Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn "Mình hót lên" của Nhã Thuyên

27-07-2011 01:33:16 PM

VanVN.Net - Nhã Thuyên, sinh năm 1986 tại Hải Dương. Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Đại Học Sư phạm Hà Nội 2007. Hiện sống và làm việc tự do tại Hà Nội. Làm thơ, viết truyện ngắn và cực ngắn, viết tiểu luận. Và phải kể đến các bài báo. Xuất hiện chủ yếu trên các diễn đàn văn học nghệ thuật liên mạng cùng một số tờ báo, tạp chí: Lao Động, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thể Thao Văn Hóa, Văn Nghệ Trẻ,…VanVN.Net xin giới thiệu hai truyện ngắn được rút ra từ cuốn sách mới nhất của tác giả trẻ này, cuốn Ngón tay út (NXB Hội Nhà văn, 2011).

 

 

Tác giả Nhã Thuyên

 

Gió cứ thổi trong bầu trời xám

 

Người đàn ông nằm trên giường như một cây khô ở thời khắc tàn bạo nhất của mùa đông, vẫn giữ nguyên dạng hình nhưng không còn dòng nhựa chảy, cả nỗi đau đớn trong mạch máu cũng bị bàn tay vô hình của gió buốt vắt kiệt. Đôi mắt mờ đục trồi lên trên gương mặt mơ hồ, mở to nhìn ngọn nến đính trên chiếc đĩa sứ nằm úp trên một chiếc ghế gỗ cũ, ánh lửa xanh chao đảo, âm u. Ông biết, họ đang chuẩn bị quan tài cho ông. Nằm đây, ông có thể ngửi thấy mùi gỗ mới, thoang thoảng thơm mùi của một giấc mộng đẹp xa xôi.

“Trăng đã lên chưa con?”

Hôm nay là rằm trung thu. Nhiều năm nay, trung thu nào ông cũng chuẩn bị cỗ trông trăng thịnh soạn cho con gái, dù cô đã mười sáu tuổi, như để bù đắp lại bao năm tháng tuổi thơ của con ông đi biền biệt.

Đứa con gái như một bắp ngô non, chỉ có gương mặt hơi nhú lên, toàn thân được bọc bằng lớp áo bông sù sụ, nhưng trông vẫn thật yếu ớt. Hôm nay cô nấu chè bưởi. Cô để lửa cháy quá nên mùi thơm của cùi bưởi và nước cốt dừa có lẫn hơi khét. Cô muốn mở cửa sổ nhưng sợ gió thốc lạnh. Và hình như có mưa. Mưa, mưa thì có thể trăng không lên. Mưa thì mù mịt những điều hãi hùng.

Gia đình cô – từ một miền nào đó mà không ai còn muốn nhắc tới - dạt tới đây sau một trận lũ tàn bạo cuốn phăng tất cả, bố đã dựng lên một căn nhà rộng giữa nơi vắng người, giữa cánh đồng mênh mông, nơi gió lạnh và mưa bao giờ cũng dửng dưng và khắc nghiệt hơn, nơi con người phải khô sắt hơn để chống chọi với sự đơn độc, nơi người ta nói ít hơn là lặng lẽ quan sát lẫn nhau... Không có gì ở đây, ngoài những cơn gió cứ thổi, cứ than thở không dứt trong suốt mùa đông. Gió quét rát mặt từng mảng tường, gió băng qua mái nhà, vừa thổi vừa bất thường rên thê thiết, ủ sẵn buồn thương trong những cơn mưa đến từ vùng mờ đục âm u nào đó.… Những ngày tháng mười, gió ở đây luôn mang một vẻ mặt sầu thảm và đôi khi giận dữ, gương mặt của những người đàn ông can trường, chịu nhiều đau khổ, gương mặt của cha cô.

“Chưa bố ạ.” Cô nói, kìm những giọt nước mắt. Cô không muốn người cha biết trời đang mưa.

“Mưa hả con?”

 Mưa, mưa thì trăng không lên. Mưa thì mù mịt những điều hãi hùng. Không có gì ở đây, ngoài những cơn gió cứ thổi, cứ than thở không dứt trong suốt mùa đông, những loài gió lạ lùa qua khe cửa sổ sơn xanh chống chếnh, những loài gió với gương mặt và hơi thở khổ đau, trĩu nặng mà vẫn ngang tàng.

Ông nghe rõ tiếng đóng quan tài mỗi lúc một vang mạnh. Gã thợ giáng những nhát búa mạnh xuống tấm ván. Những thớ thịt gỗ bị xiết vào nhau kêu thít lên.

“Họ làm đến đâu rồi, con gái?”

Nhiều ngày nay, ông biết, đã hết người đến thăm ông. Họ đang làm phận sự cuối cùng của họ, với ông, một người khác.

“Bố hỏi gì cơ hả bố?”

“Trăng đã lên chưa con?”

Cô gái ngồi bất động. Nước mắt không kìm giữ được giàn ra. Người đàn ông mỉm cười. Nụ cười rút máu trên mặt, gương mặt ông tái xám dần. Ông đã nằm liệt nhiều ngày, chỉ có thể chèn thật nhiều gối phía sau để đỡ tấm lưng bất lực, để nhìn rõ hơn gương mặt người đang nói chuyện cùng ông. Ông không thể nhấc mình dậy, để ra ngoài nhìn trăng, một lần nữa.

“Bố, con đưa xe đẩy bố ra ngoài nhìn trăng nhé. Trăng có lẽ sắp lên. Bây giờ bố ăn một bát chè bưởi đã.”

Cô biết rằng, cả việc đặt ông vào xe đẩy lúc này, cũng thật khó nhọc. Và cô nói thế trong khi đã nghĩ ngay cả điều ấy cũng khó thực hiện được. Cả điều ấy cũng khó thực hiện được...

Người đàn ông mỉm cười. Nước đọng lại trong mắt ông đùng đục. Cô gái bưng bát chè lên, lấy từng thìa đưa lên miệng người cha nhưng mặt cúi gằm, răng bặm vào môi. Người đàn ông cố gắng ăn một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Môi ông há ra khô nứt, tái nhợt như một mảng da bong lên sau khi vết thương khép dần miệng, cô nghĩ đến một mảnh trăng bị rách, rơi xuống và ngấm đẫm mưa tháng mười. Ông muốn mỉm cười. Muôn vuốt tóc con gái. Muốn khóc. Muốn đứa con bé lại và ngồi trong lòng ông như ngày nào. Muốn ôm lấy con và hôn, muốn hôn, muốn ôm lấy con muốn ôm lấy con con đừng khóc rồi tất cả sẽ qua đi sẽ qua đi… Con sẽ quên sẽ quên… Mọi người chết rồi sẽ bị lãng quên…

Cô gái muốn mỉm cười. Muốn bé lại và ngồi trong lòng ông như ngày nào. Muốn khóc. Sẽ chẳng có điều gì qua đi sẽ chẳng bao giờ chẳng bao giờ cả…

Tiếng thét vỡ ra trong lồng ngực cô gái, nhưng nghẹn lại nơi cổ. Không. Không thể. Bố không thể… “Trời hành bố. Nhưng cái gì đến sẽ phải đến. Cái gì đến sẽ phải đến.” Tiếng người cha nhỏ dần, chìm trong nỗi đau đớn dồn dập thúc vào lồng ngực nhỏ bé của cô gái.

Hình như họ đã xong xuôi, đã đi gọi đội kèn, đã có những người đến nấu nướng. Một người già nào đó đã xé vải tang. Bàn tay nào xé rách không khí.

 “Con mở cửa sổ ra bố nhé. Để nhìn trăng từ đây”.

Cô gái hé cửa sổ. Mưa dội xuống đục cả con ao và mảnh vườn. Bức tường bao quanh khu vườn rộng bỗng chao đảo trong mưa. Ở ngoài kia vẫn là mênh mông, cánh đồng và những khoảng trống. Không có gì ở đây, ngoài những cơn gió cứ thổi, cứ than thở không dứt trong suốt mùa đông, những loài gió lạ lùa qua khe cửa sổ sơn xanh chống chếnh, những loài gió với gương mặt và hơi thở khổ đau, buồn trĩu nặng mà vẫn ngang tàng. 

“Trăng đã lên chưa con? Con ra hẳn ngoài ngắm trăng đi.”

Cô gái nhìn mãi phía tường bao trắng nhợt đang bị nuốt dần trong cái lưỡi khổng lồ của bóng tối. Cô nhìn mãi, sao trăng vẫn chưa lên.

Cô đã quên mất rằng cửa sổ của căn nhà này mở về phía Đông. Nơi ấy trăng chỉ hiện ra vào lúc tảng sáng. Chỉ có gió thốc lạnh. Mưa.

Người thợ đã giáng nhát búa xuống chiếc đinh cuối cùng. Ông nghe tiếng gỗ giật nảy lên vang chói tận óc. Ông thấy mình nằm im cứng đơ trong vải liệm, rồi được đặt ngay ngắn trong chiếc quan tài sơn thếp vàng.

Người cha nhìn gương mặt con gái, một vầng trăng nhợt nhạt đẫm nước mưa, mỉm cười, nụ cười của kẻ đã bị số phận tàn hủy, đến phút cuối cùng vẫn chờ đợi một điều gì mãi không đến.

“Trăng đã lên chưa con?”

Những tấm thân yếu đuối dồn sức gồng lên, lao ra ngoài ô cửa. Họ thuộc về bầu trời xám, những cơn mưa, vầng trăng đẫm nước, họ thuộc về sự tàn hủy, họ sinh ra từ những loài gió lạ và họ đang trở về, thành những loài gió lạ, những loài gió mang gương mặt và hơi thở khổ đau, trĩu nặng mà vẫn ngang tàng, thổi không ngừng trong những mùa đông.

                                                                                                                                                                                                                                                  14.01.08 – 15.12.2010

 

 

                                      Mình hót lên

                                                                                    tặng p.m.đ & những mùa

 

Một sáng sớm mùa đông, bầu trời xám thở ra hơi mát lạnh, tôi tự nhiên trút bỏ dần bộ dạng người. Trong gương, khi đưa bàn tay trái lên gỡ tóc rối, tôi thấy ngón tay đeo nhẫn và ngón trỏ thấp hơn hẳn. Theo trò đùa của mắt, tôi hà hơi mờ mịt mặt kính, áp bàn tay trái vào gương, nhấc lên, thấy hình bàn tay trên gương, chiếc sừng nai nhấp nhô những mầm sừng đang nhú, hai mầm sừng bị chặt ngang, rồi dấu vết trên mặt gương mờ dần, chiếc sừng teo nhỏ lại, thành chiếc cành đang đâm nhánh bỗng chết khô vì cây bị đứt rễ, rồi dần dần chúng biến mất hẳn trước mắt tôi, chỉ còn lại toàn hơi sương. Tôi dùng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay phải nắn vuốt từng ngón tay trái, phát hiện điều kì cục xảy ra với cả ngón trỏ, và cả ngón áp út bàn tay phải: chúng cụt lủn, chỉ còn hai đốt. Như thể một căn bệnh lây nhiễm, các ngón tay khác cũng trụi dần trụi dần, một cái cây bỗng nhiên bị loài sâu khổng lồ gặm mòn hết cành lá, chỉ còn trơ lại những hốc mắt tròn lụi trên thân.

Bây giờ tôi thấy mình thấp dần, toàn thân co dồn, hai chân lún mãi xuống, một cái lò xo chịu lực ép vô hình. Mặt sàn nơi tôi đứng vẫn bất động, không có dấu hiệu chuyển rung, chao đảo. Cái mặt tôi vẫn nguyên dạng mặt người, gương mặt quen thuộc với tôi: hai con mắt lầm lì thiếu sinh khí, hai lá đào khô, cái mũi thấp bẹt cố nhoi lên hít thở, cái lều tạm bợ trên sa mạc của lũ vi trùng, hai gò má cao xương xương, hai hốc đá, nơi trú ngụ của những nụ hôn trong quá khứ bỏ hoang, vết sẹo nằm ngang dài 4cm, con đỉa nằm bẹp trên trán cao và dô, vài sợi tóc lòa xòa ngang má. Gương mặt bây giờ là kí ức người sót lại của tôi, là minh chứng cho nhân dạng tôi. Theo độ lún xuống của đôi chân và toàn thân co lại, chiếc mặt tôi, may thay, vẫn gắn với đầu, từ từ tụt xuống, và rơi xuống mặt đất, một cái đầu tượng bằng đất.

Qua những tấm gương lớn đặt sát tận chân tường, gắn với tứ phía của căn phòng riêng có cửa thông ra phòng khách, tôi thấy đôi chân mẹ, chiếc làn nhựa xanh đặt xuống nền gạch hoa như mọi ngày. Tiếp đó, như thường lệ - và tôi luôn đoán đúng, tôi nghe tiếng gọi vào ăn sáng, lần này tiếng gọi vang lên âm âm, có lẽ bởi tai tôi đang ở quá sát mặt đất. Ngày nào tôi cũng rình đoán những lúc mẹ gọi đến tên mình vào các giờ ăn. Tiếng “con” vang lên trong không trung, vón cục, lăn lốc cốc, đôi khi cũng vui tai. Tôi và mẹ sống cùng nhau 20 năm qua, bằng số tuổi tôi bây giờ, theo thể thức giao tiếp đặc biệt gần như thủ tục: phần lớn thời gian tôi sống trong căn phòng đặt gương tứ phía, mẹ và tôi không giáp mặt nhau nhưng từ phòng mình, tôi vẫn quan sát được bước chân mẹ, những chuyển động chống chếnh như dưới nước khi ánh mặt trời rọi vào, gương mặt lấp ló đâu đó, đôi mắt lo âu vẫn dò theo tôi nhất cử nhất động bằng cách nhân thành nhiều đôi mắt qua các tấm gương. Có một thỏa thuận ngầm đáp ứng nhu cầu của cả hai bên: nhu cầu quan sát từ xa của tôi và mẹ bằng cách nhân bội con mắt, tôi đề phòng mẹ nhất cử nhất động, mẹ canh chừng tôi nhất cử nhất động, từ khi tôi mới lọt lòng. Bà chỉ có mình tôi, bà sống vì tôi và luôn sợ hãi tôi biến mất bất cứ lúc nào.

Có lẽ ngày đang trôi, nắng mùa đông hắt vào tấm gương loang loáng những lưỡi ánh sáng nhọn sắc, những lưỡi thép trắng lạnh. Gương mặt tôi bắt đầu biến thái, miệng tôi dài ra và úp vào nhau thành cái mỏ chim. Tôi mơ hồ đoán rằng chính lưỡi dao của ánh sáng đang khoét gọt tôi theo cách nó muốn.

Tôi đang thành một con chim. Lông bắt đầu phủ dần lên hai cánh tay và bàn tay trụi lủi. Lông dầy lên toàn thân, ấm áp. Những móng chân của tôi hơi quặp lại và lớp sừng đang sần lên. Một con chim ngoại cỡ so với những loài chim quen thuộc trong thành phố này.

Tôi cười thầm. Sự biến mất của tôi sẽ làm mẹ kinh hãi. Thậm chí tuyệt vọng, thậm chí bà có thể chết bất ngờ. Ánh sáng đang khoét gọt tôi theo cách của thiên nhiên, theo quy luật sinh tồn và thích ứng. Tôi không phải là sở hữu của mẹ tôi. Tôi không thuộc quyền kiểm soát của bà. Tôi cũng chẳng thể tự quyết định chính tồn tại của mình.

Tôi nhảy nhót ra ban công. Tôi bay, thử xem. Tôi đập cánh. Tôi lấy đà. Tôi ngã dúi. Tôi đập cánh lại. Tôi lấy đà. Tôi bay được.

Quả thật tôi là chim? Tôi bay lên.

Khi mệt, tôi đứng nghỉ trên dây điện chăng khắp phố, nhìn nghía bọn người đi lại ở dưới, bọn người tôi vốn chán ghét vì sự nhàm tẻ đúc ra từ khuôn mặt họ. Lần đầu tiên tôi quan sát đám đông di chuyển đủ loại người, mà tôi không phải trà trộn vào họ, cũng không phải len lén nhìn, không phải bày đặt một căn nhà gương, tôi đang ở trên cao hơn để nhìn họ, tôi không bị họ săm soi như soi một con người bình thường. Tôi đang mang hình thù chim. Tôi bắt đầu thấy họ hay hay là lạ. Rồi có lẽ họ cũng săm soi tôi, săm soi một con chim, có thể bằng mắt, bằng tay, bằng ná thun, bằng súng, bằng đá…theo cách của một con người. Nhưng tôi chẳng lo xa. Bây giờ tôi đang là chim.

Tôi gõ gõ vào thân cây, nghiêng nghiêng đầu, mổ mổ xuống cánh lá.

Tôi nghe tiếng hót của tôi cứ mỗi ngày mỗi trong hơn.

Trong kí ức của một con chim có hình ảnh một con người không?

Mình hót lên. Chỉ mang máng rằng cánh tay mình teo dần rồi mọc ra hai cái cánh. Rồi lông phủ lên… Chỉ mang máng rằng một sáng sớm mùa đông, bầu trời xám thở ra hơi mát lạnh, mình tự nhiên trút bỏ bộ dạng người. Thế rồi bay đi luôn và là chim luôn từ đấy.

Nhưng bây giờ, mình phải bay đi đâu? Mình đã làm thân với những loài chim và biết rằng, trong thành phố này, mình là một con chim chẳng hợp bầy. Những loài chim trong thành phố có lẽ đã cảm thấy bất trắc khi mình lại gần. Thiên nhiên đã ngẫu hứng tạo ra mình, có lẽ, nhưng thiên nhiên không kèm theo hướng dẫn sử dụng, cũng không khuyến mại một cái lồng. Trong kí ức của một con chim có hình ảnh một con người không? Trong hình dạng bây giờ, liệu mình có bị phát hiện ra mình đã từng là một con người không. Bây giờ, mình phải bay đi đâu?

                                                                                                      21. 07.2007 - 02.01.2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...