Thời sự văn học nghệ thuật

28/12
5:53 PM 2018

GIỚI THIỆU THƠ LỤC BÁT LÊ TIẾN VƯỢNG

Lê Tiến Vượng, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vốn là một họa sĩ trước khi trở thành thi sĩ. Nét tài hoa của nhà thơ này thể hiện khá độc đáo trong thể thơ lục bát và hồn quê-tình làng đã làm nên nhạc điệu trữ tình khá tinh tế của hồn thơ anh khi trong họa có thơ và trong thơ có họa.VANVN.NET giới thiệu chùm thơ lục bát của anh (Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tuyển chọn và giới thiệu).

THƠ LÊ TIẾN VƯỢNG

 

VỀ QUÊ

 

Người ra phố xá rõ đông

Hỏi người ai nhớ ai mong về làng?

Từ đường lạnh lẽo khói nhang

May ra ngày tết vội vàng… xuýt xoa.

 

Quê mình có phải quê ta?

Bây giờ bỗng hiếm tiếng gà gọi nhau

Các cụ giờ chẳng ăn trầu

Trẻ thì “mắt trước, mắt sau” rượu chè

 

Quê mình chẳng một bóng tre

Chỉ toàn bóng nắng trưa hè chói chang

Bê tông nhà ống quanh làng

Những khi mất diện nóng ran cả người

 

Về quê nửa khóc, nửa cười

Ai nghe mà nói, đành ngồi… làm thơ.

 

 

THƠ TÔI

Thơ tôi như điếu thuốc lào
Những khi nhạt miệng rít vào thở ra

Thơ tôi như chén nước trà
Cơm xong rải chiếu khề khà mời nhau

Thơ tôi như giọt mưa mau
Có đôi trai gái chụm đầu dưới hiên

Thơ tôi có chút ưu phiền
Cái nghèo, cái đói triền miên bao đời

Thơ tôi có cái giếng thơi
Soi bao gương mặt một thời can qua

Thơ tôi không rượu, không hoa
Có mẹ đi cấy, có cha đi cày

Thơ tôi lấm láp chân mây
Em đi ra phố chở đầy âu lo

Thơ tôi như một con đò
Tình tôi ở cả đôi bờ người sang

Thơ tôi nỗi nhớ mênh mang
Mái chèo khua mãi không tan … nỗi buồn

 

 

CHỢ CÓC

 

Nói là cái chợ cho sang

Chị thì mớ tép tôi mang con gà

Bên kia kẹo lạc, nước trà

Thế là thành chợ, gọi là “cóc” thôi

 

Đầu làng dăm bảy người ngồi

Khi dăm nải chuối, khi nồi ngô non

Bán xong đứng dạy cười ròn

Xắn quần móng lợn, lon ton ra đồng

 

Bốn mùa xuân hạ thu đông

Làng tôi chợ cóc bán rông bán dài

Chẳng cò kè một hay hai

Có khi bán chịu nay mai trả dần

 

Chợ phiên ngóng đợi cả tuần

Sao bằng chợ cóc, vừa gần, vừa xa.

 

 

 

THUỐC LÀO

 

Cho anh xin một que diêm

Xin em nửa nụ cười duyên làm mồi

Anh châm một điếu thuốc thôi

Rít lên ngửa cổ khói bơi bồng bềnh

 

Cả trời mây khói nhẹ tênh

Ngỡ như trời đất lăn kềnh vào nhau

Đừng cười, em chẳng biết đâu

Say trầu, say thuốc, say nhau bồi hồi

 

Mắt môi ngọng líu cả rồi

Một que diêm cũng một đời thành than

Một con mắt ướt liếc ngang

Chẳng cần say thuốc vẫn toan nhày vào

 

Thì thêm một điếu thuốc lào

Cho bao nhiêu nhớ lộn nhào vào quên

Cho bao nhiêu thứ không tên

Bồng bềnh khói thuốc bay lên…lại về..
 

 

THÔI ĐỪNG TRÁCH MẸ NỮA EM

 

Thôi đừng trách mẹ nữa em

Tám mươi có lẻ nhớ quên là thường

Cha đi mình mẹ một giường

Một chăn, một chiếu, soi gương, một mình

 

Sớm ra mình mẹ đọc kinh

Kê bàn, dịch ghế giật mình mấy phen

Vào ra chẳng nhớ tắt đèn

Cá kho mấy bận cháy đen cả nồi

 

Thôi đừng trách mẹ em ơi

Người quê ra phố vẫn người nhà quê

Suốt ngày chân đất nón mê

Chuyện xưa thì nhớ, chuyện giờ thì quên

 

Thôi đừng trách mẹ nữa em

Giờ như đứa trẻ không khen mẹ buồn

Có mẹ để được mẹ thương

Đi thưa về hỏi rõ đường mà đi

 

Thôi đừng trách mẹ làm gì

Mẹ hay tiếc của tha đi, nhặt về

Chai lọ, đồ cũ cất đi

Khắp nơi lỉnh kỉnh có khi không dùng

 

Cả đời gian khổ mịt mùng

Bây giờ khấm khá vẫn không thay lòng

Mẹ mình như giếng nước trong

Như câu chuyện cổ, bão giông một thời

 

Thôi đừng trách mẹ em ơi

Chỉ e tiếng trách truyền đời sang con.

 

 

TA VỀ

 

Rã rời ta lại về quê

Tìm hàng tre rủ xanh hè ban trưa

Tìm cha chân lấm ruộng bừa

Mẹ ta tôm cá nấu dưa thơm lừng

 

Về tìm vuông vắn bánh chưng

Tròn nong bánh đúc lạc vừng chấm tương

Giàn trầu ướt đẫm trong sương

Hoa cau rụng trắng bên đường nhà ai

 

Ta tìm cái nắng ban mai

Đàn cò bay dọc sông dài về đâu

Ta tìm dáng mẹ áo nâu

Chiếc khăn mỏ quạ, miếng trầu mẹ têm

 

Ta tìm hương bười trong đêm

Ru vầng trăng ngủ say mềm... mênh mông

 

Ta về tìm lại mùa đông

Làng ta rét mướt ra đồng áo tơi

Tìm gầu múc nước giếng thơi

Soi bao gương mặt một thời đã qua

 

Ta về tìm gốc đa già

Nghe câu chuyện kể làng ta bao đời

Lặng nghe tiếng mẹ ru hời

Cho ta đầy một kiếp người chân quê

 

Ta về tìm chiếc bùa mê

Người như dấu ở lối về ngày xưa

Ta về tìm lại cơn mưa

Ngày ta ướt đẫm đến giờ chưa khô.

 

 

EM ĐỪNG

 

Em đừng cái dáng cong cong

Tôi đâu phải Thánh để không bồi hồi

Em đừng đánh mắt sang tôi

Diêm tôi dễ cháy em ơi đừng đùa

 

Em đừng áo mỏng dưới mưa

Đừng làm như thể em chưa biết gì

Lại còn ướt cả hàng mi

Thơ ngây pha chút kiêu kỳ trên môi

 

Em đừng như cột thu lôi

Bao nhiêu sấm sét

trong tôi …

vô tình.

 

 

GỬI EM LẤY CHỒNG ĐÀI LOAN

 

Ước gì gói hết mùa thu

Gửi cho em phía mịt mù phương xa

Bỏ làng làm vợ người ta

Lời vào thì ít, lời ra thì nhiều

 

Có chồng chẳng có tình yêu

Miếng cơm manh áo đành liều đưa chân

Đường thì xa, họa thì gần

Đi trong tuyết trắng bần thần nhớ quê

 

Thương em nào biết ngày về

Em đi gửi mái tóc thề cho ai

Mẹ cha nghèo cả hai vai

Em đành côi cút đường dài làm dâu

 

Trách đời chẳng trách em đâu

Thúy Kiều xưa phải khấu đầu bán thân

Nổi nênh một kiếp phong trần

Theo chồng mà cứ tần ngần thế em

 

Bây giờ ngày cũng như đêm

Thức thì mẹ nghóng, đi nằm cha mong

Giờ xa tram núi ngàn sông

Thơ tôi viết cứ mênh mông… là buồn.

 

 

HỒN QUÊ

 

Hồn quê ai biết nơi nào?

Hỏi trăng thì khuyết, hỏi sao thì mờ

Em ngồi như một câu thơ

Xe bao nhiêu sợi vàng tơ cả chiều

 

Lắng mình nghe tiếng thong reo

Con đường đất đỏ vòng vèo quanh co

Hỏi bà nấu chõ xôi vò

Ông ngồi đán thúng đan bồ thóc chiêm

 

Hỏi hàng tre rủ bên thềm

Cây rơm đụn rạ, chiếc liềm cong cong

Bầy trẻ ríu rít đánh vòng

Hỏi sông thao thiết đôi dòng đi đâu

 

Dàn trầu cần mấy mươi cau

Hỏi câu quan họ trên cầu làm duyên

Hỏi em đôi lúm đồng tiền

Nụ cười sóng sánh đến tiên cũng chìm

 

Lạ chưa ai cũng lặng im

Chỉ nghe được tiếng tim mình xôn xao

Ngụp mình tắm khúc ca dao

Ngoi lên bống thấy nơi nào cũng quê

 

Hồn như dẫn lỗi ta về

 

 

 

NGHE CÂU LỤC BÁT

 

Lục nồi lục bát làm chi

Cùng anh về lục tình si thửa nào

 

Mình về lục chiếc cầu ao

Ngày xưa rửa bát vỡ bao nhiêu lần

 

Lục bát thì phải phân thân

Câu lục xếp tứ, xoay vần câu sau

 

Cầu bao nhiêu nhịp thành cầu

Lục trên bát dưới đằm câu thơ tình

 

Ngày xuân thơ đọc sân đình

Nghe câu lục bát giật mình… nôn nao

 

Đầu làng tụi trẻ nghêu nghao

Đồng dao lục bát xôn xao cả chiều

 

Có đi xa đến bao nhiêu

Đọc thơ lục bát thêm yêu quê nhà

 

Hồn quê có ở đâu xa

Lắng trong lục bát lòng ta… một đời

 

Rồi mai trả nắng cho trời

Trả mây cho gió, trả lời cho em

 

Rồi mai trả nhớ cho quên

Trả đêm cho cửa cài then… để chờ

 

Trả cho em những giấc mơ
Ta ngồi viết xóa đến giờ chửa xong

 

Rôi mai ta trở về sông

Tuổi thơ tắm mát vẫy vùng quê ơi!

 

Rồi mai ta trở về Giời

Vi vu cùng gió, rong chơi cùng thuyền

 

Ta hòa vào Phật vào tiên

Chẳng lo tranh đấu bạc tiền rối ren

 

Ta về với cỏ thân quen

Nhỏ nhoi mà lại sống bền muôn nơi

 

Ta về với biển xanh ngời

Sóng ru bờ cát hát lời ngàn năm

 

Ta về đất mẹ ta nằm

Rồi mai biết có hóa mầm… rồi mai…

 

 

 

TUỔI THƠ (3)

 

Gấp con diều giấy bay lên

Vi vu tiếng sáo gọi miền tuổi thơ

Cùng nhau bập bẹ i tờ

Úp nơm bắt cá, đặt lờ bắt cua

 

Gấp tàu bay giấy ngày xưa

Lộn lèo mắc ở mái thưa hiên nhà

Trưa ngồi luồn chỉ cho bà

Đêm trăng mấy đứa ú òa đuổi nhau

 

Cắt tàu lá chuối làm cầu

Lá đa xé cuống, vắt trâu đi bừa

Thằng thắng thì được làm vua

Thằng thua làm lính rước đưa quanh làng

 

Cành tre chặt nhỏ làm khăng

Đẽo quay cành ổi, mo măng làm thuyền

Em cài lá sắn làm duyên

Quấn khăn làm váy, như tiên…còn gì?

 

Tuổi thơ ngỡ cánh thiên di

Phiêu du năm tháng tưởng đi… lại về

Tuổi thơ như ánh trăng thề

Cong như là chiếc bùa mê bên trời.

 

 

 

LA HÁN CHÙA LÀNG

 

Chùa làng La hán thì đông

Ông cười, ông khóc, ông trông lầm lỳ

Lặng thinh chẳng nói năng gì

Ngày thì nghe mõ, tối thì nghe chuông

 

Quanh năm oản chuối, nhang hương

Muốn về cực lạc vô thường làm sao?

Ban Phật thì ở trên cao

Mấy ông La Hán chỗ nào cũng xong

 

Vào chùa đi hết một vòng

Cõi đời, cõi phật… trong lòng đấy thôi

Nhìn ông La hán đang ngồi

Ông nào cũng hệt kiếp người chúng sinh

 

Nam mô tịnh độ, thỉnh kinh

Khấn ông La Hán, nhủ mình… vô vi.

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *