Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Phóng sự nhiều kỳ: Một trăm người lính xe tăng - Nguyễn Thế Tường (Kỳ 2)

Kỳ 2 : Lính tăng yêu - hát - quậy và... ra chiến trường

22-12-2011 09:22:25 AM

VanVN.Net - Đã đến đầu tháng Tư năm 72, hoa phượng nở, đồi chè xanh hơn dưới nắng. Lính tăng ta như những chú chim đã ra ràng. Chiều chiều, học viên xin trợ giáo được tự lái xe từ bãi về Gara, ngang qua đồi chè lượn một vòng cua dừng lại dưới chân đồi. Trên kia, các nữ công nhân mặc đồng phục xanh sĩ lâm cũng vừa hết việc. Lịch sử hội họa chưa thấy bức vẽ nào tả thực dăm bảy chú lính tăng - sinh viên, quần áo lái xe xám xịt từ những chiếc tăng lấm bụi chạy ào ào lên lưng chừng đồi chè xanh biếc, nơi cũng có dăm bảy nàng đứng đợi.

Đã nhiều lớp huấn luyện, chưa có đợt lính nào “tán” giỏi đến thế. Nhưng, gần như không để lại hậu quả, không để lại thằng “tăng con” nào. Tâm lý xã hội nghiệt ngã quá, cuộc sống khó khăn quá. Còn nữa, không biết từ lúc nào trong lính lan truyền tín ngưỡng rằng anh nào “quan hệ” hoặc cưới vợ trước khi đi B (bê) là dễ “mất gáo”. Thằng Hải tán đổ một nàng tên Lâm đẹp như mơ - Mãi sau này hắn mới kể, đã nhiều đêm nghiến răng trèo trẹo mới trấn áp được cái “cần tăng dân số” không nổi loạn. Thằng Toàn cũng tán đổ một em ở đội trồng chè. Tháng tháng hắn mang năm đồng phụ cấp binh nhì ra góp với 50 đồng lương của nàng để sau này… làm vốn cho tương lai - Khôn thế!

Đẹp nhất vẫn là lúc có gia đình và người yêu từ Hà Nội lên thăm. Đi tàu hơn sáu chục cây số lên ga Vĩnh Yên, cuốc bộ hoặc đạp xe 7 cây nữa là đến. Việt Bột - chàng trai Nam Định đón gia đình và người yêu. Sự lịch thiệp và tươm tất của Khách tương phản với màu bụi, màu thép xám xịt và gương mặt phong trần của học viên khiến mọi người vừa xúc động vừa chạnh lòng. Nguyễn Trọng Hoài, sinh viên khoa Vật lý đón Hải, bạn gái cùng lớp mà lúng túng như gà mắc tóc - Đây là mối tình đầu mới chớm nở của anh. Năm 1974, Hoài hy sinh ở Bình Phước. Năm 1976, Hải lặn lội vào Quảng Trạch - Quảng Bình trao sách vở, đồ dùng cá nhân thời sinh viên cho gia đình chỉ giữ lại cuốn nhật ký lưu niệm 2 người. Có 4 sinh viên khoa Văn đèo nhau lên thăm bạn, đến Vĩnh Yên thì kiệt sức. Ba bạn gái là Khanh, Định, Liên ngồi lại để bạn trai Trương Công Hoà đạp xe dò đường rồi hò hét lính tăng ra “tải” từng người vào. Thời ấy, vật chất khốn khó quá. Sau này, trước khi lâm trận nếu có nghĩ rằng mình sẽ chết thì trong nhiều nỗi ân hận có sự day dứt đã không đón được gia đình, bạn bè và người yêu cho tử tế.

Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn chờ người yêu lên thăm. Nhiều chàng nhớ quá chịu không nổi bèn “tút” về Hà Nội. Đêm thứ bảy, không ai có thể chắc chắn dưới lớp vỏ chăn trùm kín đầu kia là một học viên xe tăng đang ngủ hay chỉ là một cái chăn cuộn tròn. Đội tuần tra cũng chỉ lia đèn pin lớt phớt. Gần sáng thứ 2, Nguyễn Tự Chính từ ga Vĩnh Yên mò về. Cả lớp K thức dậy.

- Thế nào? Nước non gì không?

Chính thở dài:

- Tao rủ được em ra Bờ Hồ, tao ôm nhưng em vùng ra. Tao lại ôm, em lại vùng ra.

Chính đẹp mã, sinh viên Bách Khoa, sống chân thật nên khoản “hót” hơi kém. Ngay buổi sáng ấy, Chính làm cả lớp hết hồn. Lớp đã hoàn thành các khoa mục: Lái hạn chế thẳng, hạn chế chữ Z, cầu vệt, vánh đứng, sống trâu… Hôm nay vào một khoa mục mới: Lái vách hụt. Hãy hình dung, chiếc xe tăng đang chạy số 5, gặp một vách hụt. Người lái lập tức giảm ga, rít bàn đạp hãm, đạp ly hợp, xuống số không, vù ga, đạp ly hợp vào số 2, tiếp cận xuống vách hụt rồi lập tức lên số 3 - 4 - 5. Rất nhiêu khê và mệt. Xe Chính lái tới vách hụt với tốc độ cao nhất, chững lại giây lát tiếp cận vách hụt rồi lao đi với tốc độ số 5 như một con mãnh thú. Ôi, Tự Chính! Cái tật nóng nảy đốt cháy giai đoạn như thế thì trong khoa mục xe tăng lẫn tình yêu đều bị trừ điểm cả thôi.

Và hát. Xin cam đoan rằng tất cả những ai qua đời lính đều biết hát. Dĩ nhiên, quen thuộc nhất là “Vì nhân dân quên mình”, “Giải phóng miền Nam”, “Con cua đá”, “Nổi lửa lên em”, “Ta lại đào công sự”… Nhưng không ai lên cơ mặt suốt đêm được, nên, phổ biến nhất vẫn là những ca khúc nhạc xanh mang theo từ ký túc xá sinh viên: Đôi bờ, Chiều Mátxcơva, Xantaluxia, Palôma, Kachiusa, Chiều hải cảng, Giờ này anh về đâu...

Ảnh: báo Quân đội nhân dân

Một lần, cả lớp K lẫn lớp H đang tập bài thể dục binh chủng: Chạy 100 mét, nhảy vào xe quay pháo 15 vòng, bưng bình điện ra cửa xe (tò vò), cầm búa nện ngang vào chốt xích 20 nhát không chệch. Kẻ đứng, người ngồi, người tập. Nắng ong ong, mệt… Bỗng thằng Đinh Công Nhiên, hiệu “Nhiên Tây” vì cái mũi cao và đỏ, đứng trên tháp pháo lồng lộng, tay xỏ vào ngực như thổn thức rồi vang lên lời hát cao ngất, âm vực rất lớn: Đ… â… â… y…! lời anh hát tặng em, bao lời ca dịu êm, mang cả tâm hồn anh…”. Không gian lặng đi, tất cả lính nhổm dậy, những người đang cầm búa cũng dừng tay, 4 chiếc xe tăng xám xịt nằm im phắc: “Cả tình yêu bền lâu, trong mùa xuân tươi vui, khi mà em yêu dấu, trở-lại-cùng-anh-qua-bao-năm-tháng-mong-chờ…!” Lạ thay giai điệu bà tình ca “Tiếng hát trái tim” của một quốc gia nào đó, chuyển ngữ, được Nhiên phấn khích cất lên đúng lúc nên có sức lay động kỳ. Như thể không còn chiến tranh và những nỗi cơ cực, những ngày tập luyện vất vả và có khi chán nản, xóa nhòa hết những bất đồng, những tranh cãi vụn vặt hàng ngày giữa lính với lính, đến mức muốn choảng nhau. Chỉ còn tình yêu của trái tim tuổi 20 với những giảng đường dang dở, và nỗi khát khao muốn hiến thân cho những điều gì đó thật lớn, một tình yêu lứa đôi hay tình yêu đất nước!.

Còn nữa, có những bài tình ca thật lạ, thật xưa như thời cổ tích, không biết của đội quân nào nhưng xem ra rất hợp với cậu lính sinh viên: Người chiến sĩ trong giờ phút xuất chinh nhìn người yêu đưa tiễn mình…

Nhiều nhất, hay phổ biến nhất là… nhạc vàng. Hỡi những nhà tuyên huấn, những nhà tư tưởng! Đừng vội quy kết cho nhạc vàng, ngay cả khi nó phổ biến trong môi trường lính những năm chống Mỹ. Hãy hình dung, cả ngày quăng quật với sắt thép, đại bác, súng máy, tháp pháo, bình điện và những đám bụi mù mịt, tối đến ăn vội hai bát cơm ra ngồi trên đồi ôm đàn ghi-ta nhìn những cây cọ già đang trầm mặc, thả lỏng cơ bắp mà rên rỉ đôi dòng “vàng hoe” lại có hiệu quả, “Trăng mùa thu lên cao rung hàng cau lao xao…”, “Hoa phượng rơi báo mùa thu tới, màu lưu luyến nhớ quá thu ơi”. Thằng Huyền có người yêu tên Thu ở khoa Văn, cứ đoan chắc mỗi lần hát lên ca từ ấy là trên môi có vị ngọt của môi nàng (sau này mới biết hắn nói phét). Thằng Hoàng Đức Dàn (sinh viên Bách Khoa) quê Quảng Trị phân bua: Nhà tôi ở ven bờ Bắc sông Bến Hải, hàng ngày loa ngụy mở nhạc vàng ra rả, không thuộc mới là lạ. Nghe riết lại thấy hay. Suốt ngày Dàn rên rỉ “Yêu em nhiều hơn đền em những ngày cô đơn…” Lê Hoàng Minh quê Sài Gòn chơi ghi-ta khá, vừa đàn vừa hát “Cô gái kiêu kỳ”, “Cô gái ích kỷ”, không biết nhạc nước nào; Cũng có lần vì mấy câu nhạc vàng mà suýt choảng nhau. Đi “Lái nước” ở hồ Đại Lải. Lái nước là lái xe tăng (hay thiết giáp) lội nước (bơi trên nước), dùng mỡ chịu nước bít hết các kẽ hở, dùng băng xích guồng hoặc chân vịt đẩy xe đi. Xe này thường vỏ thép mỏng mà thể tích lớn mới nổi được. Trăng lên, xe tăng ì oạp bơi đi, mặt nước ánh bạc. Một cậu cao hứng cất lên: “Lênh đênh đài cao chiến hạm anh nhìn sao rơi…” là một ca khúc của hải quân ngụy. Cấp chỉ huy có thể lúc đó đang cáu giận điều gì hét lên, thế là quan và lính vục vặc, tí nữa thì choảng nhau. Có câu “Cục đất bỏ lên ca bin (xe ô tô) cũng biết nói” lại có câu: “Cục đất bỏ vào buồng lái xe tăng cũng biết choảng nhau”. Tuổi 20 đầy cá tính. Nhiều vị nguyên là học sinh các trường miền Nam, từng náo loạn đất Cảng. Các vị trường Nguyễn Văn Trỗi, quậy từ Quế Lâm Trung Quốc quậy về. Thằng Bé (Quảng Trị - dân Bách Khoa) choảng nhau với thằng Kiên (Thừa Thiên - dân Tổng hợp) chỉ vì mấy quả ớt - Dân Bình - Trị - Thiên ăn ớt như ăn khoai. Lớp học có anh Lê Sơn Tịnh, biệt danh Tịnh Già, lớn hơn đến 5 tuổi, dân Bình Định giỏi võ. Có đám đánh nhau, anh Tịnh tới can, không nghe thì anh choảng luôn. Một bận, ổ trứng gà của thượng úy Chính trị viên biến mất. Ông cáu lắm quát ầm, hôm sau mất luôn con gà mái. Ông thôi không quát nữa vì sợ… mất cả đàn gà. Một đêm, hai thằng gác khuya mang về gói xôi sắn to đùng thơm phức cho cả hội cải thiện. Hôm sau, anh nuôi đại đội tăng của Pathét Lào học lái gần đấy sang khiếu nại. Chỉ huy phải nhắc nhở kịch liệt sợ ảnh hưởng quan hệ quốc tế. Quậy chơi vậy thôi chứ lính tăng không đói.

Một lần tôi đi ăn trộm. Lính thèm đường, mấy thằng gạ, bùi tai, tôi đổi đôi dép lấy kẹo lạc ở Phố Tám. Đi giày không có xà phòng thối như cóc chết. Thế là nhân buổi lái dã ngoại, bọn thằng Hùng, Tuấn, Sâm, Hải hộ tống tôi đi ăn trộm dép của lính bộ binh sắp đi B (bê). Bốn thằng đứng ngoài ngõ, tôi tiến vào. Lính giống nhau như mặt lợn con, chó không sủa, chủ nhà không biết. Tôi tụt đôi giày thối, xỏ đôi dép mới vừa chân quay ra cùng bốn thằng thong thả về. Được mươi bước, không hiểu sao tôi lui chạy lại trả đôi dép, xỏ lại đôi giày thối. Bốn thằng chờ cùng về, không nói gì. Không thể ăn trộm của đồng đội, dẫu biết rằng lính bộ binh đi B nếu thiếu quân trang sẽ được bổ sung ngay.

Thời gian trôi nhanh; Mùa hè đổ lửa xuống đất trung du Vĩnh Yên. 100 lính đã khá thành thạo lái xe sắp chuyển sang học pháo, điện đài và chiến thuật, mật mã. Ở Quảng Trị, chiến sự đảo chiều. Sách lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ viết: “Các mũi đột phá của ta bị chặn lại, tổn thất hơn cả trong chiến dịch giải phóng. Trước thực tế đó, BTL chiến dịch chủ trương ngừng tiến công để chuẩn bị đối phó với địch phản kích. Nhưng đã muộn, sáng ngày 28-6-1972 cuộc hành quân Lam Sơn 72 - Cuộc phản công lớn của địch đã bắt đầu…”. Ba ngày sau đó, một trăm hạ sĩ quan tăng thiết giáp tương lai tập hợp thành đội ngũ. 21 học viên có tên bước ra khỏi hàng. Mệnh lệnh: lập tức tổ chức thi lái đạt cấp 1 - để bổ sung ngay cho chiến trường Quảng Trị. Một tuần sau, họ lên đường không kịp nhận cả quân hàm dẫu chỉ là binh nhất. Cuộc chiến đấu khẩn trương và ác liệt, nhiều chiến sĩ hy sinh khi ve áo vẫn mang quân hàm binh nhì.

Cũng không lâu sau đó, 79 vị còn lại hối hả hoàn thành chương trình đào tạo, bế giảng, phong quân hàm hạ sĩ quan và toả về các chiến trường B (bê), C (xê), bắt đầu cuộc hành trình xe tăng bánh xích đến trưa ngày 30-4-1975.

----------

Kỳ 1

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn