Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Tiểu thuyết “Khúc đồng dao lấm láp” của Kao Sơn

(Khúc 1-2)

19-12-2011 12:02:59 PM

VanVN.Net - Giàu chất sống hiện thực, Khúc đồng dao lấm láp (KĐDLL) có những khám phá đặc sắc trong đó rất đáng chú ý là cái phần chìm sâu không nói ra… những buồn khổ, tủi hờn, ấm ức của một kiếp nhân sinh nhỏ nhoi, nhiều lúc bị bỏ quên, bị hắt hủi rất tội nghiệp trước những áp lực nhiều khi vô tình của người lớn. Kao Sơn có kí ức phong phú, biết sử dụng kí ức nhuần nhị, lịch lãm nhưng vẫn giữ cho những nhân vật trẻ con của mình còn được hồn nhiên con trẻ, chưa bị chính trị hóa như nhân vật của những nhà văn đàn anh cứ tưởng rằng không có mình thì trẻ con hư hỏng cả. Trong văn xuôi Việt Nam hiếm có tác phẩm nào duy trì được một nhạc cảm như ở KĐDLL. Nó như dàn nhạc giao hưởng chơi bè trầm riêng tôn tiếng đàn bầu số phận nhân vật thánh thót và nức nở trong cảm nhận của người đọc… KĐDLL xứng đáng được nhận giải Nhất cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Nhà văn Kao Sơn. Ảnh: Đỗ Hiếu

 

Khúc 1

CHO CHÓ VỀ QUÊ

                                              Dung dăng dung dẻ

                                              Dắt trẻ đi chơi

                                             Tới ngõ nhà trời

                                             Lạy cậu lạy mợ…

                                                                      (Lũ trẻ quê tôi hát) 


1.

Tôi không nhớ mình đã được sinh ra như thế nào, nhưng sau này khi đã khôn lớn, tôi có được nghe mẹ kể lại. Khi sinh tôi, mặt trời chưa mọc. Mới quãng ba bốn giờ sáng gì đó. Không có chim kêu trước cửa. Không có mây sáng tụ lại trên nóc nhà…Nghĩa là chẳng có gì chứng tỏ điềm báo sự ra đời của một nhân tài cả. Có chăng chỉ những vì sao đêm vẫn nhấp nháy. Nhưng cả những vì sao ấy, nếu còn cố thức thì chắc chỉ để đợi mặt trời chứ không phải đợi tôi. Bố tôi vắng nhà ngay từ chiều hôm trước. Ông là người giữ chân phục dịch, làm những việc vặt giúp ủy ban xã. Có một đoàn khách ở tỉnh về. Người ta tổ chức đón tiếp những vị khách ấy và bố tôi phải thức suốt đêm trong khu nhà bếp phía sau ủy ban để mổ lợn, giết gà và bê điếu đóm cho khách. Thành thử, có mặt chứng kiến sự kiện tôi bước vào cuộc sống chỉ có mẹ tôi và thím Quyết hàng xóm và một bà đỡ. Bà tôi, người đã dằn vặt mẹ tôi, chẳng yêu gì mẹ tôi trong suốt mấy năm đầu làm dâu cuả mẹ, thì, khi nghe tôi “oe oe” một lúc cụ mới ra. Theo lời thầy bói (Bà tôi có đi xem bói) và theo sự phán đoán của những người đàn bà khác trong làng , thì tôi phải là con gái. Điều này  trái với mong ước của bà tôi: “Đã mất công đẻ, thì cố mà đẻ lấy một đứa con trai. Như người ta dễ dàng đi thì lẫn nếp lẫn tẻ chả sao. Đàng này phải tốn bao thuốc thang cái bụng mới lùm lùm lên được thì lại…”. Bà tôi thường ngán ngẩm than phiền với mọi người vậy. Chính vì thế  khi tôi ra đời, bà đỡ đã tắm táp và bọc tã lót xong  đâu đấy cho tôi và tôi đã khóc váng lên chán , bà tôi mới chịu từ trong buồng của cụ bước ra: “Gớm, cái con đĩ ấy sao mà to mồm thế”. Đấy là lời đầu tiên bà tôi chào đón tôi . Mẹ tôi nghe rõ lời bà nhưng chỉ lắc đầu cười nhợt nhạt. Người đã gần như kiệt sức. Bà đỡ trợn mắt lên :“Sao cụ dạy thế, thằng cu đấy chứ!” “Cái gì?” Bà tôi vặn lại, mặt vẫn quàu quạu : “Thằng cu, nó là một thằng cu!” Bà đỡ nhắc lại bằng một giọng đắc thắng, cứ như thể việc tôi là con trai chính do công của bà vậy. Và để chứng minh,bà đỡ lật tã lót của tôi ra. Đến lúc ấy thì bà tôi không thể dửng dưng được nữa. Bà chạy bổ đến và lập tức nhảy cẫng lên. NHẢY CẪNG LÊN! Đúng thế. Ấy là bà tôi sung sướng. Lập tức tôi bị giật khỏi tay bà đỡ để bay sang nằm trong vòng tay đang luống cuống run lên của bà tôi. Bà tôi và tôi làm om sòm cả nhà. Cả hai đều khóc. Tôi khóc vì sợ còn bà tôi thì khóc vì sung sướng. Bà tôi chiếm giữ tôi lâu đến nỗi mẹ tôi phải nài nỉ mãi mới được bà cho chiêm ngưỡng tôi môt tý, nhưng không phải là cho chiêm ngưỡng cả người mà chỉ cho xem có tý chỗ “đoạn giữa”.

Tôi vẫn nằm trong vòng tay bà tôi.Bà rung tôi, nâng lên, hạ xuống, quay hết bên này sang bên kia. Cứ chốc chốc bà tôi lại cúi xuống, cọ cặp môi ram ráp cấn quết trầu lên má tôi, lên chỗ giữa hai chân tôi. Ấy là bà tôi “thơm” tôi. Và cứ sau mỗi cái “thơm” như vậy, bà tôi lại ríu rít : “Ôi thằng cu của bà, thằng giống của bà, thằng chó con của bà. Âu,bà thương, bà quý thằng cún con của bà nha. Cha bố cái đứa nào nó lại lừa, bảo thằng cu của bà là cái đĩ để bà cứ hắt hoài hắt huỷ cái thằng giống của bà nha…” Bà tôi cứ thế. Bản trường ca trong đó tôi là thằng cu, thằng giống, thằng chó con, thằng cún… cứ xong mỗi điệp khúc lại quay về thằng cu, thằng giống… Kéo dài mãi , không ngơi nghỉ, không biết mệt. Với bà tôi,ctôi chỉ được tặng ngần ấy tên, không phải bà tôi kém hào phóng mà chính là bà chỉ nghĩ được đến thế. Tôi ưỡn cong người lên để phản đối. Cặp môi ram ráp của bà, mùi trầu không cay cay, nồng nồng toả ra từ khắp người bà và nhất là cái kiểu bà cứ xoay tôi, liên tục nâng lên hạ xuống làm tôi sợ. Tôi hé mở mắt ra. Có cái có gì đó sáng chói ùa vào mắt tôi. Nó lung linh, nhảy nhót. Nó vụt hiện ra rực rỡ, rồi lại vụt biến mất. Những bóng đen to lớn dị thường cùng nhảy nhót quanh tôi. Tôi sợ hãi nhắm nghiền mắt lại, cố vùng vẫy nhưng không thể nào thoát ra được. Chân tay tôi bị quấn chặt cứng. Tôi khóc váng lên.
- Bà đưa cháu cho con nào.- Mẹ tôi giơ tay ra.

- Kệ tao. - bà tôi nói.

- Có khi cháu nó đói đấy, bà để con cho cháu bú một tý thôi - Mẹ tôi cố nài.
Bà tôi lưỡng lự. Có lẽ cái câu “cháu nó đói” đã có tác dụng. Bà tôi đành trao tôi cho mẹ tôi cùng với một lời đe: “Khéo không có đè bẹp mất nó đấy!”

Mẹ tôi không đè bẹp tôi. Mẹ ẵm tôi vào lòng và ngay lập tức một không khí dịu ngọt và hoi hoi, nồng nồng, đầm ấm bao lấy tôi. Tưởng như nhìn thấy được cụ thể bầu không khí ấy. Tôi cảm thấy làn hơi ấm dịu ngọt ấy xoa lên đầu, lên má và vỗ nhẹ lên lưng mình. Cái đốm sáng lạ lùng ban nãy không bập bềnh nữa, không nhảy nhót nữa. Bây giờ nó đậu im một chỗ phía trên đầu tôi, lớn dần lên, toả rộng và trắng ngần ngay trước mặt tôi. Tôi dụi mắt vào khoảng trắng ấm áp ấy, hớp lấy nó và cảm thấy rất rõ một dòng nước mảnh và ngọt chảy vào, tan ra trên lưỡi. “À ơi,à à ơi..” Mẹ ru tôi nhè nhẹ. Dòng nước ngọt vẫn tiếp tục tan ra trên lưỡi tôi, thấm vào người tôi. Tôi sẽ ngủ đi được nếu như thỉnh thoảng bà tôi ngồi bên mép giường không cúi xuống vạch tã lót của tôi ra để đặt lên một bên mông tôi cặp môi khô rám của mình. Tôi lại ưỡn cong người lên.

Mãi đến sáng hôm ấy, khỏang nửa buổi, bố tôi mới lật đật chạy về. Ông không vào với mẹ con tôi ngay mà cứ ề à nói chuyện với ai đó ở nhà ngoài. Mãi sau bà tôi hình như có việc chạy đi đâu đó bố tôi mới rón rén đến bên tôi. Lúc đó tôi chưa hình dung ra được bố tôi như thế nào. Tôi chỉ thấy đó là một cái bóng to lớn và sần sùi đen. Cái bóng ấy thoạt tiên che lấp khoảng sáng ở cửa buồng và sau thì vén cửa màn lên, thò nửa người vào. Cái bóng ngắm tôi, đưa tay quệt quệt vào má tôi và kêu ê ê ê… Có mùi gì rất lạ toả ra từ cái bóng ấy. Tôi hoảng sợ nhắm nghiền mắt lại và dụi mặt vào  ngực mẹ.

- Khiếp, chân tay người ngợm vậy mà…Thôi, ông ra đi không có con nó sợ. À à ơi… - Mẹ lại ru tôi.

- Thì để xem tí đã nào. Cu thật chứ? – Cái bóng thò tay vén tã tôi lên.

Mẹ tôi hất ra: Cu đâu? Đĩ!

- Đĩ cũng được. Chỉ có điều là nếu thế thì “đằng ấy” đừng có chén cỗ “mùng rục” kia nữa. Tớ phải nói mãi ông chủ nhiệm mới chịu để cho đấy. Con lợn béo ra phết.
- Thôi ông đi đi với con lợn của ông. Mùng rục với chả mùng riệc, đây khỏi cần - Mẹ tôi nói dỗi vậy và hơi xoay người vỗ vào lưng tôi – À ơi, thằng cu của mẹ nha, cái đĩ của mẹ nha. Mẹ con mình chả cần cái của ăn xin ấy nha, à à ơi…

- Được rồi, để lát rồi tớ nấu nó lên, vứt vào đấy nắm gạo nữa xem có thèm không, hì hì…
Cái bóng lại quệt ngón tay vào má tôi lần nữa rồi hì hì đi ra. Tôi  đã tưởng yên thân, nhưng cái bóng ấy vừa ra khỏi thì ở nhà ngoài có nhiều tiếng cười nói, và rồi nhiều cái bóng khác lại ùa vào vén màn của mẹ con tôi lên. Vẫn sù sì đen, vẫn những cái mùi rất lạ. Và lần này tôi không chỉ bị quệt má, bị lột tã, bị giằng ra khỏi mẹ tôi để nâng lên, hạ xuống, xoay đi, xoay lại mà còn bị gọi bằng nhiều cái tên lạ lùng khác nữa…
Làm thằng cu thật chẳng thú gì!


2.

Tôi được sinh ra trong một hoàn cảnh như vậy. Hơi láo nháo, hơi thô vụng và đầy vẻ dân dã. Nhưng tôi không buồn, đúng ra, chưa biết buồn. Thế giới mở ra trước mắt tôi còn đang đầy quyến rũ: Khoảng ngực trắng ngọt ngào của mẹ tôi. Trần màn màu cháo lòng. Ngọn đèn dầu lúc toả sáng rực rỡ, lúc lại thu nhỏ như một hạt đỗ xanh. Những bóng đen đến rồi đi cùng những tiếng cười nói nghe rất lạ, những mùi hơi rất lạ. Tôi không muốn nằm. Mặt giường cứng đơ làm tôi sợ. Tôi thích được bế. Mẹ tôi thương tôi nên đêm nào người cũng ngồi suốt đêm để ôm tôi. Sau kì sinh nở, mẹ tôi yếu đi rất nhiều. Được vài tuần, mẹ tôi đã phải đứng dậy tự làm lấy mọi việc : nấu cơm, giặt dũ, bèo rau cám lợn, xay lúa giã gạo…Nghĩa là tất cả những việc mà một người đàn bà nhà quê phải cáng đáng. Bà tôi vẫn ngồi với gánh hàng xén ngoài chợ nên chỉ bế tôi lúc được ở nhà. Ầm ĩ nhất vẫn là lúc bà bế tôi. Tôi vẫn không thể nào quen được cặp môi của bà tôi. Tôi muốn bà gọi tôi thế nào cũng được: là chó , là mèo, là cái đĩ, là thằng cún con, tùy.Nhưng đừng có thơm tôi và nhất là đừng lột tã lót của tôi ra. Tôi giãy lên khóc nhưng bà tôi vẫn cứ thế. Tôi thích bố hơn. Ông thường cong người lại đặt cho tôi nằm lọt trong lòng và dập dình “Oái ,cu cậu cười kìa, mẹ bố cái miệng, há há !...” Bố tôi cười và dập dình mạnh hơn.

- Anh có bỏ ngay nó xuống không, xóc thế thì nó gãy cổ mất! - Bà tôi la lên.

Bà chỉ lo xa. Tôi không gãy cổ. Tôi chỉ thích!

Có gì nữa trong những ngày tôi còn bé tí?

Những con cá chép màu đỏ bằng nhựa mà dì (em gái mẹ) ở Thái Nguyên về  chơi đã mua cho. Tôi vồ lấy và vập mồm vào đấy! Bà tôi lại la lên và người ta đã giật con cá ra khỏi tay tôi để treo lên một sợi dây trên cọc màn. Tôi cố với nhưng không tới. Tôi khóc. Sợi dây treo con cá không vì thế mà dài ra. Con cá  nhựa cứ ở trên cao cùng với nỗi thèm thuồng của tôi.

Con gấu bằng cao su. Bố tôi bóp, đít nó kêu “choét choét” . Tôi bê nhét nó vào mồm. “Rồi thằng bé đến lở hết mép thôi,cao su là nó có “ chất ngứa”! Và mẹ tôi cũng buộc con gấu treo cao lên. Con gấu không kêu nữa.

Và những quả bóng xanh, đỏ, tím, vàng người ta cũng đem treo lên… Tôi đúng là bị biến thành con chó, chỉ được phép giương mắt nhìn những thứ mà mình  thích, nhưng không thể gặm mõm vào được.

Còn gì nữa?

Khi tôi chập chững biết lần giường bò đi, nghĩa là khi tôi đã có thể lần tới những gì mình thích, thì những thứ ấy vẫn tiếp tục bị giật lại nhiều lần. Mẹ tôi không muốn mâm bát bị xô vỡ. Bà tôi không muốn những thức ăn mặn giây ra làm ngứa kẽ tay tôi. Còn bố tôi thì đét vào tay tôi : Phải nằm im cho có tư thế chứ, ông tướng!

Tôi rất ghét ăn bột. Tôi muốn được vục tay vào bốc cơm trong bát của mẹ tôi. Nhưng  mẹ tôi lại bế tôi lên, dằn ngửa tôi ra để ấn thìa bột vào. Tôi khóc, tôi phun bột nhão lên cả mặt mẹ. Mẹ tôi mắng tôi là “KHẢNH”.

Rồi tôi biết đi, ĐI BẰNG HAI CHÂN. Tôi biết chạy. Cũng CHẠY BẰNG HAI CHÂN. Tôi đuổi theo con mèo để túm lấy đuôi nó. Nó cào vào tay tôi rồi leo tót lên ngọn cau. Tôi vào bếp lấy cái sàng thóc ra úp lên lưng con chó đốm. Con chó đốm ăng ẳng chạy cõng theo chiếc sàng cùng chạy. Tôi thích quá. Tôi gọi cái Tâm con bác Tám ở nhà phía bên kia rào sang và hai chúng tôi cùng cưỡi lên cái sàng làm ngựa. Con ngựa kêu ăng ẳng. Cái Tâm thích quá cười khanh khách. Tôi cũng cười khanh khách.
“Nhong nhong nhong , ngựa ông đã về, cắt cỏ bồ đề, cho ngựa ông ăn..”Chúng tôi ra sức nhún nhảy, “con ngựa” ăng ẳng được thêm một lúc nữa rồi im. Đúng lúc đó mẹ tôi về.

- Mẹ ơi, mẹ nhìn con cưỡi ngựa này.- Tôi gọi để khoe mẹ.

Mẹ tôi chạy đến,giật chúng tôi ra khỏi vòng tay nhau, ra khỏi “con ngựa”.

- Hỏng hết sàng của tao giờ!

Mẹ tôi quát và nhấc chiếc sàng ra. Bên dưới là con Đốm. Người nó như bẹp gí, mắt lồi ra. Nó có vẻ sắp chết. Mẹ tôi lu loa lên, kêu giời đất. Mẹ túm lấy tôi và cái Tâm, phát vào mông mỗi đứa mấy cái thật lực rồi mẹ ôm con Đốm vào bếp, lấy gio nóng xát vào bụng cho nó. Chúng tôi chạy theo. Mẹ đuổi chúng tôi ra:

- Cút đi, cái đồ ác, tí tuổi đã ác!

 

3.

Đêm.
Tôi nằm gọn trong lòng bà. Bây giờ tôi không sợ bà nữa. Bà chiều tôi nhất cả nhà. Mẹ tôi đã từng phát vào mông tôi. Bố tôi đã từng đét vào tay tôi. Còn bà thì chưa bao giờ.
- Thằng cún “ĐÍT TÔN” của bà đây. Mai kia bà nằm xuống thì nó chống gậy cho bà này, nó làm giỗ cho bà này. Hàng năm thanh minh, nó đi tảo mộ cho bà nữa, nhể. Bà DIÊU thằng chó con của bà lắm cơ…

Bà vẫn nựng tôi vậy. Bà gọi “Đít tôn” thay cho “Đích tôn”, nói “Diêu” chứ không nói “Yêu”. Nhưng chẳng cần. Tôi không giận bà. Tôi thích được nằm bên bà để bà kể cho nghe chuyện cổ tích. Bà biết nhiều chuyện cổ tích : chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, chuyện Cóc kiện trời, Tấm Cám, Trê cóc, chuyện Chúa Ba…nhiều lắm. Nằm nghe bà kể, tôi ngủ lúc nào không hay và trong giấc ngủ tôi thường mơ thấy mình được là hoàng tử, là chó ,là mèo, là trê, là cóc.

 

4.

Trời mưa.

Từ mái tranh nhà tôi, những giọt nước rỏ xuống biến thành những chiếc bong bóng trắng. Tôi gọi cái Tâm sang và cùng xé những tờ giấy, bứt những chiếc lá mây cong cong làm thuyền thả xuống rãnh nước trước nhà. Con thuyền bập bềnh, bập bềnh, từ từ trôi, xa dần và cuối cùng biến mất sau màn mưa. Con thuyền ấy trôi về đâu? Chắc là về nơi xa kia, chỗ đang có tiếng trống trận ầm ì. Thuỷ Tinh đang đánh nhau với Sơn Tinh để được cưới nàng công chúa xinh đẹp. Cũng có thể nó đang chở những con cóc, con gà cùng nhiều con vật khác nữa lên đánh nhau với giời. Tôi nghĩ thế. Cái Tâm lại thầm thì: “Thuyền của mình đang chở cô Tấm đi dự hội đấy!”

- Cô Tấm cưỡi ngựa chứ không đi thuyền.- Tôi cãi.

- Đừng cưỡi ngựa- cái Tâm rụt rè:  Mẹ đánh đấy.

Tôi ngạc nhiên và chợt nhớ đến cái sàng và con Đốm. Nhớ cả cái đét mông nữa. Ừ, thì thôi, để cô Tấm đi dự hội bằng thuyền vậy.

 
5.

Nhà cái Tâm có một mảnh vườn trồng đỗ và bác Tám thường bắt cái Tâm phải ngồi ngoài vườn đuổi chim gáy. Những con chim gáy này không giống những con chim mà ông thằng Quyết nuôi. Chim gáy nhà ông thằng Quyết được nhốt trong lồng, rất dạn người, hót “cục rù” rất hay. Còn lũ chim chúng tôi thấy ngoài vườn nhà cái Tâm thì khác. Chúng ở mãi đâu đâu bay đến đậu trên ngọn xoan và thỉnh thoảng lại sà xuống mổ những búp đậu non. Cái Tâm rất ghét những con chim ấy. Nó thường rủ tôi ra vườn cùng ngồi giật giật sợi dây có treo những chiếc ống bơ trong đựng vỏ ốc làm chúng kêu lóc xóc để xua chim. Lúc đầu tôi rất thích nhưng mãi rồi cũng chán. Tôi rủ cái Tâm bày trò làm nhà. Chúng tôi chui vào góc vườn, bẻ những cây dong riềng khum lại và ngắt lá khô trải làm chiếu. Tôi làm rất nhanh ,thoáng cái đã xong. Nhìn sang cái Tâm vẫn đang hì hục cắm que. Nó cắm chả cái nào ra hồn, cái nghiêng bên này, cái ngả bên kia. Đúng là con gái! Để trêu tức nó, tôi chui vào “nhà” nằm thò cổ ra hát nghêu ngao. Chợt tôi nghe có tiếng sụt sịt. Ê, cái Tâm nó nhè!

- Khóc nhè lấy que vụt đít!_Tôi khoái quá càng hát to.

Cái Tâm có vẻ dỗi. Nó vùng vằng nhổ hết các que cắm vứt đi. Mặt nó lem luốc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Tôi chợt thấy ái ngại, chui ra khỏi nhà. - Để tao làm cho- Tôi nói.

Nó nguẩy người: Ứ cần. A, làm bộ hả, thì thôi. Tôi lại chui vào “nhà” với câu hát lúc trước. Khi tôi nhìn ra thì cái Tâm đã biến đâu mất. Thay chỗ cái Tâm ngồi khóc ban nãy là một con chó to. Con chó đang sục mũi hít và một chân nó cào đất lên để tìm cái gì đó. Tôi sợ cứng người và cố nín thở nằm im. Nhưng con chó đã nhìn thấy tôi. Nó gừ gừ và nhe răng ra. Tôi rúm người lại và bật khóc. Không, tôi gào lên. Con chó càng gừ tợn. Tôi nhắm nghiền mắt lại.

- Xuỳ, chạy, chạy nào!- Có tiếng cái Tâm the thé. Tôi lau vội nước mắt nhìn ra. Con chó đang cúp đuôi chui qua bờ tre cuối vườn. Cái Tâm đứng trước mặt tôi. Trán nó có những giọt mồ hôi to tướng trên làn da xanh tái. Trong tay cái Tâm là chiếc roi tre. Cái roi run run. Rõ ràng cái Tâm cũng đang rất sợ.

- Tao đếch chơi ở đây nữa._ tôi muốn chuồn.

Cái Tâm kéo áo tôi: “Anh Cao ở đây, em cho cái này!” Nó gọi tôi bằng “anh” và xoè tay ra. Trong lòng bàn tay nó là những quả dâu chín đen đã dập, nước ứa qua kẽ tay. Tôi nuốt nước bọt.

- Chốc nữa mẹ em về còn cho em chuối nữa cơ. Em sẽ cho anh Cao một quả thật to!- Cái Tâm hứa thêm.

Tôi biết nó nói thật. Bà tôi cũng khen nó thảo. Tôi gật đầu. Để tỏ ra mình cũng thảo tôi cho nó cái nhà của tôi nhưng nó không nghe. Nó không muốn ở một mình. Nó chỉ muốn “chung”. Nó chạy đi bẻ lá mít về làm quạt và như bà tôi, nó ngồi xổm,hai tay hai chiếc lá mít quạt quạt cho tôi. Tôi lột chiếc mũ, chạy ra đội cho thằng bù nhìn rơm đứng ở giữa vườn. Cái Tâm kéo dây. Thằng bù nhìn gật gù. Chiếc mũ của tôi cũng gật gù. Chúng tôi cùng cười như nắc nẻ.

Trưa mẹ tôi về. Thấy tôi mặt mũi bẩn thỉu, đầu để trần, mẹ hỏi tôi mũ đâu và lại phát vào mông tôi một cái bắt đi lấy mũ về… Trưa nắng thế này mà thằng bù nhìn chẳng có gì đội. Tôi lấy mũ của nó mất rồi… Thương nó quá!


6.

Hai chúng tôi ngồi dưới gốc cây dâu to.

Hôm nay cái Tâm diện, áo xanh thêu bông hoa đỏ và đôi bướm trắng. Có lẽ ăn quả dâu nhiều nên miệng nó tím ngắt. Có lẽ cả miệng tôi cũng tím. Nhưng điều đó chẳng hề làm chúng tôi bận tâm. Bởi trước mắt chúng tôi đang diễn ra một cảnh tượng vô cùng hồi hộp: “Một cỗ xe hai ngựa kéo đang tung bụi phi nhanh trên đường. Trên xe có một nàng công chúa áo trắng. Để về được đến toà lâu đài trước mặt, cỗ xe còn phải băng qua một khu rừng rậm. Trong rừng đang có những tên cướp rình nấp. Chúng chờ cỗ xe kia đến và sẽ nhảy xổ ra… Sẽ có những tiếng hô đuổi bắt, những tiếng kêu thất thanh. Sẽ có một chành hoàng tử oai phong lẫm liệt bỗng dưng xuất hiện tay vung tít một thanh kiếm sáng loáng. Lũ cướp bị đánh tơi bời. Chàng hoàng tử sẽ đưa công chúa áo trắng an toàn trở về lâu đài ra mắt đức vua!..” Nhất định sẽ là như vậy, là đúng như bà tôi đã kể. Tôi hồi hộp theo dõi… Bỗng dưng có tiếng “chạch xoè” rộn lên ngay trên đầu. Chúng tôi cùng rời mắt khỏi cỗ xe và nàng công chúa, ngửng nhìn lên.

- A, chào mào, chim chào mào!- Cái Tâm kêu lên. Suýt nữa tôi cũng bật reo theo nó. Nhưng tôi chợt nhớ.

- Không phải chào mào. Chim đại bàng đấy. Chim đại bàng bay đến đón hoàng tử đấy!- Tôi giải thích.

- Ừ , đúng rồi, chim đại bàng… Nhưng, chim đến đón cả công chúa nữa cơ.- Cái Tâm gật đầu và chăm chăm nhìn tôi.

Tôi biết là nó muốn gì rồi.

- Không, công chúa phải ở nhà. Mẹ công chúa không cho công chúa đi chơi xa đâu. Với lại…chỉ có hoàng tử mới dám cưỡi lên lưng đại bàng để bay thôi. Khiếp lắm nhá. Gió thổi ù ù bên tai ấy. Phải thật dũng cảm mới dám đi như vậy!_ Tôi bảo nó và phồng má trợn mắt lên để doạ.

- Ứ, em không sợ. Em cũng đi cơ!... Cái Tâm ngúng nguẩy. Mà kìa, chưa chi mắt nó đã đầy những ngấn nước- Cho em đi với, em cho cái này… - Nó chìa cho tôi một chiếc kẹo đã ướt chả biết cầm từ bao giờ.

Tôi thận trọng nhón chiếc kẹo bỏ vào mồm:

- Ừ, thế thì chúng mình cùng đi.

- Nhưng nặng thế, liệu đại bàng có bay nổi không?

Lại thế nữa cơ đấy. Đúng là đồ con gái, chưa gì đã sợ.

- Bay thừa. Đại bàng cơ mà!- Tôi đành động viên nó. “Ừ!” Cái Tâm tươi hẳn lên. Trong mắt nó những giọt nước chưa kịp ứa ra đã bị gạt phắt nhường chỗ cho những giọt nắng xuyên qua tán cây xuống đọng lại, long lanh.

- Ngồi im! - Một tiếng quát, nhỏ nhưng đầy hăm doạ vang lên. Chúng tôi giật mình quay lại: Một gã thiếu niên béo ịch với khẩu súng cao su. Cái Tâm sợ, nép hẳn vào tôi. Gã béo đã quỳ hẳn xuống, lê dần đến gốc cây dâu.

- Ứ, chết ngựa của em!- Tôi buột kêu lên khi đầu gối của gã béo nhích dần đến toà lâu đài và chỗ hai con ngựa đứng.

- Xì…đồ nhóc.- Gã béo lườm tôi và thuận chân gạt phắt một cái. Cả toà lâu đài mà tôi mất bao công  mới đắp được,sụp đổ. Con ngựa lá đa và nàng công chúa bằng phấn trắng bay tít ra xa. Cái Tâm hét lên. Tôi bặm chặt môi. Gã béo dứ nắm đấm to đùng. Trên ngọn dâu cao, con “đại bàng” của tôi vẫn điềm nhiên mổ quả. Sợi dây cao su trong tay gã béo căng dần.

- Xuỳ!- Hầu như cùng một lúc, hai chúng tôi dậm chân, xuỳ mạnh.

Con chim giật mình ngừng mổ quả, nghiêng đầu nghe ngóng.

- Muốn chết hả? Gã béo hốt hoảng quay sang chúng tôi gầm ghè: - Nó bay mất thì chết với tao!

- Ứ. Không được bắn chim đại bàng của chúng em!- Cái Tâm giọng đã đầy nước mắt. Tôi nắm chặt tay. Tôi cóc sợ. Gã béo vênh mặt lên:

- Đếch phải đại bàng mà là chào mào, ngốc!

Gã lại giơ khẩu súng lên. Tôi hít một hơi đầy bụng, hét một tiếng thật to và dậm mạnh chân xuống đất. Ngay lập tức gã béo quay lại cốc cho tôi một cái. Tôi túm lấy tay gã và ghé răng cắn. Gã kêu oai oái, giật vội ra, tay chân vung loạn xạ. Cái Tâm cũng lao vào. Tôi nhe răng to hơn. Ê, hèn chưa, gã chạy kìa.

- Anh ấy đánh em đau không?- tôi kéo cái Tâm dậy, phủi đất cho nó.

- Không phải “anh ấy” mà là thằng khổng lồ một mắt đấy-  Cái Tâm cố không nấc và lại thầm thì: Thằng khổng lồ này cầm đầu toán cướp trong rừng.

A!Đúng rồi! Thằng khổng lồ một mắt. Cái Tâm giỏi thật. Được, hoàng tử sẽ giết chết tên ấy. Tôi nhặt chiếc kiếm bằng lá dứa lên. Tôi định bàn với cái Tâm chuyện báo thù. Nhưng kìa… Lại có tiếng “chạch xoè” trên đầu. Đang mải ôm nàng công chúa phấn trắng, miệng khe khẽ hát ru, nghe tiếng chim, cái Tâm vội nhìn lên và bật reo: “A, chim đại bàng đến rồi!”. Tôi cũng nhìn lên. Trên cành cao, con chim “đại bàng” của tôi ban nãy bay đâu giờ lại trở về vắt vẻo hót. Gió nhẹ thổi. Những chùm quả dâu chín mọng đung đưa. Ông mặt trời vẫn toả sáng để ánh nắng dịu dàng rót qua tán cây xuống đọng đầy trong mắt cái Tâm “nàng công chúa” đang ngất ngây chờ những chuyến bay xa. Tôi tin rằng cả trong mắt tôi cũng có những giọt nắng ấy.


7.

Có những ngày rất lạ: trời không mây,đang nắng to tự dưng tắt dần.

- Gấu ăn mặt trời rồi, làng nước ơi…- Đâu đấy có tiếng người kêu. Tôi nhìn mặt trời. Mặt trời vẫn đó nhưng đang bị lẹm dần. Mẹ tôi từ trong nhà chạy ra, ngửa cổ nhìn trời rồi lại tất tả chạy vào bếp mang ra một cái mẹt và một cái xoong : “Cầm lấy, gõ to lên!” Người quát tôi. Trông mẹ tôi có vẻ sợ.

- Bẹt bẹt bẹt! Xoảng,xoảng,xoảng! Tôi và mẹ cùng gõ. Tùng, tùng, tùng!-Tiếng trống ngoài trường học? Có thể không phải, đó là tiếng trống báo động của các cô chú dân quân cũng nên?  “Cốc, cốc, cốc”. Có cả tiếng mõ tre. Rồi hàng trăm thứ tiếng động khác nữa. Tôi vừa gõ vừa bắt chước mẹ nhìn lên mặt trời. Mặt trời thôi không bé lại nữa.
- Gõ tiếp đi, mạnh vào! - Mẹ tôi ra lệnh.

Tôi mím môi giáng thật lực đôi đũa cả vào chiếc xoong. Tôi không thấy sợ. Gấu ăn mặt trời! Chà,  cũng ghê thật đấy nhưng xung quanh tôi có nhiều người. Tôi chỉ thấy thích. “Nó đang nhả ra rồi”- Có tiếng ai reo. Đúng con gấu đang nhả  dần mặt trời ra thật. Một lúc sau, nắng đã lại chói chang.

- Thằng quỷ, mày làm cái xoong như thế này à?- Tôi bị cốc một cái đau điếng, chiếc xoong bị giằng ra khỏi tay. Mẹ tôi lườm tôi rồi nhăn nhó nhìn chiếc xoong, xót xa. Chiếc xoong bị lõm lung tung và méo xệch. “Nhờ mày cái gì là y như mày phá hỏng cái đó!” Mẹ tôi lại lườm tôi và cố ấn cái xoong cho tròn trở lại rồi đi vào bếp.

- Mẹ ơi, thế mai gấu có ăn mặt trời nữa không? Tôi hỏi.

Mẹ không thèm đáp. Tôi cụt hứng. Tất nhiên tôi mong ngày nào mặt trời cũng bị gấu ăn. Chà, lúc ấy thì có thể đập mọi thứ, gõ vào mọi thứ. Và nhất là, lúc ấy, chính mẹ cũng “nghịch” như tôi, cùng tôi!

 
8.

Tết mùng năm tháng năm.

Buổi sáng, mẹ đánh thức tôi dậy sớm, cho tôi hai quả mận ăn để “Chiết sâu bọ”. Rồi mẹ dắt tôi ra vườn bảo tôi trèo lên cây mít. Thân cây mít chỉ to bằng bắp chân bố tôi. Năm ngoái nó chỉ ra được có ba quả. “Tại năm ngoái tao quên không khảo đấy!” Mẹ tôi nói vậy trong khi tay lăm lăm chiếc roi. “Bám chặt vào kẻo ngã!” Mẹ tôi nhắc và giơ roi lên. Tôi nhắm nghiền mắt,phấp phỏng lo. Nhỡ mẹ quật không trúng cây mít mà lại trúng vào mông tôi thì sao?

- Đét ,đét!- Tiếng roi quật vào thân cây.

- Mít kia!- Tiếng mẹ gọi.

- Dạ!- Tôi vội thưa thay cho cây mít.

- Năm nay mày ra bao nhiêu quả?- Mẹ lại vụt cây mít một cái và hỏi.

Tôi cuống lên. Ban nãy mẹ có dặn,nhưng tôi quên mất.

- Năm nay mày ra bao nhiêu quả ,mít kia?- Mẹ lại hỏi.

Tôi cố nhớ,nhưng vẫn mù tịt. Có lẽ tại cái quần tôi, hình như nó đang tụt dần để phơi cái mông của tôi ra.

- Mít kia!- Mẹ tôi gắt lên và vụt mạnh một cái nữa.

Tôi cuống quá vội buông tay định kéo chiếc quần lên. Bỗng người tôi nhẹ đi. Tất cả quay một vòng tròn và tôi lộn cổ xuống đất. Mẹ tôi hét lên, hoảng hốt vứt roi chạy đến đỡ tôi dậy, rối rít sờ khắp người tôi chắc là để xem có chiếc xương nào gãy chưa? Chưa có chiếc xương nào gãy cả. Tôi cũng không thấy đau nữa, chỉ sợ!

- Cô để cháu làm mít cho!- Thằng Túc như từ dưới đất chui lên đứng trước mặt mẹ tôi. Nó là con bác Tộ, cách nhà tôi một dậu cây dâm bụt. Nó giao giá:

- Nhưng hễ mít ra cô phải cho cháu quả to nhất cơ! Mẹ tôi gật đầu. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thằng Túc nhanh nhảu leo tót lên.

- Mít kia!- Mẹ tôi lại cầm roi quật cây mít.

- Dạ!- Thằng Túc thưa rõ to.

- Năm nay mày ra bao  nhiêu quả?

- Năm nay tôi ra MỘT NGHÌN QUẢ, quả nào cũng to như cái giỏ tích ấy!

Mẹ tôi cười có vẻ rất khoái, đưa tay bế nó xuống, phủi quần áo cho nó và tát yêu vào má nó:

- Cháu giỏi, giỏi lắm.Ừ, cô hứa sẽ cho cháu quả to nhất nếu nó ra được ĐÚNG MỘT NGHÌN QUẢ

Và mẹ quay lại tôi bĩu môi :

- Đấy, mày sáng mắt ra chưa? Mày xem thử mày có được bằng cái móng tay nó không? Cũng bằng tuổi mày mà con người ta khôn thế đấy.

Tôi cúi gằm mặt bỏ vào nhà. Đúng, tôi không bằng cái móng tay thằng Túc thật. Sao mà nó khôn thế không biết. Chưa đi học  mà nó đã biết đến MỘT NGHÌN!

 

Nhà văn Ma Văn Kháng (thành viên HĐ CK cuộc thi tiểu thuyết của NXB Kim Đồng, 2001– Báo Tiền Phong số 58- 15/5/2001)

Truyện biểu lộ năng lực đi sâu mô tả tâm lí trẻ thơ, năng lực tìm biết, phát hiện những vùng sâu kín trong tâm hồn thơ dại, nơi đầu nguồn nhân cách của các em… Bằng ngôn ngữ tỉnh lược, hàm súc, một chú bé kể lại chuyện đời mình… rất thật thà, thật thơ ngây, tự nhiên và không ít tâm trạng. Giàu chất sống hiện thực, truyện có những khám phá đặc sắc trong đó rất đáng chú ý là cái phần chìm sâu không nói ra… những buồn khổ, tủi hờn, ấm ức của một kiếp nhân sinh nhỏ nhoi, nhiều lúc bị bỏ quên, bị hắt hủi rất tội nghiệp trước những áp lực nhiều khi vô tình của người lớn…

 

9.

Đêm trung thu.

Mặt trăng tròn như quả bưởi chín treo trên trời cao. Bọn trẻ con chúng tôi: Tôi, cái Tâm, thằng Túc và cả thằng Quyết con thím Quyết nhà ở bên kia chiếc ao sau nhà tôi, được cùng nhau kéo ra sân kho hợp tác chơi. Ở đó còn có nhiều đứa ở trong thôn cũng đến. Chúng tôi được anh Minh rỗ và chị Thảo phụ trách đội nhi đồng, chia bánh kẹo cho và dạy chơi trò rồng rắn. Tôi gặp lại câu hát của bà: Rồng rồng rắn rắn đi đâu, đi xin tí lửa đốt râu cho hùm. Hùm lên mấy?...Ba, năm ,sáu…Chúng tôi tranh nhau trả lời. Thì ra có nhiều đứa biết chơi và hát bài này. Chúng tôi nắm chặt tay nhau,quây thành một vòng tròn và cứ chạy nhảy một lúc lại cùng ngồi thụp xuống. Ông trăng tròn nằm giữa vòng tay chúng tôi.

Gần tan cuộc vui, chúng tôi chơi trò rước đèn. Gọi là rước đèn nhưng chỉ tôi với vài đứa nữa có đèn. Đây là đèn ông sao: Một ông sao bằng nan có năm cánh, ngoài bọc giấy kính đỏ, có chùm tua giấy vàng buộc ở mỗi đỉnh, có chuôi cầm bằng xương đay ở giữa và trong thắp nến. Thằng Túc có những hai chiếc đèn như vậy, nhưng nó chẳng cho đứa nào mượn. Cái Tâm, thằng Quyết và nhiều đứa nữa không có đèn. Chúng nó lấy giẻ tẩm dầu hoả buộc kẹp lên đầu những cành tre tươi để đốt. Đèn của tôi đẹp hơn nhưng không sáng bằng đuốc của chúng nó.Tôi đổi đèn cho cái Tâm để lấy đuốc. Nó thích quá cứ luôn mồm gọi tôi bằng ANH. Chúng tôi đi thành một hàng dài, vòng quanh thôn. Tiếng trống ếch rộn ràng. Tim tôi cũng rộn ràng. Tôi vừa đi vừa hét. Trong xóm, lũ chó sủa như phát rồ. Hết một vòng thôn, chúng tôi dừng lại thở. Thằng Quyết rủ chúng tôi đấu kiếm. Kiếm đây cũng chính là những cây đuốc đã cháy gần tàn. Chúng tôi đồng ý ngay. Cả bọn chia làm hai phe. Nhưng chỉ có bọn con trai. Bọn con gái trao đuốc cho chúng tôi và rúm lại với nhau một chỗ đứng nhìn bằng con mắt sợ sệt.

- Xung phong!-Thằng Quyết hét lên.

Chúng tôi hét theo và hai bên xông tới nhau với cây kiếm lửa. Bụp, bụp, cách, cách! Những mũi kiếm chạm nhau, tàn lửa bay đỏ một khu ruộng. Chúng tôi càng khoái, càng hét to. Bọn con gái đứng ngoài cũng hét. Lửa khói làm chúng tôi tối tăm mặt mũi và ho sặc sụa. Nhưng chúng tôi vẫn vung kiếm lên. Bây giờ thì nhiều đứa đã không còn kiếm nữa mà chỉ còn que vì cuộn vải lửa đã tụt văng mất. Nhưng chẳng hề chi. Bù lại, chúng tôi vẫn còn mồm để hét và tiếng hét cũng làm cho khối đứa phải sợ. Chỉ có điều là đến một lúc chúng tôi chẳng còn nhận ra được đâu là quân địch, đâu là quân mình nữa. Những đứa mất kiếm lửa rút dần và cuối cùng chỉ còn lại thằng Quyết xóm tôi với thằng Bảo xóm trong. Chúng tôi vây lấy hai đứa ấy mà hò la, mách nước. Chúng nó đấu đẹp tuyệt. Cứ mỗi lần hai thanh kiếm chạm vào nhau là lửa lại bùng lên, tàn bay như có một nắm lớn đom đóm ai đó ném ra. “Bụp, bụp, cách, cách!” Thằng Bảo đâm một nhát về phía thằng Quyết. Thế nào thằng Quyết cũng cháy áo! Nhưng nó đã kịp nhảy sang một bên và quật chéo lại. Vù một cái,mũi kiếm lửa của thằng Bảo bị quật trúng, tụt ra khỏi que bay một vòng đến rơi đúng chỗ bọn con gái đứng. Chúng nó kêu ré lên, xô nhau chạy. Một mảnh lửa rơi vào đầu tôi kêu xèo xèo, khét lẹt. Tôi phủi vội và chạy theo thằng Quyết đang vừa hét như điên, vừa nhong nhong chạy tay giơ cao ngọn kiếm chiến thắng!

- Anh Cao ơi, đợi em với- Tiếng cái Tâm gọi thất thanh phía sau.

Chà… chán nhất là bọn con gái. Tôi đành chạy chậm lại: “Nhanh lên không có ma nó bắt mày đi” Tôi doạ. Con bé hét lên và ngã sấp mặt xuống đường.

- Tại sao mày doạ nó?

Thằng Quyết quay lại tự lúc nào và quát vào mặt tôi. Kiếm của nó vẫn còn cháy. Ánh lửa làm mặt nó đỏ dễ sợ. Tôi còn chưa biết nói sao thì cái Tâm đã vừa mếu vừa gạt nước mắt, lắc đầu: “Không phải tại anh Cao đâu, hòn đất nó làm em ngã đấy.”

Chúng tôi về đến ngõ. Thằng Túc đang đứng ở đấy. Rõ ràng là nó chờ chúng tôi.

- Đèn của mày đâu?- Tôi hỏi.

- Tao đưa về cho bố tao treo rồi - Nó nói và móc túi chìa ra trước mặt chúng tôi một nắm kẹo xanh đỏ trông đến ngon - Tao có nhiều kẹo thế này lắm, ối người đến biếu bố tao. Ở nhà còn cả bánh nướng, bánh dẻo, cả bích quy nữa cơ…­_ Nói rồi nó trả lại nắm kẹo vào túi , điềm nhiên bóc một chiếc cho vào mồm.

- Tao miếng!- Tôi thèm quá, xin nó.

- Tao cắn nát ra rồi!- Thằng Túc nói và nhai nhanh hơn. Mồm nó kêu rau ráu, rau ráu.

- Mày còn nhiều ở túi kia thôi- Tôi cố nài.

Cái Tâm bíu lấy giật tay áo tôi.

- Cho chúng mày, bố tao biết, bố tao đánh!- Thằng Túc lắc đầu và giữ chặt lấy túi.

- Cút đi!- Thằng Quyết đẩy nó ra và kéo tôi với cái Tâm đi.

Tôi vừa đi vừa nuốt nước bọt

- Thèm lem, thèm lem…- Thằng Túc hét lên phía sau chúng tôi.

- Ăn tham, thàm làm ăn tai, ăn hết lỗ mũi, ăn hai lỗ mồm!

Thằng Quyết hát như gào. Tôi cũng hét theo nó, nước bọt bắn ra tung toé!

 
10.

- Cao,đèn ông sao đâu? Mẹ tôi hỏi.

- Con cho em Tâm rồi!- Tôi hãnh diện. Nhất định mẹ sẽ khen tôi thảo. Mẹ cái Tâm vẫn khen nó như vậy mỗi lần  nó đem cho tôi cái gì.

- Giời ơi là giời. Ngu ơi là ngu. Cái đèn mấy đồng bạc vậy mà đem cho đi mất-Mẹ tôi rên rỉ.

- Thằng này dại lắm, chả biết giữ cái gì đâu. Hơi có một tý là chỉ nhăm nhăm đem đi “cúng” con hàng xóm- Bố tôi bảo.

- Muốn sống sang đòi mang về đây cho tao!- Mẹ tôi quát.

Tôi cụt hứng, đứng im.”Tao bảo mày có nghe thấy không?” Mẹ tôi lại trợn mắt lên. Tôi vẫn đứng chôn chân. Bắt con đi đòi lại cái con đã cho ư mẹ, không, không đời nào!
- Xoạch! Cái đèn ông sao chẳng biết từ đâu bay vút qua cửa rơi xuống chân tôi. Tôi giật mình chạy ra. Dáng bé choắt của cái Tâm đang men theo hàng rào chạy về nhà.

- A. Đây rồi…Mà rách mất một cánh rồi còn đâu. Mày vào đây tao hỏi. Đấy, mày không chịu đi đòi mà để nó ném vào mặt mẹ mày như thế này đây!

Mẹ nói và dứ dứ cái đèn ông sao trước mặt tôi. Tôi oà khóc. Nhưng không phải tôi khóc vì mẹ đã lại phát vào mông tôi. Thật đấy, không phải vì vậy!

 
11.

- Cháu bà ra đây với bà!

Bà tôi bế tôi lên và trải một chiếc chiếu ra hè. Bà vỗ vỗ vào lưng tôi và thơm lên tóc tôi:
- Cha bố mày. Đi nghịch ở những đâu mà tóc tai khét lẹt như cháy ấy hả con? Để bà xem nào.Oâi giời, cháy thật đây còn gì? Lại cả áo nữa, xem sạch chưa này. Mày đi ném nhau hả. Im không bố mẹ mày biết thì nhừ đòn. Để rồi tý nữa bà thay áo cho, cha cái thằng giống của bà.

Bà lại thơm lên tóc tôi.

Bố tôi bê ra một đĩa to. A, bưởi, hồng, cả kẹo… lại còn cả bánh đa nữa. Cả dừa! Chà, chắc không thua gì cỗ nhà thằng Túc! Tôi ngó sang phía nhà thằng Túc. Bên ấy có tiếng cười nói của nhiều người. Những ai đến mà đông vậy nhỉ? A, mà nhà nó cũng bày cỗ ra giữa sân. Hai cái đèn ông sao đang sáng đỏ.

- Nhìn sang đấy làm gì con. Nhà mình cũng có “ĐẦY CÁC THỨ” đây này.- Bà xoay tôi lại.

Tôi nhìn sang nhà cái Tâm. Bên ấy không có ánh đèn. Chỉ có ánh trăng rải vàng trước sân nhà nó. Tôi bốc mấy cái kẹo nhét vào túi. “Sao chưa ăn đã để dành vậy con?”- Bà hỏi. “Cháu cất đi đến mai cho em Tâm…Ban nãy con làm nó ngã đấy!”. Tôi thú thật với bà. Bà còn ôm ghì đầu tôi vào lòng, lại thơm lên tóc tôi, không nói!

Bố mẹ tôi ra ngồi với bà cháu tôi. Cả nhà quây quần bên đĩa bánh. Từ trong nhà có mùi hương trầm đưa ra, thơm ngan ngát. Mẹ tôi gọt bưởi. Bố tôi rít thuốc lào và ngửa cổ phun khói lên trời. Trên trời, ông trăng vẫn tròn vành vạnh và sáng rực rỡ.

- Cháu nhìn kìa. – Bà tôi chỉ trăng. – Trên ông trăng có cây đa đấy. Có cả chú cuội nữa.
Tôi nhìn theo. A, đúng rồi, có cây đa thật.

- Bà ơi, thế chú Cuội là ai hả bà?

- Chú Cuội cũng bé như con đấy .Chú Cuội chăn trâu cho nhà giời, mải chơi để trâu ăn lúa, nhà giời phạt bắt ngồi gốc cây đa…

Tôi căng mắt nhìn. Chú Cuội ngồi đâu nhỉ, Con trâu đâu? Ông giời là ai mà ác thế? Hôm kia, thằng Quyết đi chăn trâu, cũng để trâu ăn lúa, nhưng mẹ nó chỉ mắng và phát khẽ nó một cái rồi thôi. Đàng này… “Chú Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời…” Có tiếng hát từ  rất  xa vọng lại.

- Bà ơi, ai hát đấy hả bà?

- Chị Hằng hát đấy. – Bà tôi thì thầm.

- Chị Hằng là ai hả bà?- Tôi tò mò.

- Chị Hằng cũng là người nhà trời, nhưng chị Hằng thương Cuội bị phạt nên hát cho chú Cuội đỡ buồn đấy.

Giọng bà vẫn thì thầm. Gió nhẹ thổi. Tôi cố căng mắt để nhìn. Rồi tôi chợt thấy mình bồng bềnh, người nhẹ hẳn đi. Tôi thấy mình được ngồi trên lưng chim đại bàng bay lên mặt trăng. Tôi đã nhìn thấy chú Cuội. Không hiểu sao chú Cuội lại giống thằng Quyết đến thế! Mà chú Cuội bị trói kìa. Tôi vung cây kiếm lửa lên. Những sợi dây trói đứt tung. Tôi nắm tay chú Cuội cùng cưỡi lên lưng đại bàng bay về. Chúng tôi lượn vòng trước sân nhà và nhìn thấy cái Tâm đang cười vẫy chúng tôi. Chúng tôi đỗ xuống. Mâm cỗ trung thu nhà tôi vẫn còn. Ngồi quanh mâm cỗ có bà, bố mẹ tôi, có anh Minh rỗ và chị Thảo,  và rất nhiều bạn khác nữa. Chúng tôi cùng nắm tay nhau nhảy vòng tròn trong ánh trăng và ánh lửa. Trên má chúng tôi, trong mắt chúng tôi cũng đầy ánh trăng và ánh lửa.

 

12.

Những ngày làng vào vụ gặt.

Thật tuyệt vời. Chúng tôi kéo nhau ra sân đình xem người ta trục lúa. Cút kít, cút kít!- Tiếng con lăn đá kêu. Vo vo, xoành xoạch-Tiếng máy tuốt lúa rít lẫn trong tiếng máy nổ. Lúa chảy vào guồng. Những hạt thóc vàng như ruối. Những nắm rơm tung lên.

- Muốn sống đừng có đồ chúng đồ đảng theo chúng nó ra đấy mà nghịch rặm. - Mẹ tôi dặn.
Tôi nhớ lời dặn ấy. Nhưng không theo lũ bạn tôi ra đấy thế nào được. Đống rơm to và xốp thế cơ mà. Tôi rất mê những đống rơm. Không hiểu sao thế.  Có lẽ tôi có MÁU NÔNG DÂN!

Đã có những đêm tôi và cái Tâm chui vào đống rơm bên sân nhà nó nằm thi đếm sao.

Một ông sao sáng

Hai ông sáng sao

Ba ông sao sáng…

Cứ thế, tôi hít hơi vào căng bụng và hét thật to. Được đến sáu. Tôi hít hơi dài hơn nữa và đếm nhỏ, liếng thoắng, thậm chí ăn bớt “một sao sáng, hai sáng sao…bảy sáng, tám sao”. Hết. Cái Tâm bao giờ cũng gấp đôi tôi. ”Mày dài hơi thế, thảo nào khóc dai là phải.” Tôi bảo cái Tâm vậy, nó chỉ cười.

Lại có đêm tôi với cái Tâm nằm trong rơm để thi xem đứa nào phát hiện ra ngôi sao mọc sớm nhất. Đứa nào tìm thấy  trước đứa ấy được phong làm kị sĩ. Bà tôi kể rằng cứ chiều nào cũng vậy, khi mặt trời chuẩn bị đi ngủ là có một chàng kị sĩ phóng một con ngựa ô, tay cầm bó đuốc lớn vọt lên trời, phi đến các ngôi sao và thắp sáng chúng. “Thế những đêm mưa thì sao hả bà?” tôi hỏi. Bà bảo: “Trời mưa, nước mưa làm đuốc bị tắt thì đành chịu thôi, đêm ấy sẽ chẳng có sao.” Quả nhiên thế.

Cũng có những đêm chúng tôi không đếm sao, không mơ làm kị sĩ. Chúng tôi chơi thả đỉa ba ba, chơi trốn tìm. Chơi trốn tìm trong rơm thật thích. Chả phải chạy đâu xa. Đã có rơm. Rơm che cho chúng tôi, làm chúng tôi hồi hộp và giật mình. Thế đấy. Rơm. Chà, rơm mới tuyệt vời làm sao. Vậy mà mẹ lại cấm tôi? Có lẽ người không muốn cho đời tôi sau này gắn bó với những sợi rơm rặm ruội ấy?

Nhưng không thể được. Mẹ vừa đi khỏi là tôi lẻn theo. Tôi chạy ra đình, leo lên chiếc giàn dùng để rê thóc và đứng ở đó, co cẳng “bông nhông” xuống đống rơm. Một giây, người tôi nhẹ bỗng đi rồi cả chân, tay, đầu, cổ tôi ngập chìm trong đó. Chúng tôi chui trong rơm, đuổi nhau trong rơm, lấy rơm ném nhau, đè lên nhau và la hét. Người lớn hét đuổi, chúng tôi hét to hơn.

- Chơi đánh trận giả đi.- Một đứa nào đó bỗng rủ.

Chúng tôi tán thành liền và lập tức đứng thành hai phe. Phe tôi có năm đứa. Chúng nó tranh nhau nhận, đứa làm đại tướng, đứa làm đại tá, đứa làm đại uý, chỉ còn tôi với cái Tâm.

- Thằng Cao làm chiến sĩ. Cái Tâm làm y tá.-Thằng Quyết phân công thẳng thừng.

Tôi hơi tự ái. Chúng nó đứa nào cũng có chức oách cả. Tôi làm chiến sĩ. Mọi đứa đều có quyền ra lệnh cho tôi.

- Cao, cúi đầu xuống!

- Đồng chí Cao! Theo lệnh tôi, xông lên!

- Đồng chí Cao đâu, bắn mạnh đi!

- …

Rất nhiều lệnh được ban ra. Có khi tôi chả biết nghe theo ai nên cứ tự ý mình mà làm. Rơm sẵn tha hồ nấp, tha hồ chui lủi. Chúng tôi tìm cách bò đến bên địch sao cho không bị phát hiện.

- Bùm, thằng Cao chết rồi.

- Ê, thằng Cao đứng lên đi, tao trông thấy mày rồi! Không được ăn gian.

Tôi đành đứng lên. Thằng Quyết từ phía sau chạy lên :

- Đếch phải nó chết, nó chỉ bị thương thôi!

- A. Anh Cao bị thương rồi!- Cái Tâm reo.

Tôi được khiêng về “tuyến sau” cho cái Tâm băng bó. Nó lấy rơm làm băng buộc lên vết thương của tôi. Nó có vẻ rất thích chức y tá.

Cuối trận đánh, chúng tôi ngồi bình công. Thằng Quyết được huân chương sao vàng. Tất nhiên, vì nó là chỉ huy to nhất. Thằng Toản được huân chương kháng chiến. Thằng Bình được huân chương chiến công.

- Mày được huy hiệu thương binh, còn cái Tâm thì cho nó giấy khen. –    Thằng Quyết bảo tôi và cái Tâm. Đúng quá. Tôi chả liên tục bị thương là gì.

- Nhưng lần sau mày cho tao làm chỉ huy với! – Tôi thử nài.

Thằng Quyết vặn:

- Chơi đánh trận thì phải có lính chứ. Nếu không có đứa làm lính thì chúng tao chỉ huy ai?

Tôi TỊT!


13.

- Cao ơi!- Tiếng thằng Quyết . Tôi chạy ra.

- Bố mày đâu?

- Bố tao ở uỷ ban.

- Mẹ mày đâu?

- Mẹ tao đi lấy hàng cho bà.

- Bà mày ra chợ rồi chứ?

- Ừ

- Còn mày?

- Tao đây thôi.

- Ừ. Nhưng mày có phải làm gì không?

­- Không. À… Tao phải coi nhà.

- Tao cũng phải coi nhà. Nhưng tao vẫn TẾCH. Mày có đi với tao không? Đi ra gốc đề bắt bổ củi, ra bãi tha ma hái đào tiên, bắt cào dứa?...

- “Mày lớn rồi. Từ nay chơi là phải biết chọn bạn mà chơi. Chơi với thằng Túc, chứ cứ túm năm tụm ba với những thằng như thằng Quyết, kéo nhau đi đày nắng là biết tay tao!” – Mẹ đã dặn tôi vậy. Tôi hơi chờn. Mẹ nói “biết tay” nghĩa là tôi sẽ bị đòn,sẽ bị ĐÉT VÀO MÔNG!

- Mày có đi không?

- …

- Thôi, thế thì tao đi vậy. Đồ hèn!- Thằng Quyết phảy tay một cái qua mũi rồi quay bước.
Tôi cuống lên. “Đợi tao với!”. Và không kịp đóng cửa nữa, tôi chạy theo nó.

- Anh Cao đi đâu cho em theo với.

Tiếng cái Tâm. Chà,lại nó. “Cái Tâm, mẹ nó là đồ QUÉT CHỢ. Mày không nên chơi với nó. Nó là cái con khôn lỏi. Cứ ngọt nhạt anh anh, em em là rồi nó XOÁY hết của mày cho mà xem” – Mẹ cũng đã từng dặn tôi thế. Tôi không biết “quét chợ” thì có gì là xấu và cố nghĩ xem nó đã “xoáy” của tôi những gì, nhưng không nổi. Mẹ cái Tâm, bác Tám là người quét chợ thật. Bác cũng lắm điều nữa. Tôi đã nghe bác chửi đứa nào bới trộm lang nhà bác. Nhưng bác lại có vẻ quý tôi. Đi chợ về lần nào bác cũng cho tôi bánh, chuối, những thứ mà ở ngoài chợ người ta đã trả công cho bác. Bác lại còn dặn tôi: “Cho em nó chơi với, đừng để đứa nào bắt nạt nó!” Bây giờ cái Tâm đòi đi theo. Tôi chưa kịp nói sao thì thằng Quyết đã vẫy tay: “Đi, nhưng cấm được mách lẻo, nghe chưa?”

Thế là cả ba chúng tôi cùng đi. Thằng Quyết đi trước , tôi đi giữa, cái Tâm chạy dặp theo sau. Chúng tôi ra nghĩa địa. Đây là nơi chôn người chết. Chúng tôi biết vậy nhưng trời đang nắng. Đến đêm ma mới ra cơ. Chúng tôi luồn vào các bụi. Mới đầu cũng chờn, nhưng sau thì chúng tôi quên hết mọi nỗi sợ. Trước mắt chúng tôi, thỉnh thoảng lại hiện ra những quả mâm xôi tím đến nỗi chỉ thoáng nhìn cũng đã ứa nước miếng. Thằng Quyết tìm được một đám đào tiên, cái thứ quả giống như quả tầm bóp nhưng bên trong chứa đầy lớp ruột trong suốt và thơm phức. Ở một chỗ khác, thế quái nào mà cái Tâm vớ được cả một quả ổi chín to bằng nắm tay trên một cây hoang, chắc là mới bói lần đầu, vỏ ngoài mới chỉ bị chào mào rỉa sước tí chút. Chúng tôi càng hăng. Nghĩa địa bây giờ không phải  là nơi ma ở nữa mà đã biến thành một khu rừng đầy hấp dẫn. Thằng Quyết bứt được một mớ dây bòng bong, đem guộn cho mỗi đứa một cái mũ để đội. Cái Tâm ngắt một bông hoa nhằng thơm ngát có những cánh trắng mỏng mảnh cài lên mũ. Nó cười, hai bên má nó đôi lúm đồng tiền cứ hoáy sâu mãi xuống trông rất ngộ. 

 

KHÚC 2

 

CHO DÊ ĐI HỌC

1.

- Thằng này rày hư lắm rồi, cứ  nhong nhong chư chó hoang suốt. Giòn chân lắm. Cuối tháng này tao cho đi học.-  Mẹ nghiêm mặt nhìn tôi và nói như vậy. Ô, tưởng gì chứ đi học thì tuyệt. Vậy mà mẹ nói ba tiếng CHO ĐI HỌC như là doạ tôi.

- Đúng rồi. Cho nó đi học để các thầy cô giáo rèn cho nó. Mà cũng còn bé bỏng gì nữa. Đến tuổi rồi… - Bố tôi thêm vào và cũng bằng cái giọng như doạ.

Rèn nghĩa là gì nhỉ. PHẾT VÀO MÔNG chăng?  Có lẽ vậy, bởi ánh mắt của bố nhìn tôi như thể  sắp rút roi ra.

- Khoan hẵng, để năm nữa cho nó cứng cáp lên đã. Nó còn dại thế này mà bắt nó đi học sớm là dễ bị MỤ đi đấy! – Bà tôi can thiệp vào và ôm lấy tôi. Tôi quẫy ra.

Không, tôi muốn đi học cơ!

- Cháu đi đâu đấy? – Người ta sẽ hỏi tôi.

- CHÁU ĐI HỌC! – Đấy, tôi sẽ đáp lại thế. Rõ thật OÁCH!

 

2.

Mẹ may cho tôi một bộ quần áo mới “kính coong”. Quần xanh , áo trắng! Đẹp tuyệt. Ngay hôm mới mang về, nét phấn của ông thợ may trọc đầu phố chợ còn hằn trên mặt vải, mẹ đã cho tôi mặc thử.

- Trời đất! Quần áo gì mà như cái váy ấy thế? – Bà tôi kêu lên.

Mẹ tôi tặc lưỡi: May hòng lớn mà lị. Tôi lúng túng. Quần xanh, áo trắng, oách! Nhưng mà khó đi lại quá. Tôi bước thử. OẠCH. Tôi ngã. Mẹ tôi hét: Xắn cao ống quần lên chứ. Bố tôi hì hì cười, xắn quần lên cho tôi. Bây giờ thì bước dễ rồi. Nhưng còn áo? Tôi giơ thẳng hai tay ra trước mặt: Không nhìn thấy ngón tay đâu. “Xắn cả hai tay áo lên!”. Mẹ lại ra lệnh. Bố tôi lập tức làm theo. Tay tôi đây rồi. “Đi thử xem nào” Mẹ tôi bảo. Tôi đi. Tôi vung tay. Xoạt, xoạt. Hai ống quần đập vào nhau. Hai ống tay áo đập vào hai bên sườn. “Được rồi, cởi áo ra để tao lấy chỉ đính chắc vào đã!”

3.

Hết tháng.

Buổi sáng tôi bị đánh thức dậy sớm. “Dậy chuẩn bị đi học”. Mẹ bảo vậy và lôi tôi ra giếng, rửa mặt cho tôi thật kĩ và xới cho tôi một bát xôi gấc. “Ăn xôi gấc cho nó đỏ, học chóng được lên lớp!” Tôi không thích ăn xôi gấc lắm. Nhưng tôi rất thích hạt gấc. Hạt gấc có thể dùng để đánh đáo hoặc đập vỏ lấy hạt xuyên vào sợi dây thép đốt làm đuốc, rất cháy!

Thay quần áo cũ, mặc bộ mới vào. Vẫn bộ quần xanh áo trắng hôm nào. Nó vẫn rộng nhưng ngắn đi nhiều. Mẹ tôi đã lấy chỉ khâu đính hai ống quần lên, tạo thành hai cái đai dày cộp ở bên dưới. Hai tay áo không xắn nữa mà cài cúc. Ống tay áo dài trùm gập lại đè lên và che kín chỗ cài cúc ấy. Tôi giơ tay ra: Tay tôi sạch bong và đỏ ửng. Tôi thọc tay vào túi quần , banh ra: Chiếc quần rộng đến nỗi tôi có thể dang thẳng cánh giống như người dơi trong tranh và phải nghiêng hẳn người mới chấm được ngón tay xuống đáy túi bởi nó sâu xuống dưới đầu gối chân. Càng thích. Lừa lúc mẹ tôi chạy ra giếng lấy khăn mặt, tôi vơ tất  cả số hạt gấc cho vào túi quần. Tiếc quá, túi quần tôi vẫn còn dư chỗ cho cả hai quả gấc nằm vào nữa.

- Thôi nào, được chưa? – Bố tôi bên bác Tộ chạy về. Người ngoẹo đầu ngắm tôi và tắc  lưỡi: - Chà ra dáng lắm. Trông mày oách phết con ạ. Đeo luôn cặp vào tao ngắm tí.-  Bố tôi vớ chiếc cặp cói nhuộm xanh đỏ trên nóc tủ xuống và đích thân choàng  qua vai tôi: “ Ái  chà chà,ái chà chà…” Bố tôi lại tắc lưỡi. Tôi phổng mũi.

- Thôi,ông ra ngõ trước đi rồi quay về cho nó gặp. – Mẹ tôi vừa lau tay vừa nói.

Bố tát yêu vào má tôi rồi  xăng xái chạy đi. Mẹ tôi với theo:

- Nhớ nhìn xem có bà nào đi qua thì bảo họ đứng lùi lại tý đã nha!... – Rồi người thu vội mâm bát. – Cao! Những hạt gấc bỏ đây đâu?

Tôi giật nảy mình và giữ vội lấy túi quần. Mẹ tôi sấn đến, tay vuốt dọc từ hông tôi xuống đến đầu gối.

- A. Thằng này giỏi thật. Cái gì đây? Đét. Câm! Khóc, chết với tao. Chưa đi học đã tính chuyện nghịch.

Những  hạt gấc bị ném tung ra nhà. Mắt tôi nhoà đi.

- Câm!

Mẹ tôi giơ tay lên. Tôi quệt vội nước mắt. “Bốp!” Một cái tát .Tay tôi bị giật mạnh. “Tay áo mới thế đã lại giây ngay nước mắt vào” Tôi loạng choạng. Tôi vấp vào cái nồi. Choang! Tôi nhảy vội ra. Xoảng, xoảng. Tôi ngã quay lơ vào chính mâm cơm bố mẹ tôi chưa kịp ăn, mới tạm thu lại.Bát nước canh đổ toé lên người, tôi tối tăm mặt mũi.
- Giời ơi là giời, con ơi con là con, mày … giết… tao!

Mẹ tôi tru tréo. Tôi bị nhấc bổng lên. Uỵch! Tôi bị ném lên giường. Tôi vội chồm ngay dậy, run cầm cập: Con lạy mẹ! Con chừa rồi, con…

- Lại làm sao thế, hả? – Tiếng bố tôi cùng tiếng bước chân chạy uỳnh uỵch.

Bố tôi đây rồi. Con lạy bố. Con… - Tôi cuống lên, lùi mãi vào góc giường. Bố tôi đứng sững giữa nhà, nhìn quanh, nhìn mâm cơm đổ tung toé, nhìn mẹ tôi đã lăm lăm cái roi. Và bố  đến bên tôi:

- Con ngã vào mâm hả… Ừ , thôi. Ra đây bố xem nào. Khổ , ướt bẩn hết quần áo mới rồi…

Tôi oà khóc. Những lời dịu dàng ấy, bàn tay đưa ra đón tôi không có vẻ gì muốn đánh ấy, làm tôi oà khóc. Tôi lồm cồm bò ra.

- Ngồi im đấy! Không học hành gì nữa. – Mẹ tôi quát.

Tôi rụt vội, lùi lại.

- Gớm! Làm gì mà như “La sát” ấy vậy nào! Dọn các thứ lại! – Bố gắt mẹ và lại giơ tay ra cho tôi. Bố bế tôi ra giếng, cởi bỏ bộ quần áo mới: Bố mày, giờ thì lấy quần áo đâu mà diện nào. Thôi, mặc lại bộ cũ, tạm vậy đã nhé. Nín. Vâng, con nín ngay đây bố ạ. Con có muốn khóc đâu. Nước mắt cứ tự nó chảy ra đấy chứ”. Tôi vịn vào vai bố để bố mặc quần  cho tôi: chiếc quần cũ. Mặc áo cho tôi: chiếc áo cũ.

- Anh Cao ơi, đi chưa? – Tiếng cái Tâm.

- Ơi, đợi anh tý . Anh xong rồi đây.- Bố đáp thay cho tôi và lại khoác cặp cho tôi: -Nào, bố con ta đi.

- Cái Tâm đi sau, đừng có nhong nhóng chạy lên trước như vậy!- Mẹ tôi quát vọng ra từ trong nhà. Cái Tâm lùi vội lại. Nó vẫn mặc chiếc áo xanh có bông hoa đỏ và con bướm trắng hôm nào. Sáng nay mẹ nó vẫn phải ra chợ sớm nên nhờ tôi gọi nó cùng đi.
Tôi đi trước. Bố đi giữa. Cái Tâm len lén theo sau. Con Đốm thì cứ như cuống lên, hết vọt tít lên trước một đoạn xa rồi lại cắm đầu chạy về, ư ử quấn lấy tôi và cái Tâm.Có lẽ nó cũng biết rằng hôm nay chúng tôi ĐI HỌC ?

Mặt trời đã lên cao. Đường làng mịn cát. Trên ngọn cây phi lao một con chích choè đang hót. Lũ cào cào rũ cánh xoè xoè trong đám cỏ may ven đường. Tôi cố ôm chiếc cặp cói thật chặt và ngẩng cao đầu lên.

TRƯỜNG kia rồi!

 

4.

Đó là một ngôi trường cũ kĩ với những bức tường bao xung quanh cao quá đầu người, trên có cắm mảnh chai. Bố tôi bảo trước đây nó là khu nhà của một ông chánh tổng nào đấy, bị tịch thu làm trụ sở uỷ ban xã, rồi sau chuyển thành lớp bình dân học vụ và cuối cùng sau một số tu sửa, mở rộng và xây dựng thêm, nó thành trường học của bọn tôi. Có sáu cái nhà cả thảy. Bốn nhà dùng làm lớp học, một nhà làm việc của thầy cô giáo và một nhà nữa vừa để làm bếp, vừa làm chuồng lợn.

Lớp học của tôi, mái lợp ngói,  ken đầy mạng nhện. Tường gạch xây dày. Có cửa sổ, không to lắm nhưng cũng đủ để nhìn ra bên ngoài. Ngồi canh cửa sổ có thể nhìn thấy một vườn rau, có thể đón những cơn gió và cả những con ong bay lạc vào.

Bàn học chả biết bằng gỗ gì, xám xịt ,đầy vết dao rạch và vết mực. Bàn nào cũng thế. Bàn của tôi ngồi có một vết mực tím đổ trông rất giống một người cao gầy, chỉ có đầu và hai chân,không có bụng. Tôi còn đang ngắm thằng người thì bị một thằng đẩy vào vai: Đây là chỗ của tao CŨ . Tôi không hiểu CŨ là thế  nào. Nó giải thích cho tôi biết rằng nó bị ĐÚP! “Năm ngoái tao ĐÃ TỪNG ngồi học ở đây.” Nó nói tất cả những điều ấy với tôi bằng một giọng RẤT RA VẺ. Tôi cảm thấy phục nó. Tôi định bỏ sang bàn khác nhưng nó giữ tôi lại.

- Mày đưa cho tao cái gì, tao cho ngồi chỗ này.

Tôi thích quá ,thọc tay vào túi. Túi rỗng không. Tôi mở cặp đưa cho nó cái bút của tôi. Nó bĩu môi: “Bút thì làm cái gì, tao chỉ ĐÂM XUỐNG BÀN một cái là oằn ngòi ngay!” A, tôi có con dao nhíp. Tôi chìa con dao cho nó. Nó mở lưỡi dao vạch thử xuống bàn xem có sắc không rồi đút vào túi, ngồi dịch sang bên. Tôi đút cặp vào ngăn bàn, lấy lọ mực ra và đổ một tí lên hình người bằng mực cũ rồi lấy ngón tay di di. Thằng người giờ đã có bụng!

 

5.

- Tên mày là gì? – Thằng bé đổi chỗ cho tôi hỏi.

- Tao tên là Cao!- Tôi đáp.

- Còn tao là Dề. – Nó nói và cho hai ngón tay vào miệng bành ra, mắt trợn ngược. Tôi hơi sợ. Nó cười : - Mẹ tao gọi tao là “Trư Bát Giới”. Mày biết Trư Bát Giới là ai không?
Tôi lắc đầu.

- Các em trật tự!

Ô,thầy giáo đã vào lớp tự bao giờ. Thầy gõ thước kẻ lên bàn. Chúng tôi đang ồn ào vội nín bặt. “Thầy giáo cũ của tao đấy” – Thằng Dề thản nhiên đút hai tay xuống bên dưới đùi, chân đung đưa, nói. Tôi càng phục nó. Tôi ngắm thầy giáo. Đó là một người đã già, không có râu, đeo kính trắng, gầy và hay khịt mũi.

- Năm vỡ lòng này, khịt khịt, thầy sẽ dạy các em, khịt.Bây giờ thầy, khịt khịt, gọi tên các em, khịt. Đến tên em nào,  em ấy, khịt, đứng lên nghe chưa. Bắt đầu, khịt!

Nghĩa, Bảo, Toản,  Bích,  Quyết, Túc, Tâm…. A, hoá ra cũng có nhiều đứa quen.

- Cao!

- Thưa thầy em đây ạ! – Tôi vội đứng lên.

- Ngoan lắm, tiếp tục: Dề! – Thầy giáo gọi.

- ĐÂY! – Thằng Dề đứng bật dậy hô to.

- Không được trả lời trống không “Đây” như thế. Khịt ,trả lời lại!

Thầy gỡ kính ra. Mắt thầy trông bé hẳn lại, nhưng nghiêm. Thằng Dề vội khoanh tay lại:
- Thưa thầy giáo, em đây aaạ!

Nó kéo thật dài tiếng ra và cúi gập người xuống. Thầy giáo lườm nó một cái rồi lại đeo kính vào, gọi tiếp.

Có ba mươi chín đứa cả thảy.

Tên thầy giáo là Hội. Thầy người xóm trên.

- Ông này hay đánh lắm. – Thằng Dề huých cùi tay vào sườn tôi, cằm hất về phía thầy giáo. Cả cái điệu hất cằm ấy cũng làm tôi mê. Đợi lúc nó quay sang thằng bên cạnh, tôi bắt chước nó hất cằm một cái.

- Cao! Em làm gì đấy?- Tiếng thầy giáo.

Tôi hoảng quá rụt cổ lại, cúi xuống giấu mặt sau lưng thằng Toản ngồi bàn trước.

- Từ nay tôi sẽ dạy các em học chữ, khịt. Trong lớp các em phải chịu khó nghe giảng, khịt. Về nhà phải ôn bài, tập viết, khịt. Em nào học giỏi, chăm ngoan, tôi sẽ, khịt, cho điểm cao, cho giấy khen. Em nào lười, khịt, hay nói chuyện, hay nghịch trong lớp, khịt ,về nhà không chịu ôn bài, khịt ,đến lớp tôi hỏi không nhớ bài sẽ bị phạt, khịt, khịt, nhớ chưa?

- NHỚ Ạ!

Cả lớp ngồi im, có mỗi thằng Dề hét lên thật to. Nhiều đứa cười. Thầy Hội dứ cái thước về phía chúng tôi:

- Dề, liệu cái thần hồn, khịt!

 

6.

Giờ ra chơi.

Chúng tôi ùa ra khỏi lớp như bầy chim sổ lồng. Chúng tôi đi tìm bạn. Thằng Túc dựa lưng vào chiếc cột ngoài hiên bóc kẹo nhai. Khi thấy tôi đến gần nó quay mặt đi.

- Cao ơi, lại đây! – Thằng Quyết gọi tôi. Hai tay nó đút trong túi áo, chân giạng ra. Một toán những thằng xóm tôi đứng cạnh nó. Cách đấy mấy bước là những đứa lạ, có lẽ chúng nó ở xóm trên. Thằng Dề đứng đầu bọn ấy.

- Mày có dám CHƠI NHAU với thằng kia không?

Thằng Quyết chỉ tay vào thằng Dề hỏi tôi.Tôi hơi ngạc nhiên. Mắt tôi và mắt thằng Dề gặp nhau. Thằng Dề lại bành mồm, trợn mắt lên : Ngào, ngào, ngào…Tôi không thấy sợ cái kiểu ấy nữa. Nhưng tôi vẫn thấy ngại. Người nó thấp lùn, chắc nịch, da đen trũi, tóc húi cua. Hơn nữa, nó lại đã từng ĐÚP!

- Nó ngồi cạnh tao đấy! – Tôi bảo thằng Quyết.

- Mày sợ nó chứ gì?- Thằng Quyết hỏi lại, mắt nhìn tôi vẻ khinh bỉ.

Tôi tự ái:

- Sợ đếch gì!

- Thế thì “chơi” đi! – Thằng Quyết đẩy vai tôi.

Tôi miễn cưỡng bước lên phía trước. Thằng Dề thôi không làm bộ “ngáo ộp” nữa. Nó bành rộng cạp quần chun ra nhét áo vào và giao hẹn: Không được mách thầy giáo,không được khóc! “Được!” Thằng Quyết tiến lên đứng giữa hai chúng tôi. Tôi hiểu nó sẽ làm “trọng tài” : Bên nào thua thì phải chịu làm quân, không được đòi làm chỉ huy nữa, đồng ý không? Đồng ý! Bắt đầu đi! Thằng Quyết hô : Một, hai,  ba!

- Xông lên đi. Đấm đi. Ôm nó mà vật, ôm chân ấy!

Hai bên hò hét. Tôi vẫn lưỡng lự. Nhưng thằng Dề đã xông đến. Nó đấm một cái. Tôi nhảy giật lùi, tránh được “Ê, thằng Cao lui rồi, lui là thua!” bọn bên kia hét lên. “Quân tôi” cũng không chịu kém : ĐÁ đi.CHƠI mạnh đi. Cao ơi,ĐẤM VÀO MẶT nó ấy! Tôi xông tới. Uỵch. Người bị “đấm vào mặt” không phải là thằng Dề mà là tôi. Mắt tôi nảy đom đóm. Tôi điên lên, vung tay loạn xạ. Tôi đấm lung tung, không phải là vào thằng Dề, mà là vào những tiếng hò hét. Tay tôi chạm phải một đứa nào đó. Vai tôi bị ẩy mạnh. Tôi lao người và ôm được trúng thằng Dề. Tôi ghì chặt lấy nó và cùng với nó ngã lăn quay xuống sân. Tôi bị thúc mạnh vào bụng. Cú thúc làm tôi đau quá và bật khóc!

- Dừng ngay lại. Ai cho đánh nhau thế này hả. khịt, khịt!- Có tiếng quát lớn.

- Chạy đi chúng mày ơi, thầy giáo đấy. – Tiếng đứa nào hét to. Tiếng chân chạy hỗn loạn. Tôi không bị đè nữa. Thằng Dề đã bỏ chạy.

- Đứng lên.Làm sao đánh nhau? Khịt!

Tai tôi bị xách ngược lên. Tôi hoảng quá, khóc thật to.

- Không phải tại em. Hu hu. Thằng Dề nó đánh em trước chứ. Hu hu hu…

 

7.

- Quyết ơi, đợi tao về với!

- …

- Quyết ơi!

- Cút đi. Đồ hèn!

- Ơ…?

- Ơ cái gì? Tại sao mày khóc? Tại sao mày mách thầy giáo để thầy phạt thằng Dề?

- Tao mách thằng Dề chứ có mách mày đâu?

- Mày đã thề là không khóc, không mách thầy kia mà?

- Nhưng … tao đau quá.

- Đau cũng phải chịu. Đã thề là phải giữ lời. Lần sau còn thế chúng tao không chơi với mày nữa.

- Ừ … tao thề.

Và đây là bài học đầu tiên của tôi: ĐÃ THỀ THÌ PHẢI GIỮ LỜI!

 

8.

Chúng tôi bắt đầu được học chữ.

Thầy giáo bảo có hai mươi bốn chữ cái. Phải học nhận mặt chữ. Phải phân biệt được đâu là chữ  e, đâu là l, chữ  a và chữ d. Ngày đầu học mấy chữ a, b, c thì tôi thích. Nhưng học thêm mấy chữ nữa thì bắt đầu lẫn lộn. Tôi không hiểu tại sao chỉ cần kéo dài thêm hoặc viết ngắn đi một tý, chữ nọ đã biến thành chữ kia. Và khổ nhất là những giờ tập viết. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng ngòi bút vẫn không chịu theo sự điều khiển của tôi. Thầy giáo liên tục nhắc:

- Cao, sao lại méo mồm đi thế kia?

- Cao, ngồi thẳng lên.

- Cao, muốn cận thị à, ngẩng đầu lên!

- Cao, chấm bút vào lọ mực xong phải gạt bớt vào miệng lọ đã. Em làm rơi cả mực ra vở rồi…

Cao. Cao… Cao, không được thế này. Cao, không được thế kia. Tôi run lên. Tôi mắm môi lại ấn ngòi bút. Ngòi bút cắm chặt vào vở. Tôi cố đẩy nó đi. Ngòi bút sắt cào thành một đường trên mặt giấy, chệch ra ngoài. Tay tôi gạt phải lọ mực.

- Choang!

- Cao, đứng dậy! Lại vừa viết vừa nghịch phải không. Em bị phạt. Lên bảng, đứng quay mặt vào tường.

Đứng quay mặt vào tường.

Lúc đầu thì sợ. Không chỉ là sợ, cả xấu hổ nữa.

- Ê,lêu lêu, anh Cao bị phạt! – Cái Tâm ngoáy ngoáy ngón tay bé tí xíu của nó trước mặt tôi.

Tôi giơ nắm đấm ra, nó rụt vội tay lại.

Đứng quay mặt vào tường.

Dần thì tôi thấy thú. Chân tôi không mỏi mấy. Ở nhà thỉnh thoảng tôi vẫn bị mẹ bắt đứng như vậy. Tôi nhìn bức tường. Trước mặt tôi có một cái lỗ. Hình như ai đã đóng vào đó một cái đinh to rồi lại nhổ đi. Miệng lỗ có tí mạng nhện. Có mấy con bọ, không biết bọ gì, bé xíu, cứ hết bò vào lại bò ra khỏi cái lỗ đó. Tôi rình cơ hội để lấy móng tay đè chết một con.

- Cao, bỏ tay xuống, khịt!

Tôi bỏ tay xuống. Những con bọ vẫn bò ra bò vào. Chán thật. Tôi rời mắt khỏi chúng để nhìn xuống chân. Dưới chân tôi, sát mép tường có một đàn kiến đen đang tha trứng. Bà tôi bảo, kiến tha trứng chuyển tổ là trời sắp mưa. Ôi,  ước gì trời mưa, mưa thật to, mưa đến không thể đi học được. Tôi nhìn ra ngoài. Trời vẫn nắng. Có thể lũ kiến này “chập mạch!” . Một con cuốn chiếu leo dọc tường bò lên. Chà, giá mà tôi cũng có nhiều chân như nó. Tôi sẽ bò theo tường dựng đứng như nó mà không ngã. Nếu vậy bọn thằng Quyết, thằng Dề sẽ nhất định phục lăn, chả cần “chơi nhau” cũng được làm chỉ huy. Ôi, sao mà tôi thích làm CHỈ HUY đến thế?

Tan học.

Lũ bạn quây lấy tôi. Chúng nó nhìn tôi như nhìn một anh hùng.

- Mày đã đánh đổ lọ mực à?

- Không phải đánh đổ mà là tao đã NÉM VỠ nó!

- Chà… chà.

- Đúng, nó đã NÉM vỡ đấy! – Thằng Dề gật đầu xác định.

- Về nhà mày có bị làm sao không?

- Tao sẽ bị TẨN! Nhưng ĐẾCH SỢ!

- Để tao cho mày lọ mực của tao!

 

Nhà văn Văn Chinh: (báo Nông nghiệp Việt Nam 26/6/2001)

Không phải Thơ. Chất thơ chỉ phảng phất như hương đồng gió nội làm mềm lại cái gian khó nhọc nhằn ở một ngôi làng vùng chiêm trũng. Nó nâng câu chuyện của những đứa trẻ nghèo thành Khúc Đồng dao có thể của năm đã xa, có thể của hôm nay nhưng cũng có thể còn hát về lâu dài… Nhân vật chính xưng “ Tôi” hẳn phải có họ hàng gàn xa gì đó với tuổi thơ của tác giả. Dù sao thì nhà văn Kao Sơn cũng có kí ức phong phú, biết sử dụng kí ức nhuần nhị, lịch lãm nhưng vẫn giữ cho những nhân vật trẻ con của mình còn được hồn nhiên con trẻ, chưa bị chính trị hóa như nhân vật của những nhà văn đàn anh cứ tưởng rằng không có mình thì trẻ con hư hỏng cả. Quyển sách quả bõ công 15 năm gạch xóa, mỗi chữ mỗi chăm chút mà không bị tước bỏ những ba-via vốn là đặc trưng của ngôn ngữ văn xuôi. Văn Kao Sơn khỏe mà mềm mại, chan chứa cảm xúc nhưng không bị sến. Qua văn thấy ông thật yêu trẻ con!

… KĐDLL do “ Tôi” dẫn ta đến với số phận đứa trẻ từ lúc nó khóc chào đời, cho đến khi vì mưu sinh và cả bị hắt hủi, gia đình nó phải di cư, dứt nó khỏi tuổi thơ êm ái. Tuổi thơ nó trôi giữa tình yêu gia đình, cả tình yêu giới tính chưa rõ rệt nhưng thật da diết với cái Tâm hàng xóm. Tuổi thơ nó cũng trôi giữa nhiều biến cố của một làng quê nghèo, có tham ăn, có nghịch ngợm mò cua bắt dế, có tha thẩn bên lão Tác phiêu bạt với rất nhiều chuyện li kỳ rùng rợn, bị vợ con ghẻ lạnh sau khi lão trốn đi theo gái. Lão Tác rồi bà ngoại chết, đứa trẻ cho nhát dao vô hình: con nhà mõ lấy con bà quét chợ, phải theo bố mẹ lên Thái Nguyên, dời khỏi mối tình thơ ấu của mình. Nó  như cây bị bứng khỏi gốc, khỏi tuổi thơ một đi không trở lại. Câu chuyện kết thúc  ở đây, trong dư âm kèn đám như một ẩn dụ về tuổi thơ  ngọt ngào và lấm láp đã chết để tiếp cận với đắng cay, chua ngọt của đời người lớn, một dư vị bùi ngùi…

Trong văn xuôi Việt Nam hiếm có tác phẩm nào duy trì được một nhạc cảm như ở KĐDLL. Nó như dàn nhạc giao hưởng chơi bè trầm riêng tôn tiếng đàn bầu số phận nhân vật thánh thót và nức nở trong cảm nhận của người đọc… KĐDLL xứng đáng được nhận giải Nhất cuộc vận động sáng tác cho tiêí nhi của nhà xb Kim Đồng.

 

9.

Buổi tối.

- Nào, ông tướng. Ngồi vào bàn tập viết đi. Ghế đây. Lấy vở, bút mực ra. – Bố tôi ra lệnh.
- Thằng này uống mực đi hay sao ấy? Lọ mực mới pha cho hôm nào hôm nay đã hết. Béo nghịch lắm rồi. Hôm nào đi học về, quần áo cũng như người lôi ở dưới đất lên. Mai tao mặc cho mày quần áo mới. Hễ về BẨN THÌ CHẾT VỚI TAO! – Mẹ tôi đứng ngay sau lưng tôi.

-  Ngẩng cao đầu lên,mày cận à? – Bố  nắm tóc tôi kéo ngược ra sau.

- Xì,mày đang viết chữ a cơ mà. Chữ a không có CÁI CHUÔI cao lên như vậy. Đấy là chữ d. – Mẹ tôi ghé nhìn vào vở của tôi, vừa xỉa răng vừa nói.

Tôi rất muốn quay nhìn xem mẹ gảy tăm thế nào mà nghe giòn đến vậy, nhưng không dám.
- Tách, tờ rờ tách tách! NGU! Đã bảo chữ a không có cái chuôi!

- Thằng này không kèm cặp ngay từ đầu rồi là hỏng. Đưa tay đây! – Bố tôi nắm lấy tay tôi – Đưa lên. Đưa xuống. Hất ra một tí. Một tí thôi mà, thế nào là một tí? Mềm tay ra nào. Mày đang cầm bút hay cầm dao đấy. Ơ, chặt vào một tí chứ. Mày có tay hay không thế?

Chà, mềm tay ra, chặt tay vào. Tôi có tay hay không ư? CÓ! Nhưng bố nắm tay con chặt quá bố ạ. Cả cái mùi thuốc lào ở người bố nữa. Kinh quá. Y như mùi ở người thầy giáo Hội.

- Đấy, viết như thế. Bây giờ thì tự viết đi tao xem. – Bố buông tay tôi ra. Chiếc bút rơi xuống quyển vở, mực bắn ra. – Bốp! A, thằng này giỏi. Tao bảo mày viết đi chứ  bảo mày vứt bút đi đấy à?

Tôi bị tát, bị quát. Tôi rất muốn NẮM ngay lấy cái bút, nhưng ngón tay tôi vẫn còn đang tê dại. Cái bút nhấc lên, lại rơi.

- Chà, đồ ăn hại. Cầm cái bút cũng không nổi thì còn nói chuyện học hành gì cơ chứ! Thôi, mai thì nghỉ ở nhà mà đi chơi, đốt sách bút đi con ạ. Rồi mẹ kiếm cho con đôi quang gánh với cặp que. Ngữ mày thì chỉ làm được CÒ KÈ thôi.

Cò kè hót cứt bờ sông

Để chó ăn mất, thương ông cò kè!”

Bọn chúng tôi thường ngày vẫn chạy theo hát trêu mấy ông đi lấy phân vậy. Ngày mai tôi sẽ thành cò kè?! Tôi oà khóc.

 

10.

Hoá ra mẹ chỉ doạ vậy.

Tôi vẫn phải đi học. Thầy giáo dạy chúng tôi tập đếm. Thầy rút từ trong túi quần ra từng cái que và GỌI CHÚNG là: Một, hai, ba… chúng tôi biết đếm rất nhanh.

- Cao, mấy que đây? Khịt!

- Ba ạ.

- Giỏi. Quyết, đây mấy que?

- Tám… à quên, chín ạ!

- Giỏi. Tâm nào? Đây là mấy?

- Một, hai, ba… thưa thầy, mười ạ!

- Giỏi, khịt, giỏi lắm!

Tất cả  chúng tôi đều được khen giỏi. Đứa nào đứa nấy phổng mũi. Chỉ riêng có thằng Hoà là bị thầy chê dốt. Đáng lẽ phải trả lời là có BỐN cái que thì nó lại lung tung: Năm, à bảy… à sáu! Nó bị bệnh thối tai. Người ta xếp cho nó ngồi riêng một bàn ở cuối lớp. Chúng tôi không muốn chơi với nó, sợ  LÂY! Làm bạn với nó thường chỉ những con ruồi bay vo ve quanh đầu. Mắt nó trông lúc nào cũng buồn. Trong lớp có lẽ nó mải đuổi ruồi hơn là nghe thầy giảng.

Thằng Hoà ghét ruồi.Chắc thế. Nhưng tôi thì tôi thích. Ở lớp, tôi bôi dỉ mũi vào móng tay nhử cho con ruồi đến đậu rồi tóm lấy chúng, vặt cánh đem lén bỏ vào lọ mực của bọn con gái. Mực có ruồi chết trong ấy thì chóng thối. Có lẽ tôi thích mùi mực thối? Tôi cũng thích bất cứ con gì bay vào lớp. Có lần trong giờ toán có một con ong bay vào. Nó vo vo và loang loáng như một nét vẽ bằng tia nắng. Bọn con gái kêu rú lên sợ bị đốt. Giá như nó đốt một đứa nào! Nhưng không, nó bay vòng vèo có một tí rồi bay ra. Chắc nó không thích trò đếm que?

Một lần khác, một con bọ hung bay vào. Có lẽ nó ngửi thấy mùi mực thối? Thằng Dề phát hiện ra nó đầu tiên và kêu lên: “Bắt lấy”. Và thế là không tài nào giữ được trật tự nữa. Chúng tôi huơ tay lên chộp. Chúng tôi nhảy lên ghế, đứng lên bàn. Chúng tôi vơ tất cả mọi thứ : sách, vở, mực, bút, guốc dép… để ném theo con bọ hung kia. Thầy Hội ra sức đập bàn, ra sức hét. Nhưng chúng tôi hét to hơn thầy. Ông hiệu trưởng nghe tiếng ồn chạy xuống và kết quả là tất cả chúng tôi bị phạt ngồi lại lớp một tiếng để nghe đích thân ông hiệu trưởng quở trách. Bọn con gái sợ, có đứa thút thít khóc, còn tôi thì đã quen nghe chửi? Tôi sẽ không bận tâm lắm nếu không nhìn thấy thầy Hội lúc đó. Thầy đứng cúi gằm mặt trước thầy hiệu trưởng, điệu bộ thảm hại, hết đeo kính vào lại gỡ ra. Cuối cùng thầy nói lời xin lỗi thay chúng tôi và im lặng ra khỏi lớp. Thầy có vẻ rất buồn…

Chúng tôi ngồi im. Lần đầu tiên trong đời đi học chúng tôi ngồi im khi đã hết giờ học và thầy đã ra khỏi lớp. Có một cái gì đó đã làm cho chúng tôi không thể  ngẩng mặt lên, không thể ríu rít ùa ra khỏi lớp như mọi lần. Cái gì vậy?

 

11.

Sau một thời gian dài đến trường, lực học của tôi đã dần khá lên, tôi đã được khen về viết chính tả và tập đọc. Chính tả – Đấy là công của bố tôi. Bố đã LUYỆN GÂN CỐT  cho tôi. Còn tập đọc thì hẳn là công của tôi. Tôi thích đọc. Ở trong sách có in nhiều chuyện cổ tích, có chuyện về bà Còng đi chợ, chuyện cái tôm cái tép, chuyện con cò đi ăn đêm đậu phải cành mềm như lời mẹ ru tôi hồi bé tí. Tôi NGỐN những câu chuyện ấy và đã tốn hết mấy chiếc bút chì xanh đỏ để  tô lên những hình vẽ trong sách. Bà tôi khen tôi có khiếu vẽ.

Nhưng còn môn học tính ? Từ khi lên lớp một tôi phải học tính. Đó vẫn là nỗi sợ hãi của tôi. Thầy giáo bảo tôi kém. Bố tôi bảo tôi dốt. Còn mẹ thì có vẻ văn hoa hơn: NGU NHƯ BÒ.

Cứ mỗi lần đến giờ học tính là tôi lại như bị kiến đốt. Thầy giáo viết con số lên bảng. Thầy sẽ hỏi ĐÁP SỐ. Tôi cuống lên. Tôi cúi mặt nhìn xuống bàn. Tôi ngồi dịch để có thể  núp sau lưng thằng Toản. Nhưng …

- Cao!

Thế là hết đời. Tôi vịn mép bàn. Tôi khép chặt hai đùi lại để hai chân tôi chúng có thể tựa vào nhau cho đỡ run. Nhưng không ăn thua. Tôi vẫn run. RUN NHƯ CẦY SẤY.

Ở nhà cũng chẳng hơn gì. Bố trực tiếp ra toán cho tôi: Mẹ mày cho mày hai quả na. Tao cho mày ba quả nữa. Mày mới ăn đi có một quả vậy mày còn mấy quả na?

Đầu đề thích thật. Na,chà, sao mà tôi thích na đến thế. Nhà tôi có một cây na. Có lần tôi vớ được một quả chín cây. Tôi lấy cùi dìa ra, cứ để  nó bám trên cành vậy mà chòi lấy hết ruột để ăn. Ăn xong tôi lấy que cào cào vào mặt trong vỏ. Bố tôi nhìn những mảnh vỏ ấy và bảo: Hoài của, quả na to thế mà để chào mào ăn mất.

- Sao, còn mấy quả? – Bố hỏi lại.

Tôi giật mình. Mẹ cho hai, bố cho ba, ăn đi một, bốn. CÒN BỐN QUẢ. Tôi khoái quá, vừa trả lời vừa nuốt nước bọt, kể ra nếu được ăn hết nhẵn ngay thì vẫn hơn. Tôi rất ghét để dành.

- Ừ, thế hai cộng ba trừ một bằng mấy? – Bố nhìn tôi,hi vọng.

Tôi tịt ngóp. Hai CỘNG ba, con số 2 cộng con số 3. Rồi lại phép TRỪ nữa. Tôi cố nghĩ – làm ra vẻ cố nghĩ- nhưng không được. Cuối cùng tôi trả lời liều:

- Bảy!

- Bảy là thế nào?

- A… sáu ạ!

- Sáu? – Bố tôi diễu cợt: - Mày đẻ ra được hai quả nữa hay sao mà lại còn sáu?

Ô, thế thì bao nhiêu? Tôi cuống lên: Ba ạ!

- Sao chỉ còn có ba? Mày ăn vụng đi mất một quả à? – Bố cáu và cầm lấy cán quạt. Thôi chết! Hẳn là bố đã biết tôi ăn trộm quả na hồi nào rồi.

 
12.

Bố tôi đã PHẾT VÀO MÔNG tôi. Thầy Hội đã GÕ thước kẻ lên ngón tay tôi. Nhưng cái cán quạt và thước kẻ không làm cho tôi giỏi lên được mà chỉ làm cho tôi thêm mù tịt. Và điều này đã xảy ra: cứ đến giờ toán là tôi mót đi giải. Không hiểu sao vậy. Có lần bị gọi lên bảng làm toán tôi đã “QUẤN RA ĐÀI”. Thầy Hội khịt mũi liên tục, nhổ nước bọt và đuổi tôi ra khỏi lớp. Tôi ra phía hồi lớp bên ngoài đứng. Ở đây thích thật. Gió rất mát. Nhưng tôi không đứng chỗ bóng râm mà chọn chỗ nắng, đứng chống tay xuống đất, chổng mông về phía mặt trời: Tôi phải phơi quần. Nếu tôi trở về nhà với chiếc quần bị ướt thì chắc mẹ tôi sẽ PHƠI lại nó bằng chiếc roi! Tôi không muốn thế.

- Cao ơi! – Tiếng thằng Dề. Nhưng tôi chỉ nhìn thấy một cái quần đùi đội trên hai cẳng chân đen nhẻm.

- Đi cưỡi ngựa đi?

À, cưỡi ngựa? Tôi đứng thẳng dậy.

- Mày cũng bị đuổi à?

- Ừ. Nhưng không phải tao dốt, mà là tao không muốn trả lời đúng… Học chán bỏ bà.

Chúng tôi men theo tường lớp, chạy tắt qua vườn rau và chui qua một bụi tre gai. Chúng tôi phóng một mạch. Nghĩa địa đây rồi. Ở góc đằng kia có những cây dứa già đã bị cắt hết lá đang cong lưng chờ đợi. Chúng tôi leo lên, mỗi đứa một cây.

- Hê hê hê… - Thằng Dề khoái trá hét, nó ra sức nhún. Tôi cũng không chịu kém. Tôi chúi về trước, ngửa ra sau “con ngựa” phi mỗi lúc một mạnh. Tôi giơ tay lên. GIƠ KIẾM LÊN.

- Xung pho… ong


13.

- Cô ơi, thằng Cao hôm nay bị điểm một. Nó không trả lời được lại còn ĐÁI RA QUẦN. Thầy giáo ĐUỔI, không cho học. Nó dốt quá, không bằng một tí của cháu, cháu được mười cơ.

- Giời ơi là giời, con với cái, học thế… Cao! Thằng Cao đâu, đem roi, đem đít về đây!

 
14.

- Túc ơi, ra chúng tao cho xem cái này! – Thằng Quyết gọi to.

Tôi và thằng Dề nắm chặt tay nhau cùng nín thở chờ. Im lặng. Thằng Quyết lại gọi một lần nữa. Lát sau, thằng Túc ra. Thấy chúng tôi, nó đề phòng đứng cách một quãng.
- Đừng sợ, chúng tao không đánh đâu. Cho mày xem cái này. – Thằng Quyết giở cái giấy bóng con  con ra.

- Cái gì đấy? – Thằng Túc vẫn không chịu lại gần.

- CAO HỔ CỐT! – Thằng Dề vội nói.

- Tao xem nào. – Thằng Túc sán lại. Mắt nó nhìn có vẻ nghi ngờ: - Chúng mày nói phét!
- Tao mà lại thèm… Người ta biếu bố tao đấy.

Thằng Dề lại chen vào và huých thằng Quyết:

- Thôi cất đi, chốc nữa chúng mình chén. Chén cao hổ cốt thì béo lắm, lại khoẻ nữa. Đánh nhau thằng nào cũng thua.

Thằng Túc giữ vội lấy tay thằng Quyết:

- Chúng mày đổi cho tao đi.

- Xì, đổi cho mày à? Nhà mày thì thiếu gì cao hổ cốt? Lần trước mày khoe bố mày được người ta biếu cả một gói bằng bắp chân là gì?

- Ừ…  có mà bố tao không cho tao ăn. – Thằng Túc lúng túng nuốt nước bọt. Mắt nó hau háu nhìn  gói “cao” trong tay thằng Quyết. Thằng Quyết có vẻ đắn đo: Vậy mày định đổi cho chúng tao cái gì?

- Một gói kẹo nhá.

- Ui giời. Một gói kẹo mà đòi đổi cao hổ cốt?

- Thì thêm một gói bánh bích quy nữa… Nhưng, ăn luôn được chứ? Mày chắc ăn vào sẽ khoẻ, đánh nhau thằng nào cũng thua tao chứ?

- Ừ, ăn ngay được. Không tin, chúng tao đứng đây cho mày ăn. Không khoẻ chúng tao không lấy bánh kẹo của mày.

- Được, đưa đây. – Thằng Túc chìa tay ra. Thằng Quyết tự tay bóc gói. Trong gói là một thứ  đen đen, quanh quánh.

- Há mồm ra để tao đút cho. Nhai ngay, không ngửi. Ngửi là nó bay hết hơi bổ đi đấy.
Thằng Quyết ra lệnh,thằng Túc làm theo, vội vàng đớp lấy miếng “cao” nhai ngấu nghiến. A … Á… Bỗng nó kêu toáng lên, phun bọt, nhổ phì phì như nhai phải than bỏng. Chúng tôi ù té chạy:

- Cho mày chết, thằng mách lẻo ăn cứt gà sết.

 Chúng tôi vừa chạy, vừa reo.

 
15.

Bác Tộ đã đem chuyện thằng Túc bị ăn cứt gà sết sang từng nhà chúng tôi và ra trường. Kết quả là tôi, thằng Quyết, thằng Dề mỗi đứa bị một trận đòn và bị giam đứng trên bảng một buổi. Người ta gọi chúng tôi là QUÂN GIAN ÁC, BỌN VÔ GIÁO DỤC và NHỮNG KẺ LÀM LOẠN!

Nhưng cũng có người khen chúng tôi là RANH, “tí tuổi mà RANH”. Nhiều người còn gật gù: Đáng đời nhà nó, rõ bố nào con nấy. Cứ thấy của là tối mắt lại, cho chết!

Ngay cả bố tôi, khi biết rõ chuyện vì sao chúng tôi cho thằng Túc ăn cứt gà sết ông cũng đã cười. Tôi biết bố cũng chẳng ưa gì bác Tộ. Một lần tôi ra uỷ ban, thực lòng chỉ cốt được ngồi chơi với bố. Nhưng không may cho tôi bữa ấy uỷ ban  có khách nên bố tôi phải tít mù lo chuyện cơm nước. Bố lấy cho tôi một cái ghế con bảo ngồi chơi chờ rồi lại mải miết nấu nướng, chặt thịt, xếp cỗ. Đúng lúc ấy bác Tộ từ phòng họp xuống. Nhìn thấy tôi, bác buông một câu:

- Có ba con gà, vị chi là sáu cái chân cả thảy, không được thiếu đâu đấy nhá!

Đang chặt thịt gà,bố tôi dừng phắt lại ngẩng lên: Ông nói thế là có ý gì, nói lại tôi nghe thử?

Giọng bố tôi rất lạ. Tôi giật mình nhìn bố. Thường ngày bố tôi rất hiền: Trong làng ngoài xóm chẳng bao giờ thấy bố to tiếng với ai. Ngay cả với tôi, mẹ có thể có lúc cáu giận đã đét đít tôi, nhưng bố thì chưa bao giờ. Bà tôi bảo bố tôi khí khái, giống tính ông nội. “Đói cho sạch, rách cho thơm ,trọng người chứ đừng trọng của, đừng luỵ người!”- Bố tôi thường nói vậy. Bố tôi thích uống rượu, mặc dù không nhiều, mỗi bữa thường chỉ một chén và chủ yếu là uống suông. Hạn hữu gặp hôm đắt hàng, bà tôi ở chợ về mới mua cho bố tôi vài thanh đậu phụ rán hoặc cái bánh đa vừng. Những lúc như vậy, bố tôi rất vui, thường bế tôi vào lòng, bẻ đút cho tôi từng mẩu bánh nhỏ và có khi cao hứng bố còn cho tôi nhắp thử cả một tý nước trắng cay xè trong cốc của ông nữa.

- Uống đi. Trai vô tửu như kì vô phong. Mày mà không biết uống rượu thì sau này về già bố mày biết “đánh dậm” ở đâu?

Ông nói, cười và khom lưng bò quanh chiếu làm trâu cho tôi cưỡi. Ở uỷ ban,nhiều hôm làm cơm đãi khách, thức ăn thừa mứa nhưng chẳng bao giờ tôi thấy bố mang về nhà thứ gì. Vậy mà bây giờ…

Mặt bố tôi đỏ bừng còn mắt thì như long lên nhìn thẳng vào bác Tộ. Bác Tộ có lẽ cũng đã thấy lỡ lời, vội cười giảng hoà:

- Tôi đùa thôi mà… Nhưng… Nói chung thì cũng không nên để thằng bé quanh quẩn ở đây. Đang có khách khứa, nhiều người ra vào, không tiện!

Nói rồi bác Tộ vội bỏ đi. Bố tôi nhìn theo, cằm bạnh ra và đột nhiên giơ dao thẳng tay chiếm một nhát mạnh xuống chiếc thớt làm nó vỡ làm hai mảnh. Kể từ đó tôi không ra bếp uỷ ban chơi nữa và đâm ghét bác Tộ.

Còn mẹ tôi, sau “vụ cứt gà sết”, mặc dù đã ĐÉT vào mông tôi, người vẫn còn dắt tôi sang tận nhà bác Tộ, bắt tôi khoanh tay xin lỗi bác và thằng Túc. Hai bố con nó hằm hằm nhìn tôi, không thèm nói. Mẹ tôi lo lắng: Mày làm tao mất mặt với người ta. Người ta là chức sắc của xã. Bố này còn đang phục dịch người ta. Không khéo người ta để ý thù hằn cho thì khổ bố khổ mẹ đấy con ạ.

Trong vẻ mặt của mẹ có gì đó làm tôi mủi lòng. Tôi thấy thương mẹ và ân hận. Nỗi ân hận giống như hôm vì chúng tôi mà thầy Hội bị thầy hiệu trưởng phê bình. Tôi hứa với mẹ sẽ không bao giờ gây chuyện nữa.

 

16.

Ham chơi,mải nghịch, hay nói chuyện riêng và chọc bạn trong lớp. Toán rất yếu…” Bố tôi đọc như đếm từng chữ trong cuốn sổ liên lạc mà trường đã gửi về cho gia đình học sinh. Cuối cùng, người đặt cuốn sổ xuống và nhìn tôi: “Thế là thế nào?”. Tôi nín thít. Ham cơi, mải nghịch. Đúng thế, cái chất của tôi nó vậy mà. “Chọc bạn trong lớp, xé mũ nấm vứt lên tóc bọn con gái hay bỏ ruồi vào lọ mực? Đúng cả. Nhưng còn toán rất yếu? Tôi thở dài. Biết trả lời bố thế nào đây. Quả thực tôi đã làm mọi cách để không YẾU TOÁN: Tôi đã nấp sau lưng bạn. Tôi đã tỏ ra nghênh ngáo, ra vẻ thuộc bài để thầy khỏi gọi. Tôi đã bấm ngón tay trỏ vào ngón giữa “bắt quyết” như lúc đi đêm sợ ma. Tôi đã niệm cả “ A di đà Phật” như bà tôi bảo để mong có được sự “phù hộ độ trì” của thần thánh nữa. Mắt tôi nhìn các con số, nhìn thước kẻ của thầy và lưỡi tôi cứng lại. Tôi biết mình sẽ bị ĐÁNH nếu trả lời sai. Tôi cố nghĩ, nhưng càng cố thì óc tôi càng đặc lại. “Óc này làm bằng đậu phụ” – Bố tôi bảo. Có lẽ thế. Toán viết làm trong vở thì tôi cũng “ nhúc nhắc” được tí chút. Khi không nhìn thầy giáo, đầu óc tôi có vẻ khá hơn. Cũng như khi tôi ở nhà: Bố  lôi quyển vở làm tính của tôi ra. Xoạt – Xoạt – Xoạt. Một. Xoạt. Hai. Xoạt,xoạt – lại một - - xoạt. A, được những sáu. Chắc bài này mày “cóp py?” Không, tự con làm đấy chứ! Tự mày? Thật không? Vậy mày lấy tờ giấy khác ra, tao đọc mày làm lại cho tao xem…Đấy, mày bảo tự mày, mà cũng chính bài ấy bây giờ thì mày lại không làm được. Thế là thế nào? THẾ LÀ THẾ NÀO? Tôi chịu không biết thế là thế nào. Nhưng rõ ràng là bài ấy tôi tự  làm lấy thật mà. TÔI THỀ!

- Đấy, ra trường dối cha, về nhà dối chú. Đời mày rồi chả ra gì đâu con ạ. Người ta muốn làm nên, thành ông nọ bà kia, để lớn lên thoát khỏi cái cảnh  “ nhọ đít ” như bố mẹ mày, thì phải học giỏi toán. Đằng này… Tao chẳng hiểu óc mày là óc gì nữa. Có óc không hay chỉ toàn bí ngô?

Đúng. Đời tôi sẽ chẳng ra gì. Tôi sẽ thành một đứa chả ra gì. Bởi tôi chỉ thích trốn học, thích lông nhông, thích đả nhau, và … chán môn học tính, cái môn dành cho những người giỏi giang và hẳn là RẤT RA GÌ!

- Mai tao mua về cho mày con trâu. Ngữ mày thì chỉ đi chăn trâu! – Mẹ tôi từ giường bên nói.

Ôi, lần trước mẹ bảo cho tôi đi làm cò kè. Bây giờ lại bảo cho đi chăn trâu. Làm cò kè tôi không thích, chứ chăn trâu thì tuyệt quá còn gì. Tôi có lần được đi chăn trâu với thằng Quyết. Chà, vậy là ngày mai tôi sẽ được như nó: cưỡi trâu phi, thả cho trâu ở vệ đê còn mình thì thả cửa nghịch: đánh khăng, đánh đáo ăn hạt gấc, đi đào lỗ chuột hoặc đi bắt bọn chim trả làm tổ ở các bờ ruộng. Và nhất là được nằm phơi rốn nhìn lên bầu trời mà mơ thấy mình thành kỵ sĩ. Cũng có thể kiếm lấy một quyển truyện nằm vắt chân chữ cgũ lên mà đọc. Thế đấy! Chăn trâu… Nhưng mà… liệu mẹ tôi có giữ lời không?
- Tao nói thật đấy! Từ nay trở đi, cứ tao thấy bị thêm điểm một nào nữa là dứt khoát tao bắt đi chăn trâu!

À. Thế thì được.

Tôi ở lớp chạy về, hớn hở đưa cho mẹ tôi xam trang vở có điểm MỘT to tướng và mới toanh, đỏ roi rói thầy vừa cho. Nhưng mà mẹ tôi không đi lấy trâu về mà rút từ chái nhà xuống chiếc roi quen thuộc:

- Vào giường nằm. Thế này thì quá lắm rồi. Mày không còn coi tao ra cái gì nữa. Con với cái. Nó lại còn tỏ vẻ vui mừng khi được điểm một nữa cơ chứ.

Véo. Véo …

 
17.

Bây giờ, những buổi học, những quyển vở, chiếc bút, lọ mực và cả thầy giáo nữa đều làm tôi phát ngấy. Tôi vẫn đi học sớm, nhưng không phải để vào lớp  sớm mà là để có thời gian lang thang đuổi theo đám cào cào trong vạt cỏ bông may. Tôi tóm lấy chúng, vặt cánh đi để rồi thích chí nhìn chúng vừa nhảy vừa ngã dúi dụi. Cái Tâm bảo nghịch thế là ác. Nhưng tôi thích ác. Tôi thích bắt những con đỉa no tròn bám lủng lẳng dưới bụng những con trâu vừa mới đằm ở ao làng lên, xuyên que lộn chúng ra và vùi vào đống phân ải. Tôi thích giật đuôi mèo và thích đá vào con Đốm. Cả mùi ẩm mốc trong xó lớp học cũng quyến rũ tôi. Tôi có thể lần mò ở đó lúc lâu để hái những bông nấm trắng xốp, xé vụn chúng ra và ném lên tóc bọn con gái. Thằng Dề tỏ ra rất khoái tôi. Bây giờ tôi với thằng Dề, thằng Quyết đã hợp thành một bộ ba “chí thiết”. Chơi với chúng nó tôi học được nhiều thứ mà ở trường, những giờ lên lớp thầy giáo không dạy. Thằng Dề trông vậy nhưng lặn rất giỏi. Nó bày cách cho tôi tập lặn trên cạn trước: Bịt mũi, nhúng đầu vào vại nước. Nó còn bắt chuồn chuồn cho cắn rốn để tôi sớm biết bơi. Và quả nhiên sau khi uống khá nhiều nước ao, tôi đã biết lặn, biết bơi. Thằng Quyết thì hình như chả phải tập gì cũng vẫn biết bơi. Nó có KHIẾU.

Một lần trong giờ  ra chơi, đá bóng một lúc, thấy nóng, thằng Dề rủ chúng tôi đi tắm. Chúng tôi chạy đi ngay. Từ lớp tôi, chui qua một bụi tre gai, qua một vườn mía là đến chân đê. Bên kia đê là sông. Ở bến sông ấy chả biết từ bao giờ ( bố tôi bảo từ  hồi chiến tranh chống Mỹ) có một con tàu chở khách bị bom  đánh hỏng. Người ta đã tháo đi nhiều thứ nhưng cái khung tàu thì vẫn còn đó. Và chúng tôi vẫn thường ra đấy, leo lên nóc cabin của nó mà từ đó “bông nhông” xuống làn nước mát rượi. Chúng tôi té nhau, bốc bùn ném nhau, thi xem đứa nào lặn lâu nhất. Và cuối cùng khi mắt đã đỏ như mắt cá chày thì chúng tôi kéo nhau lên bờ.

- Đừng về ngay. Phơi tóc cho khô đi đã kẻo thầy giáo biết đấy! – Thằng Quyết nhắc.

Cái thằng bao giờ cũng biết lo xa. Nó là quân sư của bọn tôi. Chúng tôi nghe theo, chọn chỗ nắng để đứng. Nhưng thầy Hội vẫn biết. Thầy bắt chúng tôi xếp thành hàng, gọi từng đứa một vào lớp. Khi chúng tôi đi qua, thầy xọc năm ngón tay vào đầu chúng tôi, nắm lấy đám tóc vẫn còn ẩm ấy, xô đi giật lại trước khi đẩy chúng tôi vào lớp. Thằng Dề tóc húi cua nên thầy không túm được tóc. Thầy túm lấy tai nó và xoắn. Khi vào đến chỗ ngồi tai nó vẫn còn đỏ. Cuối buổi học hôm ấy,có lẽ do nghịch nhiều, đằm nước nhiều, phơi nắng nhiều, có hai đứa trong bọn trốn ra sông tắm bị ốm ngay tại lớp. Mặt chúng nó đỏ phừng phừng còn người thì rúm lại. Thầy Hội sờ đầu, sờ trán chúng nó rồi hốt hoảng bỏ cả buổi dạy, hai tay bế cả hai đứa một mạch chạy thẳng ra trạm xá xã. Chúng tôi đứa cầm cặp cho người ốm, đứa cầm hộp phấn, tôi với thằng Dề mỗi đứa nhặt một chiếc dép của thầy lúc thầy vội tụt rơi ngay cửa lớp, cả lũ cắm đầu chạy theo thầy. Khi tôi đến được trạm xá, thầy Hội đã ngồi đó. Thầy thở hổn hển như cái bễ lò rèn của bác Bính phố chợ. Áo thầy ướt như thầy vừa ngã sông lên. Vẻ mặt thầy đầy lo âu. Cứ chốc chốc thầy lại chạy sang chỗ các y tá đang khám cho hai đứa rồi lại chạy về. Thầy gọi cả lũ chúng tôi lại để thầy đặt tay lên trán xem có đứa nào bị sốt nữa không.

- Thầy ơi, thầy đừng lo. Chúng con sẽ không mách thầy hiệu trưởng đâu. – tôi an ủi thầy.
Thầy kéo tôi vào lòng:

- Lần sau đừng kéo nhau đi nghịch dại vậy nữa con.

Thầy áp đầu tôi vào ngực thầy. Tim thầy đập thình thịch. Chao ơi, thầy Hội. Thầy đã đét thước kẻ lên tay chúng tôi. Thầy đã giật tóc, kéo tai chúng tôi. Vậy mà bây giờ… Tôi nép thêm vào lòng thầy. Mùi mồ hôi của thầy giống như của bố tôi. Thầy ơi…

 
18.

Và chính tôi cũng bị ốm.

Tan học, trời đang mưa. Thằng Quyết rủ tôi, hai đứa nhét cặp sách vào bên trong áo và PHI về. Chà. Khoái thật. Nước dưới chân bắn lên tung toé. Mưa quất thẳng vào mặt, rát rạt, còn sấm thì lồng lên đuổi theo và gầm thét ngay trên đầu.

- Giời ơi là giời, sao không đợi tạnh mưa rồi hẵng về. Quần áo ướt hết cả rồi. Cởi ra mau lên tao lau cho. Mày mà ốm bây giờ thì đúng là mày giết tao!

Có lẽ tôi GIẾT mẹ tôi thật. Người tôi rét run, đầu nhức như búa bổ, còn chân tay thì rã rời. Tôi nằm liệt giường suốt bốn ngày. Suốt bốn ngày mẹ tôi bỏ việc, chẳng ra đồng, chẳng đi lấy hàng cho bà, cũng chẳng buồn thổi nấu nữa. Mẹ ngồi bên tôi, mắt đỏ ngầu và hốc hác. Chốc chốc mẹ lại đặt tay lên trán tôi, vẻ mặt đầy lo lắng:

- Con chịu khó uống thuốc rồi gắng ăn một tí nhá. Bà gửi ở chợ về cho con bao nhiêu là thứ ngon đây này. Nào, con thương mẹ đi.

Tôi cố gượng để ngồi dậy. Mắt tôi tối sầm. Khuôn mặt mẹ tôi nhoà đi rồi lại hiện ra vời cái nhìn âu lo,cầu khẩn. Tôi bỏ viên thuốc vào mồm hớp một ngụm nước. Mẹ lấy khăn tự tay lau mồm cho tôi. Tôi CẮN và NHAI miếng giò nạc mẹ đưa. Nhưng có lẽ đó không phải là giò? Nó đắng ngắt và nhạt thếch. Mẹ tôi đặt chiếc cặp lồng lên bếp đun lại cho nóng và đem lên cho tôi một bát bún mọc bốc hơi nghi ngút. Có lẽ đó cũng không phải là bún mọc? Nó không THƠM PHỨC và cũng chẳng NGỌT. Mẹ cho thêm bột canh vào. CŨNG CHỈ THẾ!

- Khổ quá, phải chịu khó ăn thì mới khoẻ lên được chứ con. Nào,con thương mẹ, cố ăn thêm một miếng nữa đi… - Mẹ tôi nài nỉ.

Tôi cố chiều theo mẹ. Nhưng miếng ăn cứ như TỰ NÓ nhè ra khỏi miệng tôi.   Mẹ tôi sụt sịt khóc. Tôi hoảng lên. Tôi cố nuốt vội miếng thật to. Ruột gan tôi cồn lên. Tôi bò vội ra mép giường và nôn thốc nôn tháo.

- Cao, Cao con ơi… Hu hu. – Mẹ cuống lên ôm lấy tôi, bật khóc to.

Tôi ôm lấy mẹ. Không, mẹ ơi, con rất muốn ăn đấy. Nhưng không được…

 
19.

Mẹ tôi đem bộ quần áo ẩm mùi mồ hôi của tôi ra giếng giặt. Có tiếng bác Tộ gái : “Sao, thằng Cao ốm hả?” – “Vâng,cháu nó bị sốt cao, bác ạ”- “Thằng ấy đáng phải đánh đòn. Nghịch như quỷ sứ. Mấy hôm trước là cứ tụ tập nhau trốn học ra ngoài sông, lấy bùn đất ném nhau. Nắng nôi thế này mà cứ dầm nước thì ốm là PHẢI. Cái thằng Túc nhà tôi là tôi cấm chỉ chứ không cho đồ chúng đồ đảng…” – “ Chắc đứa nào đấy chứ thằng Cao nhà em cháu nó có dám ra sông bao giờ. Cháu nó ốm là bị mưa mấy lại học quá sức đấy”.


20.

Thầy Hội đến thăm tôi.

- Em cứ yên tâm nghỉ cho thật khoẻ. Khịt. Khi nào khỏi thầy sẽ phụ đạo thêm. – Thầy quay sang mẹ tôi: - Em Cao gần đây có tiến bộ…

- Thế ạ. Cám ơn thầy giáo. Vâng, cháu nó học SÁNG DẠ, lại CHĂM CHỈ, CHỊU KHÓ nữa. Đêm nào cũng học đến khuya. Nó ốm thế này cũng một phần LAO TÂM quá đấy mà. Vợ chồng tôi cứ bảo cháu là học từ từ thôi,nhưng nó chẳng chịu.

Tôi kéo chăn trùm kín đầu.

 
21.

Bọn thằng Dề, Quyết, cả Hòa, Mạnh, cả thằng Bảo, Tiến lớp bên… nhiều đứa nữa kéo đến THĂM  tôi. Thằng Hoà đặt vào tay tôi một chùm hồng xiêm, thằng Mạnh dúi vào tay tôi mấy quả táo với hai cái kẹo bột.

- Chúng mày lấy tiền đâu mua những thứ  này? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

Thằng Hoà vẫn hiền lành:

- Tao xin mẹ tao đấy. Nhà tao có một cây hồng xiêm rất sai quả. Bao giờ mày khỏi, về nhà tao  trèo hẳn lên tìm quả chín cây.

- Tao thì XOÁY! Tao phát hiện ra một vườn táo tuyệt vời, bao giờ khỏi mày đi với tao. – Thằng Mạnh ghé tai tôi thầm thì.

Thằng Dề từ lúc tới cứ đứng tủm tỉm cười. Mãi sau khi mẹ tôi ra ngoài nó mới lôi từ trong túi ra một cái gói giấy bé xíu gói mẩu gì giống như mẩu sắn dây luộc, bằng đầu đũa:
- Ăn ngay đi. SÂM đấy.

- …

- Thật đấy. Bố tao mua để thỉnh thoảng mài ra với nước cho gà uống hôm nào cho chúng đi đấu! RẤT BỔ!

- Nó còn cả CAO HỔ CỐT nữa đấy. – Thằng Quyết chen vào.

Tất cả chúng tôi đều cười.

- Bọn xóm Đông,mấy chiều nay cứ cho trâu đến nghĩa địa của xóm mình. Chúng nó còn trèo lên cả mấy “con ngựa” của bọn mình nữa. Chúng tao đã cảnh cáo, nhưng bọn nó không nghe, có một thằng BƯỚNG lắm. Nó bảo nó có VÕ! Hôm nào mày khỏi, chúng mình ĐẢ cho chúng nó một trận, đồng ý không?

Đồng ý quá đi chứ. ĐẢ NHAU cơ mà. Chao ơi, sao mà tôi thích ĐẢ NHAU đến thế. Gân cốt, sẽ được căng ra. Tôi có thể sẽ bị NHỪ TỬ. Nhưng cũng sẽ được vênh vang vừa đi vừa nhổ nước bọt trước những cặp mắt thán phục của bọn bạn bè. Thế mà giờ tôi vẫn phải nằm một chỗ. Nằm một chỗ trong khi có những vườn táo bí mật đang chín và lũ “ngựa” của tôi bị những đứa lạ cưỡi lên. Ốm,thật chả ra cái quái gì!

Trong số bạn bè đến thăm tôi,chỉ có cái Tâm là chẳng nói gì. Nó im lặng lục trong cặp sách của tôi lấy mấy quyển vở đưa về nhà và đến tối đưa trả cùng với mấy quả chuối bác Tám mua. Tôi giở vở ra: Những bài học tôi vắng đều được cái Tâm chép vào. Chữ nó đẹp lạ lùng.

 
22.

Nằm mãi cũng chán. Tôi vớ lấy quyển sách.

- Thôi,cứ nằm nghỉ đã con. Bài vở làm cái gì. Chả học lúc này thì học lúc khác! – Mẹ tôi lấy lại quyển  sách cất đi.

Chà, ốm cũng được đấy chứ! Mọi người đều nuông chiều, đều dịu dàng với tôi. Nhưng… tại sao chỉ lúc tôi ốm???

 

Nhà văn Nguyễn Thị Ấm- Báo Giáo dục Thời đại số 68:

Thú thật, đã lâu lắm tôi mới được đọc một tập truyện viết về thiếu nhi hay đến như vậy. Truyện viết bằng một thứ văn mới đọc cứ như một mạch suối tuôn trào. Nhưng tôi trộm nghĩ, loại truỵện này người lớn đọc mới thích, còn trẻ em chưa chắc chúng đã hiểu hết cái hay của tác phẩm…

 
23.

Tôi khỏi ốm và đến trường như người vừa mơ một giấc mơ đẹp phải giật mình tỉnh dậy trở về với thực tế. Thầy Hội vẫn ra cho tôi những bài toán KHÓ. Mẹ tôi thì có thay đổi chút ít. Khi tôi mắc lỗi, mẹ không rút roi ra nữa.

- Từ nay, mày mà còn bị điểm xấu nữa thì NHỊN. Tao chả thèm đánh cho nhọc xác, cứ cho nhịn vài bữa là biết thân.

Từ bé đến giờ, tuy có nhiều lần bị PHẾT VÀO MÔNG, nhưng bao giờ tôi cũng được ăn no và ăn ngon. Ăn no, nghĩa là chén tuỳ thích, mấy bát cũng được, căng rốn thì thôi. Còn ăn ngon, có nghĩa là bữa nào tôi cũng được xơi thịt, hoặc cá.

- Trong bữa ăn các em nên ăn cho đủ chất. Tốt nhất là nên ăn nhiều rau. Trong rau có tất cả các loại chất bổ, chất vitamin từ  a tới ycờrếch. Không nên ăn nhiều thịt cá, nếu không sẽ rất dễ bị táo bón!

Thầy Hội, trong một bài giảng về bữa ăn đã nói đại loại như vậy. Chúng tôi nghe và đưa mắt nhìn nhau. Chúng tôi cố nhớ xem mình đã được ăn nhiều thịt, cá vào lúc nào và sau đó có bị táo bón không. Ở lớp tôi có thằng Hoạch. Người nó gầy như một con mèo hen. Nó bảo nó vẫn thường bị táo bón. Chúng tôi bảo nó: Vậy là mày ăn phải nhiều thịt, cá quá. Nó cãi. Nó bảo nó bị táo bón là do ăn cơm trộn giong riềng, trộn sắn khô nhiều thì có. Chúng tôi điên lên: Nó dám xuyên tạc lời thầy! Chúng tôi sấn tới nó. Nó gào lên và chửi chúng tôi. Hai QUAN ĐIỂM, hai TƯ TƯỞNG xô nhau. Chắc phải có đứa bươu đầu sứt trán. Nhưng may quá, thầy hiệu trưởng tới. Chúng tôi vội tản đi. Chúng tôi đã KHÔN LỚN, chúng tôi không muốn mách nhau những chuyện như vậy. Nếu mách, nhất định thằng Hoạch sẽ bị đuổi học!

Đấy là một kỷ niệm về môn TÁO BÓN HỌC.

Nhưng thú thật, chính tôi, tôi cũng không tin lời thầy lắm! Xin lỗi thầy giáo của tôi. Tôi đã vụng trộm ước ao rằng giá như mình luôn được táo bón. Tôi sẽ sung sướng nếu được làm một kẻ hy sinh. Tôi hy sinh để dạ dày tôi luôn biết mùi thịt cá. Tôi là kẻ THAM ĂN. Tôi vẫn đến nhà thằng Quyết, thằng Dề. Ở đó, chúng nó bắt thằn lằn bọc đất nướng và xé thịt mời tôi. Tôi XƠI luôn. NGON! Tôi về khoe với mẹ tôi. Với tấm lòng hiếu thảo, tôi muốn mách cho mẹ tìm ra một nguồn thức ăn mới không mất tiền. Nhưng mẹ tôi rít lên:

- Thế nữa cơ đấy! Nó ăn thằn lằn. Rồi mai đây nó sẽ ăn cả rắn ráo, cả rết, cả… giời ơi. Rồi nọc độc nó ngấm vào tim mày, vào óc mày ấy đồ ngu ạ. Mày sẽ chết lúc nào không biết cho mà xem.

Nhưng tôi không chết. Tôi chỉ thấy KHOÁI. Và tôi vẫn đến nhà chúng nó để được ăn “chất độc”!

Nhưng bây giơ NIỀM HẠNH PHÚC DẠ DÀY ấy đã bị đe doạ.

- Túc ơi, hôm nay thằng Cao học toán được mấy điểm?

- Hai cô ạ. “Ngỗng”  ấy mà!

- Ừ. Cô hiểu rồi. Cao!  Đứng vào xó nhà!

Tôi đứng vào xó nhà. Bát đĩa kêu leng keng trong mâm. Mùi thức ăn xộc vào mũi tôi.

Nước bọt tôi ứa ra. Dạ dày tôi kêu ÙNG ỤC, kêu RẦM RĨ. Tôi chảy nước mắt.

- Từ rày mày CHỪA bị điểm hai chưa?

- Con chừa rồi.

- Đấy, nhớ lấy! Cho ăn!

Tôi vồ lấy bát cơm ,và, nhai, nuốt. Nhai trếu tráo và nuốt vội vàng.

- Ăn từ từ chứ không lại nghẹn!

Tôi đành giảm tốc độ.

Nhưng tôi vẫn không thể CHỪA BỊ ĐIỂM HAI!

- Lỗi tại con đâu. TẠI THẦY CHO con đấy chứ!

Tôi cố cãi. Nhưng mẹ tôi không thèm nghe. Mẹ xếp tất cả thức ăn vào chạn rồi đi làm: “Đến chiều tao về mày mới được ăn nghe chưa!” Chao, đến chiều kia ư? Tôi chết mất. Tôi đã cố đợi. Nhưng rồi tôi không thể chịu thêm được. Tôi lần vào bếp và mở chạn ra: Chà, thịt kho, cá rán, dấm cà chua đập trứng. Tôi nhón một miếng thịt bỏ mồm,húp mấy thìa canh. Chả thấy vơi đi bao nhiêu, mẹ tôi biết sao được. Thế thì thêm một miếng nữa. Một miếng nữa. Một miếng nữa… Bụng tôi ấm dần.

 
24.

- Cao. Ai cho mày ăn vụng?

- Đâu… con …

- Dấu vết rành rành ra đây mà còn chối. Được rồi…

Tôi bị thêm một điểm hai nữa. Mẹ tôi cho thức ăn vào chạn và KHOÁ LẠI! Cả một buổi chiều tôi loanh quanh bên cái chạn bị khoá. Tôi chọc thử ngón tay qua nan gỗ. Ngón tay tôi ngắn quá. Tôi lấy cái đũa. Tôi chọc được nhưng không gắp được. Tôi mút đầu đũa. NGON VÔ CÙNG. Nhưng mà chả ăn thua. Bụng tôi kêu ong óc. Mắt tôi hoa lên. Tôi nhìn quanh. A. Chết với tôi rồi. Nồi cơm vẫn đang ủ trong gio nóng. Tôi lôi nó ra và chẳng cần bát đũa, tôi xọc tay vào bốc.

- Vâng, bác cứ đi trước, em chạy qua nhà một tí đã!

Tiếng mẹ tôi. Chết tôi rồi. Tôi bê vội nồi cơm lên định đặt nó trở lại chỗ cũ. Nhưng lóng ngóng thế nào tôi đánh ụp nó xuống. Tôi nhấc lên. Cơm đổ lẫn với gio. Con Đốm từ nãy đến giờ ngồi chầu rìa thấy cơm đổ liền chạy đến. A, thế thì mặc mày. Tôi chùi vội tay vào quần và chạy biến lên nhà đứng vào xó.

- A, giỏi. Vẫn còn đứng đấy cơ à. Được, thế là biết điều. Đã THẤM ĐÒN chưa? Lần sau còn dám bị điểm hai hai nữa không?

Tôi gật gật đầu, mặt vẫn quay vào tường.

- Cho ra ăn cơm. Lần này tao thương, lần sau nữa thì tao cứ đi hẳn  cho đến tối mịt, rã họng ra thì thôi. – Mẹ tôi vừa nói vừa đi xuống bếp. Tôi nín thở lắng nghe. Rồi! Có tiếng mẹ tôi kêu, tiếng chửi, tiếng con Đốm kêu ăng ẳng.

- Con ôn vồ. Gio nóng vậy mà dám ủi nồi cơm ra ăn vụng. Đổ hết mất rồi, khổ tôi chưa…
Mẹ tôi rên rỉ. Lại có tiếng “Bịch” và con Đốm tru lên cúp đuôi chạy. Có lẽ mẹ tôi đã ĐÁ nó. Mẹ tôi chửi con Đốm thêm một lúc nữa rồi chạy đi đâu đó, lúc sau mẹ  về và đưa cho tôi một cặp bánh chưng cóc:

- Ăn đi, tạm cho đỡ đói. Tao đi đàng này một lúc rồi về nấu cơm cho mà ăn sau. Cơm kia con SỤC SẶC nó cợi vung ăn hết rồi!

Mẹ tôi đi ra, gặp con Đốm mon men về đến sân liền vồ lấy cái đòn gánh lao cho nó một cái. Con Đốm lại ăng ẳng chạy. Rõ khốn khổ thân nó. Lỗi đâu phải tại nó. Tôi thương nó quá. Mẹ đi rồi, tôi bóc chiếc bánh và đi ra ngõ tìm. Huýt huýt… Tôi gọi. Con Đốm ư ử chạy về. Đuôi nó vẫn cúp, bốn vó rúm lại. Nó run! Khổ chưa. Lỗi tại tôi. Tôi cắn một miếng bánh chìa cho nó. Nó vẫy vẫy cái đuôi, đôi mắt ướt nhìn tôi như dò hỏi : Cậu không lừa tôi đấy chứ?- Không, tao không lừa mày  đâu Đốm ạ. Tao xin lỗi mày. Tôi nói nhỏ với nó và vứt miếng bánh cho nó. Nó nhìn tôi một lần nữa rồi mới mon men đến với miếng bánh.

Bây giờ thì nó ngồi bên tôi. Hai chúng tôi cùng ăn chung chiếc bánh. Người nó vẫn run. Tôi vuốt nhẹ lên mình nó. Nó ư ử dụi cái mõm đen ướt vào chân tôi, cái đuôi ngoe nguẩy. Nó tốt thế đấy. Trước nó đã bị tôi làm cho gần chết. Vừa rồi nó lại chịu đòn thay tôi mà chẳng hề để bụng giận. Ăn đi Đốm ạ. Mai tao sẽ cho mày một bát cơm với cá. Tao sẽ dẫn mày ra nghĩa địa, dạy cho mày đi săn như con Quýt của thằng Quyết, thật đấy! Từ nay chúng mình sẽ là bạn với nhau suốt đời,nhá.


25.

Cuối bữa ăn,mẹ tôi xúc cho con Đốm một bát cơm. Lừa lúc mẹ quay đi, tôi đã bỏ cho con Đốm miếng thịt. Mẹ tôi nhìn thấy. Mẹ đá cho con Đốm một cái, chộp vội lấy miếng thịt, cốc đầu tôi:

- Mày sao thế, điên rồi à? Thịt ăn không có lại có thịt vứt cho chó. Mai rồi tao cho mày ăn cơm muối xem mày có nuốt được không?

Tôi bỏ dở bát cơm. Nước mắt tôi chảy ra. Không phải tôi khóc vì cái cốc đầu của mẹ. Tôi đau… nhưng ở chỗ khác.

 
26.

Phải. Trong những ngày thơ ấu của tôi, tôi nhớ đã nhiều khi tôi bị làm đau, không phải từ cái ĐÉT MÔNG, TÁT MÁ, CỐC ĐẦU…

Như những con cá chép đỏ, những quả bóng xanh bị giật khỏi tay để lơ lửng mãi ngoài tầm với…

Như chiếc đèn ông sao cho đi phải đòi lại…

Như  khi bài toán tôi tự làm được lại bị cho là copy.

Và cả sau này nữa, cả khi tôi đã lớn khôn, tôi vẫn tiếp tục bị làm đau, những cái đau vô hình…


27.

Tết.
Đó luôn là những ngày kì diệu trong đời học sinh của tôi. Chúng tôi được nghỉ học để đón Tết.

Để mừng năm mới, mẹ may cho tôi một bộ quần áo mới khác: “Mặc ba ngày Tết thôi. Cấm dây bẩn vào để qua Tết tao gấp cất đi cho, sang năm Tết lại mặc!”   – Mẹ tôi dặn vậy.
Ồ. Chỉ mặc ba ngày tết. Lại còn cấm dây bẩn vào nữa. Thôi, tốt nhất là mẹ cất ngay đi. Tôi chỉ thích những bộ quần áo mà với nó, tôi có thể dây bẩn vào tí chút cũng chả sao. Có thể ngồi bệt xuống cỏ; có thể dùng ống tay áo chùi mũi và … có thể làm rách.

 
28.

Dì tôi ở Thái Nguyên  về ăn Tết cùng chúng tôi.

- Dì mua cho cháu nhiều quà đây: Khẩu súng này, tí rồi dì dạy cách bắn. Còn đây là ca nô! Lát nữa dì cháu ta ra ao, đổ dầu vào đốt, nó sẽ “xình xịch” chạy cho cháu xem. À, còn con búp bê này nữa, cháu nhìn xem, nó biết nhắm mắt ngủ đấy. Không, đừng ấn tay vào lông mi nó như thế. Cháu cứ đặt nó nằm xuống,… đấy, thấy chưa?

Tôi thấy rồi. Con búp bê BIẾT nhắm mắt ngủ thật. Chiếc ca nô bằng sắt, có cả ống khói nữa. Ở ngoài sông thỉnh thoảng cũng có những chiếc ca nô chạy, nó chỉ to hơn thôi chứ không đẹp như ca nô của tôi. Còn khẩu súng, nó làm tôi mê đi. Tôi đã tưởng tượng ra được những ánh mắt vừa thèm muốn vừa khâm phục của lũ bạn khi thấy tôi giắt một khẩu súng như thế này vào cạp quần. Tôi sẽ được làm chỉ huy!

- Của cháu tất cả chứ dì?

- Ừ, của cháu tất. – Dì âu yếm hôn lên má tôi và xoa đầu tôi.

CỦA TÔI TẤT! Tôi thấy mình như đang mơ. Tôi lại cầm từng thứ lên ngắm nghía. Không. Có lẽ tôi sẽ đem cho cái Tâm con búp bê. Tôi sẽ lén bỏ sang nhà nó, nhất định con bé sẽ tin rằng có cô tiên hay ông bụt đã hiện lên mang cho nó như đã cho cô Tấm quần áo đi hội như  trong truyện. Còn tôi, tôi là con trai. Phần tôi sẽ là chiếc ca nô và khẩu súng…

- Cao! Đưa đây cho mẹ.

- Ứ. Của con chứ.

- Mày lại muốn xơi đòn hả?

- Cháu đưa cho mẹ xem một tí. – Dì bảo.

Tôi đành đưa cho mẹ. Mẹ tôi cầm tất cả những thứ đó lên, lật đi lật lại, ngắm nghía và… cho tất cả vào tủ.

- Ứ. Của con, trả con đây! – Tôi sấn tới, gào lên.

Mẹ tôi đẩy tôi ra, lừ  mắt:

- Hỗn!

- Chị cứ để cho cháu nó chơi, cất đi làm gì? – Dì tôi ngạc nhiên.

- Dì không biết tính  thằng này. Nó là cái thằng PHÁ. Đồ chơi mà rơi vào tay nó thì chỉ một lúc là tan ngay. Tháng trước nó đã phá của bố nó một chiếc đài đấy. Bố đi làm, con ở nhà lấy dao nạy đài ra “xem có người nấp trong ấy không”. Chả là nó thấy cái đài “NÓI ĐƯỢC” mà!

Dì tôi cười kéo tôi vào lòng:

- Cháu tôi sau này chắc thành kỹ sư! Và dì quay sang mẹ tôi: - Chị cứ đưa đồ chơi cho cháu. CHO NÓ NGHỊCH, PHÁ CŨNG ĐƯỢC, mấy lị… Cháu nó đâu có phá, nó chỉ muốn được NGHIÊN CỨU, TÌM HIỂU thôi mà, đúng không? – Dì hỏi tôi và nháy mắt.
Tôi vội thưa:

- Vâng, con sẽ không phá.

- Mày không phá thì rồi mày lại sẽ vùi đầu vào đấy rồi chẳng chịu tơ tưởng gì đến chuyện học hành thì còn tệ hơn. Thôi, cứ cất đi, bao giờ mày lớn hẵng hay!

 
29. 

Tôi không kịp lớn. Đúng hơn, những đồ chơi của tôi không đợi tôi kịp lớn. Chúng đã lần lượt ra đi ngay vào sáng hôm sau.

Sáng mùng hai, mẹ tôi bần thần ngồi tính xem phải đến Tết những nhà ai: ông chủ tịch xã, ông đội trưởng đội sản xuất, ông phòng thuế, cả bác Tộ bố thằng Túc nữa… Mẹ tôi xếp vào chiếc làn cói chai rượu màu, mấy phong bánh khảo, mấy chục cam…

- Mẹ mày nên đến Tết cả ông hiệu trưởng trường thằng Cao, cả thầy giáo trực tiếp dạy nó nữa… - Bố tôi nhắc.

Mẹ tôi lại thừ người ra một lúc rồi đứng dậy lấy trên bàn thờ xuống hai hộp mứt.

- Nhìn mà nhớ con nhá. Bố mẹ mày đang phải bóp mồm bóp miệng để đi lễ lạt nhà người ta đây. Cố mà học cho giỏi, sau này làm nên ông to bà nhớn cho tao mừng!

- Được, con tôi sau này nó sẽ làm CHỦ TỊCH HUYỆN. Lúc ấy người ta sẽ lại đến Tết mình! – Bố tôi cười nói vậy.

Mẹ tôi chỉ thở dài. Người lẩm bẩm bấm đốt ngón tay, lục lại các thứ trong làn, lại thần mặt ra và rồi cuối cùng tặc lưỡi, mở tủ lấy tất cả đám đồ chơi của tôi, ấn cả vào làn, và ra đi…

- Dì ơi, mẹ mang đồ chơi của cháu đi đâu?

- Cao đi chơi với dì nhá. Dì cháu ta ra xem chợ ngày Tết, ngắm thử có gì thích nữa ta mua nào!

Dì không trả lời câu hỏi của tôi mà lại rủ tôi vậy. Dì dắt tôi ra chợ. Chợ quê tôi ngày Tết chả có gì. Dì cháu tôi đi dạo một vòng và cuối cùng dừng lại trước hàng bán con tò he và gà đất:

- Ò ó o… o. – Tôi ra về với con gà đất bôi phẩm màu xanh đỏ gáy trên môi.

- Ê, giơ tay lên! – Một tiếng quát.

Tôi giật mình. Thằng Túc ló đầu sau hàng rào dâm bụt. Trong tay nó là một khẩu súng nhựa. ĐỌP! – Khẩu súng ấy chĩa thẳng vào ngực tôi. Tôi choáng váng và cảm thấy tim tôi bị trúng đạn. Tôi bị trúng đạn bởi khẩu súng của tôi. CHÍNH NÓ ĐẤY!

 

30. 

- Anh Cao ơi… Ô, sao anh khóc?

- Đâu, tao có khóc đâu?

- Có mà. Kia kìa, đấy, mắt anh có nước.

- Bụi nó bay vào đấy.

- Thật hả. Thế để em đánh cái bụi cho.

Cái Tâm giơ tay lên đánh vào khoảng không. Tôi cười. Nó cũng cười. Tôi cho nó con gà đất.

- Đi sang nhà em chơi đi. Nhà em có kẹo, bánh và cũng có nhiều các thứ nữa.

Cái Tâm nói thật. Nhà nó có kẹo, bánh và nhiều các thứ! Bác Tám bảo chúng tôi cứ việc THẢ CỬA. Tôi cầm kẹo bằng răng, nhặt đường ở đĩa bằng lưỡi. Bác Tám nhìn tôi cười, khen tôi giỏi! Chúng tôi lấy chuối làm lợn và dùng dao mổ thịt. Tôi chống tay xuống giường, chân đạp vào tường chổng lên “trồng cây chuối”. Cái Tâm đưa con gà đất lên môi. Ò ó o… tiếng gà gáy như reo.

--------------

Còn tiếp...

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn