG TRÌNH “HƯƠNG SẮC VÙNG CAO” DIỄN RA TRONG 1 THÁNG
Từ ngày 1-1 đến 31-1-2018, tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô-Sơn Tây-Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình “Hương sắc vùng cao” mừng Xuân 2018 và đón Tết Mậu Tuất. Đây là chương trình văn hóa-nghệ thuật tổng hợp nhằm giới thiệu các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán... giúp du khách thêm hiểu những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống đón Tết vui xuân đặc trưng của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; Đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tăng cường giao lưu, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp đầu năm mới 2018.
“Hương sắc vùng cao” có sự tham gia của hơn 100 đồng bào các dân tộc (Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê và Khmer) đến từ 10 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng); cùng sự tham gia của Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong Chương trình gồm: Chương trình “Vui xuân trẩy hội” của Nhà hát Chèo Việt Nam, biểu diễn các tích chèo cổ, các làn điệu chèo ca ngợi quê hương đất nước, mùa xuân, biểu diễn Hát Văn, một trong những loại hình trình diễn độc đáo trong Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt; chương trình “Sắc xuân vùng cao” của sinh viên Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ ca ngợi truyền thống dân tộc anh em, quê hương đất nước; biểu diễn trò chơi dân gian đánh quay, đánh yến, cà kheo, nhảy dây…; chương trình Rối cạn “Đón mừng xuân mới” của Nhà hát Múa rối Việt Nam, biểu diễn với nhiều hình thức qua những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ sỹ, kết hợp với âm nhạc, tạo hình con rối, tạo dáng những nhân vật rối để mỗi lứa tuổi cảm nhận một cách khác nhau. Đặc biệt giới thiệu “Không gian thưởng trà truyền thống ngày Xuân” từ quy trình làm chè tỷ mỉ với nhiều công đoạn đến dụng cụ pha trà, nước dùng để pha trà, cách pha trà cùng với sự khéo léo của các nghệ nhân pha trà mang tới cho du khách một không gian ấm cúng ngày Xuân.
Các hoạt động điểm nhấn khác có chương trình “Xuân trên bản làng em”; “Ngày xuân vang mãi câu then” giới thiệu trò chơi dân gian dân tộc Tày; biểu diễn chèo, hát Văn “Vui Xuân trẩy hội” của Nhà hát Chèo Việt Nam; chương trình ca múa nhạc “Sắc Xuân vùng cao” của sinh viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Đại học Văn hóa Hà Nội; tái hiện “Lễ Đâm đuống” của đồng bào dân tộc Mường; múa rối cạn “Đón mừng Xuân mới”của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Các hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, qua đó giúp tăng cường tinh thần đoàn kết, mối quan hệ giao lưu giữa các dân tộc anh em, đồng thời thu hút du khách đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
(Theo: qdnd.vn)