Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Ngồi với Lê Lựu một chiều cuối xuân

Tuệ Nhi (thực hiện) - 27-06-2011 09:48:23 AM

VanVN.Net - Nhà văn Lê Lựu đang loay hoay quyên tiền để xây nhà tưởng niệm Phạm Tiến Duật. Đã xin được đất, Hội Văn nghệ Phú Thọ đã đồng ý xén từ khuôn viên của mình ra một mảnh; đã đúc xong tượng đồng nhà thơ, đã có được hơn 100 triệu nhưng cần số tiền gấp mười ấy nữa cho một ý tưởng đẹp và hào hùng…



PV: Phạm Tiến Duật chẳng những là một hiện tượng của thi ca, thơ ông chưng cất cái thanh xuân của thời đại làm nên một men say, một chân trời thẩm mỹ trùng khít với khát vọng giải phóng; do đó, ông còn là niềm tự hào của cả một thế hệ.  Lẽ ra, Đoàn Thanh niên hay Hội Liên hiệp Thanh niên & Sinh viên phải đứng ra làm cái việc mà ông đang làm và có vẻ quá sức. Lấy đâu ra một tỉ nữa?

Lê Lựu: Tôi có thời gian dài cùng làm báo mặt trận 559 với Duật. Tôi đã hứa đúc tượng, xây nhà tưởng niệm với anh ấy bên giường bệnh. Mà những cái liên quan đến các cơ quan nhà nước sẽ rất lâu, sẽ phải nâng lên đặt xuống và bàn thảo. Thôi thì, như chú nói, nhà văn là rượu của dân, sống chết đều nhờ cả ở dân.

Tôi yên lặng nhìn ông. Sau tai biến não, ông trở nên chậm chạp và bấy, đi xa phải có người dắt. Nhưng ý tưởng cần làm một việc để ghi dấu thời đại vẫn khư khư bám níu lấy ông và tôi có cảm giác ông cũng khư khư bám nó như một lý do tồn tại. Nơi ông ở bây giờ là cuối ngõ 319 đường Tam Trinh, hiện được dân sử dụng làm cái chợ cá chợ rau rộn ràng và nhếch nhác. Tôi cứ hình dung, mấy mươi năm nữa con ngõ 319 này sẽ mang tên Lê Lựu mà không khỏi bùi ngùi. Hóa ra Lê Lựu còn rất nhậy cảm, ông hiểu những lời tôi không dám nói.

Lê Lựu: Tuổi chúng ta không cho phép ôm đồm. Nhưng cũng không có gì phải ngậm ngùi.

Chúng tôi cùng ngước nhìn phía bên kia đường. Nó là khoảnh sân nhỏ cạnh khu chung cư, bọn trẻ con đang đá bóng. Ở góc sân là một cây quất lớn, của nhà ai sau khi chưng Tết đã để ra ngoài. Cánh đồng nát ve chai hẳn đã bứng nó ra khỏi chậu mà lấy chậu đi. Cây quất thành chân lâng, rễ không thể xuyên qua bê tông, chỉ còn ít ỏi dưỡng chất sẻn so nuôi hoa, nuôi những quả li ti mà không dám chắc nó thành được quả.

PV: Ông nói đúng, không việc gì phải ngậm ngùi. Từ một binh nhất nghĩa vụ, có dăm ba chữ đi viết những cái tin bằng bao diêm in trên báo Quân khu ba, Lê Lựu đã lừng lững đi lên chiếm lĩnh đỉnh cao của văn xuôi thế hệ mình. Sau Thời xa vắng được coi như tác phẩm văn học tiền đổi mới

Lê Lựu: Tiền trạm cho đổi mới.

PV: Vâng, chữ tiền trạm hay hơn. Điều đáng nói là, sau Thời xa vắng người ta không thể viết như cũ, theo mô hình về những “cái sẽ có”. Nhà văn phải trở về với nguồn cội, chúng ta là ai, là một quần thể nông dân lam lũ,  đói khổ và thất học. Hôm trước còn đang vô danh trong đám đông chờ bán sức lao động để kiếm cái ăn; hôm sau đã lý này luận nọ và cứ tưởng rằng, cứ hăm hở mà đi, chỉ sớm đến chiều là tới được chân trời hạnh phúc trong giầu có. Giang Minh Sài là một hình tượng nghệ thuật số 1 của một thời đã xa. Nhân thể nói thêm, Lê Lựu là nhà văn đầu tiên ngay từ năm 1973 đã viết về người lính bị thương trở về với nghiệp nông gia (Người về đồng cói) trong khi phần lớn những nhân vật như thế được các nhà văn cho vào trường đại học để xây dựng chủ nghĩa xã hội chung chung trong tương lai. Có thể hình dung, Lê Lựu chưa bao giờ không nhìn xuống đất, tựa vào đất, làm mọi việc bắt đầu từ đất. Tôi chỉ chưa thích Giang Minh Sài ở chỗ, sau cay đắng thất bại vì phải yêu cái người khác yêu ở nhà quê, lại thất bại vì yêu nhầm cái người không dành cho mình ngoài thành phố; anh ta phải trở nên bi phẫn chán đời mà hoặc thành lưu manh, hoặc chai sạn trên hoạn lộ ngay ngoài Hà Nội. Chứ tôi tin chắc Sài không về quê đốt gạch.

Lê Lựu: Tôi viết trước năm 1984, chưa thể phá tung lên như thế; cũng không hẳn đúng với tính cách người Việt Nam. Sài phải yêu cái người ta yêu, chứ không được yêu cái người nó yêu. Sau thì lại yêu nhầm cái nó không có, thì có khác gì chúng ta yêu những giấc mơ hão huyền thời ấu trĩ? Vì thế, tôi mới cho nó dứt bỏ tất để quay về với gốc gác của nó.

PV: Như thế càng chứng tỏ cái chủ quan áp đặt của tác giả. Nếu ông cho Sài về quê là vì người yêu cũ của nó, một người đẹp vẫn còn gây hân hoan người đọc già là tôi đây, thì lại là chuyện khác và cấu trúc truyện phải khác. Cô ấy hoặc đang cơ hàn trong cô đơn, hoặc cô ấy một nách mấy đứa con nheo nhóc bị chồng bỏ do ghen tuông tâm tưởng…thì ai chứ Sài sẽ vứt bỏ tất tần tật để trở về với cố nhân như một tất yếu. Nhưng dẫu sao thì mọi việc đã diễn ra. Chúng ta sang cuốn tiểu thuyết khác của ông. Tôi có cảm giác ông có một ấm ức nào đó vì Chuyện làng Cuội chưa được đánh giá đúng tầm với nó?

Lê Lựu: Ấm ức quá đi chứ. Các nhà văn chúng ta viết tác phẩm văn học khác nào người mẹ thai nghén rồi sinh những đứa con. Thế rồi người ta cứ bảo đứa con tinh thần của nhà văn sinh ra là để xỏ ông nọ, xiên bà kia thì ai không ấm ức? Cái dị nghị thị phi ấy lại được những người lo hão đồng tình bỏ tiểu thuyết vào rọ im lặng. Tôi nhận thấy rõ ràng rằng, mọi sự bây giờ nó cứ rối tung lên là vì những sai lầm của quá khứ không được đánh giá kỹ lưỡng. Ví dụ thời cải cách ruộng đất người ta dạy nhau cách ăn gian nói dối. Bà Xuyến, vợ Hiến lên đấu ông Kiên là một lão thành cách mạng, đấu nửa chứng quay xuống hỏi “rồi thế nào nữa bà con ơi?” Bà ta quên những chuyện người ta dạy bà đấu tố. Trong Chuyện làng Cuội, tôi không chửi bới quá khứ, không lên án những sai lầm mà chủ ý phân tích kỹ cái hậu quả là chúng ta có quá nhiều kẻ ăn gian nói dối, cứ vụ nọ gối vào vụ kia rồi lướt đi nhân danh bảo vệ nội bộ (tôi gọi họ là lo hão); tính trung thực và minh bạch không được đề cao. Tôi ấm ức vì chưa một ai hỏi tác phẩm của tôi hay hỏi tôi rằng, tôi có yêu Nước yêu Đảng không? có chân thành không? Mà lại cứ hạch tôi vì tội vạch ra khuyết điểm. Ô hay, sao lại sợ khuyết điểm chứ? Ai nắm tay đến tối gối đầu đến sáng? Cha ông ta đã nói thế, tức là tổ tiên ta biết rằng, trong đời người là rất dễ mắc sai lầm. Bác Hồ cũng nói, đại ý, cái đáng sợ không phải là khuyết điểm mà là không dám nhận và sửa chữa sai lầm khuyết điểm.

PV: Xin chuyển sang cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, Sóng ở đáy sông.Tôi thích thằng Núi, nó bị ông bố của nó, cái lão Đại gia trưởng cổ hủ đến ngu muội đã đẩy nó đến đáy sông. Nhưng ở đó, trong môi trường đáy, nó có tình yêu, tình xóm giềng và cuộc đời đã dạy nó nhân nghĩa. Lão Đại chỉ yêu và dành hết gia tài giầu có cho con vợ cả - với quan niệm đó là vợ cái con cột của lão, là chỗ dựa lúc về già của lão. Nhưng khi lão già ốm và chết, lại chỉ có vợ con thằng Núi chăm sóc lão. Ông muốn truyền thông điệp gì vậy?

Lê Lựu: Đừng đẩy con người ta đến tận cùng, như một thời chúng ta cứ muốn chẻ sợi tóc làm tư hoặc thậm chí suy diễn vớ vẩn rồi quy kết, dồn nhau đến không còn đường sống. Đó là một ấu trĩ cách mạng. Một thời chúng ta cứ mang những nông trang, những mô hình ở tận đâu đâu về lắp ráp vào cuộc sống, ai có ý kiến khác liền bị coi là xét lại, là chống đối và bị làm khó dễ. Bị làm khó dễ là khổ lắm, khổ nhất. Thời bao cấp, cái khổ nhất không phải là đói khát, đói khát là đói khát chung; khổ nhất là bị coi là có vấn đề về tư tưởng. Chú nhớ cho, vào thời đã xa, nông dân được coi là quân chủ lực, nhưng là để đóng góp nhân tài vật lực; còn trí thức thì được công nông binh đoàn kết với. Cho đến năm 1986, là năm được xác định là nền kinh tế suy thoái bên bờ vực; Nhà nước chia ruộng cho nông dân thì chỉ sau vài vụ, thóc gạo đã dư thừa cho xuất khẩu; vâng, nông dân và trí tuệ Việt Nam đã đưa đất nước thoát khỏi miệng vực. Nói một cách khác, Đảng đã đổi mới thành công, khác Perestroika của Liên Xô, cũng khác Cải cách mở cửa của Trung Quốc là nhờ nông dân và trí tuệ Việt, nhờ “dĩ nông vi bản” và công nhận 5 thành phần kinh tế có mặt tại Việt Nam trước khi nhập khẩu mô hình từ hai nước đàn anh.

PV: Ông biết đấy, đẩy đến tận cùng không phải là tính cách Việt, hay ít nhất hành xử ấy không có trong tính cách bản xứ; người Việt ta hay nửa vời, học mỗi anh một tí nhưng không chịu học ai đến đầu đến đũa. Trong Sóng ở đáy sông của ông, lão Đại đã đẩy con mình đến đáy, nó khiến tác phẩm căng cứng khiên cưỡng, tức là nó không thật. Lão Luật của Phùng Khắc Bắc (Đời thường) thấu đáo hơn. Lão cũng độc đoán, gia trưởng và nghiệt ngã với con, rất ích kỷ. Nhưng khi lão chết thì người con bị hắt hủi là Thân chợt hiểu ra rằng, hoàn cảnh đã làm nên tính cách trái khoáy của bố cũng như tình ruột thịt ẩn sâu trong con người nghiệt ngã của ông.

Lê Lựu: Chú lại bảo tôi áp đặt chứ gì? Cũng có bạn bè nói với tôi như vậy và có thể họ có lý. Họ còn bảo nó vận vào tôi theo chiều ngược lại, rằng tôi thì dồn tất cả cho con vợ sau, con vợ trước thì chẳng được gì. Cháu lớn bây giờ đã 45, tôi quả không giúp được gì nhiều cho cháu, ngoài việc đưa đón cháu đi thi, đi vào đời (đường lối) thôi. Còn con vợ sau thì mời đến 5 gia sư  để dạy dỗ các cháu hằng tuần. Nhưng con tôi nó không học cái hay của tôi, nó chỉ học cái dở của tôi thôi, lông ba lông bông, không làm cái gì nên hồn. Đến nỗi chú H.Ư gọi điện bảo, anh cứ bảo cháu ở nhà rồi em trả lương thôi, chứ nó đến cơ quan không những không làm nên cơm cháo gì, lại còn làm hư thêm đồng nghiệp. Giờ đã hơn 30, vẫn chưa yên bề nào. Nó tuyên bố từ tôi…

Ông nghẹn lời, rút cuộn giấy vệ sinh lau nước mắt. Tôi ngồi yên lặng nhìn sang bên kia đường, cây quất cảnh chân lâng có hiu hiu gió; yên lặng mãi cho đến khi tiếng chuông điện thoại ngắt dòng cảm thán trong người ông.

PV: Hình như mấu chốt nằm ở chỗ sự hiểu biết con người có thấu đáo hay không. Tôi có đọc bài báo nói về việc ông nói nếu mẹ con mày bán nhà thì trước khi bán phải viết giấy từ bố và nó đã viết. (?) Ở đây lý thuyết về nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, về hiện tượng chưa hẳn là bản chất  đã đúng. Xin ông cứ tự hỏi chính ông, xem tận trong đáy sâu tâm hồn, liệu ông có không còn coi nó là con, đứa con trai duy nhất? Tôi dám khẳng định là còn tình ruột thịt dù ngay bây giờ ông có thể bực phẫn mà nói hắt đi. Tôi cũng dám khẳng định về cháu như vậy. Trong cuộc đời, con người nhiều lúc phải gồng mình để xử lý một bước ngoặt, nó luôn có xu hướng coi việc đang bế tắc của nó là quan trọng bậc nhất, mọi cái khác chỉ còn là phụ, là thứ yếu. Con ông đang cần tiền để chuyển vùng công việc, để mua nhà ở nơi nó chuyển đến; trong khi ông lại đặt vấn đề tình bố con, nó sẵn sàng viết giấy để cái việc quan trọng bậc nhất kia được giải quyết chóng vánh, mọi việc tính sau. Nếu bình thường, đến nay các cháu đã gọi cho ông rồi, nhưng cái bài báo vô nhân kia đang đổ thêm dầu vào lửa. Ông cứ nghĩ mà xem?

Lê Lựu: Ôi giời ơi, bèo tấm ra sông cái rồi chú ơi. Mà tôi thì già mất rồi.

PV:  Già là già thế nào. Cứ gọi là ông bẩy mươi đi, lại cùng lúc nhiều bệnh trong người; nhưng thuốc uống cả vốc mỗi ngày, trí tuệ không còn được như xưa, đọc thuộc lòng cả một chương tiểu thuyết, nhưng sự nhậy cảm đọc ý nghĩ của người khác còn tinh tường lắm. Ông còn lâu mới đi. Còn đủ thì giờ.

Ông có nhớ cái truyện ngắn Pháp, viết thằng tù trở về nhà, ngó qua cửa sổ thấy cô vợ mặc đẹp, mặt mũi tươi như hoa đang bầy bàn ăn, trên bàn có hai bộ thìa dĩa. Thằng tù lập tức coi bộ thìa dĩa thứ hai là dành cho tình nhân của vợ và hắn liền bỏ đi. Nhưng ông có đọc ai bao giờ mà nhớ, để tôi kể nốt ông nghe. Nhà văn viết kết truyện rằng, tôi viết truyện này để người tù có đọc được, hay bạn đọc được mà gặp anh ta ở đâu, thì xin kể lại và nhớ bảo anh ta rằng, bộ thìa dĩa thứ hai kia là cô vợ dành cho anh. Viên cảnh sát quận đã báo cho cô biết từ sáng,là hôm nay anh sẽ trở về.

Vâng, nhà văn chỉ làm mỗi cái việc báo cho anh chồng về bộ thìa dĩa thứ hai.   

(Nguồn Văn nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Công chức Nga thời nào tốt hơn

VanVN.Net - Nhà văn I. M. Poliakov, Tổng biên tập Văn báo, ủy viên ủy ban Văn hóa phủ Tổng thống, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội nhà báo Matxcơva, tác giả nhiều tiểu thuyết chống quan liêu như Tình trạng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...

Nhà văn đọc sách  

Mấy ai đã đến tận cùng chiều sâu của biển

VanVN.Net - Đỗ Kim Cuông vừa cho xuất bản “Sau rừng là biển” - cuốn tiểu thuyết thứ 12. Đọc những trang đầu, tưởng chỉ là một câu chuyện đơn giản và quen thuộc: ba người lính quê một tỉnh đồng ...