Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Các nhà văn trẻ trong quân đội: Cần nỗ lực nhiều để không hổ danh các bậc đàn anh

Uông Triều – Phong Lan (thực hiện) - 19-12-2011 02:57:34 PM

VanVN.Net - Nhân dịp kỉ niệm 67 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2011), VanVN.Net đã có cuộc trò chuyện với 5 tác giả trẻ trong quân đội về văn chương và binh nghiệp, đó là những sỹ quan hiện đang công tác ở các đơn vị trên mọi miền đất nước: Thượng úy Hồ Kiên Giang (Quân khu 9); Đại úy Lê Mạnh Thường (Cục Cảnh sát biển Việt Nam); Đại úy Nguyễn Minh Cường (Trường Sĩ quan Chính trị); Thượng úy Nguyễn Phú (Học viện Biên phòng); Trung úy Hồng Bỉnh Hiếu (Quân khu 9).

1. Trước hết, xin chúc mừng các nhà văn quân đội nhân ngày truyền thống của các quân nhân. Cảm nghĩ của anh – với tư cách người lính - nhân  dịp ngày lễ đặc biệt này?

Thượng úy Hồ Kiên Giang

Thượng úy Hồ Kiên Giang: Sướng! Và hạnh phúc! Vì hàng năm, với mọi người thì họ chỉ có cái tết Nguyên Đán, còn quân nhân như tôi thì có thêm “tết quân đội”. Với ai thì không biết, còn tôi rất tự hào vì một năm ăn được… hai tết!

Đại úy Lê Mạnh Thường: Xin được nói ngắn gọn thế này: hạnh phúc, vinh dự, tự hào và thêm một chút hãnh diện khi được khoác trên mình bộ lễ phục của người lính trong ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa này!

Đại úy Nguyễn Minh Cường: Cảm nghĩ về ngày lễ 22/12 ư? Có lẽ phải bắt đầu từ cơ duyên của mình đối với quân đội. Năm 1998, thi đỗ và nhập học Học viện Chính trị Quân sự, tôi chưa hề có một hình dung về cuộc đời người lính. Còn bây giờ, khi quân đội cho mình nhiều thứ: sự trưởng thành, rắn rỏi để đối đầu với cuộc sống nhiều thử thách và cả sự lãng mạn nhất định để viết; tôi cảm thấy mình đã may mắn khi được trưởng thành trong môi trường quân đội.

Cảm xúc của năm nay hẳn nhiên là khác năm trước. Khi mình đã ngoài 30 tuổi đời, hơn chục năm tuổi quân thì cách nghĩ của mình về nghề nghiệp, về vinh dự, về trách nhiệm cũng khác khi mình mới là cậu tân binh 17, 18 tuổi ngày nào. Ngày thành lập quân đội cũng là ngày Hội quốc phòng toàn dân, phải chăng là để mọi người dân đều chia sẻ niềm vui chung của những người mặc áo lính? Vì vậy, niềm vui của tôi chỉ đơn giản là: các shop hoa xung quanh các đơn vị quân đội trong cả nước ngày 22/12 năm nay đồng loạt cháy hàng. (Cười)

Thượng úy Nguyễn Phú: Ngày này làm tôi càng thấy tin mình đã chọn đúng nghề!

2. So với các nhà văn trẻ cùng thế hệ, đời sống quân ngũ giúp các anh có điều kiện thuận lợi hơn để viết về cuộc sống thường ngày cũng như quá trình học tập, rèn luyện của bộ đội, các anh đã phát huy lợi thế này như thế nào?

Thượng úy Hồ Kiên Giang: Từ cuộc sống đến sáng tác là một khoảng cách, không phải bê nguyên mọi thứ hiện thực của người chiến sĩ vào tác phẩm là xong. Tôi có hơn mười năm lăn lộn ở cơ sở, nếm trải bao vui buồn của binh nhất binh nhì, do đó, mỗi khi viết về người chiến sĩ hôm nay tôi không cần phải đi thực tế quá nhiều. Và tôi cảm giác có một phần con người của mình trong các tác phẩm. Nhưng hơi tiếc là tác phẩm viết về họ quá ít nên tôi luôn nghĩ mình vẫn đang “mắc nợ”, nợ đồng đội và nợ cả bản thân mình.

Đại úy Lê Mạnh Thường

Đại úy Lê Mạnh Thường: Đó là một lợi thế không phải ai cũng có được bởi trước hết tôi là người lính, một người lính cầm bút. Môi trường sống của tôi là quân đội. Sự cảm nhận về cuộc sống, tâm tư tình cảm, về ngõ ngách tâm hồn của “người trong cuộc” sẽ sâu sắc hơn các tác giả bên ngoài nhìn vào. Với tôi, sự phát huy lợi thế đó được thể hiện bằng các tác phẩm viết về đề tài này luôn chiếm đa phần trong các sáng tác của mình. “Chúng tôi viết về chúng tôi” mà!

Đại úy Nguyễn Minh Cường: Chưa phát huy được gì hết. Phải nói như vậy bởi vì mặc dù cũng đã viết một vài cái về cuộc sống trong Quân đội, nhưng nó chưa xứng với tầm vóc của Quân đội, chưa xứng với những đồng đội của mình. Viết về Quân đội, nhất là Quân đội trong thời bình không hề dễ kể cả khi anh là một thành phần trong đó. Nhưng là một anh lính viết, chúng tôi hiểu rõ hơn những điều thầm kín của đồng đội để đưa vào những trang viết của mình. Những suy nghĩ, trăn trở của người lính hôm nay chẳng phải cũng chính là những suy nghĩ, trăn trở của chính mình sao? Tôi vẫn hy vọng, một lúc nào đấy, mình phát hiện ra những cái mới mẻ nhất, lôi cuốn nhất giữa những điều giản đơn nhất của cuộc sống thường nhật trong Quân đội hôm nay để ngồi vào bàn phím và trả món nợ văn chương cho những đồng đội của mình.

Thượng úy Nguyễn Phú: Khi trở thành sĩ quan tôi may mắn được lên công tác tại Hà Giang, một vùng tự nhiên, văn hóa rất đặc biệt. Ở nơi ấy, người lính biên phòng chúng tôi rất vất vả, gian lao, nhưng cũng có rất nhiều điều đáng tự hào. Chất liệu từ miền đất, từ các đơn vị tôi đã từng công tác đi vào tôi một cách tự nhiên và những truyện ngắn về đời sống đồng bào miền núi, về người lính biên phòng hôm nay đã ra đời.

Trung úy Hồng Bỉnh Hiếu: Đời sống quân ngũ lúc nào cũng sôi động và... có nhiều “góc khuất” không dễ nhận thấy. Thể hiện nó như thế nào đó bằng văn học còn thuộc về khả năng và bản lĩnh của người cầm bút. Tôi vẫn đang rèn luyện, thật đấy!

3. Vậy những thuận lợi và khó khăn khi các anh “dấn thân” vào những đề tài khác?

Thượng úy Hồ Kiên Giang: Sự va chạm với xã hội bị hạn chế nên chưa thấu hết những mặt trái, cái trần trụi bên trong ấy. Vì vậy, dường như tác phẩm của mình chỉ là sự sao chép, không lột tả hết những nỗi đau hay ẩn ức muốn chuyển tới độc giả. Cũng có thể do “nội lực” của mình chỉ đến đó thôi?!

Đại úy Lê Mạnh Thường: Ngược lại với lợi thế “người nhà” của quân đội là khó khăn khi khai thác các mảng đề tài khác của xã hội. Một xã hội muôn màu muôn vẻ với rất nhiều đề tài hấp dẫn, phong phú. Nhưng không vì thế mà tôi coi đó là một khó khăn ghê gớm, những tác phẩm thơ và văn xuôi của tôi viết về các đề tài xã hội cũng đã được đăng tải trên các báo, tạp chí uy tín như Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội... và được nhiều bạn đọc chia sẻ, đồng cảm. Tôi nghĩ, mình may mắn được đi đến nhiều vùng miền, qua đó được gặp gỡ, cảm nhận và trải nghiệm với con người, với cuộc sống nơi đây và đã giúp cho mình có thêm vốn sống khi sáng tác các mảng đề tài khác của xã hội. Đó là thuận lợi của người cầm bút nói chung.

Đại úy Nguyễn Minh Cường

Đại úy Nguyễn Minh Cường: Tôi nghĩ, với những đề tài khác thì những thuận lợi và khó khăn của các cây bút trẻ trong quân đội so với các bạn trẻ khác cũng không có gì khác nhau. Muôn mặt của đời sống xã hội vẫn đang từng ngày, từng giờ tác động vào quân đội và không phải những người trẻ trong quân đội không có điều kiện tiếp xúc với môi trường xã hội thường nhật. Vấn đề là anh quan tâm đến vấn đề gì, anh dành thời gian để nghiên cứu nó ra sao, khả năng nghiên cứu của anh như thế nào, anh thâm nhập vào nó ra sao và bút lực của anh đến đâu.

Thượng úy Nguyễn Phú: Ngoài đề tài người lính, khi viết về đề tài khác tôi thấy có những khó khăn nhất định, nhưng nó lại kích thích tôi phải quyết tâm chinh phục cái mới lạ, cái khác mình.

Trung úy Hồng Bỉnh Hiếu: Từ khi mới vào quân đội và tập tành viết lách đến giờ, với tôi, chiến tranh và quân đội luôn luôn là đề tài hấp dẫn. Hấp dẫn vì tôi chưa có hiểu biết sâu sắc về nó, hấp dẫn vì tôi vẫn bắt gặp bao điều có thể nói là... vĩ đại trong những câu chuyện có vẻ như rất nhỏ nhặt, đời thường.

4. Một số ý kiến cho rằng, chiến tranh và quân đội đã không còn là đề tài hấp dẫn các nhà văn, kể cả các nhà văn đang trong quân ngũ. Với tư cách là những chiến sỹ đang cầm bút, các anh nghĩ sao về điều này?

Thượng úy Hồ Kiên Giang: Đây là một đề tài không hề cũ, tùy theo từng thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, viết hay về người chiến sĩ hôm nay là chuyện không dễ, rất hay bị sa vào khô cứng, giáo điều. Nhìn lại những tác phẩm của mình, hầu hết tôi đều viết về người lính. Có khi là truyện, bút ký, thậm chí là phóng sự tài liệu nếu thấy nó phù hợp. Và chắc chắn, tôi sẽ “chung thủy” với đề tài này đến khi nào “hết mực” thì thôi!

Đại úy Lê Mạnh Thường: Quả thực, đó đang là một vấn đề mà những người làm công tác quản lý về văn học nghệ thuật trong quân đội và những người lính cầm bút không khỏi băn khoăn, suy tư, lo ngại về một ngày nào đó bỗng nhiên biến mất cụm từ “Chiến tranh - cách mạng và người lính” trong văn học Việt Nam. Đó cũng chính là một nỗi lo thường trực trong tôi. Sự thật đó có thể sẽ đến nếu như chúng ta mải mê theo đuổi những đề tài hấp dẫn, thời thượng mà quên mất một mảng đề tài vô cùng đặc sắc, đã song hành hơn nửa thế kỷ cùng quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Với tôi thì nghĩ rằng, mặc dầu lửa chiến tranh đã tắt, những đau thương mất mát đã dần vơi đi, cuộc sống có biết bao điều mới mẻ, bất ngờ ập đến, văn học có thêm nhiều đề tài mới để khai thác nhưng dù thế nào đi nữa thì chiến tranh cách mạng và người lính luôn là một đề tài không bao giờ cũ. Đây là một đề tài mà người viết và người đọc luôn dành một vị trí trang trọng trong sáng tác và thưởng thức văn học. Nó vẫn luôn hiện hữu và có hiệu quả tác động to lớn trong đời sống văn học nước nhà.

Đại úy Nguyễn Minh Cường: Không hẳn. Tôi được biết Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm đề tài chiến tranh cách mạng và người lính mới được tổng kết cách đây ít lâu đã được các nhà văn trong và ngoài quân đội hưởng ứng mạnh mẽ và những tác phẩm từ Cuộc vận động này đã được độc giả đón nhận khá nồng nhiệt. Sách bán chạy và thậm chí có những tác phẩm rất khó tìm mua chỉ sau khi xuất bản ít lâu. Nhưng rõ ràng có một thực tế là chiến tranh cách mạng đã lùi khá xa vào quá khứ. Các nhà văn được trải nghiệm thực sự trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong thế kỷ 20 giờ nếu còn cũng đã cao tuổi; đã cống hiến hầu hết sức khoẻ và sự sáng tạo cho đề tài này. Trong khi đó, công cuộc đổi mới đất nước hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề nóng bỏng hơn, hấp dẫn người viết hơn.

Thượng úy Nguyễn Phú

Thượng úy Nguyễn Phú: Chiến tranh đã lùi xa. Bộ đội là một nghề như bao nghề khác. Văn học về chiến tranh cách mạng và người lính không còn là dòng chủ lưu cũng là điều dễ hiểu. Ở đây tôi muốn nói đến trách nhiệm của những người được mang danh nhà văn mặc áo lính. Hiện nay phần lớn họ đã quay lưng với đề tài này. Vẫn biết nhà văn viết bất cứ điều gì mà cho ra tác phẩm hay thì đều đáng quí. Nhưng họ sẽ đáng quí, đáng trân trọng hơn (ít nhất là trong mắt đồng đội mình) khi viết thành công về người lính. Những nhà văn mặc áo lính là người “thuộc” lính nhất, dễ đồng cảm và chia sẻ với người lính nhất, họ không viết về đồng đội thì ai sẽ viết?

5. Một thực tế là so với thế hệ trước, ngày càng ít nhà văn xuất thân từ quân đội, trong số nhà văn quân đội (trẻ) hiện nay phần nhiều là tác giả được “tuyển” vào quân đội sau khi đã có một quá trình viết lách và đạt được một số thành công. Xin hỏi, cảm nhận của riêng các anh về những người lính viết văn thế hệ mình?

Thượng úy Hồ Kiên Giang: Tôi nghĩ không ít mà còn nhiều nữa là khác. Cái quan trọng là chúng ta chưa tạo môi trường để kích thích họ sáng tác. Công việc ở đơn vị cứ dồn đuổi họ làm họ mất tập trung, xa rời sáng tác là điều dễ hiểu. Tôi nhớ năm 1998, Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức Lớp Sáng tác văn học toàn quân khóa I cho 33 học viên, mười năm sau đã có 70% được chuyển về các cơ quan văn học, báo chí quân đội, 20% được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Thế nhưng, 13 năm qua chúng ta vẫn chưa có lớp thứ 2. Không ít người sau khi xuất ngũ đã tỏa sáng. Lê Minh Nhựt, y tá sư đoàn 330 Quân khu 9, giải nhất cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long lần 3, là một minh chứng. Thiết nghĩ, nếu chúng ta có định hướng, tiêu chuẩn, chế độ phù hợp thì trong tương lai, không ít người trong đội ngũ những người viết văn trẻ quân đội sẽ làm “được việc” trên văn đàn Việt Nam.

Đại úy Lê Mạnh Thường: So với thế hệ trước thì những nhà văn xuất phát từ quân đội hiện nay ít hơn nhiều. Đúng thôi, vì bối cảnh đất nước ta lúc đó đang ngập chìm trong khói lửa của chiến tranh, của “bom giật bom rung”, của đau thương, tang tóc... Nên đã xuất hiện những lớp nhà văn mặc áo lính dũng cảm lao vào chiến trường để viết nên những tác phẩm sử thi, những câu chuyện về chiến tranh, về người lính mang nặng hơi thở mùi thuốc súng và phản ánh sâu sắc các góc cạnh cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc...

Có thể nói lực lượng viết văn trẻ trong quân đội hiện nay nhìn về chất thì càng ngày càng xuất hiện nhiều tác giả trẻ có nhiều tác phẩm hay, tạo được tiếng vang trong đời sống văn học. Họ đã kế thừa được truyền thống và phẩm chất của các thế hệ nhà văn quân đội đi trước. Họ luôn chịu khó tìm tòi, thể hiện nhiều cách viết mới, ý tưởng, đề tài cũng được mở rộng biên độ hơn. Nhìn vào văn học trẻ trong quân đội hiện nay ta thấy một sinh lực tràn trề, đa dạng hơn. Điều đó cho thấy chất lượng tác phẩm của những tác giả trẻ được nâng lên rõ rệt.

Còn thực trạng số lượng những người viết văn trẻ trong quân đội hiện nay, ngoài những cây bút đã thành danh, khẳng định được tên tuổi của mình như Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thuý, Đỗ Tiến Thuỵ, Phùng Văn Khai, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Thế Hùng, Uông Triều, Nguyễn Xuân Thuỷ... ra thì số lượng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đếm qua đếm lại chỉ còn lại một vài cây bút ở cơ sở như tôi (Lê Mạnh Thường - PV), Hồ Kiên Giang, Quỳnh Vân, Trần Mạnh Hà, Trần Đức Tĩnh, Hồng Bỉnh Hiếu, Ngô Tiến Mạnh... Có thể nói, con số đó là quá ít, tỉ lệ nghịch so với sự trưởng thành, ngày càng lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại úy Nguyễn Minh Cường: Thế hệ các nhà văn trẻ hiện nay trong Quân đội cần nỗ lực nhiều lắm để có thể không hổ danh các bậc đàn anh lừng danh một thời. Ngày trước, các nhà văn Quân đội vốn là tinh hoa hội tụ của nền văn học cách mạng nước nhà. Ngày hôm nay, lực lượng các nhà văn trẻ trong Quân đội thật sự là quá mỏng. Tuy vậy, chúng ta cũng không phải quá tự ti, bởi vì thực tế nhiều nhà văn trẻ trong quân đội đã và đang khẳng định được “thương hiệu” của mình trên văn đàn: Đỗ Bích Thuý, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thế Hùng,… là niềm tự hào của những người lính viết. Vấn đề là tới đây sẽ xuất hiện thêm những cây bút trẻ nào trong Quân đội có thể khẳng định được mình. Điều này lại có quan hệ tới nhiều yếu tố, như sự quan tâm của tổ chức, tài năng của cá nhân; nhưng theo tôi quan trọng nhất là những người trẻ có khả năng viết trong Quân đội có nặng lòng với nghề viết hay không.

Thượng úy Nguyễn Phú: Tôi thấy ngày nay vẫn còn khá nhiều người lính ôm mộng văn chương. Tuy nhiên, tài năng và sự dấn thân ở đội ngũ ấy thì không nhiều.

6. Các anh có thể nói trước điều gì về “kế hoạch văn chương” của mình trong thời gian tới?

Thượng úy Hồ Kiên Giang: Tôi đang cố gắng làm bài tập tốt nghiệp lớp biên kịch điện ảnh ở trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Sau đó mới “bật mí” nghen!

Đại úy Lê Mạnh Thường: Nói “kế hoạch văn chương” có vẻ như hơi to tát quá! Tôi đang học năm cuối Khoa Sân khấu - Điện ảnh và Viết văn của Trường Đại học VHNT Quân đội. Song song với việc học tập tại trường và thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, tôi đang cố gắng hoàn tất bản thảo tập truyện ngắn “Giọt phù sinh” - đây là tập truyện ngắn thứ hai của mình sau tập “Tiếng đảo” do NXB Hội Nhà văn ấn hành hồi tháng 3/2011. Bên cạnh đó, tôi đang viết những chương đầu của cuốn tiểu thuyết về Cảnh sát biển, lực lượng mà tôi đang học tập công tác hiện nay.

Đại úy Nguyễn Minh Cường: Tôi muốn  mình sẽ dành thời gian để viết những thứ không tệ.

Thượng úy Nguyễn Phú: Thời gian qua tôi cảm thấy rất khó khăn trong việc dung hòa giữa một giảng viên và một người viết văn. Có lẽ thời gian tới tôi sẽ dừng việc viết văn để tập trung cho việc học cao học biên phòng.

Trung úy Hồng Bỉnh Hiếu

Trung úy Hồng Bỉnh Hiếu: Phải bí mật chớ! (Cười)

Cảm ơn các anh về cuộc trò chuyện cởi mở này.

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn