Chân dung văn

25/4
9:33 AM 2018

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH (1918-2018)

Hội Nhà Văn Việt Nam vừa kết hợp với Tỉnh uỷ, Uỷ ban tỉnh Nam Định và Hội Văn học nghệ thuật Nam Định tổ chức Kỷ niệm 100 năm ( 1918 – 2018) ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính, trong hai ngày 23 và 24 tháng 4 năm 2018.

Ngày 23 tháng 4, tại thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (quê hương nhà thơ Nguyễn Bính), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định, huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản, Đảng ủy, UBND xã Cộng Hòa, Hội Văn nghệ tỉnh Nam Định và Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình nhà thơ Nguyễn Bính đã tổ chức trọng thể lễ dâng hương tại Từ đường và phần mộ nhà thơ Nguyễn Bính. Buổi chiều cùng ngày, Hội nhà văn Việt Nam,Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định và Hội văn nghệ tỉnh Nam Định đã tổ chức giao lưu với học sinh và các thầy cô giáo Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh.

 Ngày 24 tháng 4 năm 2018, tại Hội trường Hội nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Bính. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, UV BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch UB toàn quốc LH các Hội VHNT, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, đồng chí Vũ Công Hội vụ trưởng vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo TƯ, đồng chí Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định, nhà thơ Nguyễn Công Thành, Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Nam Định, đại diện gia đình và đông đảo các nhà văn nhà thơ, các bạn đọc yêu mến thơ Nguyễn Bính.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bản tham luận của nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Thành Nghị, Chủ tịch HĐLLPB Hội NVVN

 

 

 

NGUYỄN BÍNH  HỒN QUÊ - HỒN CHỮ

                                                LÊ THÀNH NGHỊ

Mỗi nhà thơ tài năng đều để lại một dấu ấn phong cách không hề lẫn với người khác. Riêng trong phong trào thơ mới, Xuân Diệu hướng Tây, Hàn Mặc Tử siêu thực và tâm linh, Chế Lan Viên bí ẩn và siêu hình, Quách Tấn với hoa viên cổ điển, Bích Khê tượng trưng và siêu thực, Huy Cận và khát vọng vũ trụ…, còn Nguyễn Bính, thơ ông là hồn quê, hồn quê Việt Nam hồn hậu,bền lâu trong thời gian và thấp thoáng “mơ phai” trước những biến đổi của thời cuộc. Nguyễn Bính thoát thai từ hồn quê ấy. Với ai, trong cốt cách của mình hồn quê dù sâu sắc đến đâu cũng khó hình dung, nhưng với nhà thơ Nguyễn Bính, trong sâu thẳm cốt cách, tâm hồn ông là hồn quê ấy, rồi trăn trở, thổn thức và lo âu suốt đời cũng là vì hồn quê ấy.

1.Làng quê thì ai cũng nhìn thấy, nhưng “hồn quê” mơ hồ, khó hình dung, khó định lượng, “không thể hiểu được bằng lý trí”*, nhưng lại có thể cảm nhận được sâu đậm hay nhạt nhòa trong mỗi con người. Nó là phần tinh túy, trầm tích “ngấm bao mưa nắng” (Trần Đăng Khoa), sự chưng cất, sự lắng đọng từ làng quê, từ tình yêu quê hương, tình yêu con người, văn hóa và văn minh ruộng vườn, cảnh quan quen thuộc thân gần, nếp ăn nếp ở ngàn đời của dân quê. Với nhà thơ, chúng ta nhận biết hồn quê của họ từ trong tâm thức sáng tạo, qua biểu hiện của ngôn từ.

Có thể cảm nhận hồn quê trong thơ Nguyễn Bính là những “phần hồn” tinh túy nhất, thiêng liêng và đằm thắm nhất chưng cất từ “chân quê” của tâm hồn ông. Nó ở trong những cảnh, những người ông quen thuộc: dòng sông và những cánh buồm nâu, ngôi chùa và mùa lễ hội, sân đình và đêm hát chèo, dậu mùng tơi và cô hàng xóm, vườn chè và chiếc giếng thơi, cô gái chăn tằm bên cạnh cô gái hái mơ…Và những sinh hoạt văn hóa làng quê: những đêm hội hát chèo, nhữngngày tết dân tộc, những ngày hội mùa xuân, những giấc mơ quan Trạng, những trò chơi dân gian…Toàn là cảnh và người nhà quê đã có từ ngàn năm trước, là không gian của làng quê từ sâu trong lịch sử, những giá trị dường như bất biến, không dễ đổi thay qua thời gian. Nó cũng đã trường tồn trong những vần ca dao, dân ca của người Việt.Đó là những thứ quen thân gắn bó với người dân quê, gợi lên công việc, sinh hoạt của người dân quê, mà là một vùng quê Bắc bộ, lắng đọng mà không ngưng đọng, ngàn năm mà vẫn hôm nay, bền lâu bất biến sau mỗi lũy tre làng. Bằng những câu thơ cổ kính mà không cũ kỹ, Nguyễn Bính đưa người đọc về tận nơi ông gọi là “chân quê”, cỗ vũ cho những nếp nhà quê mà không sợ ai cười mỉm là “quê mùa”. Vào cái hồi Tây hóa không ít hào nhoáng cám dỗ với những gì là tân thời, không ít sự vội vã lìa bỏ những gì là quê kiểng kia thì đây là bản lĩnh, là thách thức và cũng là “phẩm chất gốc” cũng như là khát vọng nghệ thuật của Nguyễn Bính

 Nguyễn Bính đưa những “chất liệu” này vào thơ mình nhuần nhuyễn đến mức nếu không chú thích, rất dễ nhầm đấy là ca dao:Sáng trăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau(Thời trước). Hoặc:Nhà tôi có một vườn dâu/ Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần/ Hoa đỗ ván nở mùa xuân/ Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm(Nhà tôi). Hoặc: Tháng giêng vừa tiết đầu xuân/ Xanh um lá mạ, trắng ngần hoa cam/ Mưa xuân rắc bụi quanh làng/ Bà già sắm sửa hành trang đi chùa/ Ông già vào núi đề thơ/ Trai tơ đình đám, gái tơ hội hè(Tỳ bà truyện)…Những thứ đó đi vào thơ Nguyễn Bính tự nhiên có vẻ như không hề có sự chọn lọc nào đó.Tô Hoài nói: Chỉ có quê hương mới tạo nên từng chữ từng câu thơ Nguyễn Bính**

Làng quê trong thơ Nguyễn Bính đẹp trong sự thanh bình, trong màu sắc cỏ cây, trong sự no ấm hoa trái:Thôn Vân có biếc, có hồng/ Biếc trong nắng sớm, hồng trong vườn chiều/ Đê cao có đất thả diều/ Trời cao lắm lắm có nhiều chim bay/ Quả lành trĩu nặng từng cây/ Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen(Anh về quê cũ)

Không phải ngẫu nhiên trong thơ Nguyễn Bính thường trở đi trở lại hình ảnh mùa xuân với rất nhiều mưa xuân, mưa bụi, đúng hơn là một vùng quê gắn với những ký ức về mùa xuân: thanh xuân trong sự sinh sôi, ấn tượng trong phút thay đổi của đất trời, đằm thắm trong mối hòa giao với tình người: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy (Mưa xuân);Thong thả dân gian nghỉ việc đồng/ Lúa thì con gái mượt như nhung/ Đầy vườn hoa bưởi, hoa xoan rụng/ Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng (Xuân về). Ta có thể nhận ra ngay đó là thời điểm nào của thôn quê. Cũng vậy hồn quê trong thơ Nguyễn Bính luôn gắn với những tập tục văn hóa làng quê trường tồn bất biến trong không gian và thời gian: Những đêm hát chèo: Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm, những mùa lễ hội với những trò chơi dân dã: Ăn gỏi cá, đánh cờ người, ngày tết cổ truyền: Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó/ Dọn nhà dọn cửa rửa bàn thờ, những giấc mơ quan Trạng…Nguyễn Bính làm sống lại “hồn dân tộc”, “hồn quê Việt” với những ký ức và nỗi buồn vô tận của chốn làng quê.

Nhưng quê hương trong thơ Nguyễn Bính sống động và tình tứ vì không bao giờ tách biệt với con người, đúng hơn là đằm thắm với tình người, với hồn người, với người ông phấp phỏng, đợi chờ: Tầm tầm trời cứ đổ mưa/ Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm/ Cô dơn buồn lại thêm buồn/ Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?(Người hàng xóm); là bâng quơ “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông”. Những người Nguyễn Bính đợi chờ phấp phỏng là những “người hàng xóm”, “người con gái lẻ”, người con gái “vừa đi tỉnh về, có áo cài khuy bấm, quần lĩnh rộn ràng”, là “cô hái mơ ơi”, là “chị Trúc”tỏ mờ thật ảo, là “người phụ nữ lỡ bước sang ngang”, là cô Nhi (Hoa và rượu), cô Dung (Oan nghiệt), cô Oanh: Nhớ Oanh, tôi nhớ cô Oanh (Nhớ Oanh), một Tú Uyên thi vị hóa từ cô Ngọ nào đó ( xem Vũ Bằng – Nguyễn Bính, một thi sỹ suốt đời mắc bệnh tương tư) và vô số những “giai nhân” vu vơ (Tôi và nàng không quen biết nhau) không tên, không quen biết, bất định không gắn liền với một bản quán miền quê nào đó, mà một người đa tình như Nguyễn Bính ôm mộng “tương tư”…Cũng như đa số các nhà thơ lãng mạn 1932-1945, “người tình” của Nguyễn Bính không ít là người trong mộng, họ là những người ông “mơ theo trăng” hão huyền, cho dù như Tô Hoài mô tả: Nguyễn Bính luôn mang theo bên mình một cái hộp sắt đựng đầy thư tình!***. Thì đây, với cô gái hàng xóm mãi mãi chỉ là nỗi đau xót của mối tình muộn: Đêm qua nàng đã chết rồi/ Nghẹn ngào tôi khóc quả tôi yêu nàng; Em nghe họ nói phong thanh/Hình như họ biết chúng mình với nhau; Với cô gái hái mơ: Cô hái mơ ơi! Cô gái ơi/ Chả trả lời nhau lấy một lời/ Cứ lặng mà đi rồi khuất bóng/ Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi. Với cô hàng xóm: Hàng xóm có người con gái lẻ/Ý chừng duyên nợ với nhau đây. Với người con gái bên sông Nhuệ hiện thân của một mối tình đơn phương: Rồi như sông Nhuệ lạnh lùng trôi/ Cô lạnh lùng đi chẳng trả lời. Với cô gái vùng cao là một sự cự tuyệt: Nhà em xa cách quá chừng/ Em van anh đấy anh đừng thương em. Với cô gái này thì: Từ ngày em đi lấy chồng. Với cô gái kia thì: Em đi dệt mộng cùng người/ Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh. Với cô gái ấy thì:Hoa xoan đã nát dưới chân giày…Và rút cục: Đầu tôi lại gối cánh tay tôi… Nhưng ở đời, với những thi nhân, những người luôn có xu hướng hoài niệm cái đẹp quá vãng, ít khi thỏa mãn với hiện tại, càng thất bại, xót xa, càng thất vọng cô đơn lại càng hoài niệm nguồn cội, quê hương. Dường như cái “hồn quê” ấy là nơi có thể an ủi cái “hồn thơ, hồn người”, những người đa sầu, đa cảm như Nguyễn Bính

“Hồn quê” trong thơ Nguyễn Bính càng lắng đọng trong tâm trạng một người “xa xứ”, thời gian ông từ Nam nhớ về Bắc. Đa phần các nhà thơ lãng mạn đều thích “xê dịch”, đều nhuốm “bệnh giang hồ”.Vì giang hồ cũng là một cách giải phóng cá nhân. Với Nguyễn Bính, giang hồ chỉ có thể tách ông khỏi quê hương, nhưng không thể tách quê hương khỏi hồn thơ ông. Nguyễn Bính là người không những mang bệnh “giang hồ” mà từ giang hồ càng nhuốm bệnh “tương tư”:Con đi mười mấy năm trời/ Một thân bé bỏng nửa đời gió sương; Con gian díu nợ giang hồ; Chúng tôi người bến sông xa/ Giang hồ một chuyến về qua xứ này (Một con sông lạnh),đã trótlăn lóc có dư mười mấy tỉnh, là người “mơ nước mây”, là kẻ luôn sẵn sàng Giấy cỏ gươm cùn ta đi đây, là người thường nhật của những “gác trọ”, “sân ga”, thường đêm của ngủ đình ngủ chợ, là “khách” của những ngày Thơ suông, rượu nhạt, quán cơm nghèo, là bạn củaChén rượu tha hương. Giời đắng lắm, rồi đến một ngày Đất khách đường cùng ta khóc ta….Giang hồ có thể tách nhà thơ ra khỏi quê hương, nhưng không thể tách quê hương ra khỏi tâm hồn họ. Bởi vậymà càng tương tư (tương tư cố hương, cố nhân): Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông; Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng; Vắng bóng cô em từ dạo ấy/ Để buồn cho những khách sang sông… Bởi vậy mà Cái yêu làm tội cái tình cái thânlại càng khắc khoải, da diết: Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?.Và chính trong tâm trạng khắc khoải da diết ấy cộng với nghiệp chướng: “giời bắt làm thi sỹ”, “giời đày làm thơ” nêntrong tâm hồn ông “cố hương”lắng sâu thành “hồn quê”. “Cố hương” là nỗi khắc khoải thường trựcTrót đà mang số sinh ly/ Bao giờ tôi mới được về cố hương. “Cố nhân” cũng là nỗi tương tư thường trực: Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng; Mẹ cha thì nhớ thương mình/ Mình đi thương nhớ người tình xa xôi. Hoặc: Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ/ Mà nhớ mà thương đến thế này...

Vì yêu cái hồn quê, nên Nguyễn Bính lo âu trước trước “gió bụi” thị thành. Những từ như “tỉnh”, “kinh kỳ”, “kinh thành” thường khi thảng thốt trong ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính và luôn luôn hiện lên cùng vớigió mưa, gió bụi: Kinh kỳ bụi quá xuân không đến; Lòng em gió bụi kinh thành; Giữa nơi thành thị gió mưa phai; Đường lụt sương mờ, lụt lá rơi…Cái “kinh kỳ” ấy là xứ lạ, xứ người, mà mỗi lần nhắc đến, cảm giác tha hương, bơ vơ lại xâm chiếm tâm hồn Nguyễn Bính: Bơ vơ trong xứ người xa lạ. Và càng bơ vơ trong xứ người, Nguyễn Bính lại càng nhớ về cố hương. Ông lo âu có ngày “cái yếm lụa sồi, cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen”, “yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa”, “áo đồng lầm, quần lĩnh tía” kia sẽ mất đi trong chốn “thành thị gió mưa phai”, như trên bàn thờ Phậtcổ kính đã xuất hiện “ngọn đèn điện” tân kỳ thay thế những bạch lạp, hồng lạp tưởng chừng yên vị ngàn năm. Rồi chứng kiến sự đổi thay nhỡn tiền: Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều, Nguyễn Bính dường như cảm nhận được sự bất lực: Nói ra sợ mất lòng em/ Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa. Rất nhiều động từ mang sắc thái cầu xin: “van”, “than”, “xin”. Nhưng hình như thơ Nguyễn Bính - những câu thơ thảng thốt muốn níu giữ cái “hồn quê” kia  đã ít nhiều nhuốm màu thất bại trước cái “mưa phai” đến từ chốn “thành thị, kinh kỳ” kia. Nhưng cũng không nên nghĩ Nguyễn Bính đang chống lại những gì thuộc “văn hóa thị thành”. Chẳng qua cái nền nếp nhà quê đã ăn quá sâu vào tâm thức Nguyễn Bính làm nên cái buồn vô tận và sự đề khángthường trực trong ông, nên ông không muốn, không thể ra khỏi cái đẹp một thời.

2. Hồn quê Nguyễn Bính hiện lên từ bút pháp khá đặc biệt của ngòi bút ông, bút pháp dân dã, giản dị, đẫm chất thường ngày, như những “lời quê”, lời trò chuyện đầu làng cuối xóm. Có vẻ như “có gì kể nấy”. Quê mà không phải “quê mùa”, vượt lên cái “quê mùa”. Làm thơ mà đạt đến “sự thường” này là chạm đến sự tinh túy vậy. Đọc thơ Nguyễn Bính ít khi phải chau mày nghĩ ngợi với những triết lý sâu xa, những bí ẩn nào đó, như thơ Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… Thơ ông giản dị như lời ăn tiếng nói của người dân quê, thật thà như hai nhân hai là bốn: Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ/ Mà nhớ mà thương đến thế này. Rõ ràng chẳng có nghĩ ngợi ẩn ý gì, chỉ diễn đạt cái quẩn quanh thương nhớ, nhưng thật da diết, đến mức như “khó ở” của người trong cuộc. Có cảm giác Nguyễn Bính làm thơ thật dễ. Hình như ông đang “vần hóa” những điều thường ngày. Khi thì lời chị than thở với em: Chị giờ sống cũng bằng không/ Coi như chị đã sang sông đắm đò (Lỡ bước sang ngang); Khi thì lời của bà mẹ khuyên con trước phút con về nhà chồng, có ý trách móc vì con gái chưa thật ưng thuận: Ương ương dở dở quá đi thôi/ Cô có còn thương đến chúng tôi/ Thì đứng lên nào, lau nước mắt/ Mình cô làm khổ bấy nhiêu người (Người mẹ); Khi thì lời cha khuyên con gái: Nhất kiêng chớ lấy chồng thi sỹ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con.Những lối nói “mộc” như vậy có rất nhiều trong thơ Nguyễn Bính. Chỉ xin nêu thêm vài ví dụ: Trăm năm ví chẳng đá vàng/ Nhưng quên tôi muốn quên nàng được đâu/ Quên là nhớ, nhớ là sầu/ Đến là đau đớn, là đau đớn lòng; hoặc: Xong ba ngày tết mẹ tôi lại/ Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con/ Rồi một đôi khi người đâm gạo/Chuyên trò kể lại tuổi chân son (Tết của mẹ tôi)…Thật lạ, như là kể việc, trò chuyện vậy mà độc đáo, dễ nhớ. Chỉ vì Nguyễn Bính không chỉ “vần hóa” mà đang thơ hóa, thi vị hóa những điều giản dị.

Thơ Nguyễn Bính gần ca dao. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Bính thích dùng thơ lục bát để biểu hiện cái “hồn quê” và nhiều bài hay nhất của Nguyễn Bính lại thuộc về thể loại này. Thơ Nguyễn Bính gần thơ lục bát của ca dao dân ca, nhưng cần một chút tinh tế để có thể nhận ra những khác biệt. Ca dao dân ca với khuynh hướng truyền miệng - là phương thức “phát hành” duy nhất nên cần dễ nhớ, dễ thuộc, ca dao dân ca qua nhiều sàng lọc, lựa chọn nên đạt đến chuẩn mực tính hình tượng và nhạc điệu. Ca dao dân ca nói nhiều đến đời sống lao động của người lao động,nhiều mồ hôi (mồ hôi thánh thót)trên đồng ruộng, nên mang cái khỏe khoắn hồn hậu của hơi thở ruộng đồng, của “chồng cày, vợ cấy”. Thơ Nguyễn Bính không có cái đó, và không nên đòi hỏi Nguyễn Bính điều này. Vì dù sao Nguyễn Bính cũng là một nhà thơ lãng mạn, nên lục bát của Nguyễn Bính không thể không mang tâm tư của một tâm hồn lãng mạn, tâm trạng của một thi nhân tiểu tư sản, cho dù ông viết về “hồn quê”. Ta thấy rất nhiều tương tư, nhớ nhung một phía. Ca dao dân ca cũng có những bài nói về tương tư, nhớ nhung, thậm chí thất tình, nhưng những cung bậc tình cảm đó là của người trong cuộc, người lao động. Thơ Nguyễn Bính mang màu sắc tâm trạng của một “nho sinh”: “…Yêu nhau qua cửa tò vò nhìn nhau/ Anh đi đó anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”. Ba lần lặp lại một danh từ: cánh buồn nâu trong mục đích diễn tả một bóng người thân yêu mỗi lúc một khuất dần trong tiếc nhớ đang lớn dần. Hồn vía của câu thơ này nằm trong “điệp ngữ” ấy. Phép tu từ của “câu bát” này là thao tác của một người đọc sách!

Nhưng thơ Nguyễn Bính không vì thế mà mất đi phong vị ca dao dân ca. Phong vị ca dao ở trong “hồn chữ” của Nguyễn Bính. Cái “hồn quê” hiện lên trong “hồn người” (Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em – chữ “bám” ở đây không thi vị bằng chữ “găm” của Xuân Quỳnh: Áo em vô ý cỏ găm đầy) và gọi ra cái “hồn chữ” rất Nguyễn Bính: Nhà em cách mấy quả đồi/ Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng. Lối nói phiếm chỉ thường thấy trong ca dao, cụ thể đấy mà mơ hồ cũng là đấy. Ca dao nói Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo… Một lối nói ước lệ không biết “tam tứ” kia là khoảng cách bao nhiêu, chắc là xa lắm. Nguyễn Bính cũng diễn đạt cái “khoảng cách xa lắm” đó bằng những tu từ: “cách mấy”, “cách ba”, “cách đôi” và câu thơ của ông trở nên gần gụi với lối diễn đạt dân gian. Nhưng ta có thể nghe được độ ngân vang của chữ, nhịp ngắt của dấu phẩy, sự tha thiết của tình người trong câu thơ Nguyễn Bính đang vượt qua cái đơn tuyến của ca dao. Ca dao đi vào lòng người nhờ nhạc điệu, âm điệu. Thơ Nguyễn Bính phong phú về nhạc điệu, âm điệu. Âm điệu thơ Nguyễn Bính là âm điệu đồng quê, nhịp thơ Nguyễn Bính là nhịp nông nghiệp: Con đi năm ấy tháng tư/ Lúa chiêm xấp xỉ trổ từ tháng ba/ Con đi quạnh cửa quạnh nhà/ Cha già đập lúa, mẹ già rũ rơm (Thư gửi thầy mẹ). Ca dao nói: Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai là nói thân phận người phụ nữ ngày trước. Câu thơ của Nguyễn Bính dù không cùng thể lục bát với ca dao, “em trong khung cửi” dù cũng đã sang thời đại khác nhưng vẫn nhuốm màu ca dao từ thi liệu đến thi cảm: Em là cô gái trong khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già/ Lòng trẻ còn như cây lụa trắng/ Mẹ già chưa bán chợ đường xa. Ngòi bút của nguyễn Bính giữ lại cái tinh túy của ca dao, và thêm vào bên cạnh cái tinh túy kia tâm trạng của ông.

Nhưng không chỉ dân gian, Nguyễn Bính có những ngôn từ khá hiện đại chen giữa điệu lục bát, làm tăng sắc thái biểu cảm của người quan sát. Hai chữ rộn ràngđi sau danh từ quần lĩnhlà một sáng tạo kết hợp vừa âm thanh vừa màu sắc làm tăng hàm nghĩa của cả câu lục bát. Cái hàm nghĩa ở đây làngười quan sát đang trong trạng thái “dị ứng”, một báo hiệu để đi đến một thái độ cần thiết rõ ràng hơn bộc lộ trong câu tiếp Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi. Nó cũng tương tự như cách dùng từ trong câu: Bốn biển bút nghiên sầu tịch mịch/ Quanh mình chăn chiếu rộn tang thương. Từ rộnít khi đi với tang thương, mà thường đi với những danh từ chỉ niềm vui (Vang tiếng đàn ca, rộntiếng ngâm, chẳng hạn). Nhưng từ rộntrong câu thơ này lại đắc dụng. Nó làm tăng sắc tháitang thương của câu thơ. Nguyễn Bính cũng rất tài hoa trong việc tạo ra những khoảng mờ của chữ: Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay (hành phương Nam). Trong “hồn” của đoản ngữ tha hồ mây trắng bay chất chứa tâm trạng u hoài cố hương của nhà thơ.Chữ của Nguyễn Bính “nôn nao”, “nhọc nhằn”, “nhao nhác”…trong những câu thơ sau là hồn của người viết, là tâm trạng của tác giả: Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói (Trời mưa ở Huế); Nhọc nhằn tiếng cú trong đêm vắng/ Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn (Xóm Ngự Viên). Có khi ông đối lập số đông (cả kinh thành) với số ít (một người), thu điểm nhìn về một cá thể để làm tăng nỗi nhớ cố nhân: Cả kinh thành có những ai/ Cả kinh thành có một người mắt nhung (Mắt nhung)…vv.

“Hồn chữ” của Nguyễn Bính cũng phảng phất hồn chữ của Truyện Kiều. Lỡ bước sang ngang là một khúc tuyệt tình xót xa của Nguyễn Bính:…Chị đi một bước trăm đường xót xa/ Cậy em, em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương/…Chị giờ sống cũng bằng không/ Coi như chị đã sang sông đắm đò.Hồn vía những câu thơ này phảng phất hồn vía tiếng khóc đứt ruột của chị em nhà Thúy Kiều trong đêm trước Kiều bán mình chuộc cha: “Ôi Kim lang hỡi Kim lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây…”. Truyện Kiều của Nguyễn Du nhiều đoạn hay, nhưng một trong những đoạn hay nhất là những câu thơ “Cậy em” này. Thơ Nguyễn Bính cũng có nhiều bài hay, nhưng Lỡ bước sang ngang là bài được nhiều người mê đắm và thuộc lòng, thành lời các bà mẹ ru con qua nhiều thế hệ. Tai đây, Nguyễn Bính mượn “hồn người” (Nguyễn Du) để diễn tả “hồn ta” qua cái “hồn chữ” của những câu thơ lục bát của một người “lỡ bước sang ngang” thời cách đây chưa xa,rất bi ai…

Nguyễn Bính là một nhà thơ đặc sắc nhiều mặt, ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Bính là một vấn đề thú vị cần được nghiên cứu công phu. Bài viết này chỉ đi vào một vài khía cạnh của thơ ông. Với Nguyễn Bính, cái hay đang thách thức thời gian, cũng có thể thời gian và thời cuộc đang làm thơ Nguyễn Bính càng hay hơn. Ví như trong thời buổi “toàn cầu hóa” hiện thời, thế giới bỗng nhiên có cảm giác chỉ ngắn tày gang, thơ Nguyễn Bính là nơi có thể tìm về nguồn cội căn cốt của mình chăng, nếu chúng ta thừa nhận đi về dân tộc cũng là đi đến nhân loại.

                                                                                      Tháng 4 năm 2018

--------------------

*Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, H. 2003, tr.369

**&*** Tô Hoài, Những gương mặt,NXB Tác phẩm mới, H.1988

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *