Văn học với đời sống

16/6
5:37 PM 2018

GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG GIAO LƯU VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Lời khai mạc của nhà thơ HỮU THỈNH Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại Hội thảo Diễn đàn Văn học sông Mekong "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong giao lưu và hội nhập quốc tế" và bài tham luận của nhà văn Lê Thành Nghị.

 

                                                                              

       Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại Hội thảo - ảnh: Hữu Đố

Kính thưa các nhà văn,

Từ sau chiến tranh lạnh, lịch sử quan hệ quốc tế bước sang một trang mới. Đó là đối thoại, hợp tác, cùng chung sống, cùng tồn tại, cùng phát triển. Cộng thêm vào đó, những tiến bộ của khoa học và công nghệ, của thông tin và truyền thông đã làm cho thế giới thu nhỏ lại và trở thành thế giới phẳng, tác động đến mọi hoạt động quốc gia và quốc tế, làm thay đổi tư duy, không gian và chất lượng sống của toàn nhân loại.

Tất cả những thay đổi trên tạo thời cơ và điều kiện chưa từng có cho giao lưu và hội nhập văn hóa. Và toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu, khiến cho không một quốc gia nào có thể đứng  ngoài cuộc. Toàn cầu hóa là một thời cơ và một động lực cho sự phát triển, nhưng, bên cạnh đó cũng ẩn chứa không ít những hiểm họa tiềm tàng, đó là nguy cơ đồng phục hóa văn hóa, xóa bỏ bản sắc văn hóa vốn làm nên cốt cách và diện mạo tinh thần của mỗi quốc gia. Khi bản sắc văn hóa biến mất thì văn hóa cũng biến mất. Đó là thảm họa to lớn nhất đối với một dân tộc.

Vậy để tránh nguy cơ đồng phục văn hóa cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân tộc và thời đại, đa dạng và thống nhất thế nào?

Làm thế nào để văn học mang được hơi thở, sức sống và dấu ấn của thời đại mà vẫn giúp người đọc đào sâu vào ký ức văn hóa, lịch sử tinh thần của mỗi dân tộc? Đó chính là những vấn đề rất đáng quan tâm đặt ra cho các nhà văn thuộc mọi nền văn học trên thế giới. Và đó chính là chủ đề của Diễn đàn văn học hôm nay "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong giao lưu và hội nhập quốc tế". Với tư cách là sứ giả tinh thần của mỗi quốc gia, chúng tôi hy vọng Diễn đàn sẽ tập hợp được trí tuệ và kinh nghiệm sống của các bạn để làm giàu cho công việc của mỗi chúng ta trong những năm tháng hệ trọng sắp tới.

 

NHÀ VĂN, VÀ VĂN HÓA DÂN TỘC

                                                                             LÊ THÀNH NGHỊ

Kính thưa các nhà văn,

Những năm đầu của thế kỷ XXI, chúng ta đang chứng kiến một trạng thái thời cuộc đầy bất ngờ. Đó là, với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có cảm giác trái đất đang dần thu hẹp lại. Những sự kiện, những biến cố lớn nhỏ trong mọi ngõ ngách trên thế giới chỉ ít phút sau, ai quan tâm đều có thể biết. Không gian địa lý của các quốc gia, các dân tộc, khoảng cách giữa con người với con người, những con sông, những đỉnh núi, theo đó là những vùng văn hóa của các dân tộc cũng đang đứng cạnh nhau trong một thế giới nhiều màu sắc, đầy quyến rũ, có sức mạnh lan tỏa, nhưng cũng chứa đựng không ít những đắn đo cùng những lo âu.

Hội nhập quốc tế trên đây diễn ra như một quy luật, một xu thế mang tính thời đại, ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, không một quốc gia dân tộc nào đứng ngoài xu thế ấy. Và, mọi quốc gia hình như cũng đều ưu tiên cho sự tăng trưởng kinh tế. Nó được nhận diện ở phương diện vật chất, là qui trình chuyển giao công nghệ, là sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất, là quá trình mở cửa cho những dự án khổng lồ, những đầu tư của những tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, là cơ hội có việc làm và mất việc làm…

Văn hóa không ở ngoài chính trị và kinh tế. Vì thế nên hội nhập văn hóa cũng đồng thời diễn ra trong một đất nước mở cửa. Nhưng nếu hội nhập kinh tế diễn ra theo quy tắc đôi bên đều có lợi và cuối cùng hòa đồng các giá trị kinh tế, thì hội nhập văn hóa vấn đề cốt tử là các giá trị riêng biệt, là cần tỏ rõ bản lĩnh, phẩm chất của chủ thể. Trong cuộc biến đổi to lớn này, vấn đề quan trọng của mỗi dân tộc là phải tự khẳng định bản lĩnh của mình, để không tự đánh mất mình, không hòa tan và cuối cùng biến mất trong khát vọng tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Nhưng dù ưu tiên cho kinh tế, cũng cần phải thừa nhận rằng, chủ thể quyết định mọi hoạt động kinh tế cũng như chủ thể của xã hội, không ai khác ngoài con người. Con người có nhận thức cao, làm chủ xã hội,làm chủ được quá trình, làm chủ được các phương tiện sản xuất vật chất, tạo ra các thành quả kinh tế, và quan trọng hơn biết đưa những thành quả kinh tế ấy phục vụ cho nhân dân mình, dân tộc mình. Đó phải là con người có văn hóa cao.

 

Thế giới hội nhập cũng đang gây ra những ngạc nhiên về tình trạng có vể đối nghịch, tạo việc làm và thất nghiệp, tự khẳng định và mất tự chủ, sự đa dạng và tính sâu sắc vượt trội, sự lấn át và bảo tồn bản sắc văn hóa…Nói riêng về văn hóa, một lĩnh vực đang cần mỗi dân tộc mang đến một sắc thái riêng biệt khi ngồi chung trong một bàn tiệc đủ mọi sắc màu khác nhau, ở đó cái “gia vị”, “hương vị” riêng biệt khiến cho món ăn tinh thần thật sự trở nên hấp dẫn, khiến cho bạn bè ở dân tộc này ngắm nhìn dân tộc kia bằng sựyêu mến và kính trọng. Và nếu không làm được điều đó, không giữ được những gì đặc sắc văn hóa mình có (không câu nệ cao thấp), coi như dân tộc ấy đã bị cuốn đi trong cơn bão toàn cầu hóa, “hợp lưu” vào dòng chảy văn hóa khác, và có thể bị lãng quên trên vũ đài lịch sử.Bởi vì, chính vào thời điểmmất tính tự chủ ấy, dân tộc đã tự đánh mất tinh thần và cốt cách của mình, những điều nằm trong cốt cách văn hóa, hình thành trong lịch sử dài lâu của dân tộc, những gì rất thiêng liêng, mà bất cứ ai nếu là những người con của dân tộc, đều phải giữ gìn, bảo vệ. Đấy là bản sắc dân tộc.

Bản sắc văn hóa dân tộc là cái không thể vay mượn, tuy điểmchung của mọi nền văn hóa của mọi dân tộc là xuất phát từ con người, là tinh thần nhân văn, là hướng đến Chân-Thiện-Mỹ. Bản sắc văn hóa dân tộc là mạch nước ngầm kết tinh xuyên suốt lịch sử trong quá trình hoạt động thực tiễn, là tài sản quý giá, là linh hồn, là sắc thái riêng biệt không hề bị trộn lẫn, là tổng thể các giá trị đặc trưng của hoạt động sáng tạo của dân tộc về sản xuất vật chất và tinh thần, làm nên làm nên cốt lõi vững chắc của một nền văn hóa, bảo đảm tính nhất quán của quá trình phát triển.

Nhưng bản sắc văn hóa vốn luôn luôn thường biến, vốn không phải là một “hằng số”, vốn là lĩnh vực không bao giờ khép kín, và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng không phải là việc “đóng cửa, bế quan tỏa cảng” trước nền văn hóa khác. Phát triển văn hóa còn là quá trình tiếp biến và biến đổi các giá trị khác, làm giàu có, phong phú cho nền văn hoá dân tộc. Bởi vậy mở cửa, hội nhập, giao lưu văn hóa cũng đang là một quá trình tất yếu. Các giá trị văn hóa “tinh hoa” của các dân tộc không những là món ăn tinh thần quý giá,mà bất cứ ai trên thế gian cũng có quyền được hưởng thụ, mà còn là điều kiện để phát huy văn hóa dân tộc. Hơn ở đâu hết, lĩnh vực văn hóa vốn nhạy cảm. Cái khác lạ trong văn hóa là cái giá trị, nhưng cũng có thể là cái làm xa lạ, lu mờ, thậm chí làm “biến dạng” các giá trị của văn hóa dân tộc. Nhưng ở đây cần nhắc lại một biện chứng của công cuộc phát triển trong kinh nghiệm sống ngàn đời của người Việt thể hiện ở thành ngữ “gạn đục khơi trong”, nghĩa là chỉ giữ lại những gì thật sự là giá trị, thật sự có ích cho đời sống tinh thần của dân tộc.

Những năm qua, các nhà văn chúng ta đã có nhiều hoạt động nhằm xích gần lại văn hóa những dân tộc cùng uống chung một dòng nước Mê Kông. Bước đầu, nhân dân các nước khu vực, trước hết là những nhà văn đã được tiếp xúc với những giá trị của nền văn hóa của các dân tộc anh em ngoài quốc gia của mình. Đích đến của chúng ta là hòa nhập bình đẳng với văn hóa thế giới, là có những sáng tạo khẳng định mình trước thế giới rộng lớn, nhưng trước khi đạt đến mục đích khó khăn đó, các nhà văn chúng ta cần biến văn hóa khu vực sông Mê Kông thân thuộc của mình thành một khu vườn chung, trên đó mọc lên nhiều loại hoa đầy hương sắc. Theo đó, củng cố và phát huy những gì đã đạt được, để hướng tới một mục tiêu lớn hơn là để hòa nhập bền vững với văn hóa các nước Asean, làm cơ sở để hòa nhập với văn hóa các nước khác trên thế giới, đang đặt trên vai các nhà văn chúng ta trách nhiệm lớn lao.

 Với tinh thần Việt Nam là bạn của mọi quốc gia, dân tộc, Nhà nước Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam…đã có nhiều chương trình hoạt động giao lưu văn hóa với nhiều nước trên thế giới với nguyện vọng mở cửa để từng bước giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình và đón nhận những giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, trong đó có văn hóa của những đất nước cùng soi bóng xuống dòng Mê Kông. Rất dễ nhận ra sự khác biệt văn hóa của các nền văn hóa, nhưng cũng không khó nhận ra các giá trị Chân-Thiện-Mỹ, là phẩm chất chung, là gốc mẹ của các nền văn hóa của các dân tộc anh em. Điều đó chứng tỏ chúng ta đang trên đường từ cái nền chung của các giá trị mỹ học, đi đến giữ gìn bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, để nhận biết nét riêng biệt tâm hồn của mỗi dân tộc.

Nền văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc, là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần,hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài của các dân tộc Việt Nam. Do những điều kiện lịch sử đặc biệt, luôn luôn phải đối mặt với ngoại xâm, với những thử thách mất còn, nền vân hóa của các dân tộc Việt Nam hình thành từ thực tế khốc liệt ấy, và vì vậy luôn luôn thấm đẫm thực tiễn, mà cốt lõi của nó là tinh thần yêu nước qua mọi thời kỳ lịch sử. Cũng do vị trí địa lý nằm giữa “ngã ba đường” ra thế giới, ra các nước trong khu vực, nên văn hóa Việt rất có khả năng dung hợp, tiếp biến, lựa chọn những yếu tố tích cực của các nền văn hóa khácđể làm giàu có cho bản sắc của mình. Quá trình Việt hóa diễn ra đã nghìn năm nay và đang diễn ra ngay trong thời điểm hiện tại, làm nên sức sống, sức mạnh nội sinh, động lực của phát triển, và sức trường tồn của dân tộc.Điều đó nằm trong chủ trương chiến lược “đa dạng hóa, đa phương hóa” các mối quan hệ quốc tế, trong đó bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cũng là vấn đề mang tính nguyên tắc. Với quan niệm văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, nhân dân Việt Nam đang kết hợp sức mạnh “nội sinh” và tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại, trong đó có tinh hoa văn hóa của các nước trong và ngoài khu vực để hướng đến xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh phù hợp với sự tiến bộ của thời đại.

Là những người sáng tác văn chương, tức là lực lượng trực tiếp chịu trách nhiệm trước nhân dân mình, trước Tổ Quốc mình về các giá trị tinh thần của dân tộc, hơn ai hết các nhà văn chúng ta biết rõ những giá trị văn hóa dân tộc. Trên kia chúng ta nói, chủ thể của xã hội, của kinh tế là con người, thì cần khẳng định cốt lõi của chủ thể-con người là văn hóa. Mà con người, với phẩm chất cao quý của nó lại là mối quan tâm thường trực của mọi nhà văn. Mục tiêu của văn học là xây dựng con người với tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế cao cả, có bản lĩnh vững vàng trước mọi thử thách, có ý thức, có tình yêu đất nước và năng lực bảo vệ Tổ Quốc…Nghĩa là con người có văn hóa cao, con người tiêu biểu của thời đại. Đấy là khát vọng sáng tạo của mọi nhà văn chân chính, trong đó có các nhà văn Việt Nam.

Phần lớn các nhà văn Việt Nam từng được rèn luyện và thử thách qua ngọn lửa cách mạng, trong chiến tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Những trang viết của họ thể hiện một vốn sống phong phú, thể hiện đậm đà lòng yêu nước, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng trước những biến động của thời cuộc. Văn học Việt Nam, vì vậy mang đậm tinh thần yêu nước của chủ thể sáng tạo. Điều này làm nên nội dung cơ bản, làm nên phẩm chất cao quý của văn học Việt Nam từ xưa đến nay, cũng là cốt cách của văn hóa Việt Nam.Vì vậy, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là nguyên lý có tính tất yếu cho sự phát triển và tồn tại của dân tộc trong cộng đồng quốc tế. Hơn ai hết các nhà văn chúng ta nhận về mình sứ mệnh thiêng liêng: vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là công dân yêu nước trên lĩnh vực phát triển sự nghiệp văn hóa, chịu trách nhiệm to lớn trước nhân dân về tương lai văn hóa của dân tộc mình.

 

                                                                        Tháng 5 năm 2018

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *