Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Trung tâm và tâm chung

Nhà văn Hữu Đạt - 24-11-2011 02:11:58 PM

VanVN.Net - Khi đất nước mở cửa, lập tức có hàng ngàn hàng vạn “Trung tâm” bung ra. Đó là các “Trung tâm” nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ v.v... được thành lập do nhu cầu đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế mở, nhằm đáp ứng các yêu cầu của xã hội mà trong điều kiện của nền kinh tế theo cơ chế quan liêu bao cấp, nhiều vấn đề chưa đáp ứng được.

Thuở ban đầu, về cơ bản, đó là các “Trung tâm” hữu thực, hữu danh. Tuy không phải trung tâm nào cũng hoạt động một cách có hiệu quả, nhưng chí ít nó cũng là các bộ phận cần thiết ở một số cơ quan, đặc biệt là ở các cơ quan doanh nghiệp, trường học hay Viện Nghiên cứu..

Những "trung tâm" mọc ra như nấm. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Nhưng rồi, dần dần, nó bắt đầu biến thái. Có không ít các phần tử cơ hội đã lợi dụng việc lập ra các “Trung tâm” để lừa đảo dân lành, mưu cầu các lợi ích phi pháp và đẩy hàng ngàn người lương thiện vào con đường bất hạnh. Đó là các “Trung tâm” môi giới tuyển lao động đi nước ngoài, “Trung tâm” môi giới nhà đất, “Tín dụng”… mà báo chí đã từng nêu.Có nhiều người vì dính líu vào các “Trung tâm” này phải bán cả nhà cửa, khuynh gia bại sản đến nỗi thành thân tàn ma dại.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà các loại “Trung tâm” mọc ra mỗi ngày một nhiều, có thể nói là nở ra như nấm. Nó thành cái mốt và là cái vỏ bọc tinh tế cho biết bao phần tử gian tham, cơ hội. Tại các cơ quan Nhà nước, sự hình thành ra các “Trung tâm” hữu danh vô thực đã trở thành một căn bệnh nguy hiểm, nhưng chẳng mấy nhà chức trách lại quan tâm đến nó. Mỗi khi có một vị chức sắc chuẩn bị về hưu, người ta lại nghĩ ra một cái tên rất kêu để thành lập ra một “Trung tâm” nhằm tạo ra một chỗ làm việc mới hợp pháp cho “các cụ”. Thành ra, các cụ đã đến tuổi thất thập cổ lai hy, được Nhà nước cho nghỉ, nhưng vẫn khăng khăng “phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng”. Quan trọng nhất là các cụ vẫn được cấu tạo vào thành phần “cơ hữu” của cơ quan. “Cụ” không phải chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú. Hằng tuần, hằng tháng cụ vẫn được đi họp giao ban với cái mác rất sang “Giám đốc Trung tâm X...”. Trong các Hội nghị quan trọng “cụ” vẫn hăng hái đăng đàn diễn thuyết, có khi hàng tiếng đồng hồ. Nói chung “cụ” thành một thứ Thái Thượng hoàng kiểu mới. Cơ quan vẫn phải dành cho “cụ” nhiều quyền lợi. Ngoài suất lương “kiêm nhiệm”, còn phải thu xếp cho “cụ” phòng làm việc và các nhân viên, chí ít cũng là vài ba người để pha trà rót nước mỗi khi khách đến. ở rất nhiều trường học, sinh viên còn thiếu phòng học, phòng đọc, phải học dồn lớp hoặc tăng ca, nhưng các “Trung tâm” vô bổ vẫn sừng sững, bình thản nằm ngay ở các đường qua lối lại. Có những “Trung tâm” nghe sang đến mức người ta thật khó lòng phế bỏ nó, nhưng thực chất chỉ có một cái giá sách với đôi ba cuốn sách tuyên truyền và một bộ sa lông. Nếu hỏi vị giám đốc “ Trung tâm” này về một vấn đề gì đó liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Trung tâm thì rất có thể “cụ” không có một chút hiểu biết gì cả...

Về góc độ kinh tế, có thể nói đây là thứ tham nhũng trá hình, tinh vi và lợi hại, là nơi sống tốt của mọi phần tử cơ hội và lưu manh. Nhưng tại sao nó tồn tại nhan nhản trong các Viện Nghiên cứu và các nhà trường? Vì nó động đến cái riêng. Nếu dẹp đi, nay mai mình về hưu thì còn lấy chỗ nào tá túc? Không được đăng đàn nữa ư?.. Muốn trả lời được các câu hỏi này thì mỗi người phải có một cái tâm chung. Cái tâm đó là cái tâm hướng về sự phát triển của thế hệ trẻ và sự phát triển của đất nước.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn