Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Nhà văn Thái Vũ – Những trang viết lặng lẽ dâng đời

Nguyễn Tý (ghi) - 23-06-2014 02:03:09 PM

VanVN.Net - Họa sĩ Bùi Quang Ngọc (*)  là em trai út của nhà văn Thái Vũ. Nhân giỗ đầu nhà văn Thái Vũ (3/7/2013 – 3/7/2014), chúng tôi xin lược ghi kỷ niệm, tình cảm giữa hai anh em được họa sĩ Bùi Quang Ngọc nhắc nhớ với những ký ức rất xúc động.  

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo Nho học có tám anh chị em. Ông nội tôi là nhà Nho yêu nước. Ba tôi cũng vậy, trong nhà cụ treo bức chân dung Khổng Tử. Cụ rất giỏi chữ Nho, tiếng Pháp và viết tiếng Việt bằng chữ Nôm. Cụ lại là người giỏi bốc thuốc. Và một điều hết sức quan trọng là cả ba anh em tôi (anh cả Bùi Trị, kỹ sư công chánh - đã mất năm 2012 thọ 90 tuổi); anh thứ năm Bùi Quang Đoài, anh được ông cụ thân sinh đặt tên là Chuyết, sau anh chiết tự ra là Mộc Quang Đoài (tức nhà văn Thái Vũ – N.T) và tôi đều đi bộ đội thời kháng Pháp phục vụ cả ba miền đất nước. Anh cả trong Đại đoàn Pháo binh 351. Anh Đoài Nam tiến năm 1946, đây là thời trai trẻ đẹp nhất của anh. Tôi đi bộ đội năm 16 tuổi ở Bình Trị Thiên. Cả ba anh em đi bộ đội được Chính phủ tặng Bảng vàng danh dự về truyền thống gia đình kháng Pháp.

Họa sỹ Bùi Quang Ngọc (áo đen) trong đám tang nhà văn Thái Vũ

…Những ngày cuối đời, anh Đoài cố tình không ăn để ra đi thanh thản không làm phiền toái mọi người trong gia đình. Đó là nhân cách sống từ thanh niên đến khi nhắm mắt xuôi tay của anh. Chính vì thế có nhiều bậc trí giả sinh thời rất yêu quý anh như cụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, giáo sư Đặng Thai Mai, nhà sử học Trần Huy Liệu, cụ Cao Xuân Huy, Trương Tửu… vì tính anh hiền, sống rất thật thà, ngay thẳng, trung thực, hết sức nhân hậu. Tôi chưa thấy anh giết ngay cả một con gián, con chuột trong nhà. Trước khi ra đi, anh vẫn rất minh mẫn không hề lẫn tí nào. Anh trò chuyện tuy mệt nhưng rất vui vẻ. Hai anh em kể chuyện thời trung học rất vui, nhắc kỷ niệm về cây khế, bờ ao, bể nuôi cá... đặt ở vị trí nào… Anh biết ngày ra đi của mình. Anh sống rất có hiếu với mẹ và ra đi chỉ sau một ngày kỵ bà cụ thân sinh của anh và tôi. Anh rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và cả âm nhạc nên có một thời gian đi dạy học và dạy cả cho tôi. Đặc biệt anh có trí nhớ rất tuyệt vời, anh kể vanh vách nhất là chuyện lịch sử rất chuẩn. Anh nhớ đại cục, luôn luôn có tính tổng thể bao quát. Đôi khi anh đang nghĩ tôi quấy nên anh bực mình. Anh nhớ kỹ những chuyện mà ngay tôi cũng không hề hay biết. Tôi kém anh chín tuổi hiểu, biết thêm về dòng tộc cũng là nhờ anh.

Sau biến cố Nhân văn giai phẩm, thời kỳ khó khăn nhất, ức chế nhất, thăng trầm, biến bổng nhất của anh, cũng là thời kỳ anh viết nhiều tác phẩm nhất. Anh đi lấy tài liệu về hì hục ngồi viết suốt cả ngày đêm. Anh viết nhiều truyện lịch sử triều Nguyễn, nhất là về anh em Đoàn Trưng, Đoàn Trực, cuốn “Giặc Chày vôi” phần nhiều từ bà cụ tôi, mà theo anh đó là “việc trong nhà mà ra”.

Kỷ niệm giữa anh em chúng tôi thì nhiều, anh dồn hết tình thương cho tôi. Nhưng tôi nhớ nhất là khi tôi có sự cố ở Quảng Ninh ra Hà Nội không có nhà ở, anh nhường nửa căn nhà cho tôi. Ngay đến cả khi đi học ở trường mỹ thuật không có tiền cắt tóc, không có áo mặc anh cũng cho tiền. Tôi học âm nhạc cũng từ anh. Anh mượn ở đâu tài liệu chơi piano và guitar đem về chép tay rồi đưa cho tôi. Thấy tôi lười học, anh nói “Mi có nhớ tao chép nhạc cho mi không?”. Tôi hiểu anh rất thương tôi.

Quê tôi ở Quảng Bình, mê vẽ từ bé. Việc học vẽ và trở thành họa sĩ cũng có công rất lớn của anh Đoài. Anh vẽ ảnh tài tử treo khắp nhà, tôi bắt chước vẽ theo lúc đó mới 11 tuổi. Và bức chân dung đầu tiên tôi vẽ là bức chân dung cụ Hồ năm 1946. Nhiều bạn bè ngạc nhiên vì sao tôi ở tỉnh lẻ mà ra Hà Nội có một tủ sách hội họa bằng tiếng Pháp, đó là nhờ ba tôi khi bị Pháp bắt và đày qua đảo Guyanne (Nam Mỹ) thuộc Pháp đem về, tôi vẽ modern sớm cũng từ đó. Ngoài ra, tôi còn học ở người anh cả tôi là kỹ sư thời Pháp. Tôi còn nhớ hồi đó, bên cạnh những bản đồ án, anh cả đã vẽ chân dung một vài người nào đó. Thế là tôi len lén bắt chước vẽ theo anh. Năm 16 tuổi, tôi tham gia bộ đội Bình Trị Thiên, rồi vẽ tranh, làm báo Quảng Trị. Về sau được học văn hóa và học vẽ khóa đầu tiên của Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1955-1957). Có một khoảng thời gian dài, tôi làm họa sĩ ở ty văn hóa Quảng Ninh. 10 năm ở đây, tôi đã bồi đắp được khá nhiều vốn sống.

Anh Đoài mất đi là gia đình mất đi một người thân thiết nhất, mất đi những trang viết lặng lẽ dâng đời. Tôi tin chắc những gì anh đóng góp cho văn học sẽ được ghi nhận.

---------------------------------------------------------

(*) Họa sĩ Bùi Quang Ngọc sinh năm 1934 tại Quảng Bình. Ông từng là sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam và là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 1956 đến năm 2009, họa sĩ tham gia khoảng 16 triển lãm lớn của Việt Nam và quốc tế, bốn lần triển lãm cá nhân tại Hà Nội và Sài Gòn. Ttrong đó phần lớn là triển lãm tập thể. Trong đó, có triển lãm quốc tế “Nghệ thuật hiện đại châu Á” lần thứ 31 tại Tokyo, Nhật Bản năm 1993 và triển lãm “Hòa bình Thế giới” tại Seoul, Hàn Quốc năm 2000.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...