Tìm tòi thể nghiệm

25/10
8:33 AM 2016

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: “THẢM HỌA” MANG TÊN THỦY ĐIỆN

Để người dân có cuộc sống an toàn hãy sống hòa thuận với tự nhiên. Thông điệp này không phải mới xuất hiện thời gian gần đây mà trước đó đã trở thành mệnh lệnh sống còn đối với mỗi người dân.

Phương Lan

Thủ tướng Chính phủ vừa phát đi công điện  về việc khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 7, cùng với đó sáng 17/10, tổ công tác điều tra của Bộ Công thương cũng chính thức được thành lập lên đường vào Hà Tĩnh để tiếp cận nhà máy thủy điện Hố Hô- một trong những nhà máy đã tiến hành xả lũ khiến cho tình trạng ngập lụt trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết nhằm khảo sát hiện trường, nghiên cứu hồ sơ tài liệu, đồng thời chỉ đạo khắc phục sự cố nếu có.

 Đây được xem là phản ứng nhanh của Chính phủ, Bộ chủ quản và được dư luận đồng tình, ủng hộ. Cùng với đó là công tác cứu trợ của Hội chứ thập đỏ, các tổ chức chính trị- xã hội cũng đã đến được với bà con các tỉnh miền Trung. Song dưới con mắt của các chuyên gia thì đây mới chỉ là những giải pháp tình thế để người dân nơi khúc ruột miền Trung vượt qua khó khăn, mất mát còn về lâu về dài vẫn là công tác quy hoạch vùng phải thật sự khoa học và chỉ khi con người sống hòa thuận được với tự nhiên thì khi ấy con người mới được an toàn

Theo báo cáo của Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, hiện nay trên cả nước đã vận hành phát điện 268 dự án thủy điện (14.240,5 MW); đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198,8 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017. Tuy nhiên, mặt trái của thủy điện chính là đã cướp đi hàng ngàn ha rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng và chặt khúc, chia nhỏ các dòng sông tự nhiên để làm hồ chứa nước.

Rừng bị mất, lá chắn kiên cố nhất và duy nhất để ngăn lũ đã không còn phát huy tác dụng. Nước đầu nguồn mặc sức đổ xuống vùng hạ lưu. Trong khi chính quyền, người dân chông chờ vào hồ chứa có thể tích nước và điều tiết lũ thì hầu hết hệ thống hồ chứa bị tê liệt do quy trình vận hành liên hố chứa chưa được chú trọng, triển khai đúng mức, thậm chí kiểu vận hành té nước theo mưa đã khiến cho người dân chịu thảm cảnh lũ chồng thêm lũ, mà truyền thông gọi đó là thảm họa nhân tai.

Để người dân có cuộc sống an toàn hãy sống hòa thuận với tự nhiên. Thông điệp này không phải mới xuất hiện thời gian gần đây mà trước đó đã trở thành mệnh lệnh sống còn đối với mỗi người dân. Song dường như  những mối lo về cơm áo gạo tiền đã khiến con người phớt lờ lời cảnh báo đó. Quy hoạch thủy điện ồ ạt chỉ với một mục đích quy nhất là cung cấp điện năng tại chỗ, sau đó là đóng góp một phần vào sản lượng điện quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng , song sự bột phát, nhỏ lẻ, thiếu tầm trong quy hoạch vùng vô hình chung đã góp phần biến  những thủy điện này  thành mối ẩn họa khôn lường đối với người dân sở tại.

Rừng mất do thủy điện, dòng chảy của sông bị đảo lộn, kéo theo hệ sinh thái bị hủy hoại là câu chuyện không mới. Chỉ có điều, những bài học tưởng như nằm lòng trong quy hoạch thủy điện mang tính hủy diệt thì hình như vẫn còn mới đối với không ít địa phương hiện nay.

Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã đẩy thiệt hại của người dân đến mức cao nhất có thể, dù rằng Ban giám đốc nhà máy khẳng định việc xả nước tại Thủy điện Hố Hô được báo trước và đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn kỹ thuật.  Tuy nhiên, lãnh đạo huyện nơi nhà máy thủy điện đóng chân khẳng định  không nhận được bất kỳ một thông điệp nào cho biết kế hoạch xả lũ của thủy điện để có phương án sơ tán dân.  Những tranh cãi này rồi sẽ đi đến hồi kết, nhưng những thiệt hại về người và của của người dân nơi vùng rốn lũ thì vẫn còn đó. Nó không chỉ là nỗi đau trong thời điểm hiện tại mà nó còn nhắc nhớ về quá khứ năm 2013 với trận lụt lịch sử gần như cướp đi toàn bộ của cải vật chất và cả tính mạng của hàng nghìn hàng vạn hộ dân miền trung. Song điều đáng nói ở đây chính là việc chính quyền các cấp đã sai và hoàn toàn có lỗi với dân khi cho phép lặp lại những nỗi đau được báo trước này.

Giữ an toàn hồ đập là đúng nhưng không thể đặt lợi ích của một nhóm người trên tính mạng của công đồng dân cư. Đã đành, sống ở vùng chậm lũ phải chịu cảnh sống chung với lũ âu cũng là lẽ thường, nhưng ở ngay trung tâm thành phố như thành phố Vinh, Đồng Hới, cảnh ngập lụt diễn ra bắt người ta phải thích nghi, phải có xuồng bơi trong phố là điều hoàn toàn không thể chấp nhận. Lỗ hổng trong quy hoạch đô thị, hẳn không thể xem nhẹ.

Trả lời trên truyền thông, nhiều vị quan chức cấp ngành, cấp tỉnh đều cho rằng quan điểm của địa phương là không nên phát triển thủy điện một cách ồ ạt mà phải có quy hoạch. Nếu như Hội đồng thẩm định quốc gia quyết định cho phép đầu tư nhưng tỉnh xét thấy dự án không an toàn cho cả thượng lưu lẫn hạ lưu, đặc biệt là vấn đề dân sinh thì địa phương vẫn kiến nghị lên Chính phủ chấm dứt dự án.  Nhưng lý thuyết là như vậy, còn thực tế lại có muôn ngàn hướng rẽ, mà cũng chính truyền thông gọi đó là tư duy nhiệm kỳ là lợi ích nhóm. Thủy điện vừa và nhỏ lấy đất, phải trồng bù rừng, nhưng chưa có một thủy điện nào nghiêm túc làm việc này cho dù đó là cam kết, và cũng không có một cơ quan chính thức làm tròn nhiệm vụ thống kê đốc thúc các dự án trồng rừng để Chính phủ có cái nhìn tổng quát hơn về thủy điện.

Người dân sẽ có cuộc sống an toàn nếu sống hòa thuận với thiên nhiên, hoàn toàn đúng. Nhưng hòa thuận thế nào không chỉ phụ thuộc vào người dân mà ở cấp quản lý, những người hoạch định chiến lược phát triển kinh tế- xã hội. Bởi chỉ khi nào các cấp quản lý có được tâm lý e sợ dự án thực rơi trúng đầu mình, nhà mình như lâu nay người dân e sợ thì khi ấy con người mới không trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của thiên nhiên.  Và không còn phải sống cảnh tạm bợ chờ cứu đói, cứu rét.

 (Nguồn: Báo Văn Nghệ HNV)

 

ÁM ẢNH NƠI RỐN LŨ


 Nguyễn Ngọc Vượng

 

Do ảnh hưởng kết hợp của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lục địa tăng cường, rìa Bắc rãnh áp thấp nối tâm áp thấp nhiệt đới và nhiễu động đới gió Đông trên cao tạo nên mưa trên diện rộng đã nhấn chìm Hà Tĩnh và Quảng Bình trong biển nước mênh mông nhiều ngày liền, gây bao tai họa vô cùng khủng khiếp!

Mặc dù thông tin được cập nhật liên tục dự báo về một đợt mưa to đến rất to trên diện rộng kèm theo lũ lụt và sạt lở đất có thể xảy ra tại Hà Tĩnh vào các ngày từ 14/10 đến 16/10! Song diễn biến của mưa lũ thật quá khôn lường khiến người người trở tay không kịp. Ngay từ sáng sớm ngày 14/10, mưa lớn bắt đầu xé toác màn trời phía cửa biển rồi vụt lên Trường Sơn hòa thành một thảm nước khổng lồ vây bủa hết miềnTrung. Mưa sắc nhọn như gươm giáo thả sức đâm chém khắp nơi, mưa ào ào ập xuống thượng du, trung du, rồi hạ du  các sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Ngàn Trươi và Rào cái… mưa được tiếp sức bởi triều cường và gió giật xông thẳng vào những làng chài; mưa được tiếp tay từ những công trình thủy điện, giao thông, nhà máy và những dự án quy hoạch bất hợp lý trở chứng biến thành lũ ống, lũ quyét tràn qua bao phố phường, làng mạc… bất cứ ngóc ngách nào nước có thể len tới được là lũ dữ ư như xuất hiện tới đó.

Chỉ trong trong giây lát cả thành phố Hà Tĩnh, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Thạch Hà - những nơi được coi là “đắc địa” được chọn quy hoạch trung tâm đô thị từ thời Pháp cũng chẳng tự cứu được nổi mình, ngược lại bỗng hóa thành “trò hề” sắm vụng dưới trời mưa lũ. Giá như lúc này nếu ngồi trên máy bay trực thăng quan sát, chắc chắn chẳng ai có thể phát hiện được những địa danh ấy nằm ở vị trí nào trên bản đồ Hà Tĩnh bởi tất cả các tuyện đường giao thông nội thị, nội thành đồng loạt biến thành cả một hệ thống sông ngòi chằng chịt; các công sở, khác sạn, nhà hàng, khu dân cư, chợ búa… đồng loạt biến thành những “đảo chết” giữa biển nước. Hàng loạt những chiếc xe ô tô đắt tiền sang trọng cho đến chiếc xe máy đời cũ rích dành cho những bác xe ôm nghèo đều được người điều khiển nó bỏ của chạy người, và trong chớp mắt lũ xóa hết tất cả những khoảng cách giàu nghèo, sắp xếp lại toàn bộ trật theo cách riêng của nó!..

Trong lúc hàng chục vạn người dân thành phố Hà Tĩnh, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Thạch Hà đang loay hoay trước miệng lũ thì hàng chục vạn người dân khác khắp các địa phương của Hà Tĩnh cũng phải vật lộn với tai ương thủy quái. Nếu huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh có địa hình dốc nghiêng gần như 45 độ từ Tây sang Đông nên có người còn nói đùa rằng, chỉ cần đứng trên dãy Hoành Sơn hắt một xô nước xuống thì lập tức được tống xuống cửa sông Trí sông Quyền ra biển ngay. Vậy nhưng, bây giờ khi mà tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, những dự án lớn, những tuyến đường lớn được triển khai nhưng bất hợp lý về cầu cống hệ thống thoát nước vô hình dung biến nó trở thành những tuyến đê bao kiên cố ngăn lũ, đến ngay cả những xã vùng cao trên thượng nguồn như Kỳ Thượng, Kỳ Sơn cũng bị lũ lụt ngập nặng và bị chia cắt nhiều nơi.

Oái ăm thay! Chiếc cầu Bến Sắt bắc qua sông Rào Trổ vốn là niềm mong ước của bao đời của bao thế hệ người dân xã Kỳ Thượng được đi vào khánh thành từ vài năm nay không ai nghĩ lại bị nhấn chìm dưới cơn lũ quét bất chấp mọi sự tính toán của các nhà kỹ sư thiết kế. Trước đây, hàng năm khi mùa mưa lũ đến bến Sắt này chính là cửa ngõ của thủy thần, cô lập hoàn toàn cả một vùng đất đai rộng lớn và dân cư đông đúc của thôn Phúc Thành 2 và thôn Bắc Tiến xã Kỳ Thượng tới cả hàng tháng trời liền. Nỗi ám ảnh về cảnh tượng đói nghèo vây bủa và bao thế hệ con em học sinh của họ phải thất học qua bao mùa mưa lũ chưa qua, một lần nữa chợt tái hiện trở về với họ. Và như một điềm gỡ báo trước cho họ về những tai ương có thể lại tiếp tục còn diễn ra, khi mà ngay như cả với những cây quýt xốp Kỳ Thượng nổi tiếngvốn chỉ biết tồn tại trên những mái đồi khô ráo, từng thách đố bao mùa mưa lũ đi qua nhưng giờ đây cũng đành thối gốc chết yểu khắp trong vùng. Ngay ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cũng phải thốt lên rằng đến như cây quýt xốp mà còn bị chết vì lũ lụt thì ở Kỳ Thượng không có gì còn có thể nói có thể tồn tại được với mưa lũ nữa rồi!

Không nghi ngờ gì nữa chưa ai giám nói cơn mưa lớn trên diện rộng trái với quy luật cua thời tiết, nhưng tác động một phần gây ra lũ lớn thì không thể nói không bởi có sự can thiệp của con người. Điều này càng thể hiện rõ nhất ở Hương Khê nơi được coi là rốn lũ thì mọi tính toán đều vô nghĩa, khi mà rừng tự nhiên bị thay thế bằng những diện tích cao su và gỗ nguyên liệu cây keo lá chàm. Ai nói cao su và keo lá chàm không nâng cao độ che phủ, nhưng để có những rừng cây này xanh tốt, người ta phải dọn sạch các lớp thực bì giống như tổng dọn vệ sinh rừng thì khác gì tháo cửa rừng cho lũ tràn qua.

Đặc biệt, với sự xuất hiện của Nhà máy Thủy điện Hố Hô nằm trên thượng nguồn con sông Ngàn Sâu, một con sông hầu như đã trao hoàn toàn bổn phận của nó cho vùng đất Hương Khê màu mỡ từ ngàn xưa vô tình trở thành kẻ tội đồ từ khi Dự án Thủy điện Hố Hô ra đời vào tháng 11 năm 2004. Đây là một dự án quá nhỏ với công suất 13 MW mà tác hại thì quá lớn. Vậy nên, ngay từ khi dự án bắt đầu triển khai đã có nhiều câu hỏi đã đặt ra rằng, phải chăng chỉ vì lợi nhuận nhỏ của doanh nghiệp mà bỏ qua lợi ích lớn của cộng đồng?

Nghịch lý nhãn tiền của Thủy điện Hố Hô mỗi khi mưa lớn đổ về lập tức nước trên thượng nguồn dâng nhanh, nếu đóng không xả lũ kịp thời thì nước vượt qua thân đập ảnh hưởng đến công tác vận hành của nhà máy, hoặc nghiêm trọng hơn lũ có thể làm vai đập có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Nếu xả thì lũ sẽ dâng cao ở vùng hạ du, dù được thông báo trước nhiều ngày thì thiệt hại vẫn đứng về phía người dân khi nhà cửa, ruộng vườn các mô hình trang trại chăn nuôi phát triển kinh tế không thể đảo lộn được, ngoài việc sơ tán con người để bảo đảm tính mạng mà thôi. Tuy vậy, nghịch lí lớn nhất chính là nguồn lợi từ lũ lụt lại bị đập Thủy điện cướp đi tất cả, chưa nói đến hiện tượng cướp dòng đã xuất hiện một số sông suối ở Hương Khê có dấu hiệu đang chảy ngược sang đất Lào; lượng phù sa nếu có cũng chỉ biến thành bùn lầy bồi lắng xuốn vùng dưới lòng hồ, vì thế mỗi khi mưa lũ về cả một miền hạ du rộng lớn không những không đón nhận được bất cứ một hạt phù sa nào mà những lớp phù sa màu mỡ sót lại, sau khi sông bị ngăn thành đập Thủy điện lại bị cuốn trôi ra biển càng ngày hai bên bời sông chỉ trơ lại những bãi đất cằn.

Đã thế mỗi khi lũ về, nhà máy Thủy điện Hố Hô lại không tuân thủ những quy định an toàn thông báo cho  người dân chủ động phòng tránh lũ mỗi khi xả tràn. Quay lại thời năm 2007 khi nhà máy chưa khánh thành song phần thân đập cơ bản đã thi công xong bỗng mưa lũ ập đến nhanh chóng, biến hàng trăm ha diện tích đất đai vùng lòng hồ thuộc 2 xã Hương Liên và Hương Lâm huyện Hương Khê trở thành túi nước khổng lồ. Và lũ vượt qua thân đập vào ngay giữa đêm 07/ 8 năm đó, đẩy cả chiếc máy cẩu nặng hàng chục tấn sắt xuống dòng Ngàn Sâu ra xa tới hàng chục km, khiến nhiều người trở tay không kịp phải chết oan uổng. Không lâu sau đó, đến năm 2010 một lần nữa Thủy điện Hố Hô lại trở thành “hung thần” khi lần đầu tiên người dân Hương Khê được nghe tới cái tên “lũ chồng lũ” lạ hoắc cướp đi bao sinh mạng con người và tài sản của họ, biến Hương Khê trở thành một bãi bùn lầy hoang sau lũ như vừa trải qua một vụ thảm sát kinh hoàng của bom B52! Rất lạ là cơn lũ này cũng xuất hiện vào ban đêm do Nhà máy thủ điện Hố Hô xả lũ mà  không thèm thông báo trước.

Chúng tôi có mặt tại rốn lũ Hương Khê vào những ngày này, mà không thể không bị ám ảnh bởi tiếng kêu ai oán của những người dân vô tội phải làm “vật tế thần” cho Dự án Thủy điện Hố Hô trước hai cơn lũ lịch sử năm 2007 và 2010! Vậy nên khi vừa chạm tới đây hình ảnh cảu bao đứa trẻ khóc mẹ, khóc cha; bao người cha người mẹ khóc con bởi chết oan trong lũ vẫn còn văn vẳng đâu đó! Tôi còn nhớ như in hình ảnh chị Nguyễn Thị Viên ở xã Hà Linh huyện Hương Khê trước cơn lũ dữ năm 2010, năm ấy chị vừa tròn 29 tuổi, không chồng, một mình  nuôi 4 đứa con còn trẻ dại, hoàn cảnh hết sức khó khăn; chị được Ngân hàng cho vay tiền hỗ trợ lãi suất làm vốn nuôi được 10 con lợn đang trong thời ký phát triển, nhưng chưa kịp mừng thì ngay trong đêm 16/10 nhà máy Thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ, nước dâng nhanh lên tận mái nhà cuỗm đi  tất cả. Rất may, giữa cơn nguy khốn đó bố đẻ của chị là ông Nguyễn Văn Viêm đã kịp chèo thuyền ba ván tới cứu năm mẹ con chị thoát khỏi móng vuốt của thủy thần.

Cũng tại nơi này, trong lúc chưa kịp hỏi thăm cuộc sống của chị Viên bây giờ ra sao, thì không ngờ chúng tôi gặp anh Quỳnh Văn Xưng (51 tuổi), một người dân làm nghề nuôi ong lấy mật từ Đồng Nai ra xã Hà Linh, huyện Hương Khê thuê đất rừng để hành nghề. Anh trở thành công dân của địa phương được 6 tháng nay và đã gầy dựng đực hơn 300 lăng ong (tổ ong) đang kì cho lấy mật. Không ngờ, đêm 14/10 Nhà máy Thủy điện Hố Hô bất ngờ xã lũ khiến anh không kịp trở tay. Lũ dâng quá nhanh đã cướp đi hơn 200 lăng ong, trị giá gần 300 triệu đồng của anh trong phút chốc. Vậy là giấc mộng làm ăn sinh sống nơi  đất khách quê người của anh Xưng bỗng tan thành mây khói! Chẳng biết làm gì hơn với đôi bàn tay trắng, anh đành ngửa mặt lên trời mà kêu than!Cùng xóm với anh Xưng chúng tôi còn gặp anh Nguyễn Thế Anh, bà Nguyễn Thị Văn, ông Nguyễn Trọng Chinh đang bủn rủn hết chân tay vì vừa trải qua một đêm trắng mắt chống chọi  mạng sống của họ và gia đình họ với cơn lũ dữ. Chao ôi! Một gói mỳ tôm pha nước sôi bình thường thôi, họ cũng chẳng có mà ăn vì bói đâu ra một gáo nước sạch khi mà dòng nước đục ngầu cuồn cuộc xóa đi tất cả.

Không thể chần chừ lâu hơn được nữa, chúng tôi vội ngược về Nhà máy Thủy điện Hố Hô mới thấy được sự vô cảm của những người làm công tác quản lý ở đây, khi họ bất chấp tất cả vẫn cho xả lũ một cách tự nhiên như không hề có chuện gì xảy ra. Thậm chí có mặt Nhà máy vào chiều 17/10, ông Lê Ngọc Huấn, chủ tịch UBND huyện Hương Khê đã yêu cầu phía nhà máy phải tuân thủ những quy tắc chung nhưng vẫn bị họ bỏ ngoài tai.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của UBND tỉnh Hà Tĩnh con số thiệt hại về người và tài sản trong đợt mưa lũ vừa qua tại Hà Tĩnh lên tới gần 700 tỷ đồng, đặc biệt có 6 người bị chết trôi, trong đó thiệt hại lớn nhất chính là huyện Hương Khê. Giờ thì cơn lũ đã đi qua, đội ngũ những người quản lý Nhà máy Thủy điện Hố Hô có nói gì đi nữa nhưng tất cả đã quá muộn!

(Nguồn: Báo Văn Nghệ-HNV)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *