Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Nhà nước cần tái bao cấp cho hệ thống Thư viện

Triệu Xuân - 14-06-2011 02:02:21 PM

VanVN.Net - Bao cấp là hai từ gắn liền với một thời kỳ dài, đời sống vật chất của con người vô cùng gian khổ. Hai từ ấy, khiến hơn một thế hệ, bây giờ nghĩ đến vẫn phải rùng mình, nổi da gà, kẻ bị bệnh tim có thể phải đi cấp cứu! Thế nhưng, cái thời Bao cấp khốn khổ ấy, còn có những điều tốt đẹp mà ngày nay, có mơ cũng chẳng được!...

Từ hai chục năm trở lại đây, người đọc sách, nhất là sách văn học ngày càng hiếm! Văn hóa đọc bị xuống cấp tới đáy! Một trong rất nhiều lý do là người đọc không có tiền mua sách. Trong khi đó, sách văn học của hệ thống gần 2000 Thư viện quá nghèo nàn, èo uột. Nhiều Thư viện bị teo tóp, gần như đóng cửa để cho thuê mặt bằng.

Tình trạng dạy văn, học văn trong hệ thống trường phổ thông ngày càng băng giá. Giáo viên dạy văn thì phương pháp giảng dạy xơ cứng, ít đọc sách, chỉ dạy theo giáo trình, không cảm hứng, không sáng tạo. Điều tất nhiên xảy ra là học sinh ngán học môn văn. Vẻ đẹp văn chương, sức hấp dẫn của văn chương không còn! Trong giờ văn, học sinh nghe là ngủ gật, chỉ học chay để thi lấy điểm.

Tình trạng dạy văn, học văn trong các trường đại học có ngành Ngữ Văn cũng không khá hơn. Thế hệ Giáo sư vàng không còn! Không ít Giảng viên đại học Văn có học hàm, học vị đàng hoàng nhưng rất ít đọc tác phẩm văn học, chuyên dạy chay. Sinh viên thì tiền nhà trọ còn chưa có nộp, lấy đâu ra tiền mua tác phẩm văn học để đọc, học chay là tất yếu.

Có không ít người viết lý luận phê bình văn học nhưng khó có điều kiện tiếp cận tác phẩm, chỉ đọc giới thiệu trên báo rồi nói, viết, phê phán, khen chê  như mình đã đọc rồi. Có ông GS, TS thú nhận mười lăm năm qua chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết! Bởi thế khi viết bài đánh giá về nền văn học, họ chỉ nhắc được tên tác phẩm và tác giả của vài người sống gần mình. Viết một vài bài còn được chứ mười năm liền chỉ nhắc đi nhắc lại năm sáu gương mặt ấy, tên tác phẩm ấy thì nhảm hết sức!

Hiện tượng Nhật ký Đặng Thùy Trâm in nhiều lần tới gần 700 ngàn bản và một vài sách khác do báo chí quảng bá om sòm (đầu tư cho PR giỏi) bán được nhiều ngàn bản là rất đáng mừng. Nhưng, điều đó không phản ánh thực chất của mãi lực sách văn học (sức mua bằng tiền túi của dân). Phải nhấn mạnh điều này: cần đánh giá sức mua, sức đọc bằng tiền túi của người đọc chứ không phải bằng tiền công quỹ đoàn thanh niên, quân đội, công đoàn… xuất ra mua sách phát không cho người trong cơ quan, mua theo chỉ đạo, phong trào. Không ít người nhận sách về, xếp đó, để mốc meo không đọc!

Không có người bỏ tiền túi ra mua sách thì văn học làm sao phát triển? Không có người mua sách thì Nhà xuất bản cũng chết luôn, phải bươn chải để in những sách dưới văn học, kiếm tiền trả tiền điện, tiền nước, lương và các khoản bảo hiểm cho nhân viên. Nhà văn làm sao có độc giả? Không có người mua sách thì nhuận bút lấy đâu ra, lấy gì ăn để viết tác phẩm lớn cho xứng tầm thời đại? Toàn nói suông không à! Trời ạ!

Trên toàn quốc, từ thời bao cấp để lại, có hơn 1000 Thư viện Trung ương, tỉnh, thành phố đến cấp Huyện, Thư viện các trường đại học, các cơ quan cục vụ viện... Từ ngày chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường đến nay, Thư viện chết dần chết mòn. Nhiều Thư viện chuyển đổi mục đích sử dụng. Những tòa nhà đẹp, vị trí sang trọng mà chúng ta giành cho Thư viện, nay phòng để sách và phòng đọc co cụm lại, nhường chỗ kinh doanh tiệc cưới, dạy nhảy đầm và buôn bán bách hóa.

Tháng Tư vừa qua, tôi đi thực tế ở năm tỉnh phía Bắc. Thư viện nào cũng giống nhau: rất ít sách, số tiền mua sách văn học mới xuất bản vô cùng hẻo, không có tiền cập nhật sách văn học. Các Thư viện lớn cũng chỉ loe hoe mươi người đến đọc, rất ít người mượn sách. Tại Từ đường nhà bác học Lê Quý Đôn, di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, ở xóm 2, thôn Đồng Phú, xã Độc lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, có một Thư viện. Ngoài vài chục cuốn sách chính trị, tôi chỉ thấy gần chục cuốn sách văn học! Sót rột, day dứt vô cùng! Hương hồn nhà bác học Lê Quý Đôn hẳn sẽ vô cùng buồn đau khi biết hậu thế của Người chẳng có sách văn chương để đọc. Về tới Sài Gòn, ngay lập tức, tôi cùng Nhóm văn chương Hồn Việt đã đóng thùng gửi ra tặng Thư viện Từ đường nhà bác học Lê Quý Đôn 8 thùng sách văn học, trọng lượng hơn 190 kg, gồm hàng trăm tựa sách. Tôi gửi qua dịch vụ vận chuyển đường sắt tới ga Nam Định, để rồi anh Lê Quý Tự, người coi Từ đường từ Thái Bình qua ga Nam Định nhận về. Cuối tháng Tư, 2011, anh  Lê Quý Tự, Trưởng ban quản trị Từ đường điện thoại cho tôi, giọng vô cùng xúc động: “Cháu vô cùng cám ơn nhà văn Triệu Xuân và các nhà văn trong Nhóm Văn chương Hồn Việt! Bà con dòng họ Lê Quý, hậu duệ của nhà bác học học Lê Quý Đôn sẽ ấm lòng, vì từ nay Thư viện trong Từ đường đã có sách, chắc chắn sẽ có nhiều người đến đọc và mượn sách!”. Xin nói thêm: Từ năm 2007 đến nay, Nhóm Văn chương Hồn Việt đã âm thầm gửi tặng sách văn học cho 144 Thư viện trong toàn quốc. Tính đến nay, Nhóm Văn chương Hồn Việt đã gửi tặng gần 6000 kg sách văn học, trị giá theo giá bìa lên tới gần một tỷ đồng!

Tại Hội thảo Làm thế nào để đưa sách văn học đến người đọc tháng 10-2010, do Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, tôi có bản tham luận nêu rõ: Một trong những biện pháp mạnh nhất, hiệu quả nhất mà Nhà nước cần làm ngay là tái bao cấp cho hệ thống Thư viện. (Mời đọc Tham luận này theo đường link:

http://trieuxuan.info/?pg=tpdetail&catid=7&id=5641&fid=0)

Rất nhiều người tán thành quan điểm này, nhưng Nhà nước là ai? Ai là người quyết?

Những nước phát triển như Hoa Kỳ, có hàng chục ngàn thư viện, lớn nhất là Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (Library of Congress). Thành phố nào cũng có hàng chục Thư viện lớn nhỏ; nhất là hệ thống Thư viện trong các trường học. Thư viện là một trong những biện pháp tăng an sinh xã hội, nhân tố quan trọng tạo ra niềm đam mê học tập, tạo ra nền giáo dục hiệu quả cao vào loại nhất thế giới. Người dân nộp thuế thì phải được hưởng lợi chứ! Nếu không thì ai chịu nộp thuế? Thư viện ở Mỹ rất gần người đọc, là bạn chí cốt của người đọc.

Thư viện cần và phải là môi trường kích thích niềm đam mê đọc sách, nghiên cứu của mọi người, góp phần tạo ra sự tôn quý tài năng, tôn trọng tri thức, kỷ cương phép nước. Nhờ thế mà xã hội lành mạnh, người dân sống, ứng xử có văn hóa, tôn trọng pháp luật.

Chừng nào chưa có tiền thì Thư viện chưa thể có sách văn học, tất yếu không có người đọc sách! Văn học là nhân học. Sách văn học bị ghẻ lạnh, lãng quên, bị tẩy chay thì con em chúng ta làm sao thành Người?

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13-4-2011

Đọc bài cùng chủ đề: Cùng nhau chặn đứng sự xuống cấp của văn hóa đọc!

http://trieuxuan.info/?pg=tpdetail&catid=7&id=5641&fid=0

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...