Văn học với đời sống

13/4
6:52 PM 2018

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM BÁO VĂN NGHỆ: NHÀ THƠ BẾ KIẾN QUỐC TRONG NGÔI ĐỀN ĐÃ 70 XUÂN

Nguyễn Văn Thọ-Tôi làm quen với văn chương rồi quen thân với nhà thơ Bế Kiến Quốc ở Tòa soạn Báo Văn nghệ như một định mệnh. Ngày ấy tôi làm việc tại Tổng Công ty Muối, không dính líu gì tới văn chương cả. Thực ra ở tận trong rừng năm 1972, tôi cũng từng viết và dựng một vở kịch tham gia Hội diễn mặt trận Tây Nguyên, cũng như làm cả ca khúc, vài thứ thơ phú ba lăng quăng, chả đâu vào đâu của thằng lính tuyên văn nghiệp dư.

                                                             Cố nhà thơ Bế Kiến Quốc

Ngọn  lửa văn phập phù leo lét ấy lại bị cuộc chiến với tư cách trực tiếp chiến đấu dập tắt trong những chiến dịch  liên miên.

Năm ấy, 1985,  sau khi xem một vở kịch truyền thanh, tôi rất khó chịu vì hình ảnh người lính ở trong đó không như tụi tôi ngoài mặt trận. Có như thế mà đêm ấy tôi thao tức, chiến tranh chập chờn hiện về, từng chi tiết. Trời xui đất khiến thế nào tôi bật dậy, lấy ít giấy và ngồi viết truyện ngắn đầu tay. Kể chuyện một người lính bị thương ở chiến trường vẫn từ chối lệnh ra Bắc, quyết ở lại Tây Nguyên chiến đấu trả thù cho các bác sỹ và y tá đã cưu mang anh, đã bị địch tàn sát. Người lính ấy dù rất yêu mẹ và đã thư hẹn với mẹ của anh ngày về Hà Nội. Thư gửi đi, anh lính ở lại và sau đã hy sinh.

Tôi đánh vật với truyện ngắn hơn 4000 từ ấy trong ba tháng, xóa xóa viết viết.  Khóc rất nhiều vì khi viết, bao kỉ niệm đau thương của chiến cuộc cứ ứ tràn về. Truyện viết xong, tôi gầy tọp, hao mất 5, 6 cân.

Bấy giờ Đạo diễn điện ảnh Bạch Diệp có em trai tên Văn Kiến làm cán bộ giúp việc văn phòng chúng tôi. Hỏi anh bạn Kiến rằng, ở Hà Nội nơi nào in truyện khó nhất. Anh ta bảo, báo Văn nghệ là Ngôi đền của văn chương, nơi đấy có các nhà văn cao thủ và khó tính…

Tuần báo Văn nghệ, em trai tôi đang học quay phim bên điện ảnh thường mua và tôi vẫn đọc ké. Thế là lục báo, tra địa chỉ và lập tức khi văn phòng nghỉ trưa tôi mò tới trụ sở tuần báo. Lại trước đó, hỏi ra biết Ngô Ngọc Bội và Bế Kiến Quốc phụ trách văn xuôi. Trưa hôm đó đến tòa soạn, tôi tìm gặp ban văn xuôi. Hồi hộp và rón rén bước vào tòa soạn. Vừa khi tôi vào, thấy đi từ trong ra là một phụ nữ khuôn mặt phúc hậu, bụng to vượt mặt. Bèn hỏi:

- Em hỏi chị, ban văn xuôi ngồi ở đâu?

Người đàn bà ngắm nhìn tôi vài giây rồi tươi cười hỏi lại, anh  tìm ban văn xuôi gặp ai và có việc gì hở anh? Với vẻ rất nghiêm trọng, tôi vắn tắt trình bầy họ tên nơi làm việc và việc tôi có viết một truyện ngắn.

Người phụ nữ vẫn đứng, nghiêm túc lắng nghe, rồi bảo:

- Tôi là Đỗ Bạch Mai ở Tổ bạn đọc. Ban văn xuôi đi vắng cả, anh hãy để truyện ngắn lại đây. Tôi sẽ chuyển cho các anh ở Ban văn xuôi.

Tôi mừng quá, cám ơn chị, rồi cẩn thận lấy bút ra ghi thêm số điện thoại, nơi làm việc ở cuối truyện và trao cho người phụ nữ có bụng to vượt mặt ấy.

Trở về cơ quan tôi chờ đợi, ngày lại ngày, căng thẳng, hồi hộp.

Hai ngày sau, đang ở văn phòng công ty điều hành, thì có cú điện thoại cho đích danh tôi. Đầu dây bên kia xưng danh là nhà thơ Bế Kiến Quốc ở Tuần báo Văn nghệ, rằng  anh  muốn gặp gỡ trao đổi với tác giả truyện ngắn Rồi chúng con trở lại quê hương. Chúng tôi hẹn nhau ngày gặp gỡ.

Ngắt máy, tôi lâng lâng  như đang bay. Trời ơi, họ, những nhà văn cao thủ và khó tính đã đọc mình. Cũng không chịu chờ đợi thêm như hẹn, sau giờ tan tầm chiều, tôi phi ngay đến tòa soạn hỏi ông bảo vệ già lọm cọm, rằng tôi muốn gặp nhà thơ Bế Kiến Quốc. Người bảo vệ lững thững chậm chạp như ông từ canh đền bảo tôi đứng chờ rồi quay vào.

Nhà thơ, người trực Ban văn xuôi Bế Kiến Quốc, một người nhỏ nhắn thanh hao, áo sơ mi ngay ngắn bỏ trong quần, từ bên trong bước ra. Anh mời tôi vào ở gian phòng ngoài cùng, phòng khách tòa sọan, với cái bắt tay chặt.

Một bàn tay luôn dâm dấp mồ hôi, tóc còn đen mà đã có lọn tóc bạc trắng xóa, đôi kính cận dầy cộp, mắt ân cần cười chăm chú nhìn tôi như thăm hỏi và tủm tỉm khi trên bàn tay ám khói vàng luôn cháy đỏ điếu thuốc không đầu lọc.

Chúng tôi bên ấm trà Bế Kiến Quốc thay mặt ban văn  tiếp khách. Trò chuyện gần hai tiếng. Anh nhận xét vài nét về truyện ngắn của tôi và rất vui nói, toà báo có thể đi truyện ngắn này, vì nó ngay ngắn và trong sáng. Rồi Bế Kiến Quốc hỏi tôi khá kĩ về giai đoạn tham gia cuộc chiến, cả công việc hiện tại, gia thế, gia đình tôi ở chợ Giời. Anh rất chú ý việc vì sao tôi viết v.v…

Sự cởi mở ban đầu ấy làm tôi thực rất mừng. Quốc đã tạo nên một không khí ấm áp, không xa lạ để tôi không bao giờ quên được. Tính tôi chân thành. Tôi thấy người đối diện cũng cởi mở nên lập tức cởi bỏ hết nỗi niềm bấy nay của người cựu binh ở buổi gặp đầu tiên ấy. Cũng kể với Quốc rằng, tôi viết rất khó khăn vất vả, chả biết kĩ thuật gì, cứ viết ào ào theo sự mách dẫn của trái tim thôi.

Anh cười độ lượng, nói, nhiều nhà văn bắt đầu đều như thế.

Hóa ra Đỗ Bạch Mai chính là vợ nhà thơ Bế Kiến Quốc. Thái độ nghiêm trọng của tôi ở buổi đầu gặp làm chị chú ý và ngay chiều đó chị đã đọc ngay truyện của tôi. Mai đã kể với chồng trong bữa cơm tối ấy về việc tôi đến đưa truyện ra sao, kể cả bộ mặt như sắp chiến đấu của tôi khi đó và nhận xét:

- Tác giả viết cảm động, trong sáng.

Rồi sau vài hôm, duyên cớ nữa đưa tôi gặp thêm nhà thơ Phạm Tiến Duật, để anh quan tâm. Phạm Tiến Duật đã tới ban văn xuôi, đọc và tự tay biên tập để ban văn xuôi quyết định đi ngay trên Tuần báo Văn nghệ. Tôi nhớ cái hôm anh Duật gọi đến để nói rõ vì sao phải gạch đi một câu. Anh  bảo, chiến tranh biên giới vẫn còn, cậu viết thật quá thế này, ai còn cho con cái họ đi bảo vệ đất  nước. Có những sự thật nhà văn phải tiết chế.

Mọi chuyện thật xuôn xẻ. Hai tuần sau, thật bất ngờ, Quốc gọi điện hẹn: “Tối thứ Năm, tôi đưa ông tới nhà in Nhân Dân xemcái truyện của ông ra đời thế nào nhé.“

Y hẹn, sâm sẩm tối thứ Năm tôi đến tòa sọan. Quốc đưa tôi tới phố Tràng Tiền, qua bảo vệ vào một phòng lớn đầy có tiếng máy ầm ầm chạy. Anh dẫn tôi tới cái máy rất lớn , có băng chuyền lướt nhanh, ùn ùn hàng trăm trang báo nối theo nhau chạy ra. Một công nhân tay lấm lem đen xì, đưa tôi trang báo còn tươi thơm mùi mực in. Tôi đón lấy, nhìn đăm đăm truyện ngắn đầu tay và rõ ràng ở đầu trang có dòng chữ in nổi bật ghi: Truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ - Rồi chúng con sẽ trở về quê hương. Tôi bật khóc! Người công  nhân xoa xoa bàn tay lấm lem mực in tủm tỉm cười :

- Truyện ngắn đầu tay hả. Nhà văn ông  nào vào đây cũng khóc!

Bao nhiêu năm đã trôi qua rồi. Bế Kiến Quốc cùng trở thành  người thiên cổ. Tôi cũng đã trải qua bao cung  bậc của đời người phiêu bạt, nhưng chưa khi nào tôi quên đi ngày anh đưa tôi tới chiêm ngưỡng tác phẩm đầu tay ấy. Nó cũng tựa như khi người ta vào phòng nhi sản phụ, đón tay đứa con đầu tiên của mình. Khuôn mặt  của bà đỡ, của Quốc, một người hiền luôn chăm chút cho bạn văn từng chi tiết tưởng như rát nhỏ trên. Bàn tay dâm dấp mồ hôi của một người bạn tin cậy ấy, đêm ấy đã đặt lên vai tôi và sạu này bao lần đặt lên vai tôi đã an ủi, muốn chia vui và sẻ buồn đều bao lần đã nắm chặt lấy tay tôi…

Tôi chạy ngay về nhà xông lên gác xép báo tin cho cha:

  • Cậu ơi xem này, con được in truyện trên báo Văn nghệ!

Rồi tôi thân với cả gia đình Bế Kiến Quốc. Từ đó quen biết các nhà văn nhà thơ đàn anh đi trước, cả bao bạn văn mới vào nghề như tôi trong Ngôi đền văn chương ấy. Hay và dở những tháng  năm văn chương sôi động trong đổi mới.

Chúng tôi đã bên nhau chia sẻ cùng nhau một thời bao cấp. Từng  chai nước mắm, lạng  mì chính, từng hạt muối nặng nghĩa thâm tình diêm dân. Từng bữa cơm chỉ có rau muống, xào rất ít mỡ mà Đỗ Bạch Mai nấu giữa trời mưa tháng Bẩy lụt xụt, bên cạnh cái nhà sát chuồng hôi. Cái phòng  của gia đình  Mai Quốc ở góc phải, trong cùng khuôn viên trụ sở Tuần báo, chật hẹp, ẩm mốc, kê vừa đù một cái giường đôi.
Nhưng trong sự khốn khó và nghèo nàn về vật chất ấy, những vần thơ vẫn bay lên, những tác phẩm văn xuôi như cơn sóng vỗ đập vào trái tim tôi mãnh liệt, để tôi thực sự thêm một lần sống với bao khao khát, ước mơ, có cả những buồn đau, hạnh  phúc bất ngờ thân phận con người, thân phận đất  nước.

Bế Kiến Quốc với cả tòa soạn báo Văn nghệ là nơi hội tụ lứa anh tài thưở chúng tôi. Tôi vinh dự quen biết nhiều kì nhân và sau này trở nên thân thiết với họ như danh họa Thành Chương, cả cây bút kí mang lại dư chấn xã hội dữ dội Phùng Gia Lộc, cùng biết bao người lớp lứa chúng  tôi từ mặt trận trở về, đã bền thắm vượt lên  trưởng thành.Nhiều anh  chị sau này đã trở thành  các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.
 Cũng ở đấy, tại tòa soạn, tôi chứng kiến sự xuất hiện của nhiều cây bút truyện ngắn xuất sắc. Ví như nhàvăn Nguyễn Huy Thiệp, mà người phát hiện và nâng giấc những truyện ngắn đầu tiên của ông cũng chính là Bế Kiến Quốc. Quốc nhận nhiều bản thảo đầu tiên từ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, để Ngọn gió Hua Tát nổi lên số Tết ấy một cách thần kì thần kì, cho kế nối là vị TướngVề Hưu làm rõ thêm tên tuổi ông, Nguyễn Huy Thiệp một ngọn bút lạ hiếm hoi.

Trụ sở Tuần báo Văn nghệ hồi ấy rất đạm bạc. Một bộ tràng kỉ cổ kê lểnh khểnh chênh sát tường và bộ trà cọc cạnh. Những bức sơn dầu và ảnh chụp nhiều nhà văn nổi tiếng bạc phếch kỉ niệm và thời gian….
Nhưng ở cái gian phòng trống hoang hoắc ấy chưa khi nào lạnh nhạt với khách văn. Kể cả những giai đoạn tôi phiêu dạt xứ người trở về, không viết được một chữ nữa, thì nơi đấy, nơi Quốc và bao thế hệ nhà văn mái đầu đã bạc ấy, vẫn là nơi đốt  lên một ngọn lửa, để chúng tôi nương tựa, sưởi ấmnăng đỡ cho tâm hồn bớt cô lạnh.

Nhiều nhà văn của ngày ấy đều có ứng xử với bạn văn tử tế và chân thành vô tư như Bế Kiến Quốc. Thiết tha và bao dung. Các anh  luôn là những người bạn, người đi trước, tự khoác vào mình cái trách nhiệm dìu dắt bạn viết, phát hiện người tài, cho ngôi đền văn thêm đông đúc. Bế Kiến Quốc là dạng  văn sĩ điển hình cho thái độ trân trọng ấy, một thái độ cần của những người có vị trí trong bộ máy văn nghiệp, có trọng trách, giầu tình cảm, không chỉ là với người và người mà trách nhiệm còn cho cả một nền văn học và văn hóa đất  nước.

Không chỉ chăm lo cho tôi, anh đã phát hiện nhiều văn tài như Nguyễn Huy Thiệp, giúp đỡ Phùng Gia Lộc qua cơn hoạn nạn, mà còn phát hiện ra bao nhà văn nhà thơ tài danh khác. Đó là những trường  hợp như đối với Nguyễn Việt Chiến, như với Bùi Hoàng Tám, như với cả lứa trẻ sau này như nhà văn Di Li xinh đẹp v.v… Bao con người đã đến với anh rồi tỏa sáng. Tôi nhớ ngày nào nhưng năm tám mươi anh vào Sài Gòn lặn lội đi tìm Nguyễn Quang  Thiều, Trần Quốc Toàn, để dường như sự liên tài đâu chỉ cho riêng anh mà còn cho tờ báo, cho sức sống không được dứt của nền văn học, nhiệt kế của các trào lưu văn chương, xây kế lâu dài đến tận hôm nay.

Mùa hè 2002, thời gian cuối cùng tôi bên Bế kiến Quốc. Không phải ở tòa soạn Văn nghệ, cũng không phải những đêm trắng rong chơi đường phố Tết cùng họa sĩ Thành Chương. Gần một tháng, đó là những ngày cuối cùng bên Quốc ở bệnh viện Việt Xô. Không nghĩ tới cái chết ở căn bệnh  ung thư ác hiểm ngày ngày làm thể xác anh đau đớn, Quốc nói với tôi khá nhiều, khá kĩ về văn chương, về thơ và cả những  nhận xét mang tính lí luận, bao nhiêu kinh nghiệm sáng tác rất bổ ích cho bạn văn.

Bế Kiến Quốc, tác giả của những bài thơ mang tâm hồn con người Việt. Người thơ yêu tha thiết quê hương, hướng cả thơ vào cả cuộc đời, vào đời sống mặc định phải có lí tưởng, làm nên những con sông bất tận. Con người ấy hướng cả đời, lẫn thơ về những vùng sáng của cuộc đời với những tầng văn hóa dầy dặn là gốc, là rễ,là bệ đỡ cho cả cái cây, tận Cuối rễ đầu cành. Anh  là điển hình của một thế hệ nhà văn, không chỉ trách nhiệm với cá nhân mình, sự nghiệp riêngmình mà còn cố gắng không mệt mỏi làm sáng  danh mỗi con người vănnghệ một cách đầy trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm trước công luận

Chơi với Thành Chương, Quốc yêu bạn và không chỉ đánh giá đúng tài năng của bạn. Những đánh  giá tiên lượng vượt cả thời gian, dám chịu trách nhiệm. Ngày nào anh phát biểu, đại ý: Hội họa Thành Chương là vừa Hiện Đại vừa dân tộc. Thường là người ta ít công nhận những bài thơ bè bạn nói về nhau khi còn sống với nhau. Bài thơ Quốc viết về Thành Chương đến cạn chữ, như Bế Kiến Quốc mang hết tình yêu chân thành  của anh với nghệ thuật nói chung và Chương nói riêng. Họa lại về họa sĩ Thành Chương qua bài thơ Thành Chương Vẽ chỉ là một cái cớ, cái điểm nhấn xứng đáng tựa vào. Bế Kiến Quốc đã mạnh dạn viết nên khúc thi ca bất hủ ấy mà không ai dám chê bai. Không chê bai, bởi bài thơ như một bức họa toàn bích, cả nghệ thuật lẫn tư tưởng, chữ nạm ngọc và vàng ròng, tạc khắc chân dung một người bạn tài hoa có tên là Thành Chương.

Quốc chính là người đôn đáo nhất khi tôi 10 năm bỏ bút, quay lại với văn chương. Anh giúp tôi ở giai đoạn khủng hoảng nhất khi xa đất nước, xứ sở, chọn từng bài thơ, biên tập in ba tập thơ. Anh thẩm kĩ từng truyện ngắn mới nhất. Ngày anh nằm trên giường bệnh trắng, mệt mỏi thở, vẫn đọc hết chùm bẩy truyện ngắn tôi viết dự thi bên Văn nghệ Quân đội và dặn:

- Lần này Thọ nhất định có giải cao! Ông đã chuyển động sau thời gian nghỉ dài. Ông đang xung lực, phải viết nữa! Nhưng nhớ, nhận giải bên quân đội xong, phải tránh xa các nhà báo, thì ông sẽ viết ào ạt và hay nữa.

Sau này, cách đây không xa, anh Đỗ Chu cũng ân tình dặn như vậy, khi tôi đoạt giải Nhì tiểu thuyết Quyên. Đấy là cách nói với các nhà văn đừng mân mê thành tích, để còn cơ mà viết nữa! Hầu như những người tôi kính trọng, yêu mến ở Tuần Báo Văn nghệ đều có ứng xử tương tự như anh. Những lời dặn dò của Ngô Ngọc Bội, của Hữu Nhuận hay quở trách của Võ Thanh  An, lời cổ động bền bỉ của Phạm Tiến Duật mỗi bận tôi từ Đức về thăm đất nước, thăm báo Văn Nghệ, đều như những liều Dopinh giúp tôi không được mệt mỏi quay lại đường văn.

Ngày tôi từ viện Việt Xô nơi Quốc nằm ra thẳng sân bay đi Đức, tôi ôm Quốc. Nước mắt ứa ra! Đấy là vòng ôm lần cuối cùng của hai đứa.

Những nhà văn nhà thơ như anh đã đặt những viên gạch xây nên tờ báo quan trọng của nền văn học cách mạng 70 năm qua . Những nhà thơ nhà văn nổi tiếng đầy cá tính ấy, đầy mình kinh nghiệm và lí luận như Đào Vũ, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, như nhà văn Ngô Ngọc Bội,  Võ Thanh An, Hồng Phi, Hữu Nhuận, Đỗ Bạch Mai, sau này là Dạ Ngân, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy v.v… luôn truyền lửa ấm, thúc dục, trách cứ, buộc bao người trong đó có tôi cầm chắc ngọn bút, trường văn.

Có lẽ tôi không có dấu vết gì nữa cho cuộc đời trần gian này nữa nếu không có họ; sẽ không có gì ở Ngôi đền văn dành cho tôi và bao bạn bè văn chương khác, kể cả những  người sinh ra không định làm nhà văn. Chúng tôi đã may mắn, đã có chỗ để nương nhờ. Chúng tôi đã được sẻ chia hạnh phúc và vui buồn với hàng vạn vạn bạn đọc trong Tuần báo Văn ấy.

Chúng tôi bên nhau trở thành rèn giũa lao động  nhọc nhằn, đội ngũ ngày một đông đảo trong thăng trầm của tờ báo thân yêu Văn nghệ, góp phần vào dòng văn học cách mạng, cùng bên nhau đề cao bốn từ: Đất Nước - Dân tộc. Để cuộc sống dẫu bao đau khổ, khó khăn, chúng tôi vẫn bên nhau đi lên, y như một tứ thơ mà Bế Kiến Quốc đã họa lại một người bạn chung của chúng tôi, danh họa Thành Chương :

Như chùm ớt treo lơ lửng bờ giậu

Càng đắng cay càng tự chín trong vườn

Thành Chương vẽ

Vẽ - và đang cất giấu

từng mảnh rời tuyệt mỹ của Trần Gian.

            (Thành Chương vẽ)

Số phận từng người Việt ta có lẽ chưa khi nào tách rời số phận dân tộc. Số phận từng nhà văn có lẽ cũng khó thể tách ra khỏi dòng chảy miên man của lịch sử văn chương nước Việt.  Số phận văn của cá nhân tôi, những bước đi đầu tiên và cả quá trình tu dưỡng phát huy cái tiên thiên trong dòng máu, không thể tách rời hai cơ quan báo chí chuyên ngành là Tuần báo văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ở đó và trong nó, không chỉ là những cú hích ngay trong những bước đầu chập chững mà còn là ngọn lửa hun rèn tâm trí, khát vọng, tâm hồn văn của cá nhân tôi. Cũng  là nơi đã chôn dấu biết bao tấm lòng nhân ái, khoan dung  đầy chở che của bao nhà văn đi trước, truyền cho tôi những căn cốt tư cách văn mà những đặc thù ấy không thể học nó qua trường lớp.

Viết những dòng  tâm tư này, nói về  vài kỉ niệm với Tuần báo Văn nghệ, vài chuyện nhỏ của dăm người bạn chí cốt ở đó, điển hình như cố thi sĩ Bế Kiến Quốc, lứa người nay còn hiện hữu trên đời sống văn nghệ hôm nay và có nhiều người đã trở thành thiên cổ, cũng là thêm một lần bầy tỏ sự biết ơn. Cho rằng việc văn của mỗi nhà văn là sự tự thân vượt qua Cánh rừng lắm lối , nhưng cuộc hành trình ấy hẳn khó tìm nhanh một lối ra, nếu không có người bạn văn như Bế Kiến Quốc luôn bên nhau tin cậy và thúc giục. Người bạn văn lớn ấy với tôi cả đời văn không ai khác là Tuần Báo Văn nghệ, nay  đã đủ Bẩy chục xuân tròn!

 

Nguồn Văn nghệ số 14/2018

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *