Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Phan Thúc Trực với “Cẩm Đình thi tuyển tập” và “Quốc sử di biên”(*)

(Thêm một tác giả cho lịch sử văn chương- học thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX)

GS Phong Lê - 27-07-2011 03:09:56 PM

VanVN.Net - Nửa đầu thế kỷ XIX là sự bắt đầu vương triều Nguyễn với cuộc lên ngôi của Gia Long vào 1802. Tôi muốn gọi đó là một thời “khó sống” khi viết về Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát…

Bởi, ngay sau khi lên ngôi, việc đầu tiên của Gia Long là tận diệt Tây Sơn - “vì 9 đời mà trả thù”. Và thường trực trong lo lắng nhằm tập trung mọi quyền lực để giữ ngôi. Là việc lập bộ luật Gia Long để củng cố chính quyền, ngăn chặn mọi hiểm họa đến từ nhiều phía. Là thần phục nhà Thanh để có một mô hình chuyên chính, nhằm bảo vệ ngai vàng cho dòng họ và cho mỗi ngôi vị. Chống nông dân khởi nghĩa hàng trăm cuộc. Thời Gia Long là 50 cuộc, Minh Mệnh là 200 cuộc, Thiệu Trị là 50 cuộc. Thời Tự Đức, đó là giặc Chìa Vôi và khởi nghĩa Đoàn Trưng…

Trên bối cảnh ấy mà tôi muốn gọi là thời “khó sống”, hiện lên những chân dung sừng sững như Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát; một người suốt đời lận đận, thăng trầm, lên voi xuống chó; một người lên đoạn đầu đài. Đó cũng là thời gian chứng kiến sự ra đi của thiên tài Nguyễn Du ở tuổi 55, mang theo xuống tuyền đài một nỗi đau không tan như chính những phận người ông đã vẽ nên trong Truyện Kiều bất hủ. Lùi về sau một ít đó là giấc mộng canh tân được nói đến trong lẻ loi và quá sớm mà không thành của Nguyễn Trường Tộ, qua đời ở tuổi 43.

Nửa đầu thế kỷ với bấy nhiêu tên tuổi bất hủ như thế trong một chuyển động lớn của lịch sử, trước khi bước vào nửa sau thế kỷ đất nước đứng trước hiểm họa xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây.

Như vậy là từ các khoảng lùi lịch sử, chúng ta quen nhìn các đỉnh cao, trước hai yêu cầu lớn của dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn. Nhưng chỉ các đỉnh cao chưa đủ cho sự hình dung gương mặt đầy đủ của lịch sử. Có nghĩa là hơi muộn, hoặc quá muộn, cho đến hôm nay, vào năm 2011, bạn đọc rộng rãi, trong đó có tôi, mới được biết, được làm quen với tên tuổi Phan Thúc Trực (1808-1852), người sống trọn vẹn trong nửa đầu thế kỷ XIX, hoạt động qua các triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Một tên tuổi vững vàng ở hai khu vực: văn chương và học thuật; trong tư cách nhà thơ, với Cẩm Đình thi tuyển tập, và là nhà viết sử trong Quốc sử di biên; cả hai, cho đến hôm nay đã được sưu tập, biên dịch, khảo chứng, giới thiệu, và ấn hành đầy đủ nhờ vào các chuyên gia ở Viện Hán Nôm, với sự hợp tác của gia tộc, dòng họ.

*

Hai bộ sách giúp ta hình dung gương mặt và đóng góp của kẻ Sỹ, của giới trí thức Nho học trong suốt một hành trình dài dưới chế độ phong kiến và xã hội nông nghiệp Việt Nam, mà với Phan Thúc Trực và những người cùng thời với ông chỉ là một chặng.

Giữ mình cho trong sạch theo đạo lý Nho gia, được chỉ dẫn từ các kinh điển của thánh hiền; tiến vi quan thối vi sư; nhập thế làm quan thì sống cho trọn đạo vua tôi; xuất thế thì về với dân, sống với quê hương, làng mạc, gia tộc, dòng họ; nếu không thể lập thân hành đạo thì lui về lo chuyện tu thân, tề gia - đó là phương thức sống định hình hàng ngàn năm của kẻ Sỹ, đứng ở vị trí hàng đầu của tứ dân: Sỹ, nông, công, thương…

Nhưng là kẻ Sỹ họ có một cái vốn tri thức không phải chỉ để làm quan mà còn để làm người. Làm người, đó là một sự sống lương thiện, không gây tai tiếng; một sự sống đáng làm gương cho nhân quần và con cháu, trong đó trước hết là biết phân biệt tốt - xấu, thiện - ác, trung - nịnh, chính - tà… Không hiếm kẻ Sỹ thoái hóa mà một số đã được ghi vào sử sách; nhưng số kẻ Sỹ giữ được sự trong sạch của nhân cách cho bản thân chắc chắn vẫn chiếm tỷ lệ nhiều hơn để làm nên một nền tàng học vấn và đạo lý cho nhân dân, cho dân tộc, suốt hàng ngàn năm.

Trên hành trình lịch sử thời trung đại, thuộc trong số những kẻ Sỹ chân chính như thế kể có hàng ngàn, nhiều ngàn; và mỗi triều đại, mỗi thế kỷ cũng có đến hàng trăm người - những khóa sinh, những ông cống, ông nghè; những người lĩnh các chức trách từ thấp lên cao trong bộ máy nhà nước phong kiến, từ kinh kỳ đến các địa phương. Ai trong họ mà chẳng phải trải qua các cuộc khảo thí từ thấp lên cao, từ trường làng đến trường huyện, trường tỉnh; từ hương thí qua hội thí, đình thí… Ai mà không trải dăm lần mang theo lều chõng, bút nghiên. Chỉ cần bước chân vào trường khoa hoạn là họ đủ sức để làm thơ, phú, kinh nghĩa, văn sách… trước hết là để vượt các vũ môn, và sau đó là để ứng đối, thù tạc trong giới quan trường, hoặc đồng liêu, bằng hữu - nghĩa là một bộ phận công chúng hẹp. Cái kho tri thức và kỹ năng được hiện thực hóa bằng chữ nghĩa, văn bản, vào một thời văn sử triết bất phân, thời văn chương nhằm chở đạo và nói chí đó, ở mỗi người, nếu được lưu lại bằng các phương tiện như thời nay thì có lẽ số giấy mực biên chép cũng là một con số khổng lồ. Đáng tiếc là hành vi đó đã không có, bởi việc làm thơ văn ở họ không phải để đến với công chúng rộng rãi, để được xem là một nghề, để mang tính chuyên nghiệp như thời hiện đại, phải đến Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu mới có thể xem là người khai sinh. Thơ văn để thù tạc, thơ văn chỉ viết cho mình hoặc một số đồng liêu tri kỷ với mình, trong những lúc trà dư tửu hậu; thơ văn ghi trên giấy bản cho con cháu lưu lại; hoặc được in trên gỗ, trên đá với số lượng ít ỏi - quả là khó đến tay người đọc - đó là tình hình chung của sự sáng tác và lưu hành văn chương của kẻ Sỹ thời trung đại, kể từ những áng văn đầu tiên vào đầu thế kỷ XI cho đến cuối thế kỷ XIX.

Một lẽ nữa, với các nhà Nho thì sáng tác chủ yếu bằng chữ Hán, ít khi là chữ Nôm. Đó là tình hình phổ biến trong giới trí thức Nho học mà Phan Thúc Trực cũng không phải là ngoại lệ với di sản thơ những 375 bài, trong đó chỉ có 6 bài Nôm… Cố nhiên cả Hán và Nôm việc lưu hành đều rất khó; nhưng với Nôm, dẫu sao khi đã đến được với công chúng thì vẫn có phương thức truyền miệng để chuyển tải trong đám quần chúng không biết chữ. Còn chữ Hán thì đối tượng đọc - hiểu, truyền bá là ít ỏi hơn nhiều. Cả hai nếu được lưu lại cho con cháu thì chủ yếu chỉ có giá trị những kỷ vật, chứ không phải để đọc hiểu, quảng bá, lưu truyền. Bên cạnh đó việc bảo quản lại rất là khó, do rất nhiều nguyên nhân, khiến cho số lớn phải chịu sự hư hao, mất mát.

Nhận lời mời dự hội thảo về nhà Nho Phan Thúc Trực, tôi có phần hơi bất ngờ, bởi đây là tác giả lần đầu tiên tôi được biết, dẫu tôi có mối quan tâm đến văn học Việt Nam thế kỷ XIX với mục đích là để hiểu văn học thế kỷ XX, và rộng ra là lịch sử văn học dân tộc. Đó là lỗi ở sự kém cỏi của tôi - một người không biết chữ Hán, nên khó bề tra cứu; còn nếu tra cứu vào các bộ lịch sử văn học, kể cả những bộ gần đây, và từ điển như Từ điển văn học - bộ mới của Nxb. Thế giới 2004, thì không có tên Phan Thúc Trực. Điều đó nói lên thực trạng học thuật của ta cho đến nay vẫn còn rất nhiều trống thiếu. Lịch sử văn học trung đại cần phải được bổ sung, bồi đắp bởi nhiều gương mặt tác gia như thế; những tác gia tôi tin vẫn còn chưa được phát hiện, hiện vẫn nằm im lìm trong các kho sách của các thư viện, như thư viện Hán Nôm, và các thư viện khác ở nước ngoài.

Việc khai thác và bỏ công sưu tập này thực ra đã được tiến hành từ nửa đầu thế kỷ XX khi yêu cầu hiện đại hóa được đặt ra một cách khẩn trương do tác động của văn học phương Tây; do sự thay thế chữ Hán chữ Nôm bằng Quốc ngữ; do công của mấy thế hệ học giả có cả Hán học và Tây học rất đáng kính nể như Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Ngọc, Bùi Kỷ, Phạm Quỳnh, Dương Quảng Hàm, Lê Thước… để có sự sưu tập, khảo chứng, phiên âm, phiên dịch, ấn hành một bộ phận di sản Hán Nôm và văn hóa dân gian sang Quốc ngữ. Công việc ấy vẫn được tiếp tục tiến hành sau 1945, với mấy thế hệ chuyên gia trong các Viện nghiên cứu được thành lập từ những năm sáu mươi thế kỷ trước. Nhưng phải nói là do nhiều lý do khách quan và chủ quan nên việc khai thác di sản vẫn còn chậm, thậm chí rất chậm - bằng chứng là một tác giả lớn như Phan Thúc Trực đến bây giờ mới có thể sưu tập, biên soạn đầy đủ để đến được với một bộ phận công chúng hẹp.

Tôi nghĩ bên cạnh Phan Thúc Trực, lịch sử văn chương - học thuật trung đại vẫn cần được tiếp tục tìm kiếm để bổ sung thêm những tên tuổi khác; qua đó giúp cho hậu thế hình dung được đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn các nền tảng học vấn và đạo lý của dân tộc trong sự trường tồn và tiếp nối của nhiều thế hệ, qua các triều đại.

Về giá trị nội dung và nghệ thuật của Cẩm Đình thi tuyển tập và giá trị khoa học của Quốc sử di biên, tôi nghĩ những người làm sách của Viện Hán Nôm đã trình bày rất tốt. Với các trước tác về văn và sử của Phan Thúc Trực - như được ghi lại ở hai bộ sách, tôi có thêm một cơ hội quý giá để tìm hiểu đời sống tinh thần của dân tộc nói chung, và của các trí thức Nho sĩ nói riêng, trong thế kỷ XIX - một thế kỷ đầy biến động, với những chuyển động dữ dội đưa xã hội Việt Nam vào thời cận đại.

Về thơ, tôi tin là nhiều học giả, độc giả sẽ rất thú vị, tâm đắc với không ít bài của Phan Thúc Trực về làng quê và đất nước; về gia đình và người thân; về thiên nhiên và con người, có thể sánh với những bài, những câu hay trong kho tàng thơ văn cổ điển của dân tộc.

Tên tuổi, hành trạng, sự nghiệp thơ văn của Phan Thúc Trực quả là những biểu hiện, những minh chứng thật tin cậy để biết về một thời mà tôi muốn gọi là thời “khó sống” - “khó sống” nhưng vẫn là thời tạo nên các gương mặt lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ; “khó sống” nhưng vẫn là thời mà những nền móng tri thức và đạo lý vẫn được duy trì và bồi đắp, với những gương mặt như Phan Thúc Trực - một văn nhân, một sử gia, một danh nhân xứ Nghệ, người cùng thời với những tên tuổi lớn, những đỉnh cao, như đã nói trên. Thời đại thì “khó sống”, nhưng tiềm năng tinh thần của dân tộc thì lúc nào cũng cường tráng.

Cho đến lúc này, tôi vẫn có riêng cảm nhận: di sản văn chương, và rộng ra là di sản văn hóa, tinh thần của dân tộc vẫn còn dồi dào, và giàu có hơn ta tưởng.

Tây Hồ chiều và tối 2-5-2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...