Thời sự văn học nghệ thuật

12/6
3:22 PM 2019

VĂN HỌC VÀ SỰ LẮNG NGHE TỪ DÂN TỘC MÌNH

Nhà văn Thùy Dương (Tham luận trong chuyến giao lưu văn chương tại Hàn Quốc). Khi nhận đề tài “Truyền thống dân tộc và đặc trưng văn học Việt Nam” tôi cảm thấy ngợp! Bởi đây thực sự là một đề tài quá lớn, ngay cả với một nhà nghiên cứu chứ chưa nói đến với một nhà văn, trong một thời gian ngắn ngủi và thể hiện trên một lượng chữ của 5 trang giấy!

                                                                 Nhà văn Thùy Dương 

    Nhưng mặt khác – đề tài này đã chạm đến một góc nào đó trong tâm thức của một nhà văn bởi dường như máu thịt, tinh hoa của dân tộc đã sinh ra, nuôi dưỡng dòng chảy văn chương và ở chính đó, dân tộc, đất nước, những điều thiện và cái đẹp được tôn vinh.

       Mỗi dân tộc, theo tôi có một bản sắc riêng, một số phận và một sứ mệnh riêng cũng như mỗi con người được sinh ra trên đời này để thể hiện cái riêng biệt của mình…

Có dân tộc dường như là nơi khởi xướng các đức tin tôn giáo, có dân tộc ý thức về sự thánh thiện của mình…Và trong “bản nhạc phức điệu vô tận với các bạn bè dân tộc xuất hiện trước sau, đối âm và hòa âm với nhau trong một chỉnh thể sống động” (Herder) thì dân tộc Việt Nam có một số phận thật không bình thường. Nhỏ bé nhưng quật cường. Thèm khát hòa bình nhưng chiến tranh liên miên. Nhỏ bé và nghèo nàn nhưng luôn phải đương đầu với những kẻ thù giàu có và to lớn sừng sỏ trên thế giới…

                           Một nghìn năm bền bỉ đấu tranh chống quân xâm lược phương Bắc, mấy chục năm chiến tranh giữ nước chống lại hai đế quốc Pháp và Mỹ…Chúng tôi đâu có chọn cho mình một con đường khổ ải như thế - nếu không nói là số phận?! Nhưng chính trên con đường ấy tinh thần và truyền thống dân tộc với bản chất sống động và sáng tạo của nó đã được hun đúc được bồi đắp, làm nên những giá trị cốt lõi và trường tồn. Và tôi cho rằng – văn học Việt Nam với sự nhạy cảm của nó luôn biết cách “lắng nghe” dân tộc mình để có được những hình dung rõ nét và sâu sắc nhất về dân tộc bằng chính những tác phẩm của mình.

                     

                             Tình yêu và lòng căm thù

 

       Tôi thường xúc động mỗi khi đọc bài thơ của thi sĩ – nhà vua Trần Nhân Tông sau chiến thắng lần hai đánh quân Nguyên Mông:

               Xã tắc bao phen chồn ngựa đá

           Non sông nghìn thuở vững âu vàng

      Trần Nhân Tông là vị vua thân chinh cầm quân đuổi giặc. Thế giặc lúc ấy như nước vỡ bờ, vó ngựa của chúng quần nát cả Châu Âu. Vậy mà cả ba lần chúng đều phải dừng bước trước quân sĩ nhà Trần. Sau chiến thắng, cùng quần thần hành lễ bái yết tại lăng vua cha, nhìn con ngựa đá lấm bùn, nhà vua cảm khái làm bài thơ trên và nó đã được lưu danh muôn đời. Chỉ có hai câu thơ thôi nhưng làm nổi bật sức mạnh to lớn của dân tộc, niềm kiêu hãnh chiến thắng và cao hơn là khao khát, đồng thời khẳng định sự toàn vẹn bờ cõi và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Một trong những truyền thống dân tộc Việt Nam – đó là sự yêu nước thương nòi – yêu như một thuộc tính tự nhiên, như khi sinh ra đã có, yêu từ bờ tre mái rạ, đến từng vết chân  trâu trên đường làng, đến mỗi ngọn núi con sông, yêu đến mức sẵn sàng chết vì những điều đơn sơ như thế. Chính bởi tình cảm lớn lao ấy mà mỗi khi đất nước có họa ngoại xâm, trong lồng ngực mỗi người dân nước Việt đều bùng cháy tình yêu và lòng căm thù. Sự kỳ vĩ của ngọn lửa yêu thương và căm thù ấy đã sáng tạo và làm nên những kỳ tích, chiến công vang dội cả năm châu! Một cách đầy bản năng, dân tộc chúng tôi đã tự ý thức được số phận của mình, tự ý thức về tinh thần và truyền thống dân tộc mình một cách đầy tỉnh táo để huy động tất cả sức mạnh dân tộc trong những cuộc chiến tranh cam go và gian khổ liên miên trong suốt chiều dài lịch sử. Văn học – trong những giờ khắc lịch sử ấy sẽ là gì nếu không phải là “phẩm chất tinh thần của thời đại của dân tộc!” Nếu các bạn đã từng biết về tác phẩm “Đại Cáo bình Ngô” của chúng tôi ở thế kỷ thứ XV của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi một bản tuyên ngôn độc lập – thì thấy một minh chứng thật sống động về sự tự ý thức về phẩm giá dân tộc rất cao:

               Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

               Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

               Như nước Đại Việt ta từ trước

               Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

               Núi sông bờ cõi đã chia

               Phong tục Bắc – Nam cũng khác…

       Không có gì là lạ nếu trong dòng chảy văn học của chúng tôi – đề tài về chiến tranh, cảm hứng về độc lập tự do dân tộc…lại quan trọng và dày dặn đến thế. Cũng không có gì lạ khi tôi – một cô bé mới hơn 10 tuổi đầu những năm tháng chiến tranh ấy đã say sưa với “Mở rừng” của Lê Lựu, “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu và những câu thơ hào hùng của Phạm Tiến Duật “Đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” .

     Sau này, bước chân vào nghiệp viết văn, gặp những nhà văn yêu quý ấy, tôi đã kể lại rằng nếu không có ngày 30/4 năm 1975, biết đâu tôi cũng lên đường vào Trường Sơn theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc bởi ngọn lửa mà họ đã truyền cho tôi. Phải chăng sứ mệnh của nhà văn đó là sự giữ lửa và truyền cho những thế hệ kế tiếp truyền thống của dân tộc mình!

     Có một điều chắc chắn là dù còn ít tuổi khi sống trong không khí chiến tranh ở hậu phương thì trong tôi nỗi ám ảnh chiến tranh vẫn cứ trở đi trở lại trong nhiều truyện ngắn và trong cả mấy cuốn tiểu thuyết của mình. Bởi nó đã thành ký ức không bao giờ quên “khi  đêm đêm trong ngôi làng không còn đàn ông trai tráng, những người đàn bà mộng du đi lả lướt như những bóng ma trắng thấp thoáng khắp cánh đồng và ngay cả đứa trẻ ngã trâu bị chết nhập đồng trở về kể về giấc mơ làm lính” …(Ngụ Cư – tiểu thuyết của Thùy Dương)…

     Tôi có dịp trò chuyện với nhà văn Văn Lê – tác giả cuốn tiểu thuyết “Mùa hè giá lạnh” mà chiến tranh hiện lên với tất cả sự trần trụi và khốc liệt của nó. Ông ấy cũng khiến tôi hiểu rằng với những người thực sự tham gia vào trận chiến – cảm giác về sự mất mát đến trống trải bơ vơ, thậm chí là hoang mang trống rỗng…trong những ngày đầu hòa bình và đeo đuổi cuộc đời họ mãi sau này – là có thật! Văn Lê cho rằng viết về chiến tranh không phải là khơi gợi niềm đau hay cổ súy hận thù mà là để củng cố về đạo đức, lẽ phải cuộc sống “Chúng ta không thay đổi được lịch sử - nhưng tương lai thì có thể!...”Văn Lê nói. Và chính vì điều đó, khi chiến tranh đã lùi xa tôi cho rằng, sẽ vẫn có âm thầm một dòng văn học viết về chiến tranh như mạch nước ngầm được chắt lọc để tưới tắm cho cuộc sống tốt tươi hơn, để những người sống phải sống xứng đáng với những người đã ngã xuống.

 

         

 

 

 Thân phận và ý nghĩa về sự tồn sinh của con người

 

         Lịch sử thế giới và Việt Nam đã trôi qua hàng ngàn năm, sự hưng vong là lẽ thường của vũ trụ nhưng những giá trị gốc thì vẫn bất biến dù thời gian, dù thăng trầm thử thách. Nhân văn, trách nhiệm, tinh thần tự do, ý chí sáng tạo…luôn là những giá trị gốc là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Sự khoan dung, công chính, quan tâm đến mỗi kẻ yếu, hướng thiện và cả những buồn vui, mong ước, yêu thương và đến cả những mất mát đau thương trong tính cách mỗi con người Việt Nam, trong truyền thống dân tộc thể hiện trong văn học đều mang những ý nghĩa sâu sắc, vì người khác, vì cả cộng đồng…Nhà văn cùng tác phẩm của họ đã tỏa ra ánh sáng trí tuệ độc lập, không hòa lẫn vào đám đông, luôn luôn bảo vệ sự trong sạch của dòng chảy từ thượng nguồn, từ những giá trị gốc đích thực. “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo.” và tình yêu thương đồng loại “thương người như thể thương thân”…là những giá trị mà văn chương Việt Nam được thừa hưởng từ đạo lý của dân tộc. Nhưng ở mỗi thời đại, nhất là sau chiến tranh những giá trị này được bình tĩnh nhìn nhận lại với một cách nhìn mới đầy trải nghiệm, cởi mở và tự do hơn. Không khí hào hùng, lãng mạn đầy chất sử thi được thay bằng những trăn trở, đầy tự vấn và phập phồng những dự cảm của thời đại mới. Cõi nhân sinh và mỗi kiếp người được soi rọi bằng một thứ ánh sáng khác, buồn bã hơn nhưng chân thực gần gũi hơn và đặc biệt Người hơn. Trong lịch sử dân tộc và lịch sử văn học tôi đặc biệt ám ảnh về những tác phẩm của Nguyễn Trãi sau “Đại cáo bình Ngô”. Ông là một bi kịch lớn của thời đại – một “anh hùng để hận mấy ngàn năm” như chính tác phẩm của ông dự báo. Trong chính những tác phẩm tưởng như cá nhân nhất ấy, người đọc đã hình dung rõ rệt nhất một thân phận người – trong chính một không gian đặc biệt, một lịch sử đặc biệt còn nhiều góc khuất, từ đó có thể hình dung về một xã hội một thời đại đã xa.Văn học, thời kỳ trước Cách mạng tháng tám1945 với những tên tuổi lẫy lừng như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan…là những bằng chứng về sự khai phá và đi tìm những cái tôi, những thân phận người đặc biệt của một thời huy hoàng của văn chương.

     Sau năm 1975 và đặc biệt là sau sự sụp đổ của hệ thống XHCN, với chúng tôi cũng là cả một chặng đường vật vã. Vật vã để sống trong một hoàn cảnh mới, một thế giới mới với những thay đổi chóng mặt, những biến chuyển mà ngay cả sự tưởng tượng cũng chưa chắc đã phong phú bằng. Vật vã để tìm ra câu trả lời cho những gì trước đây vẫn định danh một cách rõ ràng như chỉ có đúng hoặc sai, đen hoặc trắng chứ không thể vừa đúng vừa sai, vừa đen vừa trắng.Vật vã về một cuộc sống phức tạp đầy nghịch lý phơi bày tất cả góc cạnh mà không dễ gì một sớm một chiều có thể sắp xếp lại. Con người với những ham muốn của nó bắt gặp một đời sống bộn bề ngổn ngang như vậy càng có cơ hội thể hiện dục tính của mình. Lối sống thực dụng và bầy đàn lên ngôi. Sự thế tục hóa triệt để đã dẫn đến sự lạc lõng và bơ vơ trong tinh thần. Con người chối bỏ Thượng đế, ngạo mạn và thách thức cả thiên nhiên, không biết sợ và cho phép mình làm những điều ác một cách thản nhiên. Sự rối loạn và bất an là những chỉ dấu rõ nhất về những tật bệnh tinh thần…Và những nhà văn trong giai đoạn đổi mới này – Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu,Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà…đã mang đến sự nhận thức lại của văn chương, của những suy tư từ đời sống, của cái đẹp chắt lọc từ nỗi khổ đau và dung tục của kiếp người. Thế kỷ XX đầy biến động như một cú va đập rất mạnh vào văn chương khiến nó bừng tỉnh, và ở đó mọi thứ như vỡ ra rồi tự hàn gắn, tự hồi sinh, thay xương đổi thịt quyết liệt để hòa vào dòng chảy của nhân loại. Bắt đầu từ chính cá nhân để nhìn ra dân tộc và vươn lên tầm nhân loại – con đường mà văn học phải đi và đã đi. Nhận thức và nhận thức lại – theo tôi đó luôn luôn là đặc trưng của văn chương Việt Nam để vừa có thể đề cập đến những vấn đề nóng bỏng hôm nay vừa đề cập đến những vấn đề trường cửu của nhân loại.

 

         Ngày sơ tán về quê ngoại dù còn nhỏ, tôi đã nhận biết một điều: Trong làng gần như không có thanh niên trai tráng mà toàn là ông bà già, phụ nữ và trẻ con. Tôi những năm tháng ấy rất gắn bó và đến bây giờ vẫn nhớ những bà, những dì, những mợ, những cô… nhưng không hề có ký ức gì với các ông trẻ, các bác, các chú, bởi một lẽ đơn giản tất cả bọn họ lên đường bằng hết khi qua tuổi 18! Chỉ một người chú rể duy nhất khiến tôi nhớ, rất nhớ thì lại ở vào hoàn cảnh trớ trêu. Dì tôi xinh đẹp nhất làng, yêu chú ấy cũng đẹp trai và giỏi giang có tiếng. Đêm trước khi có đợt tuyển quân về xã, mấy đôi yêu nhau trong làng rủ nhau ra bờ sông tâm sự, trai thì quyết tâm “về đỏ ngực”, gái một lòng “ngàn năm vẫn chờ…” Trong đó có đôi dì chú tôi. Là con một, nhà lại thuộc loại khá giả trong làng nên chú nhanh chóng làm đám cưới với dì ngay trước khi lên đường có mấy ngày…

       Chiến tranh vào hồi ác liệt, lác đác có giấy báo tử chuyển về, cả làng chìm vào tang tóc đau buồn thì một ngày chú trở về, không một vết thương. Cánh cổng nhà sau hôm ấy đóng im ỉm. Dì đưa con gái trên cơ quan huyện về một ngày rồi lại vội vã đạp xe đưa con đi ngay.

     Hóa ra chú ấy “B quay” đào ngũ. Cả làng thì thào và chả ai lai vãng…Rồi dì tôi ly hôn với chú, không cả đưa con về nữa…Chú ấy sống khép kín, âm thầm, uống rượu một mình, say một mình và cuộc đời trôi qua một cách buồn rầu, dù sau cũng lấy vợ mới, có con. Mấy năm trước tôi về làng, biết tin chú ấy mất, biết rằng chú ấy vẫn không làm hòa được với quá khứ… Điều ấy khiến tôi cứ đau đáu mãi về than phận một con người. Trong khi đó ở đầu kia đất nước, người chị con bác chồng tôi có chồng là lính Cộng hòa. Giải phóng Miền Nam, bố, chú, cô của chị trở về trong tư thế của những người chiến thắng. Sự hòa giải bắt đầu trong chính gia đình. Có nhiều nỗi đau cùng nhiều nước mắt. Rồi anh ấy đột ngột bệnh nặng qua đời. Thương chị trẻ lại đẹp, ai cũng khuyên tái giá và mối manh với nhiều người. Chị vẫn khăng khăng ở vậy nuôi hai con trai. Ngày chị mất, người thân sững sờ khi phát hiện trong chiếc gối chị vẫn gối đầu mấy chục năm qua là bộ quần áo cũ của chồng!

     Số phận những con người bé nhỏ trong lũ cuốn, của thời đại bi hùng như thế trên đất nước tôi có rất nhiều. Mỗi nhà văn đều mong muốn đi đến được tận cùng với  mỗi than phận khi con người  thực sự là chính mình. Ở đó lịch sử vẫn đong đầy, với ký ức khắc khoải mỗi ngày, với hiện tại đầy ngổn ngang và những ranh giới có khi vô cùng mỏng manh đã chia cắt chúng ta. Đi qua những cuộc chiến tranh dài dặc, đầy đau thương, văn học Việt Nam đã thông qua việc đào sâu vào thân phận con người, đi tìm những cái tôi khác biệt bằng chính những nỗi mất mát lo âu hay giận giữ, bằng cả niềm tin vào con người để lý giải sự tồn sinh đầy ý nghĩa của nó, để vươn tới sự thương xót, chở che và nhân ái – như trái đất này khi được sinh ra cần phải thế.

 

    Tôi tâm đắc với ý kiến của giáo sư Phạm Vĩnh Cư khi ông cho rằng: “Từ cá nhân, dân tộc và nhân loại là ba cấp độ liên hoàn trong một trật tự hoàn chỉnh, trong một vũ trụ con người. Vũ trụ con người nằm bên trong và bắt rễ muôn phương vào vũ trụ tự nhiên bao trùm nó và mênh mông hơn nhiều…” Đôi khi tôi cứ nghĩ mỗi thân phận người đều mang trong nó chút ánh sáng và cả sự tăm tối của vũ trụ và luôn luôn khao khát vươn lên về phía ánh sáng kia. Mỗi dân tộc chắt chiu từ những “nhân cách tập thể, những bản ngã cấp cao” để thể hiện mình và tương tác với những nhân cách tập thể khác để hợp thành nhân loại. Từ truyền thống và ý thức dân tộc, tiến đến ý thức nhân loại để có thể bổ xung làm giàu cho nhau, tạo nên sự đa dạng đầy năng động của loài người. Tinh hoa văn hóa, truyền thống của mỗi dân tộc đều có giá trị toàn nhân loại và ngược lại. Không một giá trị đích thực nào của văn hóa nhân loại lại xa lạ với mỗi dân tộc! “Một dân tộc chỉ có thể tồn tại bằng cái giá không ngừng nghỉ tìm kiếm bản sắc dân tộc mình”.- Sử gia Pháp Fernand Brandel đã nói  về quy luật của muôn đời như thế và tôi cho rằng sự khám phá và thể hiện bản chất sống động và sáng tạo trong tính dân tộc, truyền thống dân tộc đã đặt trọng trách nên vai văn học từ xa xưa. Xin cám ơn Hội nhà văn Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc hội thảo đặc biệt có ý nghĩa để chúng ta một lần nữa được bàn và chia sẻ những vấn đề mang tầm như một mệnh lệnh của thời đại.

 

Xin cảm ơn các quý vị đã lắng nghe.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *