Văn học với đời sống

1/6
8:57 AM 2017

MÙA HOA NƯỚC MẮT

Cuối năm, lên Tây Bắc, gặp bạt ngàn lau trắng. Nếu chưa phải là người yêu Tây Bắc bằng tình yêu máu thịt, thì cũng khó để tâm phân biệt các loại lau rừng.

 Lau trắng hay lau xám thì cũng giống nhau thôi, cũng cứ đợi đến khi gió lạnh quần thảo trên khắp các cánh rừng, mây trắng cuồn cuộn trôi như những tảng núi tuyết khổng lồ lấp đầy các thung lũng thì bắt đầu bung hoa. Lau trắng hay lau xám, nếu không yêu tây Bắc tha thiết đến độ mất ăn mất ngủ khi chưa được gặp nhau, thì chắc cũng chỉ nhận ra rằng nó khác nhau ở màu hoa. Ờ, chỉ đơn giản thế thôi. Hoa lau xám thì màu xam xám còn hoa lau trắng thì màu trắng. Chúng đồng loạt nở. Chúng nở cạnh nhau. Chúng phơ phất trước gió như nhau. Và nhìn chúng thì đều buồn muốn khóc.

               

Nhưng ngoài màu sắc ra, lau trắng và lau xám vẫn có những khác nhau đáng kể. Lau xám thân cây cao hơn, từng bụi mọc rậm rạp hơn, lá um tùm và bông trổ ra cũng lực lưỡng gấp rưỡi lau xám. Về  tạo  hình, bông lau xám khi nở hết cỡ, những tua hoa sẽ xòe ra mọi hướng như những bông pháo hoa nở tung. Còn lau trắng, ngoài màu trắng muốt dễ thương, những tua hoa ngắn hơn, bông hơn, tạo hình búp xinh xắn. Thân lau trắng mảnh hơn, ngắn hơn lau xám. Mỗi bông lau trắng cũng mảnh khảnh hơn. Tôi đã từng ngây dại trước cả rừng lau trắng để rồi nhận ra, mỗi bông lau trắng như hình một giọt nước mắt đang rơi.

 

Vào mùa hoa nước mắt, Tây Bắc đã qua những ngày mưa bão ầm ào nhất để trở lại yên bình. Nhìn lau trắng phất phơ suốt dọc đường biên ải, người không bao giờ lãng mạn cũng thấy lòng chùng lại, nao nao. Không hiểu sao, cứ nhìn lau trắng là muốn khóc. Những thân lau mảnh mai nghiêng rạp theo chiều gió thổi cứ gợi nỗi hoang mang về thân phận bọt bèo. Gió núi âm u và cuồng dại, lồng như ngựa hoang qua những cánh rừng, qua những đỉnh núi, những thung lũng cuồn cuộn mây mù, tưởng sẵn sàng cuốn tung tất cả những bông trắng yêu kiều đang tha thướt. Nhưng không, dẫu giá buốt tràn khắp nẻo, dẫu gió điên cuồng, hung hăng hăm dọa, những bông nước mắt vẫn cứ kiên cường đứng đó. Sau mỗi nghiêng rạp vì gió dại, lau trắng lại đứng thẳng ngay, lại phất phơ an nhiên, tự tại. An nhiên như thể chỉ biết đến trời xanh thăm thẳm ở trên đầu.

               

Vào mùa hoa nước mắt, Tây Bắc cũng đã qua mùa nước mắt. Những lũ ống, lũ quét, những sạt đường, lở núi hàng năm quét đi bao bản làng, bao cánh rừng và biết bao sinh mệnh con người đã lùi lại đằng sau. Người về với đất, cỏ đã bắt đầu nảy xanh trên từng nấm mộ. Người còn ở lại cũng đã nhặt nhạnh trong những đổ nát, hoang tàn để dựng lại túp nhà, nhóm lên bếp lửa. Những quả núi sạt từng góc lớn, đất đỏ như máu cũng đang khô bầm lại. Cây dại và cỏ dại bắt đầu rụt rè xanh, đánh dấu sự sống đang hồi sinh dần dần.

 

Vào mùa hoa nước mắt, Tây Bắc bắt đầu gồng mình chống chọi với một đợt thiên tai mới, là những ngày rét đậm, rét hại tai ác triền miên. Mặt trời nhọc nhằn lắm cũng chẳng mấy khi chọc thủng được màn mây cuồn cuộn để nhìn xuống thế gian. Băng tuyết cứ thế tràn mọi nẻo. Buổi sáng hay buổi trưa, buổi chiều thật khó phân biệt bởi lúc nào rừng núi, làng bản cũng ngập trong mây mù. Vắng tiếng mõ trâu lốc cốc bên sườn núi. Gia súc gia cầm cũng phải chúi trong chuồng tránh rét. Nhưng vẫn nhiều con trâu, con lợn không thể nào sống nổi với sự khốc liệt của thời tiết. Những bông hoa nước mắt càng lạnh càng nở đẹp. Cứ như bao nhiêu mây, bao nhiêu tuyết sà xuống để tạo thành hoa. Cây cối thông thường có thể úa lả đi vì lạnh quá, nhưng lau trắng thì vẫn thản nhiên trắng huy hoàng. Nhìn lau xám thấy buồn hoang hoải cho sự ảm đạm vắng vẻ, còn nhìn lau trắng lại thấm nỗi nghẹn ngào khó tả trước những mong manh, trong trẻo, tinh khôi phải chống chọi với những dập vùi khắc nghiệt.

               

Vào mùa hoa nước mắt, những trâu, bò không dám ra rừng, lên núi kiếm ăn vì lạnh quá, thì những đôi chân bé xíu của học trò Tây Bắc vẫn phải thoăn thoắt đến trường, vượt qua biết bao con dốc dựng, đạp lên bao đá núi, ướt đẫm những sương cùng mây để cùng tụ lại trong lớp học nghèo nàn. “Học để làm gì?”, tôi từng nghẹn ngào hỏi một cô bé đang lạnh run trong manh áo mỏng, giữa tiết trời đông chí ở một lớp học vùng cao. Em nhanh nhảu trả lời: Học để biết chữ! “Thế biết chữ để làm gì?” “Biết chữ để làm gì cũng giỏi hơn, cô giáo em bảo thế!” Chỉ tiếng trẻ học bài ê a lan trong gió mà ấm cả một góc núi trắng nhoi nhói màu hoa nước mắt.

               

Vào mùa hoa nước mắt, nhiều người thấp thỏm canh ngày lạnh nhất để lên vùng cao rình băng tuyết. Người vùng cao lại mong đêm mong ngày đừng có băng tuyết nữa, để gia súc gia cầm không lăn ra chết. Để cây cối còn sống được. Thật lạ kỳ cho loài lau, cằn khô, lạnh giá hay mưa dập gió vùi thế nào cũng vẫn sống khỏe. Có người chép miệng bảo, cái giống cây cỏ dại ấy mà, có sống thế, chứ sống nữa cũng ích gì đâu!

               

Có thật chẳng ích gì không? Có thật chẳng ích gì không khi nhìn thấy lau trắng là thấy rưng rưng nước mắt thương một vùng đất thật lắm nhọc nhằn, tai ương, đau khổ. Khi nhìn thấy lau trắng là thấy những bướng bỉnh, kiên cường trước bao dập vùi khắc nghiệt. Khi nhìn thấy lau trắng là thấy thêm nghị lực. Những mỏng manh, tinh khôi ấy chưa từng khuất phục trước bất cứ thiên tai ghê gớm nào.

               

Những bông nước mắt cứ thanh thản nở giữa một trời giá lạnh, giữa điên cuồng gió gào, gió giật. Nước mắt, dẫu phải chắt ra từ đau đớn, cũng không bao giờ là vô ích, phải không?

               

Chợt run người trong ý nghĩ nếu một ngày nào đó, cuối năm lên với Tây Bắc mà không gặp những bông nước mắt đón đường. Không còn lau trắng nữa, hỏi còn cây gì có thể sống nổi ở đất này?

               

Những bông nước mắt thật buồn lại gieo vào tim niềm vui dịu dàng, khó tả: trước biết bao tai ương của cuộc đời, cái đẹp mong manh mà bất tử!

                                               

18.12.2016- Nguồn: Nhavan TPHCM

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *