PHÍA SAU CỦA CHIẾN TRANH
Ảnh minh họa (Internet)
Tại chợ Sy, phiên nào cũng lúc nhúc những người mặc đồ lính, mặc áo bay, đội mũ cối cầm trên tay vỏ chăn con công Trung Quốc, dép tông và áo phông Lào rao bán, hỏi mua tới tấp. Nhiều nét mặt bặm trợn, thái độ ngang tàng như lúc nào cũng muốn sẵn sàng gây sự. Trong số đó, đa phần là “lính giả danh”, mặc đồ lính vừa là “mốt” của đám phe phẩy, vừa để trà trộn lẫn vào số ít người lính và thương binh trở về từ chiến trường cũng tham gia vào đội quân này.
Ngày ấy, tôi chọn nghề buôn dây thừng và tạp hóa linh tinh. Từ nhà đi bộ năm sáu cây số ra ga Sy, nhảy tàu vào chợ Vinh mua hàng rồi đem lên bán ở các chợ trên miền núi. Vốn liếng chẳng đáng là bao, lời lãi cũng nhì nhằng đủ cho qua cơn bĩ cực. Một hôm vào đến chợ Vinh, chưa kịp lấy hàng gì thì bị bọn móc túi rút mất cái ví. Tiền không nhiều lắm nhưng đó là tất cả vốn liếng để lấy hàng đợt này, và quan trọng hơn là mất giấy chứng minh nhân dân, đó là loại giấy tờ duy nhất để mình đi lại từ vùng này sang vùng khác. Tôi buồn bã lắm. Tháng này nhà tôi biết sống ra sao, và ngay lúc này tiền đâu mà mua vé xe, vé tàu về nhà. Đang hoang mang chưa biết làm sao thì trên loa có thông báo “Ai tên là Cao Xuân Khuê, xin mời đến ban quản lí chợ nhận lại giấy tờ”. Mừng quá, tôi vội vàng chạy đến ban quản lí. Người ta đưa cho tôi mỗi cái giấy chứng minh, không có ví cũng chẳng tiền. Thế cũng tốt rồi, tôi cám ơn và bước ra. Vừa đi được mấy bước, một người đàn ông tầm gần bốn mươi tuổi chặn lại và hỏi: “Có phải anh là Cao Xuân Khuê ở Diễn Châu, Khuê Võ Tòng, lính thông tin B2 không?” Trông anh ta dáng cũng dữ dằn, mũ cối, kính đen, cổ đeo móng khái, tay trễ quả đồng hồ SK. Tôi chẳng nhận ra anh là ai nhưng nghe xướng rõ ràng, mạch lạc như vậy thì nhất định là người quen rồi. Tôi chưa kịp nói gì thì anh kéo tôi ra chỗ thưa người rồi nói:
- Bọn móc túi rút ví anh, vứt chứng minh thư lại ngoài cổng chợ, tôi nhặt được và nhớ ra anh là người đã cho tôi trứng vịt hồi ở binh trạm A Tô Pơ. Anh nhớ không?
- Ờ, gặp thì không nhớ, nhưng anh nói chuyện đó thì tôi nhận ra ngay. Bây giờ anh đi đâu đây.
- Tôi từ Hà Tĩnh ra, cũng mánh mung, buôn bán nhì nhằng vậy thôi ông ạ, thôi ra ngoài quán làm vài quai đã.
Và kí ức chiến tranh trong chúng tôi được khơi lên.
*
* *
Cuối năm 1971, sau khóa học báo vụ 15W tại Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), tôi vào miền Nam chiến đấu, lúc đó gọi là đi B. Lệnh lên đường chỉ được báo trước sáu tiếng đồng hồ. Chúng tôi khẩn trương thu dọn đồ đạc của mình, những chiếc ba lô căng phồng, chặt cứng nào áo quần, chăn màn, tăng, võng. Trên ba lô vắt ngang bao tượng đầy gạo, những túi cóc nhét đầy lương khô, gạo sấy, túi thuốc, bông băng; quanh thắt lưng treo lủng lẳng bi đông, dao găm, bao đạn... Là lính thông tin nên mỗi tiểu đội chỉ được trang bị một khẩu AK báng gấp. Từng người thay nhau mang súng, tôi to khỏe hơn anh em khác trong tiểu đội nên được tiểu đội trưởng phân cho mang chặng đầu tiên.
Một đoàn xe tải còn khá mới chở chúng tôi xuôi về ga Hàng Cỏ. Thời kì này máy bay Mĩ ngừng đánh phá miền Bắc nên xe chúng tôi không phải ngụy trang. Những thùng xe chật ních bộ đội rùng rùng chạy trên đường tung bụi đỏ, người dân hai bên đường nồng nhiệt vẫy chào, những ánh mắt trìu mến nhìn theo đoàn quân lưu luyến, vài cô gái mạnh mồm hét lên rất to: “Đi mạnh khỏe, em chờ anh… chờ anh...!” Cả đám lính trên xe vỗ tay rầm rầm đáp lại, rồi tất cả đồng thanh hát “Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân…”
Tàu đi qua địa phận Diễn Châu đã gần bốn giờ sáng. Bấy giờ đang tháng mười âm lịch, trời tối đen, sương mù giăng đầy trên những cánh đồng lạnh lẽo. Trên ghế tàu, mọi người chìm vào giấc ngủ. Tiếng bánh sắt siết vào đường ray như gió xoáy, âm thanh đơn điệu của con tàu cứ lặp đi lặp lại xịch chát, xịch xịch chát xịch như đang lầm lũi đi vào vô tận. Bỗng nhiên, những tiếng choang choang, xoạch xoạch choang choang, xoạch xoạch khác thường vang lên. Khi ấy tôi biết tàu đang chạy vào cầu Đò Đao, cây cầu bắc qua dòng sông gắn bó với tuổi thơ tôi. Trong đêm tối, tôi cố hình dung ra dòng sông, quốc lộ số 7, dáng lèn Hai Vai sừng sững. Mọi thứ bên đường lướt qua rất nhanh, tôi căng mắt cố tìm cái làng nhỏ của mình nằm cách đường tàu chừng nửa cây số, ở đó có cha mẹ và các em tôi, có bạn bè và bà con thân thích. Giờ này mọi người đang trong giấc ngủ say, chắc đã có đôi bà trở dậy lục tục nhóm bếp nấu cám lợn, ông hàng xóm cạnh nhà tôi có lẽ đang rít thuốc lào rồi ho lên khục khục. Không ngờ chúng tôi chia tay quê hương yêu dấu trong đêm lặng lẽ thế này... Ước gì tàu qua đây vào ban ngày để mọi người được ngắm quang cảnh làng quê tôi với những cánh đồng, bờ đê quen thuộc. Bất giác tôi nhớ cái đêm khi tôi mới bảy tám tuổi, hai đứa em lũn cũn bám vào tôi. Cha đi cưa gỗ tận trên miền núi để kiếm tiền mua gạo, mẹ hàng ngày đi chợ bán những tấm võng cói sỉ lại của người ta, lần hồi nuôi chúng tôi bữa no bữa đói. Hôm đó trời đã tối lắm rồi mà mẹ vẫn chưa về, hàng xóm đỏ đèn gọi nhau ăn cơm í ới. Ba anh em tôi cứ tha thẩn ngoài ngõ như những đứa trẻ mồ côi. Hai đứa em mếu máo khóc, tôi trèo lên cây gạo da trơn quan sát về phía cánh đồng, không thấy mẹ tôi vẫn đi về như mọi bận. Bụng đói cồn cào, sợ hãi trước bóng đêm, ba đứa ôm nhau ngủ vùi trong đám rơm rạ tấp vào cạnh bếp. Lúc mẹ về thì đã khuya, mẹ lay chúng tôi dậy rồi chia cho mỗi đứa một miếng bánh đa ăn tạm. Mẹ bảo: “Hôm nay ma dẫn làm mẹ lạc đường, đi vòng vo mãi mới tìm ra được lối về làng mình đấy.”
Số anh em quê Diễn Châu thức dậy chỉ trỏ cho nhau về những địa danh quen thuộc như Diễn Tân, Diễn Thọ, Diễn Lộc, Diễn An. Mấy cậu ném thư xuống đường, hi vọng sáng ra có người nhặt được sẽ gửi về theo địa chỉ. Những bức thư viết sẵn trên giấy pơ - luya rất mỏng được bỏ trong những phong bì dày làm bằng giấy vở học sinh. Không biết rồi thư có đến được gia đình hay không nhưng cậu nào cũng hài lòng vì đã làm được việc cần làm trong lúc này để nói lời tạm biệt với người thân trên đường hành quân ra mặt trận. Ngồi cạnh tôi là cậu Toàn lom khom ôm ba lô trước bụng, người cậu rung lên, hình như cậu ta đang cắn răng vào mép ba lô để khỏi bật ra tiếng nấc. Toàn học dở lớp mười thì xung phong đi bộ đội, dáng cậu gầy gầy, da trắng, nói năng nhỏ nhẹ như con gái. Tôi muốn khóc, nhiều người muốn khóc, không ai lo sợ gì hòn tên mũi đạn ở chiến trường mà chỉ nhớ thương cha mẹ, người thân đến cháy gan cháy ruột. Nhưng lúc này có ai tỏ ra yếu mềm, dao động, chỉ huy biết được là bị đánh giá tư tưởng ngay. Tàu vào đến Vinh trời đã tang tảng sáng, cả đoàn quân lại trèo lên những chiếc xe tải đã chờ sẵn để đi tiếp vào phía trong. Bữa sáng ngồi trên xe ăn lương khô, buổi trưa xuống xe, ăn cơm ở trạm nghỉ đầu tiên ở một huyện miền núi thuộc Quảng Bình.
Chặng đường đi bộ đầu tiên đã chờ trước mắt. Chúng tôi chui qua Cổng Trời, đó là hai khối đá khổng lồ chụm đầu vào nhau tạo nên cái cổng tự nhiên hùng vĩ và ngộ nghĩnh. Đi chừng vài tiếng đồng hồ nữa là đến đồn Cha Lo, nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc(1) rồi vòng lên phía Tây Trường Sơn, hành quân trên đất nước Lào. Những con đường cheo leo gập ghềnh đá tai mèo sắc nhọn, cây cối bên đường bám bụi mốc sì, dọc đường đi thi thoảng lại hiện lên những bản làng người Lào khô xác, đơn sơ. Nhiều cánh rừng bị đốt trụi vì bom Mĩ, những cành cây cháy dở, cong queo vẽ lên bầu trời muôn vàn hình thù kì dị. Chọn những lối đi còn tán cây xanh, hòa vào giữa rừng, chúng tôi nhịp bước cùng vô số những đoàn quân hướng về mặt trận. Một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng… chúng tôi cứ mải miết hành quân. Mặc dầu đã được rèn luyện rất kĩ ở trường huấn luyện, mỗi chúng tôi đều tỏ ra khá dạn dày với những kì hành quân dã ngoại hàng trăm cây số, nhưng giờ đây người nào người nấy đều thấy bơ phờ. Bàn chân phồng rộp, đầu gối như lỏng ra, dáng vẻ béo tốt, trắng trẻo của những chàng thanh niên đang tuổi lớn giờ không còn nữa, thay vào đó là những thân hình đen, gầy, hốc mắt trũng sâu vì nhiều đêm thiếu ngủ. Dọc đường hành quân có người phải nằm lại vì sốt rét rừng, có người đã hi sinh vì những trận bom đánh trúng đội hình đơn vị. Riêng tôi, thời gian đầu cực kì sung sức, phần vì tôi có chiều cao và cân nặng nhỉnh hơn anh em khác, phần nữa có lẽ ngày nhỏ tôi đã đi bộ khá nhiều. Năm mười ba, mười bốn tuổi tôi đã theo người lớn đi bộ từ quê lên các nông trường ở Nghĩa Đàn mót sắn, mỗi chuyến đi bốn năm ngày, khi về còn gánh trên vai ba, bốn chục cân. Qua nhiều chặng hành quân tôi giành lấy phần vác súng cho cả tiểu đội, san bớt đồ đạc cho những đồng chí yếu hơn. Nhưng đến tháng thứ ba, bệnh sa đì của tôi đã bắt đầu xuất hiện, cái hạch mỗi ngày một to ra, càng đi nhiều càng đau không thể nào chịu nổi. Y tá đơn vị cho tôi uống thuốc hàng ngày, nhưng đến lúc thuốc cũng không còn tác dụng, gần đến cao nguyên Boloven tôi phải nằm lại một trạm phẫu tiền phương. Buồn bã vô cùng, bao nhiêu ngày ao ước được vào chiến trường để chiến đấu và phục vụ chiến đấu thì giờ đây đã hoàn toàn thất vọng. Trao lại trang bị, vũ khí cho anh em khác tiếp tục hành quân vào miền Đông Nam Bộ, tôi ôm chặt từng người, nước mắt trào ra vì tủi hổ cho số phận của mình và thương đồng đội của tôi, trong số họ rồi sẽ có người không bao giờ gặp lại. Toàn giành lấy phần vác súng thay tôi, chờ cho mọi người đi hết cậu ta tiến lại gần, nắm chặt tay tôi đưa cho tôi bức thư và nói: “Mẹ mình đang ốm nặng, cậu cầm hộ lá thư về nhà và bảo mình vẫn khỏe nhé”. Mắt Toàn đỏ hoe, cậu ta vội quay đi và chạy nhanh lên phía trước để theo kịp đoàn quân. Tôi nhìn theo đầy thương cảm.
Sau ngày giải phóng miền Nam tháng tư năm 1975, hầu hết những người lính Diễn Châu cùng đợt với tôi đã trở về quê hương xứ sở. Toàn hi sinh tháng giêng năm 1974 khi quân ta đánh vào Phước Long, trận đánh thăm dò phản ứng của định để chuẩn bị mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên vào một năm sau đó. Mộ Toàn vẫn chưa tìm được, anh em chúng tôi canh cánh bên lòng, ai cũng sẵn sàng đi vào Nam tìm đưa anh về, nhưng đến nay vẫn chưa có một thông tin nào đáng tin cậy.
*
* *
Trạm phẫu tiền phương đặt trong cái hang đá chật chội và lạnh lẽo, những giọt nước trong veo bám trên nhũ đá phản chiếu ánh sáng như những mắt mèo. Cô y tá chuẩn bị bàn mổ cho tôi trên tấm liếp được lấy từ “giường” của trạm giao liên, ông bác sĩ quân y trạc tuổi năm mươi xem ra nhiều kinh nghiệm, ông bình tĩnh điều hành ca mổ. Không có thuốc gây mê, tôi chỉ được tiêm một liều thuốc tê vào vết mổ. Ánh sáng mổ được dùng bằng đèn pin, tôi nằm nghe tiếng dao kéo lạch cạch trên khay mà rợn cả gai ốc. Điều kiện phẫu thuật ở chiến trường gặp nhiều trở ngại, tuy thế ca mổ của tôi cũng đã thành công. Sau ca mổ tôi nằm lại dưỡng sức mươi ngày, khi khỏe lại được bố trí giúp việc cho một trạm giao liên của đoàn 559. Bác sĩ bảo tôi không thể tiếp tục đi theo đơn vị để chiến đấu được nữa, yên tâm ở lại trạm một thời gian, khi đủ sức sẽ cho ra Bắc.
Rồi ngày đó cũng đến. Sau hơn một tháng trời quanh quẩn ở trạm giao liên, sức khỏe tôi đã có phần hồi phục, thủ trưởng binh trạm của đoàn 559 kí giấy cho tôi ra Bắc. Tôi đi ngược lại với dòng người đang hối hả tiến vào phía trong như trẩy hội. Câu hát Đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây cứ văng vẳng trong đầu, đôi khi làm cho tôi bực bội. Những người đi ra chủ yếu là thương binh, bệnh binh, thỉnh thoảng mới có ít người khỏe mạnh được điều đi học, hoặc đi công tác. Tôi cứ lầm lũi đi, ba lô nhẹ bẫng, ăn thì nhờ vào các trạm giao liên, nhỡ bữa thì có lương khô, gạo sấy. Thèm rau thì hái lá rừng, khát nước thì có sẵn trong bi đông lấy từ các trạm.
Vào đầu mùa mưa, rừng Lào sùi sụt suốt ngày. Khi qua tỉnh A Tô Pơ gặp một con sông, ước chừng rộng gấp hai đoạn sông ở cầu Đò Đao mùa nước lớn. Giữa núi rừng hoang vu, dòng sông trải dài phơi mình dưới bầu trời mờ đục. Nước chảy không xiết lắm nhưng ban ngày không ai được qua sông vì sợ máy bay địch phát hiện. Tôi đến đây đã giữa chiều, ăn tạm vài miếng lương khô rồi mắc võng trong tán cây nằm nghỉ. Chờ cho trời tối, tôi cởi áo quần bỏ vào ba lô rồi lấy tấm tăng gói ba lô lại thành một cái phao ni lông nho nhỏ. Một tiếng động bất ngờ xoẹt qua bên cạnh làm tôi giật thót, có lẽ là một con chồn đang đi ăn đêm. Từ từ thả mình xuống nước, hơi lạnh thấm vào da thịt, tôi chờn chợn chốc lát khi nhớ về những câu chuyện ba ba thuồng luồng mà mình được nghe kể từ hồi còn con nít. Tôi bơi như con ếch bị gãy chân, cái bịch ni lông cứ trùng triềng như muốn tuột khỏi tay mình. Ra đến giữa sông thì kiệt sức, chìm xuống nổi lên mấy lần, bịch ni lông bị nước xoáy đánh trôi ra một đoạn, may sao tôi lại nắm được đoạn dây dù dùng để cột túm miệng thừa ra chừng hơn một mét. Đang chới với giữa dòng và chỉ biết phó thác mình cho số phận thì chân tôi chạm vào một doi cát, thiên thần cứu rỗi đã đến đỡ tôi lên. Dừng lại nghỉ lấy sức, buộc chặt đoạn dây vào cổ tay mình đề phòng nó có trôi đi còn kéo lại được. Điểm xuống sông ở đoạn trên, nước trôi mạnh về xuôi, điểm tôi đứng lúc này cách điểm lúc xuống chừng nửa cây số. Đã nhìn thấy bờ bên kia, những tán cây lúp xúp thổi vào tôi niềm hi vọng. Sức khỏe như được tăng thêm, tôi bơi tiếp vào bờ. Cuộc vượt sông được tiếp đích thật ngoạn mục. Vừa bước lên khỏi mép nước được dăm bảy bước thì thấy mặt mũi tối sầm, đôi chân khuỵu xuống, tôi ngã vật xuống bãi cát và không biết gì sau đó nữa.
Khi tôi mở mắt ra thì mặt trời đã lên một đoạn cao. Tôi biết tối qua mình đã nằm lại trên bãi cát này do sức khỏe sa sút sau ca phẫu thuật, đi đường dài vất vả, ăn uống kham khổ nên bị choáng sau những giờ chống chọi với thủy thần. Tôi run run đứng dậy, mở bọc ni lông lấy bộ đồ rồi bước đến một búi cây cho khuất để mặc vào người. Giữa rừng này chẳng có ai nhìn thấy, nhưng nhỡ máy bay địch mà đến thì coi chừng bị lộ. Trong lùm cây có cái gì động đậy, rồi một con vịt giời vụt bay lên. Tôi nhìn vào trong bụi cây thì thấy một ổ trứng, đếm đi đếm lại, có cả thảy mười một quả. Đã hơn một năm nay tôi không nhìn thấy trứng gà trứng vịt ở đâu, cơn thèm bỗng dâng lên, nước bọt trào ra nghẹn trong họng. Trứng vịt giời cũng không nhỏ hơn trứng vịt ta là mấy, những quả màu trắng xanh hiện ra dưới mắt tôi lúc này còn quý hơn vàng. Tôi nhẹ nhàng sắp chúng bỏ vào túi cóc ba lô, mỗi lớp trứng được chèn lá cây đề phòng bị vỡ. Tôi nghĩ mỗi ngày mình ăn một quả, sức khỏe sẽ tăng nhanh, đến chỗ nào nhóm bếp được sẽ bỏ vào ăng gô luộc ngay một quả.
Gần trưa thì đến một trạm giao liên, mấy lều cỏ tranh thấp thoáng bên triền núi. Nhưng sao yên ắng quá chừng... Đề phòng có địch phục kích, tôi thận trọng tiếp cận và quan sát phía trong. Cả trạm đi đâu hết, trên võng có một người đang nằm bất động. Tôi đánh tiếng rồi bước vào, người đó từ từ xoay đầu lại phía tôi, mặt anh ta đỏ lựng, biết là đang sốt rất cao.
- Này anh, sao trạm vắng vẻ vậy, anh bị ốm à?
- Họ tập trung cáng thương binh ra trạm ngoài, tôi sốt quá nằm lại đây từ hai hôm nay.
- Anh là người của trạm này à?
- Không, tôi là lính cối. Đơn vị đi cả rồi, tôi phải nằm lại rồi đuổi theo sau.
Tôi đặt tay lên trán anh, nóng như hòn than, đôi môi khô ráp như hai miếng vỏ cây mốc xịt. Mở hộp thuốc của anh chẳng còn một viên nào, nhớ mình còn mấy viên sốt rét, tôi liền lấy đưa cho anh và nói:
- Anh phải uống thuốc, nhưng đã ăn gì chưa đã?
- Chưa.
Tôi vội vàng tìm cửa bếp Hoàng Cầm, nhóm lửa và luộc luôn hai quả trứng, định bụng chia mỗi người một quả. Trứng chín, tôi ngâm vào nước lạnh một tí rồi bóc cho anh ăn trước. Bóc hết lớp vỏ ngoài, lòng đỏ, lòng trắng quả trứng hiện ra trông vô cùng hấp dẫn, mùi trứng thơm thơm, tôi bấu nhỏ từng tí đút cho anh. Anh ăn rất ngon lành, có lẽ anh đang rất đói và lâu ngày không được ăn thực phẩm tươi. Hết một quả, tôi lấy luôn quả còn lại và tiếp tục đút cho anh. Anh bảo tôi cùng ăn đi. Tôi trả lời đang còn. Chốc lát anh đã ăn hết hai quả trứng, tôi thèm thuồng mút tí vụn trứng đang dính lại trên tay, cơn thèm lại trỗi lên, tôi đấu tranh tư tưởng nên luộc vài quả nữa hay thôi, và tôi đã chiến thắng, cố chịu đựng cơn thèm, để đó rồi sẽ ăn sau. Tôi đỡ anh ngồi dậy, lấy nước trong bi đông cho anh uống và để uống thuốc luôn. Xong tôi lấy gạo sấy ra và bắt đầu bữa trưa của mình.
- Ông đi ra hả, đơn vị nào vậy? - Anh hỏi
- Tôi lính thông tin B2, bị bệnh, mổ xong rồi được ra luôn.
- Quê ông ở đâu?
- Tôi ở Diễn Châu, Nghệ An. Mới nhập ngũ năm bảy mươi.
- Tôi quê Hà Tĩnh. Ông tên chi hầy?
- Tôi là Cao Xuân Khuê, Khuê Võ Tòng nhá.
Chúng tôi không chuyện trò gì nữa vì phải để cho anh nghỉ ngơi. Tôi đỡ anh nằm xuống võng rồi đứng dậy định bước ra ngoài, chợt nhớ còn chín quả trứng trong ba lô, tôi ngần ngừ giây lát rồi lấy ra bỏ hết vào mũ mềm cho anh.
- Đây là trứng vịt giời, tôi nhặt được trong một cái ổ dưới bãi sông. Anh cất đi rồi nhờ giao liên họ luộc cho mỗi bữa một quả mà tẩm bổ nhé. Tôi đi ra Bắc, không cần lắm đâu.
Anh không nói gì, hình như rất mệt, đôi mắt từ từ nhắm lại, hai giọt nước mắt trào ra chảy xuống má anh.
*
* *
Bất ngờ gặp lại người lính giữa đường hành quân năm xưa giữa chợ Vinh tôi hết sức ngỡ ngàng. Kể từ ngày gặp anh ở A Tô Pơ đến nay đã mười lăm năm, chuyện đánh nhau ở chiến trường, chuyện về quê lấy vợ, sinh con, chuyện làm ăn buôn bán cứ đua nhau tuôn chảy. Đang chuyện nọ xọ chuyện kia, bất ngờ anh kéo tay áo lên, một vết sẹo to chạy dài trên cánh tay trái. Anh bảo, sau cái hôm gặp ông được vài ngày thì tôi khỏe lại, tôi cố đuổi theo bằng được đơn vị của mình. Vào trong đó tôi tham gia hơn mười trận đánh, trận nào cũng giành thắng lợi. Đại đội súng cối của tôi được tuyên dương anh hùng, tôi được tặng danh hiệu dũng sĩ. Đến sau hiệp định Paris bọn tôi tổ chức một trận chống địch nống ra vùng giải phóng, trận đánh kéo dài ba ngày ba đêm, hai bên đều thương vong khá lớn. Trận đánh gần kết thúc, tôi chạy lên cõng xác đồng đội hi sinh, sắp về đến công sự của mình thì một quả pháo của chúng nổ ngay bên cạnh, tôi bị thương vào tay và một mảnh nhỏ vào đầu. Tôi nằm xuống trên miệng hầm, xác người liệt sĩ đè lên tôi. Một quả pháo nữa nổ ngay bên cạnh, hất cái xác văng ra, tôi bị sức ép đẩy xuống hầm và thế là tôi sống. Anh cười chua chát và lắc cái đầu đầy chán ngán.
Gần tan buổi chợ, chúng tôi chia tay nhau, anh rút cái ví sau túi quần trả tiền cho chủ quán, còn bao nhiêu anh dúi hết vào tay tôi: “Cầm lấy, tôi đang còn, có người chờ nên tôi phải đi đã nhé, hẹn gặp lại sau”.
Tôi đếm số tiền anh đưa cho, gấp bốn lần số tiền vừa bị mất. Tôi quay vào chợ tiếp tục lấy hàng, số tiền còn lại, tôi bỏ vào túi áo rồi lấy kim băng ghim vào cẩn thận. Khi quay ra, gặp đám bảo kê đang nhốn nháo ở phía ngoài cổng chợ, bất chợt trong tôi chợt vẩn lên một một nỗi sợ mơ hồ về công việc của anh rồi tự trấn an mình rằng, anh, một người lính đã từng vào sinh ra tử, chiến đấu dũng cảm ngoan cường, dù có ở trong chốn ấy đi chăng nữa, cũng sẽ chẳng dễ bị lẫn vào
Nguồn: Văn nghệ Quân đội
-------
1. Lời trong bài hát “ Đêm Cha Lo” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.