Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Phóng sự nhiều kỳ: Một trăm người lính xe tăng - Nguyễn Thế Tường

Kỳ 1: Chuyển binh chủng

21-12-2011 12:26:46 PM

VanVN.Net - Ngày 7-2-1971, sáng sớm đầu đông se lạnh, chưa tỏ mặt người, có một trăm người lính, vai ba lô, không vũ khí, tập hợp thành đội ngũ trong sân đình một làng quê thuộc huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh. Họ chưa phải là cựu binh nhưng không còn là tân binh. Chín mươi ngày trước đó, từ các giảng đường đại học, họ nhập ngũ cùng với hơn ba ngàn sinh viên khác phiên chế thành sư đoàn huấn luyện mang phiên hiệu 325.

Ba tháng “quân trường” kỹ chiến thuật bộ binh, họ đã rũ bớt được tác phong ẻo lả, uể oải của nhịp sống sinh viên. Suất cơm lính và những buổi tập, những đợt hành quân dã ngoại phần nào khiến họ nhanh nhẹn, rắn rỏi và phong trần hơn. Một hình khối kỳ lạ, xanh màu lá, vuông chằn chặn: 10 hàng dọc – 10 hàng ngang. Một trăm lính tuyển chọn từ quân số hơn ba nghìn của sư đoàn được chuyển sang một binh chủng mà mới nghe đến đã đầy phấn khích, đã tưởng tượng ra sức nặng sắt thép và xủng xoảng hỏa lực: Tăng – Thiết – Giáp.

Cuốn Nhật ký thời chiến Việt Nam (NXB Thanh Niên) của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc trang 103 viết: “Ngày 7-2-1971, mãi sớm nay bọn lính tăng mới đi. Lăng đi rồi, lúc 5 giờ sáng. Bọn mình mệt còn nằm ngủ, nó không gọi mà để lại mảnh giấy nhỏ. Chia tay! Giản dị và thân mến quá… Chúng nó đi, có nhớ chút nào đến ba tháng qua, đến những ngày đầu bộ đội. Đêm nay rét đây và chắc là khó ngủ, mỗi người một thế giới trong đêm…”.

Đi ô tô hơn một buổi thì đổ quân xuống chân núi Tam Đảo ở một địa danh có tên là “phố Tám” – một thị tứ hiu hắt nằm trên km 7+600 tính từ dốc Láp (thị xã Vĩnh Yên) lên Tam Đảo. Một vùng gò đồi có thân cọ xù xì đứng trầm mặc ngửa ô che nắng, những đồi chè trải thảm, làng xóm ẩn hiện trong cây xanh dưới những thung lũng nhỏ nơi chân đồi tiếp giáp với ruộng nước. Triền đồi chăng ngang dọc những con đường đất đỏ. Mặt đường bị băm nát thành bụi bởi xích xe tăng qua bao mùa huấn luyện.

Bài học nghiệp vụ đầu tiên: Tăng và thiết giáp là hai loại xe khác nhau nên có tên ghép Tăng – Thiết giáp

Công việc đầu tiên: Không phải ngồi vào buồng lái mà là…vào rừng chặt nứa.

Đi rừng! Những chàng lính cậu ngơ ngác và hơi bất mãn, vì, không hiểu sao về binh chủng kỹ thuật hiện đại mà lại đi làm…tiều phu. Dần dà rồi cũng ngộ ra cái sự khác nhau giữa…Việt cộng và đối phương, rằng thì là, quân đội nhân dân phải biết đỡ gánh nặng cho đất nước. Và, kỹ năng chặt nứa sao cho đầu nhọn thân cây bị chém xiên không lao thẳng vào ngực cũng quan trọng không kém việc phối hợp tay kéo cần lái nấc hành tinh cùng chân ga ấn xuống cua một cung độ tránh đường đạn kẻ thù khi mà họng súng đại bác trên xe M48 đã nhòm thẳng vào xe anh…

Xe tăng M48. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Dường như Bộ tư lệnh Tăng – Thiết giáp có những ý tưởng lớn, kỳ vọng nhiều vào một trăm vị sinh viên đã qua sơ khảo huấn luyện bộ binh. Thêm vài tuần vào rừng để cho các vị được thử thách nghiệt ngã, đặng phân lập cá tính mà xếp vào các lớp chỉ huy hay kỹ thuật, đào tạo thành một khóa hạ sỹ quan chính quy mẫu mực. Kết quả, năm mươi chiến sỹ tương đối thuần phác, tác phong chấp hành kỷ luật nghiêm được xếp vào lớp chỉ huy phiên hiệu H (hát). Năm mươi vị còn lại phần nào cá tính gai ngạnh được xếp vào lớp kỹ thuật, phiên hiệu K. Nhưng dù K hay H, chỉ huy hay kỹ thuật – Lên rừng theo mẹ Âu Cơ hay xuống biển theo cha Lạc Long Quân – thì trước hết vẫn phải học lái thành thạo, bắn súng trúng đích, điện đài thuần thục và kỹ thuật tinh xảo (Rồi mới đến chiến thuật xung phong, phòng ngự, vu hồi, công kích…)

Vậy là… cắp sách đến lớp, bút mực, phấn, bảng đen và các thầy giáo sỹ quan. Ôi! Thật là, từ giảng đường lại đến giảng đường. Bài một, cũng dẫn luận, cũng lịch sử xe tăng thiết giáp của thế giới và của quân đội ta. Định nghĩa: Xe tăng là một loại xe chiến đấu chạy bằng xích, vỏ thép dày, hỏa lực mạnh, tính cơ động cao, có tháp pháo quay tròn 360 độ”. Vậy nghĩa là xe nào cũng chạy bằng xích, cũng cơ động cao nhưng không có tháp pháo thì gọi là thiết giáp. Và nữa, nếu có pháo nhưng không quay tròn trên tháp thì gọi là pháo tự hành (không nằm trong binh chủng). Rồi thì nhiên liệu diezen, động cơ bốn thì hút – nén – nổ - xả, nén đến 2500 Át – mốt – phe thì nổ, khác với động cơ đốt trong bật tia lửa điện đốt nhiên liệu, bảng cầu chì dài dằng dặc: đuôi, hồng, hông, còi, quạt, nhờn, đồng, khởi, mù, pha. Nút khởi động, nút bơm dầu nhờn, bảng đồng hồ vòng quay, đồng hồ áp lực, đồng hồ… vô thiên lủng. Mạng điện trong xe, cấu tạo buồng chuyền động, trục khuỷu, bánh chịu nặng…

A! Bánh chịu nặng – một cái bộ phận trong guồng xích lại có hình dạng giông giống được đem ví với khúc dồi lợn. Số là, từ lính bộ binh ăn tiêu chuẩn 7 hào/ngày, sang Tăng – Thiết giáp lên một đồng sáu, lính ta hân hoan lắm. Thế chứ, Tăng – Thiết giáp cơ mà! Hai mươi mấy năm trước, trong thế chiến hai, tại vòng cung Cuôc -  cơ, lực lượng xe tăng hùng hậu và dũng cảm của quân đội Liên Xô đã đánh bại Tập đoàn quân của Thống chế Pao lút, giải vây Matx – cơ – va, làm thay đổi cục diện chiến tranh Đông Âu tiến tới đánh bại cả phe phát xít Đức – Ý – Nhật là gì?! Những ngày ra thao trường, lính tăng ăn tiêu chuẩn tới hai đồng rưỡi, ngả lợn tơi tới. Tư Tỏi – Tư Cầu muối là chàng trai Hà Nội – sinh viên Bách khoa có truyền thống gia truyền chế biến các món. Việc làm dồi lợn với Tư Mắm là chuyện nhỏ. Và, dồi lợn được lấy biệt danh Bánh chịu nặng. Hôm nào ngả lợn, nhà bếp mượn Tư Mắm một buổi là y như có vần bánh chịu nặng. Tư Mắm có người em rể tương lai là Phan – Trung – Khoa – cũng sinh viên bách khoa, quê Lệ Sơn – Tuyên Hóa – Quảng Bình, đẹp trai, hiền lành, yêu em gái Tư và đã được gia đình chấp nhận. Hai anh em rể sinh viên cùng lớp, cùng nhập ngũ, cùng được tuyển sang Tăng – Thiết giáp, cùng học lớp chỉ huy, và…

Những buổi ra thao trường thật ấn tượng. Trường lái là một bãi đất trống, rộng và tương đối phẳng, học viên nhiều khóa cùng sử dụng. Những chiếc xe tăng cứ lầm lũi bò ngang dọc. Học viên mới học lý thuyết đương nhiên chưa được lên xe ngay. Bởi, giá mỗi chiếc xe tăng bằng cả một nhà máy Diêm (Thống nhất), động cơ 500 mã lực, mạnh hơn cả đầu máy xe lửa lại chỉ có tuổi thọ 600 giờ máy nổ. Học viên nổ máy đủ 18 tiếng là được lái đạt cấp 1. Vậy nên, phải tiết kiệm giờ máy nổ. Người ta để ở góc bãi lái vài bộ ghế lái tháo từ xe cũ. Học viên ngồi đó học lái nguội cho thành thạo. Các động tác phải y như thật. Này nhé, chân trái đạp ly hợp, tay phải ấn nút. Khởi động từ 3 – 5 giây, chân ga vừa phải, chừng 600 – 900 vòng/phút. Khi tiếng máy đã ổn định, thân người thẳng, mắt nhìn thẳng, hơi giảm chân ga, chân trái dẫm ly hợp, tay phải bóp mỏ vịt vào số 1 (số một nhé). Từ số 1 lên số 2, 3, 4, 5 rồi xuống 4, 3, 2, 1 từ chuyên môn gọi là đi số. Chỉ được khởi xe từ số 1. Chân trái nhả ly hợp 2/3 nhanh, 1/3 chậm đồng thời chân ga từ từ ấn xuống, chiếc xe tăng 32 tấn (T34 – Tê Ba Tư) giật nẩy rồi rùng mình chuyển động, hai băng xích nghiến đường tiến tới. Khi được tốc độ rồi thì hơi giảm ga, chân trái đạp ly hợp, tay phải kéo cần lái xuống số không, lại đạp ly hợp tống vào số 2, lại tăng ga. Từ 2 lên 3, từ 3 lên 4 đều như vậy. Gọi là “Lên số tăng ga… xuống số vù ga, ly hợp nhả ra chân ga dận xuống”. Nhiêu khê và hấp dẫn và cũng là bài học vỡ lòng. Mà đó là còn trên ghế lái nguội, miệng lẩm nhẩm, tay chân nhiều lúc khua loạn xạ, tay phải kéo cần số thì mắt lại nhìn xuống theo tay. Lại nữa, chuyển hướng! Xe lái bằng cần, sức kéo 25 kg, chuyển hướng bên nào thì kéo cần lái bên đó. Có ba nấc kéo tỷ lệ thuận với mức độ chuyển hướng: nấc phân ly – chuyển chừng 15 – 20 độ, nấc hành tinh – cua 70 – 100 độ, kéo hãm – xe có thể đứng một chỗ mà quay vòng. Khi kéo cần lái phải đồng thời tăng ga. Đã có học viên các khóa trước, trên đường hành quân làm ngược lại: kéo cần lái nấc hành tinh khi chân ga vô tình giảm khiến xe chuyển sang hướng ngược lại gọi là phản chuyển hướng gây tai nạn giao thông bi thảm.

Kể ra thì vô cùng nhiều bài học. Cái thời gian học lý thuyết và học lái nguội khiến học viên sốt ruột. Hôm ấy, ra bãi lái, học viên đang tập hợp hình khối để nghe hướng dẫn khoa mục. Bỗng, một trong những chiếc xe tăng giáo luyện đỗ trên bãi tự nổ máy rồi… từ từ chạy. Giáo viên và trợ giáo tái mặt chạy sấp ngửa quát tháo bắt dừng lại, tắt máy. Từ trong xe nhảy ra một chú chàng lớp H, cựu sinh viên Bách khoa tên là Hoàng Sâm. Giáo viên lắc đầu ngao ngán chịu các vị lính cậu. Vậy rồi cũng tới lúc… sau gần hai tháng làm quen, học lý thuyết, học lái nguội đến lúc các học viên được chính thức ngồi vào ghế lái, tim đập mạnh, hít một hơi thở sâu, chân trái đạp ly hợp hết cỡ, chân phải dẫm nhẹ bàn đạp ga, tay phải ấn dứt khoát vào nút khởi động cho động cơ diezen 500 mã lực của chiếc xe tăng gầm lên.

Trong thời gian diễn ra những sự kiện trên đây, khi mà người lính xe tăng đang quen dần với ghế lái thì những đồng đội cũ của họ, nhiều chiến sỹ bộ binh sư 325, trong đó có Nguyễn Văn Thạc đang tiếp cận bờ Bắc sông Bến Hải. Tháng 3 -  1972 ta nổ súng mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị...

-------------

Kỳ 2: Lính xe tăng hát, quậy và ra chiến trường.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn