Tác phẩm chọn lọc

20/6
10:59 PM 2017

THỨC TỈNH- TRUYỆN NGẮN CỦA ĐOÀN HỮU NAM

“Rễ cây ngắn, ngắn đến thu tận gốc/ Rễ người dài, dài đến hoa lau bay”-Tộc trưởng Bàn Văn Vảng rời khỏi trụ sở Công ty Xây lắp Bảo Lâm trong tâm trạng uất ức như người thấy kẻ ngang nhiên cầm đuốc đốt bản mà phải bó tay chịu trận.

Buổi sáng khi ra khỏi bản, trước miếu Sơn Thần, trước họ tộc, ông Vảng đã hứa nếu không nói được Giám đốc công ty Triệu Tài Siểu ngừng việc làm thủy điện Phú Gia ông sẽ không về. Ông hứa có cái lý của ông. Siểu là con trai cả ông Triệu Đức Thanh, hồi đánh Pháp tiễu phỉ, trong một trận đánh ông đã giơ lưng đỡ đạn cứu ông Thanh. Ơn cứu mạng này làm ông Thanh nhớ đời, dẫu năm tháng qua đi, vật đổi sao dời, dẫu cách xa mấy chục quả đồi song hai nhà vẫn như chung rãnh nước. Ông Thanh sớm về với tổ tiên thì vợ con làm thay, cứ năm hết tết đến lại gánh gà gạo rượu sang nhà ông góp tết. Một nhà ân nghĩa, gia giáo như thế, Siểu là người có học, lại làm quan to thì làm sao ông không bảo được.

Nhưng ông Vảng vỡ mộng, “Ông Giám Đốc” không những không tiếp mà còn sai người ra đuổi khéo ông. Dọc đường về, chân đang như mang cùm leo núi, lòng đang như cơm thiu gặp nước thì hai thằng đầu trọc xăm trổ đầy mình chặn đường cảnh cáo ông muốn đầu còn trên cổ thì quên ngay chuyện kéo họ hàng làng bản nhúng mũi vào thủy điện Phú Gia. Lửa đang cháy được dầu rót, ông Vảng phừng phừng quay lại trụ sở công ty, bị bảo vệ chặn chân khóa mồm ở cổng, điên tiết ông tháo sợi dây da quấn quanh yên ngựa ném lên cành cây chĩa ngang cổng, gã bảo vệ lạnh tanh gỡ sợi dây thừng nhét vào tay ông: “Ông về nhà mà dọa ếch dọa nhái, đừng làm việc ấy ở đây mà phải tội”.

 

Người ngựa đã đến ngã ba, ông Vảng chần chừ rồi rẽ lên phía miếu Tạ Ơn.

Miếu Tạ Ơn nằm lưng chừng núi Phú Gia. Phú Gia là vương quốc của họ Bàn. Họ Bàn vốn gốc gác tận Quý Châu - Trung Quốc. Tổ tiên họ Bàn là một thủ lĩnh dũng mạnh của đất nước Suy Vưu hùng mạnh. Người Hán vốn thâm thù truyền kiếp, đời nọ sang đời kia dùng đủ mọi thủ đoạn gian dối, lọc lừa, mưu mô, tham lam, bạo tàn, nhẫn nhục để cướp nước Suy Vưu. Bao năm mông mài yên ngựa chí mài giáo gươm chống chọi với kẻ thù, Suy Vưu suy yếu dần rồi tan rã. Để chống lại sự đồng hóa đến tuyệt diệt của người Hán con dân Suy Vưu phải thiên di tìm miền đất sống. Họ Bàn cũng bị cuốn vào những cuộc thiên di sống còn dai dẳng đó. Họ Bàn ở Phú Gia rời đất Quý Châu đi về phương Nam từ khi nhà Thanh thanh toán xong Thái Bình Thiên Quốc.  Sau bao ngày dắt díu, chui lủi, lau nhau, hụt hơi, vấp ngã, đất chết sau lưng, đất sống trước mặt người họ Bàn được đồi mao cỏ rẽ phân chia Nam Bắc đón chân, ngọn đèn hỏa hiệu đất Việt cương vực rõ ràng che chở. Đang hươu không đàn sóc không ổ, cạn sức tàn hơi, không đợi ngày để lắng, không đợi đêm dài để bỗng nhận được mở tay, nối tay, rộng lòng rộng cửa, đất đai phì nhiêu, vạn vật tự sinh tự diệt người họ Bàn như cá gặp nước, Tộc trưởng họ Bàn xin được nối đời sống chết với đất này. Thêm người thêm của, Tù trưởng Tả Gia họ Hoàng dẫn Tộc trưởng họ Bàn lên đỉnh núi Phú Gia khoát một vòng chia tổ. Tộc trưởng họ Bàn rưng rưng đón nhận, xin được lập miếu Tạ ơn để con cháu nối đời tri ân tình rừng lòng biển. Mấy đời qua chuyện thiên di, chuyện tạ ơn luôn thức ngủ trên bàn thờ tổ tiên, bên bếp lửa, trong lý lối răn người, trong khói hương lễ tạ, con cháu họ Bàn trồng cây nên cây trồng người nên người. Bao đời nữa trời còn đất còn, người còn thì long tạ ơn vẫn nuôi gốc nên mầm, nuôi hoa nên quả. Người già ra lệnh cho con cháu như truyền chỉ ý đất ý trời. Con cháu nhận lệnh người già như nhận nước vào mương...

Ông Vảng lặng lẽ vào miếu thắp hương rồi ra tảng đá trước cửa miếu ngồi rũ.

Trời đã về chiều, ánh nắng đang sảy chân ngã sấp xuống mặt đồi, những cơn gió  bình thản đẩy nhẹ màn sương mù sản sinh từ suối Phú Gia ngược núi khiến mọi vật dần trở nên rành rẽ.

Ông Vảng cố nén tiếng thở dài. Trước mắt ông, ngoại trừ phía Miệng Rồng mấy cái máy đào đất đang gầm như hổ đẻ thì mọi việc vẫn lặng lẽ diễn ra như từ thuở sơ khai. Dòng suối Phú Gia co giãn theo mùa làm giời yên, đất yên, người yên vẫn vòng vèo quanh chân núi. Những ngôi nhà bị tất bật thời mới bỏ quên vẫn âm thầm, bền bỉ, an phận. Mấy cánh cò lạc nhịp vẫn ngác ngơ đón chiều rồi bay hút về phía mờ xa… Con người cùng vạn vật đời này sang đời khác cố kiếm tìm, hòa mình vào vạn vật, vạn vật cố hiện diện, quanh quẩn bên con người. Vậy mà…, ông Vảng nhìn vào trong miếu, dọc đòn tay đỡ mái gianh lỗ mỗ những tổ én rỗng không. Én là loài vô tâm vô tư nhất trần đời. Khi những cơn gió bấc còn ngấp nghé ngoài biên ải thì nhà én, làng én đã tất bật thu dọn để di cư. Chở che của mái nhà, hơi ấm của bếp lửa không níu nổi chân chúng, chúng ríu rít, lặng lẽ bay về phương Nam. Mùa tiễn chúng bằng những cánh lá vàng chờ rụng, bằng đống củi từ mồ hôi công sức của trẻ, của già. Những con ngựa tiễn chúng bằng những cú lắc bờm, bằng tiếng hí dài buốt ruột. Mùa xuân trở lại chúng lại vô tư quay về, vô tư khoe đàn, khoe tiếng… Lũ trẻ trong bản bây giờ cũng chẳng khác gì lũ én. Mùa màng thất bát, ma lực của đồng tiền hùa nhau lôi chúng ra khỏi bản, nhập chúng vào cái xô bồ tất bật ở tận đẩu tận đâu, may mà các nhà trong bản vẫn cột cái cột quân đỡ xà ngang xà dọc, bản dưới bản trên vẫn tết, lễ, cưới xin, ma chay chứ không chúng chẳng còn nhớ đường nhớ ngõ.

Tiếng sột soạt sau lưng làm ông Vảng giật mình quay lại. Thằng Miền cháu nội ông đang xách một xâu chuột to tướng nhìn ông nhe răng cười. Đang mùa tre nứa khuy, cả một vùng rừng ngút ngàn tre nứa tự nhiên ào ào trút lá để trơ lại những thân cây trơ trụi, cành ngọn rũ xuống những túm hoa khô xác. Rừng chết, giời đói, người khát nhưng lũ trẻ được mùa. Những chùm hoa tre hoa nứa phủ khắp núi đồi hút hết lũ gậm nhấm trong vùng về mài răng đã thổi bùng ngọn lửa săn bắt gốc gác luôn chảy trong máu; đứa nọ rủ đứa kia; đứa kia bày đứa nọ, hở lúc nào là chúng lao vào rừng mê mẩn với nỏ tên bắt, bẫy, là xách chuột, địu chuột về nhà. Cả tháng nay nhà nào trong bản cũng chuột. Chuột đầy mâm trong bữa ăn. Chuột len vào phấp phỏng giấc ngủ. Chuột ướp rượu, ớt, xả nướng thay thịt gà. Chuột luộc, nấu hoa chuối rừng thay thịt dúi. Chuột làm sạch sấy khô trên bếp dành cho ngày đông tháng giá. Chuột… Chuột…

*

Hai ông cháu ông Vảng về đến cổng thì người trong bản đã chật nhà chật ngõ. Cuộc họp được tổ chức ngay tức khắc. Ông Vảng chậm rãi tãi chuyện đã gặp trong ngày. Mọi người lặng nghe, những ống điếu chuyền nhau nhả khói, lửa rần rật từ hai cái bếp không xua nổi không khí vốn tù túng, đặc quánh lưu cữu. Cuối cùng một người họ Đặng buột ra:

- Phải gọi thằng Minh về thôi.

Phát súng kíp nổ vang, những viên đạn ghém sạt qua mang tai ông Vảng, ông giơ tay với cái ống điếu, song nó đã được truyền qua tay người khác từ lúc nào. Tiếng nhao nhao nổi lên:

- Đúng đấy, nó là người quan trọng rồi. Nó là tiến sĩ duy nhất của người Dao ta đấy.

- Trên ti vi nó là cái bóng của ông bộ trưởng, ông bộ trưởng đi đâu nó đi đấy mà.

- Cây có gốc có ngọn, nó dẫu sao cũng người Dao mình, tha cho nó đi.

- Ngày xưa nó có gan bịt Miệng Rồng thì giờ nó bắt nó có gan mở miệng thuồng luồng.

Ông Vảng không nói không rằng, lảo đảo đứng dậy, đi vào buồng đổ vật xuống giường. Mọi người giật mình nhìn nhau, ở Phú Gia tộc trưởng họ Bàn là mặt trời, mặt trời tắt bản sẽ chui vào đêm. Ai nấy nhìn nhau rồi lặng lẽ châm đuốc mang về bếp nhà mình, chốc lát quanh bếp chỉ còn anh em con cháu họ Bàn. Bên ngoài ánh trăng bợt bạt như vừa vớt lên từ đáy suối vật vờ soi xuống. Không gian tĩnh lặng, tiếng động chui hết vào đất, vào giời, đến bọn ếch nhái không biết sợ chết là gì cũng không còn muốn lạy ông tôi ở vũng này nữa. Trong buồng ông Vảng răng nghiến mắt nhắm tự cắt nhỏ chuyện của Minh ra xát muối.

Lần thứ nhất ông Vảng đuổi thằng Minh ra khỏi nhà khỏi họ là lần nó đưa mấy người trên huyện về leo lên vực Miệng Rồng đo đo tính tính, thì thào như buôn bạc giả. Việc làm ấy của nó ông để ngoài tai ngoài mắt, con ông đã khỏe cánh khỏe mỏ, nó làm gì thì cũng chỉ lợi cho nhà, cho bản thôi. Bẵng đi một dạo nó lại đưa một cô gái tên là Hoa về, nói là kỹ sư tiến sĩ gì đó về đây cùng nó làm cái việc lấp Miệng Rồng, quyết biến thung lũng thượng nguồn Phú Gia thành nhà máy thủy điện. Hôm ấy nhà ông Vảng bị ông trời báo gở. Sáng sớm mấy con gà sổng chuồng đuổi nhau, một con gà mái bay lên đầu hồi ngửa cổ gáy o o, con dao trong tay ông Vảng vút lên, con gà loạng quạng lăn xuống liền bị vặn cổ, ném đầu ra ngoài hàng rào. Trưa đến, con trâu cà mải đuổi trâu cái sa hố, cả chục người phải xúm vào lôi lên, chế biến, con trâu mấy tạ thịt thành mấy chục khổ thịt thâm xịt treo lủng lẳng trên bếp. Cô con dâu mang cái ngẩu pín của con trâu ra luộc để “làm canh” tiếp khách. Cái ngẩu pín không chịu nằm khoanh trong cái xoong nhỏ nên khi nước sôi đã nổ bung làm bỏng mặt mũi chân tay khiến cô chủ phải băng mắt bó tay trong buồng.

 Hôm ấy dẫu xót của xót con dâu, ông Vảng vẫn phải bình tĩnh giảng giải cho Minh, cho khách. Từ khi khai phá đất này đến nay họ Bàn luôn luôn tôn thờ, coi cái vực nuốt dòng nước của mấy dãy núi phía thượng nguồn đổ xuống là Miệng Rồng, núi Phú Gia quanh năm ngậm nước, nuôi nước là Thân Rồng, con suối từ Thân Rồng nhả ra uốn quanh chân núi là Lộc Rồng. Bao năm nay ăn Lộc Rồng cả vùng không phải lo lũ lụt, con cái, của cải sinh đàn đẻ nhánh, hưng vượng len lỏi từng nhà. Làm người phải biết trọng, biết sợ, bịt Miệng Rồng, người không phạt cũng giời phạt. Đáp lại nhời bố, thằng Minh giở ra lý lẽ trên giời dưới biển. Nào thì dòng nước không đứt mùa phía trên Miệng Rồng là mỏ vàng trắng. Có vàng mà không biết sử dụng là lãng phí, là có tội. Nào là có điện mới có ánh sáng, có ti vi, máy xay, máy tuốt, miền núi mới tiến kịp thành phố. Điện ông Nhà nước chưa tới được thì phải tìm cách mà làm ra điện, khắp nơi trong vùng đều làm thủy điện rồi tại sao ta không làm. Nào là nhờ uy tín của nó mà ông Huyện bỏ tiền bỏ công ra giúp làm thủy điện này. Huyện đã quyết rồi; đang cho người về làm rồi; người Phú Gia không phải động tay động chân, cứ yên tâm ngồi ôm bếp chờ dây điện bò vào ngõ, vào buồng…

Lời thằng Minh như gió, như bão, như bài cúng Răn người lê thê làm cho ông Vảng hết nóng lại lạnh. Người bé lý bé, ông không cãi được lý ông Nhà nước nhưng con ông không bắt được ông xuôi dòng, lửa chọi lửa, đá chọi đá, ngôi nhà đang yên đang lành bỗng chốc thành nồi thắng cố đang sôi. Con dao quắm dựng góc bếp bập thẳng vào chân cột cùng lời thề độc của ông Tộc trưởng khiến thằng Minh cùng cô gái bay ra khỏi cửa.

Ong độc không đốt nổi sừng trâu, nhát dao của ông Vảng không cảnh báo được thằng con cứng đầu mà còn hối thúc nó bám lấy cái thủy điện. Là Bí thư huyện đoàn hắt hơi ra khói, nó cùng cô gái dắt mấy trăm thanh niên về dựng lán mở công trường ngay cửa Miệng Rồng rồi tùng tùng cờ dong trống mở. Không may cho nó, cho họ Bàn, Miệng Rồng chưa kịp lấp xong thì thần Rồng đã nổi giận phun nước phá tan đê quai, cuốn theo năm nhà họ Bàn cùng một dãy lán công trường ra sông Cái. Ông Vảng vừa ngoi ngóp dạt vào bìa rừng đã thấy thằng Minh đang cùng cô gái tên Hoa ngơ ngơ ngáo ngáo, con dao trong tay ông vẽ một đường cong cắt đôi quả đồi trước mặt khiến mười năm nay nó không dám quay lại Phú Gia. Còn bây giờ… Ông Vảng ấn cay đắng vào ruột, lời tộc trưởng là dao chém đá, nghìn người cùng dạ, vạn cây cùng vỏ thế này ông biết nói sao đây?

Ông Vảng gượng dậy ra bếp, những giọt nước mắt đông cứng trên khuôn mặt già nua khiến mọi người nghĩ ngay đến con suối khô nước.

Sau khi rít năm điếu thuốc thủng nõ cái điếu ục ông Vảng mới chậm rãi tỏ bày. Anh em con cháu họ tộc nghe ông, thông cảm cho ông, một người rụt rè đề nghị giao việc lá tốt bọc lá xấu cho Mẩy - vợ chính thức của Minh, lúc chia đàn xẻ tổ thế này chỉ có chim cuốc mới gọi được chim cuốc thôi.

*

Nghe xong cú điện thoại của Mẩy ngực Minh như cối nước mùa lũ, dòng máu họ Bàn trong Minh nở ra long bong từ chân tóc tới ngón chân. Minh đã chờ đợi ngày này mười năm. Không, mười năm ba tháng hai ngày. Nhát dao của bố cắt đứt đường về của Minh đã gần bốn nghìn ngày. Gần bốn nghìn ngày! Đã cả trăm lần liều mạng trong thực trong mơ Minh vẫn không sao về được nơi mình đã sinh ra.

 Minh bấm máy gọi cho người mười mấy năm nay cưu mang, chung da chung thịt với anh, vừa nhận được tín hiệu của Hoa, Minh đã ríu rít như đứa trẻ:

- Anh vừa nhận được điện thoại từ Phú Gia rồi, hòa bình rồi, bố cho anh quay đầu về núi rồi.

Chắc Hoa cũng cùng tâm trạng, giọng cô nghẹn ngào, dồn dập:

- Có đúng thế không anh? Em mừng quá. Vậy anh tính thế nào?

- Về. Về chứ còn thế nào nữa. Em thu xếp đi, anh cũng lên xin phép Sếp anh, chiều nay ta đi luôn.

Đầu máy bên kia hẫng đi. Minh không cần quan tâm, anh ra thẳng cầu thang bộ nhảy ba bậc một lên gõ cửa phòng Sếp. Sếp đang vui, thấy Minh bày ra một đống lý do ông không những cho anh về một tuần, cho xe đưa, mà còn hẹn nếu sắp xếp được sẽ lên tận Phú Gia chia vui.

Minh nở lòng nở dạ, anh xuống trao đổi với chánh văn phòng rồi lấy xe máy phóng về nhà trước. Đang đi anh lại nhận được điện thoại của Hoa: “Anh về ngay nhé, không phải mua gì về đâu”. Chà đúng là đàn bà, mười năm qua gửi tiền, tiền trở lại, gửi gạo, gạo trở về, gửi vải vóc áo quần, vải vóc áo quần quay lại tủ, giờ được dịp tỏ lòng nếu khuân được cả Hà Nội lên núi thì cũng khuân…

Minh về đến nhà thì một chiếc tắc xi cũng rà rà sát hành lang. Hoa mở cửa xe, rối rít giục anh tài xế mở cốp, trong cốp xe đầy ự những túi quà.

Hoa không ngược Phú Gia với Minh. Minh hơi buồn một chút xong cũng bằng lòng, chưa rõ cong thẳng nông sâu thế nào nên về trước dò đường cũng tốt.

*

Minh về đến nhà thì họ tộc đã đủ mặt từ lúc nào. Thu xếp chỗ nghỉ cho lái xe xong họ Bàn tổ chức họp họ ngay. Một người thông báo vắn tắt cho Minh chuyện huyện đang làm cái việc cách đây hơn mười năm Minh đã làm. Bịt miệng Thần Rồng, treo bể nước trên đầu là đưa cả Phú Gia, cả người, rừng cuối con suối vào chỗ chết. Cả họ Bàn, cả Phú Gia đã làm mọi cách để ngăn cản việc trái lẽ giời của huyện, song rào sậy không cản được đường voi, giờ trông cả vào Minh, chỉ Minh mới bắt huyện dừng tay được. Lời nóng lời nguội của người cùng dòng máu đóng đinh vào đầu khiến Minh dúm dó như con cua trước cả trăm con ếch, anh tránh tai họa bằng  cách xin lên núi xem lại việc đắp đập ngăn dòng.

*

Minh mang tâm trạng ngổn ngang lững thững theo dọc bờ suối. Dự án thủy điện Phú Gia là vết nhơ, là nỗi đau lớn nhất trong đời anh. Từ thiếu hiểu biết, bồng bột, nông nổi, cố chấp, cố lập thành tích anh đã hùa theo, đã “đứng cái” trong việc làm bằng được nó. Việc làm duy ý chí ấy khiến cả vùng phải trả giá quá đắt, anh đã tự mổ xẻ thất bại đau đớn này trước huyện, trước tỉnh, đã cảnh tỉnh lớp trước lớp sau trong đề tài thạc sĩ, tiến sĩ, và bây giờ lại phải đối mặt với vết chân của chính mình. Anh không tin chuyện thần rồng song sự phản đối của người Dao ở Phú Gia không sai. Với một cái thủy điện có hồ chứa nước bé tí mà phải nằm trên một vùng đứt gãy, hiện tượng catstơ làm thành một cái hố rộng trăm rưởi mét vuông thì làm sao mà giữ, mà điều tiết nước, trận lũ hơn mười năm trước còn bỏng gan bỏng ruột mà không kinh hay sao. Nhưng làm ăn thời thị trường nhằng nhịt này đâu phải nói dừng là dừng, để ra một cái thủy điện dẫu nhỏ tí tì ti cũng phải mấy chục cơ quan phê duyệt, rồi tiền đầu tư, tiền bôi trơn, lợi quyền của ông nọ bà kia…, đủ thứ nổi chìm mới đưa khởi động được dự án chứ đâu như chuyện dong trâu khỏi rừng.

Tiếng động trên cây cơi đại mọc cạnh bờ suối làm Minh giật mình ngẩng lên. Trên cây, trong cái tùm hum như tổ chim là thằng Miền con trai của Minh. Khi Minh rời khỏi Phú Gia Miền mới bốn tuổi. Lúc sáng, khi Minh bước qua cửa nó đã tự rành rẽ thân phận, vị trí của nó trong nhà. Nó khoe đã được thụ lễ cấp sắc ba đèn, phần âm nó có mười ba binh quân sai bảo, phần dương nó có thể cùng ông thay bố gánh vác việc nhà, việc họ. Sự mạnh bạo tự tin của con làm Minh ngỡ ngàng, nghĩ thế nào cũng phải để đôi chân của nó ra khỏi Phú Gia.

Miền tụt khỏi tùm hum xuống đất, hỏi Minh:

- Bố có lên xem Nhà Cây không?

- Nhà Cây? - Minh ồ lên thích thú.

- Vâng Nhà Cây, ông bảo làm cái nhà này để nếu lũ về có chỗ mà ở.

Cơn gió bấc thốc qua, Minh cay đắng gật đầu.

Miền bám vào sợi dây từ cành cây thả xuống leo lên từng bậc. Minh thận trọng leo theo. Nhà Cây nằm trên chạc ba của cây cơi được làm khá vững chắc. Ba cái dầm dọc gắn với chạc ba của cây bằng đinh sắt. Năm cái dầm ngang đỡ cột đỡ kèo, đòn tay được buộc bằng dây mây. Mái lợp bằng gỗ pơ mu vẫn còn thơm mùi nhựa.

Minh chui vào Nhà Cây, ngỡ ngàng.

Thằng Miền vô tư khoe với bố từng thứ. Đây là hai hòn đá đánh lửa. Đây là bùi nhùi nuôi lửa. Đây là hũ thóc giống. Đây là hũ gạo rang làm lương khô. Đây là rơm làm ổ chống rét. Đây là chuột sấy dự trữ…. Miền càng giới thiệu mặt Minh càng tái đi. Trời ơi! Thủy tổ lột lông ăn chín mấy vạn năm mới thành được con người, sau mấy vạn  năm vùng vẫy bây giờ con người lại trở lại thời ăn lông ở lỗ như thế này sao?... Minh lập cập tụt khỏi nhà cây về bản, trên đường về anh mới để ý đến rừng tre nứa đang khuy.Rắn sáu mươi năm đổi vùng, tre sáu mươi năm đổi đời, tre nứa mới khuy được hơn chục năm, rừng vừa xanh trở lại mà đã chết chóc thế này là gở quá rồi. Mà gở nhỡn tiền là cái thủy điện chết tiệt kia chứ chờ đâu nữa. Phải chặn. Chặn bằng được. Thần Rồng quẫy đuôi lần nữa thì Minh có đi chầu Hà Bá cũng không hết tội.

Về tới nhà Minh vội vã xin phép bố mẹ, họ tộc về Hà Nội báo cáo với bộ trưởng. Không may cho anh, xe vừa ra khỏi nhà gần hai chục cây số thì gặp sự cố, một cơn lũ bất ngờ từ thượng nguồn suối Mây đổ về cuốn phăng cái đập tràn, cắt con đường huyện lộ làm đôi, không còn cách nào khác hai thầy trò phải quay lại Phú Gia.

 Nguồn Văn nghệ số 17+18/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *