Thời sự văn học nghệ thuật

17/9
10:51 PM 2018

ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN THƯỞNG THĂM CÁC NGHỆ SĨ LÃO THÀNH NHÂN NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM

Chiều 17-9-2018, nhân kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12-8 âm lịch), đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm và tặng quà NSND Trần Tiến và Giáo sư, NSND Trần Bảng. Cùng đi có NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và một số hội viên của hội.

Đồng chí Võ Văn Thưởng thăm hỏi GS Trần Bảng

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đánh giá cao những cống hiến của các nghệ sĩ lão thành trong sự phát triển của sân khấu Việt Nam; đồng thời chúc các nghệ sĩ mạnh khỏe, tiếp tục động viên, khuyến khích con cháu tích cực tham gia phát triển sự nghiệp sân khấu cũng như VHNT nước nhà. Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng gửi lời thăm hỏi, chúc mừng tới toàn thể các nghệ sĩ nhân Ngày Sân khấu Việt Nam, chúc giới nghệ sĩ cả nước thêm nhiều thành công và sáng tạo mới. 

NSND Trần Tiến là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng của làng sân khấu Việt Nam với nhiều vai diễn để đời. Ông cũng là một diễn viên điện ảnh tài năng. Ngay từ năm 1954, nghệ sĩ Trần Tiến đã tham gia hát đồng ca trong Đoàn Văn công Trung ương. Trần Tiến là một tài năng đa dạng. Ông thể hiện được nhiều vai thuộc nhiều dạng tính cách khác nhau, trong nhiều thể loại, loại hình nghệ thuật và luôn luôn tạo ra những đỉnh cao sáng tạo. Những vai diễn của ông qua gần nửa thế kỷ đã để lại dấu ấn riêng trong lòng công chúng. NSND Trần Tiến đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1991. 

Giáo sư, NSND Trần Bảng là đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo. Ông quê ở Hải Phòng, là con trai của nhà văn Trần Tiêu, cháu gọi nhà văn Khái Hưng là bác ruột. Ngay từ nhỏ ông đã say mê văn chương, kịch nghệ. Năm 20 tuổi, ông đã đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và biết các tiếng Anh, Đức, Nga. Sau Cách mạng tháng Tám, nghệ sĩ Trần Bảng tham gia kháng chiến chống Pháp. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, ông công tác tại Đoàn Văn công Trung ương, cùng tổ kịch với các nghệ sĩ Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Hoài... và bắt đầu đến với nghệ thuật chèo. Năm 1957, ông và những bậc thầy về nghệ thuật chèo đã thành lập Ban nghiên cứu chèo. Ở đây, ông đã khai thác, bảo tồn các vở chèo cổ, lưu giữ các lớp trò của các nghệ nhân. Từ những nghiên cứu đó, ông đã cải biên, xây dựng lại nhiều vở chèo cổ kinh điển,  đóng góp đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo cổ, đưa chèo cổ sống lại trên sân khấu chèo hiện đại... Ông đã được phong học hàm Giáo sư và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (năm 1993), nhận Giải thưởng Nhà nước đợt II năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 5 năm 2017.

(Theo: TTXVN)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *