Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Bút ký: "Danh xưng cho một linh hồn" - Nhụy Nguyên

Nhụy Nguyên - 21-12-2011 11:49:15 AM

VanVN.Net - Những dòng chữ được viết bằng cả tình yêu và nỗi thao thức của tác giả đối với liệt sĩ Cu Lối, với cánh rừng A Lưới từng bị bom đạn Mỹ thảm sát năm xưa đã khiến bài ký có sức vang vọng vượt lên một câu chuyện cụ thể. “Những “thông tin”, những “vấn đề” trong bút ký của Nhụy Nguyên thường được diễn tả qua cảm nhận, liên tưởng của tác giả, lại được thể hiện với một văn phong của một cây bút truyện ngắn biết chăm chút từng câu, từng chữ, nên tác phẩm có sức truyền cảm và do đó, để lại ấn tượng sâu hơn trong lòng bạn đọc (Nguyễn Khắc Phê). “Danh xưng cho một linh hồn” là tác phẩm in trong tập bút ký mới nhất của Nhụy Nguyên, có tên: “Về những đỉnh tuyệt mù”. VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc...

Cụ Kăn Phắt (mẹ liệt sỹ Cu Lối) - Ảnh: Phạm Bá Thịnh

A Lưới vào hạ, những cơn mưa chiều se lạnh. Thầy giáo Ngua - người bà con với mẹ Kăn Phắt đón tôi ở thị trấn bằng dòng tin nóng: “Bà đi hai hôm rồi!”. Máy xe tự tắt sau chặng đường đèo gần trăm cây số, tôi rã người, lặng. Lẽ ra tôi phải lên cái nơi heo hút này từ tuần trước theo như dự định. Trên đường dốc, tôi mường tượng bên mẹ Kăn Phắt hỏi bao chuyện về đứa con trai duy nhất trong đời đã bị giặc băm vằm… Ngua cũng không nói gì, nét mặt đầy vẻ ái ngại đưa tôi đến với Mẹ.

Thời gian! Người mẹ sau chiến tranh đã không hóa đá, vì nước mắt vẫn âm ỉ chảy theo thời gian như mạch ngầm của sự sống vĩnh hằng... Đấy là những gì tôi “chiết” ra từ di ảnh mẹ Kăn Phắt vào cái chiều mây xám trùm lên những dãy đồi hoang vắng chon von.

Nén hương nghi ngút tỏa khói trong ngôi nhà tình nghĩa. Tài sản của mẹ là cái Ka Lom từ thời thanh niên, đã trở thành báu vật mà trong đó đựng thứ còn quý giá bội lần: kỷ vật của một giọt máu đã khô! Kăn Chiu nấc lên, lần giở từng tấm huân, huy chương của anh trai. Tục lệ người Pa Kô không cho phép chị chăm sóc mẹ trong nhà mình. Vợ chồng chị đã dựng cho mẹ ngôi nhà sàn nhỏ xíu. Hình như không mấy ai có trách nhiệm nhớ tới mẹ Kăn Phắt, khi mà con mẹ - máu đã thấm lòng đất đủ để nuôi một cây Arlăng thành cổ thụ. Xin cho mẹ ngôi nhà, Kăn Chiu lên xã, xã trả lời: “Bố mẹ Cu Lói mất hết rồi!”. Kăn Chiu lên phòng Thương binh Xã hội, phòng Thương binh Xã hội trả lời: “Cu Lói không phải con bà Kăn Phắt”. Mãi cho tới năm 2002, khi Kăn Chiu đem hết con dấu đỏ ra, họ mới quýnh lên sau bao thời gian câm lặng.

Mẹ Kăn Phắt không nói. Bởi mẹ không đòi. Nếu có, mẹ chỉ đòi cái hình hài nguyên vẹn của Cu Lối thôi! Những năm cuối đời, mẹ Kăn Phắt càng buồn. Mẹ buồn không phải vì người ta quên mẹ. Ngày Thương binh Liệt sĩ, trên có về thắp hương… Cám ơn lắm. Mẹ chỉ buồn cho con trai. Đời Cu Lối, lớn lên đã phải căm thù giặc giẫm nát bản làng. Số huân, huy chương mà nay ai đó đeo dễ bung cả cúc áo kia không bao giờ là thước đo cho những kỳ tích đánh giặc của Cu Lối.

Nhưng chiến tranh qua lâu lắm rồi… “Cái tên người ta cũng chưa viết đúng mà” - Kăn Chiu nói vậy đó. “Tên của anh là Kăn Phô, ở nhà gọi Cu Lối, chứ không phải Cu Lói”.

Bé Na, người cháu gái ở cùng săn sóc bà Kăn Phắt hơn chục năm nay, giải thích: “Người Pa Kô khi sinh con đầu lòng, đặt tên con là gì thì cái tên ấy từ đó cũng là tên cha luôn”. Tôi nâng tấm Bảng vàng Gia Đình Danh dự do Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát ký ngày 15/11/1980, tên cha mẹ của Cu Lối đúng là: Côn Phô - Kăn Phắt. Liếc qua Huân chương kháng chiến hạng Ba (Chủ tịch Trường Chinh ký), tên anh là Cu Lói (Hồ Văn Lói); Bằng Tổ quốc Ghi Công (Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 4/9/1978), tên anh là Cu Lôi (Hồ Văn Lôi)...

Còn, dưới đây là chuỗi sự kiện “đáng nhớ”:

- Bà Kăn Phắt “có một người con trai hoạt động cách mạng trong thời chống Mỹ, bị địch băm nát người ra từng mảnh ở Đồi Thịt Băm”. 

- “Hạ tuần tháng 1 năm 1969, 6 tiểu đoàn lính viễn chinh Mỹ phối hợp với binh lính của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, gần 7.000 tên, tràn lên chiếm điểm cao 672 để ngăn chặn đường vận chuyển của bộ đội ta. Trận này, 2.863 lính Mỹ và lính Sài Gòn bị tử trận, tướng Modison của Mỹ cũng bị thương. Đến nỗi, lính Mỹ còn sống sót khi nhìn thấy ngọn đồi đẫm máu, rùng rợn tử khí đã thốt lên Hamburger Hill - Đồi Thịt Băm. Chính ở đây, lính Mỹ đã băm xác liệt sĩ Cu Lói ra hàng ngàn mảnh, để trả thù!”.

- “Có một ngày... núi Ấp Bia (huyện A Lưới) được Mỹ dựng thành phim, mà lại là phim khá nổi tiếng thế giới: Đồi Thịt Băm (Hambuger Hill). Mỹ nhìn cuộc chiến theo kiểu Mỹ nhưng dân ta thì không thể nào quên anh Cu Lói cùng đồng đội, rất thông minh, lợi dụng địa hình địa vật cùng với sự yểm trợ của pháo kích quân ta từ Lào bắn sang đã chặn đánh, xóa sổ hoàn toàn trung đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ. Đến khi chiếm được đồi, quá tức giận, Mỹ đã mổ bụng móc ruột rồi bằm xác anh treo lên cây…”. 

Mọi thông tin về Đồi Thịt Băm ở trong các bài báo trên là chính xác nhưng lại không liên quan gì đến Cu Lối cả. Bởi, tên Đồi Thịt Băm gắn liền với những trận đánh oanh liệt của quân đội ta từ đầu năm 1969. Khi đó, Cu Lối đã là liệt sĩ!

Cu Lối hy sinh ngày 25 - 4 - 1968.

Dưới đây là minh chứng:

Bức thư tay của Huyện đội trưởng với biệt danh Cu Rao gửi về cho gia đình Cu Lối, nay đã ố vàng:

“Gửi gia đình Liệt sĩ.

Vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước giải phóng Tổ quốc. Vừa qua đồng chí Cu Lối (…) (ba chấm trong ngoặc là những chỗ chữ bị phai mực, không đọc được - NN) nhiều công lao góp sức cho sự nghiệp cách mạng.

Bây giờ đồng chí Cu Lối đã hy sinh trong lúc chiến đấu (…) không những gia đình thương tiếc mà cả toàn đơn vị đã đau xót như sét đánh vào tai.

Đơn vị mất một người bạn chiến đấu (…) nhân dân mất con em thân yêu.

(…)

Toàn đơn vị chúng con đã phát động lòng căm thù địch để trả thù cho đồng chí Cu Lối và đồng bào ruột thịt, dù có hy sinh gian khó cũng quyết học tập gương chiến đấu anh dũng của liệt sĩ Cu Lối.

Bây giờ cả đơn vị và gia đình không gì hơn (…) vật kỷ niệm này chúng tôi gửi cho gia đình (…) nên phải giữ cẩn thận khỏi hư hỏng mất mát.

Thay mặt Huyện đội

Cu Rao

 Ngày 8 - 6 - 1968”.

Tôi mang bức thư này tới Đại tá Hồ Mạnh Khóa và đã được chứng thực: Chính ông là người viết lời chia buồn đó (sau hơn một tháng tính từ ngày Cu Lối hy sinh).

Vậy là, Đồi Băm năm 1968 (chứ không phải Đồi Thịt Băm năm 1969) mới chính là nơi Cu Lối anh dũng chiến đấu.

 

Cu Lối là con của một gia đình có bố mẹ tham gia hoạt động cách mạng từ trong kháng chiến chống Pháp. Theo Đại tá Hồ Mạnh Khóa, Cu Lối nhập ngũ vào năm 1966. Anh là một chiến sĩ mũi nhọn của bất cứ trận đánh nào. “Một tuổi” ở quân đội, Cu Lối đã là Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, Dũng sĩ diệt máy bay, Dũng sĩ diệt xe tăng. Sau trận đánh vào cuối năm 1967, Cu Lối được Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Đồng chí Trần Văn Quang thay mặt Khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu Trị Thiên trực tiếp nêu gương người chiến sĩ dân tộc Pa Kô dũng cảm ngoan cường đã “tiêu diệt gọn tiểu đoàn kháng báo của Mỹ”. Riêng năm 1968, Cu Lối nhận Huân chương Chiến công hạng Ba và 13 Huy chương Dũng sĩ diệt Mỹ. Ngoài ra còn nhiều giấy khen, giấy chứng nhận, huân huy chương khác: Chiến sĩ vẻ vang; Chiến thắng Ấp Bắc; Chiến sĩ giải phóng, Huy hiệu Bác Hồ; Hãy nhớ lấy lời tôi; Chiến sĩ thi đua v.v.

Tôi lật giở cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện A Lưới để tìm kiếm tên tuổi người chiến sĩ “number one” này, nhưng, hoàn toàn thất vọng! Kể cả trận đánh ác liệt, đáng ghi vào lịch sử giữ nước của dân tộc vào ngày 25 - 4 - 1968 cũng không có lấy một dòng. Chính vậy, thay vì viết lại diễn biến (phải đến vài chục trang), tôi chỉ tóm tắt ngắn gọn (*):

Đại đội của Cu Lối do Huyện đội trưởng Hồ Mạnh Khóa trực tiếp chỉ huy.

Phản kích Mậu Thân, chính là mục đích của giặc. Trận quyết chiến giữa ta và địch diễn ra ở vùng đồng bằng A Lưới. Với thế mạnh 14 tiểu đoàn, địch đã dồn ép quân giải phóng vào thế vừa đánh vừa lui; lui dần lên ngọn đồi 49A (vốn là Trạm quân bưu 49). Do thiếu đạn dược và lương thực nên quân ta buộc phải đánh “bám thắt lưng” để “xài đồ của bọn chúng”. Lúc gần lên tới cao điểm 49A thì trời đã về chiều. Năm chiếc máy bay của giặc quần thảo quanh ngọn đồi, yểm trợ. Ngay khi chúng mới xuất hiện, Cu Lối đã dùng B40 bắn rơi ngay tại chỗ một chiếc HU1A. Bốn chiếc máy bay còn lại lập tức chuyển hướng vòng ra phía sau lưng đồi đánh thốc lại. Cu Lối với chùm lựu đạn, một AK và hai khẩu R15 của Mỹ trong tay thét lên: “Báo cáo chỉ huy, phía sau có địch!”. Rồi không chần chừ, anh vụt lên khỏi chỗ trú ném lựu đạn. Nhưng, một viên đạn ngược chiều đã cắm sâu vào trán…

Không cách gì cõng xác anh giữa lúc có thêm hai đồng chí bị thương, chỉ huy Hồ Mạnh Khóa đã hạ quyết tâm mở đường máu rút khỏi ngọn đồi.

Tràn lên đỉnh 49A, giặc Mỹ không thể ngờ, sau cuộc tử chiến, chúng thiệt hại không thể thống kê nổi mà phía Việt cộng chỉ một người chết. Trên túi áo ngực Cu Lối lúc bấy giờ có tờ giấy quyết định chuẩn y kết nạp Đảng cách hai mươi ngày trước đó. “Tên Cộng sản nòi!” - đó là “điểm nhấn” khuấy đục thêm sự dã man của giặc. Một cuộc hành hình đầy tính Trung cổ bắt đầu. Thân cây Arlăng gần đấy đã trở thành cái thớt để chúng “băm” thây Cu Lối!

Đêm hôm đó, mười hai chiếc trực thăng Mỹ hạ quanh đồi 49A nhặt xác và súng ống của chúng. Sáng sớm hôm sau, quân ta mới có cơ hội trèo lên ngọn đồi để… chứng kiến: Cu Lối bị bọn chúng cắt cổ! Thây xẻ phanh ra. Tim gan xẻo vụn. Tàn nhẫn hơn, bộ phận sinh dục của Anh, chúng cắt nhét vào mồm; ruột kéo dài giăng một vòng quanh chóp đồi…

Cu Lối ơi!...

Tôi thương mẹ Kăn Phắt quá chừng. Ngày nhận được tin dữ, mẹ khóc ròng cả tháng. Nghe nói mẹ sắp được phong Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Chắc là đồn đại thôi. Ngay chính Cu Lối của mẹ, Hồ sơ truy tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân còn bị “ngâm”… Tôi lại hỏi bé Na. Là đứa cháu sống với bà trong ngôi nhà nhỏ hơn chục năm trời, bé Na bảo “chưa khi nào bà nhắc đến danh hiệu dành cho mình và cho cậu Lối. Mỗi lần nhớ cậu, bà chỉ khóc thôi”.

Tôi muốn hỏi Cu Lối, rằng những chiến công và nỗi đau xé toạc bầu trời kia có là sự thật, để tôi khắc lên tượng đài anh trong tấm lòng của đồng bào A Lưới?!

Đồi Băm - chứ không phải Đồi Thịt Băm đã gán vào anh như sự góp sức nhỏ mọn - ai sẽ thay tôi lên đó để thắp nén hương tưởng niệm?

“Cậu Ngua và một người bạn của em sẽ dẫn anh đi” - Câu nói của bé Na như sợ đánh thức ai đó đang ngủ.

Tôi nhìn bé Na tội nghiệp: “Nhưng em cũng đi chứ?”...

 

Tôi mang một a chói nhỏ, theo Ngua đến gần chân đồi thì gặp A Mơi đang đứng đợi sẵn. A Mơi chỉ tay lên mỏm đồi mù sương: "Đỉnh đồi Băm trên kia kìa". Tôi điều chỉnh nhịp thở đã nhộn hơn, cố bước nhanh. A Mơi ngoài ba mươi, chưa có chồng. Hiền vậy mà chưa có chồng, tôi không khỏi băn khoăn. A Mơi xăn quần quá gối, nước da bánh mật, mịn. Trời mưa có dày hơn. Hết đoạn đường lau sậy, chúng tôi bắt đầu leo dốc.

Đường lên đỉnh đồi Băm quá gian nan, càng gian nan hơn đối với người ở bên kia bán cầu. Bạn của A Mơi là Kinh Viên từng dẫn một đoàn cựu chiến binh Mỹ, Nhật gồm hai mươi tư người thăm lại đồi Băm. Nhưng tất thảy, gắng gỏi lắm cũng leo trèo chưa đầy hai tiếng đồng hồ, giơ máy ảnh chụp lia chia đỉnh đồi mờ xa rồi… quay lui. Đỉnh đồi Băm còn xa. A Mơi cúi nhặt trái gì đó nhỏ bằng ngón tay cái, bỏ một nạm vào a chói của tôi: “Anh gùi quả này đi, nặng lắm đó”. Ngua cũng nhặt, chọn vài quả to nhất đưa tôi: “Ăn đi!”. Tôi bóc vỏ theo Ngua bỏ vào miệng, ngon, mắn chua. Chính là quả thầu đâu rừng. Mắt tôi sáng lên, liên tưởng: bộ đội hành quân xa mà gặp được quả này có khác gì tiếp thêm sức mạnh. Lại nhớ Cu Lối. Biết đâu con đường chúng tôi đang đi, ngày 25/4/1968 Cu Lối và đồng đội đang vừa đánh vừa rút lên đỉnh đồi tử thủ! Tôi nhìn lên, một khoảng trống màu trắng sữa bồng bềnh giữa rừng già.

Chợt thấy dòng chữ ai đó khắc trên một thân cây bằng tiếng dân tộc. A Mơi dịch cho tôi là “đừng chặt. Hãy để cho tôi được sống!”. Có lẽ, cây Arlăng trên đỉnh đồi Băm cũng từng phát lời thỉnh cầu như vậy. Nhưng đạn bom đã quật ngã nó, biến nó thành cái “thớt”…

Đỉnh đồi Băm hiện ra trước mặt chúng tôi. Cây Arlăng nằm đó. Linh hồn của rừng nằm đó, không một ngôi nhà mồ, không mái che năm tháng… A Mơi dùng cây rựa mồng khắc tên tôi trên một thân cây muốn được làm rừng mãi mãi. Rồi thụp xuống lặng lẽ nhìn tôi - thắp nén nhang cắm vào nỗi đau của cây Arlăng - chẵn bốn mươi năm làm chứng cho một nỗi đau bằng xương bằng thịt khác.

Mới chiều mà hoàng hôn đã loang trong cánh rừng một thời lửa đạn. Tôi tan vào hư vô, vẳng nghe tiếng chim rừng thảm kêu trên bầu trời hoang lạnh. Trong trang sử vàng luôn ẩn giấu những dòng đời nhức nhối! Cu Lối ơi, anh có ở đây? Thân anh nhăm nhít vết dao vằm… Máu thấm cả vào lòng Arlăng mục rã. Tôi gục xuống bên cây, chờ cho đêm xuống để iu ấp tiếng mọt nghiền trong từng thớ gỗ…

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn