[Đêm nào lạnh, tình người
ba xu một mớ, bảy xu một đời…]
(Phan Huyền Thư)
Tôi đến với thơ của Thư như một người lữ khách đã trải qua những sa mạc khô cằn của thi phú Việt Nam mười năm trở lại đây, đã nghiệm ra được cái vô lý từ cuộc sống và sự nghèo nàn của tình người. Có lẽ vì thế mà khi đọc Sẹo độc lập của Thư, tôi có một sự đồng cảm đặc biệt với những khắc khoải nhiều đau đớn mà chị phải đeo, thồ trong “thân phận thơ” của mình. Nhạc sĩ Trần Tiến trong Ngẫu hứng phố khi nói về Hà Nội đã có lần thốt lên rằng, “Hà Nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất bạn bè thôi. Hà Nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất tình người thôi…", thế nhưng, với thơ của Thư thì “cái tình người” kia không còn là một cõi lẻ bóng Hà Nội nữa, mà nó được nâng lên thành phạm trù phổ quát bao trùm không gian rộng lớn của “cõi người”. Nó không “xa xỉ” và “cao cấp” như Trần Tiến đã nghiệm, mà là một SẢN PHẨM “ba xu một mớ, bảy xu một đời”, tình người, nhân tính “rẻ như bèo”.
Cái thú vị ở thơ của Thư nằm ở tính chất luận đề xã hội trong mỗi hình tượng thơ, trong cách ngắt dòng, trong lối chấm câu mà chị chọn lựa để khai phóng ý niệm về cuộc sống. Do đó, đến với thơ của Thư nói chung và Sẹo độc lập nói riêng, người đọc cần ném cái nhìn lý trí của mình ra khỏi lối thẩm thơ quen thuộc, nhàm chán đến đau khổ của nửa thế kỷ sáng tạo theo kiểu “tầm chương trích cú” hoặc tụng ca cái “hùng vĩ” của cuộc chiến vệ quốc đến sáo mòn, thì mới hiểu hết ý vị thi ngữ của một người mà đôi mắt lúc nào cũng hắt lên vẻ xa xăm mỗi khi nghĩ về đời và về NGƯỜI..
“Sẹo độc lập” hay vết rạn trên tấm huy chương
“Sẹo độc lập” – tên một bài thơ nhưng cũng là ý niệm về bản chất của sự “khai sinh” (The Birth) xuyên suốt lý trí và suy tư của Thư. Thư xem bất cứ “sự khai sinh” nào cũng là kết quả của “phá hủy” và “đổ nát”, của những vết thương đã ẩn mình trong máu và nước mắt, của ám ảnh, xót thương và sợ hãi. Đó là triết lý của sự kiến tạo và phá hủy. Sự đổ nát bao giờ cũng là chiếc bóng, là phông nền đầy đau khổ, nhấn mình chịu kiếp hủy hoại để cái “kiến tạo” được ra đời trong hả hê, kiêu ngạo, dù biết rằng, nó chẳng bao giờ nhớ và để ý sự hiện hữu của cái “đổ nát” đứng đằng sau mình. Cứ thế “sự khai sinh” đã ra đời trong tập quán vô ơn và bạc tình đối với những “vết sẹo” được tạo ra bởi máu và nước mắt, góp phần kiến tạo môi sinh, lập nên huyền thoại đánh dấu mốc son chói lọi của hòa bình và chiến thắng đầy giả tạo.
Sự khai sinh ban đầu đã lập nên huyền thoại cho riêng nó bằng việc khơi gợi những bài học cách mạng nhằm ca ngợi lòng biết ơn về sự đau thương, về quá trình thai nghén nhiều nước mắt trong cơn giận giữ, biên thiên của lịch để có được sự khởi sinh, khiến những con người đang háo hức chờ ngày nó chào đời hiểu rằng, sự có mặt của “cái khai sinh” ấy ý nghĩa đến nhường nào. Nó gieo vào lòng người sự tụng ca, và niềm tin như một tất yếu về lịch sử rằng, nó ra đời đã khiến họ có được một đời sống mới, có được ước mơ và lòng tự hào mới để tiếp tục ru đời mình bằng sự im lặng của bầy cừu. Càng suy niệm về “sự khai sinh”, tôi lại càng thấy thấm cái ý vị của biểu tượng “sẹo độc lập” mà Thư gieo vào thơ của mình:
“tôi
được độc lập
với mẹ
bằng sợi dây
rốn
cắt đứt cơ thể
vết
sẹo làm người”[1]
Nói về sự khai sinh như một bắt buộc khi sự khai sinh ấy đã đến ngày đoạn tháng và phải chào đời như một thực thể độc lập với nước mắt và máu của NGƯỜI khởi sinh ra nó mà Thư xem như là “được độc lập”, thì hẳn rằng, sự khai sinh này không còn là quy luật tất yếu nữa, mà là một phản đề đối với thói quen thường nghiệm của tư duy con người. Bởi vì, nếu thực đúng như lời Phật dạy: “đời là bể khổ” và sự sinh ra đồng nghĩa với việc vơ cái khổ vào người, thì hẳn rằng, chẳng ai muốn mình “được độc lập” như một sự khởi sinh đau khổ. Thế nhưng loài người luôn tụng ca cái ngày mà cuộc đời mình được khởi sinh như một chiến thắng lẫy lừng của lịch sử, từ lịch sử cá nhân cho đến lịch sử phổ quát của cả dân tộc. Dù rằng, cái khai sinh đã được độc lập, nhưng vết sẹo nối kết nỗi đau hằn trên “cơ thể” nó với máu của người đã khởi sinh ra nó, thì không thể xóa nhòa. Vết sẹo vẫn là chứng nhân cho ngày mà nó được sinh ra trong đau đớn. Sự độc lập khởi phát trong ngày mà “cái tôi” được “khai sinh” thực ra chỉ là thứ vẽ vời có vẻ như kiêu hùng và vĩ đại để hợp thức hóa nỗi đau mà vết sẹo đang rúc rích rủ rê tiếng cười nhạo báng vẻ ngoài đầy hoa mỹ của nó, vốn được che giấu thông qua những huyền thoại về hạnh phúc và lý tưởng, về sự biết ơn đến vô tận. “Sẹo độc lập” đã có lúc quay về phản tư chính sự khai sinh của mình, để khóc cho sự thật “im lặng” hãi hùng:
“Con chim ít hót nhất trong cả dân tộc chim hay hót
làm sao có thể nghe được tiếng mình?”[2]
Bởi vì:
“Một dân tộc ….
…tranh nhau hót
Không thể
…. bay lên
....những tiến hóa
.... lặng im"[3]
Thế đấy, chiếc “sẹo độc lập” Phan Huyền Thư đã phải đau đớn khi nhận ra sự khởi sinh của “tâm hồn” – một vết sẹo không bao giờ lành được: Vết sẹo[4] của sự khác biệt trong một rừng sẹo im lìm. Nhưng thà là vết sẹo khác biệt để réo lên bài ca làm người trong một bầy sẹo, còn hơn là cả bầy sẹo hàng ngày phải sống và rên rỉ những bài học đạo đức, những bài học làm người giả tạo đến nhàm chán như van xin “cái khởi” sinh biết đến, dung dưỡng, vỗ về và an ủi nỗi đau mà mình đang mang vác.
“Một dân tộc chim hay hót...
những con chim đã quên mất giọng hót chính mình
những con chim đã không thể hót giọng hót chính mình
những con chim đã không thể nghe thấy giọng hót loài…
những con chim đã không thể bay bằng tiếng hót
những con chim đã không thể im lặng
những con chim đã...”[5]
Có một dân tộc chim đang say sưa hót trong sự chôi chảy của thời gian, trong sự chảy trôi của không gian, trong sự sự trượt dài của ý thức, trong sự luống cuống của lý trí, trong sự âm u của vô thức và trong sự phụ thuộc đến rùng mình của tâm thức khốn cùng, nhưng bầy chim ấy vẫn hót và hót vang một thứ âm thanh biết ơn và được dạy hót phải biết ơn. Dân tộc chim ấy đã hót vang bằng giọng hót của kẻ khác, hót đuổi theo giọng xướng của con chim đầu đàn. Đến đây, tôi bỗng liên tưởng cái bầy chim đang hót của Thư giống như đám đông cô đơn hành động theo kiểu bầy đàn mà không hiểu tại sao mình hành động được Gustave Le Bon xướng lên từ thuở Tâm lý học đám đông. Khi phân tích tâm lý đám đông, Le Bon đã có một phát hiện cách mạng là: “Ngày nay, những người cầm đầu càng có khuynh hướng thay thế quyền lực công, thì quyền lực công ngày càng bị chất vấn và suy yếu đi. Sự bạo ngược của những ông chủ mới này làm đám đông ngoan ngoãn vâng lời họ hơn cả khi họ đã từng vâng lời chính quyền. Nếu, do một tai biến nào đó, người lãnh đạo biến mất, và không được thay thế tức thời, đám đông lại trở thành một tập thể không cố kết, không sức kháng cự…”[6]. Cùng diễn tả đám đông vô thức luôn làm theo bản năng tập thể, nhưng Le Bon đã phải chứng minh tới hàng trăm trang sách triết học, còn Phan Huyền Thư chỉ vỏn vẹn 27 dòng[7] đã khái quát một cách dễ hiểu và đầy đủ về tâm lý bầy đàn quen thuộc trong lịch sử loài người. Thế mới biết giới hạn của triết lý trước sự vẫy vùng không biên giới về ý nghĩa, như cá gặp nước, như chim dưới trời của thơ ca.
Sống trong đám đông quen tụng ca những lý tưởng xám xịt, thì bản thân mỗi cá nhân trong đám đông ấy không thể có đủ lý trí để nhận ra giới hạn của sự thật và lừa dối. Họ cứ đua theo lý tưởng ấy mà xướng, mà tôn vinh như thể đó là sự thật toàn hảo. Trong cái đám đông tạp chủng muôn mặt ấy có sự phân hóa rõ ràng về mặt giống và chủng nhưng lại chung nhau trong LỐI NGHĨ, trong TUYÊN NGÔN và trong HÀNH ĐỘNG. Muốn hành động đúng và phát ngôn hay thì phải nghĩ đúng và thông, cũng thế, một khi LỐI NGHĨ bị dẫn dắt và bị “cưỡng hiếp về tinh thần” bởi một kẻ đứng đầu xa lạ bên ngoài thì cùng với cách nghĩ bị nô lệ hóa, thì hành động và phát ngôn cũng là hành động, phát ngôn của những kẻ nô lệ. Tuy nhiên, khi LỐI NGHĨ của đám đông vô thức phải phụ thuộc vào sự sai khiến của kẻ khác, thì họ cũng thường dễ trở thành bảo thủ và ảo tưởng. Ảo tưởng vì luôn cho rằng, suy nghĩ của mình là chân lý và những suy nghĩ khác mình đều là phản tiến bộ và hủ hóa, dẫn đến thủ tiêu và phủ nhận những cái nhìn khác. Phan Huyền Thư rất tinh tế và trí tuệ trong khi giải mã bản chất của vô thức đám đông thông qua hình tượng nghệ thuật. Nói rõ ra, “dân tộc chim” kia vốn đã là một quần cư cô đơn ngay từ khởi thủy ý nghĩ về sự khai sinh của mình, và về thế giới quanh mình. Đường sống của dân tộc chim ấy là những “rãnh cày” quen thuộc hằn sâu vào trí tuệ và tư tưởng, suốt đời gieo tập quán tụng ca và để gặt mùa ca tụng. Cứ mỗi khi trong dân tộc chim ấy có tiếng hót lạ, theo nghĩa khác mình, vang lên từ một cá thể chim nào đó, ngay lập tức tiếng hót ấy rơi vào hư không, hẳn rằng, vì nó chưa bao giờ là Ý niệm quen thuộc của bày chim đang hót véo von kia, và đơn giản hơn, các con chim khác trong rừng chim ấy nghĩ rằng tiếng chim ấy đang hót vang cho cả dân tộc chim nghe, nhưng chắc có lẽ “nó trừ mình ra”: “Những con chim đã quên mất giọng hót chính mình/ những con chim đã không thể hót giọng hót chính mình/ những con chim đã không thể nghe thấy giọng hót loài…”. Từ ba câu thơ trên, tôi có một phản đề dành cho Thư rằng, một dân tộc chim không có khả năng truy vấn về sự sinh ra của mình như thế nào, không có ý thức phản tỉnh về cội nguồn sự có mặt của y trong cuộc đời thì làm gì có được ý niệm về “giọng hót chính mình”, để mà đặt ra luận đề logic: “còn hay mất”? Và hiển nhiên rằng, một khi dân tộc chim ấy không có được ý niệm về sự tồn tại của “giọng hót chính mình”, tất yếu nó “không thể hót giọng hót chính mình” và cũng “không thể nghe thấy giọng hót loài”. Mọi sự mất còn, đúng sai chỉ có được và chỉ đáng được đưa ra bàn thảo khi chúng ta xác định được căn nguyên sự khai sinh của nó, nghĩa là nó phải được tồn tại hoặc được hiện diện trong lịch sử, rồi mới có phán xét về nó. Tôi cho rằng, đây là những câu thơ chứa nặng suy tưởng của Thư về tồn tại người, về hiện hữu sống động, và là một trong những câu thơ xứng đáng xếp vào dòng triết thi vốn mờ bóng trên “cái sa mạc” cằn cỗi của thơ ca Việt Nam thời hậu đổi mới.
Người thơ sau khi đã giải mã được bản chất tại sao “con chim ít hót nhất trong cả dân tộc chim hay hót” “có thể nghe được tiếng mình?”, “có thể nghe được tiếng một con chim hay hót ?”, “có thể nghe được tiếng một con chim ít hót khác?”, “có thể nghe tiếng hót khác mình ?” và cuối cùng “làm sao có thể nghe tiếng hót tự mình?, đã chọn thái độ im lặng như một sự khai mở “hố sâu tư tưởng” để trầm tư về cuộc sống và để sống sinh động trong thế giới tinh thần của mình. Căn nguyên, cội rễ trong sự im lặng của người thơ là có thể hiểu được, bởi vì, ngoài sự im lặng của một con chim hiểu ra chân lý tại sao nó phải im lặng, thì bên ngoài nó vẫn còn một bầy chim sau khi hót hả hê mà không hiểu tại sao mình hót đã trở về trong trạng thái im lặng mang tính bầy đàn, một sự im lặng có lẽ cũng vì không hiểu tại sao mình phải im lặng trước tiếng hót “lẫy lừng” vừa được cất lên. Hẳn rằng, nguyên nhân nằm ở đây:
“Đêm nay dưới trăng
xanh xao bầy lạc đà
thồ niềm tin lặng im
qua sa mạc
Bầy ong cặm cụi sâu lòng đất
chưng cất độc thành mật
ngọt như lời hứa
lặng im
…
Bẩy tỉ giấc mơ đang hoài thai
dường như không có giấc mơ nào
muốn được sinh ra
không giấc mơ nào
muốn thành con của kẻ lạ
trong thế giới bầy đàn
lặng im”[8]
Nói đúng ra, “dân tộc chim” kia không hiểu tại sao nó im lặng là vì có những con chim khác ngoài nó hiểu được lý do tại sao nó cần im lặng. Cái hay của “thơ tuyển” là ở chỗ, nó cho phép người đọc có quyền được liên hệ về ý tứ và hình tượng từ bài này qua bài khác, từ khởi sự này qua khởi sự kia. Cái căn cơ này có thể được kết luận như sự nối dài những ý niệm sáng tạo từ khúc ngoặt ngôn từ này đến khúc ngoặt ngôn từ khác, từ xúc cảm xa xôi diệu vợi tới xúc cảm gần gũi thân quen, từ trầm tưởng sâu thẳm tới suy tư trực giác. Thế nên, tôi đọc thơ của Thư không phải là đọc cái ý niệm cá biệt xuất hiện trong mỗi bài, mà là sự liên hệ các ý niệm qua mỗi bài. Do vậy, dân tộc chim kia phải im lặng, vì lẽ, nó đã nhìn thấy lấp ló đâu đó trong tiềm thức về một “bầy lạc đà/ thồ niềm tin lặng im/ qua sa mạc", thấy mờ mờ xa xăm trong vô thức hình hài héo úa của "Bầy ong cặm cụi sâu lòng đất/ chưng cất độc thành mật/ ngọt như lời hứa/ lặng im", còn con chim đang phải lo lắng "làm sao có thể nghe tiếng hót tự mình?” lại ngộ ra rằng, phải xem sự im lặng như một chân lý khốn cùng. Phải chăng, con chim đó đã nghiệm và thấy được trong siêu thức của mình một sự “khổ về trí tuệ”, một “đám cháy lương tâm” đang âm ỉ, rỉ máu trước hiện thực: “Bẩy tỉ giấc mơ đang hoài thai/ dường như không có giấc mơ nào/muốn được sinh ra" ? Thế nên con chim hót tiếng khác loài ấy, thế nên người thơ "khổ về trí tuệ" ấy đành chọn im lặng như một cách thức để phản ứng với đời, phản ứng với dân tộc chim đang ra sức kêu gào cho giọng hót vốn bị "đánh cắp" từ khởi thủy của giọng nơi mình. Im lặng trong trường hợp này là một sự dũng cảm, bởi vì, người thơ không chỉ nhận ra sự thật mà còn cười trên cái sự thật đầy đau xót đó[9], cười lên vết rạn trên "tấm huy chương" của chiếc sẹo độc lập:
“nung chảy hoàng hôn xanh
lửa cồn sắc lạnh
tấm huy chương đặc quánh
nước bọt lấp lánh
vết sần đầu gối quỵ luỵ
đoạ đầy”[10]
"Một bầy im lặng" hay sự nối dài các ý niệm khủng hoảng về tồn tại người.
Ở phần này, tôi không ghì mình vào con đường khổ ải đi tìm nguyên nhân của sự im lặng, mà khai phóng ý niệm im lặng ấy lên các “phận người”, “phận đời” - nơi Thư đã đau và đeo, thồ trong tư tưởng mình đi qua các ngã rẽ khốn cùng của thi ca. Sự im lặng của một người đã biết mình vì sao mình phải im lặng như khoảnh khắc sự thực đã tràn chứa ngôn từ để diễn tả nó, đành nhắm mắt, ngậm môi để nối dài ý thức vào khoảng không tinh thần giác ngộ. Wittgenstein cho rằng: "Những gì không thể nói ra thành lời, là lúc người ta im lặng" ("Wovon man nicht sprechen kann, darüber muss man schweigen"[11]), nhưng có những sự thực mà con người phải im lặng không hẳn là do nó không diễn tả được bằng ngôn từ, mà ngược lại, vì nó là thứ ngôn từ răn đe mang tính phổ quát cho mọi người nên con người phải im lặng để nó chảy trôi trong cách nghĩ, và trong thế giới tinh thần họ. Những ngôn từ thuộc phạm vi luân lý, đạo đức, chính trị…với các biểu hiện của nó như thiện, ác, phản động, cách mạng, tha hóa, nhân tính….dường như là thứ ngôn từ được con người phát ngôn nhiều nhất, song lại ít được chấp nhận trong cách hiểu nhất. Vì vậy, hiểu những phạm trù ngôn ngữ ấy cần được xem như là sự hiểu giản đơn mang tính cá biệt, phần còn lại phía sau của nó thường là sự im lặng đơn độc khi con người khởi sự suy tư sâu về nó.
Cái im lặng mà Thư thể hiện trong cõi thơ của mình, diễn tả đúng bản chất của sự bất mãn với ngôn ngữ. Sự im lặng của Thư là thái độ dám đụng đầu với tiếng hót của cả “dân tộc chim”, song cái dự phần còn lại của cõi im lặng nơi chị lại là một thế giới tinh thần rộng lớn của xót thương và sợ hãi trước đồng loại. Chị sợ hãi cho những con chim khác đang ngủ mê trong tiếng hót điên cuồng, vô nghĩa; chị lo cho nhân phẩm con người đang bị tước bỏ sự tự tin và danh dự từng ngày; chị sợ lương tâm con người một mai sẽ bị hoán đổi thành “lương thực”; chị sợ một ngày nào đó “chân lý” sẽ bị phủ lấp bởi “chân giò”… và còn rất nhiều nỗi lo sợ khác khiến cho người thơ phải im lặng trong nước mắt:
“Nhói,
là khi không thể thuyết minh
về chiếc vé trên chuyến tầu nhân phẩm
ố vàng theo tiêu chuẩn bao cấp
trong tiếng cười khẩy độc ác
của những thằng gác cổng
đeo băng “Bảo vệ” để hò hét
nặc danh đám đông”[12]
Nhân tính con người bị tha hóa không phải vì y sống đời sống vật chất tầm thường, mà là vì y không dám sống trọn con người của mình, không dám hiện sinh như một nhân thể biết yêu thương đồng loại bằng lý trí và tự do, không dám gieo vào thế giới sự nổi loạn (Revolution) chống lại thói đạo đức giả đang thừa mứa trong xã hội. Một ngày nào đó, ngay đến cả sự thuần khiết của trái tim con người với ước mơ được trở về “mái nhà xưa” quen thuộc của điệu ru mẹ hát, trong giấc mộng chưa lớn nổi hình hài, với y cũng là cái gì đó xa vời, lớn lao. Hẳn rằng, cái giấc mơ con ấy đã bị những giấc mơ con khác (nhuốm màu lý tưởng xã hội) đè nát, và hẳn rằng, cái giọng ru bình dị kia đã bị bàn tay vô hình của kẻ nhân danh tiến bộ chặn sâu vào yết hầu, khiến nó ngột ngạt không thể thở được? Và một ngày nào đó, con người sẽ phải ngạc nhiên khi nhận ra rằng, mọi điều bình dị, sơ khai và trong trẻo nhất của cuộc đời y đã bị những kẻ vô hình “nặc danh đám đông” nào đó đánh cắp phũ phàng trong cõi sống phi lý này:
“Kẻ trộm vào nhà.
….
Nghe trộm lời yêu đương
Nhìn trộm mắt đam mê
Và ăn cắp khoảng trời tự do
Kẻ trộm vào nhà
Hay kẻ trộm vào giấc mơ…?
Mọi thứ tưởng như không có gì thay đổi
Chỉ có một điều không thể tìm lại nổi”[13]
Nếu Martin Luther King từng có một giấc mơ cho người da đen trên thế giới được chung sống trong hòa bình và trong sự yêu thương của những người da trắng, thì Thư cũng có một giấc mơ, nhưng một giấc mơ giản đơn hơn: giấc mơ cho con người được tự do sáng tạo, được tự do hiện sinh, là không bị “bầy im lặng” “nặc danh đám đông” dám sát và cải tạo khát khao làm người. Thư có một ước mơ, tôi tin thế, rằng con người, đặc biệt là “bầy im lặng” kia hãy một lần được sống “kiếp con người”, những con chim trong “dân tộc chim” kia hãy một lần được hót “giọng hót chính mình”, một lần được “nghe thấy giọng hót loài”. Cũng như Martin Luther King, để có một giấc mơ cho mình, ông đã phải đổi lấy tính mạng cho sự tự do của người da đen, thì với Thư, tôi nghĩ thế, để có thể hiện thực hóa giấc mơ của mình, chị sẽ phải đánh đổi sự tự do cá nhân cho sự tự do của giấc mơ ấy. Và, sự im lặng của một con người đã thống khổ trước “nỗi đau loài” sẽ còn mang vác sứ mệnh của nó qua nhiều sự đau khổ của tinh thần, là tiếp tục phải chịu kiếp cô đơn “một mình mình biết/ một mình mình hay”. Với tôi, đó không phải là bi kịch của con đường thơ ở Thư, mà là sự chiến thắng của thế giới thơ nơi Thư, một sự chiến thắng của ý thức tự khai sáng mình và khai phóng cho người. “Cái quan định luận”. Khi bản thảo thơ đã nằm trên giá sách, khi người thơ xếp lại giấc mơ của mình trong ký ức, thì khi ấy, hành trình ý thức đi đến cõi người của Thư sẽ được viết tiếp và được nghĩ tiếp. Một giấc mơ như vậy, sẽ được viết tiếp và được “mơ tiếp” bởi nhiều giấc mơ khác bên ngoài đang thao thức, khát khao được làm người và chỉ dành cho những ai khát khao làm người. Dù rằng:
“Cũng có thể,
khi chăn bò người nói với chúng bí mật về "sách"
nơi che giấu những dị hợm và ngộ nhận
một con bò nhạy cảm
có thể hiểu sự sạch sẽ của cỏ
không nên bị tiêu hoá bình quân.
Cũng có thể,
người đã cười vang
khi nhận ra cú chơi khăm của danh vọng
sự đểu giả trí thức
sự tráo trở nhân cách
sự hiền triết lặng im"[14]
Thế đấy, tôi đã đến với thơ của Thư như một lữ khách đau khổ, và khát khao giải đáp vì sao mình đau khổ. Dù biết rằng, sự đau khổ của người thơ sẽ chẳng bao giờ chấm dứt trong cõi đời nhiều giả dối, trái ngang này, thế nhưng tôi vẫn khát khao một lần được lạc lối vào cõi thơ đầy nước mắt của Thư để mong một lần được “hót giọng chính mình”. Có thể tôi không chịu sống kiếp đời im lặng như “bầy im lặng” ngoài kia, và cũng có thể tôi không chịu hót tiếng đồng loại của “dân tộc chim” đang hả hê véo von giọng điệu vô cảm trên kia, song chí ít, tôi được “hót giọng riêng mình”, được thấm cái nỗi đau vì sao cần phải im lặng. Có thể Thư sẽ phải tiếp tục đau và rơi lệ trước thế sinh khổ ải ngoài kia, nhưng đổi lại, chị “được” gieo vào thế giới ấy ý thức làm người đầy kiêu hãnh của mình. Với tôi, làm được như vậy là Thư đã thành công trong cuộc cải hoán thế nhân nhiều chông gai này. Còn thơ của Thư, có thể sẽ rất khó để “bầy im lặng” kia hiểu ra sự im lặng của mình, và để “dân tộc chim” kia nhận ra vì sao mình cần phải hót giọng hót “loài”, nhưng chí ít nó cũng đã hoàn thành sứ mệnh là được nghe “giọng hót chính mình” của người thơ.
* Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[1] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội nhà văn, Sđd: “Sẹo độc lập”.
[2] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Hội nhà văn, Sđd: “Hót”.
[3] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Hội nhà văn, Sđd: “Hót”.
[4] Vết sẹo mà chúng tôi dùng trong trường hợp này như một biểu tượng của nỗi đau, vì vậy, nó có ý nghĩa phổ quát và biểu trưng cho một phạm vi nghĩa rộng, mà không gói gọn trong nghĩa đen hay trong một bài thơ cụ thể nào đó của Phan Huyền Thư.
[5] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Hội nhà văn, Sđd: “Hót”.
[6] Gustave Le Bon (2009), Tâm lý học đám đông, NXB Tri thức, Hà Nội, tr. 183.
[7] Xin xem: Phan Huyền Thư 2014). Sẹo độc lập. Hội nhà văn, Sđd: “Hót”.
[8] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội nhà văn, Sđd: “Một bầy lặng im”.
[9] Nếu nói như Nietzsche: “Trong tinh thần tôi, tôi lại có – ai ngờ? – có lẽ cũng có cả trong cơ thể - cái chất khinh khoái hăng hái mạnh khỏe của Montaigne, năng khiếu cảm nhận của con người nghệ sĩ trong tôi đã bào chữa bênh vực những tên tuổi của Molière, Corneille và Racine, bênh vực, không tránh được thịnh nộ chống lại thiên tài man dại như Shakespeare – tất cả những điều ấy không phải khiến tôi bớt nhận thấy rằng ngay cả đối với những tác giả Pháp gần đây nhất tôi vẫn cảm thấy họ hấp dẫn khi sống chung với tập thể họ. Tôi không thấy có thế kỷ nào ở quá khứ mà mình có thể vớt lên được bao nhiêu nhà tâm lý vừa thẩm thấu vừa tế nhị như ở Paris hiện nay…Có ai hiểu được Hamlet không? không phải sự nghi ngờ mà chính điều chắc chắn xác thực đã xô đẩy người ta đến chỗ điên loạn. Nhưng mình phải là sâu thẳm, phải là một hố thẳm, một triết gia thì mới cảm được như vậy. Tất cả chúng ta đều sợ sự thật” (Nietzsche, F (1970), Tôi là ai?, NXB Phạm Hoàng, Sài Gòn, tr. 102 – 108 -109), thì dám im lặng và cười cho sự im lặng của mình được xem là một thái độ dũng cảm, là tinh thần lửa nơi Prometheus.
[10] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội nhà văn, Sđd: “Thiền”.
[11] L. Wittgenstein.Tractatus, 7.
[12] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội nhà văn, Sđd: “Nocturne”.
[13] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội nhà văn, Sđd: “Kẻ trộm”.
[14] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội nhà văn, Sđd: “Ghi trong sổ tang nhà thơ Lê Đạt”.
[Đêm nào lạnh, tình người
ba xu một mớ, bảy xu một đời…]
(Phan Huyền Thư)
Tôi đến với thơ của Thư như một người lữ khách đã trải qua những sa mạc khô cằn của thi phú Việt Nam mười năm trở lại đây, đã nghiệm ra được cái vô lý từ cuộc sống và sự nghèo nàn của tình người. Có lẽ vì thế mà khi đọc Sẹo độc lập của Thư, tôi có một sự đồng cảm đặc biệt với những khắc khoải nhiều đau đớn mà chị phải đeo, thồ trong “thân phận thơ” của mình. Nhạc sĩ Trần Tiến trong Ngẫu hứng phố khi nói về Hà Nội đã có lần thốt lên rằng, “Hà Nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất bạn bè thôi. Hà Nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất tình người thôi…", thế nhưng, với thơ của Thư thì “cái tình người” kia không còn là một cõi lẻ bóng Hà Nội nữa, mà nó được nâng lên thành phạm trù phổ quát bao trùm không gian rộng lớn của “cõi người”. Nó không “xa xỉ” và “cao cấp” như Trần Tiến đã nghiệm, mà là một SẢN PHẨM “ba xu một mớ, bảy xu một đời”, tình người, nhân tính “rẻ như bèo”.
Cái thú vị ở thơ của Thư nằm ở tính chất luận đề xã hội trong mỗi hình tượng thơ, trong cách ngắt dòng, trong lối chấm câu mà chị chọn lựa để khai phóng ý niệm về cuộc sống. Do đó, đến với thơ của Thư nói chung và Sẹo độc lập nói riêng, người đọc cần ném cái nhìn lý trí của mình ra khỏi lối thẩm thơ quen thuộc, nhàm chán đến đau khổ của nửa thế kỷ sáng tạo theo kiểu “tầm chương trích cú” hoặc tụng ca cái “hùng vĩ” của cuộc chiến vệ quốc đến sáo mòn, thì mới hiểu hết ý vị thi ngữ của một người mà đôi mắt lúc nào cũng hắt lên vẻ xa xăm mỗi khi nghĩ về đời và về NGƯỜI..
“Sẹo độc lập” hay vết rạn trên tấm huy chương
“Sẹo độc lập” – tên một bài thơ nhưng cũng là ý niệm về bản chất của sự “khai sinh” (The Birth) xuyên suốt lý trí và suy tư của Thư. Thư xem bất cứ “sự khai sinh” nào cũng là kết quả của “phá hủy” và “đổ nát”, của những vết thương đã ẩn mình trong máu và nước mắt, của ám ảnh, xót thương và sợ hãi. Đó là triết lý của sự kiến tạo và phá hủy. Sự đổ nát bao giờ cũng là chiếc bóng, là phông nền đầy đau khổ, nhấn mình chịu kiếp hủy hoại để cái “kiến tạo” được ra đời trong hả hê, kiêu ngạo, dù biết rằng, nó chẳng bao giờ nhớ và để ý sự hiện hữu của cái “đổ nát” đứng đằng sau mình. Cứ thế “sự khai sinh” đã ra đời trong tập quán vô ơn và bạc tình đối với những “vết sẹo” được tạo ra bởi máu và nước mắt, góp phần kiến tạo môi sinh, lập nên huyền thoại đánh dấu mốc son chói lọi của hòa bình và chiến thắng đầy giả tạo.
Sự khai sinh ban đầu đã lập nên huyền thoại cho riêng nó bằng việc khơi gợi những bài học cách mạng nhằm ca ngợi lòng biết ơn về sự đau thương, về quá trình thai nghén nhiều nước mắt trong cơn giận giữ, biên thiên của lịch để có được sự khởi sinh, khiến những con người đang háo hức chờ ngày nó chào đời hiểu rằng, sự có mặt của “cái khai sinh” ấy ý nghĩa đến nhường nào. Nó gieo vào lòng người sự tụng ca, và niềm tin như một tất yếu về lịch sử rằng, nó ra đời đã khiến họ có được một đời sống mới, có được ước mơ và lòng tự hào mới để tiếp tục ru đời mình bằng sự im lặng của bầy cừu. Càng suy niệm về “sự khai sinh”, tôi lại càng thấy thấm cái ý vị của biểu tượng “sẹo độc lập” mà Thư gieo vào thơ của mình:
“tôi
được độc lập
với mẹ
bằng sợi dây
rốn
cắt đứt cơ thể
vết
sẹo làm người”[1]
Nói về sự khai sinh như một bắt buộc khi sự khai sinh ấy đã đến ngày đoạn tháng và phải chào đời như một thực thể độc lập với nước mắt và máu của NGƯỜI khởi sinh ra nó mà Thư xem như là “được độc lập”, thì hẳn rằng, sự khai sinh này không còn là quy luật tất yếu nữa, mà là một phản đề đối với thói quen thường nghiệm của tư duy con người. Bởi vì, nếu thực đúng như lời Phật dạy: “đời là bể khổ” và sự sinh ra đồng nghĩa với việc vơ cái khổ vào người, thì hẳn rằng, chẳng ai muốn mình “được độc lập” như một sự khởi sinh đau khổ. Thế nhưng loài người luôn tụng ca cái ngày mà cuộc đời mình được khởi sinh như một chiến thắng lẫy lừng của lịch sử, từ lịch sử cá nhân cho đến lịch sử phổ quát của cả dân tộc. Dù rằng, cái khai sinh đã được độc lập, nhưng vết sẹo nối kết nỗi đau hằn trên “cơ thể” nó với máu của người đã khởi sinh ra nó, thì không thể xóa nhòa. Vết sẹo vẫn là chứng nhân cho ngày mà nó được sinh ra trong đau đớn. Sự độc lập khởi phát trong ngày mà “cái tôi” được “khai sinh” thực ra chỉ là thứ vẽ vời có vẻ như kiêu hùng và vĩ đại để hợp thức hóa nỗi đau mà vết sẹo đang rúc rích rủ rê tiếng cười nhạo báng vẻ ngoài đầy hoa mỹ của nó, vốn được che giấu thông qua những huyền thoại về hạnh phúc và lý tưởng, về sự biết ơn đến vô tận. “Sẹo độc lập” đã có lúc quay về phản tư chính sự khai sinh của mình, để khóc cho sự thật “im lặng” hãi hùng:
“Con chim ít hót nhất trong cả dân tộc chim hay hót
làm sao có thể nghe được tiếng mình?”[2]
Bởi vì:
“Một dân tộc ….
…tranh nhau hót
Không thể
…. bay lên
....những tiến hóa
.... lặng im"[3]
Thế đấy, chiếc “sẹo độc lập” Phan Huyền Thư đã phải đau đớn khi nhận ra sự khởi sinh của “tâm hồn” – một vết sẹo không bao giờ lành được: Vết sẹo[4] của sự khác biệt trong một rừng sẹo im lìm. Nhưng thà là vết sẹo khác biệt để réo lên bài ca làm người trong một bầy sẹo, còn hơn là cả bầy sẹo hàng ngày phải sống và rên rỉ những bài học đạo đức, những bài học làm người giả tạo đến nhàm chán như van xin “cái khởi” sinh biết đến, dung dưỡng, vỗ về và an ủi nỗi đau mà mình đang mang vác.
“Một dân tộc chim hay hót...
những con chim đã quên mất giọng hót chính mình
những con chim đã không thể hót giọng hót chính mình
những con chim đã không thể nghe thấy giọng hót loài…
những con chim đã không thể bay bằng tiếng hót
những con chim đã không thể im lặng
những con chim đã...”[5]
Có một dân tộc chim đang say sưa hót trong sự chôi chảy của thời gian, trong sự chảy trôi của không gian, trong sự sự trượt dài của ý thức, trong sự luống cuống của lý trí, trong sự âm u của vô thức và trong sự phụ thuộc đến rùng mình của tâm thức khốn cùng, nhưng bầy chim ấy vẫn hót và hót vang một thứ âm thanh biết ơn và được dạy hót phải biết ơn. Dân tộc chim ấy đã hót vang bằng giọng hót của kẻ khác, hót đuổi theo giọng xướng của con chim đầu đàn. Đến đây, tôi bỗng liên tưởng cái bầy chim đang hót của Thư giống như đám đông cô đơn hành động theo kiểu bầy đàn mà không hiểu tại sao mình hành động được Gustave Le Bon xướng lên từ thuở Tâm lý học đám đông. Khi phân tích tâm lý đám đông, Le Bon đã có một phát hiện cách mạng là: “Ngày nay, những người cầm đầu càng có khuynh hướng thay thế quyền lực công, thì quyền lực công ngày càng bị chất vấn và suy yếu đi. Sự bạo ngược của những ông chủ mới này làm đám đông ngoan ngoãn vâng lời họ hơn cả khi họ đã từng vâng lời chính quyền. Nếu, do một tai biến nào đó, người lãnh đạo biến mất, và không được thay thế tức thời, đám đông lại trở thành một tập thể không cố kết, không sức kháng cự…”[6]. Cùng diễn tả đám đông vô thức luôn làm theo bản năng tập thể, nhưng Le Bon đã phải chứng minh tới hàng trăm trang sách triết học, còn Phan Huyền Thư chỉ vỏn vẹn 27 dòng[7] đã khái quát một cách dễ hiểu và đầy đủ về tâm lý bầy đàn quen thuộc trong lịch sử loài người. Thế mới biết giới hạn của triết lý trước sự vẫy vùng không biên giới về ý nghĩa, như cá gặp nước, như chim dưới trời của thơ ca.
Sống trong đám đông quen tụng ca những lý tưởng xám xịt, thì bản thân mỗi cá nhân trong đám đông ấy không thể có đủ lý trí để nhận ra giới hạn của sự thật và lừa dối. Họ cứ đua theo lý tưởng ấy mà xướng, mà tôn vinh như thể đó là sự thật toàn hảo. Trong cái đám đông tạp chủng muôn mặt ấy có sự phân hóa rõ ràng về mặt giống và chủng nhưng lại chung nhau trong LỐI NGHĨ, trong TUYÊN NGÔN và trong HÀNH ĐỘNG. Muốn hành động đúng và phát ngôn hay thì phải nghĩ đúng và thông, cũng thế, một khi LỐI NGHĨ bị dẫn dắt và bị “cưỡng hiếp về tinh thần” bởi một kẻ đứng đầu xa lạ bên ngoài thì cùng với cách nghĩ bị nô lệ hóa, thì hành động và phát ngôn cũng là hành động, phát ngôn của những kẻ nô lệ. Tuy nhiên, khi LỐI NGHĨ của đám đông vô thức phải phụ thuộc vào sự sai khiến của kẻ khác, thì họ cũng thường dễ trở thành bảo thủ và ảo tưởng. Ảo tưởng vì luôn cho rằng, suy nghĩ của mình là chân lý và những suy nghĩ khác mình đều là phản tiến bộ và hủ hóa, dẫn đến thủ tiêu và phủ nhận những cái nhìn khác. Phan Huyền Thư rất tinh tế và trí tuệ trong khi giải mã bản chất của vô thức đám đông thông qua hình tượng nghệ thuật. Nói rõ ra, “dân tộc chim” kia vốn đã là một quần cư cô đơn ngay từ khởi thủy ý nghĩ về sự khai sinh của mình, và về thế giới quanh mình. Đường sống của dân tộc chim ấy là những “rãnh cày” quen thuộc hằn sâu vào trí tuệ và tư tưởng, suốt đời gieo tập quán tụng ca và để gặt mùa ca tụng. Cứ mỗi khi trong dân tộc chim ấy có tiếng hót lạ, theo nghĩa khác mình, vang lên từ một cá thể chim nào đó, ngay lập tức tiếng hót ấy rơi vào hư không, hẳn rằng, vì nó chưa bao giờ là Ý niệm quen thuộc của bày chim đang hót véo von kia, và đơn giản hơn, các con chim khác trong rừng chim ấy nghĩ rằng tiếng chim ấy đang hót vang cho cả dân tộc chim nghe, nhưng chắc có lẽ “nó trừ mình ra”: “Những con chim đã quên mất giọng hót chính mình/ những con chim đã không thể hót giọng hót chính mình/ những con chim đã không thể nghe thấy giọng hót loài…”. Từ ba câu thơ trên, tôi có một phản đề dành cho Thư rằng, một dân tộc chim không có khả năng truy vấn về sự sinh ra của mình như thế nào, không có ý thức phản tỉnh về cội nguồn sự có mặt của y trong cuộc đời thì làm gì có được ý niệm về “giọng hót chính mình”, để mà đặt ra luận đề logic: “còn hay mất”? Và hiển nhiên rằng, một khi dân tộc chim ấy không có được ý niệm về sự tồn tại của “giọng hót chính mình”, tất yếu nó “không thể hót giọng hót chính mình” và cũng “không thể nghe thấy giọng hót loài”. Mọi sự mất còn, đúng sai chỉ có được và chỉ đáng được đưa ra bàn thảo khi chúng ta xác định được căn nguyên sự khai sinh của nó, nghĩa là nó phải được tồn tại hoặc được hiện diện trong lịch sử, rồi mới có phán xét về nó. Tôi cho rằng, đây là những câu thơ chứa nặng suy tưởng của Thư về tồn tại người, về hiện hữu sống động, và là một trong những câu thơ xứng đáng xếp vào dòng triết thi vốn mờ bóng trên “cái sa mạc” cằn cỗi của thơ ca Việt Nam thời hậu đổi mới.
Người thơ sau khi đã giải mã được bản chất tại sao “con chim ít hót nhất trong cả dân tộc chim hay hót” “có thể nghe được tiếng mình?”, “có thể nghe được tiếng một con chim hay hót ?”, “có thể nghe được tiếng một con chim ít hót khác?”, “có thể nghe tiếng hót khác mình ?” và cuối cùng “làm sao có thể nghe tiếng hót tự mình?, đã chọn thái độ im lặng như một sự khai mở “hố sâu tư tưởng” để trầm tư về cuộc sống và để sống sinh động trong thế giới tinh thần của mình. Căn nguyên, cội rễ trong sự im lặng của người thơ là có thể hiểu được, bởi vì, ngoài sự im lặng của một con chim hiểu ra chân lý tại sao nó phải im lặng, thì bên ngoài nó vẫn còn một bầy chim sau khi hót hả hê mà không hiểu tại sao mình hót đã trở về trong trạng thái im lặng mang tính bầy đàn, một sự im lặng có lẽ cũng vì không hiểu tại sao mình phải im lặng trước tiếng hót “lẫy lừng” vừa được cất lên. Hẳn rằng, nguyên nhân nằm ở đây:
“Đêm nay dưới trăng
xanh xao bầy lạc đà
thồ niềm tin lặng im
qua sa mạc
Bầy ong cặm cụi sâu lòng đất
chưng cất độc thành mật
ngọt như lời hứa
lặng im
…
Bẩy tỉ giấc mơ đang hoài thai
dường như không có giấc mơ nào
muốn được sinh ra
không giấc mơ nào
muốn thành con của kẻ lạ
trong thế giới bầy đàn
lặng im”[8]
Nói đúng ra, “dân tộc chim” kia không hiểu tại sao nó im lặng là vì có những con chim khác ngoài nó hiểu được lý do tại sao nó cần im lặng. Cái hay của “thơ tuyển” là ở chỗ, nó cho phép người đọc có quyền được liên hệ về ý tứ và hình tượng từ bài này qua bài khác, từ khởi sự này qua khởi sự kia. Cái căn cơ này có thể được kết luận như sự nối dài những ý niệm sáng tạo từ khúc ngoặt ngôn từ này đến khúc ngoặt ngôn từ khác, từ xúc cảm xa xôi diệu vợi tới xúc cảm gần gũi thân quen, từ trầm tưởng sâu thẳm tới suy tư trực giác. Thế nên, tôi đọc thơ của Thư không phải là đọc cái ý niệm cá biệt xuất hiện trong mỗi bài, mà là sự liên hệ các ý niệm qua mỗi bài. Do vậy, dân tộc chim kia phải im lặng, vì lẽ, nó đã nhìn thấy lấp ló đâu đó trong tiềm thức về một “bầy lạc đà/ thồ niềm tin lặng im/ qua sa mạc", thấy mờ mờ xa xăm trong vô thức hình hài héo úa của "Bầy ong cặm cụi sâu lòng đất/ chưng cất độc thành mật/ ngọt như lời hứa/ lặng im", còn con chim đang phải lo lắng "làm sao có thể nghe tiếng hót tự mình?” lại ngộ ra rằng, phải xem sự im lặng như một chân lý khốn cùng. Phải chăng, con chim đó đã nghiệm và thấy được trong siêu thức của mình một sự “khổ về trí tuệ”, một “đám cháy lương tâm” đang âm ỉ, rỉ máu trước hiện thực: “Bẩy tỉ giấc mơ đang hoài thai/ dường như không có giấc mơ nào/muốn được sinh ra" ? Thế nên con chim hót tiếng khác loài ấy, thế nên người thơ "khổ về trí tuệ" ấy đành chọn im lặng như một cách thức để phản ứng với đời, phản ứng với dân tộc chim đang ra sức kêu gào cho giọng hót vốn bị "đánh cắp" từ khởi thủy của giọng nơi mình. Im lặng trong trường hợp này là một sự dũng cảm, bởi vì, người thơ không chỉ nhận ra sự thật mà còn cười trên cái sự thật đầy đau xót đó[9], cười lên vết rạn trên "tấm huy chương" của chiếc sẹo độc lập:
“nung chảy hoàng hôn xanh
lửa cồn sắc lạnh
tấm huy chương đặc quánh
nước bọt lấp lánh
vết sần đầu gối quỵ luỵ
đoạ đầy”[10]
"Một bầy im lặng" hay sự nối dài các ý niệm khủng hoảng về tồn tại người.
Ở phần này, tôi không ghì mình vào con đường khổ ải đi tìm nguyên nhân của sự im lặng, mà khai phóng ý niệm im lặng ấy lên các “phận người”, “phận đời” - nơi Thư đã đau và đeo, thồ trong tư tưởng mình đi qua các ngã rẽ khốn cùng của thi ca. Sự im lặng của một người đã biết mình vì sao mình phải im lặng như khoảnh khắc sự thực đã tràn chứa ngôn từ để diễn tả nó, đành nhắm mắt, ngậm môi để nối dài ý thức vào khoảng không tinh thần giác ngộ. Wittgenstein cho rằng: "Những gì không thể nói ra thành lời, là lúc người ta im lặng" ("Wovon man nicht sprechen kann, darüber muss man schweigen"[11]), nhưng có những sự thực mà con người phải im lặng không hẳn là do nó không diễn tả được bằng ngôn từ, mà ngược lại, vì nó là thứ ngôn từ răn đe mang tính phổ quát cho mọi người nên con người phải im lặng để nó chảy trôi trong cách nghĩ, và trong thế giới tinh thần họ. Những ngôn từ thuộc phạm vi luân lý, đạo đức, chính trị…với các biểu hiện của nó như thiện, ác, phản động, cách mạng, tha hóa, nhân tính….dường như là thứ ngôn từ được con người phát ngôn nhiều nhất, song lại ít được chấp nhận trong cách hiểu nhất. Vì vậy, hiểu những phạm trù ngôn ngữ ấy cần được xem như là sự hiểu giản đơn mang tính cá biệt, phần còn lại phía sau của nó thường là sự im lặng đơn độc khi con người khởi sự suy tư sâu về nó.
Cái im lặng mà Thư thể hiện trong cõi thơ của mình, diễn tả đúng bản chất của sự bất mãn với ngôn ngữ. Sự im lặng của Thư là thái độ dám đụng đầu với tiếng hót của cả “dân tộc chim”, song cái dự phần còn lại của cõi im lặng nơi chị lại là một thế giới tinh thần rộng lớn của xót thương và sợ hãi trước đồng loại. Chị sợ hãi cho những con chim khác đang ngủ mê trong tiếng hót điên cuồng, vô nghĩa; chị lo cho nhân phẩm con người đang bị tước bỏ sự tự tin và danh dự từng ngày; chị sợ lương tâm con người một mai sẽ bị hoán đổi thành “lương thực”; chị sợ một ngày nào đó “chân lý” sẽ bị phủ lấp bởi “chân giò”… và còn rất nhiều nỗi lo sợ khác khiến cho người thơ phải im lặng trong nước mắt:
“Nhói,
là khi không thể thuyết minh
về chiếc vé trên chuyến tầu nhân phẩm
ố vàng theo tiêu chuẩn bao cấp
trong tiếng cười khẩy độc ác
của những thằng gác cổng
đeo băng “Bảo vệ” để hò hét
nặc danh đám đông”[12]
Nhân tính con người bị tha hóa không phải vì y sống đời sống vật chất tầm thường, mà là vì y không dám sống trọn con người của mình, không dám hiện sinh như một nhân thể biết yêu thương đồng loại bằng lý trí và tự do, không dám gieo vào thế giới sự nổi loạn (Revolution) chống lại thói đạo đức giả đang thừa mứa trong xã hội. Một ngày nào đó, ngay đến cả sự thuần khiết của trái tim con người với ước mơ được trở về “mái nhà xưa” quen thuộc của điệu ru mẹ hát, trong giấc mộng chưa lớn nổi hình hài, với y cũng là cái gì đó xa vời, lớn lao. Hẳn rằng, cái giấc mơ con ấy đã bị những giấc mơ con khác (nhuốm màu lý tưởng xã hội) đè nát, và hẳn rằng, cái giọng ru bình dị kia đã bị bàn tay vô hình của kẻ nhân danh tiến bộ chặn sâu vào yết hầu, khiến nó ngột ngạt không thể thở được? Và một ngày nào đó, con người sẽ phải ngạc nhiên khi nhận ra rằng, mọi điều bình dị, sơ khai và trong trẻo nhất của cuộc đời y đã bị những kẻ vô hình “nặc danh đám đông” nào đó đánh cắp phũ phàng trong cõi sống phi lý này:
“Kẻ trộm vào nhà.
….
Nghe trộm lời yêu đương
Nhìn trộm mắt đam mê
Và ăn cắp khoảng trời tự do
Kẻ trộm vào nhà
Hay kẻ trộm vào giấc mơ…?
Mọi thứ tưởng như không có gì thay đổi
Chỉ có một điều không thể tìm lại nổi”[13]
Nếu Martin Luther King từng có một giấc mơ cho người da đen trên thế giới được chung sống trong hòa bình và trong sự yêu thương của những người da trắng, thì Thư cũng có một giấc mơ, nhưng một giấc mơ giản đơn hơn: giấc mơ cho con người được tự do sáng tạo, được tự do hiện sinh, là không bị “bầy im lặng” “nặc danh đám đông” dám sát và cải tạo khát khao làm người. Thư có một ước mơ, tôi tin thế, rằng con người, đặc biệt là “bầy im lặng” kia hãy một lần được sống “kiếp con người”, những con chim trong “dân tộc chim” kia hãy một lần được hót “giọng hót chính mình”, một lần được “nghe thấy giọng hót loài”. Cũng như Martin Luther King, để có một giấc mơ cho mình, ông đã phải đổi lấy tính mạng cho sự tự do của người da đen, thì với Thư, tôi nghĩ thế, để có thể hiện thực hóa giấc mơ của mình, chị sẽ phải đánh đổi sự tự do cá nhân cho sự tự do của giấc mơ ấy. Và, sự im lặng của một con người đã thống khổ trước “nỗi đau loài” sẽ còn mang vác sứ mệnh của nó qua nhiều sự đau khổ của tinh thần, là tiếp tục phải chịu kiếp cô đơn “một mình mình biết/ một mình mình hay”. Với tôi, đó không phải là bi kịch của con đường thơ ở Thư, mà là sự chiến thắng của thế giới thơ nơi Thư, một sự chiến thắng của ý thức tự khai sáng mình và khai phóng cho người. “Cái quan định luận”. Khi bản thảo thơ đã nằm trên giá sách, khi người thơ xếp lại giấc mơ của mình trong ký ức, thì khi ấy, hành trình ý thức đi đến cõi người của Thư sẽ được viết tiếp và được nghĩ tiếp. Một giấc mơ như vậy, sẽ được viết tiếp và được “mơ tiếp” bởi nhiều giấc mơ khác bên ngoài đang thao thức, khát khao được làm người và chỉ dành cho những ai khát khao làm người. Dù rằng:
“Cũng có thể,
khi chăn bò người nói với chúng bí mật về "sách"
nơi che giấu những dị hợm và ngộ nhận
một con bò nhạy cảm
có thể hiểu sự sạch sẽ của cỏ
không nên bị tiêu hoá bình quân.
Cũng có thể,
người đã cười vang
khi nhận ra cú chơi khăm của danh vọng
sự đểu giả trí thức
sự tráo trở nhân cách
sự hiền triết lặng im"[14]
Thế đấy, tôi đã đến với thơ của Thư như một lữ khách đau khổ, và khát khao giải đáp vì sao mình đau khổ. Dù biết rằng, sự đau khổ của người thơ sẽ chẳng bao giờ chấm dứt trong cõi đời nhiều giả dối, trái ngang này, thế nhưng tôi vẫn khát khao một lần được lạc lối vào cõi thơ đầy nước mắt của Thư để mong một lần được “hót giọng chính mình”. Có thể tôi không chịu sống kiếp đời im lặng như “bầy im lặng” ngoài kia, và cũng có thể tôi không chịu hót tiếng đồng loại của “dân tộc chim” đang hả hê véo von giọng điệu vô cảm trên kia, song chí ít, tôi được “hót giọng riêng mình”, được thấm cái nỗi đau vì sao cần phải im lặng. Có thể Thư sẽ phải tiếp tục đau và rơi lệ trước thế sinh khổ ải ngoài kia, nhưng đổi lại, chị “được” gieo vào thế giới ấy ý thức làm người đầy kiêu hãnh của mình. Với tôi, làm được như vậy là Thư đã thành công trong cuộc cải hoán thế nhân nhiều chông gai này. Còn thơ của Thư, có thể sẽ rất khó để “bầy im lặng” kia hiểu ra sự im lặng của mình, và để “dân tộc chim” kia nhận ra vì sao mình cần phải hót giọng hót “loài”, nhưng chí ít nó cũng đã hoàn thành sứ mệnh là được nghe “giọng hót chính mình” của người thơ.
* Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[1] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội nhà văn, Sđd: “Sẹo độc lập”.
[2] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Hội nhà văn, Sđd: “Hót”.
[3] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Hội nhà văn, Sđd: “Hót”.
[4] Vết sẹo mà chúng tôi dùng trong trường hợp này như một biểu tượng của nỗi đau, vì vậy, nó có ý nghĩa phổ quát và biểu trưng cho một phạm vi nghĩa rộng, mà không gói gọn trong nghĩa đen hay trong một bài thơ cụ thể nào đó của Phan Huyền Thư.
[5] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Hội nhà văn, Sđd: “Hót”.
[6] Gustave Le Bon (2009), Tâm lý học đám đông, NXB Tri thức, Hà Nội, tr. 183.
[7] Xin xem: Phan Huyền Thư 2014). Sẹo độc lập. Hội nhà văn, Sđd: “Hót”.
[8] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội nhà văn, Sđd: “Một bầy lặng im”.
[9] Nếu nói như Nietzsche: “Trong tinh thần tôi, tôi lại có – ai ngờ? – có lẽ cũng có cả trong cơ thể - cái chất khinh khoái hăng hái mạnh khỏe của Montaigne, năng khiếu cảm nhận của con người nghệ sĩ trong tôi đã bào chữa bênh vực những tên tuổi của Molière, Corneille và Racine, bênh vực, không tránh được thịnh nộ chống lại thiên tài man dại như Shakespeare – tất cả những điều ấy không phải khiến tôi bớt nhận thấy rằng ngay cả đối với những tác giả Pháp gần đây nhất tôi vẫn cảm thấy họ hấp dẫn khi sống chung với tập thể họ. Tôi không thấy có thế kỷ nào ở quá khứ mà mình có thể vớt lên được bao nhiêu nhà tâm lý vừa thẩm thấu vừa tế nhị như ở Paris hiện nay…Có ai hiểu được Hamlet không? không phải sự nghi ngờ mà chính điều chắc chắn xác thực đã xô đẩy người ta đến chỗ điên loạn. Nhưng mình phải là sâu thẳm, phải là một hố thẳm, một triết gia thì mới cảm được như vậy. Tất cả chúng ta đều sợ sự thật” (Nietzsche, F (1970), Tôi là ai?, NXB Phạm Hoàng, Sài Gòn, tr. 102 – 108 -109), thì dám im lặng và cười cho sự im lặng của mình được xem là một thái độ dũng cảm, là tinh thần lửa nơi Prometheus.
[10] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội nhà văn, Sđd: “Thiền”.
[11] L. Wittgenstein.Tractatus, 7.
[12] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội nhà văn, Sđd: “Nocturne”.
[13] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội nhà văn, Sđd: “Kẻ trộm”.
[14] Phan Huyền Thư (2014). Sẹo độc lập. Nxb Hội nhà văn, Sđd: “Ghi trong sổ tang nhà thơ Lê Đạt”.
VanVN.Net – Ngày 15/5/2014, tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội), Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội ...
VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...
VanVN.Net – Sáng 26/5/2014, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), lễ ra mắt Trung tâm dịch văn học Việt Nam đã được tổ chức trọng thể. Đến dự buổi ...
Tiêu đề
Viết bình luận của bạn