Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "12 chiếc bánh flan" của Phạm Thanh Thúy

01-07-2011 06:14:26 PM

VanVN.Net - Kim thường xuyên gặp gã chế bánh flan trong bếp. Một lần như thế, (hẳn đêm trước điều gì đó khiến gã hào hứng, như được người tình tặng quà, hay đội bóng của gã chiến thắng chẳng hạn, mà…) trông thấy Kim, gã vui vẻ vẫy Kim lại, thậm chí còn yêu cầu Kim khuấy giúp gã tô trứng gà. Gã giải thích đơn giản rằng món bánh này phải làm thủ công mới ngon, chứ cho vào máy quay tít thì vô vị. Thế là, trong không khí  thân mật hiếm hoi, gã kể mối tơ duyên với bánh flan của mình.

Kim là con gái một ông già sửa giày cũ trên vỉa hè. Hình thức không tồi. Tính tình  “ngổ ngáo và  tàn nhẫn” (cha Kim bảo thế). Mỗi lần Kim hỗn, cha mắng thậm tệ, nhưng sau đó chính ông lại khóc. Ông thương Kim vì không có mẹ nên bao nhiêu nữ tính đã chìm lút vào tuổi thơ vất vả. Kim chẳng nghĩ thế, biết đâu có mẹ, Kim vẫn là Kim bây giờ.

Cha Kim có một người khách tên Hồng, quen đã nhiều năm. Người này mỗi tháng một hai lần mang đến cho ông những đôi giày rất đắt tiền. Không phải tất cả những đôi giày này đều cũ và cần sửa chữa. Đơn giản là có khi chủ của chúng mua chúng về từ một hiệu giày sang trọng nào đó, nhưng chưa kịp dùng thì đã chán chúng rồi. Bà Hồng  đem chúng đến chỗ cha Kim. Ông sửa sang tí chút rồi bán đi. Nhiều người có nhu cầu đi những đôi giày hàng hiệu mà không phải bỏ ra một khoản tiền lớn. Ít nhất là ở thành phố này, họ tìm thấy điều đó chỗ ông. Bà Hồng thì đã quá tuổi để diện những đôi giày như thế. Bà là người giúp việc lâu năm cho một gia đình giàu có.

Một lần, bà Hồng không mang giày cho cha Kim, mà nhắn ông cử người đến lấy. Vì thế Kim mới có dịp bước chân vào ngôi nhà giàu có đó. Lần đầu tiên Kim được tận mắt thấy một gia cảnh giàu thật là giàu.

Trong lúc chờ bà Hồng, Kim đứng ngắm ngôi nhà và gặm nhấm cảm giác mình giống một chú kiến nhỏ lần đầu tiên đứng trước một cái bánh ngọt khổng lồ, thơm ngọt lịm người.

Đang mải nhấm nháp chiếc bánh liên tưởng thì một người đàn bà bỗng đâu chạy đến, níu tay Kim mà giật, lắc, rồi gọi: “San con ơi!”

 Kim rất lấy làm lạ lùng. Sao Kim lại là San, sao lại là “con” của bà ta, trong khi chẳng ai dám bảo Kim không phải con gái ông thợ sửa giày nghèo kiết trong xóm nhỏ ngoại ô.

 Kim đang không biết phải làm sao với tình thế dở hơi  này thì một thanh niên trong nhà chạy ra. Bằng một giọng  khá “nữ tính”, gã hết động viên, xoa dịu, doạ dẫm, rồi giằng co, cuối cùng cũng đưa được người đàn bà vào nhà. Trước khi khuất sau cánh cửa lớn, gã ném một tia nhìn vào mặt Kim. Kim không hiểu cái nhìn đó có ngụ ý gì, hay đơn giản là không ngụ ý gì cả, nhưng có cảm giác không thích. Tất nhiên, suốt buổi “thuyết trình” của gã, Kim đã trố mắt ra nhìn như một con ngốc thiếu tế nhị.

Khi được bà Hồng tiễn ra cửa, Kim không bỏ lỡ cơ hội thắc mắc:

“Sao bà ấy lại gọi cháu là San hở bác?”

Bà Hồng cười ngất:

“Dào ôi! Ai bà ấy chả gọi là San.” 

Kim về, chẳng bận tâm gì đến chuyện đó nữa.

Mấy ngày sau,  gã tìm đến Kim trên chiếc xe ô tô màu trắng sữa. Gã  nói muốn thuê Kim với một khoản tiền hậu hĩnh.

Và giờ thì Kim đã sống bên trong ngôi nhà đó, trong vai một tiểu chủ nhân. Việc của Kim rất đơn giản: Chẳng phải làm gì hết, chỉ việc là San, làm mọi việc tương tự như San, gọi bà chủ là mẹ như San. Mà San thì Kim ngờ rằng đã chết từ đời tám hoánh nào rồi.

 

Nhà họ có sáu người. Ông bà chủ, vợ chồng anh con cả, gã và cô út chưa chồng. Nhưng đến nhà họ “làm thuê” đã lâu, Kim vẫn chưa hề thấy họ gặp mặt đầy đủ. Có người này thì không có người khác. Có người về nhà lúc người kia đi, và đi khi người kia về. Ngoài “mẹ”,  Kim chỉ gặp nhiều nhất là gã. “Mẹ”  ốm đã lâu, hầu như không ra ngoài. Còn gã thì  chẳng phải làm gì cả, chỉ ở nhà để mắt đến mẹ và tự tay chế biến bánh flan cho hai mẹ con. Gã có chiêu dỗ mẹ bằng bánh flan, mỗi khi bà lên cơn “không bình thường”.  Bà Hồng bảo trước gã dong dỏng đẹp trai, từ ngày trở thành tín đồ của bánh flan gã mới phát phì như thế, và có cơ không chỉ dừng lại ở đó. “ Người ta nói rau nào sâu nấy, nó sắp biến thành sâu bánh flan đến nơi rồi” - Bà Hồng kể với giọng sầu đời.

Kim chẳng biết flan là thứ bánh quái quỷ gì, nhưng Kim cho rằng nó là thứ bánh nhà giàu. Không giàu sao gã lại mê tơi đến thế.

Một lần, Kim gặp gã đang ngốn ngấu một cách đầy say mê bánh flan trong phòng bếp.

Thấy Kim, gã vẫy lại gần, không thèm mời ăn bánh, (có mời Kim cũng cóc thèm) ra vẻ uể oải một lúc mới cất giọng kể cả:

“Mày vào nhà tao là sướng nhất quả đất rồi đấy. Mày không tin thì soi gương mà coi…”

Kim có khuôn mặt xinh xắn, nhưng nhìn tổng thể thì trông thật thảm hại. Mái tóc xù, luôn trong trạng thái phồng lên khiến cái đầu của Kim trở nên quá khổ so với cái cổ mảnh mai. Đã vậy, khi nhìn Kim bước đi, người ta luôn có cảm giác người Kim đang nghiêng về một bên và có thể thình lình đổ ập xuống đất bất cứ lúc nào. Người ngoài bảo Kim may mắn thừa hưởng vẻ thanh tao của khuôn mặt của mẹ, nhưng lại bất hạnh khi mang dáng dấp khắc khổ của cha. Cha bảo Kim đã không đi nghiêng một bên nếu có mẹ uốn nắn. Tóm lại, Kim ra nông nỗi ấy vì không còn mẹ. Người không còn mẹ rất bất hạnh. Người con gái không có mẹ còn bất hạnh hơn.

“…được như mày. Tao tính nát óc đấy chứ có phải không đâu. Chọn con nhà tử tế thì tốt quá. Nhưng có đứa ngu nào tử tế lại chịu đi làm con thuê. Chọn một đứa bụi đời quá dễ, nhưng không tin được. Nhỡ nửa đêm nó gọi đồng bọn vào cắt cổ cả nhà, cuỗm tiền vàng đi sạch thì có mà dở hơi. Thế nên tao mới chọn mày. Mày vừa nghèo vừa không bụi đời. Nhưng mà...”

Kim bỏ ra ngoài trước khi gã “turn off” cái loa rè. Thấy thái độ lấc cấc đó của Kim, gã gầm gừ “Thật là con nhà vô lối.”

 

…“Mẹ”, công bằng mà nói thì rất có dáng dấp một giai nhân, nhưng vì bệnh đã lâu, nên trông khá tiều tuỵ. Ở bên “mẹ”, đôi lúc Kim cũng cố hình dung về mẹ đẻ. Cha Kim bảo mẹ Kim rất xinh. Bà lấy ông vì lỡ có thai với người tình, dĩ nhiên là bị anh ta hắt hủi. Hoang thai đó là chị gái Kim. Bà chỉ trả nghĩa cho ông bằng sự có mặt của Kim trên đời, rồi đi…

“Mẹ” cả ngày chỉ ngồi xem ti vi và đọc sách. Việc thường xuyên nhất của “mẹ” khi Kim đến là giữ Kim khư khư, vạch tóc đòi bắt chấy. Kim không biết “mẹ” có xem, có hiểu, có cảm nhận gì ở những chuyện phim buồn tẻ trên ti vi hay những tiểu thuyết chữ to rẻ tiền không, nhưng việc những ngón tay của “mẹ” cào đến đau da đầu Kim chỉ để bắt một vài con chấy kềnh tưởng tượng thì Kim chỉ có hai mong muốn, một là choài ra bằng mọi giá, hai là bóp chặt cổ tay “mẹ” đến đau nhừ. Một lần Kim làm thế,  “mẹ” khóc, nhìn thật tội… Dĩ nhiên việc nào cũng hoàn toàn không dễ. Đôi tay lẩy bẩy mềm yếu của “mẹ” có thể hững hờ với bất cứ thứ gì, nhưng cứ túm được Kim là không dễ buông ra. Kim liên tưởng đôi bàn tay “mẹ” giống như đôi càng cua, khi kẹp vào ngón tay, người ta càng kêu la, càng cuống thì nó càng kẹp chặt. Nhiều lần “mẹ” giữ Kim cả buổi trong phòng, hết sục những ngón tay vào tóc Kim tìm chấy, lại hát chèo, rồi kể cho Kim hàng lô xích xông những chuyện đâu đó. Kim dĩ nhiên không hiểu, mà cũng chẳng cần hiểu, chỉ cần “mẹ” lơi tay là Kim biến mất.

Mà “mẹ”  hát chèo rất có nghề.

 

Gã không bao giờ mở miệng giải thích cái kiểu “giữ khư khư” Kim của mẹ gã (Kim cho rằng đó là sự ám ảnh về việc “mẹ” để San tuột khỏi tay mình, và hẳn San …rất nhiều chấy ), cũng chẳng buồn quan tâm đến việc Kim xoay sở kiểu gì trong tình huống ấy. Gã chỉ nhắc Kim làm tròn bổn phận khi thấy Kim với nét mặt cực kì hí hửng ngồi dưới gốc ngọc lan ngoài sân, còn mẹ gã thì cứ ỉ ôi gọi “San à, San ơi” không ngớt. Trong giao ước, gã yêu cầu Kim ngoài việc giả làm San, cứ làm những gì Kim thích, trừ việc đừng có tọc mạch vào chuyện gia đình gã. Một điều được gã nhấn mạnh - mà nếu vi phạm Kim sẽ bị đuổi việc ngay tức khắc - đó là đừng bao giờ đụng đến những vật dụng riêng tư trong phòng ngủ của “mẹ”. Để cảnh cáo thêm phần sống động, gã lấy ví dụ trước Kim đã có dăm bảy “San” bị đuổi việc vì không kiềm chế được lòng tham và thói tò mò tọc mạch.

Kim không phải là đứa tham lam, càng không thích tò mò, dẫu có là bí mật của thủ tướng Kim cũng không quan tâm. Nhưng Kim vẫn biết chuyện gia đình gã.

Kim biết chuyện của gia đình gã nhờ bà Hồng. San là con gái út của “mẹ”. San chẳng phải một đứa xinh đẹp đáng yêu gì, nhưng “mẹ” thương San vô cùng. Năm San khoảng mười bảy, đột nhiên không ốm đau bệnh tật gì mà lăn ra chết. San chết, “mẹ”  cũng đổ bệnh luôn. “Mẹ” mắc một tâm bệnh, cả ngày sống trong mơ hồ. Lạ là mọi việc trong quá khứ, mọi cái tên từng nghe, mọi khuôn mặt từng gặp, “mẹ” đều không quên, còn có thể nhắc lại những kỉ niệm xa xôi nào đó nữa. Chỉ riêng có việc của San là “mẹ” mơ hồ. Chuyện này được khẳng định rõ rệt nhất là khi con trai cả nảy ra sáng kiến thuê một đứa con gái chạc tuổi, mặt mũi hao hao như San về thay thế San. “Mẹ” quả nhiên coi nó như San, như báu vật trong đời…

Kim không thích những ý nghĩ ngấm ngầm trong đầu khi ở bên người dưng này. Đó là việc hằng ngày giả làm con bà ta, cố làm ra vẻ mình đã sắm được một bà mẹ danh giá, rồi lại hình dung về mẹ đẻ. Nếu mẹ để mất Kim trong một tình huống tương tự, liệu bà có phát điên không?

Không. Chắc chắn thế. Vì nếu có phát điên, mẹ chỉ phát điên vì chị gái Kim mà thôi.

Kim thường cảm thấy uể oải, mỏi mệt khi nạp những ý nghĩ đó vào đầu.

Vài lần Kim thử mua những tạp chí kiểu “hạnh phúc gia đình” về đọc, xem người ta làm mẹ như thế nào. Thật sáo rỗng, khuôn mẫu và chán ngắt. Những bà mẹ trong tạp chí chỉ là những bà mẹ điển hình của số đông, những bà mẹ Kim gặp trong số đông lại không điển hình. Vô vị. Kim vứt chúng vào xó bếp.

 

Lẽ ra Kim không bao giờ quan tâm đến sự tồn tại của ông chủ nếu một lần cha Kim không hỏi về ông. Tất nhiên lúc đó Kim không thể trả lời cha. Câu trả lời đến với Kim vào một hôm khác.

Một buổi trưa, từ phòng “mẹ” chạy xuống, Kim đã vô ý đâm sầm vào ông chủ. Cú đâm khiến Kim ngã quay đơ ra sàn. Ông ta giầu sụ, nhưng gầy đét, khuôn mặt choắt với đôi mắt hung dữ. Đôi mắt xoáy vào Kim một tia lạnh lẽo khinh miệt. Mãnh lực của sự khinh miệt trong cái nhìn của ông ta  rất khủng khiếp.

Kim nghĩ ông ta sẽ bỏ qua cho lỗi vô ý đó, trừng phạt bằng cái nhìn như thế là vừa đủ, nếu như “mẹ” không từ trên tầng chạy xuống, vồ lấy Kim và kêu ầm ĩ : “San con ơi. Ông định giết con tôi lần nữa đấy hả? Ông là đồ khốn nạn.”

Ái chà. Thật là một cơn thịnh nộ cuồng phong. Kim bị bóp nghiến trong tay “mẹ” khi bà vừa lay, vừa lắc.

 Ông ta dửng dưng nhìn “hai mẹ con”. (Kim đã gặp nhiều sự dửng dưng trên đời, nhưng chưa bao giờ thấy một sự dửng dưng đáng nhớ đến thế.) Sau đó,  thản nhiên nhỏ toẹt một bãi nước bọt trước mặt vợ, rồi mới bỏ đi.

Kim không kể chuyện đó cho cha. Đơn giản, Kim sợ vì thế mà cha sẽ bắt Kim phải về. Việc Kim đến nhà họ “làm San” đã được chi trả một khoản tiền khá (dù cha không muốn). Nhưng Kim kể chuyện đó cho bà Hồng. Bà Hồng nghe với vẻ dửng dưng (lại dửng dưng). Kim không còn ngạc nhiên khi gặp quá nhiều nỗi dửng dưng như thế trong nhà này như những ngày đầu. Nhưng bà Hồng nhỏ nhẹ trước khi rời bếp : “Cháu không thấy các cô cậu nhà này chẳng ai giống ai à?”

 

Kim thường xuyên gặp gã chế bánh flan trong bếp. Một lần như thế, (hẳn đêm trước điều gì đó khiến gã hào hứng, như được người tình tặng quà, hay đội bóng của gã chiến thắng chẳng hạn, mà…) trông thấy Kim, gã vui vẻ vẫy Kim lại, thậm chí còn yêu cầu Kim khuấy giúp gã tô trứng gà. Gã giải thích đơn giản rằng món bánh này phải làm thủ công mới ngon, chứ cho vào máy quay tít thì vô vị. Thế là, trong không khí  thân mật hiếm hoi, gã kể mối tơ duyên với bánh flan của mình.

Câu chuyện xảy ra trong một bộ phim dành cho thiếu niên của Nhật Bản. Bối cảnh phim là một trường trung học. Ở đây mỗi ngày đều xảy ra một sự việc  rất lạ lùng: Cứ đúng 12 giờ trưa là hàng trăm học sinh cùng chạy đến căngtin để mua bằng được cho mình một chiếc bánh flan.

Vấn đề là để mua được bánh, họ đã phải chạy đua với nhau, giành giật rất kịch liệt. Và ngày nào cũng thế, chiến thắng chỉ 12 người, vì mỗi ngày căngtin chỉ bán đúng 12 chiếc bánh mà thôi.

Những chiếc bánh flan đó hẳn là rất tuyệt vời? Đương nhiên. Nếu không tuyệt vời thì không thể khiến ngần đó học sinh dồn tâm dồn sức cho cuộc chạy đua trở thành một trong 12 chủ nhân của 12 chiếc bánh “thần tiên” kia.

“Mày có bao giờ nghĩ, nếu mày là thằng cha bán bánh kia, nếu mỗi ngày đều có hàng trăm học sinh cùng muốn mua bánh đến thế, mày có thể sản xuất hàng loạt và bán đại trà, đem lại một nguồn thu lớn, nhanh chóng làm giàu. Nhưng tại sao mày lại chỉ bán 12 chiếc bánh mỗi ngày mà không bán nhiều hơn? Mày có nghĩ hoạ ngu mới không nhìn thấy món hời ấy không?”

Gã hỏi chỉ để hỏi. Tất nhiên. Kim cũng không buồn trả lời. Kim mải nghĩ đến San. Cuối cùng, sau bao nhiêu ngày giả làm cô ta, Kim đã nhìn thấy cô ta trong ảnh:

“Mẹ” chỉ sống quẩn quanh trong căn phòng tít tận tầng năm của ngôi nhà to rộng như một tiểu cung điện vua chúa. Bao quanh ban công là những tấm lưới sắt dày vô cùng vững chắc. Ban đầu Kim nghĩ chúng dùng để ngăn không cho quần áo phơi trên tầng khỏi bay tứ tung, hoặc chim trời vô ý sa xuống (người ta bảo chim sa cá nhảy là hoạ vô đơn chí, độc lắm, xui lắm.) Nhưng Kim chưa từng thấy người làm phơi quần áo trên tầng năm bao giờ.

Một lần, trong lúc hiếm hoi không có ai ở nhà, để khuấy động không khí buồn tẻ, Kim trêu “mẹ” bằng việc nói Kim phải đi học. Nhưng dù có dỗ ngon ngọt, nói lý kiểu gì “mẹ” cũng không chịu cho Kim đi. “Mẹ” bảo mẹ rất nhiều tiền, con không phải đi học làm cho cho mệt óc, mai sau vẫn sung sướng như bà chúa ông hoàng.

 Bà Hồng bảo mấy người con của “mẹ” chẳng ai phải mất công học hành gì cả mà cũng có bằng cấp cao, mỗi người có tới ba, bốn cái xe, thích đi xe gì thì đi. Ngày tháng trong đời họ chỉ quẩn quanh với mấy khái niệm du lịch, tiêu xài, hưởng thụ. Trang sức treo lủng lẳng đầy người, nếu có ngã cũng không đứng dậy được vì vàng.

“Có một bộ phim, tao xem lâu lắm rồi, nhưng tên phim thì là cái mẹ gì tao cũng không nhớ nữa. Đại khái nói về một nhà chuyên làm bánh truyền thống ở Nhật. Eo ơi, người Nhật coi trọng chữ tín kinh khủng khiếp. Tóm lại là rất gàn dở. Gàn dở nhưng mà …hay.”

Đó là một bộ phim truyền hình Nhật chiếu trên ti vi ta cách đây nhiều năm. Bộ phim kể về một gia đình có nghề truyền thống làm bánh. Cửa hàng bánh của họ rất có uy tín, và để tồn tại qua nhiều thế hệ, họ đã trải qua rất nhiều gian nan thử thách.

Cũng như các nước nhanh phát triển trên thế giới, nước Nhật cũng mỗi ngày một thay da đổi thịt. Trong bối cảnh đó, cửa hàng bánh đã chênh chao đứng ở gianh giới giữa truyền thống và hiện đại. Để bắt nhịp với thời cuộc, họ đã sản xuất bánh với số lượng đại trà, đổi mới các công thức chế biến, đem lại một cuộc cách mạng về bánh. Khách hàng cũng đón nhận rất nhiệt tình những thành quả ấy.

Nhưng …cuối cùng, chính khách hàng lại quay lưng. Họ đã đi qua cơn say nắng, và khi tỉnh lại trong bóng râm, họ nhận ra rằng họ không thể chấp nhận thứ bánh sản xuất đại trà bởi những cỗ máy công nghiệp, thiếu “tâm huyết”, “tình cảm” của một con người.

Khi đó, nhiều người xem phim cho rằng có lẽ người Nhật quá khó tính không chỉ trong lĩnh vực ẩm thực, mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa. Làm sao họ cứ phải tự làm khổ mình chỉ vì mấy thứ gọi là truyền thống chi cho mệt. Cứ cho rằng nước Nhật để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách quốc tế chính vì họ đã gìn giữ văn hoá truyền thống của mình như báu vật, nhưng trong khi đó nước Mỹ đâu có cần văn hoá truyền thống mà vẫn hoành tráng toàn cầu đấy thôi…Nói chung là người ta đã bực mình với nhân vật trong phim và liên hệ thực tế như thế.

 

Kim hay chơi ác. Khi cảm thấy mình đang dắt mũi ai đó, Kim luôn muốn dồn họ đến cùng.

Ngày nọ, Kim bày một trò mới. Nhân khi “mẹ” lơ là, Kim lẻn đi rất nhanh. Nhưng không phải đi xuống nhà dưới, mà trốn vào sâu trong phòng ngủ. Từ bên trong, Kim có thể nhìn rất rõ những việc “mẹ”  làm.

“Mẹ”, hỡi ôi, giống hệt một kẻ tham lam nào đó bị kẻ trộm cuỗm sạch sành sanh số tiền vàng nhiều năm ki cóp.

Điều Kim ít ngờ đến là “mẹ” lồng lên gào khóc. Nhưng lạ là “mẹ” không chạy xuống nhà dưới tìm Kim, mà vật vã trên sàn. Kêu khóc một hồi, đột nhiên “mẹ” chạy ra lan can, cứ thế móc tay vào những mắt lưới sắt mà giằng mà giật. Ý chừng muốn nhảy xuống bên dưới mà những mắt lưới chết tiệt không chịu tránh ra. Khi bà Hồng chạy lên đến nơi, “mẹ” đã rũ xuống, miệng sùi bọt, như thể vừa uống một chai thuốc sâu kịch độc.

Bà Hồng bảo, mỗi khi lên cơn nhớ San, “mẹ” thường tìm cách nhảy lầu. Lạ là chả bao giờ “mẹ” thành công. Cứ như San vô cùng linh thiêng, xui khiến người ta đến cứu mẹ cô ta kịp thời. Rồi lại chính anh con cả đưa ra sáng kiến vây lưới sắt quanh tầng năm của “mẹ”. Từ ngày có lưới sắt, cả nhà họ yên chí hẳn, vì “mẹ” chỉ có một cách muốn chết là nhảy lầu thôi.  

Có lần độc diễn xong một tích chèo ngắn, trả lời câu hỏi lớ ngớ của Kim, “mẹ” trách Kim mau quên. “Mẹ trước làm ở đoàn văn công Sao Mai, toàn thủ vai nữ chính. Gặp và lấy bố con mới thôi đấy.”

Rồi “mẹ” ngồi thụp xuống, vuốt má Kim, thình lình khóc, nước mắt ròng ròng.

“Bố con hát chèo hay nhất đoàn cơ đấy.”

Một hôm khác, sau khi hát xong, “mẹ” đột ngột buồn hiu: “San à. Bố con ghét đàn hát xướng ca biết bao. Ông ấy chỉ giỏi tán gái, cái mồm dẻo có chòi có chóp. Không thế làm sao lấy được vợ văn công…”

Lâu dần, Kim mơ hồ về câu chuyện mơ hồ của “mẹ”. Sống với người mơ hồ mãi, không khéo Kim lây rồi cũng nên…

…Thực tình, việc trêu chọc khiến “mẹ” “lên cơn” sùi bọt mép làm Kim sợ. Mà bà Hồng thì như kì đà, thình lình cản đường thoái lui của Kim. Nép chặt vào tấm ri đô cuối góc phòng, Kim nín thở chờ mọi việc chậm chạp trôi qua.

Căn phòng rộng, chia làm hai ngăn nhỏ, một ngăn làm “phòng khách”, đặt ti vi, các đồ dùng, thiết bị khác, một ngăn chỉ để giường ngủ, tủ quần áo, bàn viết. Có lẽ đây chính là nơi bí mật mà gã từng cảnh báo Kim trước đây.

Phòng ngủ sang trọng, nhưng vẫn phảng phất một mùi gì đó. Không phải mùi hôi, mà là một thứ mùi khó tả. Có thể đó là một mùi đặc biệt của sự mơ hồ, cô đơn, sầu muộn.

Việc khiến Kim hoảng sợ hóa ra bà Hồng xử lí quá đơn giản. Bà ta chỉ việc đỡ chủ của mình vào phòng, lấy khăn ướt lau miệng, mặt mũi cho chủ, rồi dỗ chủ đi nằm. Sau đó bà ta mở đầu đĩa, cho quay ới a một chương trình hát chèo.

Thế là “mẹ”  ngoan ngoãn nằm im như một em bé. Lúc sau đã ngủ.

Còn lại một mình, Kim vẩn vơ trong căn phòng,  và rồi một ý nghĩ thôi thúc sự tò mò vốn chìm sâu trong tiềm thức - ở đây là hoàn cảnh tạo nghiệp chướng - Kim bắt đầu muốn chạm tay vào những thứ mà Kim nghi nó chứa những bí mật có liên quan đến người đàn bà kì lạ đang ngủ kia.

 Trên chiếc bàn giấy được điểm trang bởi một bình hoa hồng, Kim thấy vài bức ảnh lồng khung kính.

Ảnh chụp “mẹ” khi còn trẻ. Rất xinh, trong bộ lụa sân khấu, hay xiêm y của một công chúa cổ xưa. Mọi người thường hay nịnh bợ bản thân một cách quá đáng, họ hay trưng những bức ảnh thời trẻ đẹp để gặm nhấm những dư vị ngọt ngào nuối tiếc. Mấy bức ảnh kiểu này Kim đã thấy treo dưới phòng khách. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Đáng ngạc nhiên là một bức ảnh chụp “mẹ” bên một cô gái nhỏ. Cô gái gầy gò, đôi mắt mở to, cái miệng nhỏ xinh, hình trái tim như mỹ nhân trong tranh.

Hẳn đó là San.

 

Bà Hồng cũng không phải người trung thành tuyệt đối với chủ. Khi chỉ có Kim, bà ta vẫn nói xấu chuyện nhà chủ như những người thích ngồi lê khác. Chẳng hạn như vợ chồng anh cả lười chảy thây, ăn chơi như phá mả. Cô con gái út mấy lần hút thai, giàu mà toàn chơi với mấy thằng ngu. Hay bản thân ông chủ xuất thân cũng vớ vẩn, chỉ giỏi mồm mép và đi lên từ lừa lọc. Nghe đồn ông đã dùng thủ đoạn “kiến tha lâu cũng đầy tổ” (chả biết Tôn Tử binh pháp gọi là kế gì) đục khoét toàn bộ gia sản của một người bạn có vợ chết trẻ (đến nỗi ông này phát điên ( lại điên ) và chết trong cô độc) để làm nền tảng bước vào thương trường. “Kiến” này đương nhiên không phải ông, mà là…vợ ông. Người vợ văn công xinh đẹp…

Mà ông bạn xấu số này không phải là trường hợp duy nhất.

Tuy nhiên, họ không vô công, ít ra họ cũng để lại cho vợ chồng ông một vài kỉ niệm.

Đại khái thế.

 

 Trở lại câu chuyện về 12 chiếc bánh flan. Đây là câu chuyện xảy ra trong căngtin của một trường trung học. Phải chăng 12 chiếc bánh này quá đắt đến nỗi ai trả nhiều tiền hơn sẽ được ăn? Không phải vậy. Nó chỉ là những chiếc bánh là học sinh nào cũng có thể mua được.

 Nhân vật chính của phim này rất mê mẩn những chiếc bánh flan. Anh ta chỉ một lần duy nhất được thưởng thức do mạo hiểm với tính mạng mà có được. ( Điều này có nghĩa là nhiều em học sinh ở đây chỉ coi chiếc bánh flan là niềm mơ ước xa vời) Nhưng khi được đàn em dùng vũ lực đoạt lấy 12 chiếc bánh flan cho anh ta thưởng thức, thì anh ta vô cùng tức giận, rằng điều thú vị, sức hấp dẫn và vị ngon tuyệt vời nhất của 12 chiếc bánh mỗi ngày chính là việc nó đã khiến người ta phải dùng hết khả năng sức lực, trí tuệ của bản thân giành được. Nếu đoạt được nó dễ dàng, thì 12 chiếc bánh đó đều vô nghĩa.

…Tất cả những cánh cửa tủ đều treo lủng lẳng chùm chìa khoá của chính nó (như một cái bẫy cố ra vẻ hớ hênh). Có thể bên trong chứa đầy tiền vàng, cũng có thể không gì cả ngoài chiếc camera nhỏ xíu, luôn sẵn sàng ghi hình kẻ tham lam nào đó và truyền về “tổng đài” đâu đó trong căn nhà rộng lớn.

Kim sẽ không mở chúng, vì Kim không tham. Kim chỉ tò mò, ít ra thì lúc này là vậy.

Cuốn album ảnh to với bìa bằng da nâu đồ sộ như cuốn biên niên sử thế giới nằm khiêu khích bên góc bàn.

“Hãy mở tớ đi!” – Nó nài nỉ.

Album chứa những bức ảnh rất đẹp. Có một vài khuôn mặt Kim từng gặp đâu đó.

 Đôi mắt lạnh của anh cả nhà họ. Nhưng già dặn hơn.

Những bữa tiệc ngồn ngộn thức ăn và đám thực khách đang hỉ hả cụng ly.

 Khuôn mặt tròn xoay và đôi mắt nhỏ xíu của gã. Nhưng cổ xưa hơn.

Mấy người đang thành tâm khấn vái trước Bồ Tát Quân Âm ở một ngôi chùa nào đó.

 Đôi môi mỏng cong cớn, cái mặt lưỡi cày của cô chủ “hút thai” cắm trên cổ một người đàn ông.

 Một cô gái điệu đà tạo dáng bên một đoá hoa hồng.

Một đứa trẻ lẫm chẫm đi, tay ôm con thú bông.

Một hoàng tử khoác long bào, đeo gươm bên hông, mím môi, liếc mắt về phía một thôn nữ (“mẹ”) bên suối.

Kim từng thấy đôi mắt này, cái miệng này ở đâu đó…

…Cầm bức ảnh trên tay, tim Kim nhảy chồm chồm trong lồng ngực, rồi tức thì nó bị cái gì đó như khối đá băng đè nghiến lên, nặng nề và lạnh buốt.

 

…Gã đơn phương kết thúc hợp đồng. Kim không ăn cắp, không tọc mạch, nhưng đã làm tổn thương tâm lý bà chủ một cách “nghiêm trọng”. Bây giờ bà ta thậm chí còn mơ hồ hơn cả mơ hồ. Nói khác đi, Kim là đứa con thuê tai quái nhất trong số những đứa tai quái từng làm con thuê nhà họ.

“Tao nghĩ bọn này có cách giáo dục thanh thiếu niên hay như thế, hèn gì đất nước nó nguyên tắc, tự nguyện và văn minh đến thế. Muốn ăn thì phải bỏ công sức hẳn hoi, phải vận động. Vấn đề là ở chỗ ấy, chứ chẳng phải bí quyết mẹ gì ở những cái bánh.”

Gã nói đúng. Với Kim, cái gì thuộc về gã cũng tệ, riêng câu đó thì Kim chấp nhận.

Kim đến viếng một “mẹ” một lần duy nhất, khi cỏ đã xanh trên lớp đất vàng nâu, và những bông hoa giả trên những vòng hoa to sụ đã bợt hết màu theo mưa gió.

Ông chủ làm ma cho vợ theo kiểu bình dân.

Kim không quan tâm đến điều đó.

 Kim cũng chẳng có gì để nói với người dưới mộ.

Kim chỉ nghĩ đến câu chuyện về 12 chiếc bánh flan mà gã kể. Có còn gì mà câu chuyện muốn nói và gã không nhận ra. Hay là không phải cứ có tiền là mua được những gì mình muốn?

Kim đặt bức ảnh hoàng tử khoác long bào cùng bức ảnh mẹ con San trên xanh mộ. Kim tin họ thuộc về nhau.

Đó là thứ duy nhất Kim lấy cắp.

Kim làm đĩa bánh flan đầu tiên theo cách học lỏm từ gã. Khi thưởng thức, thấy thất vọng. Bánh quá ngậy và béo, nên nhanh chán.

 

Hà Nội tháng 4 năm 2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...