Tìm tòi thể nghiệm

23/8
7:50 AM 2016

THẾ DŨNG-KIẾP NÀY RONG RUỔI VỚI THI CA

PHÙNG VĂN KHAI - Trong chuyến đi Ba Lan và Đức năm 2010, tôi đặc biệt ấn tượng với nhà thơ Thế Dũng, hiện anh đang sống và làm việc tại Beclin. Vẫn biết dan díu với nàng thơ, các thi sĩ dường như luôn phải chịu cảnh phiêu bạt tang bồng nhưng phù du đến như Thế Dũng, quả là hiếm thấy.

                                                                                     Nhà thơ Thế Dũng

 Anh lang bạt từ tấm bé, để giờ đây, khi đã vượt qua cái tuổi tri thiên mệnh lại định cư (chắc gì đã chắc chắn) nơi nước Đức. Nhưng một điều dễ nhận ra, hay chính bản mệnh nơi anh, là niềm đam mê với nàng thơ dù ở đâu đều đắm say. Càng nơi xứ người, ngọn lửa ấy càng bùng cháy mãnh liệt.

Đến với thơ ca từ khá sớm, Thế Dũng từng có thơ in trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1979 khi mặt trận phía Bắc đang rộ lên tiếng súng. Bài thơ Đến bây giờ ta vẫn ở bên nhau thoạt tiên mang cái tên Bạn lính được gửi tới báo Văn nghệ khi Thế Dũng đang là sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc xong khoái trá phán: Thơ Dũng vạm vỡ lắm! Sẽ in vào số tới. Cứ yên tâm lên đường chiến đấu Dũng nhé! 

Phấn khởi nghe ông anh khen, Thế Dũng xung phong vào lính, lên phòng tuyến phía Bắc đánh giặc, lại còn khoe khoang với bè bạn thơ mình sắp được in.

Chiến dịch đào hào trên phòng tuyến sông Cầu kết thúc, thơ chẳng thấy in ra như đã hứa. Bẽ bàng, Thế Dũng lại không còn bản gốc. Bài thơ dài trên 50 câu cứ cựa quậy trong đầu chàng lính trẻ. Không nản, Thế Dũng cố nhớ rồi chép lại, đem thẳng đến Văn nghệ quân đội. Khi ấy, nhà thơ Thu Bồn vừa nhận giải thưởng Hội các nhà văn Á Phi ở Ăng gô la về, đọc ngay, hớn hở bảo: Không động chạm gì. Đây thực ra là một bài thơ tình. Cậu còn đi xa đấy. Thơ cậu đã có hơi hướng của trường ca.

Thế Dũng im lặng. Báo Văn nghệ không in chắc gì đã in được ở Văn nghệ quân đội. Chắc Thu Bồn bốc lên nói thế thôi. Không ngờ ngay sau đó bài thơ được in trang trọng trên tạp chí, được trả 44 tiền đồng nhuận bút, tương đương với 90 bát phở ngon ở phố Lò Đúc. Đương nhiên đó là một món tiền lớn đối với chàng lính trẻ. Mắt chúng mình xanh ngắt nước Cửu Long/ Càng giông bão sóng sông Hồng càng đỏ/ Dẫu củ chuối, lương khô và nước lã/ Đã yêu sông phải lên tận Kỳ Cùng/ … Cởi trần mà bắn thôi! Trời xanh kia là áo!/ Đã trả kiếm rùa vàng mà vẫn không xong… Âm hưởng bài thơ hoành tráng cũng là tâm can chàng trai trẻ.

Thế Dũng đến với thơ như một mối lương duyên, như dòng sông bình thản chảy dưới trời. Thơ Thế Dũng chính là con người anh. Âm thầm, mãnh liệt, chứa chất tâm can của một người chịu nhiều thua thiệt trong cuộc sống: Ôi đường gươm tuyệt mệnh! Nói chi thêm?/ Thế đất ấy xoáy bao vòng sóng cuốn?/Rùa thông thái thủy chung đành nuốt giận/ Vì thủa ấy thường dân phải ở quá xa thành (Cổ Loa thành bi tráng một thời vua). Ôi con đường tuổi ấy quá ngây thơ/ Đom đóm múa cứ tưởng là tinh tú/ Phấp phỏng chờ nhau bao lần tim muốn vỡ/ Ngóng vệt đèn gầm như ngóng bình minh/ Ngủ trong lửa Trường Sơn nghe thác réo tên mình/ Tiếc chỉ có một thời trai trẻ (Đến bây giờ ta vẫn ở bên nhau).

Thời gian nát đá tan vàng nhưng niềm tin và ngọn lửa trong trái tim người luôn còn mãi. Khởi thủy từ ước mơ yêu văn chương anh đã dồn toàn bộ tâm trí của mình trong mấy chục năm ròng vừa viết vừa dịch nhiều đầu sách. Chắc chắn cái ngày rời tổ quốc anh đã khóc. Không phải những giọt nước mắt chảy ra ngoài mà phải là những giọt mặn mòi như máu nóng chảy vào tim. 

Nhà thơ Thế Dũng luôn im lặng và cặm cụi. Thế Dũng gần đây đến với thiền. Bôn ba, phiêu bạt và cũng đầy khuất khúc đến bây giờ anh tìm đến thiền như một lẽ tự nhiên. Từ khi đến với thiền, thơ anh đã bớt đi sự dằn vặt, mà con mắt thơ hướng nội nhiều hơn, chín hơn và cho người đọc sự thanh thản hơn. Có lẽ tuổi tác đã nhuốm lên từng chiêm nghiệm của anh và kết thành những mùa quả ngọt. Này gió! Này lửa! Này cây!/ Ai như ngựa xám trong mây giữa đời/ Kia sấm chớp? Kia đầm lầy?/ Tứ thời bát tiết tháng ngày luân phiên… Thưa bố Rồng, thưa mẹ Tiên!/ Ai nỡ xuất khẩu vui phiền đi đâu?/ Mồ hôi mê mỏi dãi dầu/ Khóc cười bất định. Gãy cầu đam mê!/ Xót nhà… Thương nước… Yêu quê… Tâm linh vằng vặc… Nẻo về? - Đừng lo… Một người đâu có trường sinh?/ Cả loài vô tận hữu tình vì nhau!/ Còn trăng khuyết. Còn mưa ngâu?/ Này sông! Này núi! Này cầu! Này hoa!/ Đâu bóng tối? Đâu sáng lòa?/ Nhân - Thiên hợp nhất mới là Thiên thai! (Lục bát lên đồng). 

Tuy là thế, nhưng thơ Thế Dũng vẫn còn nhiều lắm những tâm sự trực diện với con người. Và thật rõ ràng, nó vẫn khe khẽ hiện lên: Cái người hay khóc lá non/ Thương mùa xuân nát trong bom một thời/ Người hay khóc cũng hay cười/ Cười sôi trăng lạnh. Cười trôi khốn cùng!… Người hay khóc chẳng hay quên/ Trời xa? - Chân cứng đá mềm mới thôi!/ Cái người hay khóc“mẹ ơi”…/ Bán mồ hôi tận xứ người giá băng (Lục bát lên đồng).

Thế Dũng đang ấp ủ và bước những bước đầu tiên vào ngành xuất bản sách tại Đức. Anh yêu sách và anh yêu những người nghệ sĩ đến vô cùng. Trong một tuần ở Đức, đêm nào tôi và anh cũng trò chuyện đến gần sáng. Đủ thứ chuyện, nhưng bao giờ, cuối cùng và say sưa nhất vẫn là chuyện văn chương chữ nghĩa. Có những lúc anh ngồi lặng im, đôi mắt dõi về một nơi nào xa lắm. Xa như không thể đến được nữa. Xa như đã mất vĩnh viễn. Những lúc ấy, sao tôi đột nhiên thấy anh như một khối cô đơn câm nín lừng lững dưới vòm trời bên ngoài Tổ quốc, thấy thật rõ những đêm trắng lần lượt trôi trước mắt, hàng ngàn hàng vạn đêm trắng trong tuyết lạnh đè lún xuống đôi vai, vầng trán, nhuộm cả lên những lọn râu đã phần nhiều ngả sang màu bạc của người con hiền hậu xứ Đông. Cũng thỉnh thoảng, chị Tâm vợ anh nhắc mặc ấm khi anh mãi bận bịu bên chiếc máy vi tính trải lòng mình. Tôi càng thấy anh chị không thể thiếu nhau, không riêng gì trong kinh doanh hay văn chương chữ nghĩa, những đam mê suốt đời của họ, mà cái họ cần cho nhau nhất, đó là bản tính thiện của những người đã chịu nhiều thiệt thòi, có khi là quá sức chịu đựng với người bình thường. 

Thế Dũng đến với văn chương như là định mệnh. Anh và nàng thơ như dắt tay nhau đi ở trong cõi ấy. Một cõi bao hàm trí tuệ, niềm tin, cả những nỗi đau nữa chăng? Tôi không trả lời được câu hỏi này nhưng tôi biết chắc chắn, để có được niềm đam mê tột cùng ấy là cả một hành trình dằng dặc, rong ruổi, tưởng như quên bản thân mình. Chắc chắn trọn kiếp này, Thế Dũng rong ruổi với thi ca. 

Xin lấy mấy câu thơ của anh thay cho lời kết:

Nơi ai nằm, ai tắm hóa ngọc châu/ Tình ái ấy có ngày như trận mạc/ Xin cảm tạ nhịp tim bồ câu trắng/ Vọng qua nghìn giông tố tới hôm nay…

(Nguồn: Văn nghệ Quân đội)

 

THƠ THẾ DŨNG

 

 

GIÓ ĐI DƯỚI TRỜI

 

Trăng chìm trong gió

Gió trầm trong mưa

Hồ lên núi biếc

Hỏa phong đỉnh mùa
 

Gió lộng mặt người

Người lăn như lá

Giang hồ tả tơi?

Nhân - Thiên kỳ ngộ
 

Đất sừng sững núi

Núi lừng lững cây

Bão giông quằn quoại

Lũ xuân đang say

 

Sấm rền im ắng

Câm nín chẳng xong

Chân mây thảng thốt

Mặt người thật không?

 

Âm dương vần vũ

Gió đi dưới trời…

 

 

VIẾT Ở CỔNG THÀNH BRANDENBURGER TOR

 

 

Đêm trừ tịch chỉ có Trời-Đất hát?

Đèn chin màu, sóng nhạc vỗ năm cung

Người ảo diệu – nghiêng ly và ngừng lệ

Nghe như mây bay, nước chảy tới vô cùng!

 

Thôi, đừng khóc! - Đi lên đi, người ạ...

Đỡ dìu nhau theo ý muốn của Trời cao!

Đêm trừ tịch trần gian dâng vũ nhạc...

Người như là sông suối chảy về nhau!

 

Phút giao thừa chẳng có mấy lo âu!

Cả vũ trụ chợt như ngôi nhà ấm!

Pháo khoe tiếng - Rượu phô màu say đắm...

Những mảng đời vỡ vụn cũng ngân nga!

 

 

Nào, cạn hết chai này mà thấm thía!

Những nỗi buồn sặc sỡ của cô đơn...

Bao người Việt đứng ngồi như bị trói?

Đâu vùng làng nẻo phố phía quê hương!

 

Đêm trừ tịch - Người đi mây gió lộng,

Thiên thượng thật vô biên - Thiên hạ cũng vô cùng

Người quá chén, quá lời - Người quá bước!

Có sao đâu! Trời - Đất chở che thầm...

 

Đêm trừ tịch mà khối người gục ngã!

Mà khối người thành tật bởi ham vui...

Khối người chết vì leo cao ngã xuống!

Nước Đức đêm nay - vừa khóc vừa cười!

 

Đêm trừ tịch đầu tiên tôi được thấy

Đông với Tây cởi mở nỗi lòng mình?

Chân phiêu lãng chợt buồn trên xứ lạ!

Dưới chân mình đâu phải đất khai sinh!

 

Xin nhớ mãi một giao thừa du ngoạn

Tôi rong chơi như trẻ nhỏ la đà...

Tây Berlin chợt cười tôi cay đắng.

Thèm nghe nhạc pháo hồng trên cổng ngõ nhà ta!

 

LỜI TỪ BIỆT BẢN THẢO

 

 

Thôi giã từ! Đành vậy! Những dòng thơ

Bao đêm thức cùng tôi em từng biết

Nhưng đâu chỉ riêng tôi còn cả trời cả biển

Cả đứa bé lên ba sẽ đọc những lời này!

Những độc giả vô tình… đọc sẽ quên ngay

Những bè bạn thật lòng, đọc rồi họ trách!

Tôi xấu hổ mà em thì vô ích!

Em đi đi! Dù tôi khóc vẫn còn hơn…

 

Từ biệt chính mình! Đành vậy! Dẫu tiếc thương…

Trong sáng nữa và kim cương hơn nữa!

Tôi hạnh phúc sau mỗi lần sửa chữa

Được thấy em mới mẻ, chân thành.

 

Em sống động sâu xa - sau chia lìa nghiệt ngã

Tôi tốt hơn - khi biết giã biệt mình!

 

 

NHỮNG BÔNG HỒNG CHIỀU NAY

 

Những bông hồng chiều nay chỉ là tạm biệt

Hay đã là vĩnh biệt với Berlin?

Em đã bay im ắng như chim…

Và không lẽ em không về quê nữa?

 

Sương chưa giáng xuống tóc mềm thiếu nữ

Em buồn nôn nhưng chưa chịu chán đời

Vẫn cố tìm một chân trời huyền ảo

Một hào quang có thật ở xa xôi?

 

Liệu có đủ không gian và thời gian?

Để làm đàn bà để làm nhi nữ…

Khi cát bụi lầm chân người lữ thứ

Liệu có thể suốt đời thanh thản hồn nhiên?

 

Mùa Thu câm trong nhà trọ của em

Đồng hồ chết bên cây đàn mất ngủ…

Ngọn nến cháy nửa chừng xiêu xiêu đổ

Trên những xác áo quần thành tĩnh vật âm u…

 

Vé trở về em gửi lá mùa Thu…

Khói thuốc di cư mịt mù đêm giã biệt

Gió phi trường lạnh ngắt rượu tha hương

Mặt hộ chiếu buồn cười nhạt những biên cương!

 

Và không lẽ chiều nay tôi không thành tĩnh vật!

Khoảng trống mà em bỏ lại thật hoang đường

Và không biết chiều nay em có cười u uất?

Khi tự hỏi: sao mình cứ sợ hồi hương?

 

Những bông hồng chiều nay đừng là lời vĩnh biệt…

Cho em tôi không biệt xứ suốt đời…

Không thể cả đời là người ngoại quốc!

Em có về Hà Nội nữa hay thôi?”

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *