Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Giày cao gót" của Đằng Cương - Nhà văn Trung Quốc

Vũ Phong Tạo (Giới thiệu và dịch) - 04-05-2011 11:12:10 AM

VanVN.Net - Nhà văn Đằng Cương là Hội viên Hội Nhà văn tỉnh Giang Tô, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Khoa học Truyện mini Trung Quốc, Nhà văn giữ chuyên mục của Tạp chí “Truyện mini chọn lọc”; đã công bố trên 500 truyện ngắn, truyện mini; 7 năm được bạn đọc bình chọn tác phẩm ưa thích nhất; Trên 200 truyện ngắn, truyện mini được chuyển tải nhiều lần và dịch ra tiếng nước ngoài. Truyện ngắn “Giày cao gót” là một trong những tác phẩm của Đằng Cương, được bạn đọc bầu chọn là Mười tác phẩm ưa thích nhất hàng năm...

Giày cao gót

Đêm hôm ấy, tôi và Mã Lương nằm vùng cắm chốt tại Tam Nguyên Kiều. Vương Lượng gọi điện thoại cho tôi nói rằng tại Vương Gia Trang xảy ra một vụ án đầu độc, hỏi tôi có thể đến hiện trường được không. Tôi trả lời hiện tại tôi không thể dứt ra được vì “rắn” ở đây sắp ra khỏi hang. Vương Lượng nói cậu ta không biết bắt tay từ đâu. Tôi nói “phụ nữ, nhất định là phụ nữ”, rồi tắt máy.

Mã Lương mới đến công tác ở đại đội cảnh sát hình sự không lâu lắm, câu nói ấy của tôi làm cho cậu ta kinh ngạc, cậu ta nói:

- Tại sao anh lại biết phụ nữ đầu độc?

Tôi đáp:

- Kinh nghiệm! Mình đã công tác ở đại đội cảnh sát hình sự mười mấy năm rồi, đã phá hàng trăm vụ án đầu độc, không có vụ nào là không do phụ nữ đầu độc. Phụ nữ hay đầu độc.

Thấy Mã Lương vẫn ngẩn mặt ra nghi hoặc, tôi bèn kể ra hàng lô hàng lốc vụ án đầu độc mà tôi xử lý, coi nó như báu vật trong nhà, cho cậu ta nghe. Tôi nói xong, Mã Lương hỏi:

- Tại làm sao phụ nữ lại hay đầu độc?

 Tôi đáp:

- Mình chỉ biết phụ nữ  thường hay đầu độc, còn vì sao, thì mình cũng không rõ.

Hôm ấy, trời rất lạnh, chúng tôi phục ở dưới cầu đến trời sáng, mà mục tiêu vẫn chưa xuất hiện. Tôi hỏi Mã Lương tin tức do cơ sở cung cấp có đáng tin cậy không, Mã Lương nói tuyệt đối tin tưởng, tôi nói tôi phải gặp người cung cấp tin tức.

Buổi chiều, tôi và Mã Lương đang ở trong đội, nói chuyện với người cung cấp tin tức, điện thoại di động của tôi réo, đúng là Vương Lượng gọi đến, nói cậu ta đang vò đầu bứt tai nhức óc, không có một đầu mối nào, mời tôi dù bận thế nào cũng phải cùng đi một chuyến. Tôi nói:

- Tại sao không có đầu mối chứ? Tôi chẳng đã bảo cậu đó sao, khẳng định là phụ nữ hạ độc, cậu đã xem xét toàn bộ phụ nữ trong làng chưa?

Vương Lượng nói:

- Tôi đã kiểm tra bảy mươi sáu người phụ nữ của Vương Gia Trang, không một ai bị nghi đầu độc!

Tôi nói:

- Cậu phát động quần chúng kiểm tra từng người một xem!

Tôi vừa cúp máy, thì điện thoại nội tuyến lại reo, đó là điện thoại của đại đội trưởng, yêu cầu tôi đến phòng làm việc của anh ấy ở tầng ba. Đại đội trưởng nói:

- Cậu có kinh nghiệm xử lý các vụ án đầu độc, cậu hãy đi một chyến nhé!

Tôi nói:

- Tối nay tôi vẫn phải đi nằm vùng cắm chốt!

Đại đội trưởng nói:

- Cậu đến hiện trường chỉ đạo một chút, sau đó trở về. Cậu Vương Lượng xử lý các vụ án giết người còn được, còn gặp các vụ án đầu độc, vụ án cưỡng dâm thì lớ ngớ lắm!

Vương Gia Trang ở Song Câu, cách huyện lỵ bốn mươi cây số, tôi phải ngồi trên chiếc xe mô tô cà tàng của Mã Lương. Trên đường, xe mô tô của Mã Lương cứ hỏng hoài, mỗi lần Mã Lương dừng xe để sửa chữa đều hỏi tôi:

- Tại sao phụ nữ lại hay đầu độc?

Thái độ ấy như muốn đòi nợ tôi, làm tôi dở khóc dở cười. Lúc gần đến Vương Gia Trang, tôi gọi điện cho Vương Lượng, Vương Lượng nói đề nghị trưởng thôn ra cổng làng đón chúng tôi.

Gia đình người chết ở phía Đông làng. Chúng tôi vừa đến cổng nhà người chết, đội nhạc bèn tấu lên một bài điếu, những người mặc áo tang cùng quì xuống. Tôi sởn gai ốc toàn thân, mũi cay xè. Vương Lượng giới thiệu tỷ mỉ tình hình vụ án.

Sau đó, Vương Lượng nói:

- Đã xem xét từng người phụ nữ trong làng, không có một người nào đáng nghi đã đầu độc.

Tôi nói:

- Cậu dựa vào đâu mà nói không có ai đáng nghi ngờ nào?

Vương Lượng nói:

- Đầu độc thường chỉ là các vụ án phản cách mạng, hoặc tư thù đầu độc, gian tình đầu độc. Vụ án này khẳng định không phải là phản cách mạng đầu độc, nhưng bảy mươi sáu chị em phụ nữ không có một người nào có tư thù với người bị hại, và cũng không phát hiện ra người bị hại có gian tình!

Tôi nói:

- Thảo nào cậu tìm không ra. Cậu nghĩ phụ nữ đầu độc là vì thâm thù đại hận ư? Sai rồi! Phụ nữ đầu độc vì những chuyện vặt vãnh như lông gà vỏ tỏi thôi!

Thấy mọi người tỏ vẻ nghi ngờ, tôi nói:

- Xa xôi không nói làm gì, chỉ nói về mấy vụ án đầu độc xảy ra trong một quý gần đây làm ví dụ. Người phụ nữ ở Lâm Đường đẻ con gái, người hàng xóm đẻ con trai, cô ta đố kỵ, thế là hạ độc. Người đàn bà ở Song Kiều vì nhà của hàng xóm cao hơn nhà của cô ta thế là đầu độc. Người phụ nữ ở Trực Kiều vì người bị hại ướp nhiều hơn cô ta một miếng thịt mà đầu độc. Người đàn bà ở Lâm Câu lại càng hoang đường hơn, con trai và con dâu bà ta thường không để ý đến bà, có việc nhà không bàn với bà, thế là bà bỏ độc vào trong những mâm cỗ giỗ chồng. Bà ta nói những người bị trúng độc sẽ đòi nhà bà bồi thường, thì con trai và con dâu không thể không bàn bạc với bà. Cuối cùng con trai con dâu phải tìm đến bàn bạc với bà. Trong những vụ án ấy, có vụ nào là vì thâm thù đại hận đâu? Nếu như cậu điều tra nguyên nhân là do thâm thù đại hận, thì vĩnh viễn điều tra không ra!

Vương Lượng nói:

- Nghĩa là anh muốn nói chúng tôi phải điều tra xem xét những người phụ nữ đã từng đánh nhau chửi nhau với người bị hại ư? Vậy thì điều tra như thế nào đây?

Tôi nói:

- Muốn phá vụ án này, anh chỉ có điều tra theo hướng đó!

Tôi nói với trưởng thôn:

- Ông mời cán bộ chi hội trưởng phụ nữ đến, đề nghị chị ta triệu tập tất cả phụ nữ trong làng lại chia thành tổ mạn đàm, xem phụ nữ nào có mâu thuẫn nhỏ với người bị hại!

Tôi lại nói với chồng của người bị hại:

- Cả nhà các vị hãy nín đi đừng khóc nữa, các vị hãy nhớ kỹ lại xem trong làng có người phụ nữ nào có mâu thuẫn nhỏ với chị nhà không?

Sau khi tôi đề nghị như vậy, phụ nữ trong làng đều chia tổ mạn đàm. Thấy vậy, Vương Lượng nói:

- Anh đang làm trò đùa ư?

Tôi nói:

- Cậu đừng cuống lên, biết đâu sẽ tìm ra hung thủ ngay bây giờ.

Vương Lượng dẫn tôi xuống bếp quan sát hiện trường. Tôi đi vào trong bếp, nhìn thấy bên cạnh bếp lò có một đôi giày cao gót màu xanh mới tinh, gót đặc biệt cao. Tôi thấy lạ quá, tôi rất ít nhìn thấy phụ nữ nông thôn đi giày cao gót, càng không thấy phụ nữ nông thôn lại đi giày gót cao như thế, chẳng khác gì giày cao gót mà những người mẫu thời trang thường đi khi biểu diễn.

Tôi gọi chồng người bị hại tới, hỏi:

- Đôi giày cao gót này của ai?

Anh ta nói:

- Của vợ tôi!

Tôi nói:

- Cô ta đi giày cao gót cao như thế này để làm gì?

Anh ta nói:

- Có trời mà biết được! Hôm kia cô ta mua ở nội thành, mới đi được một ngày!

Tôi nói:

- Trong làng còn có người phụ nữ nào đi giày cao gót không?

Ông ta nhìn tôi trân trân, Vương Lượng và Mã Lương cũng nhìn tôi trân trân. Tôi cầm giày cao gót ra giữa sân, hỏi mấy chị phụ nữ đang họp:

- Trong làng còn có người phụ nữ nào đi giày cao gót không?

Một người phụ nữ mặc áo sơ mi may bằng vải hoa giơ tay, đứng dậy nói:

- Cúc Lan, Dương Cúc Lan. Trong làng này chỉ có cô ả yêu tinh ấy đi giày cao gót!

 Tôi hỏi:

- Cô ta ở đâu?

Cô áo hoa đáp:

- Ở bờ sông bên kia!

Tôi tìm một cái túi xách để giày cao gót vào. Khi chúng tôi đến nhà Dương Cúc Lan, thì mấy chục chị em phụ nữ đang vừa cắn hạt dưa vừa họp. Chúng tôi gọi Dương Cúc Lan vào sau nhà. Lúc đầu, Dương Cúc Lan rất bình tĩnh, lắc đầu nhún vai giả vờ câm điếc. Tôi quăng giày cao gót xuống trước mặt ả, lập tức mặt ả tái mét, quỳ sụp xuống, đập đầu xuống nền nhà. Tôi nói:

- Thôi, đừng đập đầu nữa! Nói đi!

Cô ả nói:

- Tôi không muốn đầu độc vụ này, nhưng cô ta thật quá đáng! Nhiều năm qua, người khác không nhận ra, còn tôi biết, cô ta luôn luôn ngấm ngầm ganh đua với tôi. Tôi dùng kem Tuyết Hoa giá sáu mươi đồng một tuýp, cô ta bèn dùng kem Tuyết Hoa giá tám mươi đồng một tuýp. Tôi mỗi ngày thay một bộ quần áo, cô ta nỗi ngày thay hai bộ quần áo. Tôi tổ chức sinh nhật làm mười tám mâm cơm khách, cô ta tổ chức sinh nhật làm mười chín mâm cơm khách. Tôi đốt một bánh pháo một nghìn quả, cô ta lại đốt một bánh pháo hai nghìn quả. Tôi mạ một chiếc răng vàng, cô ta cũng mạ một chiếc răng vàng. Tôi mời trưởng thôn đi ăn ở khách sạn Hồng Quang, cô ta mời trưởng thôn đến ăn cơm ở Trúc Gia Trang. Tôi mua tivi màu 21 in, cô ta mua tivi màu 25 in. Hôm kia, tôi mua một đôi giày cao gót, cô ta cũng mua một đôi giày cao gót, gót còn cao hơn của tôi đến ngần này. Cô ta còn cố ý ưỡn ẹo đi đi lại lại trước nhà tôi, cố ý chọc tức tôi, tôi thực lòng không chịu nổi, nên đã đầu độc, để cô ta đi mà ganh đua với Diêm Vương!

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...