VanVN.Net – Lê Mạnh Thường sinh năm 1973, Quê quán: Thị trấn Đô Lương - Nghệ An. Anh là 1 cây bút trẻ, hiện là quân nhân thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Anh đang học năm thứ 3 Khoa Sân khấu - Điện ảnh - Viết văn thuộc trường ĐH VHNT Quân đội (chuyên ngành Biên kịch Điện ảnh- Truyền hình). Tác phẩm đã xuất bản là tập truyện ngắn "Tiếng đảo" - NXB Hội Nhà văn 2011. VanVN.Net xin giới thiệu tới độc giả chùm truyện ngắn của anh…
Tàu ngầm
1. - Mời anh theo chúng tôi ra xe!
Viên cảnh sát sau khi chờ tôi ký vào lệnh bắt tạm giam xong buông một câu tỉnh quẹo. Tôi ngoan ngoãn vâng lời.
Ra đến cửa, tôi cố ngoái cổ lại bởi hai bên mình bị hai cảnh sát to con lù lù, khuôn mặt rất chi là hình sự kẹp nách. Vợ tôi chạy theo dúi vội cho tôi mấy bộ quần áo và vài thứ lặt vặt khác. Nước mắt nàng lã chã rơi trong phút giây biệt ly đau khổ đến tột cùng. Thương nhất là con Hiền, con Hoà. Chúng gào toáng lên:
- Cha ơi là cha ơi! Răng các ông lại bắt cha tui? Ở nhà với con cha ơi!
Tiếng gào thét của hai đứa con làm tôi nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng. Tôi cố an ủi các con trong tiếng nấc:
- Thôi nín đi các con! Hai con ở nhà với mẹ cho ngoan nhé! Cha sẽ về với các con. Nín đi con, cha thương!
Miệng tôi câm bặt. Đắng ngắt. Đời sao có lúc lại khốn nạn đến mức này?
Chiếc xe con đóng cửa nghe cái rầm lạnh người rồi nổ máy lao đi trong cái nắng như thiêu như đốt.
Ngồi nhỏ thó giữa hai viên cảnh sát ở băng ghế sau, đầu óc tôi cứ bấn loạn cả lên. Quái lạ, tại sao mình lại bị bắt cơ chứ? Có mấy tấn lạc giống mà cũng bắt với bớ cơ à? Mà có phải một mình mình ăn đâu? Chính tay Dấp chủ tịch huyện bật đèn xanh cho mình bán. Hắn cũng có phần, phần nhiều là đằng khác. Sao hắn lại không bị gì cả? Hắn đánh tháo đổ vấy tội sang mình rồi! Mẹ cha cái đồ khốn nạn. Đồ lừa đảo. Đồ ăn cháo đá bát. Tao mà về thì lần này mà biết tay tao.
Đôi môi khô khốc của tôi cứ mấp máy nguyền rủa tên khốn nạn đã huỷ hoại đời mình. Mẹ kiếp, mới lên chức giám đốc công ty giống cây trồng được có hơn hai năm...!
Tôi tức tưởi.
2. Xe rẽ vào cổng trại giam Nghi Chỉ. Đây là trại tạm giam dành cho những đối tượng chưa thành án.
Tôi ê chề lê bước theo cán bộ trại giam đi nhận buồng.
Nghe tiếng lách cách mở chìa khoá, phía bên trong có vẻ như đang ồn ào náo nhiệt bỗng dưng im bặt. Tôi lặng lẽ bước vào. Ngày đầu tiên của một thằng tù bắt đầu.
Một thằng mặt hoắt trông gầy đen như que củi cháy dở. Hắn cởi trần nằm trên bệ xi măng, khắp người vằn vện hình xăm đại bàng, trăn rắn... giương cặp mắt lươn gườm gườm nhìn tôi.
Phía dưới bệ xi măng, bốn hay năm thằng đang ngồi quây xung quanh cũng đều cởi trần, trắng có, đen có, gầy gò có, béo tốt có cũng đang hau háu nhìn tôi.
Tôi sợ vãi hết linh hồn. Chỉ kịp cúi người chào lí nhí “Em chào các anh!” rồi lủi thủi ôm túi đồ đi về chỗ trống ở góc buồng.
Tôi ngồi thu lu ôm gối nhũn nhường nhìn chúng.
Tên nằm trên bệ (chắc là đại ca- tôi đoán thế!) ngoắc tay chỉ vào mặt thằng to béo đang bóp chân cho nó. Nói:
- Cổn! Chào khách đi!
- Dạ vâng, thưa đại ca!
Nói rồi thằng Cổn- tên nó đứng dậy đi về phía tôi. Nó đứng giữa phòng rồi vẫy tay cho tôi:
- Ra đây!
Tôi sợ hãi bò ra, khóp nóp quỳ dưới chân nó. Nó lại bảo nhẹ nhàng:
- Đứng dậy!
Tôi run rẩy đứng lên, kính cẩn nhìn nó. Một thân hình mũm mĩm từ đầu đến chân. Trên trán có chiếc sẹo dài chạy chéo xuống đuôi mắt. Giữa ngực hắn xăm hình một cô gái khoả thân đang nằm khêu gợi. Bụng nó phưỡn ra, lỗ rốn sâu như chiếc chén tống uống rượu. Tôi tái mặt đợi chờ.
- Tên?
- Dạ thưa anh, em tên Bát ạ!- Tôi rụt rè thưa.
- Tuổi?
- Dạ thưa anh, em bốn lăm ạ!
- Quê?
- Dạ thưa anh, em ở Đại Lâm ạ!
- Tội?
- Dạ thưa... em.... ăn... lạc giống ạ!
“Bốp!”. Nhanh như cắt, thằng Cổn vung cánh tay hộ pháp của mình phang thẳng vào mặt tôi một cái tát như búa bổ. Mặt tôi xoay tít rồi lệch hẳn sang một bên. Chưa kịp định thần thì nghe tiếp tiếng “Bốp!” ở mang tai bên kia. Mặt tôi lật trở lại. Tôi choáng váng rồi đổ gục như một cây chuối bị phạt ngang. Máu mồm, máu mũi trào ra đỏ choét, ướt đẫm nền nhà. Tôi gượng mở mắt. Bóng hình thằng Cổn cứ nhập nhoè rung rinh trước mặt. Tôi khóc. Nước mắt nghe mằn mặn, ran rát đầu môi. Ối các ông công an ơi. Ối cha ơi là mẹ ơi. Ối vợ ơi. Các con Hiền, Hoà của cha ơi. Cha chết mất các con ơi. Tôi tru lên như một con lợn bị chọc tiết. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, cái lần buổi trưa tôi trốn cha chạy sang rủ thằng Mão và thằng Hội ra sông tắm. Buổi trưa vắng vẻ, ba thằng cởi truồng nồng nỗng thi nhau ngụp lặn bơi đùa. Bỗng thằng Mão sẩy chân xuống hố sâu, nơi có dòng nước xoáy mạnh. Nó vùng vẫy một hồi rồi chìm nghỉm. Tôi và thằng Hội mặt cắt không còn giọt máu bèn ở truồng chạy về làng gọi người lớn ra cứu. Cả làng cả tổng đứng ken dày bên bờ sông. Mấy anh thanh niên lực lưỡng bơi lặn lần mò suốt cả buổi chiều. Mẹ con bà cháu nhà nó ở trên bờ thì khóc lăn khóc lộn. Họ thả quả bưởi có cắm cây hương đang cháy xuống để chờ xem quả bưởi quẩn ở chỗ nào thì nó nằm ở đó. Tất cả đều vô vọng. Hai ngày sau mới tìm thấy xác nó cách chỗ bị nạn mười cây số. Sau trận đó về, tôi bị cha tôi đánh cho lên bờ xuống ruộng. Đó là trận đòn đau duy nhất và nhớ đời nhất của tôi cho đến giờ.
- Đây mới chỉ là màn chào hỏi làm quen thôi. Còn nhiều bài nữa. Đừng có rống lên như vậy!- Thằng đại ca mặt hoắt nhếch mép cười. Hắn vẩy cái nhìn khinh bỉ về phía tôi.
- Dạ, em xin các anh tha cho em, sức em yếu lắm!- Tôi nằm như một con chó ốm thều thào đáp lại.
- Có gì đưa ra đây!- Thằng Cổn hất hàm.
Tôi gượng dậy, bò vào góc buồng giam lôi cái túi mà vợ tôi đưa cho rồi bò lại chìa trước mặt Cổn. Một ít quần áo, một ít tiền, kem đánh răng, xà phòng, bàn chải, khăn mặt, lọ muối vừng... Cổn thu hết. Nó cầm tuýp kem đánh răng Dạ Lan mới cứng quay về phía thằng mặt hoắt:
- Có kem mới đại ca ạ! Loại này xăm tốt lắm!- Mặt hắn hớn hở.
Sau này tôi mới hiểu là bọn chúng đã nghĩ ra cái trò lấy dây cao su đốt cháy để lấy tro tàn, sau đó trộn với kem đánh răng thành một thứ hợp chất dùng để xăm trổ vào cơ thể. Như chúng nói, hợp chất này rất bền và rõ nét, hình xăm đẹp vô cùng.
- Pha trà đãi khách!- Thằng mặt hoắt ra lệnh.
- Dạ vâng, có ngay thưa đại ca!
Một thằng cao lêu đêu có hàm răng vẩu đứng dậy. Hắn đi về phía chỗ nằm lật gối lấy ra một chiếc ống bơ đen thui. Hắn bước vào chỗ vệ sinh, múc một ít nước vào ống bơ ở bể chứa dội nhà cầu rồi đặt lên hai viên gạch hình chữ V ngay lỗ đi ỉa. Đoạn hắn lôi ra một nắm giẻ, bật diêm châm lửa đốt. Một lúc sau, nước trong ống bơ sôi xèo xèo. Hắn nhắc xuống, bê ra rồi bỏ một nhúm trà vào. Một thằng khác lôi ra mấy chiếc ly sứt mẻ, cáu bẩn. Chờ trà ngấm xong, hắn rót nước ra ly rồi kính cẩn mời thằng mặt hoắt. Một thằng nữa châm điếu thuốc lá, hai tay đưa cho nó. Khi thằng mặt hoắt nhấp một hơi, đặt ly nước xuống sàn xi măng nghe cái “cộp” rồi chép chép miệng thì mấy thằng còn lại mới dám cầm ly khác lên uống. Thằng Cổn nhìn tôi rồi bảo lạnh tanh:
- Uống đi!
Tôi khúm núm tiến lại cầm lấy ly nước. Thực tình, nhìn cái kiểu nấu nước pha trà của bọn chúng mà tôi sởn gai ốc, họng buồn nôn oẹ. Thằng mặt hoắt liếc mắt nhìn sang, tôi khiếp đảm vội bưng lấy ly nước, thổi phù phù cho nguội rồi nhắm mắt ực một phát vẻ ngon lành.
- Mày biết đại ca tao là ai không?- Cổn hỏi.
- Dạ, xin các anh thứ lỗi, em chưa được biết tên đại ca ạ!- Tôi lễ phép đáp lời.
- Mày đã nghe tên Toóng bao giờ chưa?
- Dạ rồi ạ. Hoá ra đại ca ta đây là...?
Tôi làm ra vẻ thân thiện hơn. Ở ngoài đời, tôi cũng đã nghe danh Toóng “kẹ”. Nó là một tên sát thủ máu lạnh. Đâm chém người không ghê tay. Báo Công an tỉnh đăng rất nhiều bài về nó. Hoá ra là mày đây à? Tôi đưa mắt liếc trộm nó với vẻ thầm cảm phục. Toóng “kẹ” bắt đầu thiu thiu ngủ. Mấy thằng kia lại buông ly nước bóp tay bóp chân cho hắn. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi như không tin vào bản thân mình nữa bởi đang sống ở một thế giới khác hẳn những gì tôi đã từng sống. Mới đêm qua còn nằm gối đầu trên cánh tay trần của vợ. Vợ tôi còn dặn đi dặn lại rằng chiều mai anh nhớ đi họp phụ huynh cho con. Tôi bảo chiều mai anh còn bận họp ở cơ quan chắc phải muộn mới về được. Hay là em xin nghỉ làm buổi chiều để đi họp cho con? Cô ấy chẳng nói chẳng rằng, quay mặt vào tường khóc thút thít. Dỗ dành mãi, nàng mới bảo rằng, anh chẳng bao giờ quan tâm tới vợ con gia đình. Lúc nào cũng họp với hành, cơ quan với cơ kiếc. Khổ thân tôi thế cơ chứ! Có bao giờ tôi sống cho riêng tôi đâu. Lương đưa vợ không thiếu một xu. Kể cả vừa rồi “kênh” được mấy tấn lạc giống, phải cúng cho tay Dấp hơn một nửa, còn bao nhiêu tôi đưa về cho vợ hết chứ có tơ hào đồng cắc nào đâu? Tay Dấp còn gợi ý với tôi rằng quả sau ta đánh to hơn. Thế thì tôi không vì vợ con, vì cái nhà này thì là vì cái gì? Sao nàng lại hay giận hờn với tôi như vậy? Mẹ kiếp, thế mà chiều nay đã...
- Về chỗ đi! Nhìn mày yếu sức tao chỉ cho mày tập ba bài nữa thôi!- Thằng Cổn cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
- Em xin anh...!
- Biến!
Cổn quát. Tôi hồn phách lên mây. Vội vàng lom khom về chỗ.
3. Đang mơ màng ngủ, tôi bị đánh thức dậy bằng một tiếng quát đanh gọn:
- Dậy tập thể dục!
Tôi hốt hoảng bật dậy. Mình đau ê ẩm.
- Thể dục bài một!- Thằng vẩu kều hô.
- Dạ thưa anh, bài gì ạ?- Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Đua xe đạp!
- Sao hả anh? Xe đạp đâu ạ?- Tôi lễ phép hỏi lại nhưng giọng có vẻ hơi cáu.
- Mày ngu lắm! Lại đây!
Hắn dẫn tôi lại bức tường cao bằng đầu người che chỗ nằm với chỗ đi vệ sinh rồi bắt tôi trèo lên đầu tường như thể cưỡi ngựa.
- Đạp đi!- Hắn ra lệnh.
- Dạ..!- Tôi ngập ngừng.
- Đạp!- Hắn quát.
Tôi hoảng hồn guồng hai chân đạp vào không trung như thể người đang đạp xe, hai tay bíu vào đầu tường kẻo ngã.
- Đạp mạnh lên!
- Mạnh nữa!
- Mạnh lên nữa! Ơ cái thằng này, điếc hả?
Hắn hối tôi liên tục làm tôi cứ phải cò cổ ra đạp. Mà đạp không có bàn đạp kiểu này còn khó và mệt hơn đi xe đạp thật nhiều. Mồ hôi tôi tóa ra ướt đẫm quần đùi.
- Đạp mạnh chút nữa, đạt tốc độ rồi!- Nó bảo.
Lúc này thì tôi chẳng khác gì tay đua xe đạp vòng quanh nước Pháp đang rướn sức để đoạt được chiếc áo vàng ở chặng đua đầu tiên. Được một lúc, mắt tôi hoa lên như có hàng triệu con đom đóm trước mặt. Không thể chịu đựng được nữa, tôi mếu máo nhìn thằng vẩu kều:
- Anh ơi, cho em xuống đi, em không chịu được nữa rồi. Em chết mất!
Giọt nước mắt của tôi quả là có sức lay động con tim dã thú của hắn. Hắn đồng ý cho tôi trèo xuống đất. Tôi nằm vật ra sàn mà thở dốc. Kiểu này chết đến nơi rồi. Chợt tôi cảm thấy đau đau, xon xót ở háng. Tôi bò dậy tụt quần ra, nhìn xuống. Ối cha mẹ ơi! Hai bên háng của tôi do kẹp chặt vào đầu bức tường để “đạp xe” nên đã bị loét hết da, huyết tương chảy ướt mèm. Tôi rên lên đau đớn.
- Câm mồm cho ông mày ngủ!- Một thằng oắt con, chắc là ít hơn tôi cỡ gần hai chục tuổi chửi. Tôi vội nuốt uất ức vào trong và câm ngay tức khắc.
4. Ánh nắng buổi sáng xiên vào buồng giam làm cho tôi cảm thấy dễ chịu hơn phần nào. Chí ít ra cũng làm cho cái đầu đang u u mê mê sau mấy trận đòn dần tỉnh lại. Háng của tôi cũng đã bớt đau hơn sau cái cuộc đua xe bất đắc dĩ ấy. Tôi tự nhủ mình phải cố ăn uống hết tiêu chuẩn khẩu phần của trại. Phải ăn để lấy sức cầm cự. Không thì tôi sẽ chết. Mình phải sống, phải sống để trở về với người vợ trẻ và hai đứa con gái yêu. Tôi đặt ra cho mình phương châm sống như vậy.
Cánh cửa buồng lại lạch cạch mở. Lần này thì một thằng nhãi con trông dáng vẻ trắng trẻo thư sinh bước vào. Lại những ánh mắt quen thuộc như chúng đã nhìn tôi mấy hôm về trước. Quái lạ, thằng cu con nhìn tôi rồi gật đầu chào. Tôi có phần tự hào vì bây giờ ít nhiều cũng trở thành ma cũ.
Lần này thì một thằng tên Tấn lấy khẩu cung. Lại điệp khúc cũ:
- Tên?
- Dạ thưa chú, con tên Tuấn!
- Tuổi?
- Dạ, mười chín!
- Quê?
- Dạ, cháu ở Tân Hoà!
- Tội?
- Dạ... cháu... tội hiếp dâm!
- A ha! “Bốp!”.
Thằng bé đổ uỵch. Thằng Tấn cầm cổ áo nó lôi dậy:
- Mày có biết vào đây tội gì là bị phạt nặng nhất không?
- Dạ...!- Thằng bé mếu máo.
- Là tội của mày đó! Đại ca ơi, thằng này hiếp dâm, bọn em xử lý nhé?
Thằng mặt hoắt nằm trên bệ xi măng nhìn thằng bé rồi gật đầu. Thằng Cổn đứng dậy đè ngửa thằng bé ra. Mấy thằng kia cũng xông ra giữ chân giữ tay thằng bé. Bọn chúng lột quần áo thằng bé ra. Nó trần như nhộng. Một thằng lấy tay búng đi búng lại bộ phận sinh dục của thằng bé. Búng mãi, day mãi cho đến khi nó cứng đuỗn ra. Thằng Tấn lấy một mảnh bao ni lon đốt lên rồi cho nhỏ giọt vào chỗ kín của thằng bé. Tội nghiệp, thằng bé kêu gào thảm thiết. Bọn chúng vừa làm nhục hình vừa cười hô hố:
- Sướng chưa con? Hả? Sướng chưa? Lần sau cứ thế nhé!
Thằng bé lả người, không còn kêu ra tiếng. Tôi thương nó vô cùng mà chẳng biết làm gì bởi tôi còn không thể lo cho tôi được nữa là. Tôi vẫn còn lơ lửng trên đầu hai “bài tập thể dục” của bọn chúng đề ra. Tôi phải làm sao đây?
5. - Bát đâu?
- Dạ em đây ạ!- Tôi đang nằm bỗng choàng dậy và thưa bẩm theo phản xạ. Một thằng tên Khởi, bị chột một mắt đứng trước mặt tôi. Hôm nay nó duy trì tôi tập.
- Thể dục bài hai!- Hắn bình tĩnh, nhỏ nhẹ.
- Dạ anh ơi, em cắn rơm cắn cỏ lạy anh. Em không còn sức để tập nữa...!
- Sức cái con mẹ mày! Có tập không thì bảo!- Hắn xẵng giọng.
- Dạ... có ạ!- Tôi lại mếu máo bước ra khỏi chỗ nằm.
Thằng Khởi “chột” lại dẫn tôi vào khu vệ sinh. Đua xe đạp thì xong rồi, còn trò gì nữa đây nhỉ?
- Cởi áo ra!- Hắn ra lệnh.
Tôi ngoan ngoãn làm theo và rụt rè hỏi:
- Hôm nay tập bài gì đấy ạ!
- Đi tàu ngầm!
- Tàu ngầm!- Tôi ngạc nhiên.
Không để cho tôi một phút suy nghĩ, thằng Khởi “chột” nắm ngay tóc tôi rồi gí mạnh xuống bể nước dội nhà cầu. Trời đất quỷ thần ơi, cái bể nước vừa hôi vừa bẩn trông thật tởm lợm mà hằng ngày tôi vẫn phải sử dụng để dội khi đi vệ sinh. Tôi quá bất ngờ. Đít chổng lên trời. Nước ngập ngang vai. Tôi cố sức vùng vẫy để thoát khỏi bàn tay chắc như gọng kìm của hắn. Càng vùng vẫy hắn càng dí mạnh tay xuống. Tôi uống một hớp. Sặc sụa. Lại uống tiếp hớp nữa. Rồi hớp nữa. Đầu óc tôi muốn vỡ tung ra vì ngạt thở. Tôi vẫn tiếp tục vùng vẫy trong tuyệt vọng cho đến khi người mềm hẳn không biết gì nữa. Chắc là tôi đã chết. Đời mới bất hạnh làm sao!
Mãi đến tối tôi mới tỉnh. Nghe thằng Tuấn “hiếp dâm” bảo, tôi đã uống no một bụng nước dội nhà cầu. Nó phải làm hô hấp nhân tạo mới cứu được mạng sống của tôi. Thằng em, à quên, thằng cháu này tốt thật. Sau này ra tù, chắc chắn tôi sẽ trả ơn nó. Chắc chắn là như vậy!
6. - Có ma mới đến!- Thằng Lực “què” làm nhiệm vụ hoa tiêu thông báo.
Cả phòng trật tự. Mọi ánh mắt lại đổ dồn ra cửa.
“Ma mới” lần này là một ông già. Chắc cũng khoảng gần sáu mươi. Da đen, dáng thấp đậm. Khi cán bộ trại giam vừa đóng cửa. Ông cầm túi đồ đi thẳng về góc buồng. Ông quay ra mỉm cười:
- Chào các chú!
Bọn chúng, từ thằng mặt hoắt đại ca cho đến đám tay chân tròn xoe mắt nhìn ông già. Lạ đời thật. Thằng già này láo thật. Thằng Toóng “kẹ” lẩm bẩm.
- Thằng già kia! Mày có biết luật của cái phòng này không?- Thằng Cổn bật dậy đi về phía ông già.
- Chú vừa nói luật chi?- Ông già ôn tồn hỏi lại.
- Luật, luật cái con mẹ mày! Luật đây này!
Nói chưa dứt lời, hắn lại giơ cánh tay hộ pháp quật vào mặt ông già. Nhanh như chớp, ông cúi xuống, giơ tay trái lên đỡ đòn đánh của nó rồi dùng tay phải thoi một cú đấm vào ngay mặt thằng Cổn. Bị bất ngờ, thằng Cổn ngã vật ra sau, máu mũi phụt ra bê bết.
Toóng “kẹ” bật dậy. Hắn đứng chống nạnh, mắt long lên sòng sọc nhìn ông già:
- A, thằng già này láo thật! Bọn bay đâu? Đánh chết con chó già này cho tao!
Vừa nói xong, cả bọn lao vào quây ông già. Ông vội cởi ngay chiếc áo pull đang mặc trên người, nhảy thót lên đứng trên bệ xi măng. Thằng vẩu kều vừa xông lên chưa kịp ra đòn đã bị ông tung một cú đá hiểm vào ngay bộ hạ. Nó đổ rụp xuống ôm háng lăn lộn kêu trời. Thằng Tấn ào tới tung cú song phi, ông già nhanh người né đòn rồi ông cũng nhảy lên đạp thẳng vào ngực nó. Thằng Tấn bị dội ngược vào tường, đầu đập vào cửa sổ nghe tiếng “cộp” rồi lăn xuống ngất lịm. Tôi và thằng Tuấn “hiếp dâm” ngồi co ro một góc xem ông già chiến đấu mà lòng hả hê sung sướng. Đột nhiên thằng Khởi “chột” vòng ra phía sau định lấy chiếc quần dài siết cổ ông già, Lực “què” lao vào từ phía trước ôm ông để cho thằng Khởi hành động. Nhanh chẳng kém, bằng một động tác võ thuật điêu luyện, ông già vội nhảy cao lên, hai chân kẹp cổ Lực “què” rồi vặn mạnh. Nó rơi tự do, mặt đập vào nền xi măng. Tiếp tục, ông xoay người ra sau, luồn người xuống tránh chiếc quần đang bủa vào cổ mình, đồng thời ông vuốt một cú chỏ ngược lên mặt thằng Khởi “chột”. Nó hất ngược ra sau rồi ngã xuống. Có mấy chiếc răng văng xuống nền nhà. Khởi “chột” ôm miệng, máu chảy đầm tay, môi nó bị xé rách toạc. Nó khiếp đảm nhìn ông già.
Ông già quay lại đi về phía thằng Toóng “kẹ”. Ông lừ mắt nhìn nó. Nó hơi chùn chân. Lùi lại. Bất giác, nó thét lên một tiếng “Á...!” rồi tung hai chân phía trước bay về phía ông già. Bị một đòn bất ngờ, ông chỉ kịp né người nhưng không tránh hết đòn chân của nó. Một bàn chân đóng vào ngực ông. Ông già lảo đảo rồi ngã ngửa ra phía sau. Toóng “kẹ” nhanh chân tương thẳng cú đạp vào mặt ông già. Lần này thì ông kịp tung hai tay như hai chiếc kìm sắt bắt chặt bàn chân phải của nó. Ông dùng hết sức vặn mạnh tay. Toóng “kẹ” mất thăng bằng ngã lộn xuống, đầu đập vào thành bệ xi măng. Nó bị choáng. Ông già nhào lại bẻ quặt một tay nó ra sau, tay kia ông nắm lấy tóc nó giơ lên cao rồi dằn mạnh mặt nó xuống nền nhà. Mặt mày nó toe toét máu. Ông vừa giơ lên định dằn mặt nó xuống lần nữa thì nó hổn hển kêu lên:
- Thôi đại ca ơi, con xin đại ca tha tội chết! Chúng con biết lỗi rồi. Con xin đại ca!
Ông già buông tay. Một đống thịt đổ xuống nhũn nhùn. Cả bọn lóp ngóp bò dậy quỳ xuống chân ông già vái lia lịa và xin ông tha tội chết. Ông chống nạnh. Một chân gác lên bệ xi măng rồi nhìn khắp lượt:
- Nếu thằng nào còn dở thói côn đồ, tao bẻ hết xương nghe chưa?
- Dạ, dạ chúng con biết rồi, thưa đại ca!- Cả bọn tái mặt van xin.
- Chẳng có đại ca chó gì ở đây cả. Tao là Ẩn. Thế thôi!
Tôi và thằng Tuấn “hiếp dâm” mừng vui khôn xiết vì có thể từ nay sẽ thoát được “ách thống trị” của bọn Toóng “kẹ”. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự có mặt của ông già tên Ẩn. Nhưng mà người như ông sao lại vào đây?
7. - Chú trước đây nguyên là lính đặc công- Ông Ẩn nằm tâm sự cho tôi và thằng Tuấn “hiếp dâm” nghe - Bọn chú đi đánh nhau ở Cam Pu Chia. Chậc! Hồi đó khổ sở, đói khát lắm. Có lần đánh nhau với bọn Pôn Pốt ở Svây- riêng. Ta và địch kìm hãm nhau ở một cây cầu. Không bên nào chịu rút cả. Đạn pháo bắn như mưa. Hai bên đều thương vong nhiều. Đêm đến, cái đói hành hạ ghê gớm. Lương khô thì hết, nước cũng chẳng còn để uống. Chợt chú nhớ ra hồi chiều có mấy con bò hoảng sợ chạy ngang qua cầu bị đạn của Pôn Pốt bắn chết. Nghĩ đến vậy, nước miếng cứ ứa ra. Chú quyết định phải liều một phen. Anh em ai cũng can ngăn vì phía trước mặt bọn Pôn Pốt gài mìn nhiều lắm. Chúng đang phục để giết ta. Chú động viên anh em rồi lặng lẽ trườn lên phía đầu cầu. Khó khăn lắm chú mới tiếp cận được con bò bị giết. Chú rút dao găm ra khứa dần, khứa dần. Một lúc sau chiếc đùi bò rời ra. Chú kéo về phía quân mình. Trên đường về, chú gặp xác mấy thằng giặc bị giết. Chú lấy dao rạch ống quần nó ra lấy một mớ giẻ về. Bọn mày biết gì không? Chú lôi cái đùi bò xuống hầm rồi dùng giẻ đốt lên, xắt từng miếng thịt bò ra nướng. Chao ôi, cái cảm giác ăn miếng thịt bò nướng lúc đó y như mình đang ở một nhà hàng sang trọng ở Phnôm- Pênh. Suốt đời không bao giờ quên được. Mẹ kiếp, cái hồi mình rút quân tình nguyện về nước, khổ ơi là khổ. Có những đồng đội của chú mới hy sinh được ba bốn tháng, chỉ huy ra lệnh phải đem về. Vậy là, bọn chú phải ra rừng đào lên. Anh em chết gói trong túi ni lông nên hầu như chưa phân huỷ là mấy. Mùi hôi thối xộc lên nồng nặc cả một góc rừng. Làm sao đây? Cuối cùng bọn chú nghĩ ra cách bỏ từng tử thi vào nồi quân dụng rồi đem ra suối đổ nước vào đun. Đến khi nước sôi thì thịt rữa ra. Bọn chú lấy dao găm cạo hết thịt rồi gói xương lại, bỏ vào ba lô mang về nước. Thương anh em lắm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào cả.
- Khổ đến vậy cơ hả chú?- Tuấn “hiếp dâm” hỏi lại.
- Chú Ẩn này- Tôi ngập ngừng- Vậy tại sao chú lại phải vào đây?
- Cuộc đời mà cháu! Có ai lường trước được đâu- Ông chậm rãi- Sau khi xuất ngũ, chú về quê. Vợ chồng chú làm công nhân của nông trường trên miền núi. Bao năm vợ chồng con cái chăm chỉ làm ăn nên cũng có của ăn của để. Gia đình chú cũng thuộc hàng khá giả của nông trường. Thấy trong rừng có nhiều chim thú nên chú mua một khẩu súng săn để đi săn cùng mấy anh em cùng phường. Hơn nữa là để nhớ lại cái thời cầm súng đánh nhau với Pôn Pốt. Ấy chà, mới vừa rồi chú và mấy bạn phường săn đi sâu trong rừng hơn mười ngày, ban đêm phát hiện thấy mục tiêu, chú bóp cò. Lại gần hoá ra là một con bò tót. Chết thật! Chú quay về nộp súng rồi báo chính quyền. Công an vào cuộc. Và bây giờ thì chú vào đây chờ ngày xét xử. Là thằng đàn ông đã dám làm thì phải dám chịu. Cái quan trọng nhất là sau khi vấp ngã mình có can đảm đứng lên được không, phải không chú mày?
Ông Ẩn quay sang vỗ vai rồi mỉm cười nhìn tôi một cách tếu táo. Tôi cũng vui vì ông đã tự nhiên thay đổi cách xưng hô với tôi nghe thật tình cảm, gần gũi hơn. Bên cạnh ông, thằng Tuấn “hiếp dâm” đã ngáy khò khò từ lúc nào.
Tôi bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Trong cơn mơ, tôi thấy mình đang cùng ông Ẩn “bò tót” đi dạo trên cánh đồng lạc xanh mướt sắp đến mùa thu hoạch. Ông bảo ở nông trường của ông cũng chuyên trồng lạc xuất khẩu. Có một giống lạc chất lượng cao mới nhập về. Ông sẽ để lại cho tôi một ít để tôi làm giống trồng ở ruộng nhà mình. Chợt vợ tôi, hai đứa con gái yêu của tôi chạy ra đồng lạc. Vợ tôi tươi cười, nét mặt hân hoan. Hai đứa con tôi bá vai bá cổ ông Ẩn “bò tót” như người thân trong gia đình.
Chợt tôi lại thấy thằng Toóng “kẹ” ăn mặc com lê thắt cà vạt bắt tay tôi. Hắn tiết lộ, nếu không có sự xuất hiện của ông Ẩn “bò tót” thì hắn sẽ cho đàn em của hắn duy trì tôi tập tiếp bài ba. Bài ba tên gì? Tôi hỏi. “Xe máy đứt phanh!”. Nghĩa là sao? Là cho anh đứng giáp mặt vào bờ tường rồi đạp mạnh sau lưng một cái. Thì làm sao? Như một chiếc xe máy bị đứt phanh, mặt anh sẽ đập mạnh vào tường, còn lại anh tự tưởng tượng.
Tôi choàng tỉnh. Mồ hôi vã ra như tắm khi nghĩ đến bài ba.
Sóng trên đỉnh núi
Tờ mờ sáng. Ông mặt trời hãy còn ngái ngủ ở xa tít tắp đằng Đông, Sín đã dậy. Anh vận quần đùi, cởi trần. Nước da đen nhẻm. Hai vồng ngực vun lên săn chắc như hai phiến săng lẻ. Sín đứng giữa sân đảo, vươn vai, phóng tầm mắt ra xa. Biển phẳng lặng như tấm gương khổng lồ. Tiếng sóng vỗ vào chân đảo chìm nghe oàm oạp, oàm oạp hiền lành. Gió nhẹ. Lá cờ trên nóc đảo phất phơ bay.
Con Rếch đang nằm gác mõm trên bệ súng lim dim ngủ. Thấy Sín, Rếch bèn bật phắt dậy. Rếch vui sướng, ngoắt đuôi lia lịa. Nó lao lại phía Sín sủa inh ỏi chào anh. Rếch lao xuống mép nước. Nó nhìn chần chừ một lúc rồi lội xuống. Nước ngập ngang bụng. Rếch quay lại nhìn Sín như có ý mời anh cùng xuống nước. Nó lại sủa. Sín vừa thong thả bước xuống bờ kè đá vừa chụm hai tay trước miệng làm loa rồi cất tiếng gọi ồi ồi: “Rếch à! Rếch à! Thôi nào!”
Sín lội ra một đoạn, nước đến ngực, anh tung hai sải tay lao đi. Con Rếch thấy vậy cũng bập bõm đạp nước bơi theo.
*
* *
Sáng nào cũng vậy, Sín là người dậy sớm nhất đảo. Dậy từ lúc chưa có hiệu lệnh báo thức. Trừ những ngày mưa, biển động, Sín và Rếch đã thành thói quen là bơi một vòng xung quanh đảo chìm. Sín còn dạy cho Rếch bắt cá. Bây giờ, khả năng bắt cá của Rếch đã đạt đến độ “siêu” rồi. Nhờ vậy mà cả đảo luôn được cải thiện món cá tươi do thầy trò Sín bắt được. Tài bắt cá của Sín có từ khi còn bé. Hồi đó Sín thường theo pa lặn xuống những hốc đá sâu dưới sông Pác Kha săn cá xộp. Sín nổi tiếng là một tay sát cá của cả vùng. Bây giờ, pa Sín như con ngựa đực già, mỏi chân, đau móng. Ông chỉ quanh quẩn trong nương rồi lại trèo lên mấy bậc cầu thang ngồi nhìn ra xa. Ông nhớ những vực nước sâu dưới dòng Pác Kha nhưng chẳng thể làm được gì. Ông lại ngồi bên bếp lửa rót đầy những bát rượu ngô uống ừng ực để cho cái buồn theo cơn gió qua đi. Sín thương pa vô cùng.
Nhà Sín ở bản Cỏn, một bản người Mông ở dưới chân núi Cô Phài phía cực Bắc xa xôi. Sín thứ hai. Trên Sín là anh Sình, dưới là em Mỷ. Cả ba anh em đều cách nhau mỗi đứa chỉ hai mùa nếp nương. Sín đẹp trai, to khoẻ như con ngựa đực chưa thuần. Lên mười tuổi, Sín đã biết theo pa mé và anh cả gùi đất từ dưới ruộng trèo lên đổ đầy các hốc đá trên lưng chừng núi để trỉa ngô. Sìn có may mắn hơn anh Sình là được đi học trường Dân tộc nội trú của tỉnh. Mười tám tuổi, Sín nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tân binh, Sín được đi học ba năm tại trường Trung cấp Quân khí. Tốt nghiệp, một sự tình cờ và hết sức bất ngờ đến với Sín, anh được điều về Hải quân và ra nhận công tác tại đảo Đ. này.
Lần đầu tiên trong đời được thấy biển, Sín thật sự ngỡ ngàng bởi biển rộng hơn cả suy nghĩ của anh. Biển rộng hơn cả mảng trời trên bản Cỏn. Nước biển mặn chát chứ không ngọt như nước của hồ Vạc Vãi, như sông Pác Kha quê anh. Sín vẫn tự hào cho đên bây giờ anh là người đầu tiên của quê được thấy biển và được sống ngoài đảo xa. Hơn một năm sống cùng mười mấy anh em trên đảo, mỗi người một quê, từ chỗ cái gì cũng lạ lẫm đến nay Sín đã quen nhiều thứ. Sín mau chóng hoà đồng cùng anh em cả trong công việc và cuộc sống khó khăn trên đảo. Sín thường xung phong nhận những việc nặng nhọc, vất vả về mình. Duy chỉ cái tính ít nói thì vẫn vậy. Anh vẫn cứ lầm lì như tảng đá trên núi Cô Phài. Những lúc đồng đội trêu đùa, Sín chỉ bẽn lẽn cười để lộ hàm răng trắng phau như bông hoa mận. Vì vậy, Sín còn được anh em đặt cho biệt danh là Sín “đá”.
Sín và Rếch vừa bơi xong một vòng quanh đảo. Cả hai thầy trò lục tục bước lên bờ. Tay Sín xách một xâu cá Sọc dưa lẫn cá Giò còn tươi rói. Tiếng còi báo thức vang lên lên. Cả đảo chạy ra sân xếp hàng tập thể dục. Tiếng hô một... hai..một... hai vang lên hoà trong tiếng gió ngân nga. Sín Say sưa tập cùng anh em. Con Rếch vừa rũ nước khỏi bộ lông vừa ngắm anh em tập thể dục. Nó đang ngồi canh xâu cá vừa bắt được.
Bình minh lên, biển đẹp một cách lạ thường. Bầu trời trong vắt, yên lành. Từng đám mây trắng bồng bềnh trôi. Tia nắng đầu tiên chiếu hàng chữ “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đảo Đ.; Kinh độ...; Vĩ độ...” lấp loá phản chiếu ra xa.
Tập thể dục xong, anh em ùa lại xem sản phẩm mà Sín và Rếch vừa kiếm được. Tân “nhễu” cúi xuống định xách xâu cá vào bếp để làm món ăn sáng chợt nghe tiếng đảo trưởng Hải quát to: “Tân, đứng yên!”. Mọi người giật mình chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đảo trưởng Hải đi lại gần Tân và cúi xuống nhìn vào quần đùi của Tân. Ở gần đũng quần của Tân có một mảng bằng bàn tay bị ướt loang lổ. Đảo trưởng Hải nheo mắt cười, hất hàm hỏi Tân: “Đêm qua lại bắn máy bay phải không?”. Tân đỏ mặt, thẹn thùng phân bua: “Tại vì... đêm qua... em lỡ...!”. Nói rồi Tân cúi xuống xách xâu cá lên và chạy ù vào nhà bếp. Bây giờ mới vỡ lẽ, anh em cả đảo nhìn Tân cười ồ. Sín cũng cười, miệng lẩm bẩm: “A lúi! A lúi!”. Ngoài kia, những cánh hải âu đang mải mê chao liệng trên mặt sóng. Thỉnh thoảng có con lại sà xuống đậu lên mỏm đá mồ côi phía ngoài cửa luồng. Sín thấy mình cũng như con hải âu kia đang thoả thuê vẫy vùng trên sóng nước. Nhiều lúc Sín lại tự ước giá như bản Cỏn của mình cũng có biển để cho bà con biết được cái bao la, rộng lớn của biển, để bà con mình được nếm vị mặn của nước và để được xem Sín bơi lội và bắt cá biển như thế nào. Thôi được, Sín sẽ gom thật nhiều chuyện ở biển để hôm sau về phép Sín sẽ kể cho mọi người nghe, bà con trong bản đang mong Sín về để kể chuyện lắm đây.
*
* *
Hôm nay có tàu từ đất liền ra. Đảo mình có cậu Huy và Toàn về phép cũng ra chuyến này. Nghe tin có tàu ra, cả đảo vui hẳn lên. Ai cũng mong thư và quà của người thân. Anh em túm tụm ngồi đoán những thứ mà đất liền gửi ra. Tuân “máy nổ” lên tiếng đầu tiên:
- Tớ nói không sai, kiểu gì vợ đảo trưởng nhà mình lại chẳng gửi cho chồng một can cà muối và mấy cân ruốc bông!
- Sao biết?- Lừng “pháo thủ” chất vấn.
- Thì mấy lần trước đều thế cả đấy thây!
- Thế còn chính trị viên Quý?- Lâm “thông tin” hỏi.
Tân “nhễu” cướp lời:
- Nhà anh ấy ở ngoài Bắc, chắc vợ chỉ gửi thư thôi. À, mà sẽ có ảnh con gái. Bốn tháng trước anh ấy bảo vợ mình vừa sinh con gái được ba cân tư mà!
- Ừ nhỉ! Thế còn “bố” Tuyên?
- Úi dào, ông này quê Quảng Bình chắc vợ thương nên vợ gửi cho mấy cân ớt bột đây mà!- Tuân “máy nổ” chép miệng.
Nghe vậy, “bố” Tuyên nhảy dựng lên gõ liền mấy cái vào đầu Tuân “máy nổ” rồi nghiến răng trèo trẹo:
- Tiên sư cái thằng láu cá ni, vợ tau mà gửi thứ khác ra thì tau cho mi biết mặt!
Cả đảo cười nghiêng ngả. Sín cũng cười theo. Chính trị viên Quý nhìn Sín xong lại quay sang nhìn anh em:
- Không biết đồng chí Sín nhà mình sẽ có quà gì đây nhỉ?
Cả đảo nhao nhao góp chuyện:
- Một bao tải ngô!
- Một chảo thắng cố!
- Một thúng mận tam hoa!
Lại còn trêu chọc:
- Sín ơi, bảo pa gửi cho một con ngựa ra đây để anh em mình đi chợ tình nhé!
Sín cười nhìn anh em:
- A lúi, chắc là quê em xa quá chẳng ai gửi gì đâu!
- Có đấy Sín ạ, em cứ yên tâm chờ xem! - Quý động viên Sín.
Tàu đến đảo. Đảo chìm không có cầu cảng nên tàu phải neo ở ngoài xa. Một chiếc xuồng máy kéo chiếc xuồng chuyển tải phía sau chở người và hàng hoá dò dẫm vào đảo. Do lịch trình của tàu còn phải đi các đảo khác nữa nên chỉ lưu lại đây hơn một tiếng đồng hồ rồi lại nhổ neo tiếp tục hành trình. Huy và Toàn toe toét cười chào anh em rồi cùng mọi người khiêng vác đồ lên đảo. Tiếng anh em dồn dập hỏi thăm:
- Ở quê có gì mới không?
- Vợ con khoẻ không Huy?
- Em Yến của Toàn ra sao rồi? Đã dạm ngõ chưa?
- Sướng nhé, về thì tha hồ truy lĩnh, ra đi thì ứng hết vốn. Tham lam vừa thôi khỉ ạ!
Huy và Toàn vừa dọn đồ vừa thay nhau trả lời. Đảo trưởng Hải và chính trị viên Quý đang gặp gỡ, làm việc cùng các đồng chí đại diện đoàn công tác. Trưa nay đảo được ăn tươi. Thịt heo, gà, giò lụa, rau, bầu bí, dưa muối được đưa từ tàu vào. Tý nữa Sín và Rếch xuống biển kiếm thêm mấy con cá tươi nấu với dưa thành món canh chua thì ngon tuyệt.
Đúng như Tuân “máy nổ”, Tân “nhễu” dự đoán, ngoài mấy thứ lặt vặt khác thì vợ của đảo trưởng Hải không quên gửi cho chồng cùng anh em một can cà muối to bự và mấy cân ruốc bông. Chính trị viên Quý thì nhận được một tập ảnh gia đình. “Bố” Tuyên tất nhiên là có quà ớt bột. Anh em toàn đảo ai cũng có thư, quà. Mọi người vui sướng bóc ra đọc ngay. Sín nhận được hai lá thư. Một lá của anh Sình và một lá của cô gái có tên Phương Ngọc đang là sinh viên của trường Thuỷ sản Nha Trang mà Sín chưa biết mặt. Sín và Phương Ngọc quen nhau qua thư toạ độ. Cánh lính đảo thường nhận được thư toạ độ của các bạn trẻ khắp nơi gửi ra làm quen. Cầm lá thư anh Sình gửi mà lòng Sín rưng rưng cảm động. Vậy là anh Sình đã học được cái chữ rồi, mừng quá. Anh Sình à, em nhớ anh lắm, mình phải đọc thư của anh trước đã. Sín đi ra phía sau đảo, chỗ khuất nắng bóc lá thư ra đọc. Nét chữ anh Sình nguệch ngoạc, loằng ngoằng như con gà bới thức ăn dưới gầm cầu thang. Thư được viết trên mảnh giấy học sinh đã cũ. Chắc là anh Sình xé vở của thằng cu Páo để viết cho mình đây:
“Bản Cỏn ngày... tháng... năm....
Sín à! Vậy là mày đã xa gia đình, xa cái nương ngô trên núi được mấy mùa rồi đấy! Ở nhà ai cũng nhắc mày. Thằng Páo cứ bảo chờ chú Sín về đưa nó ra sông Pác Kha để dạy nó cách săn cá xộp. Cả bản mình năm nay được mùa ngô Sín ạ. Nhà nào cũng đầy ngô, tha hồ nấu rượu. Pa mé dạo này già yếu lắm rồi. Pa hay ốm lắm. Bữa trước tao phải cõng pa lên đồn biên phòng xin cái thuốc của bộ đội để uống thì con ma mới chịu đi. Pa mé muốn mày xin nghỉ phép để tranh thủ về nhà bắt vợ. Nhà mình đang cần người làm. Vợ chồng tao đi làm trên nương suốt, bận lắm. Chị dâu mày vừa sinh cháu gái, tao đặt tên cho nó là Sẻng La. Con Mỷ nó ưng thằng Lềnh ở bên kia núi Cô Phài rồi. Năm ngoái, chúng nó gặp nhau ở phiên chợ tình rồi ưng cái bụng của nhau. Tháng sau nhà nó sang đây bắt vợ đấy! Nó đi lấy chồng làm tao buồn, pa mé cũng buồn vì thiếu người làm nương. Mày phải về lấy vợ rồi muốn đi đâu thì hãy đi Sín nhé. Pa mé bảo số mày như con nai con hoẵng trong rừng, cứ chạy nhảy suốt thôi. Từ ngày mày đi bộ đội đến nay, con May nhà ở bản Coóng hay đến nhà mình chơi. Nó còn đi ra mỏ nước đầu bản gùi nước về giúp mé nấu ăn. Hình như cái bụng nó ưng mày rồi đấy Sín ạ!
Báo cho mày một tin mừng, tao đã học xong chương trình xoá mù chữ của đồn biên phòng dạy bà con trong bản. Hiện tao được bầu làm đội trưởng sản xuất. Nhưng nó không vui bằng việc tao biết được cái chữ để viết thư cho mày. Mày có nhớ nhà không?Cả bản Cỏn nhắc mày suốt đấy. Bọn cá xộp dưới sông Pác Kha đang chờ mày về để bắt. Mày nhớ giữ gìn sức khoẻ để hôm sau về phép lên nương thu hoạch ngô cùng vợ chồng tao nhé! Thôi tao đi làm đây. Anh trai mày: Sình.”.
Sín ấp lá thư vào ngực. Lá thư nóng hôi hổi. Tim Sín đập thình thịch thình thịch liên hồi. Chà, anh Sình dạo này viết thư đâu ra đấy ghê quá. Chị dâu lại vừa sinh cháu à. Mà con Mỷ sao lại lấy chồng sớm thế nhỉ? Ừ, cái tục của người Mông mình là thế. Mà cũng tại con Mỷ cứ xinh mơn mởn như hoa, hai bắp chân nó trắng như đọt chuối rừng thế thì nó lấy chồng sớm là phải thôi. Mình chỉ thương pa mé ngày càng già, càng héo hon như tàu lá chuối phơi nắng. Mình lại ở xa quá nên không giúp được gì. Ở nhà phải nhờ hết vào vợ chồng anh Sình và em Mỷ. Tại sao cả nhà lại cứ muốn mình lấy vợ bây giờ nhỉ? Chẳng lẽ pa mé và vợ chồng anh Sình chỉ cần người làm nương thôi sao? Không được. Mình là người Mông nhưng bây giờ mình là bộ đội chuyên nghiệp rồi, mình lại vừa được học lớp cảm tình Đảng xong, mình còn phải phấn đấu. Lấy vợ bây giờ à? Nhẻn lắm, nhẻn lắm, chưa được đâu!
*
* *
Đêm khuya. Tiếng gió rít mạnh qua khe cửa từng hồi từng hồi kin kít nghe rờn rợn. Tiếng sóng đập ầm ầm như muốn nuốt chửng cả cái đảo chìm nhỏ nhoi này. Cơn áp thấp nhiệt đới đang vào thời điểm sung mãn nhất. Biển động mạnh. Mấy ô rau trồng trong thùng gỗ bị gió quật nát bươm. Ngoài kia, biển và trời mang một màu đen đặc quánh. Những tảng đá mồ côi gần đảo ngoi lên như đàn thuồng luồng, cá mập đang háu đói chực ăn. Đảo trưởng Hải cầm đèn pin đi kiểm tra bộ phận trực thông tin, sẵn sàng nhận lệnh của trên. Anh bước nhanh xuống cầu thang, rẽ vào kho lương thực soi đèn kiểm tra xem gạo và thực phẩm dự trữ có bị ướt hay không. Mọi thứ được anh em kê cao, phủ bạt nên không hề hấn gì. Đảo trưởng Hải yên tâm về phòng của mình.
Phòng bên cạnh, mấy anh em hầu như cũng chẳng ai ngủ được cả. Con Rếch cũng chui vào phòng nằm dưới giường Sín. Tiếng sóng gào thét, tiếng gió đập liên hồi nghe sốt ruột. Biển hung hãn, lồng lộn như con thú dữ đang tìm cách cấu xé, hạ gục đối phương. Từ chiều nay, toàn đảo đã làm xong công tác chuẩn bị để đối phó với cơn áp thấp có thể gây thành bão này. Tất cả đồ đạc đều được anh em chằng buộc cẩn thận. Sín cùng mấy đồng chí lội xuống nước kéo chiếc xuồng nhôm lên bờ, tháo máy, lật úp xuồng lên và néo dây chắc chắn. Mọi người ở đây thường gọi vui chiếc xuồng là “U oát nước”. Nhờ có “U oát nước” mà anh em thường xuyên chạy tuần tra xung quanh đảo kết hợp thả một sợi cước dài, lưỡi câu được gắn với những sợi dây xanh đỏ rút ra từ bao dứa làm mồi nhử. Chính bài câu chạy này thỉnh thoảng cũng kiếm được vài chú thu bè hay mú hoa to vật để cho Tân “nhễu” trổ tài nấu cháo. Món cháo cá do hắn nấu không chỉ nổi tiếng ở đảo mà còn lan vào mãi tận đất liền. Có cô em ở Đoàn văn công cuối năm ngoái ra biểu diễn, được ăn món cháo cá mú của Tân cứ xuýt xoa khen lấy khen để. Rằng, từ bé tới giờ em mới được ăn một bát cháo cá ngon đến thế. Mấy tháng sau, cô nàng gửi thư và ảnh ra cho Tân. Nàng vẫn thỏ thẻ sẽ có lần quay lại để được thưởng thức món cháo cá tuyệt vời của anh. Đảo vui lây, còn Tân thì sướng phổng mũi. Đúng là số đào hoa, đen như cột nhà cháy mà lại được cô em văn công “bồ kết” mới oách chứ!
Sín nằm gác tay lên trán. Trằn trọc mãi và vẫn không ngủ được. Giường bên cạnh, Tuân “máy nổ” đang gạ Toàn kể chuyện ở quê. Giọng Toàn rủ rỉ, nghe nằng nặng:
- Từ bữa dạm ngõ xong, nàng có vẻ dễ dãi hơn với tau. Cứ rảnh không ai nhìn là tau ghì nàng xuống hôn như chết!
- Sao lại hôn như chết?
- Chú mi hay bắt bẻ nhỉ? Thì có nghĩa là hôn nhau quên cả trời đất chứ còn răng nữa!
- Thế anh đã “tèng téng teng” chưa?
- Thì cũng tàm tạm. Hôm tau chuẩn bị vào trả phép, Yến cũng hơi buồn vì không muốn xa tau. Trước hôm đi, đêm ấy đi dạo xong tau chở Yến về. Hai đứa đang hôn nhau, tau mạnh dạn đè nàng ra cây rơm, vừa thò tay mân mê ngực nàng một tý, đang phê bỗng nghe tiếng “e hèm!”. Hai đứa hoảng hồn vội vàng đứng dậy sửa quần áo. Nhìn vào đã thấy cha nàng đứng sừng sững trước cửa. Yến nói nhỏ vào tai tau: : “Thôi, anh về đi kẻo mai lên ga muộn giờ!”. Tau xấu hổ với ông cụ quá, vội vàng chào ra về!
- Đen thế!
- Ừ, Thôi đành phải chờ sang năm về cưới vậy!
Tuân và Toàn rúc rích cười. Sín cũng bật cười theo vì câu chuyện ngồ ngộ của Toàn mà anh vừa nghe lỏm được.
*
* *
Đang mơ màng ngủ, tín hiệu báo động khẩn cấp vang lên. Cả đảo choàng dậy, Sín mở cửa lao lên phòng giao ban. Đảo trưởng Hải thông báo vừa nhận được tín hiệu cấp cứu của một chiếc tàu cá bị nạn ở gần đảo. Chắc là tàu cá của ngư dân mình chạy vào đây tránh bão thì đâm vào đá mồ côi và bị sóng đánh chìm đây. Đảo trưởng Hải ra lệnh thả xuồng. Sín xung phong đi cứu nạn. Đảo trưởng đồng ý và cắt cử thêm chính trị viên Quý và Tuân “máy nổ” cùng đi. Con Rếch nhanh nhảu nhảy phóc lên xuồng. Sín cùng anh em nhanh chóng thao tác chuẩn bị. Cả ba người khoác vội áo phao rồi rọi đèn pin, nổ máy chiếc “U oát nước” lao đi về hướng có ánh đèn cầu cứu. Trời vẫn mưa, sóng vẫn đánh liên hồi. Cả đảo đứng dưới mưa chăm chú theo dõi chiếc “U oát nước” cứ xa dần xa dần, ánh đèn pin mờ nhạt rồi mất hẳn dưới những cơn sóng đang tung ngầu bọt trắng xoá.
Phải khó khăn lắm chiếc “U oát nước” mới tiếp cận được tàu cá bị nạn. Chiếc tàu đã bị chìm gần hết, chỉ còn lại phần mũi nhổng lên trên mặt nước. Hễ “U oát nước” áp sát lại phần mũi tàu thì lại bị sóng xô bật ra. Quý vừa soi đèn vừa tung cuộn dây sang phía tàu cá để cố định khoảng cách. Tuân “máy nổ” đang căng mình điều khiển cho “U oát nước” chạy ngược sóng để tránh bị đánh chìm. Những cánh tay chới với, tiếng kêu la cầu cứu dưới làn nước lạnh buốt, đen ngòm vang lên thất thanh. Không thể chần chừ được, Sín lao xuống biển. Anh rướn mình bơi ra phía có cánh tay đang vùng vẫy tuyệt vọng. Sín vội nắm lấy tóc người đó rồi vừa bơi vừa kéo về “U oát nước”. Quý và Tân “máy nổ” vội kéo người thanh niên có khuôn mặt nhợt nhạt kia lên. Sín lại tiếp tục lao ra phía mũi tàu . Có hai người đang ôm chiếc can nhựa đạp nước cố gắng tiến về xuồng. Sóng cứ chồm lên, nước tạt vào mặt mọi người như roi quất. Nước mặn chát làm mắt Sín cay xè. Sín vẫn bơi và đảo mắt kiếm tìm.
Một người…
Hai người…
Bốn người…
Bảy người…
- Còn một người nữa, thằng Tư Rớt!- Tiếng ông già nằm trên xuồng thều thào, đứt quãng. Máu chảy loang lổ khắp khuôn mặt trắng bệch của ông.
- Kia rồi!
Chính trị viên Quý thét lên. Anh lia đèn pin ra xa. Một mảng xốp trắng mập mờ đang bị những cơn sóng nhận trồi lên ngụp xuống. Người thanh niên đang gắng sức bám vào mảng xốp đó, một tay giơ lên chấp chới ra hiệu, ánh mắt cầu cứu, van lơn. Quý vội rút dao cắt dây néo với mũi tàu. Tuân “máy nổ” tăng ga cho chiếc “U oát nước” đè sóng vọt lên. Chiếc xuồng trềnh lên nghiêng ngả như muốn lật úp bất cứ lúc nào.
Sín kéo được nạn nhân về gần đến xuồng thì bất ngờ một con sóng chồm lên hất tung Sín và người thanh niên văng ra. Chính trị viên Quý lao xuống, bơi ra, nắm được nhúm tóc của nạn nhân. Quý lấy hết sức đạp nước, sải một tay về mạn xuồng. Tiếng Tuân “máy nổ” gào lên át tiếng sóng gầm: “Cố lên! Cố lên! Sắp tới rồi! Sín đâu rồi? Sín ơi!”.
Biển vẫn đen thẫm đến rợn người. Gió rít. Sóng giật liên hồi như con quái vật bị trọng thương. Những ánh mắt thất thần, nháo nhác nhìn biển. Con Rếch chống hai chân lên mạn xuồng rên ư ử. Nó khóc. Nó đang muốn cất tiếng gọi: “Sín ơi! Sín ơi!…”.
*
* *
Vùng cao năm nay mùa xuân đến sớm. Hơi lạnh từ những dãy núi đá phả ra như cứa vào da thịt. Những làn mưa bụi mỏng tang rắc từ đỉnh Cô Phài xuống, len lỏi vào các khe ngách dưới lòng thung. Khắp các nương vườn giữa lưng chừng núi đậm một màu trắng muốt của hoa lê, hoa mận. Các ngả đường dẫn về chợ huyện người, ngựa nhiều như hoa rừng mới nở. Tiếng cười nói, tiếng nghêu ngao hát lượn vang vọng thung sâu. Ai cũng muốn có mặt trong phiên chợ cuối năm để tha hồ bán mua, để uống rượu và được say. Năm nay được mùa, lúa ngô đầy nhà. Ai cũng muốn sắm nhiều đồ để đón một cái Tết thật to.
Bản Cỏn hôm nay có khách. Một đoàn khách lạ từ miền Trung lên. Họ có ba người. Hai nam, một nữ. Hỏi thăm mãi, đi mãi mới tìm được gia đình anh Sình. Thấy khách lạ đến nhà, thằng Páo đang ngồi mài nhọn mũi sắt dùng để xiên cá vội chạy lên cầu thang gọi ông bà nội. Nhà trống huơ. Vợ chồng Sình đi chợ chưa về. Hai ông bà lão đang ngồi sưởi bên bếp lửa. Ánh lửa bập bùng soi rõ những nếp nhăn nheo trên gương mặt họ.
Trên bàn thờ, tấm ảnh của Sín mặc áo quân phục đang cười tươi để lộ hàm răng trắng muốt như hoa mận. Cạnh đó là tấm bằng “Tổ quốc ghi công” được đặt trong khung bằng gỗ săng lẻ chắc nịch mà anh Sình mới đóng.
Khánh Ngọc vừa cắm nhang lên bàn thờ vừa sụt sịt khóc. Bên cạnh, Tư Rớt, anh trai cô cùng ông già bị nạn năm nào chắp tay khấn vái.
Ngoài kia, sương giăng một màu trắng đục khắp nương bản. Tiếng hát lượn vẫn còn vang vọng xa xa…
Muôn nẻo trần ai
Tôi về đến quê vào đúng giữa trưa tháng Sáu. Cái nắng như con quái vật đang lúc say đòn nhất thét ra từng chùm lửa cộng với gió Lào quét ràn rạt như muốn thiêu đốt, liếm sạch cả thẻo đất miền Trung.
Đã gần hai chục năm xa quê, tôi luôn nhớ lời cha dặn từ lúc mới bắt đầu khoác ba lô ra khỏi nhà: “Con ở mô, làm chi thì đến ngày ba mươi tháng tư âm lịch cũng cố gắng thu xếp công việc để về quê giỗ hợp kỵ cố can ông bà!”. Ngoài ngày tết, ngày rằm tháng giêng ra thì ngày giỗ hợp kỵ còn là ngày gặp mặt đông đủ mọi người trong đại gia đình tôi. Dù cho anh em con cháu tứ tán làm ăn khắp nơi nhưng cứ đến ngày này đều về thắp hương tưởng nhớ các cụ. Cha tôi là tộc trưởng, tôi là con cả nên trách nhiệm nặng nề hơn. Vì anh em, con cháu đông nên nhà tôi phải làm chiếc rạp trước sân để che nắng và bày biện hơn chục mâm cơm mời bà con chòm xóm và con cháu đến dự. Ngày giỗ tuy đúng vào dịp thời tiết nắng nóng, việc nhiều, ai cũng mệt nhưng vui đáo để. Cho nên, dù có xa cách mấy, bận đến mấy tôi cũng cố gắng về bằng được. Nếu năm nào không đưa vợ con về được thì tôi về một mình. Năm ngoái, đúng vào ngày giỗ ở quê thì tôi phải cùng đoàn cán bộ của cơ quan đi khảo sát xây dựng nhà máy thuỷ điện mãi trong Đắc Nông nên không thể về được. Tôi ngập ngừng gọi điện về báo tin này cho cha, mong cha đừng buồn. Cha tôi trầm tĩnh bảo: “Thôi, công việc của nhà nước thì cứ phải chấp hành cho nghiêm, chỉ có điều anh không về được thì kém vui!”. Tôi biết vậy nhưng làm sao có thể hoãn lại được chuyến công tác của mình một khi sếp đã điểm mặt chỉ tên.
Năm nay, con gái bận thi chuyển cấp, vợ tôi phải ở lại chăm sóc cháu nên chỉ còn tôi về đại diện. Năm rưỡi sáng tôi hăm hở dắt xe máy ra cổng, vợ tôi lễ mễ xách mấy thứ đồ mà nàng chuẩn bị tối qua để đưa tôi ra bến xe về quê. Vợ tôi giục tôi chạy nhanh ra bến kẻo muộn giờ xe chạy. Đường vắng, tôi vít ga trực chỉ hướng bến xe lao đi trong không khí mát mẻ của sáng sớm tinh mơ.
*
* *
Chiếc xe khách máy lạnh dừng xịch ở ngã tư thị trấn. Một chiếc xe khác ngược chiều chạy qua làm đám bụi đỏ quạch vẩn lên mù mịt. Thấy chiếc xe dừng lại, đám xe ôm khoảng chục vị đang trú nắng dưới gốc cây gạo bên đường ào ra, bu kín lấy cửa xe. “Về mô?”. “Anh ơi về mô em chở?”. “Áo xanh của tau!”. “Bà bụng chửa của tau!”. “Đ. mẹ thằng ni, ông áo trắng của tau răng mi lại cướp? Tau đập cho dập mặt bây giờ. Bác ơi, về mô để cháu chở cho mồ?”
Tiếng kêu mời tranh giành khách náo loạn, ầm ĩ cả một đoạn đường.
Chờ cho mọi người xuống hết, tôi bước ra ra khỏi xe. Hơi nóng hầm hập như chiếc lò rèn trước mặt phả vào người làm tôi thở dốc. Mồ hôi bắt đầu túa ra ướt đẫm áo pull. Một bàn tay vỗ nhẹ vào vai tôi kèm theo tiếng hỏi:
- Về mô anh ơi?
Tôi quay sang phải. Một gã đeo khẩu trang, đầu đội chiếc mũ bảo hiểm to lù lù bao quanh gần hết khuôn mặt. Ánh mắt đang nhìn tôi vẻ cầu cứu bỗng dưng thoáng chút ngạc nhiên rồi chùng xuống. Tôi không hiểu tại sao. Mà thôi, mặc kệ. Trời nắng như rang, đứng đây như tra tấn. Tôi hỏi nhanh:
- Về xóm Lụt bao nhiêu?
- Ba chục!
- Hai lăm đi không?
- Cũng được!
Gã xe ôm nói xong quay ngay vào gốc cây gạo lấy xe, nổ máy và đưa mũ bảo hiểm cho tôi. Hắn rỉn ga rồi lao đi. Nắng rát rạt. Hai bên đường cây cối rũ rượi, thê lương.
Đang đi trên đường đê cạnh bờ sông để về nhà tôi. Gã xe ôm quay lại ngập ngừng hỏi tôi:
- Chắc ông về ăn giỗ?
Tôi giật mình hỏi lại:
- Ừ, đúng rồi. Nhưng ông là ai?
- Toàn đây!- Gã vẫn cắm cúi chạy xe.
- Toàn nào? Toàn “Du” á?- Tôi uồm người ra trước mang tai gã hỏi to.
Hắn gật đầu. Tôi thẫn thờ buông nhẹ hai tay khỏi hông gã. Chẳng lẽ lại là Toàn “Du” đây sao?
Chiếc xe dừng ngay dưới gốc phượng trước cổng nhà tôi. Hoa phượng đỏ rực. Tiếng ve kêu inh ỏi. Tôi nhảy xuống quệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt rồi bảo với gã:
- Ông bỏ mũ mão, khẩu trang ra rồi nghỉ cho mát tý đã rồi hẵng về!
Tôi nói vậy nhưng thực chất là muốn nhìn rõ mặt của gã, xem gã có đúng là Toàn “Du” như gã nói không. Gã cởi ngay chiếc mũ bảo hiểm và khẩu trang ra rồi nhìn tôi cười cười:
- Đã đúng là Toàn chưa?
- Toàn “Du”, đúng là Toàn “Du” rồi! Sao lại đến nông nỗi này hả Toàn?
Tôi kinh ngạc kêu lên. Đúng là thằng Toàn rồi nhưng trông nó bây giờ khác quá. Khuôn mặt đen cháy, gầy queo. Râu ria lởm chởm trông thảm hại vô cùng.
- Răng, lạ quá hả? Không nhận ra hả? Sáu, bảy năm rồi không gặp nhau thì phải khác chứ. Còn nhiều cái khác nữa đấy ông ạ. Thôi vô nhà đi kẻo ông bà già mong, tôi đi đây!- Toàn vừa nói vừa cười vẻ chua chát rồi định quay đầu xe nhưng tôi vội giữ tay lái lại.
- Khoan, khoan!- Tôi vừa móc ví vừa nói- Để tao gửi tiền mày đã!
- Tiền, tiền cái con khỉ, chở giúp nhau đoạn đường chớ có chi ghê gớm mà phải tiền với nong. Vô nhà đi!- Toàn vặc lại rồi đẩy tay tôi ra để quay xe.
- Toàn này- Tôi vỗ vai Toàn- lâu lắm rồi không gặp nhau, tình cờ gặp mày ở đây tao thay mặt gia đình mời mày trưa mai sang nhà tao giỗ các cụ!
- Thôi, thôi ông thông cảm, tôi không thể đến được!
- Tại sao?
- Thằng như tôi giờ dám vác mặt đi đâu đâu, ngại lắm, ông thông cảm cho!
- Mày gặp chuyện gì vậy?
- Ông không biết chuyện gì à?
Tôi lắc đầu khó hiểu.
- Chuyện dài lắm Thái ạ! Thôi thế này, tối mai xong việc tôi mời ông đến nhà tôi chơi, uống với nhau hớp nước rồi ta nói chuyện. Mà lâu rồi không biết ông có còn nhớ nhà tôi không đấy?
Tôi xẵng giọng:
- Mày toàn hỏi vớ vẩn. Sao lại không nhớ! Thôi thế cũng được, tối mai xong việc tao xuống nhà mày chơi. Tao vào nhà đây, cảm ơn nhé!
Tôi xách đồ đẩy cánh cổng bước vào nhà mà lòng trĩu nặng băn khoăn. Thằng Toàn nghe nói khá lắm cơ mà? Sao giờ lại đi làm xe ôm? Con chó vàng trong nhà thấy có người bất chợt lao ra sủa om sòm làm tôi bừng tỉnh. Nắng găm đầy mặt. Nắng hơ chín mấy tàu lá chuối rủ bên hiên nhà.
*
* *
Tôi và thằng Toàn “Du” chơi thân với nhau từ bé. Chính xác hơn là chơi thân với nhau từ bé đến khi học hết cấp ba. Du là tên cha nó. Quê tôi thường gọi tên con đính kèm tên cha hoặc mẹ theo sau như một hỗn danh. Nhà tôi ở xóm Lụt, nhà nó ở xóm Tràng. Hai làng cách nhau một cánh đồng lạc chạy dọc bờ sông Lam. Mẹ Toàn làm nghề buôn bán vặt ở chợ nên từ bé hắn thường xuyên ra bán hàng giúp mẹ và đã bộc lộ năng khiếu là một đứa có nhiều mánh khoé, láu lỉnh để kiếm tiền bằng những chiêu độc. Hồi cấp hai hắn đã biết lấy cám và bánh đúc nhét đầy diều của những con ngan, vịt, gà cho nặng cân để bán. Có lần sang nhà chơi tôi còn thấy hắn còn lấy cả những con bu lông xe đạp nhét vào hậu môn của cả lồng ngan sau khi cho ăn cám và bánh đúc. Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên. Hắn nhếch mép cười tinh quái: “Hì...hì, bình thường thôi!”.
Lên cấp ba, trong khi đa số bạn bè cùng lớp còn đang phải ăn mặc lếch thếch, chân đi dép tông vẹt gót thì Toàn đã có xe đạp mi ni Nhật đi học. Quần áo phẳng phiu, túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền. Hắn đẹp trai, ăn nói dẻo quẹo nên khối cô bạn cùng trường chết mê chết mệt. Cánh con trai chúng tôi đều nuốt nước bọt thèm thuồng. Tôi còn nhớ hồi nghỉ hè, hắn đã dám cả gan đem mấy tạ vừng nhảy xe từ quê vào Sài Gòn để bán kiếm lời. Sau khi trở về, biết được giá vừng đen trong đó cao hơn vừng trắng rất nhiều nên hắn đã nghĩ ra cách mua vừng trắng về rồi lấy thuốc nhuộm tóc của Trung Quốc hoà vào chậu và nhuộm vừng trắng thành vừng đen phơi khô chở vào bán. Cho dù trí tưởng tượng của tôi có phong phú đến đâu cũng không thể nghĩ được những quái chiêu mà Toàn đã làm. Nhưng đó là chuyện làm ăn của hắn chứ còn đối với tôi nó chơi rất thân tình. Tôi rất quý hắn.
Hồi đó, gia đình tôi cũng rất vất vả. Cha tôi vừa nghỉ hưu. Mẹ tôi cũng vừa về nghỉ mất sức. Mẹ tôi xoay ra nấu chè đỗ đen gánh lên thị trấn bán. Ngoài giờ học, tôi thường nấu chè cho mẹ bán. Toàn đến chơi, thấy tôi đang hì hụi thổi lửa nồi chè hắn rỉ tai: “Bây giờ đường đắt, nấu chè toàn bằng đường cả thì không có lời đâu, tao có cách!”. Tôi vồ vập hỏi bí quyết thì được hắn kín đáo hướng dẫn rằng một nồi chè chỉ nấu một phần ba đường thôi, còn lại thì phải cho mật mía vào. Mật mía ở quê rất rẻ. Tôi thắc mắc: “Nhưng mật mía thì mùi lắm, người ta phát hiện được?”. “Mi ngu lắm, phải biết cách khử cho mất mùi mật đi chứ!”. Rồi tôi làm theo hắn. Tôi bí mật ra chợ mua một can mật mía về giấu kín. Đến khi nấu chè thì đổ mật ra nồi nấu lên. Đến khi mật sôi thì cho vào một cục vôi bằng đầu ngón tay. Bí quyết của thằng Toàn hay thật. Quả nhiên mùi mật bay hết. Thế là tôi áp dụng theo “sáng kiến” của hắn được mấy hôm thì bị mẹ tôi phát hiện ra và cấm tiệt. Mẹ tôi bảo: “Kiểu ni chỉ có thằng Toàn “Du” bày cho mi làm rồi. Đừng có ham giàu mà làm chuyện bậy bạ con ạ!”. Tôi van mẹ đừng nói chuyện này ra cho cha biết, nếu không thì rắc rối to. Thâm tâm tôi vẫn thầm cảm ơn thằng Toàn vì ít nhiều hắn đã dạy cho tôi những mánh khóe đầu tiên trong đời dù là vặt vãnh nhất để kiếm tiền. Những tưởng với một kẻ có nhiều kinh nghiệm buôn bán được tích lũy suốt thời học sinh phổ thông, Toàn sẽ đi lên ở chốn thương trường. Nhưng không, đời hắn lại ngoặt sang một lối rẽ khác. Lối rẽ đã đưa hắn đến với biết bao sóng gió cuộc đời, để hắn phải chịu những trò đùa dai dẳng của số phận.
Hết cấp ba, tôi vào đại học, Toàn đi nghĩa vụ quân sự. Thời gian cứ thế cuốn đi. Sau này mỗi đứa ở một nơi, đều có cuộc sống riêng nên tôi và Toàn cũng ít liên lạc dần. Tình cảm vì thế cũng dần nhợt nhạt. Mười mấy năm nay tôi không gặp hắn. Tôi biết vợ chồng hắn đều làm ở uỷ ban huyện. Hắn mua đất làm nhà trên đó. Cuộc sống nghe nói cũng ổn. Tôi mừng cho vợ chồng hắn. Định bụng một lúc nào đó về quê sẽ lên nhà hắn chơi nhưng cứ lần lữa mãi mà vẫn chưa thực hiện được. Mỗi lần về quê chỉ một hai ngày, vội vội vàng vàng như ma đuổi. Xong công việc là tôi lại phải ra thành phố ngay. Vợ tôi nói đúng: “Trông anh như con lật đật, lúc nào cũng tất bà tất bật. Ngồi chưa nóng đít đã nhổm đi. Kiểu này còn khuya mới giàu được. Rõ chán!”.
*
* *
- Thế là hết! Đời tao giờ còn chi nữa mô hả Thái?
Tôi ngậm ngùi nuốt ngụm rượu đắng ngắt vào cổ. Khổ thân hắn. Mẹ hắn đã mất được năm năm rồi. Ông Du thì bị tai biến nằm bẹp trên giường hơn hai năm nay. Mấy đứa em cũng đi làm ăn xa cả. Ngôi nhà của vợ chồng hắn trên thị trấn từ hồi xảy ra cơ sự đành phải bán chia đôi, hắn về nhà cha mẹ ở. Vợ hắn cũng bỏ xứ đi rồi. Miệng ăn núi lở, tiền bạc cứ dần đội nón ra đi. Nỗi buồn thê thiết cứ đè nặng tâm trí tôi. Gió khuya thổi nhẹ làm mấy tàu lá chuối ngoài vườn khua rột roạt. Đàn muỗi cứ vo ve xung quanh người, thỉnh thoảng lại đốt tôi một mũi làm ngứa ngáy khó chịu. Mặc kệ. đêm nay tôi quyết ở lại nhà Toàn để nghe hắn kể nốt cái quãng đời của hắn trong thời gian tôi và hắn xa nhau.
Toàn tự nhận hắn là người may mắn. Mà đời hắn cũng có lúc may mắn thật. Xuất ngũ với tấm bằng lái xe được học trong quân đội, hắn lơ ngơ vác ba lô về quê. Ban đầu hắn lái xe tải thuê chạy hàng tuyến Móng Cái. Sau đó, nghe bạn bè rủ rê thấy bùi tai, hắn phăm phăm vào rừng Buôn Gia Wầm trong Tây Nguyên để lái xe Reo chở gỗ lậu thuê. Làm nghề lái xe cho đám này kể ra cũng mạo hiểm thật, vất vả thật nhưng được cái lương cao. Mỗi cánh rừng sau khi bị hạ sát, hắn có nhiệm vụ đánh xe vào cẩu gỗ lên rồi chở ra bãi tập kết. Ngày lại ngày hắn cần mẫn làm việc. Sau hai năm thì hắn đã trang bị được cho mình một bản lĩnh chai lì trước các tình huống xảy ra trong rừng như đụng độ giữa các nhóm lâm tặc hay những cuộc đánh xe tháo chạy hết sức ngoạn mục trước sự truy đuổi của lực lượng kiểm lâm. Công việc của hắn bỗng nhiên bị khựng lại vào một ngày mưa tầm tã. Hôm đó, hắn đang chở một xe gỗ lặc lè ra gần đến bìa rừng thì dính chấu. Mấy ông công an, kiểm lâm chợt xuất hiện trước mũi xe. Súng ống, roi điện tua tủa. Những ánh mắt sắc lẹm nhìn hắn chằm chằm. Hắn rơi vào tình thế hết sức nguy cấp. Tiến cũng không được mà lùi cũng chẳng xong. Hắn thấy mình lúc này như một con nhặng xanh bị mắc vào mạng nhện. Con nhặng sẽ bị chết nếu như không thoát ra khỏi tấm lưới khổng lồ này. Sau mấy giây định thần, hắn đạp mạnh cửa ca bin nhảy xuống rồi cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng. Mặc cho bùn nhão bê bết người. Mặc cho gai cào xước mặt mũi chân tay. Mặc kệ tất. Hắn cứ chạy. Cuối cùng thì hắn cũng về được lán của mình trong rừng. Hắn kịp vơ vội mấy bộ quần áo ẩm mốc, hôi hám nhét vào chiếc túi du lịch. Còn hơn một tháng lương chưa nhận. Thôi, cho chúng mày luôn, tao xéo đây. Hắn tặc lưỡi. Vậy là hắn bỏ của chạy người. Hắn cắt rừng tìm đường tắt đi ra quốc lộ để bắt xe đò về Bắc, bỏ mặc những tiếng cưa máy đang ăng ẳng thét lên trong rừng sâu. Đám sơn tràng kia vẫn chưa hay biết gì về sự việc xảy ra ở ngoài bìa rừng. Họ vẫn say sưa làm việc như những tên đao phủ đang hành hình những thân cây vô tội. Những thân cây cứ thay nhau đổ rạp. Lũ chim chóc kêu la thảm thiết, hoảng hốt đập cánh bay đi bỏ lại đằng sau mảnh rừng như cái đầu người bị phạt từng mảng tóc.
Toàn lại về quê. Có chút tiền trong túi cộng với cái mác đẹp trai, khéo nói, hắn xin được chân lái xe cho xí nghiệp gỗ của huyện. Hắn lấy vợ. Vợ hắn cũng là công nhân của xí nghiệp trông trắng trẻo, phây phây.
Sau gần năm năm ở xí nghiệp gỗ, chẳng hiểu Toàn quan hệ kiểu gì mà lại xin về được đội xe của ủy ban huyện. Phải nói rằng, Toàn tuy còn trẻ nhưng tay lái thuộc hàng cứng cựa nên cũng có tiếng hồi còn bên xí nghiệp gỗ. Có một vụ tai nạn xảy ra làm thay đổi cuộc đời hắn. Tay Sinh lái xe chở chủ tịch Uy đi liên hoan ở huyện bên về. Ban đêm đường vắng, Sinh mát ga mát số. Đột nhiên có chiếc xe máy chở hai thanh niên trong xóm lao ra. Sinh hốt hoảng đạp phanh nhưng không kịp. Một chết. Một bị chấn thương sọ não giờ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Chiếc ô tô giập một bên mũi như vừa bị một cú đấm tạt ngang. Chủ tịch Uy mặt cắt không còn giọt máu. Sinh lập tức bị nghỉ việc. Công an vào cuộc xử lý sự vụ. Vậy là cái tên Toàn ngay lập tức lọt vào mắt xanh của chủ tịch Uy. Chẳng bao lâu, với khả năng của mình, Toàn đã chiếm được cảm tình và sự ưu ái của sếp. Toàn tận tuỵ hết lòng cúc cung sếp. Biết giữ mồm giữ miệng, đặc biệt là biết cách chiều những sở trường, sở đoản và những thú vui của sếp. Toàn hiểu ý sếp nhanh chứ chẳng phải như gã Sinh lù khù kia. Chết là phải. Một thời gian sau thì Toàn cũng xin cho vợ vào làm nhân viên văn thư của uỷ ban huyện. Nghĩ lại Toàn mỉm cười vì cái số của hắn tưởng như chó đòi nhưng cuối cùng hoá ra lại đẹp như hoa. Bằng sự láu lỉnh của mình, hắn đã nhờ cái bóng của chủ tịch Uy mà làm được khối việc. Khối tay cán bộ các xã, hay cả huyện đều phải qua tay hắn để nhờ vả công việc, tất nhiên là phải có phần trăm. Đời sướng thế còn gì bằng!
*
* *
Nói đến cái tên Lại Vũ Uy thì cả huyện Đông Lâm này ai ai cũng biết. Đơn giản, vì ông là chủ tịch của cái huyện vùng bán sơn địa này. Chủ tịch Uy có thân hình cao lớn. Khuôn mặt vuông vắn. Cái mũi hơi khoằm. Cặp môi dày. Lông mày rậm. Đôi mắt hơi bé. Vành tai cũng có thành có quách nhưng dái tai lại hơi nhỏ, không sệ. Mái tóc lấm tấm hoa râm được rẽ ngôi thẳng tắp trông ông mới lịch thiệp làm sao. Sau bao thăng trầm lận đận, con đường công danh của ông giờ đã rộng thênh thênh. Ông tự nhủ rằng, lên đến được chức chủ tịch huyện là đỉnh cũng cao muôn trượng. Ông cũng chẳng cần kê kích bon chen nhau để leo lên ghế cao hơn làm chi cho mệt. Đời ông thế là mãn nguyện lắm rồi. Cố thêm vài năm nữa đủ tuổi là hạ cánh an toàn. Về nhà vui vầy với gia đình, con cháu chứ sống trong cái môi trường luôn phải căng óc ra để giữ ghế này ông cảm thấy mỏi mệt lắm rồi.
Chủ tịch Uy có một sở thích đáng yêu là làm thơ và hay nói chuyện văn chương. Hễ gặp ai có máu me văn nghệ một tý là ông sà vào hàn huyên, tâm sự không biết chán. Lần nọ, ngành văn hoá huyện mời ông dự Hội nghị công tác ngành. Họ mời ông lên phát biểu ý kiến chỉ đạo. Ông say sưa nói. Cả hội trường im phăng phắc lắng nghe. Mọi ánh mắt đổ dồn nhìn ông hau háu như chực nuốt từng lời vàng ý ngọc của vị chủ tịch đáng kính. Lúc sắp kết thúc bài phát biểu, ông nổi hứng xin phép mọi người đọc bài thơ của mình mới làm để mừng thọ mẹ. Ông nhẩn nha đọc:“Sống tới tám mươi chẳng phải người/Mà là Tiên, Phật ở trên trời/Sinh được hai con là kẻ trộm/Trộm quả đào tiên kính dâng Người”.
Ông Uy đọc xong, cả hội trường vỗ tay rần rật tán thưởng. Ông nhìn xuống với cảm xúc lâng lâng sung sướng. Duy chỉ có tay Bái trưởng phòng văn hoá là cúi gằm mặt xuống bàn thản nhiên uống nước. Ông thừa biết nó là kẻ không thích ông nói chuyện văn chương. Ông vẫn còn nhớ tháng trước, tay Bái đã làm ông một phen bẽ mặt. Chuyện là khi đi giao ban về qua phòng Bái, ông ghé vào. Bái đang tiếp hai tay phó chủ tịch văn xã của hai xã sâu nhất huyện. Sau mấy tuần trà, nói vài ba câu chuyện, liếc thấy tờ báo “Văn nghệ” để trên bàn, ông với tay lấy xuống xem qua. Tợp chén nước xong, ông chỉ tay vào tờ báo rồi gật gù:
- Cái thằng cha “Văn nghệ” này thế mà hay đáo để. À, mà các cậu có biết “Văn nghệ” nghĩa là gì không?
- Dạ... thưa anh...!- Mấy tay cấp dưới gãi đầu gãi tai ấp úng.
Chủ tịch nhìn khắp lượt rồi cười cười:
- Bất ngờ quá hả? Các cậu làm văn hoá mà cứ như gà mắc tóc vậy? Tôi mới chỉ hỏi thế thôi mà đã ngắc ngứ rồi. Đơn giản thôi, văn là văn học, nghệ là nghề. Nghĩa là văn học là một nghề. Hiểu chưa?
Hai tay cán bộ xã cười toe toét: “Thủ trưởng quả là sâu xa, vậy mà chúng em không nghĩ ra. Thủ trưởng tài thật!”.
Tay Bái cũng nhếch mép cười nhưng ánh mắt của nó như giễu cợt, kinh bỉ ông. Quái lạ, mình có nói gì sai đâu mà nó lại có cái kiểu nhìn mất dạy ấy nhỉ? Hay là nó còn tức ông việc hôm nọ nó lên xin ông ký duyệt kinh phí cho ngành văn hoá mà bị ông cắt bỏ đi một nửa. Thôi được, mày cứ chờ đấy thằng khốn ạ. Dân văn hoá mày là thâm lắm, tao biết. Có dịp tao sẽ cho mày biết tay tao. Không tài giỏi gì đâu, chưa đỏ đít đã đòi làm khỉ đột. Ông ném ánh mắt vào thẳng mặt tay Bái rồi lững thững về phòng.
Chủ tịch Uy kéo ngăn bàn háo hức lấy cái phong bì mà tay giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Tuế đang thi công công trình chống hạn của huyện mới biếu sáng nay. Nét mặt ông hân hoan khi cầm trên tay những tờ đô la mới cứng. Ông say mê ngắm nghía chúng và chợt nhận ra ông tổng thống Mỹ cũng đang nhìn ông cười hiền lành. Thằng cha này chơi đẹp đấy. Được lắm. Ông lẩm bẩm.
Có tiếng gõ cửa cắt ngang những giây phút sảng khoái của chủ tịch Uy. Ông cau mày cất vội xấp đô la vào ngăn bàn rồi hẵng giọng: “Vào đi!”. Một khuôn mặt xinh xẻo đang lấp ló ngoài cửa. À, thì ra là cô Hoa văn thư vợ thằng Toàn lái xe. Ông hơi ngỡ ngàng vì con bé dạo này xinh đáo để. Hoa ôm một xấp công văn đi vào tươi cười bảo ông:
- Chào chú ạ. Chú nhận giúp cháu một ít công văn ạ!
Hoa nhẹ nhàng để xấp công văn xuống bàn đứng chờ sếp xem qua. Ông Uy ngước mắt nhìn Hoa. Trời, đúng là gái một con có khác. Bẵng đi một thời gian không để ý, hôm nay trông Hoa thật tràn trề sinh lực, rừng rực sức sống như thể muốn đốt cháy cái tuổi xế chiều của ông. Ta phải ngắm con bé này một tý đã. Ông Uy mỉm cười rồi nhỏ nhẹ bảo:
- Cô Hoa pha cho tôi ấm chè rồi ngồi đây chơi nói chuyện một lúc. Lâu rồi tôi không gặp cô!
Hoa ngoan ngoãn “Dạ!” rồi rót nước pha trà. Ông Uy bước sang bàn uống nước ngồi xuống hỏi han Hoa nhiều chuyện, cốt là để kéo dài thời gian ngắm Hoa. Tranh thủ lúc Hoa đang mải dạ thưa trả lời, ông Uy kín đáo liếc Hoa. Cô ấy có nước da trắng trẻo, khuôn mặt bầu bĩnh, mái tóc xõa ngang vai. Hoa bẽn lẽn cười để lộ chiếc lúm đồng tiền xinh xinh và hàm răng trắng đều. Chiếc áo ngắn tay mỏng của Hoa như khoe với ông hai cánh tay mũm mĩm và bộ ngực căng tròn ẩn sau chiếc coóc xê đen thẫm. Ông Uy lặng lẽ nuốt nước bọt rồi tươi cười nhìn Hoa. Ánh mắt ông thoáng chút ngây dại. Chà, thằng Toàn có phúc lấy được con vợ xinh thật. Ông lại thoáng buồn khi nghĩ đến bà vợ khọm của mình. Đã già, xấu lại còn bệnh với chả tật. Tiền bạc chẳng thiếu, thuốc thang đầy đủ mà bệnh vẫn hoàn bệnh. Ban đêm nằm cạnh cứ nghe tiếng tiếng thở khò khè, the thé như tiếng mèo hen mà phát khiếp lên được. Thực tình thì thỉnh thoảng thằng Toàn vẫn chở ông đi giải quyết khâu bí ở một địa chỉ hết sức kín đáo, bí mật. Vừa rồi cái nhà hàng đó bị công an phục kích bắt quả tang mấy đôi nam nữ đang mua bán dâm. Nghe vậy mà ông Uy sởn hết da gà. May mà hôm ấy mình ở nhà. Vô phúc hôm đó mà mò vào lớ ngớ bị tóm thì đứt cước chứ chẳng chơi. Thôi, đành phải tạm thời nhịn một thời gian để thằng Toàn đi kiếm một địa chỉ khác an toàn hơn vậy. Ông Uy tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Hoa bẽn lẽn nhìn ông cười rồi xin phép ra về. Ôi đôi mắt cô em mới lúng liếng làm sao! Ông Uy chết lặng người. Mắt dán chặt vào bộ ngực cứ phập phồng theo nhịp thở. Bản năng khát thèm trong ông trỗi dậy, ông đứng lên chìa tay ra trước Hoa, miệng lắp bắp: “Hoa về nhé!”. Hoa nhẹ nhàng đặt bàn tay mình nằm gọn trong bàn tay nải chuối của ông. Ôi, bàn tay mới mềm mại và ấm áp làm sao. Ông run lên. Bất chợt ông mạnh dạn bước sang xoay người ra sau ôm chặt tấm lưng tròn lẳn của Hoa. Cái cảm giác căng cứng như một luồng điện chạy dọc cơ thể khiến ông lâng lâng, người run lên bần bật. Hoa vùng vằng thoát khỏi vòng tay chắc như gọng kìm của ông. Cô hổn hển: “Đừng chú, chú bỏ tay ra, đi đi chú, anh Toàn mà biết được thì…!”. “Thì sao?”. Ông Uy đang cọ chiếc cằm của mình vào gáy Hoa vội cắt lời. “Chết em mất!”. Hoa thả giọng nhẹ nhàng rồi dần buông lơi hai tay ra để mặc cho ông Uy tự do lần mò bàn tay lên cơ thể của mình. Ôi, hoá ra cái con bé này nó hiểu ý mình rồi. Ông Uy sung sướng thầm rên: “Hoa yên tâm, chỉ hai ta biết với nhau thôi, tôi sẽ tạo điều kiện cho Hoa, Hoa muốn gì tôi cũng chiều, Hoa nhé?”. Ông Uy như điên như dại trước tấm thân ngà ngọc của cô gái chỉ bằng tuổi con gái đầu của ông. Ông gắng sức hôn ngấu nghiến lên cổ lên má Hoa cho thoả cơn say tình. Bất giác Hoa quay lại, vẻ mặt ngượng ngùng. Cô khẽ thì thầm: “Thôi em phải về phòng đây, hẹn lúc khác anh nhé!”. Hoa sửa lại áo rồi rón rén mở cửa bước ra khỏi phòng. Ông Uy ngồi ngả lưng trên ghế thở dốc, nuốt nước bọt ừng ực. Mắt ông lim dim nhớ lại những giây phút tuyệt vời vừa qua. Gương mặt ông toát lên vẻ mãn nguyện như vừa bước ra từ cõi thiên thai. Hừ, hoá ra lâu nay mình dốt thật, có vàng trong tay mà chẳng biết. Được, ta sẽ nghiên cứu chuyển thằng Toàn đi khỏi cái uỷ ban này để đỡ chướng mắt. Cho dù mày có khôn khéo, trung thành đến mấy. Bắt buộc tao phải làm thế. Mày phải chuyển đi nơi khác cho tao dễ bề đi lại với vợ mày Toàn ạ! Ông Uy đắc thắng mỉm cười.
*
* *
Đã hơn hai giờ sáng. Sương rơi dơm dớp cánh tay. Hai chúng tôi vẫn ngồi giữa sân. Chai rượu đã hết queo nằm chỏng chơ trên chiếu. Đĩa lạc rang còn vài hạt lẻ loi trong chiếc đĩa mẻ.Tôi chỉ nghe hơi ong đầu chứ không say. Toàn vẫn ngồi bó gối hút thuốc, mắt nhìn xa xăm.
- Rồi sao nữa, mày kể tiếp đi!- Tôi giục Toàn.
- Mẹ kiếp, cuối cùng thì tất cả cũng nát bét như bãi phân trâu gặp mưa, kể cả tao. Tất cả đều phải trả giá cho số phận - Toàn cười khẩy- Đời chó má thật! Trước uy quyền của lão Uy và sự cám dỗ không thể cưỡng lại trước những tờ tiền đầy ma lực, Hoa đã phản bội tao để cặp với lão. Bọn chúng lao vào nhau như những con thiêu thân. Lão Uy thì khát tình còn con vợ tao lại biết lợi dụng lão để moi tiền. Nói chung là hai bên đều biết cách lợi dụng nhau để cùng có lợi. Tao để ý thấy Hoa có những biểu hiện bất thường. Cô ta thường lấy cớ đi thăm người này người nọ. Có hôm tao mở túi xách của Hoa thấy một cục tiền. Tao sinh nghi liền hỏi thì cô ta bảo là em đi vay giúp cho bà chị gái. Còn lão Uy, khi chưa đuổi được tao đi thì tự nhiên tao thấy lão luôn vui vẻ tươi cười với tao. Những lúc đi công tác thì tao phải lái xe chở lão ấy đi còn lại lão bỏ thói quen bắt tao phải chở lão đi ăn hay về nhà. Tao hỏi, lão bảo để anh tự đi xe máy cho thoáng và rèn luyện khả năng xử lý giao thông. Mẹ kiếp, bọn chúng làm sao đánh lừa được tao. Cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra. Tao đã bí mật theo dõi và bắt quả tang đôi gian phu dâm phụ đang quần nhau ở một nhà nghỉ huyện bên. Hai đứa trần truồng như nhộng quỳ dưới chân tao xin tha tội chết. Lúc đó tao điên tiết định cho mỗi đứa một nhát cho xong nhưng kịp bình tĩnh lại. Tao uất nghẹn nâng cằm lão Uy lên và bảo: “Tao không ngờ mày lại chó má hơn tao tưởng!”. Lão luống cuống sì sụp níu chân tao: “Chú Toàn, anh có lỗi với chú, mong chú tha tội chết cho anh. Anh sẽ bồi thường danh dự cho chú, bao nhiêu cũng được!”. Tao vẩy lão ra và đạp cho một nhát làm lão ngã ngửa ra nhà như con lợn cạo. Còn con Hoa, nó vội vàng vơ tấm áo che thân, ngồi co ro khẩn khoản nhìn tao. Tao chỉ gườm mắt nhìn nó chứ không thèm động đến chiếc lông của đứa lăng loàn. Hừ, đã thế thì ông cho mày biến. Tao quay về nhà và chiếc đơn ly hôn được viết ngay tức khắc. Tao và Hoa chia tay rất nhanh chóng. Đường ai nấy đi. Nhà bán chia đôi. Con theo mẹ. Tao về nhà cha mẹ ở. Một thời gian sau tao cũng viết đơn xin nghỉ việc ở cơ quan vì không muốn nhìn thấy mặt lão Uy. Nhìn đến lão là tao buồn nôn không chịu được. Nhưng bây giờ thì thôi rồi- Toàn chùng giọng xuống- tao cũng chẳng còn giận lão làm gì nữa cho tội.
- Tại sao vậy?- Tôi thắc mắc.
- Lão chết rồi, chết thảm lắm!
- Chết? Sao lại chết?- Tôi tròn mắt ngạc nhiên.
- Sau khi ly hôn xong, tao về nhà một thời gian rồi dồn hết vốn liếng và vay mượn thêm một ít nữa để tham gia vào đường dây buôn gỗ lậu. Trước đây tao quen một số tay trùm gỗ lậu hồi còn lái xe Reo. Được chỉ đường vẽ lối nên tao cũng thắng được vài vụ, qua mặt được công an, kiểm lâm. Số tiền kiếm được cũng kha khá. Tao tính làm cú chót kiếm chút vốn rồi chuyển nghề khác nhưng cũng chính chuyến đó tao bị dính đòn. Vụ đó tao lái cả một xe tải gỗ được nguỵ trang kỹ để chạy ra Bắc bán cho đầu mối ngoài đó. Khốn nạn cho tao là bị bọn thằng Thành “lé” chơi đểu. Vì ghen ăn tức ở trong việc tranh giành mối làm ăn nên bọn chúng đã gọi điện báo để diệt tao. Xe đến Thanh Hoá thì bị bọn liên ngành phục kích bắt sống. Tao ngoài mất trắng số gỗ nhóm một còn bị xử mười tám tháng tù giam. Đời tao coi như tắt điện hoàn toàn. Mẹ kiếp, đen đủi quá! À, chuyện lão Uy chết hả? Sau khi ra tù về nhà tao nghe mọi người kể lại, lão Uy vẫn qua lại với con Hoa. Mẹ con nó thuê nhà ở riêng. Tối ấy hai đứa hẹn nhau ở nhà nghỉ. Con Hoa đến trước nằm chờ, lão Uy đi xe máy đến để hú hí. Nghe bảo lão uống phừng phừng rồi mới đi. Đến đoạn đường cua, do phải tránh chiếc xe đi ngược chiều, lão chói mắt và đâm vào đít chiếc công nông chở gỗ đang lù lù trước mặt. Lão vỡ ngực chết tươi, chiếc xe thì nát bét. Thiên hạ bàn tán xôn xao suốt cả năm trời. Tao thì hả hê vô cùng. Rốt cuộc nghĩ cho cùng lão cũng là kẻ đáng thương. Tưởng già rồi sẽ được hạ cánh an toàn về vui cùng gia đình ai ngờ lại nảy nòi ra cái thói dê cụ hoá ra lại phải chết tức tưởi. Cái chết của lão là cái chết ngu. Cái chết vì tình là cái chết bất thình lình mà, phải không mày? Ha... ha... - Thằng Toàn cười hả hê sảng khoái. Lần đầu tiên tôi mới thấy hắn cười một cách đã đời như vậy.
- Thế mẹ con Hoa bây giờ ra sao?- Tôi ngập ngừng hỏi.
- Sau khi lão Uy chết, chuyện con Hoa và ông chủ tịch luôn là đề tài tâm điểm của nhân dân bàn tán mọi lúc mọi nơi. Hoa dường như không chịu nổi dư luận bèn xin nghỉ việc, gửi con lại cho ông bà ngoại nuôi rồi đi vào miền Nam. Nghe nói làm công nhân chế xuất chế xiếc chi trong đó. Hừm, tao bây giờ trắng tay nhưng vẫn còn niềm an ủi duy nhất đó là đứa con gái lên chín. Một tháng tao đến thăm con hai lần. Nó xinh xắn như mẹ nó- Toàn ngập ngừng- nhưng cầu mong nó đừng có tính xí xớn như mẹ nó. Tao đang tính sẽ xin đưa nó về bên này để tao nuôi, để nó được ở cùng ông nội những năm tháng cuối đời!
Toàn nói mà giọng nghẹn ngào, đôi mắt hắn ngân ngấn nước. Những giọt nước mắt của thằng đàn ông lăn dài trên khuôn mặt cháy đen vì nắng gió, vì những quăng quật của cuộc đời.
Trời đã dần về sáng, hai đứa vẫn nằm gác chân lên nhau giữa sân như thuở nào. Toàn đã chìm vào giấc ngủ bởi những mỏi mệt bủa vây. Tôi ngồi nhỏm dậy xót xa nhìn hắn. Trong lòng trĩu nặng nỗi buồn. Thực tình lúc này tôi rất muốn làm một cái gì đó để giúp Toàn nhưng sức tôi có hạn, số tôi cũng quá bọt bèo thì làm sao có thể xoay chuyển số phận cho Toàn được đây. Tôi bất lực thở dài.
Tôi mở ví rút một ít tiền để xuống chiếu, lấy chiếc ly uống rượu đè lên rồi đứng dậy lặng lẽ ra về. Chút nữa thôi là tôi lại lên xe trở về thành phố để tiếp tục cuộc sống của mình.
Tôi rảo bước chầm chậm qua cánh đồng lạc để về nhà. Cánh đồng lạc xác xơ, bợt bạt vì những trận nắng kinh người thiêu đốt. Buổi sáng ở quê thật thanh bình. Dòng Lam vẫn dửng dưng chảy về hun hút xa xăm. Bên tai tôi vẳng đâu đây lời cha dặn: “Con ở mô, làm chi thì đến ngày ba mươi tháng tư âm lịch cũng cố gắng thu xếp công việc để về quê giỗ hợp kỵ cố can ông bà!”.
VanVN.Net – Lê Mạnh Thường sinh năm 1973, Quê quán: Thị trấn Đô Lương - Nghệ An. Anh là 1 cây bút trẻ, hiện là quân nhân thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Anh đang học năm thứ 3 Khoa Sân khấu - Điện ảnh - Viết văn thuộc trường ĐH VHNT Quân đội (chuyên ngành Biên kịch Điện ảnh- Truyền hình). Tác phẩm đã xuất bản là tập truyện ngắn "Tiếng đảo" - NXB Hội Nhà văn 2011. VanVN.Net xin giới thiệu tới độc giả chùm truyện ngắn của anh…
Tàu ngầm
1. - Mời anh theo chúng tôi ra xe!
Viên cảnh sát sau khi chờ tôi ký vào lệnh bắt tạm giam xong buông một câu tỉnh quẹo. Tôi ngoan ngoãn vâng lời.
Ra đến cửa, tôi cố ngoái cổ lại bởi hai bên mình bị hai cảnh sát to con lù lù, khuôn mặt rất chi là hình sự kẹp nách. Vợ tôi chạy theo dúi vội cho tôi mấy bộ quần áo và vài thứ lặt vặt khác. Nước mắt nàng lã chã rơi trong phút giây biệt ly đau khổ đến tột cùng. Thương nhất là con Hiền, con Hoà. Chúng gào toáng lên:
- Cha ơi là cha ơi! Răng các ông lại bắt cha tui? Ở nhà với con cha ơi!
Tiếng gào thét của hai đứa con làm tôi nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng. Tôi cố an ủi các con trong tiếng nấc:
- Thôi nín đi các con! Hai con ở nhà với mẹ cho ngoan nhé! Cha sẽ về với các con. Nín đi con, cha thương!
Miệng tôi câm bặt. Đắng ngắt. Đời sao có lúc lại khốn nạn đến mức này?
Chiếc xe con đóng cửa nghe cái rầm lạnh người rồi nổ máy lao đi trong cái nắng như thiêu như đốt.
Ngồi nhỏ thó giữa hai viên cảnh sát ở băng ghế sau, đầu óc tôi cứ bấn loạn cả lên. Quái lạ, tại sao mình lại bị bắt cơ chứ? Có mấy tấn lạc giống mà cũng bắt với bớ cơ à? Mà có phải một mình mình ăn đâu? Chính tay Dấp chủ tịch huyện bật đèn xanh cho mình bán. Hắn cũng có phần, phần nhiều là đằng khác. Sao hắn lại không bị gì cả? Hắn đánh tháo đổ vấy tội sang mình rồi! Mẹ cha cái đồ khốn nạn. Đồ lừa đảo. Đồ ăn cháo đá bát. Tao mà về thì lần này mà biết tay tao.
Đôi môi khô khốc của tôi cứ mấp máy nguyền rủa tên khốn nạn đã huỷ hoại đời mình. Mẹ kiếp, mới lên chức giám đốc công ty giống cây trồng được có hơn hai năm...!
Tôi tức tưởi.
2. Xe rẽ vào cổng trại giam Nghi Chỉ. Đây là trại tạm giam dành cho những đối tượng chưa thành án.
Tôi ê chề lê bước theo cán bộ trại giam đi nhận buồng.
Nghe tiếng lách cách mở chìa khoá, phía bên trong có vẻ như đang ồn ào náo nhiệt bỗng dưng im bặt. Tôi lặng lẽ bước vào. Ngày đầu tiên của một thằng tù bắt đầu.
Một thằng mặt hoắt trông gầy đen như que củi cháy dở. Hắn cởi trần nằm trên bệ xi măng, khắp người vằn vện hình xăm đại bàng, trăn rắn... giương cặp mắt lươn gườm gườm nhìn tôi.
Phía dưới bệ xi măng, bốn hay năm thằng đang ngồi quây xung quanh cũng đều cởi trần, trắng có, đen có, gầy gò có, béo tốt có cũng đang hau háu nhìn tôi.
Tôi sợ vãi hết linh hồn. Chỉ kịp cúi người chào lí nhí “Em chào các anh!” rồi lủi thủi ôm túi đồ đi về chỗ trống ở góc buồng.
Tôi ngồi thu lu ôm gối nhũn nhường nhìn chúng.
Tên nằm trên bệ (chắc là đại ca- tôi đoán thế!) ngoắc tay chỉ vào mặt thằng to béo đang bóp chân cho nó. Nói:
- Cổn! Chào khách đi!
- Dạ vâng, thưa đại ca!
Nói rồi thằng Cổn- tên nó đứng dậy đi về phía tôi. Nó đứng giữa phòng rồi vẫy tay cho tôi:
- Ra đây!
Tôi sợ hãi bò ra, khóp nóp quỳ dưới chân nó. Nó lại bảo nhẹ nhàng:
- Đứng dậy!
Tôi run rẩy đứng lên, kính cẩn nhìn nó. Một thân hình mũm mĩm từ đầu đến chân. Trên trán có chiếc sẹo dài chạy chéo xuống đuôi mắt. Giữa ngực hắn xăm hình một cô gái khoả thân đang nằm khêu gợi. Bụng nó phưỡn ra, lỗ rốn sâu như chiếc chén tống uống rượu. Tôi tái mặt đợi chờ.
- Tên?
- Dạ thưa anh, em tên Bát ạ!- Tôi rụt rè thưa.
- Tuổi?
- Dạ thưa anh, em bốn lăm ạ!
- Quê?
- Dạ thưa anh, em ở Đại Lâm ạ!
- Tội?
- Dạ thưa... em.... ăn... lạc giống ạ!
“Bốp!”. Nhanh như cắt, thằng Cổn vung cánh tay hộ pháp của mình phang thẳng vào mặt tôi một cái tát như búa bổ. Mặt tôi xoay tít rồi lệch hẳn sang một bên. Chưa kịp định thần thì nghe tiếp tiếng “Bốp!” ở mang tai bên kia. Mặt tôi lật trở lại. Tôi choáng váng rồi đổ gục như một cây chuối bị phạt ngang. Máu mồm, máu mũi trào ra đỏ choét, ướt đẫm nền nhà. Tôi gượng mở mắt. Bóng hình thằng Cổn cứ nhập nhoè rung rinh trước mặt. Tôi khóc. Nước mắt nghe mằn mặn, ran rát đầu môi. Ối các ông công an ơi. Ối cha ơi là mẹ ơi. Ối vợ ơi. Các con Hiền, Hoà của cha ơi. Cha chết mất các con ơi. Tôi tru lên như một con lợn bị chọc tiết. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, cái lần buổi trưa tôi trốn cha chạy sang rủ thằng Mão và thằng Hội ra sông tắm. Buổi trưa vắng vẻ, ba thằng cởi truồng nồng nỗng thi nhau ngụp lặn bơi đùa. Bỗng thằng Mão sẩy chân xuống hố sâu, nơi có dòng nước xoáy mạnh. Nó vùng vẫy một hồi rồi chìm nghỉm. Tôi và thằng Hội mặt cắt không còn giọt máu bèn ở truồng chạy về làng gọi người lớn ra cứu. Cả làng cả tổng đứng ken dày bên bờ sông. Mấy anh thanh niên lực lưỡng bơi lặn lần mò suốt cả buổi chiều. Mẹ con bà cháu nhà nó ở trên bờ thì khóc lăn khóc lộn. Họ thả quả bưởi có cắm cây hương đang cháy xuống để chờ xem quả bưởi quẩn ở chỗ nào thì nó nằm ở đó. Tất cả đều vô vọng. Hai ngày sau mới tìm thấy xác nó cách chỗ bị nạn mười cây số. Sau trận đó về, tôi bị cha tôi đánh cho lên bờ xuống ruộng. Đó là trận đòn đau duy nhất và nhớ đời nhất của tôi cho đến giờ.
- Đây mới chỉ là màn chào hỏi làm quen thôi. Còn nhiều bài nữa. Đừng có rống lên như vậy!- Thằng đại ca mặt hoắt nhếch mép cười. Hắn vẩy cái nhìn khinh bỉ về phía tôi.
- Dạ, em xin các anh tha cho em, sức em yếu lắm!- Tôi nằm như một con chó ốm thều thào đáp lại.
- Có gì đưa ra đây!- Thằng Cổn hất hàm.
Tôi gượng dậy, bò vào góc buồng giam lôi cái túi mà vợ tôi đưa cho rồi bò lại chìa trước mặt Cổn. Một ít quần áo, một ít tiền, kem đánh răng, xà phòng, bàn chải, khăn mặt, lọ muối vừng... Cổn thu hết. Nó cầm tuýp kem đánh răng Dạ Lan mới cứng quay về phía thằng mặt hoắt:
- Có kem mới đại ca ạ! Loại này xăm tốt lắm!- Mặt hắn hớn hở.
Sau này tôi mới hiểu là bọn chúng đã nghĩ ra cái trò lấy dây cao su đốt cháy để lấy tro tàn, sau đó trộn với kem đánh răng thành một thứ hợp chất dùng để xăm trổ vào cơ thể. Như chúng nói, hợp chất này rất bền và rõ nét, hình xăm đẹp vô cùng.
- Pha trà đãi khách!- Thằng mặt hoắt ra lệnh.
- Dạ vâng, có ngay thưa đại ca!
Một thằng cao lêu đêu có hàm răng vẩu đứng dậy. Hắn đi về phía chỗ nằm lật gối lấy ra một chiếc ống bơ đen thui. Hắn bước vào chỗ vệ sinh, múc một ít nước vào ống bơ ở bể chứa dội nhà cầu rồi đặt lên hai viên gạch hình chữ V ngay lỗ đi ỉa. Đoạn hắn lôi ra một nắm giẻ, bật diêm châm lửa đốt. Một lúc sau, nước trong ống bơ sôi xèo xèo. Hắn nhắc xuống, bê ra rồi bỏ một nhúm trà vào. Một thằng khác lôi ra mấy chiếc ly sứt mẻ, cáu bẩn. Chờ trà ngấm xong, hắn rót nước ra ly rồi kính cẩn mời thằng mặt hoắt. Một thằng nữa châm điếu thuốc lá, hai tay đưa cho nó. Khi thằng mặt hoắt nhấp một hơi, đặt ly nước xuống sàn xi măng nghe cái “cộp” rồi chép chép miệng thì mấy thằng còn lại mới dám cầm ly khác lên uống. Thằng Cổn nhìn tôi rồi bảo lạnh tanh:
- Uống đi!
Tôi khúm núm tiến lại cầm lấy ly nước. Thực tình, nhìn cái kiểu nấu nước pha trà của bọn chúng mà tôi sởn gai ốc, họng buồn nôn oẹ. Thằng mặt hoắt liếc mắt nhìn sang, tôi khiếp đảm vội bưng lấy ly nước, thổi phù phù cho nguội rồi nhắm mắt ực một phát vẻ ngon lành.
- Mày biết đại ca tao là ai không?- Cổn hỏi.
- Dạ, xin các anh thứ lỗi, em chưa được biết tên đại ca ạ!- Tôi lễ phép đáp lời.
- Mày đã nghe tên Toóng bao giờ chưa?
- Dạ rồi ạ. Hoá ra đại ca ta đây là...?
Tôi làm ra vẻ thân thiện hơn. Ở ngoài đời, tôi cũng đã nghe danh Toóng “kẹ”. Nó là một tên sát thủ máu lạnh. Đâm chém người không ghê tay. Báo Công an tỉnh đăng rất nhiều bài về nó. Hoá ra là mày đây à? Tôi đưa mắt liếc trộm nó với vẻ thầm cảm phục. Toóng “kẹ” bắt đầu thiu thiu ngủ. Mấy thằng kia lại buông ly nước bóp tay bóp chân cho hắn. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi như không tin vào bản thân mình nữa bởi đang sống ở một thế giới khác hẳn những gì tôi đã từng sống. Mới đêm qua còn nằm gối đầu trên cánh tay trần của vợ. Vợ tôi còn dặn đi dặn lại rằng chiều mai anh nhớ đi họp phụ huynh cho con. Tôi bảo chiều mai anh còn bận họp ở cơ quan chắc phải muộn mới về được. Hay là em xin nghỉ làm buổi chiều để đi họp cho con? Cô ấy chẳng nói chẳng rằng, quay mặt vào tường khóc thút thít. Dỗ dành mãi, nàng mới bảo rằng, anh chẳng bao giờ quan tâm tới vợ con gia đình. Lúc nào cũng họp với hành, cơ quan với cơ kiếc. Khổ thân tôi thế cơ chứ! Có bao giờ tôi sống cho riêng tôi đâu. Lương đưa vợ không thiếu một xu. Kể cả vừa rồi “kênh” được mấy tấn lạc giống, phải cúng cho tay Dấp hơn một nửa, còn bao nhiêu tôi đưa về cho vợ hết chứ có tơ hào đồng cắc nào đâu? Tay Dấp còn gợi ý với tôi rằng quả sau ta đánh to hơn. Thế thì tôi không vì vợ con, vì cái nhà này thì là vì cái gì? Sao nàng lại hay giận hờn với tôi như vậy? Mẹ kiếp, thế mà chiều nay đã...
- Về chỗ đi! Nhìn mày yếu sức tao chỉ cho mày tập ba bài nữa thôi!- Thằng Cổn cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
- Em xin anh...!
- Biến!
Cổn quát. Tôi hồn phách lên mây. Vội vàng lom khom về chỗ.
3. Đang mơ màng ngủ, tôi bị đánh thức dậy bằng một tiếng quát đanh gọn:
- Dậy tập thể dục!
Tôi hốt hoảng bật dậy. Mình đau ê ẩm.
- Thể dục bài một!- Thằng vẩu kều hô.
- Dạ thưa anh, bài gì ạ?- Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Đua xe đạp!
- Sao hả anh? Xe đạp đâu ạ?- Tôi lễ phép hỏi lại nhưng giọng có vẻ hơi cáu.
- Mày ngu lắm! Lại đây!
Hắn dẫn tôi lại bức tường cao bằng đầu người che chỗ nằm với chỗ đi vệ sinh rồi bắt tôi trèo lên đầu tường như thể cưỡi ngựa.
- Đạp đi!- Hắn ra lệnh.
- Dạ..!- Tôi ngập ngừng.
- Đạp!- Hắn quát.
Tôi hoảng hồn guồng hai chân đạp vào không trung như thể người đang đạp xe, hai tay bíu vào đầu tường kẻo ngã.
- Đạp mạnh lên!
- Mạnh nữa!
- Mạnh lên nữa! Ơ cái thằng này, điếc hả?
Hắn hối tôi liên tục làm tôi cứ phải cò cổ ra đạp. Mà đạp không có bàn đạp kiểu này còn khó và mệt hơn đi xe đạp thật nhiều. Mồ hôi tôi tóa ra ướt đẫm quần đùi.
- Đạp mạnh chút nữa, đạt tốc độ rồi!- Nó bảo.
Lúc này thì tôi chẳng khác gì tay đua xe đạp vòng quanh nước Pháp đang rướn sức để đoạt được chiếc áo vàng ở chặng đua đầu tiên. Được một lúc, mắt tôi hoa lên như có hàng triệu con đom đóm trước mặt. Không thể chịu đựng được nữa, tôi mếu máo nhìn thằng vẩu kều:
- Anh ơi, cho em xuống đi, em không chịu được nữa rồi. Em chết mất!
Giọt nước mắt của tôi quả là có sức lay động con tim dã thú của hắn. Hắn đồng ý cho tôi trèo xuống đất. Tôi nằm vật ra sàn mà thở dốc. Kiểu này chết đến nơi rồi. Chợt tôi cảm thấy đau đau, xon xót ở háng. Tôi bò dậy tụt quần ra, nhìn xuống. Ối cha mẹ ơi! Hai bên háng của tôi do kẹp chặt vào đầu bức tường để “đạp xe” nên đã bị loét hết da, huyết tương chảy ướt mèm. Tôi rên lên đau đớn.
- Câm mồm cho ông mày ngủ!- Một thằng oắt con, chắc là ít hơn tôi cỡ gần hai chục tuổi chửi. Tôi vội nuốt uất ức vào trong và câm ngay tức khắc.
4. Ánh nắng buổi sáng xiên vào buồng giam làm cho tôi cảm thấy dễ chịu hơn phần nào. Chí ít ra cũng làm cho cái đầu đang u u mê mê sau mấy trận đòn dần tỉnh lại. Háng của tôi cũng đã bớt đau hơn sau cái cuộc đua xe bất đắc dĩ ấy. Tôi tự nhủ mình phải cố ăn uống hết tiêu chuẩn khẩu phần của trại. Phải ăn để lấy sức cầm cự. Không thì tôi sẽ chết. Mình phải sống, phải sống để trở về với người vợ trẻ và hai đứa con gái yêu. Tôi đặt ra cho mình phương châm sống như vậy.
Cánh cửa buồng lại lạch cạch mở. Lần này thì một thằng nhãi con trông dáng vẻ trắng trẻo thư sinh bước vào. Lại những ánh mắt quen thuộc như chúng đã nhìn tôi mấy hôm về trước. Quái lạ, thằng cu con nhìn tôi rồi gật đầu chào. Tôi có phần tự hào vì bây giờ ít nhiều cũng trở thành ma cũ.
Lần này thì một thằng tên Tấn lấy khẩu cung. Lại điệp khúc cũ:
- Tên?
- Dạ thưa chú, con tên Tuấn!
- Tuổi?
- Dạ, mười chín!
- Quê?
- Dạ, cháu ở Tân Hoà!
- Tội?
- Dạ... cháu... tội hiếp dâm!
- A ha! “Bốp!”.
Thằng bé đổ uỵch. Thằng Tấn cầm cổ áo nó lôi dậy:
- Mày có biết vào đây tội gì là bị phạt nặng nhất không?
- Dạ...!- Thằng bé mếu máo.
- Là tội của mày đó! Đại ca ơi, thằng này hiếp dâm, bọn em xử lý nhé?
Thằng mặt hoắt nằm trên bệ xi măng nhìn thằng bé rồi gật đầu. Thằng Cổn đứng dậy đè ngửa thằng bé ra. Mấy thằng kia cũng xông ra giữ chân giữ tay thằng bé. Bọn chúng lột quần áo thằng bé ra. Nó trần như nhộng. Một thằng lấy tay búng đi búng lại bộ phận sinh dục của thằng bé. Búng mãi, day mãi cho đến khi nó cứng đuỗn ra. Thằng Tấn lấy một mảnh bao ni lon đốt lên rồi cho nhỏ giọt vào chỗ kín của thằng bé. Tội nghiệp, thằng bé kêu gào thảm thiết. Bọn chúng vừa làm nhục hình vừa cười hô hố:
- Sướng chưa con? Hả? Sướng chưa? Lần sau cứ thế nhé!
Thằng bé lả người, không còn kêu ra tiếng. Tôi thương nó vô cùng mà chẳng biết làm gì bởi tôi còn không thể lo cho tôi được nữa là. Tôi vẫn còn lơ lửng trên đầu hai “bài tập thể dục” của bọn chúng đề ra. Tôi phải làm sao đây?
5. - Bát đâu?
- Dạ em đây ạ!- Tôi đang nằm bỗng choàng dậy và thưa bẩm theo phản xạ. Một thằng tên Khởi, bị chột một mắt đứng trước mặt tôi. Hôm nay nó duy trì tôi tập.
- Thể dục bài hai!- Hắn bình tĩnh, nhỏ nhẹ.
- Dạ anh ơi, em cắn rơm cắn cỏ lạy anh. Em không còn sức để tập nữa...!
- Sức cái con mẹ mày! Có tập không thì bảo!- Hắn xẵng giọng.
- Dạ... có ạ!- Tôi lại mếu máo bước ra khỏi chỗ nằm.
Thằng Khởi “chột” lại dẫn tôi vào khu vệ sinh. Đua xe đạp thì xong rồi, còn trò gì nữa đây nhỉ?
- Cởi áo ra!- Hắn ra lệnh.
Tôi ngoan ngoãn làm theo và rụt rè hỏi:
- Hôm nay tập bài gì đấy ạ!
- Đi tàu ngầm!
- Tàu ngầm!- Tôi ngạc nhiên.
Không để cho tôi một phút suy nghĩ, thằng Khởi “chột” nắm ngay tóc tôi rồi gí mạnh xuống bể nước dội nhà cầu. Trời đất quỷ thần ơi, cái bể nước vừa hôi vừa bẩn trông thật tởm lợm mà hằng ngày tôi vẫn phải sử dụng để dội khi đi vệ sinh. Tôi quá bất ngờ. Đít chổng lên trời. Nước ngập ngang vai. Tôi cố sức vùng vẫy để thoát khỏi bàn tay chắc như gọng kìm của hắn. Càng vùng vẫy hắn càng dí mạnh tay xuống. Tôi uống một hớp. Sặc sụa. Lại uống tiếp hớp nữa. Rồi hớp nữa. Đầu óc tôi muốn vỡ tung ra vì ngạt thở. Tôi vẫn tiếp tục vùng vẫy trong tuyệt vọng cho đến khi người mềm hẳn không biết gì nữa. Chắc là tôi đã chết. Đời mới bất hạnh làm sao!
Mãi đến tối tôi mới tỉnh. Nghe thằng Tuấn “hiếp dâm” bảo, tôi đã uống no một bụng nước dội nhà cầu. Nó phải làm hô hấp nhân tạo mới cứu được mạng sống của tôi. Thằng em, à quên, thằng cháu này tốt thật. Sau này ra tù, chắc chắn tôi sẽ trả ơn nó. Chắc chắn là như vậy!
6. - Có ma mới đến!- Thằng Lực “què” làm nhiệm vụ hoa tiêu thông báo.
Cả phòng trật tự. Mọi ánh mắt lại đổ dồn ra cửa.
“Ma mới” lần này là một ông già. Chắc cũng khoảng gần sáu mươi. Da đen, dáng thấp đậm. Khi cán bộ trại giam vừa đóng cửa. Ông cầm túi đồ đi thẳng về góc buồng. Ông quay ra mỉm cười:
- Chào các chú!
Bọn chúng, từ thằng mặt hoắt đại ca cho đến đám tay chân tròn xoe mắt nhìn ông già. Lạ đời thật. Thằng già này láo thật. Thằng Toóng “kẹ” lẩm bẩm.
- Thằng già kia! Mày có biết luật của cái phòng này không?- Thằng Cổn bật dậy đi về phía ông già.
- Chú vừa nói luật chi?- Ông già ôn tồn hỏi lại.
- Luật, luật cái con mẹ mày! Luật đây này!
Nói chưa dứt lời, hắn lại giơ cánh tay hộ pháp quật vào mặt ông già. Nhanh như chớp, ông cúi xuống, giơ tay trái lên đỡ đòn đánh của nó rồi dùng tay phải thoi một cú đấm vào ngay mặt thằng Cổn. Bị bất ngờ, thằng Cổn ngã vật ra sau, máu mũi phụt ra bê bết.
Toóng “kẹ” bật dậy. Hắn đứng chống nạnh, mắt long lên sòng sọc nhìn ông già:
- A, thằng già này láo thật! Bọn bay đâu? Đánh chết con chó già này cho tao!
Vừa nói xong, cả bọn lao vào quây ông già. Ông vội cởi ngay chiếc áo pull đang mặc trên người, nhảy thót lên đứng trên bệ xi măng. Thằng vẩu kều vừa xông lên chưa kịp ra đòn đã bị ông tung một cú đá hiểm vào ngay bộ hạ. Nó đổ rụp xuống ôm háng lăn lộn kêu trời. Thằng Tấn ào tới tung cú song phi, ông già nhanh người né đòn rồi ông cũng nhảy lên đạp thẳng vào ngực nó. Thằng Tấn bị dội ngược vào tường, đầu đập vào cửa sổ nghe tiếng “cộp” rồi lăn xuống ngất lịm. Tôi và thằng Tuấn “hiếp dâm” ngồi co ro một góc xem ông già chiến đấu mà lòng hả hê sung sướng. Đột nhiên thằng Khởi “chột” vòng ra phía sau định lấy chiếc quần dài siết cổ ông già, Lực “què” lao vào từ phía trước ôm ông để cho thằng Khởi hành động. Nhanh chẳng kém, bằng một động tác võ thuật điêu luyện, ông già vội nhảy cao lên, hai chân kẹp cổ Lực “què” rồi vặn mạnh. Nó rơi tự do, mặt đập vào nền xi măng. Tiếp tục, ông xoay người ra sau, luồn người xuống tránh chiếc quần đang bủa vào cổ mình, đồng thời ông vuốt một cú chỏ ngược lên mặt thằng Khởi “chột”. Nó hất ngược ra sau rồi ngã xuống. Có mấy chiếc răng văng xuống nền nhà. Khởi “chột” ôm miệng, máu chảy đầm tay, môi nó bị xé rách toạc. Nó khiếp đảm nhìn ông già.
Ông già quay lại đi về phía thằng Toóng “kẹ”. Ông lừ mắt nhìn nó. Nó hơi chùn chân. Lùi lại. Bất giác, nó thét lên một tiếng “Á...!” rồi tung hai chân phía trước bay về phía ông già. Bị một đòn bất ngờ, ông chỉ kịp né người nhưng không tránh hết đòn chân của nó. Một bàn chân đóng vào ngực ông. Ông già lảo đảo rồi ngã ngửa ra phía sau. Toóng “kẹ” nhanh chân tương thẳng cú đạp vào mặt ông già. Lần này thì ông kịp tung hai tay như hai chiếc kìm sắt bắt chặt bàn chân phải của nó. Ông dùng hết sức vặn mạnh tay. Toóng “kẹ” mất thăng bằng ngã lộn xuống, đầu đập vào thành bệ xi măng. Nó bị choáng. Ông già nhào lại bẻ quặt một tay nó ra sau, tay kia ông nắm lấy tóc nó giơ lên cao rồi dằn mạnh mặt nó xuống nền nhà. Mặt mày nó toe toét máu. Ông vừa giơ lên định dằn mặt nó xuống lần nữa thì nó hổn hển kêu lên:
- Thôi đại ca ơi, con xin đại ca tha tội chết! Chúng con biết lỗi rồi. Con xin đại ca!
Ông già buông tay. Một đống thịt đổ xuống nhũn nhùn. Cả bọn lóp ngóp bò dậy quỳ xuống chân ông già vái lia lịa và xin ông tha tội chết. Ông chống nạnh. Một chân gác lên bệ xi măng rồi nhìn khắp lượt:
- Nếu thằng nào còn dở thói côn đồ, tao bẻ hết xương nghe chưa?
- Dạ, dạ chúng con biết rồi, thưa đại ca!- Cả bọn tái mặt van xin.
- Chẳng có đại ca chó gì ở đây cả. Tao là Ẩn. Thế thôi!
Tôi và thằng Tuấn “hiếp dâm” mừng vui khôn xiết vì có thể từ nay sẽ thoát được “ách thống trị” của bọn Toóng “kẹ”. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự có mặt của ông già tên Ẩn. Nhưng mà người như ông sao lại vào đây?
7. - Chú trước đây nguyên là lính đặc công- Ông Ẩn nằm tâm sự cho tôi và thằng Tuấn “hiếp dâm” nghe - Bọn chú đi đánh nhau ở Cam Pu Chia. Chậc! Hồi đó khổ sở, đói khát lắm. Có lần đánh nhau với bọn Pôn Pốt ở Svây- riêng. Ta và địch kìm hãm nhau ở một cây cầu. Không bên nào chịu rút cả. Đạn pháo bắn như mưa. Hai bên đều thương vong nhiều. Đêm đến, cái đói hành hạ ghê gớm. Lương khô thì hết, nước cũng chẳng còn để uống. Chợt chú nhớ ra hồi chiều có mấy con bò hoảng sợ chạy ngang qua cầu bị đạn của Pôn Pốt bắn chết. Nghĩ đến vậy, nước miếng cứ ứa ra. Chú quyết định phải liều một phen. Anh em ai cũng can ngăn vì phía trước mặt bọn Pôn Pốt gài mìn nhiều lắm. Chúng đang phục để giết ta. Chú động viên anh em rồi lặng lẽ trườn lên phía đầu cầu. Khó khăn lắm chú mới tiếp cận được con bò bị giết. Chú rút dao găm ra khứa dần, khứa dần. Một lúc sau chiếc đùi bò rời ra. Chú kéo về phía quân mình. Trên đường về, chú gặp xác mấy thằng giặc bị giết. Chú lấy dao rạch ống quần nó ra lấy một mớ giẻ về. Bọn mày biết gì không? Chú lôi cái đùi bò xuống hầm rồi dùng giẻ đốt lên, xắt từng miếng thịt bò ra nướng. Chao ôi, cái cảm giác ăn miếng thịt bò nướng lúc đó y như mình đang ở một nhà hàng sang trọng ở Phnôm- Pênh. Suốt đời không bao giờ quên được. Mẹ kiếp, cái hồi mình rút quân tình nguyện về nước, khổ ơi là khổ. Có những đồng đội của chú mới hy sinh được ba bốn tháng, chỉ huy ra lệnh phải đem về. Vậy là, bọn chú phải ra rừng đào lên. Anh em chết gói trong túi ni lông nên hầu như chưa phân huỷ là mấy. Mùi hôi thối xộc lên nồng nặc cả một góc rừng. Làm sao đây? Cuối cùng bọn chú nghĩ ra cách bỏ từng tử thi vào nồi quân dụng rồi đem ra suối đổ nước vào đun. Đến khi nước sôi thì thịt rữa ra. Bọn chú lấy dao găm cạo hết thịt rồi gói xương lại, bỏ vào ba lô mang về nước. Thương anh em lắm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào cả.
- Khổ đến vậy cơ hả chú?- Tuấn “hiếp dâm” hỏi lại.
- Chú Ẩn này- Tôi ngập ngừng- Vậy tại sao chú lại phải vào đây?
- Cuộc đời mà cháu! Có ai lường trước được đâu- Ông chậm rãi- Sau khi xuất ngũ, chú về quê. Vợ chồng chú làm công nhân của nông trường trên miền núi. Bao năm vợ chồng con cái chăm chỉ làm ăn nên cũng có của ăn của để. Gia đình chú cũng thuộc hàng khá giả của nông trường. Thấy trong rừng có nhiều chim thú nên chú mua một khẩu súng săn để đi săn cùng mấy anh em cùng phường. Hơn nữa là để nhớ lại cái thời cầm súng đánh nhau với Pôn Pốt. Ấy chà, mới vừa rồi chú và mấy bạn phường săn đi sâu trong rừng hơn mười ngày, ban đêm phát hiện thấy mục tiêu, chú bóp cò. Lại gần hoá ra là một con bò tót. Chết thật! Chú quay về nộp súng rồi báo chính quyền. Công an vào cuộc. Và bây giờ thì chú vào đây chờ ngày xét xử. Là thằng đàn ông đã dám làm thì phải dám chịu. Cái quan trọng nhất là sau khi vấp ngã mình có can đảm đứng lên được không, phải không chú mày?
Ông Ẩn quay sang vỗ vai rồi mỉm cười nhìn tôi một cách tếu táo. Tôi cũng vui vì ông đã tự nhiên thay đổi cách xưng hô với tôi nghe thật tình cảm, gần gũi hơn. Bên cạnh ông, thằng Tuấn “hiếp dâm” đã ngáy khò khò từ lúc nào.
Tôi bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Trong cơn mơ, tôi thấy mình đang cùng ông Ẩn “bò tót” đi dạo trên cánh đồng lạc xanh mướt sắp đến mùa thu hoạch. Ông bảo ở nông trường của ông cũng chuyên trồng lạc xuất khẩu. Có một giống lạc chất lượng cao mới nhập về. Ông sẽ để lại cho tôi một ít để tôi làm giống trồng ở ruộng nhà mình. Chợt vợ tôi, hai đứa con gái yêu của tôi chạy ra đồng lạc. Vợ tôi tươi cười, nét mặt hân hoan. Hai đứa con tôi bá vai bá cổ ông Ẩn “bò tót” như người thân trong gia đình.
Chợt tôi lại thấy thằng Toóng “kẹ” ăn mặc com lê thắt cà vạt bắt tay tôi. Hắn tiết lộ, nếu không có sự xuất hiện của ông Ẩn “bò tót” thì hắn sẽ cho đàn em của hắn duy trì tôi tập tiếp bài ba. Bài ba tên gì? Tôi hỏi. “Xe máy đứt phanh!”. Nghĩa là sao? Là cho anh đứng giáp mặt vào bờ tường rồi đạp mạnh sau lưng một cái. Thì làm sao? Như một chiếc xe máy bị đứt phanh, mặt anh sẽ đập mạnh vào tường, còn lại anh tự tưởng tượng.
Tôi choàng tỉnh. Mồ hôi vã ra như tắm khi nghĩ đến bài ba.
Sóng trên đỉnh núi
Tờ mờ sáng. Ông mặt trời hãy còn ngái ngủ ở xa tít tắp đằng Đông, Sín đã dậy. Anh vận quần đùi, cởi trần. Nước da đen nhẻm. Hai vồng ngực vun lên săn chắc như hai phiến săng lẻ. Sín đứng giữa sân đảo, vươn vai, phóng tầm mắt ra xa. Biển phẳng lặng như tấm gương khổng lồ. Tiếng sóng vỗ vào chân đảo chìm nghe oàm oạp, oàm oạp hiền lành. Gió nhẹ. Lá cờ trên nóc đảo phất phơ bay.
Con Rếch đang nằm gác mõm trên bệ súng lim dim ngủ. Thấy Sín, Rếch bèn bật phắt dậy. Rếch vui sướng, ngoắt đuôi lia lịa. Nó lao lại phía Sín sủa inh ỏi chào anh. Rếch lao xuống mép nước. Nó nhìn chần chừ một lúc rồi lội xuống. Nước ngập ngang bụng. Rếch quay lại nhìn Sín như có ý mời anh cùng xuống nước. Nó lại sủa. Sín vừa thong thả bước xuống bờ kè đá vừa chụm hai tay trước miệng làm loa rồi cất tiếng gọi ồi ồi: “Rếch à! Rếch à! Thôi nào!”
Sín lội ra một đoạn, nước đến ngực, anh tung hai sải tay lao đi. Con Rếch thấy vậy cũng bập bõm đạp nước bơi theo.
*
* *
Sáng nào cũng vậy, Sín là người dậy sớm nhất đảo. Dậy từ lúc chưa có hiệu lệnh báo thức. Trừ những ngày mưa, biển động, Sín và Rếch đã thành thói quen là bơi một vòng xung quanh đảo chìm. Sín còn dạy cho Rếch bắt cá. Bây giờ, khả năng bắt cá của Rếch đã đạt đến độ “siêu” rồi. Nhờ vậy mà cả đảo luôn được cải thiện món cá tươi do thầy trò Sín bắt được. Tài bắt cá của Sín có từ khi còn bé. Hồi đó Sín thường theo pa lặn xuống những hốc đá sâu dưới sông Pác Kha săn cá xộp. Sín nổi tiếng là một tay sát cá của cả vùng. Bây giờ, pa Sín như con ngựa đực già, mỏi chân, đau móng. Ông chỉ quanh quẩn trong nương rồi lại trèo lên mấy bậc cầu thang ngồi nhìn ra xa. Ông nhớ những vực nước sâu dưới dòng Pác Kha nhưng chẳng thể làm được gì. Ông lại ngồi bên bếp lửa rót đầy những bát rượu ngô uống ừng ực để cho cái buồn theo cơn gió qua đi. Sín thương pa vô cùng.
Nhà Sín ở bản Cỏn, một bản người Mông ở dưới chân núi Cô Phài phía cực Bắc xa xôi. Sín thứ hai. Trên Sín là anh Sình, dưới là em Mỷ. Cả ba anh em đều cách nhau mỗi đứa chỉ hai mùa nếp nương. Sín đẹp trai, to khoẻ như con ngựa đực chưa thuần. Lên mười tuổi, Sín đã biết theo pa mé và anh cả gùi đất từ dưới ruộng trèo lên đổ đầy các hốc đá trên lưng chừng núi để trỉa ngô. Sìn có may mắn hơn anh Sình là được đi học trường Dân tộc nội trú của tỉnh. Mười tám tuổi, Sín nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tân binh, Sín được đi học ba năm tại trường Trung cấp Quân khí. Tốt nghiệp, một sự tình cờ và hết sức bất ngờ đến với Sín, anh được điều về Hải quân và ra nhận công tác tại đảo Đ. này.
Lần đầu tiên trong đời được thấy biển, Sín thật sự ngỡ ngàng bởi biển rộng hơn cả suy nghĩ của anh. Biển rộng hơn cả mảng trời trên bản Cỏn. Nước biển mặn chát chứ không ngọt như nước của hồ Vạc Vãi, như sông Pác Kha quê anh. Sín vẫn tự hào cho đên bây giờ anh là người đầu tiên của quê được thấy biển và được sống ngoài đảo xa. Hơn một năm sống cùng mười mấy anh em trên đảo, mỗi người một quê, từ chỗ cái gì cũng lạ lẫm đến nay Sín đã quen nhiều thứ. Sín mau chóng hoà đồng cùng anh em cả trong công việc và cuộc sống khó khăn trên đảo. Sín thường xung phong nhận những việc nặng nhọc, vất vả về mình. Duy chỉ cái tính ít nói thì vẫn vậy. Anh vẫn cứ lầm lì như tảng đá trên núi Cô Phài. Những lúc đồng đội trêu đùa, Sín chỉ bẽn lẽn cười để lộ hàm răng trắng phau như bông hoa mận. Vì vậy, Sín còn được anh em đặt cho biệt danh là Sín “đá”.
Sín và Rếch vừa bơi xong một vòng quanh đảo. Cả hai thầy trò lục tục bước lên bờ. Tay Sín xách một xâu cá Sọc dưa lẫn cá Giò còn tươi rói. Tiếng còi báo thức vang lên lên. Cả đảo chạy ra sân xếp hàng tập thể dục. Tiếng hô một... hai..một... hai vang lên hoà trong tiếng gió ngân nga. Sín Say sưa tập cùng anh em. Con Rếch vừa rũ nước khỏi bộ lông vừa ngắm anh em tập thể dục. Nó đang ngồi canh xâu cá vừa bắt được.
Bình minh lên, biển đẹp một cách lạ thường. Bầu trời trong vắt, yên lành. Từng đám mây trắng bồng bềnh trôi. Tia nắng đầu tiên chiếu hàng chữ “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đảo Đ.; Kinh độ...; Vĩ độ...” lấp loá phản chiếu ra xa.
Tập thể dục xong, anh em ùa lại xem sản phẩm mà Sín và Rếch vừa kiếm được. Tân “nhễu” cúi xuống định xách xâu cá vào bếp để làm món ăn sáng chợt nghe tiếng đảo trưởng Hải quát to: “Tân, đứng yên!”. Mọi người giật mình chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đảo trưởng Hải đi lại gần Tân và cúi xuống nhìn vào quần đùi của Tân. Ở gần đũng quần của Tân có một mảng bằng bàn tay bị ướt loang lổ. Đảo trưởng Hải nheo mắt cười, hất hàm hỏi Tân: “Đêm qua lại bắn máy bay phải không?”. Tân đỏ mặt, thẹn thùng phân bua: “Tại vì... đêm qua... em lỡ...!”. Nói rồi Tân cúi xuống xách xâu cá lên và chạy ù vào nhà bếp. Bây giờ mới vỡ lẽ, anh em cả đảo nhìn Tân cười ồ. Sín cũng cười, miệng lẩm bẩm: “A lúi! A lúi!”. Ngoài kia, những cánh hải âu đang mải mê chao liệng trên mặt sóng. Thỉnh thoảng có con lại sà xuống đậu lên mỏm đá mồ côi phía ngoài cửa luồng. Sín thấy mình cũng như con hải âu kia đang thoả thuê vẫy vùng trên sóng nước. Nhiều lúc Sín lại tự ước giá như bản Cỏn của mình cũng có biển để cho bà con biết được cái bao la, rộng lớn của biển, để bà con mình được nếm vị mặn của nước và để được xem Sín bơi lội và bắt cá biển như thế nào. Thôi được, Sín sẽ gom thật nhiều chuyện ở biển để hôm sau về phép Sín sẽ kể cho mọi người nghe, bà con trong bản đang mong Sín về để kể chuyện lắm đây.
*
* *
Hôm nay có tàu từ đất liền ra. Đảo mình có cậu Huy và Toàn về phép cũng ra chuyến này. Nghe tin có tàu ra, cả đảo vui hẳn lên. Ai cũng mong thư và quà của người thân. Anh em túm tụm ngồi đoán những thứ mà đất liền gửi ra. Tuân “máy nổ” lên tiếng đầu tiên:
- Tớ nói không sai, kiểu gì vợ đảo trưởng nhà mình lại chẳng gửi cho chồng một can cà muối và mấy cân ruốc bông!
- Sao biết?- Lừng “pháo thủ” chất vấn.
- Thì mấy lần trước đều thế cả đấy thây!
- Thế còn chính trị viên Quý?- Lâm “thông tin” hỏi.
Tân “nhễu” cướp lời:
- Nhà anh ấy ở ngoài Bắc, chắc vợ chỉ gửi thư thôi. À, mà sẽ có ảnh con gái. Bốn tháng trước anh ấy bảo vợ mình vừa sinh con gái được ba cân tư mà!
- Ừ nhỉ! Thế còn “bố” Tuyên?
- Úi dào, ông này quê Quảng Bình chắc vợ thương nên vợ gửi cho mấy cân ớt bột đây mà!- Tuân “máy nổ” chép miệng.
Nghe vậy, “bố” Tuyên nhảy dựng lên gõ liền mấy cái vào đầu Tuân “máy nổ” rồi nghiến răng trèo trẹo:
- Tiên sư cái thằng láu cá ni, vợ tau mà gửi thứ khác ra thì tau cho mi biết mặt!
Cả đảo cười nghiêng ngả. Sín cũng cười theo. Chính trị viên Quý nhìn Sín xong lại quay sang nhìn anh em:
- Không biết đồng chí Sín nhà mình sẽ có quà gì đây nhỉ?
Cả đảo nhao nhao góp chuyện:
- Một bao tải ngô!
- Một chảo thắng cố!
- Một thúng mận tam hoa!
Lại còn trêu chọc:
- Sín ơi, bảo pa gửi cho một con ngựa ra đây để anh em mình đi chợ tình nhé!
Sín cười nhìn anh em:
- A lúi, chắc là quê em xa quá chẳng ai gửi gì đâu!
- Có đấy Sín ạ, em cứ yên tâm chờ xem! - Quý động viên Sín.
Tàu đến đảo. Đảo chìm không có cầu cảng nên tàu phải neo ở ngoài xa. Một chiếc xuồng máy kéo chiếc xuồng chuyển tải phía sau chở người và hàng hoá dò dẫm vào đảo. Do lịch trình của tàu còn phải đi các đảo khác nữa nên chỉ lưu lại đây hơn một tiếng đồng hồ rồi lại nhổ neo tiếp tục hành trình. Huy và Toàn toe toét cười chào anh em rồi cùng mọi người khiêng vác đồ lên đảo. Tiếng anh em dồn dập hỏi thăm:
- Ở quê có gì mới không?
- Vợ con khoẻ không Huy?
- Em Yến của Toàn ra sao rồi? Đã dạm ngõ chưa?
- Sướng nhé, về thì tha hồ truy lĩnh, ra đi thì ứng hết vốn. Tham lam vừa thôi khỉ ạ!
Huy và Toàn vừa dọn đồ vừa thay nhau trả lời. Đảo trưởng Hải và chính trị viên Quý đang gặp gỡ, làm việc cùng các đồng chí đại diện đoàn công tác. Trưa nay đảo được ăn tươi. Thịt heo, gà, giò lụa, rau, bầu bí, dưa muối được đưa từ tàu vào. Tý nữa Sín và Rếch xuống biển kiếm thêm mấy con cá tươi nấu với dưa thành món canh chua thì ngon tuyệt.
Đúng như Tuân “máy nổ”, Tân “nhễu” dự đoán, ngoài mấy thứ lặt vặt khác thì vợ của đảo trưởng Hải không quên gửi cho chồng cùng anh em một can cà muối to bự và mấy cân ruốc bông. Chính trị viên Quý thì nhận được một tập ảnh gia đình. “Bố” Tuyên tất nhiên là có quà ớt bột. Anh em toàn đảo ai cũng có thư, quà. Mọi người vui sướng bóc ra đọc ngay. Sín nhận được hai lá thư. Một lá của anh Sình và một lá của cô gái có tên Phương Ngọc đang là sinh viên của trường Thuỷ sản Nha Trang mà Sín chưa biết mặt. Sín và Phương Ngọc quen nhau qua thư toạ độ. Cánh lính đảo thường nhận được thư toạ độ của các bạn trẻ khắp nơi gửi ra làm quen. Cầm lá thư anh Sình gửi mà lòng Sín rưng rưng cảm động. Vậy là anh Sình đã học được cái chữ rồi, mừng quá. Anh Sình à, em nhớ anh lắm, mình phải đọc thư của anh trước đã. Sín đi ra phía sau đảo, chỗ khuất nắng bóc lá thư ra đọc. Nét chữ anh Sình nguệch ngoạc, loằng ngoằng như con gà bới thức ăn dưới gầm cầu thang. Thư được viết trên mảnh giấy học sinh đã cũ. Chắc là anh Sình xé vở của thằng cu Páo để viết cho mình đây:
“Bản Cỏn ngày... tháng... năm....
Sín à! Vậy là mày đã xa gia đình, xa cái nương ngô trên núi được mấy mùa rồi đấy! Ở nhà ai cũng nhắc mày. Thằng Páo cứ bảo chờ chú Sín về đưa nó ra sông Pác Kha để dạy nó cách săn cá xộp. Cả bản mình năm nay được mùa ngô Sín ạ. Nhà nào cũng đầy ngô, tha hồ nấu rượu. Pa mé dạo này già yếu lắm rồi. Pa hay ốm lắm. Bữa trước tao phải cõng pa lên đồn biên phòng xin cái thuốc của bộ đội để uống thì con ma mới chịu đi. Pa mé muốn mày xin nghỉ phép để tranh thủ về nhà bắt vợ. Nhà mình đang cần người làm. Vợ chồng tao đi làm trên nương suốt, bận lắm. Chị dâu mày vừa sinh cháu gái, tao đặt tên cho nó là Sẻng La. Con Mỷ nó ưng thằng Lềnh ở bên kia núi Cô Phài rồi. Năm ngoái, chúng nó gặp nhau ở phiên chợ tình rồi ưng cái bụng của nhau. Tháng sau nhà nó sang đây bắt vợ đấy! Nó đi lấy chồng làm tao buồn, pa mé cũng buồn vì thiếu người làm nương. Mày phải về lấy vợ rồi muốn đi đâu thì hãy đi Sín nhé. Pa mé bảo số mày như con nai con hoẵng trong rừng, cứ chạy nhảy suốt thôi. Từ ngày mày đi bộ đội đến nay, con May nhà ở bản Coóng hay đến nhà mình chơi. Nó còn đi ra mỏ nước đầu bản gùi nước về giúp mé nấu ăn. Hình như cái bụng nó ưng mày rồi đấy Sín ạ!
Báo cho mày một tin mừng, tao đã học xong chương trình xoá mù chữ của đồn biên phòng dạy bà con trong bản. Hiện tao được bầu làm đội trưởng sản xuất. Nhưng nó không vui bằng việc tao biết được cái chữ để viết thư cho mày. Mày có nhớ nhà không?Cả bản Cỏn nhắc mày suốt đấy. Bọn cá xộp dưới sông Pác Kha đang chờ mày về để bắt. Mày nhớ giữ gìn sức khoẻ để hôm sau về phép lên nương thu hoạch ngô cùng vợ chồng tao nhé! Thôi tao đi làm đây. Anh trai mày: Sình.”.
Sín ấp lá thư vào ngực. Lá thư nóng hôi hổi. Tim Sín đập thình thịch thình thịch liên hồi. Chà, anh Sình dạo này viết thư đâu ra đấy ghê quá. Chị dâu lại vừa sinh cháu à. Mà con Mỷ sao lại lấy chồng sớm thế nhỉ? Ừ, cái tục của người Mông mình là thế. Mà cũng tại con Mỷ cứ xinh mơn mởn như hoa, hai bắp chân nó trắng như đọt chuối rừng thế thì nó lấy chồng sớm là phải thôi. Mình chỉ thương pa mé ngày càng già, càng héo hon như tàu lá chuối phơi nắng. Mình lại ở xa quá nên không giúp được gì. Ở nhà phải nhờ hết vào vợ chồng anh Sình và em Mỷ. Tại sao cả nhà lại cứ muốn mình lấy vợ bây giờ nhỉ? Chẳng lẽ pa mé và vợ chồng anh Sình chỉ cần người làm nương thôi sao? Không được. Mình là người Mông nhưng bây giờ mình là bộ đội chuyên nghiệp rồi, mình lại vừa được học lớp cảm tình Đảng xong, mình còn phải phấn đấu. Lấy vợ bây giờ à? Nhẻn lắm, nhẻn lắm, chưa được đâu!
*
* *
Đêm khuya. Tiếng gió rít mạnh qua khe cửa từng hồi từng hồi kin kít nghe rờn rợn. Tiếng sóng đập ầm ầm như muốn nuốt chửng cả cái đảo chìm nhỏ nhoi này. Cơn áp thấp nhiệt đới đang vào thời điểm sung mãn nhất. Biển động mạnh. Mấy ô rau trồng trong thùng gỗ bị gió quật nát bươm. Ngoài kia, biển và trời mang một màu đen đặc quánh. Những tảng đá mồ côi gần đảo ngoi lên như đàn thuồng luồng, cá mập đang háu đói chực ăn. Đảo trưởng Hải cầm đèn pin đi kiểm tra bộ phận trực thông tin, sẵn sàng nhận lệnh của trên. Anh bước nhanh xuống cầu thang, rẽ vào kho lương thực soi đèn kiểm tra xem gạo và thực phẩm dự trữ có bị ướt hay không. Mọi thứ được anh em kê cao, phủ bạt nên không hề hấn gì. Đảo trưởng Hải yên tâm về phòng của mình.
Phòng bên cạnh, mấy anh em hầu như cũng chẳng ai ngủ được cả. Con Rếch cũng chui vào phòng nằm dưới giường Sín. Tiếng sóng gào thét, tiếng gió đập liên hồi nghe sốt ruột. Biển hung hãn, lồng lộn như con thú dữ đang tìm cách cấu xé, hạ gục đối phương. Từ chiều nay, toàn đảo đã làm xong công tác chuẩn bị để đối phó với cơn áp thấp có thể gây thành bão này. Tất cả đồ đạc đều được anh em chằng buộc cẩn thận. Sín cùng mấy đồng chí lội xuống nước kéo chiếc xuồng nhôm lên bờ, tháo máy, lật úp xuồng lên và néo dây chắc chắn. Mọi người ở đây thường gọi vui chiếc xuồng là “U oát nước”. Nhờ có “U oát nước” mà anh em thường xuyên chạy tuần tra xung quanh đảo kết hợp thả một sợi cước dài, lưỡi câu được gắn với những sợi dây xanh đỏ rút ra từ bao dứa làm mồi nhử. Chính bài câu chạy này thỉnh thoảng cũng kiếm được vài chú thu bè hay mú hoa to vật để cho Tân “nhễu” trổ tài nấu cháo. Món cháo cá do hắn nấu không chỉ nổi tiếng ở đảo mà còn lan vào mãi tận đất liền. Có cô em ở Đoàn văn công cuối năm ngoái ra biểu diễn, được ăn món cháo cá mú của Tân cứ xuýt xoa khen lấy khen để. Rằng, từ bé tới giờ em mới được ăn một bát cháo cá ngon đến thế. Mấy tháng sau, cô nàng gửi thư và ảnh ra cho Tân. Nàng vẫn thỏ thẻ sẽ có lần quay lại để được thưởng thức món cháo cá tuyệt vời của anh. Đảo vui lây, còn Tân thì sướng phổng mũi. Đúng là số đào hoa, đen như cột nhà cháy mà lại được cô em văn công “bồ kết” mới oách chứ!
Sín nằm gác tay lên trán. Trằn trọc mãi và vẫn không ngủ được. Giường bên cạnh, Tuân “máy nổ” đang gạ Toàn kể chuyện ở quê. Giọng Toàn rủ rỉ, nghe nằng nặng:
- Từ bữa dạm ngõ xong, nàng có vẻ dễ dãi hơn với tau. Cứ rảnh không ai nhìn là tau ghì nàng xuống hôn như chết!
- Sao lại hôn như chết?
- Chú mi hay bắt bẻ nhỉ? Thì có nghĩa là hôn nhau quên cả trời đất chứ còn răng nữa!
- Thế anh đã “tèng téng teng” chưa?
- Thì cũng tàm tạm. Hôm tau chuẩn bị vào trả phép, Yến cũng hơi buồn vì không muốn xa tau. Trước hôm đi, đêm ấy đi dạo xong tau chở Yến về. Hai đứa đang hôn nhau, tau mạnh dạn đè nàng ra cây rơm, vừa thò tay mân mê ngực nàng một tý, đang phê bỗng nghe tiếng “e hèm!”. Hai đứa hoảng hồn vội vàng đứng dậy sửa quần áo. Nhìn vào đã thấy cha nàng đứng sừng sững trước cửa. Yến nói nhỏ vào tai tau: : “Thôi, anh về đi kẻo mai lên ga muộn giờ!”. Tau xấu hổ với ông cụ quá, vội vàng chào ra về!
- Đen thế!
- Ừ, Thôi đành phải chờ sang năm về cưới vậy!
Tuân và Toàn rúc rích cười. Sín cũng bật cười theo vì câu chuyện ngồ ngộ của Toàn mà anh vừa nghe lỏm được.
*
* *
Đang mơ màng ngủ, tín hiệu báo động khẩn cấp vang lên. Cả đảo choàng dậy, Sín mở cửa lao lên phòng giao ban. Đảo trưởng Hải thông báo vừa nhận được tín hiệu cấp cứu của một chiếc tàu cá bị nạn ở gần đảo. Chắc là tàu cá của ngư dân mình chạy vào đây tránh bão thì đâm vào đá mồ côi và bị sóng đánh chìm đây. Đảo trưởng Hải ra lệnh thả xuồng. Sín xung phong đi cứu nạn. Đảo trưởng đồng ý và cắt cử thêm chính trị viên Quý và Tuân “máy nổ” cùng đi. Con Rếch nhanh nhảu nhảy phóc lên xuồng. Sín cùng anh em nhanh chóng thao tác chuẩn bị. Cả ba người khoác vội áo phao rồi rọi đèn pin, nổ máy chiếc “U oát nước” lao đi về hướng có ánh đèn cầu cứu. Trời vẫn mưa, sóng vẫn đánh liên hồi. Cả đảo đứng dưới mưa chăm chú theo dõi chiếc “U oát nước” cứ xa dần xa dần, ánh đèn pin mờ nhạt rồi mất hẳn dưới những cơn sóng đang tung ngầu bọt trắng xoá.
Phải khó khăn lắm chiếc “U oát nước” mới tiếp cận được tàu cá bị nạn. Chiếc tàu đã bị chìm gần hết, chỉ còn lại phần mũi nhổng lên trên mặt nước. Hễ “U oát nước” áp sát lại phần mũi tàu thì lại bị sóng xô bật ra. Quý vừa soi đèn vừa tung cuộn dây sang phía tàu cá để cố định khoảng cách. Tuân “máy nổ” đang căng mình điều khiển cho “U oát nước” chạy ngược sóng để tránh bị đánh chìm. Những cánh tay chới với, tiếng kêu la cầu cứu dưới làn nước lạnh buốt, đen ngòm vang lên thất thanh. Không thể chần chừ được, Sín lao xuống biển. Anh rướn mình bơi ra phía có cánh tay đang vùng vẫy tuyệt vọng. Sín vội nắm lấy tóc người đó rồi vừa bơi vừa kéo về “U oát nước”. Quý và Tân “máy nổ” vội kéo người thanh niên có khuôn mặt nhợt nhạt kia lên. Sín lại tiếp tục lao ra phía mũi tàu . Có hai người đang ôm chiếc can nhựa đạp nước cố gắng tiến về xuồng. Sóng cứ chồm lên, nước tạt vào mặt mọi người như roi quất. Nước mặn chát làm mắt Sín cay xè. Sín vẫn bơi và đảo mắt kiếm tìm.
Một người…
Hai người…
Bốn người…
Bảy người…
- Còn một người nữa, thằng Tư Rớt!- Tiếng ông già nằm trên xuồng thều thào, đứt quãng. Máu chảy loang lổ khắp khuôn mặt trắng bệch của ông.
- Kia rồi!
Chính trị viên Quý thét lên. Anh lia đèn pin ra xa. Một mảng xốp trắng mập mờ đang bị những cơn sóng nhận trồi lên ngụp xuống. Người thanh niên đang gắng sức bám vào mảng xốp đó, một tay giơ lên chấp chới ra hiệu, ánh mắt cầu cứu, van lơn. Quý vội rút dao cắt dây néo với mũi tàu. Tuân “máy nổ” tăng ga cho chiếc “U oát nước” đè sóng vọt lên. Chiếc xuồng trềnh lên nghiêng ngả như muốn lật úp bất cứ lúc nào.
Sín kéo được nạn nhân về gần đến xuồng thì bất ngờ một con sóng chồm lên hất tung Sín và người thanh niên văng ra. Chính trị viên Quý lao xuống, bơi ra, nắm được nhúm tóc của nạn nhân. Quý lấy hết sức đạp nước, sải một tay về mạn xuồng. Tiếng Tuân “máy nổ” gào lên át tiếng sóng gầm: “Cố lên! Cố lên! Sắp tới rồi! Sín đâu rồi? Sín ơi!”.
Biển vẫn đen thẫm đến rợn người. Gió rít. Sóng giật liên hồi như con quái vật bị trọng thương. Những ánh mắt thất thần, nháo nhác nhìn biển. Con Rếch chống hai chân lên mạn xuồng rên ư ử. Nó khóc. Nó đang muốn cất tiếng gọi: “Sín ơi! Sín ơi!…”.
*
* *
Vùng cao năm nay mùa xuân đến sớm. Hơi lạnh từ những dãy núi đá phả ra như cứa vào da thịt. Những làn mưa bụi mỏng tang rắc từ đỉnh Cô Phài xuống, len lỏi vào các khe ngách dưới lòng thung. Khắp các nương vườn giữa lưng chừng núi đậm một màu trắng muốt của hoa lê, hoa mận. Các ngả đường dẫn về chợ huyện người, ngựa nhiều như hoa rừng mới nở. Tiếng cười nói, tiếng nghêu ngao hát lượn vang vọng thung sâu. Ai cũng muốn có mặt trong phiên chợ cuối năm để tha hồ bán mua, để uống rượu và được say. Năm nay được mùa, lúa ngô đầy nhà. Ai cũng muốn sắm nhiều đồ để đón một cái Tết thật to.
Bản Cỏn hôm nay có khách. Một đoàn khách lạ từ miền Trung lên. Họ có ba người. Hai nam, một nữ. Hỏi thăm mãi, đi mãi mới tìm được gia đình anh Sình. Thấy khách lạ đến nhà, thằng Páo đang ngồi mài nhọn mũi sắt dùng để xiên cá vội chạy lên cầu thang gọi ông bà nội. Nhà trống huơ. Vợ chồng Sình đi chợ chưa về. Hai ông bà lão đang ngồi sưởi bên bếp lửa. Ánh lửa bập bùng soi rõ những nếp nhăn nheo trên gương mặt họ.
Trên bàn thờ, tấm ảnh của Sín mặc áo quân phục đang cười tươi để lộ hàm răng trắng muốt như hoa mận. Cạnh đó là tấm bằng “Tổ quốc ghi công” được đặt trong khung bằng gỗ săng lẻ chắc nịch mà anh Sình mới đóng.
Khánh Ngọc vừa cắm nhang lên bàn thờ vừa sụt sịt khóc. Bên cạnh, Tư Rớt, anh trai cô cùng ông già bị nạn năm nào chắp tay khấn vái.
Ngoài kia, sương giăng một màu trắng đục khắp nương bản. Tiếng hát lượn vẫn còn vang vọng xa xa…
Muôn nẻo trần ai
Tôi về đến quê vào đúng giữa trưa tháng Sáu. Cái nắng như con quái vật đang lúc say đòn nhất thét ra từng chùm lửa cộng với gió Lào quét ràn rạt như muốn thiêu đốt, liếm sạch cả thẻo đất miền Trung.
Đã gần hai chục năm xa quê, tôi luôn nhớ lời cha dặn từ lúc mới bắt đầu khoác ba lô ra khỏi nhà: “Con ở mô, làm chi thì đến ngày ba mươi tháng tư âm lịch cũng cố gắng thu xếp công việc để về quê giỗ hợp kỵ cố can ông bà!”. Ngoài ngày tết, ngày rằm tháng giêng ra thì ngày giỗ hợp kỵ còn là ngày gặp mặt đông đủ mọi người trong đại gia đình tôi. Dù cho anh em con cháu tứ tán làm ăn khắp nơi nhưng cứ đến ngày này đều về thắp hương tưởng nhớ các cụ. Cha tôi là tộc trưởng, tôi là con cả nên trách nhiệm nặng nề hơn. Vì anh em, con cháu đông nên nhà tôi phải làm chiếc rạp trước sân để che nắng và bày biện hơn chục mâm cơm mời bà con chòm xóm và con cháu đến dự. Ngày giỗ tuy đúng vào dịp thời tiết nắng nóng, việc nhiều, ai cũng mệt nhưng vui đáo để. Cho nên, dù có xa cách mấy, bận đến mấy tôi cũng cố gắng về bằng được. Nếu năm nào không đưa vợ con về được thì tôi về một mình. Năm ngoái, đúng vào ngày giỗ ở quê thì tôi phải cùng đoàn cán bộ của cơ quan đi khảo sát xây dựng nhà máy thuỷ điện mãi trong Đắc Nông nên không thể về được. Tôi ngập ngừng gọi điện về báo tin này cho cha, mong cha đừng buồn. Cha tôi trầm tĩnh bảo: “Thôi, công việc của nhà nước thì cứ phải chấp hành cho nghiêm, chỉ có điều anh không về được thì kém vui!”. Tôi biết vậy nhưng làm sao có thể hoãn lại được chuyến công tác của mình một khi sếp đã điểm mặt chỉ tên.
Năm nay, con gái bận thi chuyển cấp, vợ tôi phải ở lại chăm sóc cháu nên chỉ còn tôi về đại diện. Năm rưỡi sáng tôi hăm hở dắt xe máy ra cổng, vợ tôi lễ mễ xách mấy thứ đồ mà nàng chuẩn bị tối qua để đưa tôi ra bến xe về quê. Vợ tôi giục tôi chạy nhanh ra bến kẻo muộn giờ xe chạy. Đường vắng, tôi vít ga trực chỉ hướng bến xe lao đi trong không khí mát mẻ của sáng sớm tinh mơ.
*
* *
Chiếc xe khách máy lạnh dừng xịch ở ngã tư thị trấn. Một chiếc xe khác ngược chiều chạy qua làm đám bụi đỏ quạch vẩn lên mù mịt. Thấy chiếc xe dừng lại, đám xe ôm khoảng chục vị đang trú nắng dưới gốc cây gạo bên đường ào ra, bu kín lấy cửa xe. “Về mô?”. “Anh ơi về mô em chở?”. “Áo xanh của tau!”. “Bà bụng chửa của tau!”. “Đ. mẹ thằng ni, ông áo trắng của tau răng mi lại cướp? Tau đập cho dập mặt bây giờ. Bác ơi, về mô để cháu chở cho mồ?”
Tiếng kêu mời tranh giành khách náo loạn, ầm ĩ cả một đoạn đường.
Chờ cho mọi người xuống hết, tôi bước ra ra khỏi xe. Hơi nóng hầm hập như chiếc lò rèn trước mặt phả vào người làm tôi thở dốc. Mồ hôi bắt đầu túa ra ướt đẫm áo pull. Một bàn tay vỗ nhẹ vào vai tôi kèm theo tiếng hỏi:
- Về mô anh ơi?
Tôi quay sang phải. Một gã đeo khẩu trang, đầu đội chiếc mũ bảo hiểm to lù lù bao quanh gần hết khuôn mặt. Ánh mắt đang nhìn tôi vẻ cầu cứu bỗng dưng thoáng chút ngạc nhiên rồi chùng xuống. Tôi không hiểu tại sao. Mà thôi, mặc kệ. Trời nắng như rang, đứng đây như tra tấn. Tôi hỏi nhanh:
- Về xóm Lụt bao nhiêu?
- Ba chục!
- Hai lăm đi không?
- Cũng được!
Gã xe ôm nói xong quay ngay vào gốc cây gạo lấy xe, nổ máy và đưa mũ bảo hiểm cho tôi. Hắn rỉn ga rồi lao đi. Nắng rát rạt. Hai bên đường cây cối rũ rượi, thê lương.
Đang đi trên đường đê cạnh bờ sông để về nhà tôi. Gã xe ôm quay lại ngập ngừng hỏi tôi:
- Chắc ông về ăn giỗ?
Tôi giật mình hỏi lại:
- Ừ, đúng rồi. Nhưng ông là ai?
- Toàn đây!- Gã vẫn cắm cúi chạy xe.
- Toàn nào? Toàn “Du” á?- Tôi uồm người ra trước mang tai gã hỏi to.
Hắn gật đầu. Tôi thẫn thờ buông nhẹ hai tay khỏi hông gã. Chẳng lẽ lại là Toàn “Du” đây sao?
Chiếc xe dừng ngay dưới gốc phượng trước cổng nhà tôi. Hoa phượng đỏ rực. Tiếng ve kêu inh ỏi. Tôi nhảy xuống quệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt rồi bảo với gã:
- Ông bỏ mũ mão, khẩu trang ra rồi nghỉ cho mát tý đã rồi hẵng về!
Tôi nói vậy nhưng thực chất là muốn nhìn rõ mặt của gã, xem gã có đúng là Toàn “Du” như gã nói không. Gã cởi ngay chiếc mũ bảo hiểm và khẩu trang ra rồi nhìn tôi cười cười:
- Đã đúng là Toàn chưa?
- Toàn “Du”, đúng là Toàn “Du” rồi! Sao lại đến nông nỗi này hả Toàn?
Tôi kinh ngạc kêu lên. Đúng là thằng Toàn rồi nhưng trông nó bây giờ khác quá. Khuôn mặt đen cháy, gầy queo. Râu ria lởm chởm trông thảm hại vô cùng.
- Răng, lạ quá hả? Không nhận ra hả? Sáu, bảy năm rồi không gặp nhau thì phải khác chứ. Còn nhiều cái khác nữa đấy ông ạ. Thôi vô nhà đi kẻo ông bà già mong, tôi đi đây!- Toàn vừa nói vừa cười vẻ chua chát rồi định quay đầu xe nhưng tôi vội giữ tay lái lại.
- Khoan, khoan!- Tôi vừa móc ví vừa nói- Để tao gửi tiền mày đã!
- Tiền, tiền cái con khỉ, chở giúp nhau đoạn đường chớ có chi ghê gớm mà phải tiền với nong. Vô nhà đi!- Toàn vặc lại rồi đẩy tay tôi ra để quay xe.
- Toàn này- Tôi vỗ vai Toàn- lâu lắm rồi không gặp nhau, tình cờ gặp mày ở đây tao thay mặt gia đình mời mày trưa mai sang nhà tao giỗ các cụ!
- Thôi, thôi ông thông cảm, tôi không thể đến được!
- Tại sao?
- Thằng như tôi giờ dám vác mặt đi đâu đâu, ngại lắm, ông thông cảm cho!
- Mày gặp chuyện gì vậy?
- Ông không biết chuyện gì à?
Tôi lắc đầu khó hiểu.
- Chuyện dài lắm Thái ạ! Thôi thế này, tối mai xong việc tôi mời ông đến nhà tôi chơi, uống với nhau hớp nước rồi ta nói chuyện. Mà lâu rồi không biết ông có còn nhớ nhà tôi không đấy?
Tôi xẵng giọng:
- Mày toàn hỏi vớ vẩn. Sao lại không nhớ! Thôi thế cũng được, tối mai xong việc tao xuống nhà mày chơi. Tao vào nhà đây, cảm ơn nhé!
Tôi xách đồ đẩy cánh cổng bước vào nhà mà lòng trĩu nặng băn khoăn. Thằng Toàn nghe nói khá lắm cơ mà? Sao giờ lại đi làm xe ôm? Con chó vàng trong nhà thấy có người bất chợt lao ra sủa om sòm làm tôi bừng tỉnh. Nắng găm đầy mặt. Nắng hơ chín mấy tàu lá chuối rủ bên hiên nhà.
*
* *
Tôi và thằng Toàn “Du” chơi thân với nhau từ bé. Chính xác hơn là chơi thân với nhau từ bé đến khi học hết cấp ba. Du là tên cha nó. Quê tôi thường gọi tên con đính kèm tên cha hoặc mẹ theo sau như một hỗn danh. Nhà tôi ở xóm Lụt, nhà nó ở xóm Tràng. Hai làng cách nhau một cánh đồng lạc chạy dọc bờ sông Lam. Mẹ Toàn làm nghề buôn bán vặt ở chợ nên từ bé hắn thường xuyên ra bán hàng giúp mẹ và đã bộc lộ năng khiếu là một đứa có nhiều mánh khoé, láu lỉnh để kiếm tiền bằng những chiêu độc. Hồi cấp hai hắn đã biết lấy cám và bánh đúc nhét đầy diều của những con ngan, vịt, gà cho nặng cân để bán. Có lần sang nhà chơi tôi còn thấy hắn còn lấy cả những con bu lông xe đạp nhét vào hậu môn của cả lồng ngan sau khi cho ăn cám và bánh đúc. Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên. Hắn nhếch mép cười tinh quái: “Hì...hì, bình thường thôi!”.
Lên cấp ba, trong khi đa số bạn bè cùng lớp còn đang phải ăn mặc lếch thếch, chân đi dép tông vẹt gót thì Toàn đã có xe đạp mi ni Nhật đi học. Quần áo phẳng phiu, túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền. Hắn đẹp trai, ăn nói dẻo quẹo nên khối cô bạn cùng trường chết mê chết mệt. Cánh con trai chúng tôi đều nuốt nước bọt thèm thuồng. Tôi còn nhớ hồi nghỉ hè, hắn đã dám cả gan đem mấy tạ vừng nhảy xe từ quê vào Sài Gòn để bán kiếm lời. Sau khi trở về, biết được giá vừng đen trong đó cao hơn vừng trắng rất nhiều nên hắn đã nghĩ ra cách mua vừng trắng về rồi lấy thuốc nhuộm tóc của Trung Quốc hoà vào chậu và nhuộm vừng trắng thành vừng đen phơi khô chở vào bán. Cho dù trí tưởng tượng của tôi có phong phú đến đâu cũng không thể nghĩ được những quái chiêu mà Toàn đã làm. Nhưng đó là chuyện làm ăn của hắn chứ còn đối với tôi nó chơi rất thân tình. Tôi rất quý hắn.
Hồi đó, gia đình tôi cũng rất vất vả. Cha tôi vừa nghỉ hưu. Mẹ tôi cũng vừa về nghỉ mất sức. Mẹ tôi xoay ra nấu chè đỗ đen gánh lên thị trấn bán. Ngoài giờ học, tôi thường nấu chè cho mẹ bán. Toàn đến chơi, thấy tôi đang hì hụi thổi lửa nồi chè hắn rỉ tai: “Bây giờ đường đắt, nấu chè toàn bằng đường cả thì không có lời đâu, tao có cách!”. Tôi vồ vập hỏi bí quyết thì được hắn kín đáo hướng dẫn rằng một nồi chè chỉ nấu một phần ba đường thôi, còn lại thì phải cho mật mía vào. Mật mía ở quê rất rẻ. Tôi thắc mắc: “Nhưng mật mía thì mùi lắm, người ta phát hiện được?”. “Mi ngu lắm, phải biết cách khử cho mất mùi mật đi chứ!”. Rồi tôi làm theo hắn. Tôi bí mật ra chợ mua một can mật mía về giấu kín. Đến khi nấu chè thì đổ mật ra nồi nấu lên. Đến khi mật sôi thì cho vào một cục vôi bằng đầu ngón tay. Bí quyết của thằng Toàn hay thật. Quả nhiên mùi mật bay hết. Thế là tôi áp dụng theo “sáng kiến” của hắn được mấy hôm thì bị mẹ tôi phát hiện ra và cấm tiệt. Mẹ tôi bảo: “Kiểu ni chỉ có thằng Toàn “Du” bày cho mi làm rồi. Đừng có ham giàu mà làm chuyện bậy bạ con ạ!”. Tôi van mẹ đừng nói chuyện này ra cho cha biết, nếu không thì rắc rối to. Thâm tâm tôi vẫn thầm cảm ơn thằng Toàn vì ít nhiều hắn đã dạy cho tôi những mánh khóe đầu tiên trong đời dù là vặt vãnh nhất để kiếm tiền. Những tưởng với một kẻ có nhiều kinh nghiệm buôn bán được tích lũy suốt thời học sinh phổ thông, Toàn sẽ đi lên ở chốn thương trường. Nhưng không, đời hắn lại ngoặt sang một lối rẽ khác. Lối rẽ đã đưa hắn đến với biết bao sóng gió cuộc đời, để hắn phải chịu những trò đùa dai dẳng của số phận.
Hết cấp ba, tôi vào đại học, Toàn đi nghĩa vụ quân sự. Thời gian cứ thế cuốn đi. Sau này mỗi đứa ở một nơi, đều có cuộc sống riêng nên tôi và Toàn cũng ít liên lạc dần. Tình cảm vì thế cũng dần nhợt nhạt. Mười mấy năm nay tôi không gặp hắn. Tôi biết vợ chồng hắn đều làm ở uỷ ban huyện. Hắn mua đất làm nhà trên đó. Cuộc sống nghe nói cũng ổn. Tôi mừng cho vợ chồng hắn. Định bụng một lúc nào đó về quê sẽ lên nhà hắn chơi nhưng cứ lần lữa mãi mà vẫn chưa thực hiện được. Mỗi lần về quê chỉ một hai ngày, vội vội vàng vàng như ma đuổi. Xong công việc là tôi lại phải ra thành phố ngay. Vợ tôi nói đúng: “Trông anh như con lật đật, lúc nào cũng tất bà tất bật. Ngồi chưa nóng đít đã nhổm đi. Kiểu này còn khuya mới giàu được. Rõ chán!”.
*
* *
- Thế là hết! Đời tao giờ còn chi nữa mô hả Thái?
Tôi ngậm ngùi nuốt ngụm rượu đắng ngắt vào cổ. Khổ thân hắn. Mẹ hắn đã mất được năm năm rồi. Ông Du thì bị tai biến nằm bẹp trên giường hơn hai năm nay. Mấy đứa em cũng đi làm ăn xa cả. Ngôi nhà của vợ chồng hắn trên thị trấn từ hồi xảy ra cơ sự đành phải bán chia đôi, hắn về nhà cha mẹ ở. Vợ hắn cũng bỏ xứ đi rồi. Miệng ăn núi lở, tiền bạc cứ dần đội nón ra đi. Nỗi buồn thê thiết cứ đè nặng tâm trí tôi. Gió khuya thổi nhẹ làm mấy tàu lá chuối ngoài vườn khua rột roạt. Đàn muỗi cứ vo ve xung quanh người, thỉnh thoảng lại đốt tôi một mũi làm ngứa ngáy khó chịu. Mặc kệ. đêm nay tôi quyết ở lại nhà Toàn để nghe hắn kể nốt cái quãng đời của hắn trong thời gian tôi và hắn xa nhau.
Toàn tự nhận hắn là người may mắn. Mà đời hắn cũng có lúc may mắn thật. Xuất ngũ với tấm bằng lái xe được học trong quân đội, hắn lơ ngơ vác ba lô về quê. Ban đầu hắn lái xe tải thuê chạy hàng tuyến Móng Cái. Sau đó, nghe bạn bè rủ rê thấy bùi tai, hắn phăm phăm vào rừng Buôn Gia Wầm trong Tây Nguyên để lái xe Reo chở gỗ lậu thuê. Làm nghề lái xe cho đám này kể ra cũng mạo hiểm thật, vất vả thật nhưng được cái lương cao. Mỗi cánh rừng sau khi bị hạ sát, hắn có nhiệm vụ đánh xe vào cẩu gỗ lên rồi chở ra bãi tập kết. Ngày lại ngày hắn cần mẫn làm việc. Sau hai năm thì hắn đã trang bị được cho mình một bản lĩnh chai lì trước các tình huống xảy ra trong rừng như đụng độ giữa các nhóm lâm tặc hay những cuộc đánh xe tháo chạy hết sức ngoạn mục trước sự truy đuổi của lực lượng kiểm lâm. Công việc của hắn bỗng nhiên bị khựng lại vào một ngày mưa tầm tã. Hôm đó, hắn đang chở một xe gỗ lặc lè ra gần đến bìa rừng thì dính chấu. Mấy ông công an, kiểm lâm chợt xuất hiện trước mũi xe. Súng ống, roi điện tua tủa. Những ánh mắt sắc lẹm nhìn hắn chằm chằm. Hắn rơi vào tình thế hết sức nguy cấp. Tiến cũng không được mà lùi cũng chẳng xong. Hắn thấy mình lúc này như một con nhặng xanh bị mắc vào mạng nhện. Con nhặng sẽ bị chết nếu như không thoát ra khỏi tấm lưới khổng lồ này. Sau mấy giây định thần, hắn đạp mạnh cửa ca bin nhảy xuống rồi cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng. Mặc cho bùn nhão bê bết người. Mặc cho gai cào xước mặt mũi chân tay. Mặc kệ tất. Hắn cứ chạy. Cuối cùng thì hắn cũng về được lán của mình trong rừng. Hắn kịp vơ vội mấy bộ quần áo ẩm mốc, hôi hám nhét vào chiếc túi du lịch. Còn hơn một tháng lương chưa nhận. Thôi, cho chúng mày luôn, tao xéo đây. Hắn tặc lưỡi. Vậy là hắn bỏ của chạy người. Hắn cắt rừng tìm đường tắt đi ra quốc lộ để bắt xe đò về Bắc, bỏ mặc những tiếng cưa máy đang ăng ẳng thét lên trong rừng sâu. Đám sơn tràng kia vẫn chưa hay biết gì về sự việc xảy ra ở ngoài bìa rừng. Họ vẫn say sưa làm việc như những tên đao phủ đang hành hình những thân cây vô tội. Những thân cây cứ thay nhau đổ rạp. Lũ chim chóc kêu la thảm thiết, hoảng hốt đập cánh bay đi bỏ lại đằng sau mảnh rừng như cái đầu người bị phạt từng mảng tóc.
Toàn lại về quê. Có chút tiền trong túi cộng với cái mác đẹp trai, khéo nói, hắn xin được chân lái xe cho xí nghiệp gỗ của huyện. Hắn lấy vợ. Vợ hắn cũng là công nhân của xí nghiệp trông trắng trẻo, phây phây.
Sau gần năm năm ở xí nghiệp gỗ, chẳng hiểu Toàn quan hệ kiểu gì mà lại xin về được đội xe của ủy ban huyện. Phải nói rằng, Toàn tuy còn trẻ nhưng tay lái thuộc hàng cứng cựa nên cũng có tiếng hồi còn bên xí nghiệp gỗ. Có một vụ tai nạn xảy ra làm thay đổi cuộc đời hắn. Tay Sinh lái xe chở chủ tịch Uy đi liên hoan ở huyện bên về. Ban đêm đường vắng, Sinh mát ga mát số. Đột nhiên có chiếc xe máy chở hai thanh niên trong xóm lao ra. Sinh hốt hoảng đạp phanh nhưng không kịp. Một chết. Một bị chấn thương sọ não giờ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Chiếc ô tô giập một bên mũi như vừa bị một cú đấm tạt ngang. Chủ tịch Uy mặt cắt không còn giọt máu. Sinh lập tức bị nghỉ việc. Công an vào cuộc xử lý sự vụ. Vậy là cái tên Toàn ngay lập tức lọt vào mắt xanh của chủ tịch Uy. Chẳng bao lâu, với khả năng của mình, Toàn đã chiếm được cảm tình và sự ưu ái của sếp. Toàn tận tuỵ hết lòng cúc cung sếp. Biết giữ mồm giữ miệng, đặc biệt là biết cách chiều những sở trường, sở đoản và những thú vui của sếp. Toàn hiểu ý sếp nhanh chứ chẳng phải như gã Sinh lù khù kia. Chết là phải. Một thời gian sau thì Toàn cũng xin cho vợ vào làm nhân viên văn thư của uỷ ban huyện. Nghĩ lại Toàn mỉm cười vì cái số của hắn tưởng như chó đòi nhưng cuối cùng hoá ra lại đẹp như hoa. Bằng sự láu lỉnh của mình, hắn đã nhờ cái bóng của chủ tịch Uy mà làm được khối việc. Khối tay cán bộ các xã, hay cả huyện đều phải qua tay hắn để nhờ vả công việc, tất nhiên là phải có phần trăm. Đời sướng thế còn gì bằng!
*
* *
Nói đến cái tên Lại Vũ Uy thì cả huyện Đông Lâm này ai ai cũng biết. Đơn giản, vì ông là chủ tịch của cái huyện vùng bán sơn địa này. Chủ tịch Uy có thân hình cao lớn. Khuôn mặt vuông vắn. Cái mũi hơi khoằm. Cặp môi dày. Lông mày rậm. Đôi mắt hơi bé. Vành tai cũng có thành có quách nhưng dái tai lại hơi nhỏ, không sệ. Mái tóc lấm tấm hoa râm được rẽ ngôi thẳng tắp trông ông mới lịch thiệp làm sao. Sau bao thăng trầm lận đận, con đường công danh của ông giờ đã rộng thênh thênh. Ông tự nhủ rằng, lên đến được chức chủ tịch huyện là đỉnh cũng cao muôn trượng. Ông cũng chẳng cần kê kích bon chen nhau để leo lên ghế cao hơn làm chi cho mệt. Đời ông thế là mãn nguyện lắm rồi. Cố thêm vài năm nữa đủ tuổi là hạ cánh an toàn. Về nhà vui vầy với gia đình, con cháu chứ sống trong cái môi trường luôn phải căng óc ra để giữ ghế này ông cảm thấy mỏi mệt lắm rồi.
Chủ tịch Uy có một sở thích đáng yêu là làm thơ và hay nói chuyện văn chương. Hễ gặp ai có máu me văn nghệ một tý là ông sà vào hàn huyên, tâm sự không biết chán. Lần nọ, ngành văn hoá huyện mời ông dự Hội nghị công tác ngành. Họ mời ông lên phát biểu ý kiến chỉ đạo. Ông say sưa nói. Cả hội trường im phăng phắc lắng nghe. Mọi ánh mắt đổ dồn nhìn ông hau háu như chực nuốt từng lời vàng ý ngọc của vị chủ tịch đáng kính. Lúc sắp kết thúc bài phát biểu, ông nổi hứng xin phép mọi người đọc bài thơ của mình mới làm để mừng thọ mẹ. Ông nhẩn nha đọc:“Sống tới tám mươi chẳng phải người/Mà là Tiên, Phật ở trên trời/Sinh được hai con là kẻ trộm/Trộm quả đào tiên kính dâng Người”.
Ông Uy đọc xong, cả hội trường vỗ tay rần rật tán thưởng. Ông nhìn xuống với cảm xúc lâng lâng sung sướng. Duy chỉ có tay Bái trưởng phòng văn hoá là cúi gằm mặt xuống bàn thản nhiên uống nước. Ông thừa biết nó là kẻ không thích ông nói chuyện văn chương. Ông vẫn còn nhớ tháng trước, tay Bái đã làm ông một phen bẽ mặt. Chuyện là khi đi giao ban về qua phòng Bái, ông ghé vào. Bái đang tiếp hai tay phó chủ tịch văn xã của hai xã sâu nhất huyện. Sau mấy tuần trà, nói vài ba câu chuyện, liếc thấy tờ báo “Văn nghệ” để trên bàn, ông với tay lấy xuống xem qua. Tợp chén nước xong, ông chỉ tay vào tờ báo rồi gật gù:
- Cái thằng cha “Văn nghệ” này thế mà hay đáo để. À, mà các cậu có biết “Văn nghệ” nghĩa là gì không?
- Dạ... thưa anh...!- Mấy tay cấp dưới gãi đầu gãi tai ấp úng.
Chủ tịch nhìn khắp lượt rồi cười cười:
- Bất ngờ quá hả? Các cậu làm văn hoá mà cứ như gà mắc tóc vậy? Tôi mới chỉ hỏi thế thôi mà đã ngắc ngứ rồi. Đơn giản thôi, văn là văn học, nghệ là nghề. Nghĩa là văn học là một nghề. Hiểu chưa?
Hai tay cán bộ xã cười toe toét: “Thủ trưởng quả là sâu xa, vậy mà chúng em không nghĩ ra. Thủ trưởng tài thật!”.
Tay Bái cũng nhếch mép cười nhưng ánh mắt của nó như giễu cợt, kinh bỉ ông. Quái lạ, mình có nói gì sai đâu mà nó lại có cái kiểu nhìn mất dạy ấy nhỉ? Hay là nó còn tức ông việc hôm nọ nó lên xin ông ký duyệt kinh phí cho ngành văn hoá mà bị ông cắt bỏ đi một nửa. Thôi được, mày cứ chờ đấy thằng khốn ạ. Dân văn hoá mày là thâm lắm, tao biết. Có dịp tao sẽ cho mày biết tay tao. Không tài giỏi gì đâu, chưa đỏ đít đã đòi làm khỉ đột. Ông ném ánh mắt vào thẳng mặt tay Bái rồi lững thững về phòng.
Chủ tịch Uy kéo ngăn bàn háo hức lấy cái phong bì mà tay giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Tuế đang thi công công trình chống hạn của huyện mới biếu sáng nay. Nét mặt ông hân hoan khi cầm trên tay những tờ đô la mới cứng. Ông say mê ngắm nghía chúng và chợt nhận ra ông tổng thống Mỹ cũng đang nhìn ông cười hiền lành. Thằng cha này chơi đẹp đấy. Được lắm. Ông lẩm bẩm.
Có tiếng gõ cửa cắt ngang những giây phút sảng khoái của chủ tịch Uy. Ông cau mày cất vội xấp đô la vào ngăn bàn rồi hẵng giọng: “Vào đi!”. Một khuôn mặt xinh xẻo đang lấp ló ngoài cửa. À, thì ra là cô Hoa văn thư vợ thằng Toàn lái xe. Ông hơi ngỡ ngàng vì con bé dạo này xinh đáo để. Hoa ôm một xấp công văn đi vào tươi cười bảo ông:
- Chào chú ạ. Chú nhận giúp cháu một ít công văn ạ!
Hoa nhẹ nhàng để xấp công văn xuống bàn đứng chờ sếp xem qua. Ông Uy ngước mắt nhìn Hoa. Trời, đúng là gái một con có khác. Bẵng đi một thời gian không để ý, hôm nay trông Hoa thật tràn trề sinh lực, rừng rực sức sống như thể muốn đốt cháy cái tuổi xế chiều của ông. Ta phải ngắm con bé này một tý đã. Ông Uy mỉm cười rồi nhỏ nhẹ bảo:
- Cô Hoa pha cho tôi ấm chè rồi ngồi đây chơi nói chuyện một lúc. Lâu rồi tôi không gặp cô!
Hoa ngoan ngoãn “Dạ!” rồi rót nước pha trà. Ông Uy bước sang bàn uống nước ngồi xuống hỏi han Hoa nhiều chuyện, cốt là để kéo dài thời gian ngắm Hoa. Tranh thủ lúc Hoa đang mải dạ thưa trả lời, ông Uy kín đáo liếc Hoa. Cô ấy có nước da trắng trẻo, khuôn mặt bầu bĩnh, mái tóc xõa ngang vai. Hoa bẽn lẽn cười để lộ chiếc lúm đồng tiền xinh xinh và hàm răng trắng đều. Chiếc áo ngắn tay mỏng của Hoa như khoe với ông hai cánh tay mũm mĩm và bộ ngực căng tròn ẩn sau chiếc coóc xê đen thẫm. Ông Uy lặng lẽ nuốt nước bọt rồi tươi cười nhìn Hoa. Ánh mắt ông thoáng chút ngây dại. Chà, thằng Toàn có phúc lấy được con vợ xinh thật. Ông lại thoáng buồn khi nghĩ đến bà vợ khọm của mình. Đã già, xấu lại còn bệnh với chả tật. Tiền bạc chẳng thiếu, thuốc thang đầy đủ mà bệnh vẫn hoàn bệnh. Ban đêm nằm cạnh cứ nghe tiếng tiếng thở khò khè, the thé như tiếng mèo hen mà phát khiếp lên được. Thực tình thì thỉnh thoảng thằng Toàn vẫn chở ông đi giải quyết khâu bí ở một địa chỉ hết sức kín đáo, bí mật. Vừa rồi cái nhà hàng đó bị công an phục kích bắt quả tang mấy đôi nam nữ đang mua bán dâm. Nghe vậy mà ông Uy sởn hết da gà. May mà hôm ấy mình ở nhà. Vô phúc hôm đó mà mò vào lớ ngớ bị tóm thì đứt cước chứ chẳng chơi. Thôi, đành phải tạm thời nhịn một thời gian để thằng Toàn đi kiếm một địa chỉ khác an toàn hơn vậy. Ông Uy tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Hoa bẽn lẽn nhìn ông cười rồi xin phép ra về. Ôi đôi mắt cô em mới lúng liếng làm sao! Ông Uy chết lặng người. Mắt dán chặt vào bộ ngực cứ phập phồng theo nhịp thở. Bản năng khát thèm trong ông trỗi dậy, ông đứng lên chìa tay ra trước Hoa, miệng lắp bắp: “Hoa về nhé!”. Hoa nhẹ nhàng đặt bàn tay mình nằm gọn trong bàn tay nải chuối của ông. Ôi, bàn tay mới mềm mại và ấm áp làm sao. Ông run lên. Bất chợt ông mạnh dạn bước sang xoay người ra sau ôm chặt tấm lưng tròn lẳn của Hoa. Cái cảm giác căng cứng như một luồng điện chạy dọc cơ thể khiến ông lâng lâng, người run lên bần bật. Hoa vùng vằng thoát khỏi vòng tay chắc như gọng kìm của ông. Cô hổn hển: “Đừng chú, chú bỏ tay ra, đi đi chú, anh Toàn mà biết được thì…!”. “Thì sao?”. Ông Uy đang cọ chiếc cằm của mình vào gáy Hoa vội cắt lời. “Chết em mất!”. Hoa thả giọng nhẹ nhàng rồi dần buông lơi hai tay ra để mặc cho ông Uy tự do lần mò bàn tay lên cơ thể của mình. Ôi, hoá ra cái con bé này nó hiểu ý mình rồi. Ông Uy sung sướng thầm rên: “Hoa yên tâm, chỉ hai ta biết với nhau thôi, tôi sẽ tạo điều kiện cho Hoa, Hoa muốn gì tôi cũng chiều, Hoa nhé?”. Ông Uy như điên như dại trước tấm thân ngà ngọc của cô gái chỉ bằng tuổi con gái đầu của ông. Ông gắng sức hôn ngấu nghiến lên cổ lên má Hoa cho thoả cơn say tình. Bất giác Hoa quay lại, vẻ mặt ngượng ngùng. Cô khẽ thì thầm: “Thôi em phải về phòng đây, hẹn lúc khác anh nhé!”. Hoa sửa lại áo rồi rón rén mở cửa bước ra khỏi phòng. Ông Uy ngồi ngả lưng trên ghế thở dốc, nuốt nước bọt ừng ực. Mắt ông lim dim nhớ lại những giây phút tuyệt vời vừa qua. Gương mặt ông toát lên vẻ mãn nguyện như vừa bước ra từ cõi thiên thai. Hừ, hoá ra lâu nay mình dốt thật, có vàng trong tay mà chẳng biết. Được, ta sẽ nghiên cứu chuyển thằng Toàn đi khỏi cái uỷ ban này để đỡ chướng mắt. Cho dù mày có khôn khéo, trung thành đến mấy. Bắt buộc tao phải làm thế. Mày phải chuyển đi nơi khác cho tao dễ bề đi lại với vợ mày Toàn ạ! Ông Uy đắc thắng mỉm cười.
*
* *
Đã hơn hai giờ sáng. Sương rơi dơm dớp cánh tay. Hai chúng tôi vẫn ngồi giữa sân. Chai rượu đã hết queo nằm chỏng chơ trên chiếu. Đĩa lạc rang còn vài hạt lẻ loi trong chiếc đĩa mẻ.Tôi chỉ nghe hơi ong đầu chứ không say. Toàn vẫn ngồi bó gối hút thuốc, mắt nhìn xa xăm.
- Rồi sao nữa, mày kể tiếp đi!- Tôi giục Toàn.
- Mẹ kiếp, cuối cùng thì tất cả cũng nát bét như bãi phân trâu gặp mưa, kể cả tao. Tất cả đều phải trả giá cho số phận - Toàn cười khẩy- Đời chó má thật! Trước uy quyền của lão Uy và sự cám dỗ không thể cưỡng lại trước những tờ tiền đầy ma lực, Hoa đã phản bội tao để cặp với lão. Bọn chúng lao vào nhau như những con thiêu thân. Lão Uy thì khát tình còn con vợ tao lại biết lợi dụng lão để moi tiền. Nói chung là hai bên đều biết cách lợi dụng nhau để cùng có lợi. Tao để ý thấy Hoa có những biểu hiện bất thường. Cô ta thường lấy cớ đi thăm người này người nọ. Có hôm tao mở túi xách của Hoa thấy một cục tiền. Tao sinh nghi liền hỏi thì cô ta bảo là em đi vay giúp cho bà chị gái. Còn lão Uy, khi chưa đuổi được tao đi thì tự nhiên tao thấy lão luôn vui vẻ tươi cười với tao. Những lúc đi công tác thì tao phải lái xe chở lão ấy đi còn lại lão bỏ thói quen bắt tao phải chở lão đi ăn hay về nhà. Tao hỏi, lão bảo để anh tự đi xe máy cho thoáng và rèn luyện khả năng xử lý giao thông. Mẹ kiếp, bọn chúng làm sao đánh lừa được tao. Cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra. Tao đã bí mật theo dõi và bắt quả tang đôi gian phu dâm phụ đang quần nhau ở một nhà nghỉ huyện bên. Hai đứa trần truồng như nhộng quỳ dưới chân tao xin tha tội chết. Lúc đó tao điên tiết định cho mỗi đứa một nhát cho xong nhưng kịp bình tĩnh lại. Tao uất nghẹn nâng cằm lão Uy lên và bảo: “Tao không ngờ mày lại chó má hơn tao tưởng!”. Lão luống cuống sì sụp níu chân tao: “Chú Toàn, anh có lỗi với chú, mong chú tha tội chết cho anh. Anh sẽ bồi thường danh dự cho chú, bao nhiêu cũng được!”. Tao vẩy lão ra và đạp cho một nhát làm lão ngã ngửa ra nhà như con lợn cạo. Còn con Hoa, nó vội vàng vơ tấm áo che thân, ngồi co ro khẩn khoản nhìn tao. Tao chỉ gườm mắt nhìn nó chứ không thèm động đến chiếc lông của đứa lăng loàn. Hừ, đã thế thì ông cho mày biến. Tao quay về nhà và chiếc đơn ly hôn được viết ngay tức khắc. Tao và Hoa chia tay rất nhanh chóng. Đường ai nấy đi. Nhà bán chia đôi. Con theo mẹ. Tao về nhà cha mẹ ở. Một thời gian sau tao cũng viết đơn xin nghỉ việc ở cơ quan vì không muốn nhìn thấy mặt lão Uy. Nhìn đến lão là tao buồn nôn không chịu được. Nhưng bây giờ thì thôi rồi- Toàn chùng giọng xuống- tao cũng chẳng còn giận lão làm gì nữa cho tội.
- Tại sao vậy?- Tôi thắc mắc.
- Lão chết rồi, chết thảm lắm!
- Chết? Sao lại chết?- Tôi tròn mắt ngạc nhiên.
- Sau khi ly hôn xong, tao về nhà một thời gian rồi dồn hết vốn liếng và vay mượn thêm một ít nữa để tham gia vào đường dây buôn gỗ lậu. Trước đây tao quen một số tay trùm gỗ lậu hồi còn lái xe Reo. Được chỉ đường vẽ lối nên tao cũng thắng được vài vụ, qua mặt được công an, kiểm lâm. Số tiền kiếm được cũng kha khá. Tao tính làm cú chót kiếm chút vốn rồi chuyển nghề khác nhưng cũng chính chuyến đó tao bị dính đòn. Vụ đó tao lái cả một xe tải gỗ được nguỵ trang kỹ để chạy ra Bắc bán cho đầu mối ngoài đó. Khốn nạn cho tao là bị bọn thằng Thành “lé” chơi đểu. Vì ghen ăn tức ở trong việc tranh giành mối làm ăn nên bọn chúng đã gọi điện báo để diệt tao. Xe đến Thanh Hoá thì bị bọn liên ngành phục kích bắt sống. Tao ngoài mất trắng số gỗ nhóm một còn bị xử mười tám tháng tù giam. Đời tao coi như tắt điện hoàn toàn. Mẹ kiếp, đen đủi quá! À, chuyện lão Uy chết hả? Sau khi ra tù về nhà tao nghe mọi người kể lại, lão Uy vẫn qua lại với con Hoa. Mẹ con nó thuê nhà ở riêng. Tối ấy hai đứa hẹn nhau ở nhà nghỉ. Con Hoa đến trước nằm chờ, lão Uy đi xe máy đến để hú hí. Nghe bảo lão uống phừng phừng rồi mới đi. Đến đoạn đường cua, do phải tránh chiếc xe đi ngược chiều, lão chói mắt và đâm vào đít chiếc công nông chở gỗ đang lù lù trước mặt. Lão vỡ ngực chết tươi, chiếc xe thì nát bét. Thiên hạ bàn tán xôn xao suốt cả năm trời. Tao thì hả hê vô cùng. Rốt cuộc nghĩ cho cùng lão cũng là kẻ đáng thương. Tưởng già rồi sẽ được hạ cánh an toàn về vui cùng gia đình ai ngờ lại nảy nòi ra cái thói dê cụ hoá ra lại phải chết tức tưởi. Cái chết của lão là cái chết ngu. Cái chết vì tình là cái chết bất thình lình mà, phải không mày? Ha... ha... - Thằng Toàn cười hả hê sảng khoái. Lần đầu tiên tôi mới thấy hắn cười một cách đã đời như vậy.
- Thế mẹ con Hoa bây giờ ra sao?- Tôi ngập ngừng hỏi.
- Sau khi lão Uy chết, chuyện con Hoa và ông chủ tịch luôn là đề tài tâm điểm của nhân dân bàn tán mọi lúc mọi nơi. Hoa dường như không chịu nổi dư luận bèn xin nghỉ việc, gửi con lại cho ông bà ngoại nuôi rồi đi vào miền Nam. Nghe nói làm công nhân chế xuất chế xiếc chi trong đó. Hừm, tao bây giờ trắng tay nhưng vẫn còn niềm an ủi duy nhất đó là đứa con gái lên chín. Một tháng tao đến thăm con hai lần. Nó xinh xắn như mẹ nó- Toàn ngập ngừng- nhưng cầu mong nó đừng có tính xí xớn như mẹ nó. Tao đang tính sẽ xin đưa nó về bên này để tao nuôi, để nó được ở cùng ông nội những năm tháng cuối đời!
Toàn nói mà giọng nghẹn ngào, đôi mắt hắn ngân ngấn nước. Những giọt nước mắt của thằng đàn ông lăn dài trên khuôn mặt cháy đen vì nắng gió, vì những quăng quật của cuộc đời.
Trời đã dần về sáng, hai đứa vẫn nằm gác chân lên nhau giữa sân như thuở nào. Toàn đã chìm vào giấc ngủ bởi những mỏi mệt bủa vây. Tôi ngồi nhỏm dậy xót xa nhìn hắn. Trong lòng trĩu nặng nỗi buồn. Thực tình lúc này tôi rất muốn làm một cái gì đó để giúp Toàn nhưng sức tôi có hạn, số tôi cũng quá bọt bèo thì làm sao có thể xoay chuyển số phận cho Toàn được đây. Tôi bất lực thở dài.
Tôi mở ví rút một ít tiền để xuống chiếu, lấy chiếc ly uống rượu đè lên rồi đứng dậy lặng lẽ ra về. Chút nữa thôi là tôi lại lên xe trở về thành phố để tiếp tục cuộc sống của mình.
Tôi rảo bước chầm chậm qua cánh đồng lạc để về nhà. Cánh đồng lạc xác xơ, bợt bạt vì những trận nắng kinh người thiêu đốt. Buổi sáng ở quê thật thanh bình. Dòng Lam vẫn dửng dưng chảy về hun hút xa xăm. Bên tai tôi vẳng đâu đây lời cha dặn: “Con ở mô, làm chi thì đến ngày ba mươi tháng tư âm lịch cũng cố gắng thu xếp công việc để về quê giỗ hợp kỵ cố can ông bà!”.
VanVN.Net – Như tin đã đưa, ngày 20/10/2011, Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Đỗ Hàn, được sự ủy quyền của nhà văn Nguyễn Trí Huân – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã ...
VanVN.Net – Như tin VanVN.Net đã đưa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Hoàng Ca (tức nhà văn Nguyễn Thi, Nguyễn ...
VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...
VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...
VanVN.Net – Sáng nay, 06/12/2011, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hai Bà Trưng – Hà Nội), cuộc tọa đàm văn học tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ được tổ ...
VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn