Chuyện văn chương

12/9
10:14 AM 2016

GIỚI THIỆU CÁC CÂY BÚT THAM GIA HỘI NGHỊ NHỮNG NGƯỜI VIẾT VĂN TRẺ TOÀN QUỐC : LỮ THỊ MAI, DƯƠNG HẰNG

Nhân dịp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ vào tháng cuối tháng 9/2016 tại Hà Nội, trang VANVN.NET giới thiệu sang tác của một số cây bút trẻ tham gia hội nghị này. VANVN.NET chúc mừng những người viết văn trẻ cả nước về dự hội nghị này.

 

 LỮ THỊ MAI (HÀ NỘI)

 

Những mùa hoa bên ngôi nhà hoang

 

Những mùa hoa bên ngôi nhà hoang

nở bình thản trong kiếp người chạng vạng

cô gái ấy đêm đêm trở giấc
khuôn mặt xa khơi vời vợi bão bùng

 

chẳng ai trông thấy nàng ngoài một người lính trẻ

anh đến nơi này xin những khóm hoa

máu đỏ chảy vào lòng biển mặn

con tàu đi không qua hải đăng

 

hoa đã nở tận cùng đất lạ

người lính cũng quên cả dấu chân mình

ngôi nhà hoang trên hòn đảo nhỏ

tưởng niệm bằng ngói cũ thềm rêu

 

người sống đến xin hoa kẻ khuất

kẻ khuất âm thầm thắp vệt bình minh

đêm bí ẩn như lời hò hẹn

khăn áo mềm hơn nếp biển xanh

 

đâu biết ai còn ai mất

hoa đảo xa là hoa của quê nhà

người mộng mị thấu ta từng tấc đất

nên mùa hoa cứ thế mặc nhiên buồn.

 

Gần giống một khúc rời

 

Ngày nắng 40 độ
viết chín nghìn kí tự

chữ hôn mê trong đầu

thế mà ta đẩy chúng đi

ai dám lụy những ngôn từ hấp hối?

 

Linh Đàm nắng đục hơn sương

lăng mộ đá vẳng lời sân hận

cạnh đó còn ngôi biệt thự

lâu rồi ta chẳng ghé chơi

 

cỏ mọc quá đầu người

mối tình xanh mật báo

hồn sen thơm người bán dạo yểm bùa

phảng phất chén trà xưa bi lụy

 

khi thân rồng quẫy nước đằng đông

chuôi kiếm vung lên bung dải lụa hồng...

tất cả im lìm long mạch

ta trách nhau rồi ta sẽ đau buồn

 

40 độ thêm hồ nghi cơn sốt

bát cơm đơm bên bếp quạnh hơi người

cỏ vệ hồ rối bời ngột chữ

ta chỉ biết đi và đi

 

đi để thấy mình đang sụp đổ.

 

Xem tranh con vẽ

 

Mấy hôm này ẩm trời

đất dậy mùi châu thổ

phố vắng mùa lộc biếc di cư

đôi mắt ấy chồi non bật sẵn

đốm lửa khổ đau hò hẹn đôi lần

chân lừng khừng quán quen Cuối Ngõ

ở đó tường rêu âm dương ngói đỏ

với nghìn dấu vết lành lạnh

nhạc rót lanh canh cơm áo

người ta vừa quên nhau xôn xao.

 

Sau tiếng động không ai vào đây cả

ta cũng quên ta sau chỗ ta ngồi

bức tranh con vẽ bắt đầu lay động

người đàn bà tóc tím nghiêng đầu

một thân cây gầy như không thể

ngôi nhà hoang dưới mặt trời buồn

tất cả lẩn trốn mắt người

chỉ chơi cùng trẻ nhỏ

đó là lần đầu tiên

ta thấy mắt con mình không thuộc về đâu đó

trong cõi người co ro.

 

Thôi sắp cạn mùa lộc non châu thổ

rấm rứt bủa vây áo cũ mưa phùn

bước chân con bao lần toan vấp

ngõ hẹp cuộc đời chưa thể bao dung

nhưng con cười trước mắt người lầy lội

trước những ngã ba làm băng hoại con đường

 

Mùa xuân có chút gì để thương

mưa mù đầy lên chộn rộn.

 

 

Giữa khoảng trống mờ xa

 

 

Ta thương nhau thương cả những ngày dài
nhiều nỗi sợ không đầu không cuối
qua đêm tro cốt rơi đầy tóc
sáng ra trắng bệch mắt nhìn

 

làm sao thưa được cùng nhau
dòng nước mắt chần chừ trong bóng tối
quá nhiều lo toan quá nhiều lầm lỗi
và riêng em quá bé nhỏ trên đời

 

ta thương nhau thương cả những ngày dài
chuyến xe chạy đến cùng lại mịt mùng bến đỗ
từng chiếc lá rơi gai lạnh kiếp người
ta là gì trong khoảng mờ xa ấy

hết thảy cũng qua dù mọi vui buồn
qua mắt em tháng ngày mỏi mệt
trong tiếng chuông chùa người vẫn lần tràng hạt
ẩn giấu một phần lầm lụi của tình yêu...

 

 

Ngơ ngác

 

 

Thôi lỡ mất một ngày tháng Sáu

đành gọi nhau bằng tiếng của mưa

mưa quanh quất phía bên kia thành phố

qua đêm gối chăn không ngủ

 

qua đêm có người gõ cửa

mở ra chợt thấy im lìm

đất dưới chân nâu bao dung

mang mùi những hôm người tình đi vắng

 

ta hụt hơi sau vài câu nói

vườn xưa ngạt tiếng ve kêu

đành thoại cùng sỏi

sỏi than đau lắm kiếp người

 

ta ở đây mà lũ chim ngơ ngác

không tin vào sự trở về

ta ở đây dưới mỏm trời xanh tái

nước mắt tròn lăn tựa viên bi

 

yêu dấu ấy đừng phân trần thêm nữa

qua đêm còn nói thêm gì

màu áo cũ chật rương kỉ niệm

khoác vào tháng Sáu thiên di.

 

 

Cắt tóc

 

 

Chiều nhấn nhá ánh mắt

mê man thẳm rụng dưới chân

đâu phải mình trong gương

thôi tiếc gì một đôi mùa tóc chết

 

chết vì thiếu người ve vuốt

chết vì nay đỏ mai vàng

chết vì bạc như kim

đau điếng

 

vậy mà vẫn tiếc tiếc

đến cả nỗi buồn xíu xiu cũng bỏ đi

biết lấy gì ăn năn

biết lấy gì tụng niệm

 

căn phòng rộng hơn khi tắt điện

gió vuốt gáy ớn lạnh

ô kìa bóng tóc lênh khênh

thêm kẻ bước vào

quên gõ cửa.

 

 

 

Bạch yến nở trong đêm

 

 

 

Mùi hương đang nhắc chúng ta thêm một đêm đã cạn

tiếng thở than đầy ứ căn phòng

làm sao gặp được nhau

hai giấc mơ là hai xứ sở

 

trên cành lá mướt xanh

đôi bướm trắng về trú mưa sũng ướt

và lang thang trôi

đêm qua đi rụng cánh rã rời

 

đừng hỏi vì sao em câm lặng

hãy nhìn những bước chân lang thang

đôi mắt lang thang

mà chẳng thể cùng nhau tới sáng

 

bạch yến đêm nở ra bướm trắng

mê cuồng vũ điệu giao hoan

đôi ta còn mãi hoang mang

giữa cơn mơ tìm nơi trú ngụ

 

trong căn phòng ứa tràn hương bạch yến

đừng hỏi vì sao hay mộng du.

 

 

 

 

 

Sân nhà số 4

Ta nhìn nhau rất lâu
đôi giày đen thất thần trong bóng tối
mùa thu đến sớm hơn mặt người cũng mỏi hơn
chẳng có gì luân hồi ngoài cỏ dại

em nghe rừng gió vồi vội hụt chân
mùi tóc đẫm trên ga trắng
và đôi mắt anh từng chấm phá
trĩu xuống bức tranh hoa sứ rất buồn

khoảng không ngày nào ta bên nhau
bỗng chốc bật ra nhiều cánh cửa.
 

 

 

Lễ chùa

 

 

 

Ngày mưa khập khiễng về thăm

bên kia Tây hồ bên này Trúc Bạch

bên du thuyền thong dong bên mục lòng miếu nhỏ

gió sương đôi hướng thì thầm

 

người đợi chiều lam hóa sóng

tiếng tiêu xưa ám khói đôi bờ

lỡ hẹn từ ngày em dệt lụa

cung nữ bấy giờ vắng xa

 

mưa rồi sao ta vẫn khát

nhịp môi mọng đỏ hoàng hôn

gốc đa có người hỏi chuyện

đẩu đâu dắt díu nhau về

 

mưa rồi sao ta vẫn khát

nhịp chân chầm chậm nơi này

gốc đa có người quét lá

lặn vào mắt biếc muôn cây.

 

 

 

DƯƠNG HẰNG (THANH HÓA)

CON NHỆN

 

Tiếng còi tàu ngân lên khiến tai Thụy ù đi. Thụy hét lên, đấm liên hồi vào lưng gã xe ôm: “Dừng lại! Dừng lại...” Gã xe ôm loạng choạng tay lái.

- Đồ điên, muốn chết hả? Đoạn này ổ gà ổ trâu nhiều, chết bao nhiêu người rồi cô biết không hả?

- Tôi… tôi… xin lỗi. Ông cho tôi đi tới đầu xóm Lụa thì dừng.

Tiếng còi tàu đã dứt, vậy mà vẫn cứ quánh lại trong tâm trí Thụy. Trước mắt Thụy là cánh đồng gió rít với những bóng sáng nhấp nhổm xa xa. Cái nhìn của Thụy nóng ran ở một vệt sáng rực như lửa cháy giữa nền trời đen kịt. Hình như tàu đang dừng ở đó. Cô sợ hãi, gục mặt vào vai gã xe ôm. Mùi mô hôi len lét quyện mùi bụi khói của gã cũng không làm cái mũi nhạy cảm của Thụy bị tra tấn.

Gã phanh gấp, dừng ngay ở cây cầu dài bằng hai sải tay, Thụy mới biết mình đặt chân lên mảnh đất làng Lụa. Làng Lụa đã chìm vào giấc ngủ, lác đác vài tiếng chó sủa đoảng vang lên. Thụy đứng trơ ra, bất động trước một mùa nước nổi. Tiếng còi tàu đêm đánh thức kí ức như phủ gai, đâm vào lòng Thụy nhưng nhức. Mẹ cũng từng trơ lì, bất động như cô lúc này, nhưng không phải trước con sông dềnh dàng nước. Mẹ chết trên đường ray, mặc cho những tiếng còi tàu gầm rú. Mẹ trừng trừng mắt như ném cuộc đời oán hận trên đường ray xe lửa. Mẹ không nghe tiếng Thụy gào khóc. Và bố cô, là người cầm lái chuyến ấy.

Tiếng còi tàu ám ảnh luôn gọi về những kí ức đau thương. Thụy không đi được tàu từ sau vụ ấy, dù thuở bé đã theo bố với những chuyến đi dài dọc miền đất nước. Bố không còn là bố của riêng mẹ con Thụy nữa. Ông ôm vào lòng mình cuộc đời của người đàn bà khác, một đứa con khác. Mẹ phải chết. Nhất định phải chết trên đường ray. Nhất định phải chết trước một con tàu. Con tàu ấy nhất định phải do ông cầm lái.

Mẹ mất không bao lâu thì Thụy cũng rời làng Lụa. Va li nặng trịch là con búp bê và kho kí ức về mẹ. Trước hôm mẹ mất, mẹ ôm Thụy vào lòng mà dỗ:

- Sau này dù đi bất cứ đâu, hãy mang con búp bê này theo mình, nghĩa là mẹ vẫn luôn bên con. Con nhớ chưa?

Thụy vuốt mái tóc búp bê, hôn nhẹ nhàng vào trán nó, trước lúc xếp gọn vào hành trang.

Lần trở về này Thụy cũng không đi tàu, dù ngửi thấy mùi xe khách là cô thốc tháo nôn mửa. Mười hai năm cho một chuyến đi dài. Thời gian như chỉ giúp xác Thụy lớn lên và xinh đẹp. Thụy nghĩ cuộc đời này mình chỉ sống có một khúc, khúc ấy đủ để Thụy bám trụ nhân gian tới tận giờ. Ấy là khoảng thời gian Thụy sống với mẹ. Đoạn đời sau đó chỉ là một giấc miên trường mộng mị. Đôi lần Thụy định chết, nhưng không thành. Không phải vì sự khát sống mãnh liệt hơn khi đứng giữa ranh giới mong manh với cái chết. Cô sống ngần ấy năm để chờ đợi ngày trở về này. Ý định trả thù đã được nung chín. Nhất định cô phải trả thù. Nhất định phải trả thù trên mảnh đất làng Lụa. Sự trả thù ấy nhất định phải do con tim và khối óc của Thụy điều khiển. Có trả thù Thụy mới tìm ra lối thoát. Sự trả thù thành công thì đoạn đời còn lại mới trở nên ý nghĩa.

Không ai nhận ra Thụy là con bé đen nhẻm, gầy nhẳng, loắt cha loắt choắt chạy khắp xóm ngày xưa. Thụy ngụy trang bằng màu tóc khác, gương mặt khác, cánh mũi khác. Số tiền Thụy dành dụm được mười mấy năm, đủ cho một lần vào thẩm mỹ viện “lột xác” và mua khoảnh đất bé tẹo của ông Hinh – kế bên nhà cô ngày trước. Dân làng bàn tán về sự xuất hiện của một cô gái trẻ đẹp. Thụy trấn an mọi người bằng câu chuyện do Thụy vẽ ra, rằng ngày xưa bố Thụy chết ở làng này, giờ về đây chỉ mong tìm được ngôi mộ, thắp cho ông một nén nhang. Bà Thao thường ghé qua nhà cô, cho cô mấy bắp ngô, củ khoai, quả mít… Thụy nhận ra mười hai năm sao mà ngắn ngủi trên cái dáng còm cõi của bà Thao. Mấy đứa trẻ con lạ của làng Lụa thân thuộc thi thoảng cũng chơi đùa trước cổng nhà Thụy. Làng Lụa đổi thay nhiều quá. Những mái nhà lợp tranh đã thay bằng nhà tầng, nhà ngói đỏ. Con đường đất nâu mịn, gồ ghề thay bằng đường bê tông láng phẳng, nên lũ con nít không còn nơi để đào ô đất chơi ô ăn quan ngoài khoảnh đất trước cổng nhà Thụy. Và chỉ có ngôi nhà cũ của Thụy, là ít thay đổi nhất, để mỗi lần từ miếng đất của ông Hinh, Thụy ngó đầu sang, vẫn thấy tuổi thơ mình ở đó, và thấy làng Lụa vẫn ấm áp, bao dung. Sự ấm áp đôi lúc đi liền với cô đơn, đau đớn, khi trong ngôi nhà của Thụy ngày xưa kia, giờ đã có một hơi ấm khác…

Gió tháng mười hanh hao. Ngày đằng đẵng. Thụy ốm một ngày trời, cô cố gượng dậy kéo khe mành đón chút nắng ấm. Cứ ốm, Thụy lại thèm cháo lươn. Mẹ sợ lươn, nhìn thấy nó là nhờn nhợt sống lưng, mất ngủ mấy ngày liền. Nhưng Thụy ốm, bao giờ cũng có tô cháo lươn cay cay, thơm thơm mùi răm mẹ nấu. Cô đặt tay lên trán, vắt kiệt sức mình để lục tìm từng ngõ ngách của quá khứ. Thụy sợ lúc nào đó mỏi mệt, sẽ vô tình quên đi khúc sống đẹp đẽ kia, thì cô còn sống làm gì nữa. Cô nương náu vào kí ức để sống cơ mà? Nên giờ Thụy ép mình phải nhớ nằm lòng tất cả những gì thuộc về mẹ, từ những lần theo mẹ đi bắt ốc, mò cua. Ánh mắt cô mắc lại ở con nhện quẩn quanh trong đám tơ rối của mình. Ngày bé Thụy hay đái dầm, mẹ thường bắt nhện trong nhà nướng lên cho Thụy ăn. Không biết là loài nhện nào, mà thơm và ngon lắm. Thụy nhìn ra khe sáng, thấy ánh mắt của ai đó đang nhìn Thụy không chớp. Thụy nhổm dậy, đẩy khe hở rộng thêm. Thằng nhóc ngăm đen, tóc xoăn, và gương mặt tròn bầu bĩnh, thi thoảng lại khịt khịt mũi. Thụy với nó nhìn nhau qua khe hở. Thụy cười, trìu mến nhìn thằng bé.

- O ốm à?

Thụy gật gật. Thằng nhóc chun miệng, đưa mắt nhìn xuống như để nghĩ ngợi gì đó.

- O đói chưa? O ăn kẹo dồi không? Bố cháu mua đấy, ngon lắm.

Thằng bé chìa ra hai cái kẹo dồi, dài bằng hai đốt tay.

- Bố nhóc thương nhóc quá nhỉ. Nhóc đã ăn cơm chưa?

- Cháu ăn rồi ạ. O không dậy nấu cơm à? Ơ! Bà Thao mang gì cho o ấy. Cháu về đây không mẹ mắng.

Thằng bé đặt hai cái kẹo dồi ở cửa sổ, chần chừ mấy giây, lại móc trong túi đặt vào đó thêm một cái nữa rồi chạy đi. Bà Thao rón rén bước vào với tô cháo trứng.

- Sao bà biết cháu ốm mà nấu cháo?

- Ban nãy bà qua, nghe thấy ho khụ khụ. Mùa này gió độc, đêm ngủ phải chốt cửa kín vô. Mà nhà chỉ chắn có mấy tấm mành thế này, biểu răng không ốm. Cháu dậy ăn đi cho nóng.

Thời gian không chỉ làm cho bà Thao già đi, mà tâm còn tròn vạnh hơn. Thụy còn nhớ, ngày Thụy rời làng Lụa, bà dúi vào tay Thụy mấy chục ngàn đi đường uống nước. Không ai trong làng thương Thụy bằng bà. Có lẽ cũng là một cơ duyên, khi lần trở về này, ngôi nhà bé tẹo của Thụy và nhà bà chỉ cách nhau một luống cải bẹ.

- À, thằng bé ban nãy, con nhà ai mà ngoan thế bà?

- Con nhà chú Đàm. Rõ khổ, ngoan thế mà suốt ngày mẹ nó rằn roi thôi.

Ánh mắt Thụy xoẹt qua chiếc kẹo dồi nằm im trên cửa sổ. Phải rồi! Ngày xưa ông cũng thường mua kẹo dồi cho Thụy sau mỗi chuyến tàu trở về. Thụy nhìn những chiếc kẹo dồi như kẻ thù. Nước mắt như đóng băng trong mắt Thụy. Thụy gắng trấn tĩnh, dò hỏi câu chuyện từ bà Thao.

- Nhà thằng bé ở đâu vậy bà?

- Ngay bên ni. Con ngoan, chồng hiền, vậy mà ả vợ ngoa ngoắt lắm.

- Nhà ngay đây, mà cháu chẳng thấy chú ấy bận nào suốt từ hôm tới đây.

- À, ông ấy bị què, nên cũng ít ra khỏi nhà?

Thụy nuốt nước bọt, thấy ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Nụ cười nở trong bụng Thụy. Sự trả thù của Thụy sẽ không dừng ở đó. Nhất định.

- Ngày xưa chú ấy đi bộ đội hả bà?

- Không phải. Chuyện cũng lâu rồi, bà cũng chả muốn khơi lại mần chi. Bố mẹ bắt chú ấy phải có con trai nối dõi, mà vợ cũ thì chỉ sinh hạ được cô con gái rồi thôi. Ông bà bên ấy sắp đặt cả. Chả hiểu răng lại vớ vô cái ngữ như ả. Mà con trai để mần chi cơ chớ, thằng con đầu có nên hồn chi mô. Vợ cũ của chú ấy tự tử ở đường ray. Ân hận nên chú ấy không đi lái tàu nữa. Chắc là không chịu nổi sự dằn vặt. Đợt đấy ngày mô chú cũng say, chả may ngã xuống cống, rứa là gãy mất một chân. Rõ tội. – Bà Thao thở dài sõng sượt. – Thôi, ăn đi cho lại sức, còn đi tìm mộ cho bố nữa.

Những lời bà Thao nói cứ rệu rạo bên tai Thụy. Nụ cười tan dần theo từng câu chữ. Cô bưng bát cháo trứng sao mà nặng nhọc. Sự hận thù đổ dồn sang ả. Lỗi tại ả mà gia đình Thụy tan tác. Chính ả là kẻ đã bấm nút cho cuộc đời Thụy trôi đi.

Mấy hôm sau, Thụy tìm hiểu được, thằng con trai cả của ả đang độ choai choai, tóc xanh tóc đỏ lổm nhổm, mụn trứng cá mọc dày mặt. Hắn làm hàn xì cho một xưởng cơ khí nhỏ trong làng. Cuộc đời là một trường học dạy Thụy làm diễn viên. Chẳng mấy chốc mà Thụy tiếp cận được đứa con của ả, chỉ kém Thụy sáu tuổi. Tối khuya nào hắn cũng cắm rễ ở nhà Thụy cho tới khi mẹ hắn lùng sục hắn bằng giọng chua như mẻ. Ả biết con mình mê Thụy, ả căm tức lắm nên lúc chửi thẳng con kiểu gì cũng phải xỏ xiên Thụy vài câu “Gái làng này thiếu đếch chi mà mi đi bám váy con gái già mắt xanh đấy hử?” Ả càng chửi, cô càng hả dạ.

Sáng nay bước ra khỏi nhà, Thụy thấy người ấy chống nạng tập tễnh từng bước. Ông vịn vào cánh cổng nhà, thở dốc. Cánh cổng nhà mười mấy năm chỉ có màu sơn là đổi khác. Giàn hoa giấy trước cổng vẫn hồng phơn phớt, rậm thành một mái che. Đó là giàn hoa giấy ông trồng cho mẹ Thụy. Mẹ thích hoa giấy, ngày rằm ngày tết trên bàn thờ tổ tiên nhà Thụy bao giờ cũng có một đĩa hoa giấy. Mỗi lần ngó sang bên ấy, Thụy chỉ thêm nhớ mẹ.

Ông gầy đi, tóc đã chen nhiều sợi bạc. Ông nhìn Thụy, không nhận ra con gái mình. Thụy nhìn vào mắt ông, thấy loang loáng một khoảng kí ức. 

- Cháu tìm được mộ cho bố chưa? Thằng bé về, bảo cháu thích ăn kẹo dồi. Này, cầm lấy một ít, thi thoảng ăn cho đỡ buồn.

Thụy đưa tay ra nhận, mà cổ họng cứ cứng lại. Ông cười hiền với Thụy, rồi đi tiếp những bước khó nhọc. Nước mắt Thụy bỗng chảy xuống. Tiếng còi tàu vướng vít trong óc cô dữ dội. Cô ngồi phịch xuống đất, hai tay ôm chặt lấy đầu mình.

Ai đó vỗ nhẹ vào vai Thụy. Mắt Thụy ngân ngấn nước, ngẩng đầu lên. Là bà Thao. Thụy thấy ánh mắt bà nhìn mình như thân thuộc, như hiểu cả tấc lòng mình.

- Mệt rồi, thì về nghỉ đi. Đừng để cuộc đời bắt mình phải chạy đua theo nó. Cái gì qua được, cứ để nó qua đi. Chớ ôm vào mình, khổ mãi đấy cháu ạ. 

Thụy ôm bà Thao khóc nức nở như một đứa trẻ. Bà vuốt mái tóc Thụy.

- Nín đi. Bà thương. Mới đó đã lớn ngần ni rồi.

Ở vai Thụy có một vết chàm vuông vắn. Hôm nọ mang cháo cho Thụy, bà Thao nhìn thấy vết chàm đó. Thụy cứ ngỡ, bà là người duy nhất ở làng Lụa, đinh ninh về sự trở về của Thụy. Thụy xin bà Thao giữ kín chuyện Thụy về.

*

*     *

Thằng con trai của ả rủ Thụy đi hát ở làng bên. Thụy nhận lời, tối nay Thụy muốn chuốc say thằng con của ả, để ả lọ mọ cả đêm cũng không tìm thấy đứa con vàng ngọc. Thụy trang điểm đậm và sắc, như cố đeo lên mình chiếc mặt của quỷ hay che đậy gương mặt nhằng nhịt những vết thương chưa liền sẹo. Trước khi rời khỏi nhà, Thụy ngắm nghía con búp bê xinh đẹp trong bộ váy đỏ. Thụy hôn lên trán nó, ôm nó vào lòng một lát rồi nhẹ nhàng đặt xuống giường.

Trời lắc rắc mưa. Thụy nghe tiếng huýt sáo là bước ra khỏi nhà. Chiếc xe wave xanh lọc tọc của con trai ả chở Thụy đi. Bóng tối phủ đầy ngôi làng bé nhỏ. Lúc đi ngang qua cây cầu để sang xóm bên, bỗng nhiên Thụy lại muốn dừng lại để trở về. Không hiểu sao Thụy thấy cuộc đời này như đang quắt queo trái tim yếu mềm của Thụy. Thụy không muốn trả thù nữa. Thụy mỏi mệt và muốn dừng lại tất cả. Thụy chỉ muốn sống bình yên với quá khứ về mẹ, thế là đủ. Chiếc xe lọc tọc vẫn chở Thụy vào bóng đêm hun hút.

Thụy không còn màng tới chuyện chuốc say con trai ả nữa. Thụy muốn say, say để mà quên. Thụy chìm vào cơn say, đầu óc Thụy đau quá. Sao tiếng còi tàu ở đâu cứ bám riết lấy Thụy mãi. Đến cả khi say rồi mà vẫn ám ảnh bởi một tiếng còi tàu. Hãy để Thụy yên!

*

*     *

Tảng sáng, Thụy tỉnh dậy thì biết mình đang nằm ven sông. Váy áo tả tơi. Đầu tóc rối bù. Thụy cố nhớ lại mọi chuyện vẫn không biết những gì đã xảy ra sau khi Thụy say. Cô thấy ran rát phía dưới. Thụy nhìn xuống, máu loang ra trên nền váy trắng. Con trai của ả? Thụy cắn chặt môi. Nỗi đau như bụi gai cứ đâm vào tim Thụy. Thụy cười khầng khậc như điên dại. Ngẩng mặt nhìn lên, chỉ thấy khoảng trắng nhờ nhờ của sương phủ như cuộc đời Thụy vẫn chưa tìm ra lối thoát. Mặt Thụy ươn ướt, không biết là sương hay nước mắt.

Thụy trở về, tắm gội để gột rửa hết những đau đớn. Cô bước vào nhà, ngả lưng xuống giường. Mắt vẫn ầng ậc nước.

- O lại ốm à?

Thụy nhổm dậy, nhìn qua ô cửa sổ, không thấy thằng nhóc bữa nọ đâu. Hóa ra chỉ là ảo giác. Ba cái kẹo dồi vẫn nằm im ở cửa sổ. Thụy ôm lấy con búp bê xinh đẹp vỗ về. Thụy nghĩ cuộc đời mình cũng chẳng khác con nhện trên trần nhà hôm nọ, mải miết tìm lối thoát, cuối cùng cũng cứ quẩn quanh mãi trên chính những sợi tơ do mình giăng kín.

Thụy muốn ngủ để quên đi thực tại. Ừ, nếu mệt thì cứ ngủ, đời sẽ ru ta…

                                                           Dương Hằng

                                                                             

 

                             CÁNH BÈO TRÔI NỔI

                                             

Trăng ngày rằm, tròn vạnh mà kém sáng. Xen ngồi bên thảm cỏ ven sông ươn ướt sương đêm. Nhìn xa xa những vệt sáng nhấp nhổm như bóng ma, cô lạnh hết cả sống lưng. Cô bấm chặt những ngón chân xuống cỏ, nhắm nghiền mắt. Đằng xa, tiếng vịt quặc quặc, Xen biết là ông Quý đang tới. Gái già phụng phịu như thiếu nữ xuân thì:

  • Tôi chờ ông nửa tiếng rồi đấy.

Ông không đáp, xé tọac một miếng lá chuối bên vườn, đặt xuống thảm cỏ, ngồi cạnh Xen.

  • Mai tôi đi.

Ông Quý đan những ngón tay mình vào tay cô, mơn man vào những vết chai sạm và nổi ù lên thành cục cứng đét. Giọng Xen bỗng yếu như mất sức:

  • Ông đi đâu?
  • Tôi qua biên giới, người ta gọi tôi đi.
  • Ông không thương tôi ư?
  • Tôi thương em nên mới cắm rễ ở cái đất làng này bấy lâu nay, đến lúc tôi phải đi rồi. Em theo tôi nhé?

Xen kéo bàn tay của ông Quý, luồn qua tấm áo xù xì, đặt vào bụng mình.

  • Còn thằng bé? Nó sắp chào đời rồi. Ông ở lại tới lúc nhìn thấy nó, được không? Giọng Xen nằng nặng, van vỉ.
  • Em có thể nói, vì sao em yêu tôi không?
  • Vì ông đã cho tôi một đứa con. Tôi nói nhiều lần rồi mà, ông quên sao?

***

Chồng Xen mất trong một đêm bão về. Anh lụi cụi tỉnh giấc nửa đêm, vượt bão ra sông che chắn cho đàn vịt. Rui rủi thế nào, chân anh quàng phải dây điện hở. Mãi không thấy anh về, Xen cứ đinh ninh anh ngủ ngoài túp lều ven sông. Sáng mai ra gọi anh ăn bát cháo trứng cho ấm bụng, mới hay anh đã cứng đơ từ lúc nào. Thế là cũng vẹn một tấm chồng. Xen về ở với bố mẹ đẻ. Người anh cả hậm hực với bố mẹ. Sợ cô ở đó cả đời thì mất cái khoảng đất bé bằng manh chiếu, rồi bóng gió với con chó cái cột ở gốc nhãn giữa sân:

  • Mày có đi đực với con nào thì cũng chớ có về đây nữa”.

Xen tủi thân, đêm nằm khóc rưng rức. Lời anh nói như có xương. Đôi lúc Xen nghĩ, giá mà có một đò hai đưa Xen sang ngang, thì Xen sẽ rời bỏ ngôi nhà này. Giá mà chồng cũ trước khi chết, để lại cho Xen một đứa con.

 Mẹ đi chợ về, chạy vào buồng, lục Xen dậy thỏ thẻ:

  • Con có biết thằng Trường cà nhắc xóm bên không? Bà bên đó ưng con lắm. Hôm nay mẹ đi chợ, bà ấy nhắn, không chê con là gái một đời chồng đâu, về làm dâu, cho thằng Trường nó một đứa con, là được.

Xen xua xua tay: “Vớ vẩn”, rồi chùm chăn kín mít. Mẹ Xen không thấy con hứng thú đáp lại, liền dằn dữ:

  • Tao bảo cho mà biết sướng thì không chịu nghe. Thời này không ai tốt như bà ấy đâu con ạ. Thằng Trường cà nhắc, yếu lắm, mày có hỗn cũng không bị đòn. Dốt ạ.

Xen thở dài, lấy một ông chồng cà nhắc khác gì đèo bòng thêm gánh. Bỗng Xen trộm nghĩ “Ừ, mình cũng thèm một đứa con, hay là…”.Mới trôi qua nửa ngày, bước ra khỏi cổng nhà đã nghe tiếng xì xào to nhỏ, người này người kia hỏi Xen bao giờ cưới. Anh cả chạy qua mặt vui hơn hớn:

  • Em quyết định như vậy là đúng đấy, chứ ở góa mãi ở cái làng này, người ta lại nói ra nói vào.

Xen nghĩ bụng, có mỗi anh nói ra nói vào, nói như tát nước vào mặt, chứ có ai thèm để ý cô góa chồng đâu mà nói. Xen cong cớn:

  • Em có đi đâu khỏi cái nhà này đâu mà anh vội mừng.
  • Ơ, không phải mẹ bảo em…
  • Không. Mẹ bảo chứ em không bảo.

Mặt anh cả lại sưng sỉa lên, quay đi. Đến chỗ con chó cột chặt ở gốc nhãn, lại nhiếc:

“Mày dại vừa thôi chứ. Cái đám đất nhà bên mênh mông thì không đi mà chạy nhảy, cứ chịu cột chặt ở cái xó nhà bé cỏn con này làm cái gì”.

 Ông bố dường như hiểu Xen và ân cần nhất nhất. Bố mắc bệnh hai năm nay, sống bám vào đôi vai còm cõi của vợ, nên cũng chẳng dám lớn tiếng bênh Xen. Xen nước mắt ngắn dài, ôm lấy bố: “Con ở nhà chăm chỉ, còn đỡ đần được cho mẹ và chăm sóc bố nữa chứ”.  Mẹ nép ở cửa buồng nghe lén Xen tâm tình với bố, liền nhảy sổ vào: “Thôi tôi không mượn. Đi lấy chồng cho nhà này đỡ tai tiếng là đã đỡ đần của tôi rồi.” Xen bật khóc nức nở.

Những lời xu nịnh của anh cả như ngọt vào tận xương, nên mẹ mới quyết giữ đám đất bé tỏn hỏn này cho anh. Bà tin vào cái sự nghiệp trồng hoa, cây mai, cây quất nhanh giàu của anh cả, đời bà cũng sớm sướng. 

Bà lục đục dậy từ sớm, xách cái làn đỏ dưới đáy vá chằng chịt cước, nói nhỏ mà dằn nặng trịch:

  • Mày có cưới thằng Trường không, để tao ra chợ còn biết đường ăn nói với bà bên đó.

Xen ậm ờ:

  • Thì cưới!

Bà cứ tưởng Xen còn ngái ngủ, mơ mơ tỉnh tỉnh, bà định lay cho tỉnh mới hỏi lại, nhưng lại chột dạ nghĩ “May thật”. May mà có lúc ngái ngủ này nên Xen mới có quyết định thỏa lòng bà. “Mặc kệ, nếu lát về nó mà chối thì vẫn còn bằng chứng nó đã đồng ý sờ sờ ra đó.” Nói vậy, chứ Xen tỉnh như sáo. Cả đêm cô không ngủ. Lấy một người cà nhắc ấy, vất vả chân tay chút mà có đứa con, cô cũng chấp nhận. Có đứa con thì cô mới sống vui được, ở cái nhà có điếc thì vẫn khổ tâm, lời nói không xương mà trăm đường uốn lượn. Anh cả tất tả qua làm hiền. Mẹ cưng nựng, vỗ về. Bố trầm ngâm, đôi mắt đục mờ rơm rớm nước.

Thế là cô cưới chồng lần nữa!

Nói là cưới, chứ Xen về nhà chồng chỉ bằng dăm bảy miếng trầu têm cánh phượng, với vài ba mâm cơm coi như là ra mắt cho họ hàng biết. Về nhà chồng được ba hôm, họ bảo Xen và chồng ra ở riêng. Là ngôi nhà chỏng chơ giữa đồng và xiêu vẹo vì gió bão. Mẹ chồng Xen sắm cho chồng cô một đàn vịt, mấy hôm lại mất một hai con. Xen trộm nghĩ “Đuổi không còn kịp một con vịt, huống hồ đi trông cả đàn”. Rồi Xen lùa vịt lại trong khoảng sông rộng bằng những chiếc cọc tre ken dày với những tấm lưới vây quanh. Từ hôm ấy, ông chồng cù lần cứ tối về lại khoe với vợ hôm nay không mất con nào, rồi cười khề khề. Ông chồng ríu rít bên tai như đứa trẻ, Xen thở dài thườn thượt, mặc cho Trường luyến thoắng một mình. Cô không buồn đáp, mải miết bằm rau cho lợn. Đã sáu tháng, mà cái bụng Xen vẫn chẳng có động tĩnh gì, đến tháng vẫn đều đều. Có hôm nôn mửa, bà mẹ chồng mừng quýnh, Xen cũng mừng. Ai dè Xen làm việc quá sức, nên chóng mặt, rồi nôn. Mẹ Xen cứ bảo Trường cà nhắc yếu lắm, thế mà tuần ba, bốn bận đều đặn, vẫn đòi Xen thêm. Xen gạt tay: “Tôi mệt rồi.” Mỗi lần xong là hắn nằm oằn ra ngủ, Xen chưa kịp hồi sức, đã phải lụi cụi với đàn lợn nhéo nhóc sau nhà. Cô buột miệng “Lẽ nào hắn vô sinh”. Hắn mà vô sinh thì đời cô khổ. Cô chịu lấy hắn chỉ vì cứu vãn niềm vui nhỏ bé còn lại, là mong có với hắn một đứa con.

Nhập nhoạng tối, bóng bà mẹ chồng như bóng ma đổ nghiêng đầu ngõ. Bà ghé qua gọi hai vợ chồng Xen ngày mai về có đám giỗ người chú ruột Trường mất trẻ, về sơm sớm còn lo cơm nước, khách khứa.

Tờ mờ sáng, Xen đã dậy, con đê còn trắng xóa bởi sương giăng mắc. Xen rẽ màn sương băng qua cánh đồng, tới nhà mẹ chồng, còn chưa ai thức giấc. Suýt nữa thì Xen bị cho nhà chồng cắn. Xen nghĩ về con chó cột gốc nhãn nhà mình. Cô đi, chắc nó cũng bớt khổ bởi tiếng móc xéo của anh cả. May mà mẹ chồng quát kịp con chó béc dê đang sắp sửa lao ra vồ lấy Xen như vồ một khúc xương ngon lành.

Khách tới cũng không đông, hầu hết đều là người quen biết. Duy chỉ có người đàn ông, là con của anh trai bố Trường, ăn mặc lịch lãm, phong độ. Nghe đâu chưa có vợ, Xen thấy tiếc, dây vàng chùng chình trên cổ, mà ế, cũng lạ. Ông hơn Xen tới gần hai chục tuổi, mà cạo râu nhẵn nhụi như trai ba mươi, ba lăm. Xen làm cơm trong bếp, rồi sắp mâm. Xen cứ chộn rộn như có người đang theo dõi mình. Quả đúng thế, Xen đảo mắt quanh thì bắt gặp ánh mắt của ông. Ông nhìn Xen mê mải. Ánh mắt như thương vay cho số phận người đàn bà đẹp bị ép uổng lấy một kẻ đứng còn không vững. Bỗng nhiên cô buồn và tủi thân. Ông lén dúi vào tay cô mẩu giấy. Đêm đó, khi đã cho Trường thỏa mãn như mọi bữa mà cô thì chẳng khác gì khúc gỗ nằm im, đợi Trường lăn ra ngủ, Xen mới lục mẩu giấy. Chẳng thân thiết gì, gặp nhau thành ra dạn dĩ quá. Nhưng ánh mắt của ông nhìn Xen sáng nay cứ chờn vơn trong tâm trí cô. Dẫu gì cũng là họ hàng, thì đi.

Cô đi ra cái chòi chăn vịt của Trường, đợi ông. Gió thốc vào từng lớp mái tranh, làm đàn vịt thức giấc kêu ầm ĩ. May mà cái chòi chỏng chơ giữa mênh mông đồng ruộng, sông nước. Ông đến ngồi kề bên Xen, vỗ về. Ông siết lấy tay Xen. Bờ vai Xen run rẩy. Xen rụt tay lại. Trăng sáng, rọi xuống những cánh bèo đang ngủ trên sông. Ông kéo Xen xích gần lại. Môi Xen mấp máy, cố né, ông càng siết chặt vai mảnh dẻ của Xen. Không chống cự được nữa, cô liền rón rén gối đầu tựa vào vai ông, lâu lắm rồi Xen mới có cảm giác bình yên như thế, bình yên như một cánh bèo bé nhỏ.

 Hai tháng sau, Xen có thai. Xen hạnh phúc lắm. Một đằng vì cuộc đời đã ban tặng cho cô một đứa con, một đằng là đứa con ấy là giọt máu của ông, ắt sẽ thông minh, và sâu sắc như ông, chứ không cù lần, chậm chạp và khờ khệch như Trường cà nhắc. Có thai được sáu tháng, bụng Xen tròn xoe, người ta đồn bụng tròn là con trai, bụng dài là con gái. Hai bên nội ngoại mừng cho Xen. Xen được nhà chồng chiều chuộng hết mức, có bánh trái gì mẹ chồng đều mang qua. Xen có chút áy náy, con không phải con Trường, mà Xen đi nhận sự đối đãi của họ. Xen tự an ủi, cũng tại Trường vô sinh, chứ đâu phải lỗi của Xen, vả lại gần một năm nay, Xen đã nuôi con của họ chẳng khác gì nuôi một đứa con của mình. Xen tủm tỉm cười nhìn xuống bụng, vuốt ve sinh linh bé bỏng đang lớn từng ngày.

***

Đứa con còn ba tháng nữa là chào đời, ông Quý đã vội vã lên đường làm ăn. Xen tủi thân. Xen sợ bố mẹ mang tiếng cả đời, nên không can đảm bỏ Trường đi theo ông. Đêm bão về, Trường trèo lên bụng vợ, từng hồi thở hổn hển. Mẹ chồng dặn con trai và con dâu phải kiêng cữ, vậy mà Trường vẫn hùng hục đè lên Xen. Cô chợt giật mình liệu có khi nào Trường cũng như người chồng cũ chết trong đêm bão vì vấp phải dây điện hở ở cái chòi vịt chỏng chơ. Ngờ đâu, đêm đó Trường cà nhắc chết thật, chết ngay trên bụng vợ mình. Nước mắt Xen chảy xuống, dẫu không phải tình yêu thì cũng đã từng nên kiếp vợ chồng.

 Mai táng xong xuôi cho chồng, cô đi tìm cha cho thằng bé. Mặc cho người ta dị nghị, con của Xen cần cha. Xen cần một điểm tựa. Xen xách hành lý ra đi với mảnh giấy ghi địa chỉ nơi ông Quý tới, nắm chặt trong tay. Một tuần rồi, Xen vẫn chưa tìm thấy ông Quý. Cô mệt, trú tạm trong một ngôi nhà có một người đàn bà đã ngoài năm mươi. Cơn đau bụng dữ dội, đứa con quẫy đạp khiến Xen hét lên trong đau đớn. Thứ nước nhầy nhầy vỡ ra làm lạnh cả hai bên háng. Rồi Xen thiếp đi…

Sáng mai tỉnh dậy, Xen sờ bụng mình thấy nhỏ lại, người đàn bà đang bế một đứa bé nũng nịu trên tay mình và bảo rằng thằng bé đã chào đời lúc một giờ sáng. Xen khóc vì hạnh phúc, lúc gặp ông Quý, hẳn ông sẽ sung sướng lắm. Khi người đàn bà trao đứa bé cho Xen ôm ấp, cô giật mình : Thằng bé giống Trường cà nhắc y đúc…

Xen bế con, nhìn ra khoảng sông đục ngàu xa xa, thấy một cánh bèo trôi nổi…

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *