Tìm tòi thể nghiệm

10/6
11:34 AM 2015

Những trang sách nữ làm đắng lòng cánh mày râu

Dường như phần lớn phụ nữ làm văn chương đều là một cuộc dấn thân nghiệt ngã cho những đam mê bất tận. Nhiều người đã phải đánh đổi cả hạnh phúc gia đình hay bổng lộc, quyền chức. Tuy trong cuộc dấn thân ấy không phải ai cũng về tới đích mà có khi chỉ là những cuộc phiêu lưu kỳ thú, khiến họ phải trả một cái giá đắt hơn gấp nhiều những gì họ tưởng. Dù vậy, tôi vẫn rất trân trọng và cảm phục những người phụ nữ như thế.

Phụ nữ làm văn

Đối với những người yếu bóng vía, khi cầm trong tay bộ sách dày lên tới khoảng trên 1.500 trang in, có tựa đề: Phái đẹp: Cuộc đời & cây bút (*)rất có thể sẽ bị choáng, vì trong thời buổi Digital network đang diễn ra đến chóng mặt, quỹ thời gian vật chất dành cho việc đọc sách in trên giấy của mỗi người ngày càng teo tóp dần đi. Với phần đông người có tuổi, chân chậm, mắt mờ lúc rảnh rỗi cũng chỉ đọc được vài trang là mỏi. Người trẻ thì lướt web, comment on facebook (twitter, zalo) status với bạn bè cùng trang lứa. Sách in trên giấy dù hay, dù quý hiếm đến đâu, cũng bỗng dưng trở thành một thứ xa xỉ, chí ít là về mặt thời gian. Vậy mà tôi vẫn cứ nhẫn nại đọc với một niềm tin sắt đá rằng phụ nữ ai mà chẳng đẹp.

Cuốn Văn trong bộ sách Phái đẹp: Cuộc đời & cây bút đã qui tụ được 43 gương mặt tiêu biểu, trong hơn 850 trang in, gồm các chị em viết văn xuôi là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN), hiện đang sống và làm việc trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Trước hết cần phải khẳng định, đây là một sự cố gắng lớn, rất đáng ghi nhận của Ban Nhà văn nữ, ngõ hầu đem đến cho bạn đọc nói chung và cánh mày râu nói riêng, một cái nhìn tương đối toàn diện và thấu đáo hơn những đóng góp của chị em trong tiến trình văn học Việt Nam, đặc biệt là về mảng văn xuôi nữ trong quãng thời gian gần nửa thế kỷ. Từ khi đất nước được giải phóng, giang san thu về một mối, các nhà văn nữ từ Nam chí Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi, người Tày, Mường, Mông, Dao, Ê đê hay người Kinh, không phân biệt tuổi tác, quê quán,… có nhiều cơ hội để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp và đều coi nhau như chị em trong một nhà, mà bộ sách này là một minh chứng rất sinh động.

Đối với phụ nữ Việt Nam, nhất là chị em hoạt động trong lĩnh vực văn chương, nhiều khi có những điều không thể nói trắng phớ ra với người thân trong nhà, huống gì nói ra trước mặt mọi người, nên họ đành mượn trang sách để giải bày nhằm làm vơi đi một phần nào đó những tâm sự thầm kín nhất hay trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân, để rồi họ lại tiếp tục bắt tay vào thiên chức làm vợ, làm mẹ hay chí ít cũng làm cái, mà người đời và số phận đã mặc định cho ngót nghét một nửa nhân loại thuộc diện những người chân yếu, tay mềm

Thực ra, mỗi chị em chỉ góp vào cuốn sách này một truyện ngắn do chính tác giả chọn, cùng với những dòng tóm lược về lý lịch trích ngang của mỗi người. Người nhiều thì một trang hay dài hơn đôi chút như: Hà Thị Cẩm Anh, Phan Thị Vàng Anh, Phong Điệp, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Nguyệt Tú, Lê Minh Khuê, Lê Phương Liên, Vũ Thảo Ngọc,… Người ít có vài dòng như: Trần Thị Trường, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Hồng Nguyên, Vũ Minh Nguyệt, Hiền Phương, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Thu Trang,...

Như vậy, thật quá khó khi chỉ qua cuốn sách này để bàn luận về cuộc đời của các chị hay của bất cứ ai, nếu không có vài dòng của người khác nói về các chị trước khi đọc tác phẩm. Ngay cả đối với văn chương, qua một tác phẩm để nhận diện về cả đời văn của một tác giả nào đấy cũng là rất phiến diện, khiên cưỡng, không hề dễ dàng gì, dẫu rằng tác phẩm được chọn đưa vào cuốn sách là ưng ý nhất của người đó.  

Qua những một số truyện ngắn trong cuốn sách, như: Một nửa của đàn bà của Hà Thị Cẩm Anh; Đêm Nguyên tiêucủa Nguyễn Thị Anh Thư, Kẻ nô tỳ được trang sức của Trần Thị Trường,... tôi thấy không quá khó để nhận ra giọng nữ và chất nữ, cái mà không bao giờ có được ở những cây bút nam giới. Đây là những tác phẩm khá hay từ việc chọn đề tài, chủ đề đến vấn đề được đặt ra qua bố cục, kết cấu câu chuyện, giọng điệu, ngôn ngữ và nhất là lối kể chuyện. Dẫu biết rằng những cảnh huống hay số phận của những nhân vật nữ trong truyện không bao giờ là tất cả, càng không phải đại diện cho ai, mà chỉ là những góc nhìn, những cách chia sẻ riêng của mỗi nhà văn.

Những trang văn nữ

Hai chị em gái cùng được sinh ra ở bản Mường Chiềng, cha mẹ mất sớm, đường ai nấy đi, trong truyện ngắn Một nửa của đàn bà của Hà Thị Cầm Anh, tôi thấy thật sự chua chát, đau lòng chi số phận những người phụ nữ như vậy. Cô em không xinh đẹp, còn đen đúa, thấp lùn  béo mập. Sau khi học xong đại học, xuống thành phố ở và nhờ lấy được một người chồng có tí chút chức quyền nên có một gia đình với hai đứa con, vợ chồng đều có công ăn việc làm, thu nhập ổn định nơi phố thị phồn hoa, nên có thể tạm gọi là hạnh phúc so với người chị cũng như bạn bè cùng trang lứa.

Còn cô chị đẹp người, đẹp nết, trắng trẻo, mảnh mai, hiền lành, nhưng nhút nhát. Học xong phổ thông, chị không thi đại học mà vội vã lấy chồng, rồi cũng vội vã ly hôn, ở vậy nuôi con đằng đẵng suốt hai mươi sáu năm trời. Nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn bắt đầu từ cái đận theo chồng đi hưởng tuần trăng mật dưới thành phố. Thiển nghĩ, liệu có phải những người đàn bà, con gái vừa xinh đẹp lại vừa hiền lành, nhút nhát như cô chị thường phúc ít họa nhiều hay không? Cô làm sao có thể lọt ra ngoài tầm ngắm của những gã đàn ông có chút quyền lực và mê tửu sắc.

Ở một khía cạnh khác, một nửa của đàn bà, những kẻ có vợ xinh đẹp, hiền lành, nết na nhưng lại nghèo rớt mồng tơi ở bản Mường Chiềng lại thích tập tọng ngoi lên con đường quan lộ, đua đòi với dân phố thị. Thế là gã đã biến vợ mình trở thành con mồi ngon, là thứ hàng hóa có giá để cho gã đem ra lừa phỉnh, mặc cả, đổi chác, bán mua chức quyền ngay trong tuần trăng mật ấy.

Trước khi đi, chị thấy chồng rót một chai rượu thuốc ngâm những vị bổ thận, tráng dương, cho vào túi đồ, chị hỏi chồng, hắn ta trả lời ráo hoảnh: Chả mấy khi bạn bè gặp nhau. Thay đổi một chút hương vị cho biết. Tôi người trên núi chưa được hướng ngoại. Anh ở thành phố ít được thưởng thức hương vị rừng. Của ngon dành đãi bạn hiền mới là tri kỷ.

Chồng nói vậy, nhưng một người liền lành, thật thà như chị làm sao hiểu nổi tâm địa của những gã đàn ông ham hố quyền lực và sa đọa về đạo đức ấy. Thế là, sau một cuộc nhậu, đến chị còn không biết mình say lúc nào. Chỉ khi: Chị mở mắt ra và kinh hoàng biết bao khi nhìn thấy gã đàn ông mà hắn (chồng chị) giới thiệu là bạn học cũ đang nằm gọn trên bụng mình. Anh ta không một mảnh vải che thân…  Chị hãi hùng rú lên, còn hắn (chồng chị) thì co chân đạp gã đàn ông đang trần truồng trên bụng chị lăn vào một góc phòng. Hắn dựng chị dậy rồi cứ thế dang thẳng cánh tay tát bôm bốp vào mặt chị. Vừa đánh hắn vừa chửi chị là đồ con đĩ, đồ khốn nạn, đồ hư thân mất nết trốn chúa lộn chồng mà còn ra vẻ chính chuyên. Chị nghiến răng chịu đòn một cách nhục nhã ê chề,…

Rồi chính hắn đã lấy máy ảnh ra chụp và nói với gã đàn ông kia cuộn phim có trong máy ảnh là vật chứng bảo hành cho chiếc ghế sau khi hắn được ngồi vào đấy. Một cuộc đổi chác tanh tưởi và ghê tởm đến như thế đã được người chồng đốn mạt kia dựng sẵn kịch bản từ khi còn ở nhà, mà chị nào đâu có mảy may hay biết gì. Đấy là thực chất của cái gọi là tuần trăng mật mà chị được hưởng.   

Nhưng chị có ngờ đâu cái sự thật quá phũ phàng ấy đã ập xuống đầu một người phụ nữ như mình và còn gây ra biết bao hệ lụy. Lúc này cái mà chị có trong tay chỉ là một tờ giấy cam kết giữa hắn (chồng chị) và gã đàn ông xa lạ, đến mức ngay cả khuôn mặt của gã chị cũng không nhớ nổi. Chị lẳng lặng ngậm đắng nuốt cay mà ra về, rồi ly hôn chồng ngay sau đấy và ở vậy nuôi con suốt hai mươi sáu năm trời.

Sau hai mươi sáu năm, kết quả của tuần trăng mật ấy mới thực sự lên tiếng. Ấy là sau khi đã học xong đại học và có việc làm ở thành phố, Đậu, tác phẩm duy nhất của tuần trăng mật ấy, một mực đòi mẹ được gặp mặt cha đẻ của mình trước khi tổ chức đám cưới. Chị không biết xử lý tình huống này ra sao bèn gọi điện cho cô em dưới thành phố về Mường Chiềng. Thế là, một cuộc giằng co, đấu trí và đấu lý căng thẳng đã diễn ra giữa hai chị em vốn rất khác biệt nhau về tính nết, nhưng lại rất mực thương yêu nhau.

Các cụ nhà ta nói chẳng có sai: Cái kim trong đẫy để lâu cũng thòi, huống hồ chuyện đời một con người. Rồi cái gì đến ắt sẽ đến. Có những cái đến làm người ta lâng lâng hạnh phúc, nhưng cũng có những cái đến làm người ta tối sầm mặt mũi, đau đớn, ê chề. Chị đã vậy, còn cô em gái thì sao? Những tưởng một người nhanh nhẹn, tháo vát, khôn ngoan, có tính khí mạnh mẽ như cô em có thể ra tay giải bài toán khó mà chị đã mất hơn một phần tư thế kỷ vẫn không thể nào tìm ra đáp số.

Cuối cùng rồi em cũng đã được chị đưa cho tờ giấy kia: Tôi cầm tờ giấy từ tay chị mở ra xem. Một cái tên và một chữ ký làm tôi choáng váng. Tôi chỉ có vài giây để kịp nhận ra chữ ký của chồng mình rồi toàn thân tôi lạnh toát.. Hàm cứng lại. Tôi ngất đi. Nhiều giờ sau tôi mới tỉnh lại. Tôi thấy chị đang khóc. Có lẽ phần nào chị đã hiểu được. Cha con Đậu là ai?  

Một cái kết đau đớn mà chị phải mang theo suốt đời. Ngờ đâu cô em còn đau hơn cả chị khi sự thật từ tờ giấy mà chị tin cậy trao cho đã nói lên tất cả. Ra thế, một nửa của đàn bà với hai chị em là hai gã đàn ông đểu cáng và bất nhân đến như vậy.

Một câu chuyện quá đau lòng về hai chị em từ Mường xuống phố, mà tôi đồ rằng chỉ có những người phụ nữ thật sự trải nghiệm qua những bước thăng trầm của cuộc đời, có khí chất mạnh mẽ, suy nghĩ bằng trái tim và rung động bằng bộ óc và một ngòi bút sắc lạnh như Hà Thị Cẩm Anh mới có thể viết được như vậy.

Chuyện cô diễn viên ballet trẻ trung, xinh đẹp và tài năng, từng đoạt giải Huy chương vàng tại hội diễn sân khấu ở Toulouse (Cộng hòa Pháp) với tiết mục “Thiên nga chết”, trong truyện ngắn Nô tỳ được trang sức của Trần Thị Trường lại phải chấp nhận một số phận nghiệt ngã khác cũng không kém phần chua chát là bao.

Hai bạn trẻ, một nam, một nữ vừa tốt nghiệp đại học, mang theo bao khát vọng về một tương lại tươi sáng. Ngặt một nỗi là loay hoay mãi mà cả hai đều không xin được việc làm nơi thành phố, để có thể trước mắt là nuôi sống mình, sau đấy còn trợ giúp gia đình, lo cho con cái sau khi cưới nhau. Rốt cuộc người bạn trai đã để lại cô gái, một mình buộc phải lên miền núi xin một việc làm trái ngành, trái nghề. Nhưng anh ta trước khi tạm chia tay bạn gái, làm sao biết được những cạm bẫy của cuộc đời đang giăng mắc chờ sẵn những người như cô.

Được người giới thiệu, cô gái đến một nhà hát xin việc làm, dù là cái chân tạp vụ như quét nhà, rửa bát cũng được, miễn sao có tiền. Nhu cầu kiếm tiền để nuôi sống bản thân của cô thật chính đáng, đến mức róng riết. Chỉ đến khi gặp vị giám đốc nhà hát cô mới vỡ lẽ ra: Anh hiểu rồi! Bây giờ điệu ballet không hợp nữa, thiên nga ư tượng trưng cho trong trắng à? Cho tình yêu à? Những thứ đó…xa xỉ quá…ai dung? Không nói đúng hơn là có một số ít sẽ dung với qui luật thị trường thôi…Có thể em không hiểu đâu…Nhưng muốn nhập cuộc em phải hiểu. Phải hiểu!...Tóm lại…lẽ ra tôi có thể nhận cô vào làm ở nơi tôi, nghĩa là không làm gì cả, hãy giúp tôi vui hơn một chút trong sự nhàm chán, tẻ ngắt và đê tiện của cuộc “chơi đời” này… Cô trong trắng quá, lại có học nữa, nguy hiểm lắm…Thực ra tôi cũng không muốn nói với cô những điều ban nãy đâu. Tôi không muốn tự tay mình đẩy cô vào vực thẳm, đành rằng đằng nào thì một cái vực cũng đang chờ cô.

Một vị tiến sĩ kinh tế giàu có, được giám đốc nhà hát giới thiệu cho cô đã nói ra sự thật là: Anh đang cần một người “giúp việc”, nói theo ngôn ngữ hiện đại, còn nghĩa đúng của sự việc thì anh muốn thuê “người ở” với anh. Cuối cùng cô gái đã đồng ý và được nhận một khoản lương gấp cả trăm lần các ông thủ trưởng cơ quan nhà nước hiện nay trả cho nhân viên. Đổi lại, tương ứng với khoản tiền và các tiện nghi vật chất mà cô được hưởng là cuộc sống của một kẻ nô lệ tình dục đích thực mà buộc cô phải thích nghi, thay vì cứ giữ mãi sự trong trắng và kiêu kỳ của một cô gái Hà thành chính hiệu để rồi chết đói.

Theo lập luận của ông tiến sĩ kinh tế thì con vượn nhờ vào công cụ sản xuất và trải qua lao động để tiến hóa thành người. Ngặt một nỗi, bây giờ công cụ sản xuất đào đâu ra, không có việc làm, để thích nghi, con người lại tiến hóa… thành…con vượn cũng chẳng có gì lạ. Có lẽ vì cô đã có được cái gọi là “cảm hứng thời đại”, tức là phải biết thích nghi, nếu không cô có thể lại rơi ra ngoài một cái vực thẳm khác ngay lập tức, mà biết đâu cái vực thẳm khác ấy còn ghê tởm và tồi tệ hơn cái vực thẳm này gấp trăm ngàn lần. Điều mà cô diễn viên xinh đẹp, tài giỏi này băn khoăn nhất chính là mình đã thành vượn hay chưa?     

Và những vần thơ

Ở cuốn Thơ có sự góp mặt của 50 nhà thơ của nhiều thế hệ đã được khẳng định trên văn đàn như: Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Thị Mây, Hoàng Việt Hằng, Nông Thị Ngọc Hòa, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Mai, Chu Thị Thơm, Bàng Ái Thơ,… Phần lớn mỗi chị em đóng góp 3 bài thơ, có người chỉ góp một hoặc hai bài, in ngay sau phần bàn luận của các cây bút phê bình chuyên và không chuyên.

Trong cuốn sách có nhiều bài thơ đã ít nhiều chạm vào trái tim của người đọc, thậm chí có những bài đã từng là tác phẩm gối đầu giường của nhiều thế hệ bạn trẻ trong cả nước. Mỗi người một giọng điệu riêng, nhưng tựu chung vẫn là nói theo cách của phụ nữ về chính những trải nghiệm và xúc cảm cá nhân của mình. Ngập ngừng, thủ thỉ như cô gái trong Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn:

Khung cửa sổ hai nhà cuối phố

Không hiểu vì sao không khép bao giờ

Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp

Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa...

Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm ,
Bên ấy có người ngày mai ra trận...

... nào ai đã một lần dám nói ?
Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối...
... Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu...
... Họ chia tay

Vẫn chẳng nói điều gì

Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.

Bài thơ đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng và nhạc sĩ Thanh Phúc phổ nhạc và được các giọng ca của nhiều thế hệ thể hiện rất thành công như: Bảo Yến, Thanh Tuyền, Hương Giang, Chế Linh, Tâm Đoan, Cẩm Ly, Anh Thơ, Trấn Thành, Quốc Đại, Guitar, Tân Nhàn, Như Hảo và đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng.

Cố gắng tìm lại những kỷ niệm đã trở thành quá vãng, nhưng không thể nào quên đối với người phụ nữ trong Rượu hồng đào xứ Quảng của Lê Thị Mây:

...Chín năm làm dâu cho một đời người

Chén ngọc hình tim

trái loòng boong ủ men chưng cất

Rượu tiên

Người tiên

Trên đỉnh vời non nước

Người con trai xứ Quảng chưa hề mơ chưa hề ước

Đã chín năm làm chồng đi cùng con khắp đất nước

Tìm rượu hồng đào đâu,...

Ở Chiều cổ tích, Chu Thị Thơm như đi lạc trở về thuở hồng hoang, cái thuở mà dù có lớn khôn đến mấy, con người ta đều trở nên bé nhỏ, dại khờ:

...dòng sông chảy về đâu

con đò không hay biết

cập bến mơ hay đã cập bến đời

chỉ có những mưa going sấm sét

mới biết mình phải quặn thắt ngàn khơi

mây vẫn trắng một miền xa trầm tích

vỉa hồng hoang cho bao kẻ dại khờ

mà sắc trắng đâu dành riêng mây trắng

bạc thân mình lau cũng muốn ngẩn ngơ. 

Còn Nguyễn Thị Mai lại nhớ về các đấng sinh thành đã khuất khi đi Qua hàng trầu nhớ mẹThì thầm với cha. Chiêm nghiệm và suy tư về thân phận người phụ nữ trong Giấc mơ của ngón tay đêm của Bàng Ái Thơ, đặc biệt là trongChồng chị, chồng em của Đoàn Thị Lam Luyến,…

Trước đây, nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài Lấy chồng chung và sau này trong Lỡ bước sang ngang, Nguyễn Bính cũng đã rung lên hồi chuông cảnh báo về nỗi khổ của những người phụ nữ đương thời phải đi bước nữa hoặc phải lấy chung chồng, làm vợ bé, mẹ kế vì bất cứ lí do gì.  

Nữ sĩ Đoàn Thị Lam Luyến là người phụ nữ của xã hội hiện đại mà vẫn không sao thoát ra được khỏi số phận hẩm hiu và run rủi ấy. Cái chung chồng của Lam Luyến là một trải nghiệm cá nhân đích thực, chứ không đơn thuần chỉ là sự cảm thông, chia sẻ cho số phận những người phụ nữ nói chung trên cõi đời này. Chỉ khác là:

Xưa thì chị, nay thì em

Phải duyên chồng vợ, nối thêm tơ hồng! 
Được lúa, lúa đã gặp bông 
Được cải, cải đã chặt ngồng muối dưa!...

...Tình yêu một mất mười ngờ 
Khiến cho biển cứ khuất bờ trong nhau 
Cái phận trước, cái duyên sau 
Nào ai tính được dài lâu với trời?

Khi vui muốn có một người 
Khi buồn muốn cả đất trời hoà chung 
Đã từ hai mảnh tay không 
Kể chi mẹ ghẻ, con chung, chồng người...

Dở dang suốt nửa cuộc đời 
Bỗng dưng gặp được một người thương nhau 

Chuyện lấy chồng chung xem ra cũng không phải là hiếm hoi gì từ xưa tới nay, nhưng dưới con mắt của nữ sĩ Đoàn Thị Lam Luyến nghe sao mà chua chát thế đến mức thản nhiên là thế:

Chị thản nhiên mối tình đầu

Thản nhiên em nhận bã trầu về têm.

*

Quả thực, đọc xong tôi một số truyện ngắn và các bài thơ trong hai cuốn sách nói trên tôi càng thấy thương cảm cho thân phận của tất cả những người phụ nữ ở bất cứ thời đại nào và dù họ là ai. Dẫu rằng, những người phụ nữ ngày nay đã được giải phóng và khác xa những người phụ nữ xưa kia, nhưng xem ra cái phận đàn bà  mà đại thi hào Nguyễn Du đã từng phải thốt lên cách đây hơn hai trăm năm về trước đến nay vẫn còn treo lơ lửng đâu đây với những số mảnh đời éo le, bất hạnh:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

(Truyện Kiều).

Có thể nói đây là những truyện ngắn và những bài thư hay mang đậm lối viết của phái đẹp mà độc giả đã từng quen mặt biết tên họ từ lâu.

Tuy mỗi người một vẻ, nhưng tựu chung lại, ở bất cứ thời đại nào, phụ nữ cũng là những người dễ tổn thương và luôn phải gánh chịu nhiều bất hạnh nhất, có chăng chỉ khác ở hình thức biểu hiện mà thôi. Nhưng có đọc những trang văn, những bài thơ do chính chị em viết về giới của mình mới tận thấu hiểu hết nỗi cùng cực đến ê chề của người phụ nữ Việt Nam, mà nhiều khi cánh mày râu rất khó cảm nhận một cách vừa tinh tế, vừa sâu sắc đến như vậy.

Chỉ tiếc rằng trong cuốn sách này còn thiếu vắng nhiều tác giả, mà những trang văn, vần thơ của họ đã được thử thách qua dư luận công chúng hàng chục năm nay như:  Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Bích Thúy,…   

……………

(*) Phái đẹp: Cuộc đời & cây bút. Tuyển tập TRUYỆN NGẮN - THƠ - CHUYỂN NGỮ - PHÊ BÌNH, LÝ LUẬN của nhiều tác giả. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *