Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Thơ Nguyễn Quang Thiều

Bùi Công Thuấn - 29-04-2014 09:14:27 AM

“Ta vẽ mắt nhân loại hình lục giác”*                                                                                                                                                           (Nguyễn Quang Thiều)

 

Đọc cảm tính:

Đọc một mạch hơn 140 bài thơ của Nguyễn Quang Thiều (NQT), tôi lâm vào trạng thái như người bị stress. Cái đầu nặng như chì, âm âm u u. Cứ đọc vài bài, tôi lại phải đứng lên, vuốt mặt, hít thở nhiều lần, để mạch máu não đừng trương nở quá mức. Tôi chìm vào trạng thái chao đảo, không biết là tỉnh hay mê. Khi thì bị bật tung lên thinh không chói lòa ánh sáng với thiên thần bay lượn, khi lại rơi xuống vực thẳm không cùng, sống chung với hồn những người chết trở về, lúc lại lạc vào vườn cây, tung tăng với lũ trẻ chơi đùa, lúc lại ngồi nhìn đàn kiến bò, hay chịu đựng cho đàn kiến cắn vào mình. Bóng tối, ánh sáng, giông bão, đâm chém, nhà tù, nhà tù, cái chết thối rữa và nỗi ám ảnh của cái chết từng làm chúng ta sợ hãi … Tôi như ” ai đó vẫn lần mò trong căn phòng nặng nề bóng tối /để kiếm tìm tiếng hót từ con chim sặc sỡ nhồi bông”(NQT)

 

Đọc không cảm tính:

1. Hành trình nghệ thuật thơ Nguyễn Quang Thiều

Nhiều tham luận và ý kiến đã được trình bày trong Hội thảo khoa học: "Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều", tôi xin không nhắc lại. Tôi chỉ trình bày góc nhìn chủ quan của mình.

NQT đi từ thơ truyền thống sang kiểu thơ Lãng Mạn rồi thơ suy tưởng và sau cùng là thơ Siêu Thực. Tiến trình này Thơ Mới đã hoàn tất trong giai đoạn 1930-1945. Sau đó nhiều nhà thơ đã nỗ lực cách tân thơ Việt. Thanh Tâm Tuyền đã làm thơ theo dòng ý thức của văn chương Hiện Sinh, Phạm Thiên Thư đã làm thơ Thiền, Lê Đạt làm thơ “bóng chữ”, Trần Dần cũng đã làm thơ có bè nền sử dụng nhiều từ rỗng, Hoàng Cầm tiếp tục khai phá thơ Siêu Thực, và Chế Lan Viên đã đạt đến đỉnh cao của thơ suy tưởng. Nếu cần nói thơ NQT góp phần cách tân thơ Việt thì phải xét ở bình diện khác. Thơ NQT khó hiểu vì đa phần thơ NQT là thơ Siêu Thực.

Bạn đọc có thể dõi theo tiến trình thơ NQT qua 4 bài : Bây Giờ Đang Cuối Mùa Đông (Thơ Lục Bát dân dã), Đôi Bờ (Kiểu thi pháp thơ Lãng Mạn), Thay Lời Cầu Nguyện (Thơ suy tưởng kiểu Chế Lan Viên), Linh Hồn Những Con Bò (Thi pháp siêu thực)

 

2. “Bẻ khóa” thơ Nguyễn Quang Thiều

Thơ NQT chỉ có một giọng là giọng buồn, giọng kể chuyện tự tình. Mỗi bài thơ là một truyện ngắn, được kể không có khởi đầu không kết thúc. Có khi tác giả trực tiếp kể, có khi hóa thân vào nhân vật để kể, và hầu hết những câu chuyện ấy là những dụ ngôn, những ẩn dụ, tìm kiếm tư tưởng. Thơ NQT là thơ tư tưởng.

Cái hay trong thơ của NQT là cái hay của truyện được kể, không phải ở câu chữ hay thủ pháp so sánh, liên tưởng trùng trùng điệp điệp làm rối trí người đọc. Giá trị thơ NQT là ở phần tư tưởng anh khám phá và cách anh thể hiện, không phải ở giá trị phản ánh hiện thực. Nhiều người đã ngộ nhận về đặc điểm thi pháp này của thơ NQT. Đọc thơ NQT là đọc truyện tư tưởng. Cách tân của NQT là ở đặc điểm này. Nếu sa vào câu chữ, sa vào các liên tưởng siêu thực, sa vào các thủ pháp của NQT, người đọc sẽ sa vào mê trận chữ và lạc mất lối ra. Bởi thơ Siêu Thực sử dụng những yếu tố hoang tưởng, phủ định triệt để tính logic của nhận thức lý tính.

Xin đọc:

BẦY CỪU

Như những đám mây nhỏ trôi trên những triền đồi từ ban mai đến đêm tối 
Những con cừu vùng Achill không hề than thở về số phận của chúng 
Không đau khổ, không tuyệt vọng, chỉ im lặng thực hiện sứ mệnh vô thức 
Đi từ chân đồi lên đỉnh đồi trong gió lạnh không bao giờ ngừng thổi trên vùng đảo. 
Đi và đi, thi thoảng kêu lên, chợt nhớ điều gì đó 
Tiếng buồn bã tan trong sóng biển vỗ chân đồi 

Vào lúc ban mai thêm một con cừu trong đàn biến mất 
Những mảnh thân xác tản mát đâu đó 
Những con cừu khác lại im lặng tiếp tục thực hiện sứ mệnh của chúng 
đi từ chân đồi lên đỉnh đồi, 
                  những ngọn đồi… 
                                        những ngọn đồi… 
                                                              những ngọn đồi… 
                                                                                         bất tận.

NQT kể chuyện đàn cừu ở Achill.

Cốt truyện đơn giản : Những con cừu vùng Achill im lặng đi từ chân đồi lên đỉnh đồi, thi thoảng kêu lên. Mỗi ngày lại mất một con. Các con khác vẫn im lặng tiếp tục…

Nếu bỏ đi phần cốt truyện, bài thơ còn lại là những suy tư, võ đoán của tác giả: Những con cừu không hề than thở, chúng thực hiện sứ mệnh, kêu lên tiếng buồn bã. Tác giả nhận ra mỗi ban mai lại mất một con và nghĩ rằng thân xác cừu tản mát đâu đó. Cái tiến trình ấy là không đảo ngược, bất tận

Bỏ nội dung trực tiếp kể chuyện đàn cừu đi, người đọc nhận ra NQT suy tư về Hiện Sinh. Tồn tại là tồn tại quy tử. Sống là đi về cái chết, không cưỡng lại được, như mỗi ngày lại mất một con cừu (bị người ta làm thịt). Nỗi buồn đọng rất sâu về lẽ tử sinh. Chuyện đàn cửu chỉ là cái vỏ để chuyển tải tư tưởng.

NQT có rất nhiều bài thể hiện suy tư Hiện Sinh. Đọc những bài thơ như thế, bất giác tôi nghĩ đến những câu chuyện của Kafka., tôi cũng thử so sánh kỹ thuật viết “dòng ý thức” của văn chương Hiện Sinh trong thơ thơ NQT với Tĩnh Vật của Thanh Tâm Tuyền (TTT).Tôi nhận ra NQT chưa vượt qua được người đi trước.

Xin đọc truyện của Kafka:

Một ngụ ngôn nho nhỏ-F.Kafka

Chao ôi!” Con chuột than, “mỗi ngày cái thế giới này lại trở nên bé nhỏ hơn. Ban đầu nó rộng lớn đến nỗi tôi cảm thấy e sợ, tôi cứ chạy mãi, chạy mãi và mừng làm sao khi cuối cùng tôi cũng đã thấy những bức tường hiện ra xa xa phía bên phải và bên trái, thế nhưng những bức tường dài này lại co hẹp nhanh đến độ rốt cuộc tôi đã ở trong căn phòng cuối cùng mất rồi, và ở góc phòng có một cái bẫy chuột mà tôi phải đâm đầu vào đó”. “Mày chỉ cần đổi hướng là được thôi mà”, con mèo nói rồi xơi tái con chuột.”

Câu chuyện này chỉ cần ngắt câu xuống dòng, thêm thắt vào vài hình ảnh sa sánh liên tưởng, là thành bài thơ kiểu NQT. Kafka chỉ ra rằng, cái tất yếu con chuột là phải chết, không thể khác được, đổi hướng cũng là chết (Hiện sinh quy tử). Chiều sâu của Kafka là sự tố cáo kẻ chỉ đường (con mèo) chính là kẻ bất nhân. Kỹ thuật viết của Kafka là nhập thân vào nhân vật con chuột và con mèo, để nhận thức, để lên tiếng nói. Câu chuyện là một ẩn dụ. Để hiểu điều Kafka muốn nói, người đọc phải giải mã ẩn dụ, không sa vào nội dung câu chuyện, hay lạc trong các chi tiết, thủ pháp, ngôn ngữ, bởi đó chỉ là giả định.

Thơ NQT cũng cần được đọc như thế.

Về tư tưởng, tôi còn nhận ra NQTcó cảm thức quy hướng về Thượng Đế như trong Thơ Dâng của R. Tagore. Hay nói cách khác, NQT suy tư về hiện thực bằng tư tưởng Hiện Sinh và ông bế tắc. Ông tìm thấy sự thăng hoa trong tôn giáo, mà R.Tagore đã mở lối. Hơn ai hết R. Tagore đã viết những lời ngợi ca tuyệt hay về Người (Thượng đế). Ánh sáng tư tưởng ấy của R.Tagore lấp lánh trong thơ Nguyễn Quang Thiều.

Xin đọc Thơ Dâng của R. Tagore (đoạn I và 12) và so sánh với thơ NQT

Dưới Cái Cây Ánh Sáng

(NQT-trích đọan 2)

“Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ 
Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận 
Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này …


Người đã cho con ngôn từ để con cất lên trong cả những câu thơ chưa kịp làm lễ đặt tên đã biến mất 


Con đã sinh ra trên thế gian này con đã uống sữa thơm và mật ngọt của người 
Tuổi thơ con đã từng được những thiên thần của Người dắt chạy trên cánh đồng lộng lẫy của thế gian 
Con đã cười vang, tiếng cười trong như ban mai khi chơi trò đuổi bắt cùng những thiên thần của Người 


Con đã từng nằm trong vòng tay ấm như hơi lửa để các thiên thần dắt con vào cơn mơ và kể cho con câu 

Con đã ngước lên cao trong sáng và tinh khiết và mặt con ngập tràn ánh sáng trong những đêm tối thế gian 


Rồi con lớn lên, các thiên thần không còn dắt tay con, con phải tự bước đi trên con đường thế gian đơn độc, buồn bã, khổ đau và quỉ dữ bám mãi theo con

 
Con đã đến nơi ấy xa xôi
trong một chiều không định trước, nơi ô cửa ngàn năm trên một tháng đường hoang phế vẫn toả sáng ánh mắt của Người 


Giờ con nhận ra chính trong bóng tối quá nặng nề nơi con lại ngập tràn ánh sáng của Người …”

 

Có rất nhiều hình ảnh, tứ thơ, ý tưởng của R.Tagore trong thơ NQT, chẳng hạn, về sự ra đi, một cuộc hành trình trong ruổi qua bao thế giới, cuối cùng trở về với miền sâu thẳm bên trong, ý niệm về thời gian (Bàn Tay Của Thời Gian), hình ảnh đồi núi, ban mai, tinh tú, giấc mơ và đặc biệt là ánh sáng cứu rỗi…

 

Như vậy để hiểu NQT, bạn đọc cần đọc Kafka, đọc Tagore và cả Thiền nữa (Lễ Tạ). Ở góc nhìn này, bạn đọc sẽ thấy đâu là sáng tạo của NQT. Lễ Tạ là một bài thơ có khí vị Thiền rất hay.

 

LỄ TẠ

“.   .   .   .   .   .   .   .   .   .   .   .
Ngẩng mặt một vầng mây đỏ 
Nỗ vang tiếng sấm của trời 
Cúi đầu một miền cỏ trắng 
Nở xoè bên cõi sen tươi 

Ra đi từ hồ nước cũ 
Con đường 
        Con đường 
                 Con đường.”

 

3. Những điều băn khoăn

Tôi đã dõi theo những ý kiến trao đổi về thơ NQT, tất cả đều khẳng định  NQT là nhà thơ cách tân thơ Việt, nhưng tôi lại không tìm thấy những ý kiến xác lập xem đâu là giá trị của thơ NQT. Phải chăng giá trị thơ NQT là ở sự cách tân.

Người ta đánh giá cao tập thơ Sự Mất Ngủ Của Lửa và chọn bài thơ Những Người Đàn Bà Gánh Nước Sông như là bài thơ hay nhất của NQT. Điều này có lý của nó, bởi đa số những bài thơ trong tập thơ này dễ đọc, đề cập đến những cảnh những người gần gũi và thắm thiến những tình cảm quê hương, tình gia đình (với cha, mẹ, con gái) với dòng sông Đáy, làng Chùa, với những người đàn bà lam lũ…và cả những cảnh xô bồ thực tại. Nó mang đến một cái nhìn mới lạ và chứa định những tình cảm giàu phẩm chất nhân văn.

Tuy vậy, ở những tập thơ mà phần thơ Siêu thực, thơ tư tưởng lá chính, thì đâu là giá trị của thơ NQT.

Trước hết nhiều bài thơ có những liên tưởng đứt đọan khiến người đọc không thể lần ra được manh mối điều NQT suy nghĩ. Nhiều hình ảnh so sánh liên tưởng chỉ để làm dáng câu chữ, làm rập rạp phân tán câu chuyện, không thực sự biểu hiện tư tưởng. Nhưng điều làm cho thơ NQT thiếu sự sống trong những bài thơ suy tưởng Siêu Thực ấy là sự vắng bóng đời sống hiện thực và thái độ tích cực của tác giả. Khi thơ chỉ là những ẩn dụ không thực, né tránh sự đối mặt với hiện thực, hẳn nhiên những bài thơ ấy không đem đến cho độc giả một giá trị nào cả. Thí dụ bài : Linh Hồn Những Con Bò(2). Chẳng ai mất thì giờ, căng đầu để giải mã những hình ảnh ẩn dụ khi không thể liên tưởng được với hiện thực Việt Nam. Đàn bò bóng tối, đi hết đường cày cuối, tan vào ánh sáng ban mainhững đám mây phiên bản của đàn bò là gì? Suy nghĩ thực của nhà thơ về hiện thực Việt Nam là gì? Khi thơ không thể hiểu thì khó đọng lại được trong lòng người đọc!

 

4. Nỗi sợ hãi, bóng tối và ánh sáng

Ra đi... đó là ánh sáng / Dựng lên tất cả những cái thây của bóng tối đầm đìa “.

…”Bóng tối phủ lên người tấm vải đen, người vẫn không thức dậy 
Phải chăng chính nọc độc của kẻ trong cuộc đã tìm cách giải thoát cả hai 
khỏi sự trống rỗng, dối lừa từng nhân danh những điều huyền diệu
.”

                                        (Người Thổi Kèn Rắn-Gửi một nhà thơ)

 

Đâu đấy ánh sáng không bao giờ tắt trong cả những đêm 
và sự chuyển động mỗi lúc một mãnh liệt trong cái kén bất động 
Rồi đột ngột xuất hiện, trong sự chờ đợi của đất đai, của cây cỏ và bầu trời, 
một sự sống diệu kỳ với vẻ đẹp mong manh 

                        (sự chuyển động của cái đẹp)

 

Trong thơ NQT, “bóng tối” là một ý niệm xuyên suốt hành trình sáng tạo, như một ám ảnh sợ hãi, như một ẩn dụ chứa đựng nhiều ý tưởng của NQT. “Bóng tối” luôn đi với đêm và nỗi sợ hãi. Nhưng “bóng tối” ấy là gì.

Có thể là bóng tối hiện thực Việt Nam (Một Bài Thơ Viết Ở Hà Nội, Những Ngôi sao đổi Ngôi, à Nộ, Buồn Hơn Cái Chết, Bữa Tiệc Trong Bóng Tối,..).

Bóng tối là quãng đời thăng trầm, lưu lạc nghèo khó của tác giả?

Sau nửa đời mộng du và sợ hãi trên con đường phủ đầy bóng tối

Giờ con đến bến bờ cuối cùng của thế gian đau khổ” 

(Thánh Ca Nhỏ)

 

“Bóng tối” là ý niệm hiện sinh về cái chết ?

           nỗi ám ảnh của cái chết từng làm chúng ta sợ hãi 

                               (Những con quạ thành phố Karachi).

 

Nhưng rõ nhất là “bóng tối” mang cảm thức tôn giáo. Thực ra đây là tư tưởng, sự khám phá tư tưởng, trải nghiệm tư tưởng Nhân Văn trong Tân Ước về con đường đau khổ và Phục Sinh. Đây không phải niềm tin tôn giáo như có người ngộ nhận. Điều này không mới, bởi Nikos Kazantzakis (1883-1957) đã từng khám phá tư tưởng này trong Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Chúa (The Last Temptation of Christ) (1951) và R.Tagore (1861-1941) đã thi hóa trong Lời Dâng (Gitanjadi), nhưng ở Việt Nam, thì sự khám phá tư tưởng nhân văn trong Tân Ước là điều thật mới mẻ và táo bạo. Có người đã nhận xét thơ NQT phương Tây hơn phương Đông chính là ở đặc điểm tư tưởng này.

Tân Ước nói đến bóng tối tội lỗi, sự chết, tương phản với ánh sáng của Ơn Cứu Độ. Đức Giêsu nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”.. “ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng…”(Ga. 8.12 và 3.19).

 

“Bóng tối” là tội lỗi, sự chết. Sợ hãi bóng tối là sợ hãi tội lỗi mà con người đã gây ra  đầy mặt đất, sợ hãi nỗi thống khổ phải tự mình vác lấy thập tự, tự mình đóng đi và treo lên. Chính đức Giêsu trong giờ phút cầu nguyện tại vườn ôliu trước lúc bị người Do Thái bắt đóng đinh, Người cũng đã xao xuyến và sợ hãi trong nỗi cô độc đến cùng cực. Luca thuật lại: Rồi Người đi cách các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha". Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (luc.22.41-44). Tôi nghĩ rằng con người trần gian không biết có ai đã trải nghiệm hiện sinh đến tận cùng thân phận làm người như Giêsu?

 

NQT đã khám phá tư tưởng ấy của Tân Ước

Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ 
Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận 
Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này 
…”(Cây Ánh Sáng-đoạn 2)

 

Có thể coi Cây Ánh sáng là một khúc ca hay nhất của thơ NQT, một khúc ca hùng vĩ tư tưởng nhân văn của Tân Ước về Hiện sinh.

 

“Con đã ngước lên cao trong sáng và tinh khiết và mặt con ngập tràn ánh sáng trong những đêm tối thế gian

 
Rồi con lớn lên, các thiên thần không còn dắt tay con, con phải tự bước đi trên con đường thế gian đơn độc, buồn bã, khổ đau và quỉ dữ bám mãi theo con …


…Hãy để những giọt máu chảy từ hai bàn tay bị đóng đinh của Người rửa sạch tâm hồn con 
Để ánh sáng của Người xua tan trong lòng con bóng tối của kiếp sợ, của tội lỗi, của tuyệt vọng “

 

5. Cách tân có phải là giá trị của thơ ca?

Trong thơ NQT có bóng dáng của Kafka, R.Tagore, Thanh Tâm Tuyền, Chế Lan Viên, và hồn cốt thơ truyền thống, thơ Lãng Mạn… NQT góp phần cách tân ở thủ pháp ngôn từ. Đó là kiểu thơ kể chuyện, thơ văn xuôi, thơ suy tưởng, dùng nhiều so sánh trực tiếp, nhiều liên tưởng ngắt quãng, sử dụng một vài thủ pháp của Tượng Trưng và Siêu thực. Nói NQT cách tân là NQT đã thoát hẳn chủ nghĩa Hiện Thực XHCN của thơ 45-75, thoát hẳn kiểu thơ thời kháng chiến chống Mỹ, kể người kể việc, với giọng thơ điệu nói bỗ bã, cho ra vẻ quần chúng. NQT đem vào thơ yếu tố tư tưởng, hình thành kiểu thơ tư tưởng mà trước đó thơ miền Bắc XHCN chưa có. Ở miền Nam (54-75) Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng đã làm kiểu thơ này. Cái mới của NQT là kết hợp thi ca với kiểu truyện tư tưởng của Kafka.

Thơ NQT có nhiều bài hay (tùy theo góc nhìn, cách cảm thụ). Những bài thơ Lục Bát của NQT rất có duyên và có thể tiếp nối lục bát Nguyễn Bính. Tôi đặc biệt thích bài thơ Lễ Tạ ở cái khí vị thơ Thiền mà hiện nay khá hiếm. Những bài thơ tư tưởng của NQT đôi khi cũng lóe lên những ánh sáng riêng có thể ghi được dấu ấn của NQT (Dưới Cái Cây Ánh Sáng, Bầy Cừu, Bầy Trẻ Di Cư, Chiếc Gương, Gửi Một Ông Vua, Lịch Sử Tấm Thảm Thổ Nhĩ Kỳ, Một Bài Thơ Viết Ở Hà Nội, Thánh Ca Nhỏ, Hồi Tưởng Tháng Ba, Hồi Tưởng Tháng Bảy, Thanh Minh, Bầy Chó Của Tôi, Khúc cảm V,  Thư của một nhà thơ Việt thế kỷ 21 gửi những nhà thơ đời Đường…). Điều có thể nhận thấy rõ là NQT là một nhà thơ có tài, sức sáng tạo của anh thật mạnh mẽ. Ẩn rất sâu bên dưới những câu chuyện ẩn dụ Siêu Thực, nhập nhòa bóng tối và chói lòa ánh sáng, là một tấm lòng yêu thương nhân hậu của một nhà thơ rất đỗi hiền lành và sâu sắc.

 

Con đã đến trong tiếng gọi của Người. 
Sau nửa đời mộng du và sợ hãi trên con đường phủ đầy bóng tối. 
Giờ con đến bến bờ cuối cùng của thế gian đau khổ 
và ánh sáng của Người tràn ngập trong con. 
                                    (Thánh Ca Nhỏ)

Tháng 7. 2012

_____________________________________

 

1. Đây là bài rút gọn. Xin đọc bài đầy đủ trên Văn Chương Việt:

 http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18902

2. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết :” Bài thơ Linh hồn những con bò là bài thơ đã được đánh giá rất cao ở các nước mà nó xuất hiện. Nó được chọn là 1 trong những bài thơ xuất sắc trong tuyển thơ thế giới do những nhà xuất bản uy tin nhất của nước Anh tuyển chọn. Có thể nó là một cái gì đó đáng giá với cách nhìn của những con mắt khác. Âu đó cũng là lẽ thường tình phải không anh. Nhưng mọi điều chúng ta viết, chúng ta làm đã là của quá khứ rồi. Ngày mai sẽ đến với những câu chuyện khác. Cám ơn anh đã viết một cách kỹ lưỡng và vô cùng nghiêm túc.Kính. NQThieu”(Email của NQT)

 

 



 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...