BÁCH HOA- TRUYỆN NGẮN CỦA PHẠM THÚY QUỲNH
Nước cờ hiểm này, nếu đi sai thôi thì chỉ trong tích tắc cả một đoàn binh và gia đình chàng đều táng mạng.
Gió mưa trong đêm đưa đến làn hương nhè nhẹ.
Đoàn Hữu Trưng hơi ngoảnh cổ lại.
Nhà ai đang đốt trầm trong đêm? Mùi trầm ấy sao mà quen thuộc, giống như loại mà Thể Cúc hay dùng để xông áo? Chàng thường đùa bảo nếu như Tùng Thiện Công là Đạo thì Thể Cúc lại là Phật. Ôi bờ An Cựu, mỗi khi trăng gõ mạn thuyền lại khiến cho lòng người lưu luyến.
- Bẩm ông, trước mắt là kinh thành.
Đoàn Hữu Trưng gật đầu, rời khỏi võng, vấn lại tóc rồi nhận kiếm từ tay kẻ hầu, cứ vậy tiến lên. Chỉ sáng nay thôi, chỉ sáng nay thôi là chàng sẽ thắng. Nếu thắng thì chàng sẽ lại có thể cùng chung những ngày ấm nồng với Thể Cúc. Ngày chàng đuổi nàng về nhà đẻ cũng là ngày mà lòng chàng bị cắt thành trăm ngàn mảnh. Nhưng, chàng phải làm thế để tránh liên lụy cho nàng và tránh phạm vào cái ân cưu mang của Tùng Thiện Công.
Một tiếng hô vang, Tôn Thất Cúc đã mở cổng thành. Đánh thôi, đánh cho máu nhuộm kinh thành, phải dùng máu của muôn người mới rửa được gương soi nghìn năm.
Ánh nắng bắt đầu le lói. Cơn mưa đêm đã tạnh. Hôm nay sẽ là một ngày nắng đẹp, phải chăng? - Đoàn Hữu Trưng ngẩng đầu nhìn cao xanh, hít sâu một hơi, vung kiếm quát:
- Hỡi chư vị tướng sĩ, hãy vào Càn Thanh điện bắt sống Tự Đức, trả nhục thay An Phong Công!
Người người vừa nghe tiếng, lập tức nện mạnh trường thương hò reo chẳng ngớt, rồi họ tràn vào thành. Hàng trăm người lướt qua trước mắt, Đoàn Hữu Trưng nhổ bãi nước quết trầu xuống đất, cũng hòa vào đám đông. Trận này phải thắng.
Phải thắng.
2.
Hiện(2) đưa bàn tay lên chắn giữa bầu trời, các đám mây trôi tuột qua kẽ tay tạo thành từng dòng thác khói nhẹ. Trên nền đất, lần giấy dó khẽ lay, giọt mực trên ngọn bút nương theo ngọn gió mà rơi xuống, thấm suốt vào lòng đất. Cậu lật mảnh giấy lên, soi trước ánh sáng buổi sớm mai. Xa xa, phóng mắt rời khỏi Hoành Sơn, là biển cả.
Ngày mai là ngày ban Đế hệ thi, Hiện nghe tin này đã lâu, song cậu cũng không có chút gì gọi là háo hức. Mấy ngày này, thứ thu hút được cậu chỉ có những câu chuyện cổ, nói đúng hơn là những câu chuyện mang tên một loài hoa đỏ tươi như máu, nếu dùng nó làm chất liệu cho các bức họa mà cậu đang vẽ thì sắc tranh có thể lưu giữ tới thiên thu.
Bách Hoa, mi đang ở phương nào? Hiện âm thầm nhìn khắp rẻo đất Hoành Sơn. Nghe nói Bách Hoa chỉ có ở nơi sơn lam chướng khí này.
Thủy mặc, không chỉ là tranh. Giọt mực đọng trên lần giấy tựa như vết bách hoa chẳng thể mờ, in hằn vào tâm trí của cậu.
Song thầy Thân Văn Quyền của cậu lại không cho là vậy, thầy luôn quở mắng mỗi lần cậu bỏ quên mất bài thơ mà thầy đang dạy để thả hồn vào những gợn mây biến ảo ngoài bầu trời kia, mỗi lần cậu không hoàn thành được những bài văn mà thầy đã giao về nhà. Cậu trọng thầy Thân, song cậu cũng chẳng dứt được những suy nghĩ hỗn mang về các bức tranh dang dở đang được chắp ráp nên hình hài trong đầu.
Ngả đầu nằm xuống thảm cỏ thưa lổn nhổn đầy những sỏi đá. Dị vật đâm vào sống lưng nghe đau điếng nhưng cậu vẫn không cảm thấy gì cả, ngày mai, chỉ ngày mai nữa thôi, cậu sẽ không còn là Hiện nữa.
- Cẩn thận! - Bất ngờ, trong lúc này có tiếng ai đó thét lên.
Hiện giật mình, bật dậy, song người đó lại quát:
- Anh nằm yên ở đấy!
Bây giờ, Hiện mới nhận ra tiếng của Nguyễn Phúc Thư(3), em trai mình. Thường ngày tính Thư vốn điềm đạm, hiếm khi tỏ ra thái quá trong bất kỳ vấn đề gì, nhưng nay cậu lại hoảng hốt như vậy, tất có điều bất thường.
- Sao thế Thư? - Hiện hỏi.
- Bên cạnh anh có con rắn lạ, nằm yên để em đuổi nó đi đã. Bay đâu, đưa kiếm cho ta!
Rắn ư? Hiện ngạc nhiên đảo mắt nhìn xung quanh, cậu nằm bất động nên chẳng mấy chốc đã thấy đôi con ngươi đau nhức. Các hình ảnh xung quanh chẳng thể thấy rõ. Phải rồi, nếu cứ nhìn thẳng thế này thì chỉ có thể trông thấy bầu trời mà thôi.
Một vật lạ dài nhỏ màu trắng chen lẫn đỏ hiện ra, những chiếc vảy trên cơ thể nó bắt nắng ánh lên lấp lánh, tỏa ra mùi thơm thoang thoảng như nhài. Nó im lặng nằm cuộn tròn dưới chân Hiện, không tỏ ra một chút gì là nguy hiểm. Thư đã tuốt kiếm, sắc xanh bén ngót ánh lên trên gương mặt thơ trẻ. Thư toan chém xuống.
- Khoan đã! - Hiện thất kinh - Chỉ cần đuổi nó đi thôi là được rồi.
- Rắn trắng có mào đỏ tất thuộc hàng kịch độc, nếu đuổi đi, sợ mai đây gây họa cho dân!
- Cũng không phải người Dương…(4)
Chẳng đợi cho hai anh em nhà nọ làm phiền đến mình, con rắn lạ ngóc lên, chiếc mào trên đầu dựng đứng đỏ tươi. Hiện - Bây giờ đã ngồi dậy tự lúc nào - Giật mình, không dám cử động. Hương thơm từ cơ thể con rắn tỏa ra cứ vậy quện chặt lấy bầu không, chừng như muốn kéo cả hai anh em Hiện và Thư vào vòng kiềm tỏa của mình.
Nhưng, trái ngược với vẻ đề phòng của con người, rắn trắng chỉ chăm chắm nhìn Hiện, sau rốt lặng lẽ trườn đi.
Hiện thở phào nhẹ nhõm, quay sang nhìn Thư, chỉ thấy vệt kiếm sắc hắt chiếu lên cái cổ non nớt của em trai để lại vết hằn mờ đỏ như máu. Cậu thất kinh, gắng nhìn kỹ hơn nữa, song có lẽ nó chỉ là ảo giác mà thôi.
- Sao em biết anh ở đây mà tìm? - Hiện hỏi.
- Ngoài chỗ này, thì còn có thể tìm anh ở đâu nữa? Em đi hái thuốc, tiện thể sang với anh, ngồi trong lớp của thầy Thân cả ngày, em hoảng lắm rồi!
Hiện bật cười. Thư ngạc nhiên nhìn tờ giấy được chặn cứng trên đất bằng hai hòn đá lớn, chỉ thấy phong cảnh Hoành Sơn, ngạc nhiên:
- Anh vẽ cảnh này nhiều rồi mà?
Hiện mỉm cười, người ta đâu thể tinh thông một việc nếu chỉ làm có một đôi lần. Hiện không đáp, nhìn Thư, kỳ vọng của thầy Thân Văn Quyền chắc chỉ có thể gửi cả vào nó mà thôi.
3.
Mồ hôi lấm tấm rịn trên trán Tùng Thiện Công Miên Thẩm(5), cơn mơ về thời niên thiếu dìm cả cơ thể xuống khiến ông thấy rệu rã vô cùng. Vội vàng bật dậy, ông nhận ra hiện tại trời vẫn chưa sáng. Nhắc thằng hầu bê một chậu nước đến cho mình lau qua người, ông nhận thấy nơi góc phòng có một dáng người lầm lũi.
Từng đường thêu lặng lẽ đưa lên, Trương Thị ngồi trước rèm. Khung thêu vuông, chỉ thêu nhuộm màu đỏ như máu. Ánh bạch lạp lay lắt in hằn bóng dáng của bà lên bức tường đối diện, chừng như muốn giam nhốt cả linh hồn người phụ nữ ấy.
Nhữ Kim dâng bát nước gừng nóng, thức uống mà chủ nhân mình thường dùng bởi chứng Hầu tý. Toan nhắc bà nghỉ tay, song con hầu cũng biết rằng lúc này đây những lời nhắc nhở là vô hiệu.
- Nó đã về phòng chưa? - Trương Thị cất tiếng hỏi.
- Bẩm, chưa. Hay để con ra ngoài khuyên nhủ… - Nhữ Kim biết chủ nhân đang hỏi về người đang quỳ, bèn nói.
- Thôi, cứ mặc nó - Trương Thị lắc đầu - Hãy để trời khuyên nó vậy.
Bóng trăng nhòe đổ trên song cửa, ngoài kia, sương rơi buốt lạnh nhưng Thể Cúc(6) vẫn chưa đứng dậy. Đôi chân của nó chắc cũng đã ra cả rồi, con gái mình đau thì người làm cha sao có thể vui cho được. Dầu rằng biết đây là điều phải làm song Nguyễn Phúc Miên Thẩm chỉ muốn nọc Đoàn Hữu Trưng ra đánh.
- Xin cha hãy cứu lấy chồng con! - Thể Cúc cất tiếng kêu oán vọng vào, tiếng nào tiếng nấy tắc nghẹn chừng như uất kết bấy lâu.
Ấm trà nguội ngắt, Miên Thẩm bèn nhấc nó lên, không cần đến chén, cứ vậy mà dốc ngược ấm uống hết chỗ trà còn lại:
- Đoàn Hữu Trưng đã nhất quyết đoạn tuyệt với nhà ta, tình nghĩa đã hết, vả chăng nay nó bị bắt, sắp tới ngày xử tử, con còn lưu luyến gì cho cam?
- Người cũng biết rằng chàng cố ý làm vậy mà! - Thể Cúc gạt lệ, nói.
Từ điểm nhìn của nàng, bóng người cha in trên khung cửa nom tiều tụy lạ lùng. Bao nhiêu năm qua, nàng vốn đã quen với hình ảnh của một Tùng Thiện Công ngày đêm say đắm thư pháp, thi phú và loài cỏ lạ mang tên Bách Hoa vốn chỉ xuất hiện trong truyền thuyết - Hình ảnh đó nửa thực nửa hư, vừa mảnh mai lại vừa tráng kiện chừng cáng đáng được vạn sự. Chồng của nàng - Đoàn Hữu Trưng - cũng là người như vậy, từ thuở vô tình gặp mặt ở Tĩnh Phố của Tuy Lý Công, nàng đã biết rằng cả cuộc đời mình sẽ bị ràng vào với cuộc đời của chàng.
Thể Cúc hiểu chí của chồng, cũng hiểu được nỗi đau khổ mà chàng mang nặng từ nhỏ đến lớn, thế nên ngay khi nhận được mảnh giấy đoạn nghĩa phu thê, nàng đã biết Đoàn Hữu Trưng quyết liều mạng tìm đến chỗ chết. Thêm tin tức chàng bị bắt sống ở ngoài điện Cần Chính… Nàng không thể để chồng mình chết.
- Lạy cha, xin cha hãy nghĩ cách cứu chàng!
Cứu ư?Giờ đây ông còn không biết bao giờ thì cơn thịnh nộ của Hoàng đế giáng xuống, ông còn không biết phải bảo vệ gia đình thế nào. Nguyễn Phúc Miên Thẩm thở dài, nằm xuống giường gắng dùng giấc ngủ xua đi tiếng khóc của con gái.
Trương Thị vẫn chưa ngơi tay, sau những năm tháng theo Tùng Thiện Công, bà đã thêu không biết bao nhiêu bức Bách Hoa - Mẫu hoa trong các bức tranh mà ông mang về đỏ như máu, đôi chỗ két đen như máu đông. Bà nép mình vào những bức họa Bách Hoa đó, tái hiện nó từ ngày này qua ngày khác. Dần dà, bà như chiếc bóng trong phủ, không được lựa chọn trong cuộc chiến giữa hoa với người.
4.
Nguyễn Phúc Miên Thẩm kéo tay áo lên cho khỏi lấm bẩn, thoăn thoắt mài mực. Trên nền giấy mới trải xuống, chàng vạch lên đó mấy vệt mực khởi đầu, rồi chống tay quỳ phục, nhoài người họa tảng đá ngoài kia. Sắc đen trắng chen lẫn, tạo nên sự tương phản, trời xanh muôn trùng, lại càng khiến tảng đá đó trở nên cô độc hơn bao giờ hết.
Trong đình, một nén trầm cháy dở, một siêu nước đang sôi chờ được châm vào ấm bạch trà đã đợi người chủ nhân của mình được ngót nửa khắc. Mưa lất phất rơi, men theo mái ngói, rỏ giọt rồi cuối cùng thánh thót kết thành tiếng đàn giữa chốn rừng thiêng.
“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” Vạn đại dung thân? Bảo vệ hay là cầm tù đây? Miên Thẩm ngẩng đầu nhìn nền trời nhám ẩm trĩu nặng, sắc lam đã bị phần tang thương nhuốm lấy. Mảnh đất này, dù đã dứt được thời kỳ chiến loạn, song chàng lại luôn cảm thấy vị trí mà mình đang đứng, địa vị và vinh hoa đều không chắc chắn, một ngày nào đó, khi tai họa giáng xuống, chỉn e… Lắc đầu, chàng lại cặm cụi vẽ tranh. Đã đành giành lấy được cái danh tiêu dao, chàng cũng phải cúc cung theo nó cho tận. Tùng, cúc, trúc, mai, cổ thạch, đại thụ, phong cảnh, con người, không có thức gì chưa từng được tái hiện dưới ngòi bút này. Thế nhưng chàng vẫn thấy chưa đủ, mô phỏng tiền nhân không phải là hướng đi của kẻ cầm bút, của một họa sư.
Bách hoa, ngươi đang ở chốn nào? - Chàng bần thần, đã hơn hai mươi năm, hơn hai mươi năm tìm kiếm dị hoa khắp Hoành Sơn mà chẳng thể lần ra đầu mối. Ngay cả hình dáng của loài hoa đó cũng chưa từng được ghi chép hay vẽ lại ở đâu. Đôi khi chàng tưởng như mình đang đuổi theo bóng trăng đáy nước. Nhưng mỗi khi nghĩ đến đó, chàng lập tức gạt đi.
Bút lông thấm mực đừng lại giữa không trung, cánh tay chàng run run. Mực tí tách rỏ, bị lần gió phất ngang, phẩy lên trang giấy một vệt sao băng mờ nhạt.
Mảnh giấy bị kéo phật ra khỏi thanh chặn gỗ, biến thành muôn vàn mảnh vụn. Nguyễn Phúc Miên Thẩm ngồi thẳng dậy, bó gối nhìn mưa.
- Vật vô tri đôi lúc cũng có linh hồn, anh làm vậy chẳng phải tàn nhẫn lắm ru? Ký Thưởng Viên vẫn đang chờ người coi sóc.
Nhận ra tiếng của kẻ lạ, Nguyễn Phúc Miên Thẩm ngẩng đầu lên nhìn em mình, mỉm cười:
- Tĩnh Phố ngày đêm đèn đuốc hẳn ấm áp muôn phần.
Nguyễn Phúc Miên Trinh xếp chiếc ô trên tay, dặn hề đồng đứng ngoài cửa cởi lò châm lửa, đun nước pha trà, đoạn bảo:
- Chị ấy ở nhà có lời hỏi thăm anh. Bảo em mang cho anh ít áo quần và mấy thứ đồ trà nước.
- Chị chú muốn đuổi anh ra khỏi phủ đấy! - Miên Thẩm bật cười.
Lửa trong lò đã nỏ, nước trong siêu nước bắt đầu sủi tăm. Hề đồng nhấc siêu tráng rửa trà cụ một lượt, lại cơi vào ấm đất thức trà Long Tỉnh mà Tuy Quốc Công mới được Hoàng đế ban cho. Còn hai người kia chỉ im lặng quan sát đứa hầu pha trà.
Mưa cứ vậy thấm vào lòng người, buốt cắt.
Nguyễn Phúc Miên Thẩm từng ước rằng mình và ông nội cũng được ngồi thưởng trà với nhau như vậy. Và chàng - cậu bé Hiện sẽ lãnh nhiệm vụ của hề đồng, vụng về cơi từng chút trà vào ấm. Khi nhấc siêu nước sôi châm các chén, chẳng may cậu khiến nó rơi đổ, nước nóng xối xuống tay, đau rát. Hoàng đế Gia Long vẫn bình thản nhìn cháu mình, chẳng nói chẳng rằng với ánh mắt có phần lạnh lẽo. Hiện cảm thấy hơi sợ, cắn răng rót tiếp nước sôi vào ấm, châm trà, dâng mời ông. Và, Gia Long bỗng nhiên nở nụ cười đón lấy chén trà.
“Giang sơn này là của tổ tông họ Nguyễn ta, chớ có để rơi vào tay ngoại thích.”
Tiếc là ông nội mất khi Nguyễn Phúc Miên Thẩm mới lên một tuổi, chàng không hề có bất kỳ kỷ niệm nào với ông, chỉ biết rằng năm chàng ra đời, ông đã ban thưởng rất hậu. Hình bóng ông nội vĩnh viễn chỉ là ảo ảnh do chàng tự thêu dệt nên, vĩnh viễn nằm trong những câu chuyện nửa hư nửa thực cay đắng. Theo thói quen, chàng đưa bàn tay lên ngắm những tàn ánh sáng lọt qua, như muốn nắm bắt lại cũng như muốn buông bỏ.
- Long Tỉnh năm nay cũng đượm lắm - Tiếng nói của Miên Trinh kéo Thẩm ra khỏi dòng suy nghĩ.
Chàng nhấc chén trà, chiêu một ngụm nhỏ, nghiền ngẫm đôi lát rồi đáp:
- Hậu vị rất tốt. Được rồi, Hoàng thượng lại triệu ta về nữa hay sao?
Nguyễn Phúc Miên Trinh nhướng mày nhìn anh, im lặng một lát rồi lắc đầu nói:
- Đúng là đức kim thượng có nhắc nhỏm em rằng phải gọi anh về. Song đấy không phải là lí do chính.
Nguyễn Phúc Miên Thẩm nhấp trà, khóe môi họa một nụ cười chờ câu trả lời của em trai. Miên Trinh liếc mắt nhìn hề đồng. Thằng bé con mà bây giờ vẫn còn để tóc trái đào cúi thấp đầu nâng cao chiếc tráp trong tay dâng lên cho chủ nhân. Trinh đón lấy tráp, đẩy về phía anh mình, nói tiếp:
- Anh mở ra xem đi.
- Chú lại có phẩm vật nào mới muốn tặng anh sao? - Miên Thẩm cười hỏi, đoạn mở tráp.
- Hạt giống Bách Hoa - Nguyễn Phúc Miên Trinh buột miệng.
Miên Thẩm cả kinh vụt ngẩng đầu lên, chỉ thấy em trai đột nhiên hóa thành một con mãng xà lớn với chiếc mào đỏ trên đầu. Mãng xà đương há to miệng nhìn chàng đầy nanh ác, chừng như muốn ăn tươi nuốt sống. Cuối cùng nó lấy đà cắn xuống. Nguyễn Phúc Miên Thẩm chỉ thấy trước mắt tối sầm lại, mất đi ý thức.
*
Những giấc mơ kinh hoàng liên tục ập đến khiến cho Tùng Thiện Công chẳng thể ngủ ngon được. Ông thay chiếc áo trong, khoác thêm áo ngoài rồi bước ra ngoài hoa viên dạo mát. Tại sao ông lại mơ thấy Miên Trinh và cả khoảng thời gian ấu thơ nữa? Còn Bách Hoa, ông đã thôi tìm kiếm nó lâu lắm rồi, duy chỉ còn mấy bức họa trong nhà cộng với những bức thêu của Trương Thị là lưu lại hình ảnh của loài hoa đó.
Bách Hoa, chỉ cần nghĩ tới là lòng ông lại nóng như bốc lửa. Chỉ có thể nghĩ tới mà không thể tìm thấy. Cơn đau này biết bao giờ mới có thể ngừng lại?
Ngoài kia, ánh mặt trời cuối thu bắt đầu soi qua song cửa. Thời tiết ẩm nồng thế này, chắc hẳn đêm nay sẽ mưa. Không rõ vì sao mà Tùng Thiện Công cảm thấy lòng như lửa đốt, tiên dự một chuyện chẳng lành.
5.
Nơi ấy, họ đã cho đám hầu trải một tấm chiếu lớn, biện rượu biện thịt, ngâm thơ xướng họa. Tiếng cười chảy tràn trên sông An Cựu, gõ vào mạn mấy chiếc thuyền con đậu ngoài bến, chẳng hay có làm kinh giấc của ngư phủ hay chăng? Được độ men nồng, Nguyễn Phúc Miên Thẩm bèn cho thằng nhỏ mang giấy bút ra, vén cao tay áo, họa một bức. Hơi sông đêm theo gió men vào phủ, thoáng lạnh.
Vỗ trán suy nghĩ một chút, cuối cùng Tùng Thiện Công cũng đặt bút. Tuy Lý Công vẫy tay bảo hề đồng hâm rượu rồi cũng bước về phía chàng, quan sát chăm chú. Nâng nậm rượu đầy, Miên Thẩm dốc một ngụm lớn, rồi chấm đầu bút lông thấm mực. Vừa vẽ, ông vừa đọc:
Mỹ nhân chiếu kim tỉnh
Bóng trăng sáng, giếng vàng có bóng ai ngồi bên soi mình?
Tỉnh để hoa nhan lãnh
Dù có sắc đẹp khuynh thành hay tài kinh bang tế thế thì nơi đáy giếng có phản chiếu được hay chăng? Múa đầu bút, dưới đáy nước đã thấy bóng khuê phụ rầu rĩ. Chừng như người họa sư này đã chẳng còn biết được ai đang đứng ở bên cạnh mình nữa, cán bút và cánh tay ông đã suýt mấy lần đẩy ngã em trai.
Không phòng dạ bất quy
Nguyệt chuyển ngô đồng ảnh.
Đoàn Hữu Trưng, con rể của ta, mệnh kiếp đã định sẵn rằng ván cờ này sẽ đổ, không thể cưỡng cầu được.
Vành nguyệt trong tranh ngày một sáng, mây mờ tản đi hết, chỉ thấy bóng người cung nữ không được lâm hạnh soi mình suốt canh trường. Bóng cây ngô đồng cứ vậy kéo dài, tựa mối sầu hận đằng đẵng muôn kiếp. Nguyễn Phúc Miên Thẩm hô một tiếng, chấm nét cuối cùng, đề thơ, đề lạc khoản, đóng chương rồi quăng bút.
- Kim tỉnh oán? - Nguyễn Phúc Miên Trinh lẩm bẩm.
Oán của người cung nữ hay oán của người quân tử đây? Miên Trinh nhìn anh, khe khẽ thở dài. Miên Thẩm bật cười, tràng cười giòn tan rồi sau đó ngưng bặt, ông nhìn em trai:
- Tổ tông ta đoạt được giang sơn một phần nhờ vào người Dương, liệu kết thúc…
Nguyễn Phúc Miên Trinh giật mình vội cắt lời:
- Vách có tai. Giang sơn của tổ tông ta ắt muôn đời cường thịnh.
Nguyễn Phúc Miên Thẩm ngồi xuống, nằm vật ra chiếu.
- Có nước nào không vong?
- Anh nghĩ kỹ hay chưa? - Nguyễn Phúc Miên Trinh chợt hỏi.
- Nghĩ kỹ rồi - Miên Thẩm đáp - Dù biết chuyến này lành ít dữ nhiều, cũng biết rằng Hoàng thượng chẳng giống Tiên đế nhưng ta vẫn phải thử một phen. Chí ít phải giữ được tính mạng cho mấy trăm con người của phủ này.
Ánh trăng trên cao tỏa lạnh, thoáng đã bị mây đen che khuất. Không rõ một giọt nước ấm từ đâu chảy ra, lăn xuống má, Miên Thẩm thiếp đi. Bức Kim tỉnh oán còn một chi tiết chưa được hoàn thành, ấy là đôi má hồng của người cung nữ. Chỉ cần tìm được Bách Hoa thì ông có thể giữ bức tranh ấy vào thiên cổ.
*
Bách Hoa, ta sẽ đợi ngươi, đợi đến khi nào ngươi quyết định khoe sắc với đời. Khi ấy ta sẽ khiến ngươi trở thành bất tử. Không, cả hai chúng ta đều sẽ bất tử!
Trăng tròn tháng bảy, Bách Hoa mãn khai. Từng cánh, từng cánh nhỏ li ti như phát sáng chiếu rực khắp cả một khoảng trời. Chỉ mặc độc chiếc giao lĩnh mỏng manh, mái tóc vẫn còn xổ tung, Nguyễn Phúc Miên Thẩm dạo giữa vườn Bách Hoa. Ông cúi đầu ngắm nhìn giống dị thảo tưởng chỉ có trong truyền thuyết, và bật cười. Hương Bách Hoa ngai ngái tanh nồng như máu, Tùng Thiện Công đưa tay định gỡ từng cánh hoa xuống.
Song, hốt nhiên tay ông bỗng đau buốt, nhìn xuống thì thấy hai dấu tròn rỉ máu. Nguyễn Phúc Miên Thẩm cả kinh, vội vàng nắm chặt lấy cổ tay chặn đứng dòng máu độc. Xa xa, một con rắn trắng có mào đỏ lặng lẽ trườn đi. Ông sững người, cứ vậy nhìn theo dáng nó cho tới khi khuất dạng. Không có dấu hiệu của mối nguy hiểm đến từ con rắn nọ, có lẽ nó chỉ là một con rắn nước bình thường chăng? Bên bờ An Cựu này không hiếm loài rắn nước.
Nguyễn Phúc Miên Thẩm hoàn hồn, lại tiếp tục hái những cánh hoa để làm màu vẽ. Và đột nhiên, những giọt máu đỏ nặng kết lại thành dòng thấm vào đóa hoa bên cạnh. Ông giật mình lùi lại, đóa hoa nọ sung mãn vươn mình, đỏ sẫm như vừa được tiếp thêm sinh khí. Nhưng khi nhìn lại thì đó lại chỉ là một đóa Bách Hoa thường mà thôi. Ông thở phào nhẹ nhõm, hái trữ đầy tay áo những cánh hoa tươi.
Bước vào trong lều, ông để chúng vào một cái nghiên lớn, dùng chày gỗ nghiền nát. Sắc đỏ trào ra dầm dề như máu người kết lại thành một thứ mực đặc biệt. Nguyễn Phúc Miên Thẩm mở chiếc tráp đựng tranh, lấy bức Kim Tỉnh Oán ra. Nơi góc giếng, chỉ thấy người cung nữ sầu tủi chờ ai. Chấm đầu bút vào mực Bách Hoa, ông điểm nhẹ lên đôi má người con gái.
Và, kỳ quái thay thứ mực đó biến thành vô sắc. Tùng Thiện Công chau mày nhìn mực thấm vào lần giấy - vô hình, bèn quay đầu ngoảnh lại nhìn, chỉ thấy một vùng đất trống mênh mông chưa khai phá.
Nguyễn Phúc Miên Thẩm đứng bật dậy, vội vàng chạy ra ngoài. Gió ban mai mang theo hơi ẩm thổi ngang, ông ôm lấy đầu. Tóc mai, nương theo lực tay của Tùng Thiện Công, bắt đầu rụng xuống.
Mộng tỉnh rồi, ta phải làm sao với nhân thế này đây?
Tùng Thiện Công giơ đôi bàn tay có vương những sợi tóc đó lên, tất thảy đều đã bạc trắng. Ông bật cười lặng lẽ nhìn Nguyễn Phúc Miên Trinh vẫn đang ngon giấc rồi tìm kiếm quanh phòng, thấy một cuộn dây lớn bèn trói chặt mình lại. Sau đó, ông cất tiếng gọi thằng nhỏ đứng hầu ngoài sân chuẩn bị ngựa đưa mình nhập cung.
Thể Cúc, con gái của ta, Trưng không phải là một con cá chấp nhận bị giam trong chậu đồng, nó muốn hóa rồng để bay ra biển xa. Trưng, ta sẽ thay con đánh nốt ván cờ này.
Trên bàn, bầu rượu cạn khô lăn lóc, đã sang canh ba, toán lính bắt đầu đổi ca gác. Không gian yên tĩnh điểm vài tiếng chân, âm khỏa chèo vọng về từ ngoài sông nghe cô liêu khôn tả.
____________________
(1) Con rể của Tùng Thiện Vương, thủ lĩnh của Loạn Chày Vôi 16/9/1866 nhằm lật đổ Tự Đức.
(2)Tên ngày nhỏ của Tùng Thiện Vương là Nguyễn Phúc Hiện, năm 1832, sau khi có Đế hệ thi, ông được đổi tên thành Nguyễn Phúc Miên Thẩm.
(3) Tên ngày nhỏ của Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Miên Trinh.
(4) Người Dương: Từ dùng để chỉ người Pháp bấy giờ.
(5) Năm 1854, Nguyễn Phúc Miên Thẩm bấy giờ đang giữ tước Tùng Quốc Công được phong thành Tùng Thiện Công (Tùng Thiện Vương là thụy hiệu được Bảo Đại truy phong vào năm 1936).
(6) Con gái của Nguyễn Phúc Miên Thẩm, được gả cho Đoàn Hữu Trưng.
(7) Năm 1854, Nguyễn Phúc Miên Trinh bấy giờ đang giữ tước Tuy Quốc Công được phong thành Tuy Lý Công.
Nguồn Văn nghệ số 5/2018