Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Rau chạy về đâu?

Hồng Bỉnh Hiếu - 16-05-2011 09:01:20 AM

VanVN.Net - “Rau chạy” hay “đọt choại” đều là tên gọi một loại dây leo thuộc họ dương xỉ, phát triển tốt trên vùng đất ngập nước, lung phèn, có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

 

Thế nhưng món ăn dân dã này bây giờ không hề dễ tìm. Mỗi lần tụm năm tụm ba tán dóc, người dân đồng bưng xứ tôi lại ngơ ngác hỏi nhau: Chẳng biết rau chạy đã… chạy đi đâu?

Nhắc đến rau chạy, tôi vẫn nhớ câu chuyện về ông cậu (anh ruột bà nội) của tôi. Ông cậu ngoài 90 tuổi, thuộc lớp cán bộ “tiền khởi nghĩa”. Những năm tháng cuối đời, ông chỉ ước cái ấp vùng sâu heo hút của mình được dòng điện quốc gia thắp sáng. Điều ước tưởng chừng không tưởng ấy bỗng chốc trở thành hiện thực. Bệnh già, mùa khô nóng bức, nằm một chỗ nhưng ông vẫn thỏa nguyện vì quạt máy chạy ro ro trên đầu, không ưng thì đưa tay nhấn cái rụp, khỏe re. Lúc hấp hối, con cháu hỏi thích ăn gì, ông cậu nửa đùa nửa thật: “Bây kiếm cho tao dĩa rau chạy luộc chấm nước tương!” Các cô, chú của tôi chưng hửng nhìn nhau rồi cắn môi ngăn dòng nước mắt. Vườn tược nhà mình rộng mênh mông, vậy mà…

Còn nhớ những lần về quê, tôi thường nghe ông kể miệt Hậu Giang mình cách đây chừng mười mấy năm thôi, ra ngõ gặp rau chạy, bạt ngàn rau chạy. Rau chạy là món ăn của dân nghèo. Ngày xưa tôm cá ê hề khắp sông ngòi kênh rạch, rảnh tay thì “vớt” lên chế biến với rau chạy: luộc, xào, nhúng lẩu, nấu cháo, ăn sống… món nào cũng ngon, ăn no cành hông vẫn thấy thèm. Thân chạy còn được phơi khô, dùng làm dây đan, cột rất dẻo dai, bền chắc. Ông cậu nói rau chạy là món ăn có từ thời… khẩn hoang, được những “lưu dân” phát hiện.

Mùa rau chạy

 Đó là hoài niệm của người già, vài lần tôi xách rổ theo ông tìm hái, mọi người nhìn tôi cười: “Ông cậu mày lẩn thẩn rồi, giờ kiếm hổng ra cái cây “mắc dịch” đó đâu!” Tôi chưa từng ăn rau chạy và cũng không biết được hình dạng nó ra làm sao.

Cuối năm vừa rồi tôi về chơi nhà người bạn ở một xã vùng sâu tỉnh Bạc Liêu. Trong kháng chiến, xã này từng là căn cứ của Khu ủy Tây Nam Bộ và Tỉnh ủy Bạc Liêu. Đường bê tông chạy về tận xóm ấp nhưng không hiểu sao người dân nơi đây vẫn chưa có điện sinh hoạt. Chạng vạng tối, thắp đèn dầu, người nhà dọn cơm ra, bụng đói, chúng tôi vừa đập muỗi vừa ăn. Đĩa rau luộc xoăn tít, gắp một đũa chấm nước cá kho, nhai giòn giòn, nuốt xong vẫn còn vị ngọt râm ran trên lưỡi. Thoáng cái đã hết đĩa rau, thêm cả rỗ rau luộc bốc khói nữa bưng ra, lại hết. Tôi được một bữa cơm ngon chưa từng thấy.

Sáng hôm sau tò mò, hỏi ra anh em cho biết đó là rau chạy. Ngon như thế nào thì tôi không tả được, không nắm bắt được, nhưng hương vị của nó cứ lẩn quẩn mãi trong tôi.

Suốt ngày hôm ấy tôi rong ruổi theo tuyến đường liên xã chỉ để thỏa thê ngắm nhìn… rau chạy. Đây là tuyến đường mới, ban đầu xáng cạp mốc đất lên, sau đó bang ra đổ bê tông, vì thế mà rau chạy mọc lên điều bâng. Rau chạy tươi non mơn mởn, rập ràng, điệp trùng, tít tắp hai bên đường.

Ngó chạy màu xanh phớt, đầu ngó co tròn như con cuốn chiếu. Lớn lên một chút, nó bung ra và những chiếc lá bé xíu, tím than bắt đầu xuất hiện. Những chiếc lá này chuyển dần từ màu tím sang hồng, phớt hồng rồi xanh lục… Bạn tôi nói đĩa rau mà chúng tôi ăn được tuyển chọn toàn những ngó, chỉ nơi đây mới “sang” như vậy chứ nhà hàng đặc sản người ta trộn cả lá hồng lá xanh vào.

Tôi cứ ngỡ mình tới được “vương quốc” của rau chạy rồi, nhưng bạn tôi lắc đầu quầy quậy: “Vương quốc của nó tuốt dưới rừng…U Minh Hạ kia, chỉ vài năm nữa thôi, quê mình chẳng còn rau chạy để ăn!”. Bạn lý giải, chạy là loại cây quen sống trong môi trường thiên nhiên sạch sẽ, tinh khiết. Mà xứ này, người dân đang ùn ùn mở rộng diện tích nuôi tôm, trồng lúa với đủ loại “mô hình”, chỉ cần có hơi của các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật chúng sẽ tàn lụi ngay.

Đến đây thì tôi đã lơ mơ hiểu, tôi có thể mạnh dạn nói với người dân quê tôi rằng không có gì tự nhiên mất đi cả (một “chân lý” cũ mèm!). Từ con cá Cháy trên sông Hậu trước năm 1975 đến con ốc gạo, con đĩa trâu trên đồng, rồi cây chuối nước, cây ô rô ven kênh rạch, bây giờ là cây rau chạy, nhiều người cảm thấy bâng khuâng khi một hôm phát hiện chúng bỗng dưng… biến mất. Mà mình đem cái sự “biến đổi” xa vời vợi chi đó ra nói chắc cũng không mấy ai nghe…

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Công chức Nga thời nào tốt hơn

VanVN.Net - Nhà văn I. M. Poliakov, Tổng biên tập Văn báo, ủy viên ủy ban Văn hóa phủ Tổng thống, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội nhà báo Matxcơva, tác giả nhiều tiểu thuyết chống quan liêu như Tình trạng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...

Nhà văn đọc sách  

Mấy ai đã đến tận cùng chiều sâu của biển

VanVN.Net - Đỗ Kim Cuông vừa cho xuất bản “Sau rừng là biển” - cuốn tiểu thuyết thứ 12. Đọc những trang đầu, tưởng chỉ là một câu chuyện đơn giản và quen thuộc: ba người lính quê một tỉnh đồng ...