Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Vì một nền giáo dục cho phụ nữ và trẻ em

(Hay là quan điểm giáo dục của Đạm Phương nữ sử)

Đoàn Ánh Dương - 13-06-2011 04:53:06 PM

VanVN.Net - Đạm Phương (1881-1947) là một trong những nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động nữ quyền đầu tiên của Việt Nam. Trong sự nghiệp đồ sộ và đa dạng của mình, bà đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nền giáo dục cho phụ nữ và trẻ em…

Đạm Phương - nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động nữ quyền đầu tiên của Việt Nam

Vấn đề nữ học được Đạm Phương đặt ra lần đầu trên Nam phong, số 43, ra tháng 1/1921, khởi thủy là bức thư bà gửi cho chủ bút Phạm Quỳnh, có lẽ là nhân loạt trao đổi được khởi đi từ bài viết của Phạm Quỳnh bàn về vấn đề phụ nữ: Sự giáo dục đàn bà con gái, số 4, ra tháng 10/1917, trong đó đáng chú ý là bài đáp của Nguyễn Bá Học: Thư trả lời ông chủ bút Nam phong về vấn đề nữ học, đăng trên Nam phong, số 40, 1920, là bài đã trực tiếp gây cảm hứng cho Đạm Phương xuất bút. Ba năm sau, Đạm Phương viết tiếp một bài báo, cũng dưới nhan đề này, Vấn đề nữ học, đăng trên Trung Bắc tân văn, số ra các ngày 19 và 20/3/1924, để đáp lại một số ý kiến bấy giờ bác chuyện giáo dục phụ nữ, đồng thời có bổ sung một số quan điểm mới trong việc giáo dục phụ nữ được bà đề xuất trong bài trước. Quan điểm này hầu như cũng thấm nhuần trong hầu hết các bài báo khác, làm thành hạt nhân quán xuyến tư tưởng và hành động của Đạm Phương.

Đạm Phương có một quan niệm thống nhất và rõ ràng về vấn đề nữ học. Khởi đầu của quan niệm ấy, trong bài viết trên tạp chí Nam phong, bà cho rằng: “Nay cái vấn đề nữ học thật là một sự rất quan trọng thứ nhất trong mấy nghìn năm của nước ta… Nay sự học vấn của con gái là cốt để bổ ích thêm trí thức tư tưởng cho con người biết lo xa nghĩ rộng, khỏi bị mê hoặc ám muội như trước; đã là người thời biết cho đủ tư cách làm người, cuộc sinh tồn cạnh tranh là chung cả nhân loại có phải riêng chi một ai, mà người làm được người làm không được… Người đàn bà cốt phải có đức hạnh làm bản, nghĩa ấy dầu cho thiên cổ bất dịch, không những từ đây về trước đã thế, nhưng dầu cho muôn ức nghìn năm nữa về sau, cũng không có thể thay đổi bao giờ, vậy cho nên học hạnh kiêm ưu mới là danh giá; còn như học mà vô hạnh, chính là danh giá tội nhân, chớ có phải học giới danh giá đâu, mà người đời bình phẩm cho hư tiếng tân học của nữ giới (ĐAD nhấn mạnh)”. Vấn đề nữ học mà Đạm Phương nói ở đây là vấn đề “tân học của nữ giới”, cái mà Phạm Quỳnh có ý cổ xúy còn Nguyễn Bá Học thì có ý khuyên ngăn, sợ rằng “sở học phi sở dụng”. Trong bài viết khởi đầu này, Đạm Phương đặt thế đối sánh “trí” với “đức”, giáo dục cái “đức” (tức phẩm hạnh) thì nền cựu học cũng đã làm rồi, nay nhất thiết phải bổ túc thêm cái “học vấn” (tức tri thức Âu Tây) của nền tân học cho người phụ nữ. ở đây, bài viết mới chỉ đặt ra cái sự cần thiết của giáo dục phụ nữ và đề xuất nội dung cơ bản của nền giáo dục ấy.

Đến bài viết trên Trung Bắc tân văn, Đạm Phương đã bắt đầu chú trọng đến việc đòi hỏi sự công bình cho giáo dục nữ nhi so với nam nhi. Bà viết: “sự giáo dục học thức của con trai làm sao, thì của con gái cũng phải có làm vậy (ĐAD nhấn mạnh); đứa con gái tương lai thành nhơn, là một người đàn bà có công lớn đối với xã hội, vì người đàn bà có chịu cái thiên chức về sự sinh dục, gây nên nòi giống cho nhơn loại. Bổn phận người đàn bà, lại có cái trách nhiệm nặng nề khó nhọc, gánh vác việc gia đình, để cho người đàn ông khỏi phần nội cố, mới rảnh mình mà hiệu lực với bang quốc; cái trách nhiệm ấy, cái thiên chức ấy, nếu không có học thức giáo dục, thì khó lòng làm cho hoàn toàn nghĩa vụ đặng”. Chính ở chỗ này, soi rọi vào đời sống rối ren đương thời, Đạm Phương đã đề xuất được quan điểm nữ học có thể nói là rất mới mẻ, được biện luận với chủ kiến rõ ràng: sự giáo dục trong gia đình mà bà gọi là “gia đình giáo dục”. Bà lập luận về điều này như sau: “Có người nói rằng: ngày xưa con gái không có học thức mấy chút, mà người mẹ hiền, người con thảo, người vợ thuận cũng không thiếu; ngày nay, có học thức mà hay hư nết, là nghĩa làm sao? Xin thưa rằng: cái đó tại phần giáo dục gia đình hết thảy (ĐAD nhấn mạnh); học đường giáo dục, là cốt để giúp thêm tư tưởng tri thức cho người, sau ra với đời cho khỏi sự lầm lỗi; còn gia đình giáo dục là gây nên cái tâm tính cho con người (ĐAD nhấn mạnh), tâm tính với học thức thực không ăn thua gì nhau, chỉ có quan hệ một điều: là phải nhờ ở chỗ học thức, mà nhắc tâm tính siêu việt lên cho nhẹ nhàng; nếu tâm tính đã hỏng dẫu có học thức, lại càng như giúp sức cho cái dục vọng lên cao đó mà thôi”. Nói cách khác, trong khi một số bậc thức giả quan tâm đến vấn đề nữ học, chủ trương học đường giáo dục cho nữ giới, thì bà lại chủ trương gia đình giáo dục. Bởi với bà, tâm tính là cái thứ nhất, là cái nền tảng, học thức là cái bổ trợ vào đó, làm cho sự giáo dục phụ nữ được trở nên hoàn toàn. Ngoài việc thực hiện được nam nữ bình quyền, nó còn giúp cho phụ nữ thực hiện thiên chức của mình. Hơn thế, gia đình giáo dục, với Đạm Phương, còn là cái đi trước học đường giáo dục, vừa giúp phụ nữ thuần toàn vừa giúp con trẻ mau khôn lớn, cũng bởi tình mẫu tử thường đậm đà và sự gần gũi thường xuyên cũng khiến người mẹ dễ thấu đạt được tính tình của con cái mà dễ bề uốn nắn. Do hai lẽ đó, Đạm Phương khẳng định: “Phàm cái tâm tính con người manh mối ra lúc ban đầu, là toàn có ảnh hưởng về sau hết thảy; vì những lý lẽ thế mà phải nên tô bồi cho nền nữ học, để nâng đỡ lấy cái hạng nhân loại tương lai” – (ĐAD nhấn mạnh).

Chính ở chỗ muốn nâng đỡ cho nhân loại tương lai, Đạm Phương đòi hỏi những bậc tân học, mà thực chất cũng là tự nhiệm chính mình: “lấy lý tưởng mới, chắc có một cuộc tổ chức trong bụng rằng: xã hội ta sau này tiến hay thoái, gia đình ta sau này thịnh hay suy, tức là bọn thiếu niên mà chúng ta đương làm người hướng đạo đây, vì ta làm người bản lề, tiếp giáp mới cũ trong khoảng thời đại đổi thay, cái nề nếp trước chưa phai lạt mấy chút, mong tô dồi thêm phong hóa mới cho được thêm màu; lại nên tự phụ rằng: ta là người đứng làm môi giới cho hai cái văn minh mới cũ được dung hóa với nhau, người trong nước còn mờ tối chỗ nào, ta sẽ khai đạo cho hợp với trình độ tiến hóa, mà không hại đến phong tục của nước nhà”. Quan điểm về giáo dục của Đạm Phương ở chỗ này có hơi hướng chủ trương của Dương Vụ phái bên Trung Quốc hồi cuối thế kỷ XIX, có được ghi lại trong Khuyến học thiên của Trương Chi Động (1837-1907), đề xướng “cựu học vi thể, tân học vi dụng”, mà nội hàm của nó là giữ cái truyền thống luân lý Trung Hoa làm căn cốt để từ đó học tập khoa học phương Tây bổ trợ vào việc canh cải đất nước. Tuy nhiên, đến phần kết luận của bài viết này, thì nhận định có lẽ riêng thuộc về Đạm Phương, ở tư tưởng mang màu sắc nữ quyền trong các ý kiến và đề đạt: “Người ta phải nên hiểu cái tôn chỉ của sự giáo dục, tại làm sao mà trước kia sự dạy dỗ đàn bà con gái lại là phần riêng của gia đình, mà nay việc dạy dỗ đàn bà con gái, cũng có thuộc quyền quốc gia đào tạo nữa, thì đừng nên dắt tới lôi lui mà thêm hoài công. Thực chẳng qua cái lòng thủ cựu của người mình, có ẩn cái máu áp chế ở trong, đàn ông chỉ ưng áp chế đàn bà, chủ nhà ưng áp chế đầy tớ; cái lòng thủ cựu không hết, là vì cái máu áp chế chưa tiêu” – (ĐAD nhấn mạnh).

ở trên là tìm hiểu quan điểm nữ học qua hai bài biết của Đạm Phương, một do sự “nhiệt thành” với nữ học mà soạn, một do ý muốn “bàn lại một bài để cho rõ lẽ” mà thành. Ngoài vấn đề thời gian, có lẽ tính chất luận thuật trực tiếp đã khiến bài viết thứ hai hệ thống, mạch lạc và thuyết phục hơn rất nhiều, gần như đã thể hiện đầy đủ quan điểm nữ học của Đạm Phương, điều mà sau này, hầu như chỉ được bổ sung ở thái độ nồng nhiệt hơn trong các luận bàn về nữ tính và nữ quyền. Trong quan điểm ấy, Đạm Phương thấy sự cần thiết của học đường giáo dục thuộc quyền quốc gia đào tạo, nhưng trước nhất, bà khẳng định vai trò quan trọng của gia đình giáo dục. Giáo dục trong gia đình, với Đạm Phương, (1)/ đảm bảo cho việc thực hiện đầy đủ thiên chức phụ nữ, (2)/ hậu thuẫn tới việc giáo dục trẻ em, và (3)/ là bước chuẩn bị cho giáo dục học đường, giáo dục xã hội. Tất cả những ưu điểm ấy, nếu được thực hành một cách đầy đủ, sẽ tôn cao vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, xúc tiến các hoạt động giáo dục nhờ báo chí, đáng chú ý, và cũng là nơi thể hiện rõ nhất sự khác biệt trong quan điểm nữ học của Đạm Phương, là mấy bài trực diện vào vấn đề trinh tiết và tự do hôn nhân. Bởi đây chính là mâu thuẫn gay gắt nhất giữa cái mới và cái cũ, là điểm khó có thể điều hòa, dù xuất phát từ chủ trương dung hòa tân cựu, đồng thời cũng là nơi ghi nhận rõ nhất những biểu hiện về sự tiếp cận đối với các vấn đề nữ giới mới được hình thành trong xã hội Việt Nam. Trong số các tư liệu hiện mới sưu tầm được, Đạm Phương có hai bài trực tiếp bàn về chữ trinh (Chữ trinh, Hữu thanh, số 17, ra ngày 1/4/1922; Cái lòng trinh tiết của người đàn bà, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 9/10/1925), một bài bàn về tình ái (Bàn về chữ ái tình, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 16/10/1925) và một bài bàn về tự do hôn nhân (Tự do kết hôn, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 20/12/1924). Thực ra đây là một vấn đề khó, nhưng không thể né tránh. Bởi sự lên án của xã hội bấy giờ đối với việc giáo dục phụ nữ, cũng phần nhiều là do vấn đề ái tình tự do, có lúc hiển hiện thành thói dâm ô, lúc bấy giờ mà ra cả. Với vấn đề phức tạp như vậy, một mặt Đạm Phương đào sâu vào các hoàn cảnh xã hội để phân biệt phải trái trắng đen, một mặt đào sâu vào quan niệm về ái tình tự do  đặng phân tích lẽ hơn thiệt trong mỗi lựa chọn. Nếu như ở phương diện thứ nhất, bà biện bác cho việc càng cần thiết phải có nền giáo dục đầy đủ, hoàn bị cho nữ giới, tránh sự a dua, đua đòi, lợi dụng điều tân tiến mà phá hoại trật tự, làm hại luân lý, như thực tế đã có xảy ra; thì ở phương diện thứ hai, bà quay về ủng hộ quan điểm đạo đức cổ truyền: chữ trinh là quan trọng, đừng để những thói đời dung tục làm mờ ám dần luân thường đạo lý. Liệu đây có phải là một bước lùi trên con đường đấu tranh cho nữ quyền của Đạm Phương? Và như thế phải chăng Đạm Phương vẫn tư duy trên nếp cũ, quan điểm tiếp cận các vấn đề về nữ giới của Đạm Phương đã bộc lộ hạn chế, dù là ở vấn đề gai góc nhất? Câu chuyện thực ra không hẳn có thể dễ dàng đem đến câu trả lời thích đáng. Bởi sau những phát ngôn của Đạm Phương, trong những năm giao thời của thập niên 20 và 30 của thế kỷ trước, Phan Khôi vốn nổi tiếng là người đổi mới cực đoan, quyết liệt, vẫn phải né tránh câu trả lời trực tiếp cho vấn đề trinh tiết, dù những phê phán các chuẩn mực đạo đức phong kiến đã khá rõ ràng. Trong bài viết Chữ trinh, cái tiết với cái nết (Phụ nữ tân văn, số 21, ra ngày 19/09/1929), Phan Khôi cho rằng: “trinh là một cái nết”, “nhưng về sau, người ta uốn nắn nó ra thành một cái tiết”, sự khác biệt nằm ở chỗ trinh là cái nết thuộc về chủ quan “mình vì cái ý chí, cái phẩm giá của mình mà giữ trinh” chớ không phải vì ai khác, trong khi ngược lại, “tiết là một cái dấu tỏ ra mình đã làm hết bổn phận của mình đối với người mà mình thuộc về”…

 So với Phan Khôi, Đạm Phương chưa có được sự phân biệt rốt ráo như vậy, song sự phân biệt giữa nữ tính và nữ quyền hầu như cũng đã được định hình. Đó là một bước tiến đáng kể trong các tiếp cận vấn đề phụ nữ ở Việt Nam bấy giờ. Nhất là khi, cách giải quyết vấn đề nữ học của Đạm Phương luôn đặt trên cả hai nền tảng ấy. Đạm Phương đấu tranh cho cả nữ tính và nữ quyền, nữ tính là cơ sở để hoạch đắc nữ quyền, và xét đến cùng, nữ quyền trong quan niệm của Đạm Phương chủ yếu mới được khuôn gọn trong chủ nghĩa bình quyền (égalitarisme), đòi hỏi quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Nó là lý do để cho gia đình giáo dục luôn có vị thế đáng kể hơn rất nhiều so với học đường giáo dục và xã hội giáo dục. Nó cũng là lý do để cho trong các vấn đề nữ học thì giáo dục con gái và nhi đồng luôn dành được nhiều nhất sự quan tâm ưu ái của bà.

(Nguồn báo Văn nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...