IOXIF BORDSKI VÀ KHÚC HÁT CON THIÊN NGA
"Con thiên nga" ấy đã cất lên những lời ca tuyệt vời và ẩn chứa nỗi tuyệt vọng từ năm 20 tuổi, những bài thơ của một thiên tài khá hiếm hoi trong thế giới hiện đại. Vâng, mặc dù với hình thức thơ hiện đại, thơ Brodski vẫn mang trọn dáng và hồn của một nước Nga cổ, với bao yêu thương, dằn vặt, mâu thuẫn ánh lên trong cái nhìn lần cuối, và lại lần cuối, cho tới khi ông thực sự trở thành một đám mây "trôi qua và mất hút" vào cõi vô tận, năm 1996, năm ông vừa tròn 56 tuổi. Vượt qua những bất công, những hắt hủi, thơ Brodski vẫn là cây bạch dương muôn đời của nước Nga, dù những khi cây bạch dương ấy phải sống ở một chung cư tại New York, thì không khí Nga, tâm hồn Nga, ngôn ngữ Nga vẫn nuôi nó sống. Được giải thưởng Nobel về thơ năm 47 tuổi, một tuổi khá trẻ với giải thưởng này, Brodski mãi mãi là một đứa trẻ, một đứa trẻ bằng thơ ca của mình góp phần cứu chuộc thế giới, đúng như truyền thống vĩ đại của văn học Nga, của Dostoievski và Tolstoi...
Mây trôi qua
Anh nghe chăng, anh nghe chăng trong rừng thưa tiếng hát trẻ con
những giọng ngân nga trên vòm cây loáng bạc
rồi thất lạc trong khoảng không hoàng hôn, rồi lịm tắt
trong khoảng không hoàng hôn bầu trời biến mất?
Những sợi mưa lấp lánh đan dệt giữa vòm cây
rì rào thì thào trong cỏ trắng
Anh nghe chăng những giọng ca, anh thấy chăng những mái tóc cài lược
đỏ
những bàn tay bé nhỏ mở về phía lá ướt?
"Mây trôi qua, mây trôi qua và mất hút..."
thế là trẻ con hát măi, những nhánh cây đen rì rầm
những giọng ca vút lên giữa vòm lá, giữa những thân cây mờ tối
trong khoảng hoàng hôn không ấp iu, không trở lại
Chỉ có những chiếc lá ẩm bay trên đầu ngọn gió, táo tác từ cánh rừng
bay đi, tựa như nghe xa lắc tiếng gọi nào của mùa thu
"Mây trôi qua..." ấy là trẻ con hát về đêm sâu hút
từ cỏ đến ngọn cây tất cả là nhịp đập, tất cả là rung động giọng ca
Mây trôi qua, ấy là đời trôi qua, trôi khuất
Hãy quyến luyến, hãy quấn quýt, đó là cái chết chúng ta mang trong mình
giữa những nhánh cành đen mây với giọng ca với tình yêu...
"Mây trôi qua..." - ấy là trẻ con hát về tất cả
Anh nghe chăng, anh nghe chăng trong rừng thưa tiếng hát trẻ con
lấp lánh những sợi mưa quyện vào giọng ca ngân vút
bên những ngọn cây thấp, trong hoàng hôn mới sinh, trong khoảnh khắc
anh thấy chăng một lần nữa, một lần nữa bầu trời kiệt sức?
Mây trôi qua, trôi qua, trôi qua trên cánh rừng
đâu đó nước chảy nhanh, chỉ có khóc và hát, dọc theo bờ dậu mùa thu
tất cả nức nở và nức nở, tất cả nhìn từ tít tắp cao, đứa trẻ của đêm
tất cả nhìn từ cao xanh, chỉ có khóc và hát, và chưa hề quen mất mát
Đâu đó nước cuốn nhanh, dọc theo bờ dậu mùa thu, dọc hàng cây sẫm tối
qua tiếng hát những hoàng hôn mới, chỉ có khóc và hát, chỉ có những chiếc lá từ khước
Một cái gì cao hơn chúng ta. Một cái gì cao hơn chúng ta đang trôi qua và mất hút
chỉ có khóc và hát, chỉ có khóc và hát, chỉ có sống
1961
Kỷ niệm về người cha ở Úc
Người sống lại, lìa xa con, và lưu lạc
sang Úc. Giọng nói ba lần vang vọng
lẩm bẩm than van về khí hậu
và giấy dán tường: chán quá, chẳng làm sao thuê được căn phòng
không phải ở trung tâm, mà gần biển
tầng ba không thang máy, may có bồn tắm
chân sưng phồng, "Nhưng cha bỏ quên đôi dép"
giọng cha vang rõ ràng, thông thuộc
và thình lình rít trong ống nghe "Adelaida! Adelaida!"
giọng ấy ầm lên ở ngay cửa sổ
đập vào vách nhà con, dễ làm bật tung khóa
Dù sao, thế vẫn tốt hơn là tàn tro êm dịu
của lò thiêu xác ngân hàng, và tiền ký quỹ
cái giọng ngắt cụt này, cái độc thoại
và cả lối thử giả vờ xa lạ
lần đầu từ dạo ấy, cứ như cha đã quay đầu ngọn khói
1989
Một trăm năm Anna Akhmatova[1]
Trang viết và ngọn lửa, hạt giống và cối xay
mũi mác nhọn và mái tóc cắt cụt
Chúa gìn giữ hết, đặc biệt-là lời
tha thứ và yêu thương, như giọng nói riêng của mình
Trong lời ấy đập dồn mạch máu rách bươm, tiếng xương kêu răng rắc
và tiếng thuổng lạt sạt, đều đều khô lạnh
bởi cuộc đời-là nhất thể, từ những cái miệng chết
những lời ấy vang lên rành mạch
hơn là từ những nắm bông gòn
Tâm hồn vĩ đại, cúi chào qua biển cả
qua những gì che phủ nó,-Người và phần tan rữa
ngủ yên trong lòng đất mẹ, nhờ có Người
mà Vũ trụ câm điếc này tìm được lời như quà tặng
1989
Son-nê
Tháng giêng đi qua những bức tường nhà ngục
và tôi nghe tiếng hát những người tù
vang lên suốt dãy xà lim
"Một người anh em của chúng ta được tự do rồi"
Anh lại nghe tiếng hát những người tù
và tiếng bước chân người cai tù câm lặng
anh lại tự hát, hát trong im lìm:
"Thôi từ giã nhé, tháng giêng"
quay mặt áp vào ô cửa
anh lại uống tràn cổ họng không khí ấm lành
còn tôi vẫn lê bước trầm ngâm
dọc hành lang qua liên miên thẩm vấn
trong đất nước xa xưa này, không còn năm tháng
không tháng giêng, không tháng hai, không tháng ba
1962
Văn chương
Những ngôn từ lặng lẽ bủa vây tôi
giống những cái đầu người lạ,
những ngôn từ
những ngôn từ đói lả, những ngôn từ trần truồng
những ngôn từ chủ yếu, những ngôn từ ngấm ngầm
những ngôn từ không bệ vệ. Những ngôn từ-giản đơn
những ngôn từ,
sống trong nhà hầm
nói-trong nhà hầm, đẻ-trong nhà hầm
dưới dăm ba tầng gác
của chủ nghĩa lạc quan thế giới
Mỗi sáng
họ đi làm
trộn vữa hồ, vác đá
rồi, khi xây thành phố
họ không xây thành phố
mà dựng một tượng đài
cho nỗi cô đơn
Và, khi lìa bỏ,
như lạc vào ký ức người khác
khi đếm bước đều đều
từ chữ đến chữ
bằng cả xác thân mình
bằng những nhịp ba
những ngôn từ
đã một lần
leo tới
Golgotha[2]
Và bầu trời trên đầu họ
như cánh chim trên nghĩa trang
và, giống khi đứng
trước cánh cửa khóa chặt
ai đó gõ rền,
đóng những chiếc đinh
vào quá khứ
vào hiện tại
vào tương lai
Sẽ không ai đến
và không ai tháo gỡ
tiếng búa
nện thành nhịp điệu vĩnh hằng
Mặt đất ngoa dụ
nằm dưới họ
khi bầu trời ẩn dụ
lướt trên ta!
1960
Thanh Thảo dịch
(từ bản tiếng Nga-tuyển tập "Thơ Ioxif Brodski"
NXB "Aleksandra" 1991)
Nguồn: Tạp chí Thơ HNV