Tìm tòi thể nghiệm

22/8
3:01 PM 2016

THÊM MỘT CÁCH ĐỌC NGƯỢC TRUYỆN KIỀU

VanVN.Net - Nhà Kiều học – thầy giáo toán Phạm Đan Quế lại có thêm một sách chuyên khảo Truyện Kiều, mang tên “Truyện Kiều đọc ngược của Cổ nhân” , khác với sách “Truyện Kiều đọc ngược” ông đã đưa tới bạn đọc từ năm 2002. Nhân việc này chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Phạm Đan Quế.

PV: Thưa ông, “Truyện Kiều đọc ngược” - tên một cuốn sách do ông biên soạn, chỉ là tên sách ấy, hay còn là tên một lối chơi chữ từ Truyện Kiều, kiểu như tập Kiều, đố Kiều, nhại Kiều…?

Ông Phạm Đan Quế: Chúng ta hoàn toàn không có tư liệu gì về cách mà cổ nhân đã thực hiện khi đọc ngược Truyện Kiều, từ chữ cuối tới chữ đầu. Trong cuốn “Truyện Kiều đọc ngược” (NXB Thanh niên  2002) chúng tôi đã dành 50 trang nghiên cứu vấn đề này và khẳng định, cũng có vô số bản Truyện Kiều đọc ngược đấy, nhưng chỉ là đọc theo lối tập Kiều, là lối chơi chữ theo cách lựa chọn một số câu Kiều ở những chỗ khác nhau trong 3254 câu của Truyện Kiều, những câu có thể nối vần với nhau để tạo thành bài lục bát mới, theo một chủ để nhất định nào đó. Nếu theo chủ đề đảo ngược thời gian, thì Truyện Kiều được “đọc ngược”, từ đoạn “tái hồi Kim Trọng”:

3253. Lời quê chắp nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh.

3145. Nàng rằng: Phận thiếp đã đành,

Có làm chi nữa cái mình bỏ đi!

3185. Chở che đùm bọc thiếu gì,

Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay.

3209. Tẻ vui bởi tại lòng này,

Hay là khổ tận đến ngày cam lai?

3241. Ngẫm hay muôn sự tại Trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân….  

Theo cách này, trong tác phẩm trên, chúng tôi đã dùng lại toàn bộ 3254 câu thơ của Nguyễn Du – dùng nguyên văn – để viết lại thành một câu chuyện có trình tự thời gian đi ngược lại câu chuyện nguyên tác, như đã thực hiện một cuốn phim quay ngược (nội dung thì không có gì mâu thuẫn với nguyên bản). Khi làm sách này, chúng tôi đã cho rằng chuyện người xưa có thể đọc ngược Truyện Kiều từ cuối trở lên đầu không cần giở sách là thậm xưng và có thể chỉ là truyền thuyết hay giai thoại. Nhưng sau khi sách ra mắt được ít lâu, qua nhiều ngày đêm nghiền ngẫm, chúng tôi nhận thấy, nhận định như trên không chính xác vì còn có cách đọc ngược Truyện Kiều khác nữa, rất đơn giản, thú vị và tự nhiên hơn nhiều mà có thể các cụ ta xưa đã làm.

Ông Phạm Đan Quế

PV: Xin ông giới thiệu cách đọc ngược này!

Ông Phạm Đan Quế: Đọc ngược cách này cực kỳ đơn giản: giữ nguyên câu lục, và hoán vị 4 chữ cuối của câu bát và đọc từ dưới lên trên. Mời bạn đọc nghe thử, Truyện Kiều đọc từ 8 âm tiết cuối cùng:

3524. Mua vui cũng được trống canh một vài

3253. Lời quê góp nhặt dông dài

Chữ tâm kia với chữ tài bằng ba

3251. Thiện căn ở tại lòng ta

Cũng đừng trách lẫn đất xa, trời gần

3249. Đã mang lấy nghiệp vào thân

Chữ tài liền với một vần chữ tai

3247. Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài chữ mệnh cả hai dồi dào

3245. Có đâu thiên vị người nào

Cho thanh cao mới thanh cao được phần

3243. Bắt phong trần phải phong trần

Trời kia đã bắt có thân làm người

3241. Ngẫm hay muôn sự tại trời

Vườn xuân một cửa muôn đời để bia….

Theo cách đọc trên, chúng tôi vừa biên soạn xong cuốn Truyện Kiều đọc ngược “của Cổ nhân” với đủ 3.254 câu. Cuốn mới này sẽ ra mắt trong quý IV-2016. Chúng tôi xin được nói qua về cuốn sách mới này. Với chữ “của Cổ nhân” trong ngoặc kép chúng tôi muốn  nhấn mạnh,  đây không phải là văn bản sưu tầm từ thư tịch cổ, mà là cuốn sách do chúng tôi biên soạn, nhưng có thể  người xưa  đã nghĩ ra và từng thực hiện. Khi đọc ngược thơ lục bát như thế này, nội dung cơ bản không thay đổi bao nhiêu, thậm chí có trường hợp đọc ngược lại thuận nghĩa hơn, và có lý hơn như câu “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, thì ta phải hiểu là “Trời xanh quen thói đánh ghen má hồng”, đúng như câu bát đọc ngược này. Và chúng ta lại càng thấy Truyện Kiều tuyệt vời biết bao khi đọc ngược cả quyển thơ dài tới 3.254 câu mà chỉ có 17 câu bát chưa thật thuận tai (11 chỗ là do từ láy bị tách đôi và 6 chỗ do văn lý). Như trường hợp câu 0005 “Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Những điều trông thấy đớn lòng mà đau”. Gặp trường hợp này chúng tôi mạn phép động bút đổi thành “mà lòng đớn đau”.

Từ cách đọc ngược Truyện Kiều có thể suy ra, mọi bài thơ lục bát đúng cách đều có thể đọc ngược như thế. Điều này chính là một minh chứng hùng hồn cho sự kỳ diệu của ngôn ngữ Việt và lại là một cách vinh danh tuyệt vời cho thể thơ lục bát dân tộc của chúng ta. Mong rằng sau khi quyển sách này ra đời sẽ có nhiều bạn trẻ thuộc Kiều tới mức có thể đọc ngược Truyện Kiều ở bất cứ đoạn nào nếu không phải là toàn truyện.

PV: Nhân nói tới các bạn trẻ, nói tới tuổi học sinh, xin được hỏi các thầy cô giáo dạy văn nên dùng sách này như thế nào?

Ông Phạm Đan Quế: Rất mong các thầy cô đón đọc sách này. Và tôi nghĩ, các buổi ngoại khóa môn Văn ở nhà trường  có thể tổ chức thi đọc ngược những đoạn Kiều đã học hoặc những đoạn hay khác được chọn cho thêm phần hào hứng, bởi với quyển sách này trong tay, bạn nào cũng có thể đọc ngược một đoạn Kiều dù chỉ mươi, mười lăm câu. Tất nhiên để thuộc được đoạn đọc ngược nào, ta phải hiểu và thuộc được đoạn đọc xuôi tương ứng trong Truyện Kiều trước. Chắc chắn bạn nào say mê và quyết tâm sẽ có thể đọc ngược được khá nhiều đoạn Kiều mà mình thích, rồi có thể tiến xa hơn để có thể đọc ngược toàn bộ Truyện Kiều từ cuối trở lên đầu như các cụ ta ngày xưa. Nếu đúng là cổ nhân đọc theo kiểu này thì quả là quá tuyệt vời - Một phương pháp đọc ngược đơn giản và rất dễ nhớ, dễ thuộc mà cổ nhân vì yêu mến Truyện Kiều đã nghĩ ra. Thật là một sáng tạo, thú vị không ngờ mà mọi người yêu Kiều nên biết.

PV: Xin hỏi câu cuối cùng, là nhà Kiều học, ông có ý kiến gì về việc học Kiều trong nhà trường vào dịp ngành giáo dục đang tiến hành soạn thảo bộ sách giáo khoa mới trong đó có sách văn học?

Ông Phạm Đan Quế: Hiện nay khi dạy Truyện Kiều, sách giáo khoa đã chọn sẵn một số đoạn trích giảng nên giáo viên khó thoát khỏi những ràng buộc giấy trắng mực đen như thế. Nên chăng sách giáo khoa mới, ngoài mấy bài quy định, nên cho giáo viên tự chọn một số đoạn mà mình tâm đắc rồi truyền đạt cho học sinh để bài giảng có hồn hơn, cuốn hút hơn. Truyện Kiều đặc biệt ở chỗ đoạn nào giảng cũng tìm được nhiều cái hay, nếu làm như vậy thì thày trò sẽ cùng nhau tìm ra được nhiều cái hay của Truyện Kiều mà sự áp đặt theo lối cũ chưa thấy được.

Xin cảm ơn ông!

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *