Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Mối tình đầu của tôi" - Sơn Yên

(Xin cảm ơn H đã cho tôi cảm hứng để viết truyện ngắn này)

Sơn Yên - 25-07-2011 05:13:10 PM

Nếu yêu có nghĩa là thương, là hờn, là giận, là ghen tuông... thì chắc chắn, tôi là người biết yêu sớm nhất trần gian! Tôi yêu từ năm lên sáu, khi đang học vỡ lòng.

Người tôi yêu, tên Hiền, cô bé xinh đẹp nhất trên đời, cùng học lớp vỡ lòng, cũng là người hàng xóm của tôi. Lớp vỡ lòng do thầy Tuân đảm trách. Nhà thầy Tuân ở cùng phố với tôi và Hiền, phố Lê Bình. Đó là một ông già béo phịch, hói và lùn. Đặc biệt thầy có cái mũi rất to, sần sùi, đỏ như một trái cà chua. Cái mũi của thầy Tuân rất nhạy cảm. Mỗi khi thầy giận, nó nở to một cách khủng khiếp, sần tấy lên, xạm đen lại, hệt một quả cam sành. Cái mũi của thầy là nỗi sợ hãi, ám ảnh ghê gớm đối với tất cả lũ trẻ chúng tôi, nhất là Hiền. Không hiểu vì sao thầy Tuân không ưa Hiền. Thầy hay xoi mói, để ý cô bé nhiều hơn so với những học trò khác. Có lẽ là do Hiền quá xinh đẹp, quá nổi bật với cái dáng cao gầy, mảnh khảnh quá khổ. Với nữa, lúc nào Hiền cũng mặc váy, đặc biệt là luôn cài một cái chiếc băng đô đỏ trên đầu.

Vợ thầy Tuân bán nước mắm ngoài chợ. Chắc chắn đó là nỗi xấu hổ lớn lao trong cuộc đời thầy. Bởi thế, thầy Tuân đặc biệt dị ứng với cụm từ “bán nước mắm”. Một hôm Hiền đang mải chơi với một con bọ cam xanh biếc rất dễ thương, tình cờ bay đến chỗ cô, thì thầy Tuân nhìn thấy. Thầy gọi cô lên bảng. “Năm cộng năm bằng mấy? Thầy hỏi. “Thưa thầy... bằng mười”. Hiền lúng búng. “Mấy?’ Thầy quát. “Thưa thầy... mười một”. Cái mũi của thầy bắt đầu ửng lên, chành ra. Thầy Tuân bắt Hiền đặt hai bàn tay lên bàn, thầy cầm một cái thước gỗ to, đen bóng, dứ dứ, nhịp theo mỗi câu hỏi. Cái thước ấy đã bao lần thầy vụt vào mông, vào người, vào tay chúng tôi. Đau lắm. Đó là hình phạt hãi hùng nhất đối với bất cứ ai. “Tay nào bắt bọ? Nói?!”. “Tại sao không thuộc bài?”. Mặt Hiền xanh mét, toàn thân run bắn... Cái thước trong tay thầy Tuân dơ lên thật cao. “Nói!” Hiền co rúm người, nước từ đâu đó chảy xuống đôi chân để trần của cô hai dòng sáng loáng.

“Tuân bán nước mắm!” Tôi hét lên. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra nữa. Chỉ biết, trước khi trận mưa thước vụt vào đầu, vào người, tôi chợt nhìn thấy cái mũi của thầy Tuân bỗng nở to lên một cách khủng khiếp, đỏ tấy lên, rồi tím đen lại. Thầy nhìn tôi trân trân. Cái nhìn của kẻ chưa thấy ma bao giờ! Nhưng tôi không thèm bận tâm. Tôi nhìn thấy đôi chân trắng ngần, lấp lánh nước vụt chạy ra xa ...

*

Nàng không yêu tôi. Nàng hờ hững một cách hết sức tự nhiên. Mặc dầu vậy, tình yêu của tôi dành cho nàng không vì thế mà vơi cạn. Ngược lại, tôi ngày càng yêu nàng đắm say. Và có lẽ, tình yêu của tôi đã có thể được đền đáp nếu như hắn không xuất hiện. Hắn đã chen vào giữa hai chúng tôi, trở thành nhân vật chính, đẩy tôi ra rìa.

Hè năm sau, chia tay lớp vỡ lòng khủng khiếp, chúng tôi cùng lên lớp một, hắn bỗng nhiên xuất hiện trong khu phố chúng tôi. Quần soóc , áo kẻ ca rô đen trắng, gương mặt điển trai ra dáng thị thành. Đấy là tất cả những gì tôi cảm nhận khi lần đầu tiên gặp hắn. Đó là một buổi chiều định mệnh. Chúng tôi, tôi và nàng, đang bên nhau, chuẩn bị chơi trò “mẹ con”. Hắn xuất hiện, rất tự nhiên với một cục đất sét màu vàng nâu trên tay và lời đề nghị được cùng chơi. Sau màn giới thiệu tên, hắn chê trò chơi “mẹ con” của chúng tôi không hay, nặn đất sét hay hơn, rồi ngay lập tức, hắn véo một cục đất sét nhỏ bắt đầu vê, nặn. Mười ngón tay của hắn như có ma. Cục đất sét trong tay hắn thoáng chốc đã trở thành con hươu có cái cổ cao nhòng. Lại nữa, chỉ một loáng sau, một cục sét nhỏ khác đã biến thành một chú chó. Một chú chó gầy dơ xương, ốm tong teo, trông thực đáng thương nhưng cực kỳ sinh động. “Tớ thích một con bướm cơ”! Nàng nói. Ngay lập tức một con bướm có đôi cánh mỏng tang, hai cái râu dài được đặt trịnh trọng trước mặt nàng. Con bướm sống động đến nỗi như nó sắp sửa vỗ cánh bay lên. “Ôi! Mê tơi”! Nàng thốt lên.

... Có một cái gì đó đang vò xé trái tim tôi, làm tôi đau đớn cực kỳ. Tôi nhìn hắn, nhìn những con vật bằng đất sét hắn vắt rất đẹp và sống động, rồi nhìn nàng đang tròn xoe mắt ngắm nhìn chú bướm, chợt nhận ra tôi đã mất nàng. Trẻ con vốn trong trẻo và tốt bụng. Bởi thế trong tôi không chứa chất tình cảm đố kị, ganh ghét, nhưng tôi cảm nhận rất rõ mình vừa bị tước mất một thứ gì đó thật ý nghĩa, thật lớn lao! Cảm giác đó làm tôi đau nhói và buồn vô hạn. Ít nhất thì buổi chiều hôm đó tôi cũng đã không thể chơi trò “mẹ con” cùng nàng. Trò chơi mà lúc nào tôi cũng thấy thích thú và đầy hứng khởi. Nàng làm mẹ. Tôi làm bố - Tất nhiên! Con là một cuộn vải nhỏ được chúng tôi tự làm, trông hệt một chú búp bê, có khăn quàng đỏ ở cổ hẳn hoi. Tôi lấy một chiếc chiếu đôi, uốn vòm cong làm nhà. Ba chúng tôi - Bố, mẹ và con ở trong nhà, nấu cơm hoặc khâu vá, hoặc làm bất kỳ chuyện gì đó. Chơi chán, nàng nằm ru con ngủ. Những lúc đó, tôi bỏ ra ngoài, đi loanh quanh, lăng xăng ngó nghiêng lâng láo hệt như một chú gà trống hay một con sói... trông coi cái tổ ấm của mình. Tôi thích nhất trò chơi đó, bởi chỉ có tôi và nàng tham gia, chỉ duy nhất mình tôi được ở bên nàng. Với nữa, khi đi quanh quanh nhà canh chừng mẹ con nàng ngủ, tôi cảm thấy mình thực sự là kẻ mạnh mẽ, đầy uy lực, đang làm một công việc hết sức trọng đại và trách nhiệm.

Có một lần nàng nằm ru con và ngủ quên. Đó là một buổi chiều hè không oi nắng như mọi buổi chiều hè miền Trung khác. Và có gió nữa. Cơn gió nồm mát rượi hiếm hoi. Nàng nằm ngủ trong tư thế thoải mái, tự nhiên, chân go, chân duỗi. Váy nàng tốc ngược lên. Nàng không mặc quần lót. Tôi đang đi tuần tra quanh nhà, thấy im ắng quá nên chui vào kiểm tra. Và... Tôi nhìn thấy... Một cái gì đó thật chói lọi, huy hoàng, đầy sức quyến rũ, mê hoặc đập vào mắt tôi. Nó thật lộng lẫy, nguy nga. Nó thôi miên cái nhìn của tôi, chẳng thể nào dứt ra được. Nó như một miền đồi lùm lùm, hơi nhô cao, bạt ngàn giữa đôi chân trắng ngọc của nàng. Nó có màu hồng nhạt, hơi hé mở bí ẩn, diệu huyền như khe suối trong vắt giữa rừng đại ngàn buổi ban mai sương che mờ tỏ; ngát hương thơm, mùi hương kỳ bí, ngây ngất của muôn vàn cây cỏ, lá hoa. Nó rất gợi, vừa sống động vừa trữ tình như mời gọi, lại vừa bí ẩn xa xôi, ngăn cách.

Tuổi thơ tôi gắn liền với những trò chơi miên man. Tôi đã từng ngẩn ngơ trước vẻ lộng lẫy, sặc sỡ của chú bướm ma, ánh mắt thao thiết của con chim én trước gió xuân, hay dáng vẻ e ấp của bông hồng vừa hé nụ; cả cái dáng nghiêng nghiêng cong vút, điệu đà hết mực của chú cá rô thia bảy màu phô diễn trước bạn tình... Nhưng quả thực, chưa từng có một thứ gì đó mang lại cảm xúc mãnh liệt đến nghẹn ngào cho tôi như cái đó của nàng. Cho mãi đến sau này, khi đã lớn khôn, đã trở thành một người đàn ông thực sự, tôi vẫn không thể nào quên được cảm xúc của mình khi lần đầu tiên nhìn thấy báu vật của nàng! Và khi đã trở thành một nhà địa chất thực thụ, có dịp đi khắp mọi nơi, có dịp chiêm ngưỡng muôn vàn cảnh tượng thiên nhiên kỳ vĩ, huyền bí, ở tận miền rừng sâu, núi thẳm, chưa có dấu chân người: một miền thảo nguyên bạt ngàn hoa dại rực vàng miên man, một khe suối nguồn trong vắt trinh trắng, một thác nước hùng vĩ ào ạt từ trên trời đổ xuống... vẫn không gì có thể gây cho tôi xúc cảm mãnh liệt, dạt dào như khi tôi lần đầu tiên nhìn thấy cái đó của nàng!

Tuổi thơ tôi gắn với Nàng bởi rất nhiều những trò chơi. Cuối dãy phố chúng tôi ở có một góc ngã tư. Ở đó có một khoảng đất trống, có vòi nước công cộng mà mỗi sáng, mỗi chiều tối người trong phố thường ra xếp hàng gánh nước. Cột nước, cũng là một cái cột mốc, xây bằng xi măng hình trụ tứ diện. Cái cột được xây từ lâu lắm rồi, cũ xì, nhẵn thín. Trên một mặt cột có ghi hàng chữ: “T.P.H.A.B.R.C.P”. Chẳng biết sao, tất cả lũ trẻ trong phố chúng tôi đều đọc là: “Thằng Pháp hay ăn bún rau cháo phở”. Cái cột mốc ấy, ngoài tôi ra, chẳng ai để ý. Góc ngã tư có cái cột đèn, cũng bằng xi măng, xám mốc, cũ kỹ, trên có ngọn đèn tròn, tối tối buông một thứ ánh sáng tù mù, vàng ệch. Buổi tối, bọn trẻ chúng tôi thường tập trung chơi ở đó. Thôi thì đủ trò: đánh trận giả, đánh chuyền chắt, rồng rắn, bịt mắt bắt dê... Đôi khi lũ con gái tụ tập múa hát. Cũng hiếm hoi, bởi mỗi lần múa hát chúng phải nhờ cha tôi đệm đàn. Cha tôi có cây đàn măng-đô-lin có nhiều dây bằng sợi thép lấy ra từ dây phanh xe đạp, nhưng tiếng đàn nghe vẫn rất hay. “Là là rê mi rê...”. Hoặc bài: “Xòn xòn xòn đô xòn. Xòn xòn xòn đố rê...”. Tiếng đàn réo rắt, âm vang. Lũ con gái múa rất dẻo, rất đẹp. Mỗi lần như thế bọn con trai chúng tôi thường bỏ chơi trận giả hoặc kéo co, kéo đến bu quanh bọn con gái xem. Cả những người đi đường cũng vậy. Vui đáo để. Tôi không thích múa hát nhưng vì nàng là nhân vật trung tâm (bao giờ cũng vậy): đôi chân dài, thẳng băng như chân sếu, chiếc váy xinh xắn, chiếc băng đô đỏ cài trên đầu, nên lần nào tôi cũng có mặt, thậm chí, còn biểu lộ ra mặt niềm tự hào vì mình là bạn của nàng nữa mỗi khi có ai đó chỉ trỏ, hỏi han.

Tất cả những trò chơi vui vẻ đối với tôi đều trở nên nhạt nhẽo, chán ngắt từ khi hắn xuất hiện. Nàng quá ngưỡng mộ tài năng của hắn, bởi thế, trong mắt nàng giờ đây tôi hầu như không còn tồn tại. Tôi ghen với hắn. Tôi giận nàng. Sâu thẳm trong tâm hồn tôi là một nỗi buồn vô tận, ngày một lớn dần lên. Tôi  là một cậu bé con, tâm hồn tôi trong sáng, bởi thế lòng tôi không biết căm thù. Chưa bao giờ tôi có ý định trả thù nàng hoặc hắn. Nhưng tôi buồn lắm. Tôi ghét nàng nên dần bỏ tất cả những cuộc chơi có nàng tham dự. Nhưng tôi càng nhớ nàng nhiều hơn. Nhớ trò chơi “mẹ con” nhiều hơn...

 Chuyện buồn vui của tôi chấm dứt nhanh chóng vì chiến tranh bùng nổ. Những chiếc máy bay phản lực của giặc Mỹ dữ tợn xuất hiện ngày càng nhiều trên bầu trời. Tiếng gầm rú của nó như xé toang mọi thứ. Bom đạn nổ ầm ầm. Nhà cửa đường sá bị phá hoại, người chết, người bị thương rất nhiều...

Chúng tôi được lệnh đi sơ tán gấp. Tôi theo cha mẹ lên sinh sống ở một vùng sơn cước, là nơi mà cha tôi xin được một chân dạy học. Từ đó bặt tin nàng.

Một năm sau, từ nơi sơ tán có lần tôi trốn học tìm về khu phố nhỏ của tôi. Nói một cách thi vị là tôi tìm về nơi tuổi thơ bình yên của tôi, tìm về với nàng, với tình yêu của tôi. Không ngoa! Bởi nếu không như thế sao một đứa trẻ tám tuổi, học lớp hai như tôi lại dám bỏ học, đi bộ mười mấy cây số, dằng dặc cả ngày dưới bom đạn chỉ để về thăm lại chốn xưa?! Thị xã Hà Tĩnh quê tôi, cái thị xã “bé như lòng bàn tay” - như sau này chúng tôi vẫn nói, lúc đó đối với tôi là cực kỳ đẹp, thơ mộng và lớn nữa. Tuổi thơ tôi chưa kịp đi hết chu vi thị xã. Nhưng tôi rất hạnh phúc vì đã có dịp được đi xem phim ở rạp chiếu bóng, xem kịch ở Nhà hát, hay xem đá bóng ở sân vận động trung tâm... Nhưng giờ đây chẳng còn gì nữa. Tất cả đều đổ nát. Tất cả đều bị san bằng bởi bom đạn Mỹ. Tôi chạy như bay, băng qua những con phố không còn thấy bóng người. Phố Lê Bình của tôi đây rồi. Nhưng nhà tôi, nhà nàng, và những căn nhà khác; cả nhà thầy Tuân nữa, đã cháy rụi, bừa bộn, tan hoang... Tôi đứng ngó trân trân cái khoảng không trống vắng trước mặt, giờ chỉ còn là hai cái nền đất, một lúc rất lâu. Không thấy nàng! Nàng đã không xuất hiện như trong truyện cổ tích, như tôi vẫn thầm mong trong suốt quãng đường mười lăm cây số từ nơi sơ tán chạy về đây. Nhà cửa không còn. Cây cột điện gãy ngang, đổ sụp xuống, trơ những cọng sắt đen sì. Chỉ duy nhất cây cột “Thằng Pháp hay ăn...” vẫn còn nguyên vẹn, như một chứng tích.

... Tiếng máy bay gầm rú đâu đó trên bầu trời kéo tôi về với thực tại. Tôi cắm đầu chạy một mạch trở về.

Thời gian trôi đi. Chiến tranh cứ kéo dài mãi. Nàng - mối tình đầu của tôi - tuổi thơ bé bỏng của tôi, khép dần vào đâu đó, một góc sâu kín nhất trong tâm hồn tôi. Cả hắn nữa, tôi chỉ còn nhớ hắn tên Thành, đẹp trai và có tài vắt đất sét...

*

Năm 1972, mười tám tuổi, vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông, tôi nhập ngũ. Đơn vị tôi đăng nhập thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong 552. Ngày nhập ngũ, trong đám tân binh đông như hội, tôi chợt nhìn thấy Hiền. Cô nổi bật lên giữa đám đông bởi dáng người cao như sếu, không lẫn vào đâu được. Tim tôi đập rộn ràng. Một cảm giác rất lạ tràn ngập trong tôi. Thứ cảm giác giống như ai đó bị mất của gia bảo, sau nhiều năm bỗng nhìn thấy. Hiền vẫn xinh đẹp như Hiền của tôi năm nào, tuy nước da có phần rám nắng nhưng trông có vẻ rắn rỏi, tự tin hơn trong bộ đồng phục thanh niên xung phong.

Tôi len lỏi băng qua đồng đội, gần như chạy lại với Hiền. Bước chân tôi bỗng khựng lại. Trước mắt tôi không chỉ có Hiền mà còn có cả hắn nữa - thằng Thành! Tôi nhận ngay ra hắn. Thành bây giờ khác hẳn, đã là một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh và vẫn đẹp trai như xưa. Nhưng tôi chắc chắn một trăm phần trăm đó chính là Thành. Và nữa, nhìn ánh mắt hai người nhìn nhau, tôi thầm đoán chuyện gì đã xảy ra giữa họ. Rất may là tôi đã kịp ngăn lại tiếng hét gọi tên Hiền đang sắp vọt ra từ lồng ngực cháy bỏng của mình. Rất may là cả hai đều không nhận ra tôi, mặc cho tôi vẫn đứng như trời trồng ngay trước mắt, dương cặp mắt thô lố, lom lom nhìn họ.

Sau một đợt huấn luyện ngắn, cả tôi, Hiền và Thành được điều về một trung đội. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, lý do là cấp trên sắp xếp trung đội 2, trung đội chúng tôi, toàn dân thị xã! Trung đội có bốn tiểu đội, ba nữ, một nam, bởi thế tôi và Thành cùng ở chung một lán, ngủ chung một sạp, cùng sinh hoạt với nhau.

Trung đội tôi, B2, là trung đội độc lập, có nhiệm vụ độc lập là bảo vệ ngầm Đá Bạc, một vị trí trọng yếu trên tuyến đường 21 giữa đại ngàn Trường Sơn. Dạo đó, quốc lộ 1, con đường huyết mạch Bắc - Nam hầu như đã bị bom Mỹ đánh phá hoàn toàn. Bởi thế, tất cả súng đạn, quân trang, lương thực, thực phẩm... tiếp viện cho chiến trường đều phải đi trên đường Trường Sơn. Chính quyền Mỹ cũng hiểu rất rõ tầm quan trọng chiến lược của con đường này nên quyết tâm đánh phá. Hàng trăm ngàn tấn bom đạn đổ xuống, bất kể ngày đêm. Thanh niên chúng tôi sát cánh cùng bộ đội chủ lực chia nhau bảo vệ những cung đường trọng yếu. Bắn trả máy bay giặc, san lấp, sửa chữa những đoạn đường bị tàn phá... Giặc đến là bắn, giặc đi lại sửa đường. Khẩu hiệu: “Thông đường là tất cả” là nhiệm vụ tối cao!

Lán tiểu đội 1 của tôi và Thành nằm trên cao, phía hữu ngạn, lán nữ ở phía dưới, phía tả ngạn, cách nhau bởi con suối nhỏ chảy qua ngầm Đá Bạc.

Hàng ngày chúng tôi ra mặt đường với đủ trăm công nghìn việc. Chiều tối mọi người mới trở về lán tắm rửa, nghỉ ngơi. Đó là khi không có máy bay địch đánh phá, nếu có lũ giặc đến thì bất kể ngày đêm chúng tôi vẫn có mặt trên đường. Tiểu đội tôi, tiểu đội pháo 12 li 7, có nhiệm vụ chính  là bắn máy bay, ngăn cản và tiêu diệt địch. Tuy thế, bất cứ lúc nào rảnh rỗi là chúng tôi lại có mặt cùng chị em thông đường. Tay súng, tay xẻng, cả trung đội lúc nào cũng như đang tư thế xung phong. Công việc cực nhọc, gian nan và đầy bất trắc, nguy hiểm. Sự sống, cái chết chỉ có ranh giới mong manh. Bởi vậy cái tôi của mỗi người hầu như không còn chỗ đứng, bị khỏa lấp, hòa tan trong cái chung lớn lao, ý nghĩa, kiểu như là: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ”...

Tôi ít nghĩ đến Hiền hơn, mặc dù ở đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn tôi hình ảnh cô bé Hiền ngày xưa của tôi vẫn không hề phai nhạt. Và, tình cảm của tôi với Hiền bây giờ tuy bị dồn nén nhưng vẫn cháy bỏng không nguôi. Tôi vẫn gặp Hiền hàng ngày trong khoảng thời gian nghỉ giải lao hiếm hoi, hoặc giờ ăn. Hiền trông đen xạm và gầy hơn. Có lẽ, cũng như tôi, Hiền (và tất cả mọi người nữa) đều phải cố gắng, phải nỗ lực với ý chí phi thường mới vượt lên được tất cả, vượt qua chính mình, để sống và chiến đấu. Hiền không nhận ra tôi. Điều đó làm tôi rất buồn. Có lẽ tôi đã không để lại mảy may ấn tượng trong Hiền. Cũng có thể do thời gian trôi qua quá lâu. Hơn mười năm còn gì?! Có thể tôi đã rất khác xưa. Bằng chứng là thằng Thành cũng chẳng nhận ra tôi. Tôi tự vấn, tự an ủi mình, nhưng vẫn không nguôi ngoai nỗi buồn, và càng chôn chặt tình yêu của mình, cũng như dấu kín thân phận mình trước cả Hiền lẫn Thành.

Thời gian trôi đi, tôi và Thành càng trở nên thân thiết. Những đêm nằm cạnh nhau, gác chân lên nhau, cùng dốc bầu tâm sự đã để chúng tôi gần gũi, thân thiết nhau hơn. Giống như tôi, Thành xuất thân trong một gia đình công chức, từ nhỏ chỉ biết chơi bời, học hành. Ba Thành là họa sĩ, làm giám đốc Sở văn hóa (thảo nào mới nhìn thấy Thành lần đầu, tôi đã có linh cảm hắn là đứa “con nhà”), là cơ quan mà cha mẹ Hiền công tác. Ngày chiến tranh bùng nổ, Sở văn hóa sơ tán về một vùng quê phía Tây Bắc thị xã. Từ đó Thành và Hiền cùng sinh sống, học hành với nhau cho đến ngày cùng nhau nhập ngũ. Thời gian với những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò và đưa tình cảm của hai người vượt qua ranh giới tình bạn lúc nào không hay. Tình yêu đến với họ một cách hết sức hồn nhiên, lặng lẽ nhưng thật trong sáng tuyệt trần, như là họ sinh ra là để yêu nhau, để cho nhau vậy. Bởi thế, khi Hiền có giấy gọi nhập ngũ, Thành đã xung phong lên đường ngay, mặc dù, với cương vị của ba Thành, ông có thể xin cho hắn hoãn nghĩa vụ để đi học đại học là điều chắc chắn.

Ở đơn vị, mối quan hệ tình cảm giữa Thành và Hiền mọi người đều biết rõ. Cả cán bộ tiểu đội, trung đội cũng biết nhưng không hiểu sao không ai chỉ trích hay cấm đoán (như theo qui định thời chiến), mà ngược lại, mọi người đều quan tâm, ủng hộ, động viên hai người. Có lẽ tình yêu thơ ngây, trong sáng của họ đã cảm hóa được mọi người, vượt qua được mọi rào cản, mọi qui chế. Tình yêu của họ có điều gì đó giống như là thứ ánh sáng kỳ diệu, như là một điều tốt đẹp, thơ mộng, một thứ biểu tượng của sự sống trong khung cảnh bom đạn chết chóc đang diễn ra từng phút từng giây. Cả tôi cũng vậy. Trong tôi không hề có cảm xúc ghen tuông với Thành, thứ cảm xúc mà trước đó mười năm đã chắc chắn có. Tôi trân trọng, nâng niu tình cảm của Thành và Hiền giành cho nhau. Có lẽ bởi tâm hồn tôi trong sáng một phần, phần nữa, ở cái nơi mà sự sống, cái chết chỉ là gang tấc và sự hy sinh lớn lao vĩ đại của mỗi một con người cho sự nghiệp cách mạng chung đang diễn ra mỗi phút giây, thì không thể nào có chỗ cho cái nhỏ nhen tồn tại...

Mấy hôm liền chiều nào cũng rảnh. Bọn Mỹ bận đánh phá tận đẩu đâu mà bỏ quên cung đường của chúng tôi. Mấy bữa nay, cứ chiều đến là thằng Thành trốn tôi đi biệt, không biết đi đâu. Tôi buồn tay, loay hoay trong lán một lúc rồi cầm cần câu ra suối. Tôi đặt tên cho con suối là “suối Đá hát”. Con suốt chảy qua ngầm Đá Bạc không lớn nhưng nước trong vắt, có thể nhìn thấy từng đàn cá bơi tung tăng. Hai bên bờ suối là bạt ngàn cây du, loại cây có lán lá rộng, màu đỏ tím rực rỡ. Đôi khi rảnh rỗi, tôi ra suối, nằm ngửa mình trên một tảng đá to, ngắm nhìn bầu trời trong vắt qua tán lá, lắng nghe tiếng suối chảy róc rách nghe như tiếng hát ai xa đưa, tận hưởng cái không khí mát lành, thơm tho của rừng, của suối giữa buổi trưa hè oi nồng chan chát nắng, cảm thấy cuộc đời cũng đầy thi vị!

Tôi cầm cần câu, nhảy trên những tảng đá trắng, to như trâu đằm giữa suối, đi ngược về phía trên tìm chỗ câu cá. Bỗng tôi nhìn thấy thằng Thành. Nó đang cúi người lúi húi, chăm chú mài dũa vật gì. Thỉnh thoảng Thành ngước lên, đưa vật đó lên trời soi, ngắm.

- “Hầy! Làm gì đây?” Tôi đập mạnh vai Thành.

- “Ơ!...” Thành giật mình, nhìn tôi, toét miệng cười.

Thành dơ cho tôi xem chiếc nhẫn mà hắn đang làm dở. Đó là một chiếc nhẫn làm từ một mảnh máy bay Thành nhặt được đâu đó. Chiếc nhẫn thật đẹp, bóng loáng. Trên mặt nhẫn có khắc hình một đôi chim câu đang tung cánh bay về cùng một hướng; giữa có khắc hai chữ “T.H” viết hoa, lồng vào nhau. Nét khắc rất điệu đà, tinh xảo. Nhất là đôi bồ câu, tuy nhỏ nhưng thật có hồn, thật sống động. Tôi thầm thán phục tài năng của Thành. Quả thực, hắn có đôi bàn tay vàng.

- “Thế nào? Đẹp không?” Thành hỏi.

- “Tuyệt vời. Chắc Hiền thích lắm!”

- “Tối nay tao sẽ mang tặng cô ấy. Mày đi câu đi, để tao làm nốt”.

Tối dó Thành về muộn. Mọi người đã ngủ, hắn lén đi nhẹ trên sạp đến chỗ tôi. Để nguyên cả quần áo ướt đẫm sương, Thành ôm chặt lấy tôi, không dấu diếm vẻ hạnh phúc.

- “Thế nào?” Tôi hỏi.

- “Tuyệt vời. Nàng thích lắm. Nhưng... buồn cười quá”

- “Làm sao?”

- “Bọn tao nói chuyện rất lâu, đủ thứ hầm bà lằng. Đến đoạn “cao trào”, trước khi tặng nhẫn cho nàng để nói “Anh yêu em”, tao phải lựa thế, xoay chiều, lén đứng lên một hòn đá, rồi hôn...”

Chúng tôi rinh rích cười. Cả tôi với Thành đều lùn, chỉ khoảng mét sáu, so với Hiền còn thấp hơn nửa cái đầu.

- “Sao từ trước tới giờ mày không “trình bày” lại chọn thời điểm này mà tỏ tình?” Tôi hỏi.

- “Hôm nay là sinh nhật tao. Vẫn biết là tao không cần nói gì thì Hiền cũng cảm nhận được tình yêu mà tao dành cho cô ấy. Cũng như tao cũng cảm nhận được tình yêu Hiền dành cho tao. Thế nhưng... Giọng Thành trầm xuống - Chiến tranh ác liệt quá. Sống chết chẳng biết thế nào  mà lường. Tao lo. Tao linh cảm... Không! Tao sợ điều gì đó... - Thành nói lấp lửng, giọng trống vắng, xa xăm”.

- “Sợ đếch gì. Sống chết có số”. Tôi nói to, cố ý át lời Thành.

*    *

*

Đó là một ngày khủng khiếp nhất trong cuộc đời tôi. Từ sáng sớm tôi đã có mặt ở chòi canh, trên một ngọn đồi cao. Hôm ấy tôi được phân công trực báo động. Có nghĩa là tôi phải ngồi trên chòi, quan sát bầu trời thật kỹ, nếu có máy bay xuất hiện thì khua kẻng báo động. Tùy theo mức độ nguy hiểm mà ra hiệu lệnh để đồng đội biết mà sẵn sàng đối phó với giặc.

Đó là một ngày hè cháy bỏng như bao ngày hè miền Trung khác. Trời xanh cao, trong vắt. Nắng chói chang, rực rỡ. Tôi ngồi trong chòi gác, cái chòi làm bằng tre, lợp lá cọ, căng mắt dõi nhìn về phía biển Đông xanh ngắt, nơi mà lũ máy bay giặc thường bất ngờ xuất hiện. Im ắng quá. Suốt từ sáng đến gần trưa hoàn toàn không có mảy may tiếng động nào. Hoàn toàn không có tiếng ầm ì từ xa vọng lại. Bầu trời cao vòi vọi, xanh ngằn ngặt. Cả một ngọn gió cũng hiếm hoi. Im ắng đến ngờ! Từ ngày chiến tranh bùng nổ, bầu trời quê hương tôi ít khi được yên tĩnh. Tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom đạn nổ uỳnh oàng... Cả ngày lẫn đêm, không lúc nào ngớt. Bởi thế, sự im lặng kéo dài hiếm hoi làm tôi cảm thấy áy náy, bồn chồn. Tôi càng chăm chú quan sát hơn. Đêm qua tôi với thằng Thành nói chuyện rất khuya, tuy thế, giờ tôi vẫn không hề cảm thấy buồn ngủ tí nào. Tôi sợ. Tôi lo lắng điều gì đó bất trắc xảy ra. Và rồi, điều tôi nghi ngại đã đến. Tầm trưa, ba chấm đen bỗng xuất hiện trên bầu trời phía Đông Nam. Nó bay rất nhanh, đội hình tam giác. Ngay lập tức tôi phát hiện đó là ba chiếc F105, loại máy bay chiến đấu có tốc độ siêu âm. Tôi gõ kẻng báo động nhịp ba liền hồi. Ba chiếc máy bay nâng độ cao rồi đột ngột bổ nhào. ‘Tặc... Tặc... Tặc” tôi nghe tiếng 12 li 7 của tiểu đội tôi bắn trả. Cả tiếng “Cà tùm... cà tùm” của pháo 37 li, bộ đội chủ lực cũng đồng hiệp lực. Ba chiếc máy bay F105 thi nhau bổ nhào. Tiếng bom nổ bình bịch âm i. Bom rơi rất gần, bởi tiếng nổ của nó nghe không chát chúa mà cứ bình bịch, i i. Kinh nghiệm cho tôi biết điều đó. Trung đội tôi đang bị oanh tạc. Dưới kia con đường đỏ như máu, oằn lên trong khói bụi mịt mù. Tiếng 12 li 7 im bặt.

Tôi lao xuống như điên. Lũ giặc đã bỏ đi, để lại cả một vùng trời đen đặc khói bụi. Mắt tôi cay xè, gần như mù, không thể nhìn rõ bất cứ thứ gì. Tôi lao về phía ụ pháo 12 li 7 theo trí nhớ của mình, thỉnh thoảng lại vấp vào những cục đá lổn nhổn trên mặt đất, ngã dúi dụi, đau điếng. Tiếng khóc than, gào thét của chị em làm bước chân tôi khựng lại, mềm nhũn. “Thành ơi! Long ơi! Đồng ơi! Vượng ơi!... Trời ơi... đâu cả rồi?!” Ụ pháo 12 li 7 của tiểu đội tôi bị san phẳng, chỉ còn lại khẩu pháo vẫn vươn nòng. Đằng đuôi, phía báng súng, một người vẫn đứng, hai chân bị lấp, còn lại một nửa thân người không đầu, hai tay vẫn cầm chặt cò súng. Xung quanh ụ pháo, chị em lăn lộn gào khóc, vừa thay nhau đào bới. Chỉ còn lại mình tôi là đàn ông duy nhất. tôi tự biết mình phải cứng rắn lên, không được khóc.

Phải rất lâu sau, chúng tôi mới tìm được hết thân xác đồng đội. Tiểu đội tôi có chín người, trừ tôi, còn lại đều hi sinh. Một quả bom đã rơi rất gần ụ pháo, tàn sát tất cả. Cái xác không đầu kia chính là thằng Thành. Nó được khẩu súng che chắn nên thân hình còn nguyên, nhưng cái đầu bị bay mất. Tôi loay hoay mãi không bế được Thành đặt xuống đất. Hai bàn tay nó bám quá chặt vào cò súng, không thể nào gỡ ra được. Một vài đồng đội đến giúp tôi, nhưng vẫn không xong. Chúng tôi không nỡ mạnh tay. Cuối cùng, tôi đành gọi Hiền. Hiền hầu như đã ngất xỉu. Tôi phải vừa động viên, vừa dìu Hiền đến bên Thành. Hiền dựa vào tôi, vừa khóc thảm thiết vừa nhẹ nhàng gỡ từng ngón tay Thành ra khỏi cò súng. Thật lạ. Thành như nghe được tiếng Hiền, như cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay Hiền, những ngón tay của hắn mềm dần, rồi buông lỏng cò súng.

Tôi đặt Thành bên cạnh những đồng đội khác. Tám người, xếp hàng một, thi thể hầu như đầy đủ cả, chỉ duy nhất xác Thành thiếu cái đầu.

Cho mãi đến mịt tối vẫn không tìm thấy cái đầu của Thành, cuối cùng chúng tôi đành phải liệm xác. Sáng hôm sau, cả Trung đội bổ đi khắp nơi, lục soát mọi xó xỉnh, từng centimet một, rất kỹ, vẫn không tìm thấy cái đầu của Thành. Cuối cùng chúng tôi quyết định hạ huyệt. Một cái huyệt tập thể được đào ở lưng chừng ngọn đồi bạt ngàn hoa sim, bạt ngàn nắng và gió. Khi những cục đất đầu tiên thả xuống, Hiền bỗng lao xuống huyệt, ôm chặt lấy Thành. Phải vất vả lắm tôi mới cõng được Hiền lên, an ủi, động viên mãi Hiền mới chịu để yên cho chúng tôi lấp huyệt.

Những ngày tiếp theo trôi qua thật nặng nề, khủng khiếp. Chúng tôi vẫn ra mặt đường nhưng hầu như không ai nói với ai một lời. Bọn giặc giống như lũ chó, cắn trộm một miếng rồi dong thẳng, không quay lại, bởi thế không khí càng ắng lặng, nặng nề. Ái ngại nhất là thái độ của Hiền. Từ khi chôn thằng Thành và đồng đội, Hiền không hề khóc, không hề nói một tiếng nào. Cô đi lang thang như người mất hồn, ánh mắt hoang dại, tóc tai không chải, để xõa bù xù. Trung đội để Hiền ở nhà với tổ bếp, không cho ra mặt đường. Tuy thế Hiền hoàn toàn được tự do, không ai bắt cô phải làm bất cứ việc gì. Mọi người ai cũng thương Hiền, ai cũng nhìn Hiền với ánh mắt cảm thông, ái ngại.

Ngày thứ ba, buổi chiều, chúng tôi không ra mặt đường mà ở nhà chuẩn bị cúng tế, lễ mở cửa mả. Tôi ngồi trong nhà bếp, đang loay hoay tìm cách cắt cổ con gà trống đầu đàn, bỗng có tiếng thét rợn người. Tôi cảm thấy sống lưng mình lạnh toát, mồ hôi vã như tắm. Tôi nhận ra đó chính là tiếng Hiền. Buông vội con gà, tôi lao về phía nhà kho, nơi vừa phát ra tiếng thét. Cửa nhà kho mở rộng, trong thứ ánh sáng mờ nhạt của buổi chiều tà, tôi nhìn thấy Hiền nằm sóng soãi trên nền đất. Tôi loay hoay, chật vật, xốc ngửa Hiền lên để bế cô ra ngoài. Hiền ngất xỉu. Linh tính mách bảo cho tôi một điều gì đó. Tôi đảo mắt nhìn quanh. Bỗng tôi nhìn thấy cái đầu thằng Thành. Cái đầu ngồi chóc ngóc trên đống củi. Hai mắt vẫn mở trừng trừng.

... Lễ mở cửa mả trở thành lễ hoàn táng. Buổi chiều hôm đó chúng tôi đào huyệt tập thể lên, táng lại. Cái đầu thằng Thành đã trở về với thân xác của nó. Mệt nhọc và rùng rợn nhưng chúng tôi ai nấy an lòng. Giờ thì các đồng đội tôi đã có thể yên nghỉ vĩnh hằng. Ngôi mộ được đắp rất lớn và chúng tôi đã trồng lên rất nhiều bụi hoa sim. Loài hoa có màu tím ngát đến se lòng.

Sau bữa đó, Hiền lên cơn điên thực sự. Không tỉnh lại lần nào, suốt ngày Hiền chỉ múa hát, cười nói huyên thuyên. Tôi đau đớn nhìn Hiền. Đôi mắt đen láy, tình tứ của em ngày nào nay trở nên hoang dại, vô hồn. Mái tóc dài, đen mượt điệu đà bởi chiếc băng-đô được cài rất khéo, giờ xổ tung ra, bù xù, cáu bẩn, cài rất ẩu những bông hoa dại đủ màu.

Một tuần sau, bệnh tình của Hiền ngày thêm trầm trọng, chúng tôi quyết định đưa cô vào bệnh viện. Kể từ khi Hiền rời đơn vị, tôi như kẻ vô hồn. Tiểu đội tôi đã được bổ sung quân số. Lại đủ chín người như cũ, nhưng giờ sao tôi thấy mình lạc lỏng, bơ vơ. Tôi vẫn chiến đấu, vẫn ra mặt đường, vẫn hăng say công tác, nhưng có lẽ đó chỉ là con người máy trong tôi hoạt động, chứ không phải con người thực của tôi. Tôi không còn là tôi nữa. Cảm giác thật trống rỗng, chơi vơi... Rất may là tôi đã sớm thoát ra tình cảnh đó. Một biến cố lớn bất ngờ xảy ra: ngừng bắn! Sau thất bại chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” người Mỹ buộc phải tuyên bố từ bỏ chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thật đau lòng và tiếc thương cho Thành và Hiền. Hòa bình lập lại chỉ sau cái chết của Thành một thời gian rất ngắn.

*    *

*

Chiến tranh kết thúc, tôi may mắn được đơn vị cho đi học văn hóa, rồi sang Liên Xô cũ học đại học. Cuộc đời tôi bước sang trang mới. Trước khi ra Hà Nội nhiều lần tôi đến thăm Hiền ở bệnh viện. Bệnh tình của Hiền có tiến triển, sức khỏe có khá hơn, tinh thần cũng tỉnh táo hơn. Tôi nói với Hiền, rằng tôi phải chia tay em để đi học xa, lâu ngày, Hiền cố gắng giữ gìn sức khỏe, chăm uống thuốc để mau lành bệnh... Hiền nhìn tôi không nói gì, nhưng ánh mắt biểu hiện sự xúc động. Cái nhìn “có hồn” đó đã tạo cho tôi một niềm hi vọng dù rất mong manh về khả năng lành bệnh của Hiền. Những năm học ở nước ngoài, tôi vẫn dõi theo Hiền. Mẹ tôi cho biết, Hiền đã đỡ nhiều, đã xuất viện. Một lần khác, mẹ tôi bảo Hiền đang học Cao đẳng sư phạm ở tỉnh nhưng rất khó khăn vì thỉnh thoảng vẫn phải nhập viện, bởi bệnh cũ tái phát. Đến sau ngày giải phóng 1975, Hiền về quê cùng với gia đình đâu tận miền Nam. Từ đó tôi không hay biết gì về Hiền nữa.

Năm 1979, tôi tốt nghiệp ra trường, trở về Việt Nam, với tấm bằng kỹ sư Địa chất hạng ưu. Thời gian đó, miền Nam vừa mới được giải phóng, đang rất cần những cán bộ như tôi. Bởi vậy, tôi xung phong đi Nam, nhận công tác tại Liên đoàn Địa chất số 8, thành phố Hồ Chí Minh. Tiếng là thành phố nhưng công việc địa chất thì chủ yếu là ở núi rừng. Một năm có hai mùa thì suốt cả sáu tháng mùa khô chúng tôi phải lăn lộn theo những tuyến lộ trình khảo sát thực địa khắp mọi nơi, từ miệt rừng sâu suối thẳm cho đến tận vùng hải đảo xa xôi. Tôi được cử làm đội phó đội thực địa miền Đông. Địa bàn của chúng tôi chủ yếu là miền núi rừng Đông Nam Bộ, bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Thuận Hải, Lâm Đồng. Trong một chuyến công tác tôi ghé thăm Hiền và gia đình cô đang sinh sống ở Thuận Hải, địa chỉ mà tôi lần mò kiếm được ở quê, trước khi vào Nam nhận công tác. Tiếp tôi là anh Hải, anh ruột Hiền. Chúng tôi đã quen nhau từ trước. Tôi đã gặp anh vài lần khi đến thăm Hiền ở bệnh viện. Hải kể tôi nghe, sau năm 1975, gia đình anh trở về đây,  là nơi quê cha đất tổ, sinh cơ lập nghiệp. Thời gian đầu bệnh tình của Hiền có khá hơn, cô tiếp tục theo học Cao đẳng sư phạm. Vài năm sau, ba mẹ mất, bệnh của Hiền lại tái phát. Hải đưa Hiền đi khắp nơi điều trị. Hết bệnh viện này, bệnh viện nọ, đến thầy lang này thầy lang kia, bệnh vẫn không dứt. Hải phải bán dần nhà cửa, ruộng vườn để trị bệnh cho em. Về sau, có người mách ở miền Bảo lộc, Lâm Đồng có ông thầy thuốc người dân tộc Ka-ho chữa bệnh rất hay, Hải cơm đùm cơm nắm đưa em lên đó nhờ cậy. Đó là một vùng núi rừng sâu thẳm, chỉ có người dân tộc sinh sống. Họ tốt bụng và hiền lành, không khí lại tĩnh lặng, yên bình, nên Hải yên tâm để Hiền ở lại. Mỗi năm vài lần Hải bỏ công chuyện làm ăn ở nhà, lên Bảo Lộc thăm em. Thời gian đầu bệnh của Hiền chuyển biến rất tốt. Sức khỏe của cô khá hơn, tỉnh táo hơn. Thậm chí, Hiền còn có thể mở lớp dạy chữ cho con em trong bản. Nhưng năm sau nữa, Hải lên thăm Hiền thì cô đã bỏ bản đi. Đi đâu không ai biết. Hải không biết tiếng Ka-ho, dân bản nói tiếng kinh không sõi nên càng khó hỏi thăm. Vả lại, đang là mùa mưa, việc đi lại trong rừng rất khó khăn, nguy hiểm, nên anh đành quay về, tự hứa với mình là đến mùa khô sẽ đi tìm em gái...

Tôi nói với Hải về đặc thù công việc của mình, xin địa chỉ cũ của Hiền, hứa với anh sẽ đi tìm Hiền, rồi chia tay.

*      *

*

Công việc của tôi rất bận rộn, cực nhọc và gian nan. Mùa khô chỉ có sáu tháng nên chúng tôi phải gấp rút hoàn thành kế hoạch thực địa, bởi khi mùa mưa đến, những cơn mưa rừng hung hãn sẽ ngăn bước chúng tôi.

Bất cứ lúc nào có cơ hội tôi lại tìm kiếm tung tích Hiền. Đầu tiên, tôi đến Phòng Giáo dục huyện Bảo Lộc để hỏi han. Người ta bảo, phòng không quản lí giáo viên ngoài biên chế! Tôi hiểu mình đã bắt đầu bằng một sai lầm ngớ ngẩn. Và tôi biết, mình phải làm gì.

Một lần, tôi tìm đến bản Đak-Riên, là nơi mà Hiền đã lần đầu tiên đến để chữa bệnh và sinh sống. Dân bản cho tôi biết, cô giáo bỏ đi vì sợ người Kinh. Có nhiều người Kinh là cô giáo bị đau trở lại. Tôi hiểu ý của bà con. Bản Đak-Riên không còn heo hút, yên bình như xưa nữa. Người Kinh dưới xuôi lần theo dấu vết xe “Be” khai thác gỗ lên tận đây buôn bán, làm ăn với dân bản ngày một đông. Kinh nghiệm cho tôi thấy, cứ ở đâu có vết xe “Be” chở gỗ thì ở đó có người Kinh! Thảo nào, rất nhiều nơi đi qua tôi nhìn thấy dân bản biết nhậu rượu đế, ăn mì tôm ... cười nói oang oang. Tôi đoán Hiền bỏ đi là vì thế. Cô không chịu nổi tiếng ồn!

Theo lời chỉ dẫn của dân bản, tôi cố lần theo dấu vết Hiền. Đã có khi tôi gần như đã tìm được cô. Nhưng cả hai lần, khi tôi đến thì Hiền đã dời đi. “Lọt bốt-tam-hiu”, “lọt”, “lọt!...” - Đi rồi! Dân bản bảo tôi. Bản của dân tộc Ka-ho tọa ở những nơi rất xa xôi, heo hút. Có khi cả bản chỉ có một, hai nóc nhà. Có khi phải đi suốt mấy ngày đường ròng rã mới gặp một bản. Một lần, tổ thực địa do tôi phụ trách phải đi một chuyến lộ trình xa. Suốt năm ngày lặn lội trong rừng chúng tôi không gặp một bóng người. Đến ngày thứ sáu chúng tôi mới đến được một bản Ka-ho hẻo lánh. Đến được một bản làng nào đó trong lộ trình là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của dân địa chất chúng tôi. Ở đó chúng tôi sẽ được tiếp đón nồng hậu, tử tế. Không phải là sẽ có mâm cao cỗ đầy, vì dân bản vốn rất nghèo, quanh năm chỉ có củ mì, trái bắp. Nhưng chúng tôi sẽ được trò chuyện với người này người kia, sẽ được ngủ trên nhà sàn ấm cúng, chứ không phải ngủ võng, ngủ trên nền đất ẩm ướt trong rừng sâu.

Bản nhỏ, chỉ có ba nóc nhà, nhưng lại có giáo viên người Kinh dạy học. Chúng tôi đến, thầy giáo còn vui hơn cả chúng tôi. Đón chúng tôi, thầy bảo: “Trời ơi! Suốt hai năm nay em chưa thấy mặt người Kinh! Các anh đến, em mừng hết lớn...” Thầy giáo mang ba lô của chúng tôi vào nhà, căn nhà trệt duy nhất trong bản, vừa là nơi dạy học, vừa làm chỗ ở cho thầy. Thầy đon đả giới thiệu: Tên là Huy. Quê Nghệ An. Học Cao đẳng sư phạm Lâm Đồng. Ra trường về đây dạy học được hơn hai năm. Qui định hai năm các giáo viên phải về Phòng họp một lần. Đi họp mất bảy ngày đường, nên chưa đi lần nào. Bao giờ hết “hạn miền núi” về luôn thể. Thầy Huy bảo chúng tôi: “Các anh ở lại đây, tắm rửa, nghỉ ngơi rồi em thịt gà nhậu chơi”. Tôi hỏi: “Thầy nuôi được cả gà?” - “Không. Trong bản này, con gà nhà ai mấy tuổi em cũng biết hết!” Chúng tôi cười ngất!

Tôi hỏi Huy về Hiền nhưng thầy không biết. Thầy bảo tôi: “Lâm Đồng đất rộng, nhiều bản xa xôi, hẻo lánh, khó liên lạc, chưa chắc Phòng Giáo dục đã nắm được con số giáo viên nữa là...Có điều, nếu cô Hiền dạy học thì dân bản sẽ rất quí mến, thương yêu. Họ biết, cô giáo đem ánh sáng, đem cái chữ đến cho con em họ. Bởi vậy, dẫu cô Hiền có đi xa đến đâu cũng không bị làm hại, làm nhục. Bọn phỉ Phun- rô ([1]) có thể giết bất cứ người Kinh nào trừ thầy, cô giáo”

Lời thầy Huy đem đến cho tôi phần nào cảm giác yên tâm. Công việc của tôi quá bận, bởi thế việc tìm Hiền liên tục bị gián đoạn. Ba năm sau, kết thúc đề án điều tra Địa chất khu vực Đông Nam Bộ, để các đồng nghiệp về thành phố trước, tôi ở lại Lâm Đồng, dành hẳn một quãng thời gian, quyết tâm tìm kiếm Hiền. Từ một đầu mối đáng tin cậy, là bản Ka- tiêng, nơi tôi biết chắc là Hiền đã từng sống và dạy học một thời gian, tôi bắt đầu lần theo dấu vết cô, theo chỉ dẫn của dân bản. Nhờ biết tiếng Ka-ho bập bẹ nên việc hỏi thăm, giao tiếp của tôi cũng có phần thuận lợi. Đường đi ngày một xa, bản làng ngày một heo hút. Những cơn mưa rừng quái ác bắt đầu trút xuống, ngăn cản bước chân tôi. Có khi, hàng mấy ngày liền tôi phải nằm bẹp ở một bản nào đó, không thể đi được, vì lũ rất to.

Gần hai tháng trời trôi qua, rồi một ngày nọ tôi đã đuổi kịp Hiền, tìm thấy cô... nhưng chỉ là một nấm mộ!

Hiền chết khoảng một năm trước khi tôi đến. Dân bản Đak - Kliêng bảo tôi: “Cô giáo đến dạy học được nửa năm thì ngã bệnh. Nặng lắm. Phải đưa cô ra suối để con ma nó chữa bệnh cho cô. Nhưng không được...” Mộ Hiền được táng lưng chừng đồi, xung quanh có đặt đầy đủ lễ vật cúng bái như một người bản xứ: nồi niêu, dao rựa, nhà sàn... những vật dụng hàng ngày. Đặc biệt, phía trước mộ có trồng một cây nêu bằng tre, trên khắc hoa văn và hình thù kỳ dị để đuổi ma tà.

... Tôi đứng trước mộ Hiền rất lâu. Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng, tâm trạng rối bời. Chiều tà, rừng đại ngàn u tịch, thẳm sâu. Chỉ có mùi gỗ mốc, lá mục, cỏ dại đưa hương thoang thoảng, ngai ngái. Xa xa, có tiếng suối chảy róc rách nhẹ nhàng. Tiếng một con chim gõ kiến gõ “tróc... tróc” đơn điệu, rồi ngừng hẳn, để sau đó rừng càng đắm chìm sâu trong tĩnh lặng muôn đời. Trong đầu tôi, những ký ức, những kỷ niệm về Hiền, về thằng Thành và những đồng đội đã hy sinh của tôi hiện về mờ tỏ, giống như những thước phim đậm nhạt kéo qua. Nếu còn sống, tất cả họ đều xấp xỉ tuổi tuổi tôi, tuổi thanh xuân rực rỡ.

 

PHẦN KẾT

Ba năm sau, tôi trở lại Đak - Kliêng để cải táng cho Hiền. Lúc đào mộ lên, trong thâm tâm tôi vẫn thầm mong đó không phải là Hiền. Rằng Hiền vẫn lang thang đâu đó trong những bản làng của người Ka-ho xa xôi, heo hút. Nhưng, bộ xương dài một mét bảy lăm cùng với chiếc nhẫn vẫn đeo ở ngón tay áp út bàn tay trái, chiếc nhẫn bằng đuya-ra, vẫn sáng bóng, đã nói lên tất cả.

Tôi nhặt nhạnh, xếp những mẩu xương mủn nát, cái đen, cái trắng vào một mảnh ni-lon, cố chùi sạch lớp đất ba-zan đen xỉn bám dày. Vừa làm, nước mắt tôi cứ thế ứ lên, rồi chảy tràn, chẳng thể nào ngăn được. Mới ngày nào đó mà Hiền của tôi bây giờ như thế này đây! Vậy là sẽ chẳng bao giờ Hiền còn nhận ra tôi là ai nữa. Chẳng bao giờ tôi còn cơ hội để nói cho em biết mình là ai. Hiền của tôi ơi... Em có biết không? Sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội kể cho Hiền nghe, đưa Hiền về lại tuổi thơ bình yên thơ mộng, về với trò chơi “mẹ con” của chúng mình nữa. Để tôi có thể thú tội với em rằng, anh đã trộm ngắm báu vật của em, để rồi hình ảnh một miền đồi lùm lùm, hơi nhô cao, bát ngát... có vẻ đẹp mê hồn, có sức cuốn hút kỳ lạ ấy, cứ theo anh mải miết tháng năm... Sẽ chẳng bao giờ tôi còn cơ hội để nói với em rằng, khi Thành mất, tất nhiên anh đã vô cùng đau xót, tiếc thương, nhưng không thể dối lòng rằng anh đã ngấm ngầm nuôi hy vọng mội ngày kia Hiền sẽ lành bệnh, sẽ tỉnh áo lại và sẽ chấp nhận tình yêu nồng cháy của anh. Chúng ta sẽ yêu thương nhau, sẽ sống bên nhau trong hạnh phúc, bình yên như những năm nào thơ bé... Hiền của tôi ơi... Mối tình đầu của tôi ơi. Sẽ chẳng bao giờ...

Tôi gói hài cốt Hiền, có lẫn những giọt nước mắt của mình, cho vào ba lô, rồi vội vàng rời bản Đak - Kliêng. Từ đó, tôi đón xe đò, đi thẳng một mạch về Hà Tĩnh. Tôi đã quyết định sẽ chôn Hiền cùng với  Thành và đồng đội. Tôi sẽ đặt Hiền bên cạnh thằng Thành.

Mọi việc đều trôi chảy, êm đẹp. Dù rất vất vả, gian nan nhưng tôi đã hoàn thành công việc mà tôi tự cho là đúng, phải làm. Trên mộ giờ đây không phải là tám mà là chín tảng đá trắng lớn. Tôi vừa đặt thêm một tảng đá nữa cho Hiền. Chỉ duy nhất một chuyện nhỏ làm tôi áy náy mãi, là khi chôn Hiền, tôi đã không chôn theo chiếc nhẫn, mà giữ lại cho mình, làm kỉ niệm. Không hiểu sao lúc đó tôi lại quyết định thế. Cho đến tận bây giờ, khi đã già, tôi vẫn không thể trả lời được, rằng mình đã đúng, hay sai? Thỉnh thoảng tôi vẫn lấy chiếc nhẫn ra nhìn ngắm. Tôi thường xuyên lau chùi một cách tỉ mẩn nên nó sáng bóng. Chiếc nhẫn có đôi chim bồ câu tung cánh bay về cùng một hướng, có hai chữ “T.H” lồng vào nhau hết sức tinh tế, điệu đà!

Người già thích sống với kỷ niệm. Tôi thích lau chùi và ngắm nhìn chiếc nhẫn. Nó gợi cho tôi nhớ mãi mối tình đầu, nhớ mãi về tuổi thơ yên bình, thơ mộng của tôi.

TP. HCM tháng 11/2010

 


[1] Phun- rô là tổ chức phản động, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, hoạt động chống phá cách mạng những năm sau 1975.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Công chức Nga thời nào tốt hơn

VanVN.Net - Nhà văn I. M. Poliakov, Tổng biên tập Văn báo, ủy viên ủy ban Văn hóa phủ Tổng thống, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội nhà báo Matxcơva, tác giả nhiều tiểu thuyết chống quan liêu như Tình trạng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...

Nhà văn đọc sách  

Mấy ai đã đến tận cùng chiều sâu của biển

VanVN.Net - Đỗ Kim Cuông vừa cho xuất bản “Sau rừng là biển” - cuốn tiểu thuyết thứ 12. Đọc những trang đầu, tưởng chỉ là một câu chuyện đơn giản và quen thuộc: ba người lính quê một tỉnh đồng ...