Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Trò chuyện với một trưởng lão

Vũ Duy Thông - 06-06-2011 08:40:18 AM

VanVN.Net - Hễ ai có công với văn chương Việt Nam, con người này hình như đều không quên. Với sức làm việc như thế này, chắc gì mấy người trẻ theo nổi một ông già đã bảy mươi sáu, xưa nay hiếm. Mà đâu chỉ sức làm việc, còn cả tấm lòng, cả sự cần mẫn với con đường đã chọn. Những con người như Hà Minh Đức liệu giờ còn được bao nhiêu? Hiếm quá. Tự nhiên thấy ngậm ngùi…

Giáo sư Hà Minh Đức

Cầm trên tay ba cuốn sách mới “Chế Lan Viên - Người trồng hoa trên đá”, “Huy Cận - Ngọn lửa thiêng không tắt” và “Nguyễn Đình Thi - Chim phượng bay từ núi”, lại nghe chính tác giả cho biết sắp tới ông sẽ in tiếp cuốn về Tế Hanh nữa, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Trước đó là Nam Cao, Tô Hoài, là Hồ Chí Minh, là Tố Hữu. Mới gần đây là Xuân Diệu. Ông thích và đã viết về Nguyễn Bính với cuốn “Nguyễn Bính thi sĩ của đồng quê” (1994) nhưng tiếc là không được gặp tác giả. Sau này ông viết về những người mình đã gặp, đã trò chuyện. Hễ ai có công với văn chương Việt Nam, con người này hình như đều không quên. Với sức làm việc như thế này, chắc gì mấy người trẻ theo nổi một ông già đã bảy mươi sáu, xưa nay hiếm. Mà đâu chỉ sức làm việc, còn cả tấm lòng, cả sự cần mẫn với con đường đã chọn. Những con người như Hà Minh Đức liệu giờ còn được bao nhiêu? Hiếm quá. Tự nhiên thấy ngậm ngùi…

Tôi có duyên nợ với Hà Minh Đức từ hồi còn mười chín, đôi mươi. Hồi ấy ông dạy tôi ở Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cách nhau ít tuổi nhưng hồi ấy thày ra thày, trò ra trò, giữa ông và chúng tôi có cái khoảng cách mà sự “kính nhi viễn chi” tạo ra, không dễ vượt qua. Nhưng dù xa cách, tôi vẫn nhớ như in những buổi sáng, ông bước cao bước thấp đường ruộng xóm núi đến lớp Văn khóa 8 của tôi, nơi ông làm chủ nhiệm. Bộ quần áo gụ xoàng xĩnh như thày Hoàng Xuân Nhị, thày Hoàng Như Mai, thày Lê Đình Kỵ, thày Nguyễn Tài Cẩn và rất nhiều thày giáo, cô giáo trong “giàn thày học trong mơ” hồi bấy giờ. Giọng đều đều, không ra nói với học trò cũng không ra nói với mình. Và đêm đến, trong căn nhà lợp rạ nơi xóm núi Đại Từ, ngọn đèn dầu trên bàn của Hà Minh Đức sáng rất khuya. Chúng tôi ít ai nghĩ rằng sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu từ đó.

- Thưa ông, ông có nhớ đích xác mình đến với phê bình, nghiên cứu từ bao giờ không?

- Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội ra, tôi bắt đầu làm nghề dạy học, kể ra đến nay cũng được năm mươi tư năm không đứt quãng trong đó ba mươi ba tuổi đã chủ nhiệm một lớp đông nhất của trường cũng là lớp sau này thành đạt hiếm có của trường, cho đến năm 1990 thì kiêm nhiệm Chủ nhiệm khoa Báo chí và năm 1995 lại kiêm nhiệm Viện trưởng Viện Văn học trong hơn bẩy năm. Tôi chí thú với nghề giáo và tự hào về nó. Ngay đến việc phê bình, nghiên cứu văn chương, cũng từ nghề giáo. Dạy sinh viên, hướng dẫn các thạc sĩ, tiến sĩ (tôi đã hướng dẫn khoảng hai mươi hai tiến sĩ văn học, người gần đây nhất là tiến sĩ Nguyễn Duy Tờ, giám đốc Nxb Thuận Hoá). Những điều mình chưa biết thì phải tìm tòi, nghiên cứu, lúc đầu chỉ để phục vụ bài giảng, dần dà những điều biết được cứ dày lên, cứ thôi thúc mình tìm hiểu thêm, thế là thành “nhà nghiên cứu”. Cũng phải nói thêm, tôi mê văn và rất trọng văn nữa. Không có tấm lòng, muốn thành công trong văn chương, kể cũng khó. Văn chương nhiều khi rất tình cờ. Như người đãi vàng, có khi đám cát lắng đáy sông nó đãi đằng mình những thứ vô giá.

- Thế còn nhà phê bình, nghiên cứu? Ông có hài lòng về sự tôn xưng ấy không?

- Được gọi như thế là niềm tự hào, là một trách nhiệm. Đấy là một nghề. Gắn với văn học nhưng lại không hoàn toàn phụ thuộc vào văn bản tác phẩm, vào ý muốn của các nhà văn. Ở tinh chất của nó, nó phát hiện, định hướng cho người đọc và định hướng cho người đọc cũng đồng nghĩa với định hướng cho văn học. Tất nhiên là góp phần định hướng thôi, không dám nhận cả.

Nhưng phê bình và nghiên cứu cũng có cái khác nhau đấy. Phê bình thường tức thì. Nghiên cứu được lùi xa hơn, có thì giờ để ngẫm nghĩ, lật đi lật lại và ít chịu áp lực hơn. Phê bình có lớp lang, thế hệ khá rõ. Người làm phê bình không mấy khi vượt qua thế hệ mình và cũng không nên vượt quá thế hệ mình. Biết thế nên đâu như khoảng những năm 80 trở lại đây, tôi thôi viết phê bình, chuyển dần sang nghiên cứu và bây giờ chỉ còn là nhà nghiên cứu. Những cuốn sách gần đây là kết quả của sự nghiên cứu ấy.

Lại như chuyện sáng tác. Thường thì khi trẻ người ta sáng tác, khi về già nghiên cứu. Tôi ngược lại, trẻ đã nghiên cứu, già làm thơ, viết bút ký. Thơ in đến tập thứ 5, cũng là dày dặn. Bút ký sau tập “Ba lần đến nước Mỹ”, mới đây ra tập “Nước Nga thu vàng và miên man tuyết trắng” trên nền tư liệu khá ít ỏi nhưng cũng được khen. Tôi ở Nga không nhiều nhưng sống với nước Nga thì nhiều, hơn hàng mấy chục năm, từ thời sinh viên qua các phẩm của các nhà văn Nga và bè bạn người Nga. Nhưng tôi biết, thế chứ nhiều nữa, người ta cũng chỉ gọi nhà nghiên cứu Hà Minh Đức chứ không ai gọi mình là nhà thơ hay nhà văn xuôi. Tuy thế tôi vẫn vui. Nhà nọ, nhà kia bây giờ cũng  vừa vừa thôi như cách nói hai trong một, ba trong một.

- Phê bình hay nghiên cứu, trọng ở việc khen chê. Người ta có cách ngôn: Ai chê đúng, đó là thày ta. Ai khen đúng, đó là bạn ta. Người khen ta mà khen không đúng, là kẻ thù của ta đó! Ông thấy sao về câu cách ngôn này?

- Câu đó hay nhưng ở đời mà thực hiện được là rất khó, nhất là trong khen chê văn chương. Có khi muốn khen nhưng phải nói vừa phải. Có khi muốn chê nhưng không tiện. Với lại chuyện khen chê văn chương có bối cảnh của nó. Nhiều người trích dẫn câu này câu nọ, nhưng lại tách nó ra khỏi văn cảnh, ra khỏi bối cảnh xã hội của câu trích đó. Tôi nghĩ như thế là không nên. Tôi thấy Nguyễn Du không trực tiếp chê ai bao giờ, nhưng qua Truyện Kiều, qua thơ chữ Hán, thấy ông khen chê rất rạch ròi. Khen chê còn do tính cách. Cùng một thời, nhưng Tú Xương quyết liệt, sâu cay; Nguyễn Khuyến thâm trầm, chỉ như cười mỉm chứ không bao giờ cười ra tiếng. Tôi đã dành nhiều trang viết cho Hồ Chí Minh, và cả những nhà triết học lớn, lãnh tụ của chủ nghĩa cộng sản như Mác, Ăng ghen, Lê-nin. Những trang viết ấy là công sức nghiên cứu cẩn trọng, khách quan của tôi trong một thời gian dài. Khi bàn về họ, tôi luôn có khen có chê, không một chiều. Tôi chưa bao giờ khen Tế Hanh, Anh Thơ là tài hoa, nhưng khen Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên tài hoa. Ngay với Xuân Diệu là người tôi rất quí mến, trong bài “Một hướng đi trong thơ” viết về Xuân Diệu khi Xuân Diệu còn sống, tôi tỏ ý chê chủ trương thơ “chân chân thật thật” của ông. Gặp tôi, Xuân Diệu bảo: “Người khác với mình như thế là không xong đâu. Nhưng với Hà Minh Đức, thôi cho qua!”. Xuân Diệu nói thế có ý trách, nhưng tôi lại coi đó là một lời khen.

Nói như thế không có nghĩa là bảo thủ, mình luôn đúng. Mấy chục năm là một cuộc vận động, một hành trình dài. Tôi cố gắng giữ tính nhất quán và sự thận trọng. Văn chương không thể vội vàng, hùa theo phong trào nhất thời.

- Nhìn lại mấy chục năm văn học nghệ thuật, người ta thấy sự a dua như  một căn bệnh. Sáng tác cũng vậy mà phê bình, nghiên cứu cũng vậy. Đánh ai đánh hội đồng mà khen ai cũng khen hội đồng nốt.

- Cho tôi nói về tôi thôi. Tôi không a dua. Không chỉ tôi nói mà người khác cũng nói thế. Trong một bài viết “Bạn văn một thời”, Nguyễn Đình Thi từng nói: “Hà Minh Đức không bao giờ đánh hôi”. Hồi Nhân văn- Giai phẩm, tôi không viết bài nào dù hồi ấy, cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội có các giáo sư Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu và một vài người khác, ngay bên cạnh. Tôi nghĩ mình là sinh viên mới ra trường, chưa hiểu hết lẽ đời lẽ đạo mà vội vã phê phán các thày sao? Tôi bảo vệ Nguyễn Công Hoan với tác phẩm “Đống rác cũ”, Tô Hoài với “Mười năm”. Chắc anh còn nhớ tôi ở cùng Ban liên lạc thơ mới do nhà thơ Huy Cận chủ trì nhằm bảo vệ giá trị của thơ mới, Hà Minh Đức cũng bảo vệ Tự lực văn đoàn từ một cuộc hội thảo thời đổi mới đến xuất bản một tập sách dày dặn về Tự lực văn đoàn vào những lúc khó khăn. Từng sống với không khí văn học thời ấy anh biết, khen được những tác giả, tác phẩm đó phải lội ngược dòng, nghĩa là rất cần sự dũng cảm. Gần đây thôi, tôi viết bài dài ba mươi trang chứng minh “Nhật ký trong tù” là của Hồ Chí Minh, không thể của ai khác từ một lập luận khách quan, khoa học phê phán lại Lê Hữu Mục với cuốn sách “Nhật ký trong tù” không phải của Hồ Chí Minh. Bài viết của tôi hình như đã chấm dứt một cuộc rêu rao ầm ĩ không đáng có. Trường hợp  cuốn “Mác-Ăng ghen về văn học nghệ thuật” đến bây giờ, tôi vẫn tâm đắc câu của Đinh Gia Khánh sau khi đọc cuốn này: “Mình tưởng ông nặng về sao chép nhưng đây là một trong số cuốn hay nhất của ông”. Tôi cố gắng nghiên cứu khá kỹ Mác-Ăng ghen- Lênin vì về văn hóa văn nghệ tôi coi đó là những trí tuệ lớn của nhân loại. Gần đây, tôi đã hoàn thành một cuốn nữa về ba ông, đó là cuốn “Mác-Ăng ghen- Lê nin với báo chí”. Khi đưa in, chỉ định in 500 cuốn theo thông lệ nhưng Nhà xuất bản đề nghị in 1.500 cuốn, tôi rất mừng. Các vị này còn có thể nghiên cứu tiếp nữa. Chẳng hạn năm 1975, tôi và giáo sư Lê Đình Kỵ tuyển chọn “Mác - Ăng ghen bàn về văn học - nghệ thuật” (hồi ấy Nhà xuất bản đề nghị không ghi tên người tuyển chọn). Bây giờ, tôi thấy với các nhà kinh điển có thể làm rộng hơn, về cả những vấn đề về văn hoá. Tóm lại, với tinh thần khiêm tốn tôi nghĩ tôi là một nhà giáo có chuyên môn và trách nhiệm được tin cậy, một nhà nghiên cứu cần mẫn với những công trình có ích, kiên định với những gì mình đã khen chê. Tôi luôn nhất quán, chỉ có điều sự nhất quán đó, có nhiều cách biểu hiện khác nhau. Tại Đại hội của Hội Nhà văn lần thứ 5, có người bảo tôi: “Tham luận của anh có tính khoa học nhưng anh bắn lên trời, còn ở đây người ta bắn nhau, người này bắn người kia, nhóm này bắn nhóm kia”. Tôi chỉ cười.

- Xin hỏi một câu hơi riêng tư, ông yêu như thế nào?

- Là người, ai mà không từng yêu. Nhưng tôi xin phép không nói về chuyện này. Tôi là một nhà giáo. Và tôi muốn giữ sự êm ấm, hạnh phúc cho những người yêu mình và mình đã yêu.

- Thế thì đành thôi vậy. Nhưng câu này, chắc ông có thể trả lời, ông có cô đơn không?

- Rất cô đơn. Về đời sống riêng, chắc anh biết rồi. Tôi đang sống với con gái và không nguôi nhớ về cháu trai đã mất. Có lúc vui vẻ nhưng có lúc trống vắng lắm. Vì cô đơn, tôi mới làm việc nhiều vậy. Nhưng nghĩ cho cùng, muốn nghiên cứu, cũng cần một gia đình yên ấm. Về văn nghiệp và cả nghề giáo nữa, tôi không ít thiệt thòi. Tôi không có ai hỗ trợ và cũng ít  người hiểu mình. Có những điều mình nói trên báo với tinh thần góp ý chân thành, thẳng thắn mà người ta vẫn cứ làm. Khi mọi việc rõ ra, mình đúng nhưng họ vẫn vô can như một số vấn đề trong giáo dục. Với một thày giáo lâu năm điều này phải suy nghĩ lắm. Nó cũng là một trong những cội nguồn của nỗi cô đơn, phải chăng người già ngày nay nói ít người lắng nghe.

- Tôi cũng đọc được tâm tư ấy trong những cuốn sách ông viết về Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên và cả những người khác nữa. Ông có nghĩ rằng mình viết về người khác cũng là để thổ lộ chính mình không?

- Anh nói vừa đúng, vừa chưa đúng. Chưa đúng vì tôi viết về Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên và sau này còn có Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh… trước hết là vì để nghiên cứu về những người đó một cách khách quan, trung thực. Tôi nảy ra ý định nghiên cứu về họ từ cự ly gần, từ những thổ lộ trực tiếp của họ đã lâu, cách đây vài chục năm, tư liệu có đến hàng trăm trang. Tuy ít hơn họ đến mười, mười lăm tuổi nhưng tôi may mắn được các anh ấy coi là bạn vong niên, được gặp gỡ thường xuyên, có lần đi công tác cũng mời đi bằng được, nhiều điều con cháu cũng không nói mà vẫn nói cho mình nghe. Qua những câu chuyện như thế, tôi nghĩ cũng là một cách hay nếu ta dựng lại chân dung nghệ thuật của họ qua những lần trò chuyện, một cách như Real TV các anh bây giờ vẫn dùng vậy. Nhưng dù sao, phần chuyên luận về họ vẫn là phần chính, nghĩa là nghiên cứu văn học trước hết phải từ văn bản. Phần trò chuyện là bổ sung, làm phong phú, đa chiều thêm văn bản. Còn đúng là  nghiên cứu cũng cần sự đồng điệu, cần cảm xúc mới viết được. Những người tôi viết về họ bấy nay đều là những người tôi yêu mến, kính trọng, tìm được trong họ sự đồng điệu, đồng khí tương cầu. Họ cũng là người “tầm cỡ”, có chuyện để nói, để viết. Những người sau này mà tôi gặp, tôi thấy không bằng họ ở nhiều mặt. Bảo viết về một người mình coi thường, mình ghét thì khó hay cho nên tôi thường không theo hướng này.

- Cho phép tò mò một chút, ông có dự định gì đang ấp ủ?

Anh ạ, quỹ thời gian của tôi đã cạn rồi. Tôi cố giữ gìn sức khỏe để hoàn thành một số công việc. Năm 2011 tôi cho xuất bản cuốn “Nguyễn Đình Thi – chim phượng bay từ núi” và sau đó là “Tế Hanh – mãi mãi hoa niên nhân” kỷ niệm 90 năm sinh nhà thơ Tế Hanh. Những cuốn sách này đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Và một việc cuối cùng là hoàn thiện công trình nghiên cứu “Một thế kỷ thơ Việt” (1900 – 2000). Rất khó nhưng tôi quyết tâm làm và đã viết xong bản thảo lần đầu. Mong thời gian sẽ ủng hộ cho tôi. Cám ơn sự quan tâm của nhà thơ Vũ Duy Thông.

(Nguồn Văn nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...