Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn “Bài ca chim Lạc” của Nguyễn Xuân Hưng

13-12-2011 10:30:13 AM

VanVN.Net - Viết về tình yêu là thứ văn dễ viết và cũng đã nhiều người viết hay. Liệu Nguyễn Xuân Hưng còn có gì mới để nói về tình yêu, ta cứ băn khoăn thế khi đọc chùm truyện này. Mạch truyện đi chậm, như uống rượu với mực nướng dưới trăng, càng đọc càng bị cuốn hút, càng uống càng vào. Dứt một truyện, rồi hai truyện, ta thấy, đúng là chuyện về tình yêu rất khó có chuyện mới. Như người tập kết bí mật trở về làm vợ mình có chửa. Thế gian đồn cô chửa hoang mà cười chơi. An ninh quân đội ngụy thì cật vấn tra hỏi vì ngờ chồng cô bí mật nằm vùng còn sau cuộc chiến thì dân làng và có thể cả chính quyền nữa, nghi ngờ vì cô có chửa mà địch sinh nghi, nó phục binh đánh đắm tầu không số chở vũ khí đạn dược cho quân mình. Đến truyện Bài ca chim Lạc thì các mối tình đều rất đẹp mà vẫn day dứt buồn. Vì sao và do đâu? Ấy là văn tài vậy…

Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng

 

BÀI CA CHIM LẠC

 

Con thuyền chúng tôi trôi êm ru trên sông. Bầu trời tối nay đen, huyền bí, đầy sao nhấp nhánh hằng hà sa số viên kim cương. Gió mát rượi. Tôi không sao ngủ được. Tôi nhớ An, em mắt xếch ở bến Chiểu. Đôi mắt ánh dao sắc nhẹm. Tôi đang bị thương vì con dao ấy đấy.

Bỗng tiếng đàn linh tinh lang tang vang lên như những giọt thủy tinh tan vỡ. Rồi giọng ông Tư rền rĩ:

                    Mạn thuyền... Sóng vỗ (í a) mạn thuyền.

                    Cánh chim... Xôn xao cánh chim em (mà chim em) bầu trời lồng lộng.

                    Em bay từ đâu? Anh lưu lạc từ rừng xanh của các vua Hùng

                    Em về nơi đâu? Còn anh trôi (là) đời anh con nước cuốn ra (ra) tận biển

                    Nước lên (này a) nước lên...

                    Tình tang... Tính tang...

Giọng ông Đan ồm ồm: "Làm chén rượu, ca cho bốc, anh Tư?" Tiếng đàn ca vẫn không dứt. Mùi mực nướng thoang thoảng thơm. Và tôi biết bước chân ông Đan đang đi về phía tôi. Tôi hỏi: "Có ghé bến Ngả không, bố?". Ông Đan không ngoảnh lại, không nói, chỉ hừ hừ không ra gật, không ra lắc.

Ông đứng sừng sững trước mặt tôi, tay cầm chai, tay cầm chén, rồi từ từ ngồi xuống. Ông uống một hơi, đặt cái chén, rót rượu, bảo: "Con không ngủ ư? Làm một chén đi". Tôi ngồi nhỏm dậy: Nếu ghé bến Ngả thì có kịp hẹn giao hàng không?. "Đừng hỏi có sao không mà là làm được gì ở đấy không". Tôi ngạc nhiên, sao lại không? Tôi uống một hớp, rượu cay xè xộc lên cả mũi: Bố coi như vô tình ư? Tôi thấy ông trầm ngâm. Ông ngồi xuống.

Ông e hèm, nói: "Bố thấy con quan hệ quá kỹ với con An..." Tôi không nói gì. Cũng không có gì để nói cả. Yêu nhau, chúng tôi đã yêu nhau, đã từng yêu nhau. Ông Đan nói: "Con nghĩ xem. Sự nghiệp của con mới chỉ bắt đầu. Đời người đàn ông như cánh buồm như mái chèo, người đàn bà như con thuyền. Cánh buồm của con, chèo lái của con vẫn còn chưa đâu vào đâu, khó mà đưa nổi thuyền khẳm. Khéo mà buồm tướp, thuyền chìm". Thế là ông không muốn thấy tôi yêu An. Tôi đang tức bực vô cớ. Thuyền bây giờ không chạy buồm, chạy bằng máy, bố ơi. Ông Đan ôn tồn: "Con hãy làm cánh buồm, rồi mới làm động cơ". Bố cần gì phải lo. Con chơi bời thôi. Rồi bỏ nó đó. Mặc kệ nó sống chết thế nào... Ông Đan nói to: "Sao lại nói thế được?" Tôi chỉ đợi có thế, bảo: Thì con là con của bố mà. Ông Đan chợt im lặng. Tôi thấy ông nâng cái chén lên miệng, rồi dằn mạnh chén xuống sạp thuyền: "Con tưởng tao vô tình hử?". Ông bỏ xuống buồng lái.

Phải, đó là bố tôi. Người cha mạnh mẽ và lang bạt của tôi. Ngày càng lớn, tôi càng muốn nhìn ông với con mắt không phải của một thằng bé con. Tôi muốn coi ông như bất kỳ một người đàn ông nào khác ngoài đời, người đàn ông mà tôi biết rõ nhưng không thể cắt nghĩa được vì sao lại có những tình tiết kỳ quặc như thế trong đời ông. Tại sao ông lại mang tôi trở về quê Phong Châu để tôi tách rời khỏi mẹ tôi? Hai người bỏ nhau, hay là người nào bỏ người nào? Ông cũng đi biệt luôn với những con thuyền buôn muối, rồi lang bạt mọi bến bãi miền xuôi đến khắp nẻo đường mạn ngược. Không biết ông đã ghé qua bao nhiêu bến, trăng hoa với bao nhiêu đàn bà, nhưng tôi biết có một mảnh tình ông để lại cái bến tên là bến Ngả. Tôi biết người đàn bà ấy và thân được với bà ta. Bà có đứa con gái, nó là em gái tôi, tên là Ha, rất xinh đẹp, năm nay vừa mười tám tuổi. Tôi cũng biết đã bao nhiêu lần thuyền của bố tôi qua bến Ngả, nhưng ông không ghé qua đó. Tệ bạc, có phải không? Hôm nay tôi lại nhắc ông, thì ông lại mang cái chuyện tình ái của tôi ra mà ra điều rằng ông không đồng ý. Nhưng có một điều mà ông không biết là An đã nói lời "thôi" với tôi, cái tình yêu ấy của tôi đã thôi rồi.

Ông Tư đã ngưng đàn. Lịch kịch tiếng bước một chân bằng gỗ của ông đến phía tôi. Ông bảo: "Mày không biết đâu. Bố mày yêu cô Hà lắm". Đấy là ông Tư nói về bà mẹ của Hạ đấy.

Tôi đang nóng máu. Cuộc nói chuyện với bố tôi vẫn chưa giải tỏa được. "Yêu cô Hà lắm, tức là không yêu mẹ cháu lắm?" Ông Tư cười xòa. Cái cười của ông Tư mới nhẹ chứ? Ông bảo: "Yêu với không yêu phức tạp lắm, mày. Thế mày và cái An như thế nào?". Tôi im. Quả là khó nói. Tôi tắm ở bến Chiểu, nhoai đầu lên thì thấy một đứa con gái ở bên cạnh. Tóc bù xù, khuyên tai to, đôi mắt đen và dài, bộ ngực thây lẩy. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một đứa con gái bộ dạng như vậy. Chưa định thần thì quẫy ủm một cái, cô ta đã biến mất xuống tầng nước cuồn cuộn. Tôi nhìn quanh, chờ đợi, nhưng tịnh chẳng thấy gì cả. Lên bờ nghe ngóng, vẫn không thấy. Hay là ma? Hay là nó sợ tôi đến chết đuối rồi? Tôi băn khoăn. Ông Tư nghe kể thì cười ha ha: "Mày lại lo gái thuyền chài chết đuối ư?" Kỳ đó thuyền phải chờ ở âu thuyền Chiểu. Tôi đi ngang qua một quán nước ở gần bến, thấy người bán hàng quấn khăn trùm mặt, chỉ hở đôi mắt nhìn. Nhìn rất lạ. Đôi mắt to đen, xếch trông rất ngang ngược. Bỗng cái khăn che mặt rơi xuống và tôi nhìn thấy cô gái như thể vừa quẫy nước dưới sông lên đây. Thế ra... đấy ư? Hôm qua mình không biết... biến đi đâu? Nó lúng túng, mặt đỏ dừ. Tôi cũng lúng túng. Khi đó tôi là đứa sinh viên vẫn chúi mũi vào học và chưa hề thân thiết với một đứa con gái nào. Chiều hôm đó, tôi lại ra khúc sông ấy tắm. Tôi giật nảy người khi đột nhiên có cái gì đó mềm mềm như da người động vào chân. Và cứ thế, mấy lần nữa như là trêu ngươi. Tôi biết có người bơi lượn dưới làn nước, cố ý va động vào tôi, nhưng tôi không thể nhìn thấy mặt... Tôi biết đấy là "nó". Là An.

Ông Tư khề khà bảo: "Kiểu phải lòng như mày và con An, ông Đan có mà đếm không kể xiết". Tôi bảo, ba năm qua, cứ mùa hè là tôi ngao du cùng ông Tư, ông Đan trên đoàn tàu kéo xà lan này (tôi vẫn cứ muốn gọi là thuyền), sao tôi chả có lần phải lòng nào như thế nữa? Hay là ông Tư không biết chúng tôi không chỉ "phải lòng mặt", chúng tôi là tình thân mất rồi. Ông Tư bảo: "Ba năm, mày ra trường, thành kỹ sư rồi, còn cái An hết lớp mười hai vẫn cứ bán hàng ở bến sông thôi. Mà bến đẹp thì nhiều thuyền qua lại… Sao mày không suy nghĩ đi?" Tôi hơi bực, nói chuyện với ông Tư cứ như là không hiểu tiếng nhau. Tôi không suy nghĩ để bỏ An, mà lòng tôi đang rối lên vì câu hỏi tại sao An lại bỏ tôi. Tại sao người ta yêu nhau lại có thể bỏ nhau. Tôi nói: Bác Tư, hồi xưa bố cháu với mẹ cháu quyết tâm lấy nhau lắm à? Ông Tư cười rất to: "Phải nói là yêu nhau như bỏ bùa". Thế rồi sau lại thôi nhau? "Vì yêu quá đấy". Ông Tư nghển cổ về phía khoang thuyền và nghe ngóng, bảo: "Ngủ rồi, ông Đan ngủ rồi. Ông này có cái ngủ kéo lại, nên qua hết tai nạn cuộc đời". Ông Tư rì rầm: "Chính vì nhìn thấy cái máu lãng tử của mày giống ông ấy mà ông ấy can mày đấy".

***

Tôi cứ nhớ những câu chuyện chắp nối của ông Tư. Ông Tư hơn ông Đan nhiều tuổi, cùng huyện, cùng tình nguyện nhập ngũ, cùng đến đơn vị đặc công nước một ngày. Ông Tư bảo, ôi chao cuộc đời có một đoạn vui sống khỏe nhẹ thế. Trên trời máy bay gầm, có khi bom rơi đạn nổ, ngoài biển tàu chiến rình, nhưng người ta sống với nhau như thể cùng trong một đại gia đình". Ông Tư và ông Đan ở nhà ông chủ nhiệm hợp tác xã muối. Nhà có cô con gái vừa đôi tám... Nói ngay, đấy chính là mẹ tôi.

Ông Tư bảo, "Mày đếch biết hết đâu, cô ấy hồi đó đẹp lắm. Xinh giòn. Gái biển đẹp không như dân thành thị, họ đẹp chắc nịch, da nâu bóng,  chân tay vâm to có gì đó giống con gái Trung du nhà mình. Nhưng họ ăn đứt cái eo ót. Hồi ấy tao cũng lẩm cẩm nghĩ bụng, sao ở biển ấy chúng nó thanh thót hơn, mà gái vùng ta thì cô nào cô ấy ục ịch thế. Hóa ra là cả hai cô cùng làm lụng, mà một cô thì trèo đèo lội ruộng, một cô thì chèo thuyền bơi lặn. Cô chèo thuyền bơi lặn eo nhỏ thắt đáy lưng ong, hông nở, ngực vĩ  đại, ái chà cái đẹp ấy thời nào cũng bất biến. Thế nên ông Đan mới "chết" vì cô Hoa ấy đấy. Mà chưa chắc ông ấy "chết" trước, có nhẽ cô nàng mới là người xin chết trước. Anh Đan ngày xưa trai lơ lắm. Đẹp trai lại con nhà Lạc tướng. Đấy là tao nghe mọi người làng xã gọi cụ Đang, ông nội mày, như vậy. Gọi đùa thành thật một cách kính cẩn. Ông cụ đi bộ đội từ hồi chống Pháp, lên cấp tá, đóng ở quân khu. Hồi đó cấp tá hiếm lắm. Cũng xứng là Lạc tướng rồi. Thế là anh Đan được cả người lẫn lý lịch. Khi Đan lên B trưởng, tao vẫn là chiến sĩ mèng. Đùng một cái, xảy ra chuyện cô Hoa. A ha, bỗng có thằng cu con ra đời, đấy là mày".

Tôi đã ngớ ra với ông Tư: "Thế là số cháu xung khắc với bố cháu".

Ông Tư bảo: "Nói thế nào cũng được, nhưng người ta bảo sinh con rồi mới sinh cha. Hồi ấy ông Đan chuẩn bị đi học sĩ quan. Nhưng cả hai người khi đó "chết" nhau rồi, không sao gỡ được. Ông Đan xin về nói chuyện với nhà để xin cưới. Cụ Đang giận lắm. Như thế là vô đạo đức, là vi phạm kỷ luật dân vận. Nói thế, thực ra ông cụ không muốn Đan lấy vợ miền biển, mà muốn Đan là con một phải lấy vợ làng, một cô con gái ông tỉnh ủy viên. Ông Đan bảo: "Ông cụ rấm sẵn một Mỵ nương cho tôi rồi mà".

Thế là ông Đan nhỡ hết mọi chuyện. Chuyện đi học sĩ quan tạm gạt đi đã. Ái chà, cái thời cả nước là người lính, thế thì cái cú đó là một cú giáng vào tâm nguyện của cụ Lạc tướng rồi chứ gì? Đơn vị cho Đan đi phép. Nhưng ô hay, phép người ta về quê, còn phép của ông Đan lại chính là ở lại đơn vị, tức là ở lại nhà cô Hoa, để chuẩn bị cưới xin. Đan nhà ta thành anh múc chạt, xe muối cho nhà ông chủ nhiệm. Ông Đan chạy xe cút kit thạo như con nhà làm muối chính hiệu. Đồng muối thời chiến, rặt đàn bà, chỉ có anh Đan nhà ta. Bây giờ là thường, nhỉ? Nhưng mày đếch biết thời của chúng tao đâu. Đàn ông thì ba sẵn sàng, đàn bà thì ba đảm đang. Người đàn bà phải về nhà chồng, đảm đang thay người ra tiền tuyến để lo vun vén cho nhà chồng, làm yên lòng hậu phương. Còn cô Hoa thì đi đâu? Ông Lạc tướng Phong Châu không nhận, không cho về. Vậy thì đi đâu đảm đang?"

Ông Tư kể chuyện, thỉnh thoảng lại giơ cái chân gỗ lên, đập cạch cạch vào mạn thuyền. "Ở làng biển, cô Hoa cũng bắn máy bay, cạch cạch... nhưng vẫn có tiếng ỉ eo cho rằng, cô Hoa thế là không "ba đảm đang", cạch cạch cạch... Chi đoàn họp vài lần, cuối cùng cô Hoa vẫn là dân quân, chỉ có không làm trung đội trưởng nữa". Ông Tư đập cái chân gỗ đánh chạt một cái. "A hà...

Nhưng trong hai tuần Đan nghỉ ấy, đơn vị phái ba tổ công tác đặc biệt đi thì không anh nào về. Lại nói những trận đi ấy. Sau này tổ của tao đã vào Vĩnh Linh, trôi vào Cửa Việt. Không biết chúng nó đi hướng nào. Một chân tao bỏ lại Cửa Việt vì thủy lôi. Nếu không có mày ra đời, thì Đan đã đi trong những chuyến không về ấy rồi, đã hy sinh vì Tổ quốc rồi. Thế nên tao mới bảo con lại sinh ra cha. Nhưng mà Đan buồn. Đã bảo một thời sống chân thật và khỏe nhẹ, không được chết vì Tổ quốc thì ngượng lắm. Một năm sau, ông Đan quyết tâm xin ra trận, đơn vị giải quyết cho ông ấy đi B. Khi ấy mày còn ẵm ngửa.

Thật lạ. Lấy nhau trắc trở thế, mà lại bỏ nhau dễ thế?" Ông Tư dứ dứ cái chân gỗ vào mặt tôi: "Không dễ đâu. Sau này, ông Đan đưa cô Hoa về quê. Ông cụ Lạc tướng đã nhận con, nhận cháu. Bấy giờ ông cụ về hưu, là tướng thật. Nhưng loanh quanh thế nào, cô Hoa không thể quen được. Phải thôi thôi. Ở đó có biển đâu mà muối, mà cá, mà thuyền với lưới. Dạo đó mới giải phóng miền Nam, làm ăn khó khăn, đồng đất không ra thóc. Cô Hoa bảo: "Tôi về nuôi con tôi bằng cá và muối". Ông Đan bị gọi về, hàn gắn không xong, quyết đòi thằng cu, là mày. Cuối cùng thì hóa ra mày đẻ ra ở biển, mà lớn lên bằng khoai sắn. "Ông Tư trầm ngâm: “Sau này, tao bảo bố mày, anh làm ngược quy luật của tiền nhân. Người ta ngàn đời nay từ gốc gác Phong Châu cứ lần mò xuôi về phía đồng bằng, tiến ra phía biển. Anh đã ra đến biển rồi, lại còn định quay về cái nơi cố hương chật hẹp… Anh chàng Đan nhà ta sau này có nói với tao, đáng lý phải cho mày về với mẹ…”

Như thế, lại một lần nữa tôi "gây sự" cho bố mẹ mình à? Tôi hỏi ông Tư: "Họ bỏ nhau có ra tòa không?" Ông Tư cười: "Tòa cái con khỉ. Tao đi muối với ông ấy từ khi ra quân, tao biết lắm. Ông ấy vẫn còn cái đăng ký để ở tủ ấy".

Chẳng quan trọng. Tôi khi đã lớn, hàng năm vẫn về thăm mẹ, có lần an ủi mẹ, cứ coi bố con vẫn là bộ đội thôi. Mẹ tôi nói át đi: "Tôi có dám trách cứ gì bố anh". Tôi dồn: "Tại sao bố mẹ lại không ở với nhau nữa?" Mẹ tôi không nói gì. Bà nhìn xuống, buồn. Tôi chợt nhìn thấy cái gánh nặng quá khứ đã đè nặng vô hình lên cuộc đời bà khiến cho bà không thể bắt đầu một cuộc sống khác được. Cũng như anh trai cày Đan vùng Phong Châu, rồi thế nào lại ra anh buôn muối. Ông Tư bảo: Ôi chao cuộc đời có một đoạn vui sống khỏe nhẹ thế. Bà Hoa và ông Đan đã sống qua đoạn vui sống ấy theo kiểu riêng, nên họ không thoát ra được cái bóng của nó chăng?" Ông Tư có lần đến thăm bà Hoa, ông Tư nghệ sĩ có kiểu nói văn hoa: "Thôi mà cô Hoa, số phận đã vậy rồi, nên nghĩ đến đoạn sau cuộc đời". Bà Hoa: "Vâng". "Thế cô không có ý định đi bước nữa ư?" Bà Hoa: "Vâng". Đấy là vài năm sau khi họ chia tay nhau, bà Hoa vẫn còn trẻ. Nói gì bà cũng vâng. Ông Tư bảo với tôi: "Tao tính nước nghiêm trang với bà ấy không ổn, đành phải nói tếu. Tao bảo, anh Đan và chị Hoa đi theo bước cụ Lạc Long Quân và cụ bà Âu Cơ  đấy. Bà ấy cười ngay, nói: "Anh ấy cũng nói thế". Cụ Lạc Long Đan mang con về Phong Châu, cụ Âu Hoa thì về với biển. Tức là cái số chia tay nhau có từ thời thượng cổ, có như thế những đứa con mới lớn lao, đất nước mới mở mang. Nhưng cô ấy ngậm ngùi: "Tôi đâu được như bà Âu Cơ". Dĩ nhiên. Tao bảo dĩ nhiên, vì tao chỉ muốn an ủi bà ấy, đừng lấy cái sự chia ly làm đau khổ. Thì bà ấy bảo: "Ước gì tôi cũng có một trăm con. Không, tôi chỉ muốn có hai con, để tôi còn mang một đứa xuống biển". Tao cụt hứng. Bà ấy vẫn nặng tình với ông Đan lắm. Bà ấy khóc. Chuyện của ông Tư ít khi lâm ly buồn. Thế mà lần ấy chuyện ông làm tôi não ruột. Tôi bảo: "Bác Tư, đàn đi". Ông Tư càu nhàu: "Tao chưa có hứng". Ông này như thế, ai bảo đàn hát, không đàn hát, khi bảo yên đi thì hát váng lên. Đó cũng là một lần đêm thuyền đi. Nhưng đêm đó không có các vì sao lung linh huyền ảo như đêm này mà đêm nặng những mây là mây, âm u bí bách. Tôi nghe chuyện ông Tư, tôi cũng trào nước mắt. Không biết cắt nghĩa thế nào nữa. Cái thời chưa có tôi, người ta bảo là vui sống và khỏe nhẹ, nhưng lại cũng là thời gian lao và chia ly? Có nhiều đau khổ, nhưng người ta vẫn tiếc? Còn cái thời của tôi, thì sao?

***

Mươi ngày sau, đoàn tàu của bố tôi đã trả hàng xuôi, chất đầy những bao muối để chuẩn bị ngược dòng sông trở về bến Việt Trì. Tôi vẫn ấm ức vì đoàn tàu của bố tôi không ghé vào bến Ngả.

Lúc tôi chào mẹ để ra bến, tôi thấy mẹ tôi buồn buồn. Tôi vẫn hiểu nỗi buồn ấy là vì bố tôi. Nhưng lần này bà nhìn tôi khang khác. Bà bảo: "Mẹ nhận được thư của cái Hạ. Nó đỗ đại học rồi". Thế à? Tôi reo lên. Thư đâu, mẹ? Mẹ tôi không nói gì, lặng lẽ đưa cho tôi một phong thư. Phong thư khác. Đó là thư của An gửi cho tôi. Lời chia thì đã nói rồi, nhưng hình như chữ để chia tay mới là hệ trọng, nó sẽ tạc cái tình yêu của tôi thành kỷ niệm đấy. Thế là chúng tôi không còn yêu nhau nữa thật? Không nhìn thấy nhau, không nghe tiếng nhau, không còn bơi lội với nhau. Tôi buồn quá. Tự nhiên, tôi phải lục vấn lại những chuyện lần gặp trước với An. Chúng tôi lên đò. Đôi mắt An long lanh, ngời sáng rất lạ. Hình như tôi nói rất nhiều, nói rất dài những gì chứng tỏ tôi yêu em. Nhưng An chỉ nói: "Anh còn đi những đâu những đâu. Em thì chỉ quẩn quanh ở đây. Anh không cần nhớ đến em nữa đâu". Khi những hành khách cùng chuyến đò đã đi xa lên đường lớn, chúng tôi vẫn đứng ở bến. An giục: "Thôi anh đi đi, em về đây". An bước xuống con đò đang cắm sào. Một mình An ngần ngừ với con đò ngơ ngác. Chắc là em sẽ chạy lên với tôi như bao lần khác chúng tôi vẫn chia tay nhau bịn rịn. Nhưng không, rất bất ngờ, An lao mình xuống dòng sông. Lát sau, tôi thấy mái đầu của An giữa dòng nước đục ngàu. Tôi đứng lặng đến khi nhìn thấy bóng người bé tí xíu của An lên đến bờ bên kia. Mắt xếch này, em đến từ sông rồi lại về với dòng sông… Tôi đã đứng đó như một kẻ say sóng và bất lực. Tôi đã mất một con cá to lớn xinh đẹp và bội bạc… Tâm trạng ấy theo tôi đến khi gặp mẹ.

Mẹ tôi nói: "Qua bến Ngả, lên xem con Hạ chuẩn bị đi Hà Nội học thế nào, con ạ". Mẹ không nói gì đến bến Chiểu? Mẹ tôi nói nhẹ nhàng: "Tính con là giống ông ấy lắm. Con phải cẩn thận đấy". Tôi bảo mẹ: "Mẹ đừng lo gì cho con". Tôi định nói: Tôi cũng lo cho bố tôi, xuôi ngược sông nước với đường đất đêm ngày, bâng khuâng giữa rừng và biển mãi, mà cũng đã có tuổi rồi... Nhưng tôi không thể nói lên lời.

…Thuyền vào bến Ngả. Nắng chang chang tôi phóng lên bờ, chạy một mạch vào xóm Ngả. Cô Hà đang múc nước. Tôi vớ lấy dây gầu, sải mạnh múc ào ào cho cô giặt. Thuyền về bến Ngả ư? Cháu đã ra nghề đấy hở, công tác thế nào... Vân vân. Chả hỏi ông Đan lấy một lời. Tôi vẫn lạ. Lại một kiểu yêu đương khác lạ của ông bà này. Cô Hà bảo: "Em Hạ nó nhắc đến anh luôn". Tôi không thấy Hạ đâu. Cô Hà nói: "Nó đi làm rồi. Làm lò vôi ấy".

Tôi lại lộn ra bến sông, chỗ có những cái lò vôi to lù hiện ra trong làn bụi mờ mịt. Hạ làm thống kê, kế toán cho một chủ lò. Tay chủ lò nhìn tôi lừ lự, ria con kiến cứ ngúc ngoắc. Hạ đang bận bịu với sổ sách và máy tính tám số. Tôi không thể kìm được mà bảo Hạ lớn quá, xinh lên nhiều quá. Hạ mừng vui ra mắt, ra lời. Có thể em vui là do đã đỗ đại học, cũng có thể là do tôi đến. Tôi ngờ rằng anh em mà ở với nhau không có cái vị như thế. Đây là cô em gái của tôi chăng?

Anh em chúng tôi cùng làm bếp. "Ở đây vẫn đun củi à? "Thì làng bến sông, xa đường chính, có gì đun ấy, thuyền lên có dầu mua dầu, có củi mua củi. Cũng như em, gặp ai lấy người đó thôi, anh". Em còn trẻ, phải đi học đại học. “Em mà đi học, mẹ ở nhà một mình buồn. Em đã mười tám tuổi rồi. Gái làng mười tám là đã chuẩn bị đám nọ đám kia rồi". Thế em có đám nào? Tôi thấy hiện lên hình ảnh tay chủ lò có bộ ria con kiến ngúc ngoắc. Không, đời em không thể tỏa khói cùng với những lò vôi mù mịt ấy được.

Tôi không còn biết nói ra sao nữa. Đột nhiên, Hạ dụi mắt, bảo tôi: "Bố có khỏe không?" Và: "Liệu bố có lấy vợ không?". Tôi bảo, sao em không hỏi tại sao ông Đan lại bỏ bà Hà và không chăm nom đến. Hạ im. Tôi định nói tuốt ra: Mà sao bà Hà này cũng như bà Hoa kia, vẫn chả oán trách gì nhỉ? Nhưng tôi không muốn Hạ buồn.

Tôi rủ Ha: "Lát nữa ăn cơm xong, em xuống bến với anh. Kể ra, bố cũng tệ thật đấy". Hạ ngẩng lên, mắt sáng rực. Hay là trong ánh mắt ấy có lửa? Hạ bảo: "Sao anh lại nói thế? Bố tốt lắm". Tôi lại bực. Ừ thì tôi biết ông Đan vẫn gửi tiền về cho cô Hà, cô Hà lại không muốn nhận. Cứ dùng dằng. Tôi nói tướng: "Tốt à? Bỏ mẹ con em mà đi không ngoái lại là tốt à?" Nhưng tôi thấy vô lý. Phán xử bố mình? Láo quá. Tôi dịu lại: "Không sao, anh có em là em gái anh là được rồi". Hạ lại quay lại nhìn tôi một lần nữa, lần này tôi thấy gương mặt em đỏ hồng. Hạ căng mắt: "Thế ra anh không biết gì à?". Biết gì? Tôi linh cảm thấy có điều bí ẩn. Em biết gì? Thì Hạ lại cúi xuống đun nấu rồi.

Hạ bảo: "Chị An thế nào?" Thế nào là thế nào? "Thì em hỏi thế, lâu quá rồi anh không về". Tôi tính, mới có hơn nửa năm. "Với em, thế là lâu lắm, anh không biết rồi". Biết nói gì nhỉ. Tôi quyết định giấu kín chuyện tan vỡ giữa chúng tôi, chỉ bảo: "Chuyện của bọn anh... bố không đồng y".

Năm ngoái, tôi đã dẫn Hạ từ bến Ngả xuôi xuống bến Chiểu chơi với An. Hai chị em giống nhau ở chuyện bơi lặn, nhưng lên bờ thì không ai giống ai. Bởi vì bến Ngả nhỏ bé hẻo lánh, mà bến Chiểu bề thế thì gần thị thành. Hạ là đứa con gái nhà quê, còn An là đứa con của bến cảng sông nước giao lưu tứ chiếng. Cái gì An cũng phải dạy Hạ. Em phải may áo này, quần này, váy này, làm đầu thế này... Hạ lè lưỡi, lắc đầu. Khi về, Hạ thán phục: "Chị An giỏi thật". Tôi cũng khoái. Em gái ngưỡng mộ chị dâu là tốt rồi. Bây giờ Hạ ngần ngừ bảo: "Bố không đồng ý cũng không phải không có lý. Anh đi biền biệt, kỹ sư rồi, tương lai còn dài, mà chị ấy vẫn ở cái bến sông ấy...". Thì đã sao, tôi bảo thì đã sao? Hà Nội có nhiều cô chữ nghĩa đầy mình, nhưng làm gì có ai như An nào? Cái chính là không có ai yêu tôi như An. Tôi bảo Hạ: "Con gái sông nước yêu ai là yêu bạo liệt lắm". "Chị An chứ gì?". Tôi thấy Hạ nhìn tôi lúng liếng. Còn bây giờ, khi nói về An, Hạ không biết tôi xót xa. Tôi có thể quên cô ta được không?

Ăn cơm xong, tôi muốn Hạ xuống bến gặp bố. Cô Hà cũng nói: "Con đi gặp bố đi, bảo bố cứ yên tâm, đừng lo gì cho mẹ". Hạ ngần ngừ, rồi cũng theo tôi.

Gặp đê. Hạ chạy ù lên đê. "Ngồi chơi một tí đi anh". Hạ nhổ cỏ may ống quần mình, rồi đòi nhổ cỏ may ống quần tôi. "Em thì sao cũng được, còn anh tí nữa đi rồi, ai nhổ cỏ may cho?". Tôi giục đi. Hạ bảo: "Em không đi đâu?". "Vì sao? Vì sao?" Tôi ngạc nhiên quá. "Em đừng chấp với bố, ông ấy bảo thủ thế thôi, nhưng vẫn yêu mến cô Hà và nhớ em?" Hạ thì thầm: "Em biết ông rất yêu mẹ… em. Nhưng... anh không biết gì thật ư?". Lại thế nữa. Tôi quát lên: "Đừng úp mở gì nữa". "Em... Em không phải con của bố anh đâu". Tôi lạ. Điều bất ngờ này khiến tôi ngây ra. Thế sao? Thế còn giấy khai sinh thì sao? Tôi đã nhìn thấy tên bố Phạm Đan rành rành? Hạ nói, giọng thổn thức. "Bố đến nhà ông ngoại, nhận với ông rằng em là con bố, vì đi làm ăn lỡ chưa về kịp đấy thôi. Ông không biết có tin không, đồng ý. Mẹ em lúc đầu ưng thuận, sau lại kiên quyết không đồng ý nữa". "Thế mẹ em có nói vì sao không?" "Thì cứ nói lằng nhằng. Ông ấy tốt thật, nhưng chả nên cột chặt ông ấy vào mình, có một đứa con là tốt rồi. Mẹ em còn bảo…”

Hai chúng tôi ngồi yên lặng triền đê. Phức tạp thật. Cuộc đời té ra phức tạp thật. Tưởng rằng thế, hóa ra lại chẳng phải thế nữa. Tưởng rằng có đứa em gái, hóa ra lại chả phải em gái nữa. Nhưng mà lại thân thiết như là em gái mất rồi. Nhưng mà anh vẫn coi em lµ em gái anh như xưa. Hạ nhìn tôi. Nhìn, rồi cúi xuống dứt những túm cỏ yếu ớt. Tôi hỏi Hạ: "Mẹ em còn bảo gì?" Hạ im lặng giây lát, rồi nói: “Nói anh chả tin đâu, nhưng mẹ em bảo rất thương bác Hoa”. Tôi bất giác thở dài. Tin hay không chả quan trọng. Hai người đàn bà cùng thương một người đàn ông thì cũng có thể thương nhau chứ. Hạ nói nhỏ: “Bác Hoa có khỏe không? Vết thương ấy thế nào?”. À…, tôi vẫn về thăm mẹ, biết mẹ có thẻ thương binh, mảnh đạn vào tay trái mẹ để lại một vết sẹo dài. Tôi bảo không sao, tay mẹ vẫn bình thường. Hạ lại trố mắt: “Còn vết thương kia?” Tôi ngạc nhiên, con người ta ai chả có những vết thương không thấy được? “Anh ơi, vì vết thương ấy, bác ấy không thể sinh đẻ tiếp được nữa, anh có biết không?”. Thế ư? Tôi ngồi lặng. Một sự thực như vậy mà từ trước đến nay chả ai nói với tôi. Tôi là đứa con trai xa xôi của mẹ, đứa con vô tâm tính. Giờ đây, bao nhiêu điều khó hiểu trước đây bỗng vụt hiển hiện trở lại trong tâm trí tôi. Tôi bỗng nhớ đến ông Tư giải thích người ta bỏ nhau “vì yêu nhau quá đấy thôi”. Sao tôi không đoán ra trong câu chuyện của ông Tư về nỗi lòng muốn có một trăm con của mẹ? Phải chăng ai cũng muốn giữ cho riêng mình một nỗi đau? "Còn điều này nữa. Mẹ em nói, bố thề không lấy ai nữa. Mẹ bảo, tưởng ông ấy nói chơi, tính đến nay hóa ra nói thật. Anh ơi..." Bỗng tôi thấy nôn nao trong lòng... Tiếng Hạ nức nở. Tôi thấy như có những tảng đá đè nặng trong ngực.

***

Tôi về tàu, nằm dài. Tối, tôi ăn qua quýt. Ông Tư bảo: “Ăn mãi đi…”. Ông Tư nói từ ngữ làng tôi đấy: Khi mời nhau ăn nữa, làm nữa thì người ta bảo là ăn mãi, làm mãi. Ông Lạc tướng đã từng bảo tôi: “Ông không muốn làm tướng mãi. Ông làm Lạc dân thôi…”. Tôi nhớ ông tôi quá. Mấy hôm nữa thế nào tôi cũng về với ông, kể những chuyện tôi biết được trong chuyến đi này. Thế nào ông cũng lắc lư đầu bạc, trầm ngâm như đã có lần nói với tôi: “Người ta ai cũng có thời… Thời của ông đã qua, bây giờ là thời của cháu…”

Ông Tư lịch kịch cái chân gỗ: "Mày ăn uống thế làm vạn chài, làm sông nước thế chó nào được. Về mà làm cái phòng nghiên cứu của mày đi". Tôi nói tôi không muốn ăn. Tôi không nói tôi đã ăn đầy tâm trạng ngày hôm nay rồi.

Khi mọi người đã cơm nước xong, tôi đang nghĩ sẽ nói chuyện thế nào với bố thì ông đã về buồng. Tôi nghe thấy tiếng sóng vỗ lóc bóc, cảm thấy như con thuyền đang đứng yên, còn xóm làng hai bên sông, lạ thay đang trôi về hạ lưu, trôi về phía biển.

Ông Tư gác cái chân gỗ bên tấm phản phía mũi, ôm đàn, hát. Tiếng đàn linh tinh lang tang như những giọt thủy tinh tan vỡ. Những giọt tình yêu của riêng tôi cũng đã một lần tan vỡ. Tan vỡ, nhưng tôi biết sẽ không biến mất, chúng cũng như những ngôi sao trên bầu trời đêm nay, lẩn khuất đâu đó chìm lấp trong đêm trăng mờ ảo đấy mà thôi. Lạ sao, bài hát của ông Tư mỗi lúc nghe mỗi khác.

                    Mạn thuyền... Sóng sánh (í a) mạn thuyền.

                    Em ơi ... Cánh chim em (mà chim em) bầu trời lồng lộng.

                    Em bay từ đâu? Anh lưu lạc từ rừng xanh của các vua Hùng

                    Em về nơi đâu? Còn anh trôi (là) đời anh con nước cuốn ra (ra) tận biển

                    Gặp nhau sông nước, tình anh tràn trề (Ê hề hê...)

                    Được em đáp tình (là) anh sướng vui

                    Mây kia ấp núi, bờ này ôm sông (ối a)...

                    Anh thương yêu em (hà)  em có hay? 

                    Nước lên (này a) nước lên...

                    Tình tang... Linh tính tang...

Tôi buồn như đêm trăng suông này, với tiếng đàn ca tha thiết này. Tôi bèn bảo: "Ông Tư, ca bài nào vui đi". Ông Tư vẫn tỉa tửng từng tưng, bảo: "Đã bảo mày là cái thằng không ăn thua gì so với ông Đan". Rồi ông hát:

                    "Sông nước rượu chi đâu (mà) anh say

                    Chòng chành em, chòng chành em ơi (ôi à) sóng đấy

                    Làm sao cầm lòng (cầm lòng) để dành với  tình yêu

                    Thuyền ơi (lả lơi) áp mạn em cho anh sang

                    Thuyền ơi (ơi trời) để cho anh đi..."

Những câu ca của ông Tư tan vào trăng mờ. Bấy giờ tôi mới nhận ra bên cạnh ông Tư là cút rượu với cái chén rượu đầy. Tôi bèn hùng dũng uống cạn chén rượu. Cay và nóng tận tim... Tôi bảo: "Bác Tư, cháu đặt tên cho bài hát của bác nhá. Gọi là "Bài ca của chim Lạc". Ông Tư vẫn hát tràn cung mây:

                    "Mạn thuyền... Sóng sánh (ối a) mạn thuyền…

                    Nước lên…(này a) nước lên…”

Những ngày buồn 9- 2000

 

 

NHỮNG ĐỨA CON CỦA BIỂN

 

 - Ôi chuyện đó tao không phải không dám nói, mà nói thế nào thôi con ơi. Đời người ta so với biẻn có đáng bao nhiêu đâu. Sống một đời mấy mươi năm rồi lại về với đất, hoà vào nước, trôi ra biển. Người chết trực tiếp vào biển có khi lại được phước. Tao tâm niệm thế nên sống đến giờ…

Ông Ba Thới cao lồng ngồng, da săn chắc, cơ thể ấy không phải là người tuổi tám mươi. Chỉ có mái đầu là bạc trắng, gương mặt nhiều vết nhăn khắc khổ.

Tôi đã đến chơi với ông nhiều lần, sau nhiều tìm kiếm mà thấy ông…

Lúc đầu tôi không biết ông có sẵn lòng kể lại câu chuyện không. Vì e ngại mà tôi phải đóng làm một người buôn bán, cứ cuối tuần lại phóng xe đến vùng nuôi cá bè này, nhậu với ông…

Rồi những cuộc đi như thế cũng lôi cuốn tôi… Tôi bị đánh bẫy vì chính mình. Tôi quen ông, thân với ông. Giờ ý nghĩ về một mục tiêu cũng xa lắm rồi, lương tâm tôi thanh thản rồi. Lạy trời, tôi có lý để nói với ông rằng tôi chân thực.

Đó là câu chuyện những năm sáu chín, bảy mươi… Tức là trước năm bảy lăm…

*

Vùng Nam Phước nằm nhô ra biển. Nhưng ngay cái mỏm nhô ra ấy lại có một vũng khuyết. Trước kia, thuyền cá có ít, cả thôn Nam Hoà chỉ có mươi con thuyền, thì người đi biển về đó. Đến năm lính Mỹ nhiều, căn cứ Mỹ trên khu trù mật cách đó khoảng mươi cây số bắt đầu hình thành chợ, nên thuyền bè lại đến Bến Mới.

Chỗ Bến Cũ vắng teo, chỉ  có con đò của ông Tư Nhái hay đến. Ông ấy hay neo thuyền cho người lên rồi vào nhà bà Tư Mềm chơi.

Tôi lúc đó đóng quân ở khu căn cứ khu trù mật. Một hôm đại uý Bảy Chinh đến bảo đi ra ngoải với ổng. Ổng được lệnh tăng cường cho Nam Phước một tiểu đội huấn luyện dân binh khoảng vài tuần.

Tôi theo ổng đi… Sau đó thì xin ổng theo luôn sung vào đám hạ sĩ quan dạy dân binh mấy xã.

Chuyện vòng vo tam quốc như đó, để nói vì sao tôi đến Nam Phước. Quê quán không, vợ con ông bà cô bác cũng không, cớ chi đến đó.

Ông Bảy Chinh đến nhà Xã trưởng không thấy, người ta chỉ sang nhà bà Tư Mềm. Bà Tư Mềm có cái quán nhỏ tẹo, loi thoi ra ngoài bờ sông, nhưng vẫn là đất vườn bà ấy. Quán bán mấy thứ bánh trái lặt vặt, dưới bàn có đồ quân dụng Mỹ, ai mua thì lấy ra, không trưng lên đâu.

Tôi và ông Bảy Chinh đến đó, thấy ông Tư Nhái đang uống rượu say khướt. Cứ một mực bảo: Tôi muốn hỏi bả làm vợ. Nói rồi chỉ tay vào bà Tư Mềm. Bà Tư Mềm không coi chuyện đó là gì, cứ giã cá. Mùi tanh bốc lên. Một ông say và một bà tanh. Thật chả chỗ nào hay hớm hơn. Tôi đứng gần đó, muốn bỏ về quá. Ông Bảy Chinh vào hỏi, bà Tư Mềm không ngẩng lên, bảo Xã trưởng không thấy đến.

Bỗng trong nhà chạy ra một cô con gái. Cô nói giỏng giết: “Bác Xã Sáu vừa qua đây, đi ra chi khu rồi”

Tôi bất chợt cứ tự chân bước về phía quán bà Tư. Cô gái kia là một sức hút lạ. Cô mặc bà ba bay phấp phới, hở chút lườn trắng ngà. Lúc đó tôi tưởng cô lối đôi mươi.

Tôi lại gần:

- Má ơi, con gái má đấy à? Để con giã cá cho…

Bảy Chinh hầm hừ trong miệng, định đi nhưng cũng nán lại.

Cô gái bật cười:

- Má đề anh ấy giã xem nào.

May quá, bà Tư nói:

- Ai lại để cán binh nhà nước giã cá, con này láo nháo…

Tôi cười, tán tỉnh:

- Em ơi, em bảo má đi, lấy anh anh giã cá cho má nào…

Cô gái cười to hơn:

- Có nuôi cả hai má con được không?

- Ủa… Em nhỏ vậy mà có con rồi?

- Nhỏ gì - Cô gái kêu lên - Anh coi tui bao nhiêu tuổi mà nhỏ?

Tôi kêu lên:

- Trời ơi, đàn ông ai hỏi tuổi phụ nữ đôi mươi.

Bảy Chinh từ nãy đứng yên nghe, giờ đế vào:

- Cũng lối ba mươi rồi chứ bộ. Mầy bị tật mê gái lừa rồi…

Cô kia bình thản bảo:

- Con tui mười lăm chứ bộ. Anh đúng là dễ gạt…

Ông Tư cười, nói ngọng ngiú:

- Bà Tư ngày xưa còn đẹp hơn con Hai, giá như bà nghe tôi thì tôi không phải hàng ngày chèo đò đến đây. U hu… Tôi nhận lỗi rồi.

Ông già bật khóc.

- Ông dở người…  - Bà Tư kêu lên, xăm xắn đi vào…

Hôm đó, tay Xã trưởng kể chuyện hoàn cảnh bà Tư. Bà không phải người đây, lấy chồng trong xã, sau ổng đi biệt tích, nghe nói ổng đi kháng chiến. Sau bà ở với ông Tư Nhái mấy tháng rồi bỗng đuổi ông ấy đi. Con bé Hai lấy chồng cũng rất sớm, năm năm tư chồng tập kết, đẹp hơn hớn, nhưng quyết không lấy ai cả.

Xã trường nhăn nhở:

- Chúng tôi trong xã treo thưởng, đứa nào ngủ với con đó, được thưởng một lượng vàng, lấy tiền vừa rồi được thưởng việc bảo an đấy.

Bảy Chinh:

- Chúng nó ngủ với nhau im luôn thì sao? Thông đồng, giữ cho nhau chứ, con người ta chồng Việt cộng ở xa. Cái giống Việt cộng là cố chết một lý tưởng lắm.

Xã trưởng:

- Chắc không đâu. Con ấy đẹp thế, nhưng nó giữ lắm. Con nhà lành biết ngay. Ngoài ba mươi, mấy con như con Tư Hoa, Ba Ngàn, chơi tung giời trông tã lắm. Con này thì cứ ngon như mới lớn…

Tôi bảo ông Xã:

- Nếu chúng nó bảo nhau, thoả thuận là ngủ, nhưng ai biết chúng nó ngủ thật hay không, rồi mỗi đứa chia nhau nửa cây vàng. Ha ha…

Xã trưởng cười khá khá:

- Chúng nó cũng nói đến chuyện đó rồi. Nhưng đố đứa nào dụ được vợ cộng sản làm chuyện đó. Thế thì cho cái công dụ cũng được…

*

Tôi sau chuyến đó, trời xui đất khiến sao, lại đến ở Nam Phước mấy tuần. Sau mấy cha an ninh trên quân đoàn lại dụ làm điều nghiên cho họ, tôi thấy hay hay, gật. Bởi vì thật tình tôi thích cô nhỏ đó quá, mà mãi không làm sao tán được. Năm đó tôi cũng gần bốn chục rồi. Gái thì cũng biết kha khá, vợ cũng có, con cũng có, nhưng đời binh nghiệp nay đây mai đó cứ như cái thuyền trôi. Bà xã nhà tôi buôn bán điều tiếng, nghe nói mấy cha sĩ quan cộng hoà cũng tèm lem, tùm lum. Thôi thì mình xa xôi, bả cũng phải lo thân bả. Do đó mà cứ thấy chông chênh. Giá như tôi có một cô như Hai Hạnh thì đời tôi cũng có cái bến đỗ. Vợ Việt Cộng cũng kệ thôi. Thời đó chiến tranh ai biết bao giờ ai thắng ai thua, coi như mấy đời hàn gắn thì mình cũng chết rồi. Tôi cũng bảo Hai Hạnh thế. Cô ấy có lúc đã ngồi im như là sắp mềm ra, nhưng khi động tay vào tay cổ, cổ lại như hòn đá lạnh. Trời… Cái hồi ấy lạ thế chứ. Có loại đàn bà hàng ngày lên khu gia binh, dắt chồng người ta ra quán nhậu ngay. Lại có những người như cô Hai Hạnh.

Hai Hạnh chỉ bảo tôi:

- Em khổ quen rồi… Nuôi con thôi.

- Em không việc gì phải khổ mãi thế. Đời còn dài mà em… Ngoài kia, chắc ảnh cũng có bà thứ rồi. Gái miền Bắc họ ngọt lắm, trai Nam không đỡ được đâu…

Hai Hạnh không nói gì, mặt cứ tỉnh bơ đi…

Những buổi chiều, tôi mang ca- nô đi từ đơn vị đến mỏm đất Bến Cũ, chơi vui, nói rằng tập tành với dân phòng, nhưng là đến chơi với cô Hai. Hai có lúc cũng ưng lên xuồng, lội một vòng. Cô khi đó đúng là một con người khác, cười khanh khách, vui lắm. Một bận tôi vừa cập bến, bị Bảy Chinh và hai thằng kiểm binh cầm súng lăm lăm, bắt lên bờ. Tội gì? Tội đưa gái lên thuyền quân lực. Tôi đến sát bờ mà không thấy thuyền của chúng nó neo dưới gốc cây xà bưng. Tán lá dừa, bụi cây trăm thứ các loại rủ xuống che kín những chỗ buộc thuyền…

Đáng lý tôi bị tội đào binh, nhưng ông Bảy Chinh ổng giơ cao đánh khẽ, không làm gì nữa, chỉ mắng:

- Đù má, mầy chết vì đờn bà. Chả biết có sớ rớ gì con nhỏ đó không?

Nói rồi ổng quay ra giọng thương:

- Mầy sờ được con nhỏ đó thì cũng đáng mặt anh hùng.

Tôi la:

- Anh ơi, cổ khổ thiệt, mình không nỡ ép. Em thích cổ, cũng từ từ, để cổ thương mình chớ. Em không làm bậy.

Bảy Chinh la lên:

- Mầy thương con bé đó hả? Mầy khổ rồi, nó vợ Việt Cộng đó. Tao không sao nhưng tụi an ninh nó làm mầy chết đó…

*

Chuyện thế thôi, tôi sau đó bị điều ra Đà Nẵng. Cũng có thể ông Bảy Chinh lo tôi bị rầy rà. Ông có họ xa với bà má tôi. Ổng xin chuyển cho tôi vào quân tiếp vụ, đại khái sau này gọi là hậu cần chi đó. Nhận viện trợ, vận chuyển nhu yếu phẩm thịt thà, đồ hộp cho quân đội. Tôi coi như chuột sa chĩnh gạo. Vẫn nhớ cô Hai Hạnh, nhưng con người ta cũng hư đốn, vốn cái tật hưởng lạc, mình nhớ thì nhớ, hoàn cảnh không cho phép thì cũng nguôi dần. Có thịt có hộp trong tay, ăn bớt ăn xén, rồi bán lậu ra ngoài, tiền đầy túi, gửi cho vợ còn thì nuôi gái theo tới lui.

Bẵng đi hai ba tháng gì đó, tôi một lần đang ở đơn vị thì bị gọi lên Sở chỉ huy quân đoàn. Tôi bị thẩm vấn. Lúc đầu không hiểu gì, sau mới hiểu hết ngọn nguồn. Hoá ra cô Hai Hạnh có mang. Lùm lùm ba bốn tháng gì đó rồi. An ninh hỏi tôi có phải thai đó của tôi không? Tôi chối. Chối rồi thì họ lại hỏi vì sao không. Rồi con cua tám cẳng đến con rắn không chân, chuyện nọ ra chuyện kia… Tôi ung cả đầu, nhưng sau mấy ngày thì họ cũng thôi. Mình chơn thật, ai dám làm gì. Sau đó một tuần, lại có mấy thằng áp tải lên kiểm tra máy nói dối. Cũng không có gì. Sau ra khỏi chỗ đó, tôi chửi vung vít, chúng nó cũng chửi lại, đù má mầy, mầy sờ ai không sờ, lại sờ đúng vào vợ cộng… Tôi lại về làm quân tiếp vụ, nhưng trong lòng canh cánh một nỗi buồn…

Cô Hai Hạnh ấy, mình tôn thờ, mình thương cổ. Mình thấy một người đàn bà công dung ngôn hạnh, mình muốn sống làm thằng Ba đi biển với cổ. Thế mà cổ lại không ưng, mà đi ưng thằng khác. Không biết có hơn mình không… Cái sĩ diện đàn ông của tôi bị chơi một vố.

Tôi lấy cớ chạy về Nam Phước. Đầu tiên tìm ông  Sáu Xã trưởng, ổng không làm Xã nữa, mà đi ghe câu. Tôi đợi ở đầu bến mới, mãi mới tìm ra ổng. Ổng cười hì hì:

- Chẳng thằng nào nhận là bố đứa nhỏ. Sau chúng tao mang tiền chia nhau. Tao mắng chúng nó, chúng mày toàn một lũ đểu, dụ con nhà người ta rồi chạy… - Ông cười hà hà, nheo mắt - Hay là của mày. Chúng nó cũng bảo là mày đó.

Tôi cười gượng:

- Của em thì em nhận chứ em sợ gì?

Ông Sáu thương cảm:

- Cũng tội con nhỏ. Giờ thì không ai thấy nó ra ngoài nữa. Bà Tư trước đây đã là chỗ nhà tập kết, nay lại thế, không ai đến, quán xá gì nữa.

*

Tôi đến nhà bà Tư. Quán dẹp rồi. Bà Tư hôm đó không giã cá mà đang lúi húi làm rau mắm gì đó. Ông Tư Nhái thì đang ngồi đan cái khạp đựng thóc. Tôi đến. Hai người đều nhìn ra. Bà Tư bình thản:

- Cậu hỏi ai?

Tôi thấy bả không nhận ra mình, bối rối:

- Cháu đến chơi thôi. Hồi xưa cháu ở đây…

Ông Tư Nhái bảo:

- Xưa cái gì, mới có mấy tháng thôi. Cậu Ba ngồi chơi đi. Giờ không có quán hàng gì cả, để tôi lấy nước cho…

Ông Ba vào bê một cái ấm to, rót nước chè vô những cái chén ăn cơm.

Tôi hỏi ông Tư:

- Bác giờ bác ở đây à?

 - Ừ thì cậu không thấy sao?

- Ý cháu hỏi là bác ở… hẳn.

- Cậu hỏi thế thì phải hỏi bả. Tôi biết ngày xưa chắc cậu cũng hỏi con Hai thế phải không?

Tôi đang tìm cách hỏi cô Hai thì ông Tư này nói luôn. Cứ bảo ông ấy ngu ngơ, thật ra ông ấy biết hết đấy.

- Cô Hai đâu hả bác?

Ông Tư:

- Đi lên huyện rồi. Người ta đưa đi rồi.

- Đi đâu? Ai đưa đi.

- Đi thẩm vấn chứ đâu.

- Ối sao lại thẩm vấn…

Bà Tư ca cẩm:

- Người ta có con trong bụng, không biết dơ cứ hỏi lại hỏi. Tôi bảo con Hai cứ bảo con tôi tôi đẻ tôi nuôi.

- Bao giờ cô ấy về hả bác.

- Thuyền sắp về đấy…

Ông Tư nói lấp lửng:

- Tôi có bảo, người ta nói gái ngoan tìm chồng. Con Hai cũng bướng, cứ gật cậu nào như cậu Ba đây cũng được. Mình làm hai cũng xong, nhưng mà có chồng, không ai nói năng chi hết…

Bà Tư ngẩng lên, bực bội:

- Ông nói con tôi, hay là nói tôi? Tôi không cần ai. Tôi không cần chồng. Ông tưởng ông làm thế được với tôi, thì con Hai cũng như tôi với người khác à? Hôm nay ông về đi nhá…

Ông Tư kêu:

- Thôi thôi, tôi không nói gì mà…

Bà Tư bực, vác cái gậy vụt ông Tư túi bụi. Tôi không dám can. Bà ấy to béo, đằng đằng sát khí, ông Tư Nhái đúng như con nhái bén, nhảy choi choi tránh gậy, miệng kêu the thé.

Ông Tư chịu không thấu, phóng ra ngoài vườn, tôi cũng đi ra…

*

Đêm đó, tôi loanh quanh xuống thuyền ông Tư Nhái. Ông Tư làm xị rượu, với mấy con cá nướng, hai bác cháu uống lai rai. Hai thằng đàn ông một già một trẻ, trời xui đất khiến sao lại vương tơ với hai mẹ con người đàn bà ở cái bến heo hút này…

Ông Tư lầm rầm kể: Hồi xưa bả rất đẹp. Tao cùng với ông Hai Dũng chồng bà ấy làm việc cho Việt Minh thôn, rồi ổng thoát ly đi chủ lực miền. Mình đang đi biển, chọc xuống nước là có cái ăn, trời đất một màu, nào ngờ súng đạn, nên ai cũng muốn đi đánh thằng Pháp một trận. Nó vào thì mình mới khổ. Tao đi theo anh em, vào khu bưng làm lúa gạo tiếp tế cho bộ đội. Rồi ông Hai Dũng có tin chết rồi. Chính tao nhìn thấy người ta cáng thương, ông ấy bị bọc trong cái tăng trắng nhờ nhờ… Tao lùa tay vào túi ổng, lấy ra cái gương bé tý bằng lòng bàn tay, đã vỡ một vết ngang, mang về bảo bả. Bả khóc thôi rồi khóc. Đó là cái gương bả tặng ổng khi ra trận. Lật ra đằng sau vẫn còn chữ bả viết mà.

Từ đó bả buồn và kết thân với tao. Đã tính ăn ở với nhau, tao về nuôi con Hai, cùng bà ấy. Nào ngờ đùng cái, bất ngờ bà Tư quay ngoắt lại, đuổi tao đi. Bả bảo bả không muốn tao dính vào nhà bả là nhà có đánh dấu. Tao nói thế nào bả vẫn trơ trơ ra. Cuối cùng thì vài tháng sau tao mới biết. Đó là dịp hoà bình, người của cách mạng đi tập kết. Hai Dũng trở về ít ngày rồi đi ra Bắc. Hoá ra Hai Dũng tưởng là chết, sau trạm y dã chiến cấp cứu nên hắn khỏi.

Lại nói cái đận ấy, Hai Dũng và con rể cùng tập kết. Hồi đó con Hai mới có mười sáu à? Thế mà có chửa rồi. Con bé lớn lên, lấy chồng được mấy bữa, rồi mang bầu, rồi chồng đi miết, tập kết. Hồi ấy ai cũng khấp khởi hai ba năm là thống nhất, nào ngờ biệt tích không về đến giờ, chứ bà Tư còn được ăn ở với Hai Dũng ít lâu. Với lại…

Ông Tư chép miệng, uống rượu, nhìn trời mênh mông… Những ngôi sao lấp lánh trên một nền đen xịt.

Chúng tôi trôi thuyền lù dù trong đêm, sát sạt gốc cây dừa nước. Ông Tư và tôi không thắp đèn. Con thuyền cứ trôi vô định, đôi lúc ông ngoáy mái chèo một cái cho nó đi lừ lừ, rồi đến khi ông say, không biết đã đến chỗ nào, ông bảo tôi neo lại. Hai chúng tôi cứ uống với khô nướng thế. Nằm trong đêm, dưới là sông, nước chảy trôi về biển.

Ông Tư kể: Cái đận tìm diệt cộng khoảng sáu mươi, Xã Sáu bảo tao, chúng nó bắt hụt thằng Hai Dũng mò về định nằm vùng. Tao lúc đầu bảo không tin, sau thằng Chín chiêu hồi bảo, thực ra Hai Dũng không tập kết, mà ở lại miền Nam, giờ cũng cấp sư đoàn hay gì đó, bí thư tỉnh uỷ tỉnh ác gì đó. Thảo nào bà Tư không ưng tao nữa. Tao xoay ra chạy thuyền kiếm lần hồi…

Tôi hỏi ông Tư:

- Sao ông không đi theo đường Hai Dũng, ông cũng về bưng biền rồi mà…

 - Ồi - ông Tư chép miệng - Mình mà như rứa thì còn nói làm gì. Có cái mình không làm được chớ. Mình bị đói ở bưng, ốm gần chết. Anh em bảo mình về thành ít lâu, nếu ở đó thì chết mất. Mình về thành, rồi nấn ná cũng không bắt liên lạc lại nữa. Mình sợ chết, cứ nói thế đi, chứ không phải chiêu hồi. Chúng nó đến dụ ra chiêu hồi, mình chối hết. Già rồi, làm gì cũng nên nghĩ đến phước.

Tôi hôm đó uống hơi nhiều, nằm thiêm thiếp nghe một ông già sống hụt hơi kể chuyện. Ông nói đúng vào tâm trí tôi:

- Tao ngờ chồng con Hai vẫn sống, cơ hồ nó quanh quất đâu đây, thì mới không ưng ai cả. Y hệt bà Tư. Cái thai ấy coi chừng vẫn là con thằng chả.

Tôi như tỉnh hẳn. Tôi cũng nghì thế. Ông Tư Nhái nghĩ thế. Và bọn an ninh quân lực cũng nghĩ thế chứ. Chúng biết rõ ông Hai Dũng không tập kết cơ mà…

Tôi bảo ông Tư:

- Nếu quả là như thế, thì cũng là đỡ buồn cho cổ.

Ông Tư lài nhài, giọng say:

- Vẫn buồn chết mẹ. Người ta có chồng đêm hôm đầu tay gối ấp. Hàng ngày đụ một cái người sướng tỉnh ra. Mẹ con bà Tư hàng năm được một hai cái, khổ nào bằng khổ một đời như thế mà cậu bảo đỡ khổ…

- Ừ thì còn hơn không… Bao giờ không đánh nhau nữa thì sướng nhỉ…

Tôi và ông Tư cùng thiếp đi trong gió đêm, bồng bềnh sóng nước…

Tôi chợt tỉnh… Vào lúc sao Mai đã chếch chếch. Gà xóm xa te te. Một mùi ngai ngái rất lạ thoảng đến. Giác quan lính chiến qua huấn luyện của tôi khiến tôi nghĩ ngay quanh đây có người. Tôi nhẹ nhàng cho thuyền cập bờ. Rồi áp tai xuống đất. Tiếng chân người rậm rịch rất gần… Không phải một mà nhiều người lắm…

Tôi xuống thuyền, cho đi men theo lùm cây dừa nước, chui sâu trong những tán lá đầy nhện. Ông Tư vẫn nằm li bì.

Tôi căng mắt ra nhìn. Bụng cứ nghĩ, nếu phải Việt cộng tấn công thì chết cũng là số trời rồi. Mình bỏ khỏi đơn vị đi chơi bị chết, chỉ có vợ con không có tiền tuất mà thôi. Chết là hết, nghĩ gì…

Tôi nhìn thấy những bóng đen chuyển hàng từng bó… Thuyền nhỏ nhẹ nhàng lách lá đi, giống thuyền tôi. Phản xạ lính khiến tôi tìm kiếm xung quanh, chắc họ có nhóm gác đâu đây. Có thể là bọn buôn hàng tiếp vụ, nhiều khi tàu hàng ăn cắp đồ cũng chuyển hàng cho con buôn vào các bến vắng thế này. Tôi không có vũ khí, nhưng nếu tôi báo vị trí cho quân lực mật phục thì cũng bắt được. Nhưng hàng này là hàng Mỹ, tôi cũng muốn lấy, tôi chả tố cáo làm gì, mà tôi cũng nghĩ cách gì để có phần thôi…

Một con thuyền trôi ngang qua tôi. Tôi nhìn thấy một dáng người rất quen. Ồ chính là ông Sáu. Ông Xã Sáu tham gia làm cái việc này ư? Thế thì tôi không cần ra tay gì cả, mai cứ doạ ông ta là xong thôi…

Tôi lùi thuyền về chỗ cũ, cách xa nơi những người đang bốc hàng từ những thuyền con…

Vừa buộc thuyền, đang định nằm xuống thì tôi nghe thấy tiếng người khóc thút thít. Người đàn bà ôm lấy người đàn ông không rời. Hai cái bóng nhập làm một.

Tiếng người đàn ông nói gì đó không nghe rõ. Rồi người đàn bà thì rời ra, nhưng vẫn khóc…

Hai người chia tay nhau thật lâm ly.

Người đàn ông khẽ lội xuống nước…

Ông Tư Nhái mắt mở trừng trừng. Ông ấy thức từ lúc nào. Tôi ra hiệu cho ông ấy, ông ấy gật.

Cô gái quay đi… Cái bụng lùm lùm của cô vẫn không làm cho dáng đi hết phần uyển chuyển. Đó là Hai Hạnh.

Tôi ý thức được cuộc chuyển hàng này không phải là đám buôn lậu bình thường. Đây là cuộc đánh hàng của Việt cộng. Họ có thể là mua hàng từ tàu quân lực có đường dây riêng, rồi chuyển ra cứ. Có chồng Hai Hạnh tham gia.

*

Ông Ba giờ đã là một ông lão tám mươi, gọi là ông Ba cá bè, hay là Ba cá. Ông là chủ một vựa cá bè rất lớn, hàng năm thu lời hàng tỷ. Ông có thể mua nhà, mua ô tô, nhưng ông không làm thế.

- Mỗi người có một cách. Tôi là tôi là được rồi. Mình cả đời là người khác, giờ mới sống là mình. Tôi bảo Hai Hạnh, bà sống một mình bà một kiểu, bây giờ tôi mới hiểu thế cũng là cái sướng.

Tôi hình dung, ngày xưa ông Ba Cá với ông Tư Nhái uống rượu đêm sông nước thế nào nhỉ. Còn tôi với ông hôm nay đèn đuộc sáng trưng, cá quẫy đành đành dưới chân. Mai xe công ty lại về lấy một công cá mới.

Ông Ba bảo tôi:

- Các cậu giờ uống rượu Tây, cá bè, tôi nghĩ không sướng như tôi với ông Tư Nhái ruợu đế cá sông.

Ông Ba giơ cốc lên:

 - Đời người mấy chốc… Sống không ân hận mới là sống. Tôi gần được như thế.

 Tôi hỏi lại:

- Gần được?

Ông Ba trầm ngâm:

- Mọi đoán định của tôi và ông Tư đều chỉ đúng một nửa. Đúng là Việt cộng chuyển hàng, nhưng không phải hàng tiếp vụ, mà là vũ khí của họ. Sau đó hơn một năm, có tin quân lực phát hiện và đánh chìm tàu cộng sản Bắc Việt ở gần chỗ bến Nam Phước. Hoá ra đó là tàu chở vũ khí từ miền Bắc vô. Ghê thật, họ chở súng đạn từ ngoải vô đây. Hầu hết thuỷ thủ đoàn đều chết hết…

Tôi lần mò về Nam Phước. Ông Tư Nhái nhìn thấy tôi, ngoảnh mặt đi. Tôi sán đến bảo ổng:

- Bác nghĩ cháu báo tin gì cho chúng nó à?

Ông Tư chỉ nói sẵng:

- Tôi bận.

Sau giải phóng mấy năm, tôi về lại, thì ông Tư Nhái đã chết rồi. Tôi ân hận là không làm cho ông ấy hiểu.

Ông Ba thoáng buồn:

- Nỗi lòng tôi thấm gì… Bà Hai sau giải phóng cũng có tiếng eo xèo. Phòng chính sách xã hội mãi mới công nhận bả vợ liệt sĩ có công. Vì có người bảo vì bả có mang thai mà lộ… - Ông Ba chép miệng - Ôí giời… Này, ai chết với biển của mình là tốt phước. Tôi bảo bà ấy, thôi bà ơi, các con bà đều là con của biển. Tôi và bà đều sẽ ra biển, sống thế nào không xấu hổ gặp lại anh ấy là được rồi…

Đêm hôm đó, tôi ngủ lại bè cá ông Ba, căng tai nghe câu chuyện ông Ba nói lúc nhỏ lúc to…

Cho đến khi ông ấy thiếp đi. Lát sau, ông Ba bỗng choàng dậy, nói:

- Bà đấy à?

Tôi hỏi:

- Bà nào?

Ông Ba dụi mắt:

- Tôi thấy bà Hai ngồi kia…

Tôi nhìn ra, chỉ thấy biển rì rầm…

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn