VÀI NHẬN XÉT VỀ THƠ HÔM NAY
Nhà phê bình Lê Thành Nghị- ảnh Hữu Đố
Trước hết là những nổ lực thay đổi quan niệm thơ, đồng nhất thơ với chữ. Lớp tác giả cầm bút sau cách mạng Tháng 8, từ Trần Dần, Lê Đạt đến Đặng Đình Hưng, Dương Tường…và sau này là Hoàng Hưng…đều muốn đổi mới thơ từ phương diện ngôn ngữ. Trần Dần khởi động cách tân thơ “Tuyên ngôn tượng trưng” với nhóm Dạ Đài từ năm 1946, nhưng đến những năm sáu mươi của thế kỷ XX Trần Dần mới thực sự “đồng nhất thơ vào chữ”. Lê Đạt quan niệm làm thơ là “phu chữ”, đi tìm “bóng chữ”. Trần Dần và Lê Đạt chủ trương làm thơ là “làm những từ mới, và làm mới những từ cũ”. Thơ của họ là một “cuộc cách mạng chữ” và không phải không đem lại những sự mới mẻ, thú vị. Nếu như thơ Trần Dần (Mùa sạch) nhiều chỗ độc sáng mang tính đa nghĩa, như kiểu “thơ khó” hàm chứa những “ẩn nghĩa” khá sâu sắc trong từng câu chữ, thì thơ Lê Đạt (Bóng chữ) thường khi “nhảy cóc” trong liên tưởng và xác lập nghĩa từ sự liên tưởng độc đáo của một lối tư duy thơ khá mới lạ. Về phương diện nào đó, thơ Trần Dần, Lê Đạt muốn vươn tới lối biểu hiện của “hậu hiện đại” trong ngôn từ, trong cấu trúc, trong sự gián cách, đứt đoạn của tư duy thơ. Lê Đạt (1929-2008) muốn làm một sự độc đáo xáo trộn liên tưởng, suy tư theo kiểu gián đoạn của văn chương hậu hiện đại. Những câu thơ của ông quả thật đã làm thay đổi tiếp nhận thông thường của người đọc:
Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu
bóng chữ động chân cầu
( Bóng chữ, 1994 )
Cũng là một cuộc chia ly có mây trắng, nhưng không phải mây trắng thông thường, mà là mây trắng đầy cong khung nhớ, cũng là mưa nhưng là mưa mấy mùa, cũng là hoa nhưng là hoa đi vắng, cũng là chiều, nhưng là chiều trên Âu Lâu nơi bóng chữ động chân cầu. Câu thơ trở nên gợi cảm hơn hẳn, thi vị hơn hẳn, bởi vì liên tưởng đã đi khá xa trong tâm thức đọc, một sự liên tưởng do ngôn ngữ thơ đưa lại.
Đi xa hơn nữa về ngôn ngữ, Đặng Đình Hưng (Ô mai, em; Bến lạ), Dương Tường (Noel 1) và Hoàng Hưng (Ngựa biển, Thơ vụt hiện) thì trình diện một lối thơ “âm thanh” không cần nghĩa. Chúng ta đều biết, chữ trong văn chương bao giờ cũng mang nghĩa, đi đôi với nghĩa, nhưng chữ trong cách viết của các cây bút này chỉ còn là âm thanh, vì những con chữ của họ đứng cạnh nhau không mang bất cứ nghĩa nào ngoài “tiếng động” của phát âm, không biết đâu là âm, đâu là nghĩa...(Hoàng Hưng). Lấy một trong rất nhiều ví dụ:
Tôi lại đi…
Zưới cái nong hình záng lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phấn zưới chân, zính zính…những con số 8 lộn dọc nhẵn thím nam châm gói trong hạt thóc zống của không biết
(Bến lạ- Đặng Đình Hưng)
Ngoài một chút ám thị, thì sự hiểu đã được đưa đến mức zero trong tiếp nhận!
Chưa kể, có lúc thơ chỉ còn tồn tại ở mức “thị giác”, nghĩa là chỉ còn là những hình ảnh biểu tượng. (Ví dụ thơ Dương Tường)
Có thể thấy, thơ được cấu thành từ nhiều chất liệu, như thi ảnh, thi tứ, thi từ, thi nhạc…Chỉ đi mãi vào lĩnh vực ngôn ngữ một cách “duy hình thức” mà loại bỏ nghĩa của chúng như vậy, cho dù ngôn ngữ là yếu tố quan trọng bậc nhất của thơ, thì sớm muộn cũng không thể thoát khỏi những cầu kỳ, thậm chí bế tắc, ngay cả Trần Dần và Lê Đạt. Đấy là chưa nói nhiều người cho rằng đó chỉ còn là sự “ú ớ”, ngôn ngữ của những kẻ trí não không bình thường! Cho đến hôm nay, sau gần hai mươi năm đầu của thế kỷ XXI, may thay, trên thi đàn đã không ai tiếp tục xu hướng này. Tuy vậy, cần ghi nhận đây như một thể nghiệm, tìm tòi, trong đó có những tìm tòi (Trần Dần, Lê Đạt) tâm huyết.
Thơ cốt ở ý:
Một xu hướng khác, ít “tuyên ngôn” nhưng khá quyết liệt trong thực hành đó là khuynh hướng nổ lực thay đổi cấu trúc câu thơ. Đó là thơ của những nhà thơ “hậu chiến”, sinh không xa trước hoặc trước hoặc sau năm 1975 nhưng cầm bút chủ yếu sau năm 1986, như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn,Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bình Phương, Tuyết Nga, Bảo Chân, Phan Huyền Thư và những người khác. Có thể gọi đó là thế hệ nhà thơ “hậu chiến”. Với lớp nhà thơ này không có khái niệm “đổi mới” trong cách viết của mình. Họ cầm bút khi đất nước đã tiến hành đổi mới, nên họ viết như họ quan niệm, như họ thu nhận được từ thơ ca ngoại quốc nào đó. Rất dễ nhận thấy sự tự do, phóng khoáng của ngòi bút trong mạch thơ của họ. Nếu vần là yếu tố tạo nhạc, tạo nhịp của thơ “thế hệ chống Mỹ” như một yếu tố cần thiết để dễ đến, dễ thuộc, thì thơ của lớp nhà thơ đầu tiên sau đổi mới này nhiều khi vượt qua vần; Nếu ngôn ngữ thơ luôn luôn cần một sự chọn lọc, trau chuốt “thôi xao” trong thơ nói chung của nhiều thế hệ, như một yêu cầu thường nhật đối với mọi cây bút trước đó, thì đến họ, ngôn ngữ thơ không hẳn là suồng sã, nhưng đã không thấy sự câu nệ; Nếu cấu trúc của bài thơ, của câu thơ trước đó luôn có xu hướng chặt chẽ, cố gắng để không thừa chữ, thì đến lượt họ, cấu trúc “lỏng” như một đặc điểm của thế hệ; Nếu sự thống nhất cao độ của ý và lời trong thơ của các thế hệ cầm bút trước đó như một thử thách của người làm thơ, thì đến thế hệ họ, ý được ưu tiên, có thể vượt qua những rào cản của “ý tại ngôn ngoại” đi thẳng đến tiếp nhận của người đọc. Câu thơ trở nên dài ngắn linh hoạt, có câu chỉ một đôi âm tiết, có câu đến mấy chục âm tiết (ví dụ thơ Nguyễn Quang Thiều), đôi khi chỉ cốt nói được điều cần nói, có thể vượt qua những “niêm”, những “luật”, những tu từ…Ngày trước Thơ mới 1932 – 1945 từng xử sự như vậy với thơ cũ, nhưng các nhà thơ mới không đoạn tuyệt hẳn với thơ trung đại, họ tạo ra một thứ vần mới và không ngừng lao động tu từ, đồng thời không ngừng nổ lực bám sát tâm thức Việt. Với các nhà thơ “hậu chiến” hôm nay, hình như những thứ đó không còn mấy quan trọng. Họ cố ý tạo ra mỹ học của cái thô ráp. Lúc mới xuất hiện, có người nói thơ ấy chẳng khác gì “thơ dịch”. Thơ dịch thì ai cũng biết, chuyển một điệu thơ, điệu tâm hồn xứ lạ cho vừa với khẩu vị của xứ khác là việc làm không đơn giản. Vì thế nên nhiều bản dịch may lắm cũng chỉ còn giữ được ý. Lại cũng có người lo thơ ấy không dễ thuộc, mà không thuộc thì khó mà “sống lâu” trong trí nhớ của người đọc. Tuy nhiên, nếu quan sát sẽ thấy càng ngày càng có nhiều cây bút trẻ thế hệ sau đang tiếp tục cách viết ấy. Điều ấy giải thích rằng cách viết của các nhà thơ trẻ đang thay đổi và khẩu vị của người đọc hôm nay cũng một phần đã thay đổi. Thơ bây giờ có nhiều cách đến với người đọc vì in ấn không còn nan giải như trước kia trong chiến tranh. Người ta có thể đọc thơ bất cứ lúc nào, nơi nào nếu họ muốn, không như trước kia, sách ít, thơ cần được nhớ thuộc lòng. Vì vậy thơ xưa ưa “hát” mà thơ nay thường thích “nói” (Xưa ta hát mà nay ta tập nói – Chế Lan Viên). Hát thì cần vần điệu, nói thì có thể vượt qua vần điệu. Nếu vậy thì sự xuất hiện của kiểu thơ của lớp nhà thơ “hậu chiến” này là một sự thay đổi hệ hình tư duy thơ mà thời đại yêu cầu. Đây là những câu thơ không chỉ miêu tả mà là biểu hiện, không chỉ là viết về một thực tại nhìn thấy, mà là những điều không nhìn thấy: Buổi chiều ấy/ Con chim rơi từ ngọn cây/ xuống mặt đất/Tiếng súng bay về chiếc tổ/ Nơi hai quả trứng vàng nằm đợi/ Dưới mưa (Con người – Nguyễn Việt Chiến); Đây cũng là thực tại “không nhìn thấy”: Sông cứ chảy về phía bên kia giấc ngủ/ Em tỉnh dậy trời xanh thành người lạ (Nguyễn Bình Phương). Đây là những thay đổi trong cấu trúc thơ: Nguyễn Lương Ngọc được xem là người mở đầu, có những câu thơ làm khác hẳn thơ thường thấy trước đó: Chúng ta, tôi, anh, em và ít người tìm mãi lý do, lý do của đất, của bùn, lý do của nước sông về biển và biển tan nát mà không tan nát được/ Không, vâng tìm lý do của các loài cây, các loài thú, các loài đá, địa y và nấm mốc, tìm lý do của máu, một loài máu tự cho là cao quý bởi thực không có gì làm cho nó bẩn được nhưng có thể làm cho nó biến mất (Lý do). Không hẳn là một bài thơ văn xuôi theo nghĩa thông thường mà bạn đọc đã từng quen với những sáng tác của những nhà thơ trước đây. Rõ ràng để được cái bề bộn trong câu chữ, phóng khoáng trong diễn đạt, câu thơ phải kéo giãn thật dài, một lối diễn đạt “cao su” rất ít gặp trong thơ ngày trước. Tại đây, thơ chỉ còn ý, không còn nhịp điệu. Nhạc điệu cũng mơ hồ, vần điệu được chăng hay chớ. Cùng với việc nói hết ý, tận cùng ý là sự cố gắng đạt đến tính chính xác, rõ ràng trong thơ. Có thể thường gặp kiểu thơ này điều này qua sáng tác của Nguyễn Quang Thiều. Thơ của Nguyễn Quang Thiều (Sự mất ngủ của lửa, Nhịp điệu châu thổ…) ưu điểm và nhược điểm nằm sát kề. Cái được là rõ ý, là sự tự do trong biểu đạt ý, nhưng điều còn băn khoăn là cách cảm nhận, cách diễn đạt để phân biệt thơ với các thể loại khác. Thơ là thể loại cần có những khoảng trống cho sự liên tưởng, suy đơán, cho sự mơ hồ, cần có chỗ cho sự nối dài những xúc động trong tâm hồn người tiếp nhận. Nói hết để người đọc không còn phải bận tâm nghĩ ngợi gì nữa sau khi đọc, chắc gì đã là một việc làm khôn ngoan của thể loại thơ, một thể loại cần “gợi” hơn cần nói “sát góc tận bờ”. Thơ khác văn xuôi ở chỗ, văn xuôi là “đi”, thơ là “múa”. Đi thì cần đến, múa thì cần đẹp. Hãy cùng nhớ lại lời Hoài Thanh: thơ cần mất một tí rõ ràng để được thêm nhiều thơ mộng (Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 1989,tr. 155).
Trừ một vài nhà thơ trong số họ đã không may mất sớm, số còn lại hình như chưa ai thật sự tự tin, quả quyết đi tới cùng con đường họ đã chọn. Nguyễn Quang Thiều có lúc trở lại thể lục bát có nhiều cải tiến, Mai Văn Phấn đang tìm về thể thơ ba câu có hơi hướng kiệm lời, ít chữ, nhiều bóng gió của thơ phương đông. Trần Quang Quý và Nguyễn Việt Chiến chưa định hình trong lối đi…Sự cách tân trên kia của họ vì vậy, sẽ cần phải bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, cả về nội dung cũng như hình thức.
Nhưng một cách nói hiện đại trong thơ là điều nên ủng hộ. Chưa hẳn là đã thay đổi “hệ mỹ học” như có người nói, nhưng một sự thay đổi cách cảm, cách viết, cách diễn đạt trong thơ là không dễ, phụ thuộc không chỉ vào chủ quan mà còn phụ thuộc nhiều vào thời đại. Vì vậy chúng ta nên trân trọng, ghi nhận. Hy vọng là thời gian sẽ ủng hộ họ như để khẳng định một khả năng sáng tạo mới, có sức sống lâu bền để tạo thêm sự đa dạng của thơ Việt hiện đại. Tuy nhiên, sự xuất hiện của họ cũng đã trên dưới hai mươi năm, một khoảng thời gian không nhỏ, nếu so với thời đại huy hoàng của Thơ mới.
Thơ cách tân:
Ngoài hai “dòng chảy” trên, thơ hôm nay còn có những tìm tòi mới, tuy chưa thành một “phong trào”, thậm chí có thứ đã “chết yểu”, nhưng cho thấy thơ luôn luôn là một “thực thể sống”. Đó là các loại thơ sắp đặt, thơ thị giác, thơ trình diễn, thơ nữ quyền, thơ bụi, thơ hậu hiện đại…Nhà thơ Inrasara còn nối vào danh sách này nhiều loại khác nữa, như: thơ khó, thơ phỏng nhại, thơ siêu hư cấu sử ký, thơ phụ âm, thơ graphic, thơ thực hiện, thơ cụ thể, thơ phân thân, thơ tịnh tiến…Tác giả của những “loại thơ” này là những người cầm bút trẻ. Một số “biến thể” của công việc làm thơ mà họ “trình diễn” không đưa lại cảm giác tin cậy về một sự tìm tòi nghiêm túc. Ngược lại, có những trường hợp gây ra không ít tai tiếng..
Quy luật của văn chương nghệ thuật là tồn tại trong sự chuyển động, trong sự không ngừng thay đổi. Hiển nhiên, đã là thay đổi thì có thể có cái không phù hợp. Không phù hợp vì đi quá xa tâm thức số đông người Việt, chứ không hẳn là vấn đề “tầm đón đợi” chưa đến, như có người quan niệm. Những gì phù hợp với tâm thức của thời đại, của dân tộc sẽ phù hợp với “tầm đón đợi” của số đông người đọc; sẽ được đón nhận và có sức sống lâu bền. Những gì khác với điều đó sẽ bị vượt qua. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam cũng đã từng nói, mai sau những gì không phù hợp với tinh thần Việt đều mất, chính là ông đã cảnh báo từ ngày ấy.
Thơ đổi mới trên cơ sở truyền thống:
Năm 1986, khi công cuộc Đổi mới được phát động, các nhà thơ thế hệ thơ chống Mỹ bước vào độ tuổi trong ngoài bốn mươi. Đối với văn chương tuổi đó không còn quá trẻ, nhưng cũng chưa phải đã muộn, nếu không muốn nói là đang đến độ chín. Đây là thế hệ các nhà thơ đã có những đóng góp xuất sắc vào công cuộc bảo vệ Tổ Quốc, đã được ghi nhận trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại như một trang đặc sắc của văn chương yêu nước. Tư tưởng nhất quán, tình cảm nồng nhiệt, bút pháp ổn định…là đặc điểm chung của thế hệ các nhà thơ những năm chống Mỹ. Nhưng chính sự “ổn định” này nếu để sẽ lâu hóa thành cản trở. Khi chiến tranh đã đi qua, một tâm thế khác đã hình thành, người đọc đã nhận ra “giàn đồng ca” của thời chiến tranh chống Mỹ cũng đã đến lúc cần thay đổi. Thế hệ các nhà thơ tham gia chiến tranh chống Mỹ, sáng tác trong những năm chiến tranh, mới thật sự là thế hệ cần “đổi mới” hơn cả bút pháp của họ.
Vấn đề là sau khi chiến tranh kết thúc và tiếp theo là công cuộc đổi mới, họ có kịp thay đổi để tiếp tục sáng tạo trong một bối cảnh đã khác với những cảm hứng sáng tạo, như một nếp quen trước đây của họ?. Trước đây là ngợi ca nhân dân anh hùng, lúc này ngợi ca vẫn còn cần thiết, thậm chí ngợi ca nữa vẫn chưa đủ, nhưng đó không phải là cảm hứng thường trực trong tâm tư của họ và của các thế hệ sau họ. Đất nước sau chiến tranh cần được nhìn nhận toàn diện để đổi mới, nhà thơ vẫn được xem là lớp người mẫn cảm nhất với thời cuộc liệu có đem lại những cảm xúc mới mẻ trong sáng tác của mình?.
Trước hết, cần xác định, đổi mới thơ không phải chỉ là đổi mới về hình thức, mặc dù hình thức của thơ không bao giờ tách khỏi nội dung. Bao nhiêu kiểu thơ tượng hình (hình thoi, hình vuông, hình quả trám…) trước kia chẳng phải đã một đi không trở lại!. Ngay cả một thể thơ có vẻ nhịp nhàng như thể song thất lục bát, trước kia quen thuộc là vậy, đến những năm sau chiến tranh không còn ai sử dụng nữa. Đổi mới thơ, quan trọng nhất vẫn là đổi mới cảm hứng sáng tạo, đổi mới nhận thức tư tưởng và từ đó đổi mới nội dung, ngôn ngữ của thơ. Trên cái nền chung là chủ nghĩa yêu nước, là trách nhiệm công dân của người cầm bút, nhà thơ đi tìm những vấn đề mới mà cuộc sống đang đặt ra, lý giải nó bằng nhận thức của cá nhân mang ý nghĩa xã hội tích cực. Với tinh thần này, nhiều nhà thơ đã lặng lẽ đổi mới thơ của họ, từ Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Ý Nhi, Trần Nhuận Minh, Thi Hoàng, Nguyễn Trọng Tạo cho đến Y Phương, Ngô Thế Oanh…. Một nền thơ thời chiến, từng hào sảng ca ngợi đất nước, nhân dân chiến đấu với cảm hứng “sử thi”, họ chuyển sang cảm hứng “thế sự” với rất nhiều ưu tư, để phân tích, nhận diện, để giải bày tâm trạng cá nhân, có lúc như để phê phán, thậm chí trì chiết. Trước kia trong thơ là “đạo” hôm nay trong thơ là “đời”. Trước kia là tình cảm và ý thức cộng đồng, hôm nay là tâm trạng cá nhân. Nguyễn Duy suy nghĩ về đất nước khi anh nhìn từ xa, lo âu trước những gian nan, khó khăn vô thường của đời sống sau chiến tranh và lo âu ấy kéo đến tận ngày hôm nay:
Xứ sở bao dung
Sao thật lắm thần dân lìa xứ
Lắm cuộc chia ly toe toét cười
Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
Chen nhau sang nước ngoài làm thuê
(Tổ Quốc nhìn từ xa)
Hữu Thỉnh bên cạnh những trường ca viết về chiến tranh là những bài thơ nói lên thân phận của con người trước những đổi thay nhân tình thế thái: Chưa viết giấy đã cũ/ Chưa viết sông đã đầy/ Đám cưới đi qua có người đứng khóc/ Chưa viết chợ đã đông/ Chưa viết đồng đã bạc/ người than thở vì mất mùa nhân nghĩa (Thương lượng với thời gian); Nguyễn Khoa Điềm không thay đổi trách nhiệm, nhưng thay đổi cách viết trước cánh rừng âm u anh đã rung lên như sấm sét thì bây giờ anh được hát một lời buồn (Không có quyền mệt mỏi). Đó là khi: mồ hôi trở nên quá rẻ/ Cái ranh ma trở nên quá giàu (Cánh đồng buổi chiều).; Nguyễn Trọng Tạo từ những nỗi buồn: Là khi tỉnh giấc trong đêm/ Một mình ta thấy ngồi bên nỗi buồn đến những trăn trở: Nhưng tôi, người cầm bút than ôi/ Không thể không tin gì mà viết (Tin thì tin không tin thì thôi); Ngô Thế Oanh cảnh báo: Vòng quanh ta là bóng tối lặng im/ Thứ bóng tối luôn sẵn sằng phản bội (Hăm Lét); Ý Nhi không thoát được nỗi buồn lo: Cây dào dạt những lá vàng trong lá/ Hè mới sang thoắt đã thu rồi/ Lòng bất chợt niềm lo âu vô cớ/ Một màu mây xa lạ ngang trời; Trần Nhuận Minh từ Bản xô nát hoang dã đến 45 khúc đàn bầu vô danh, Nhà thơ và hoa cỏ là một bước thay đổi căn bản “chất giọng” của thơ mình, khi anh tiếp xúc với những cảnh đời éo le trong cuộc sống thường ngày. Hoàng Phủ Ngọc Tường đôi khi đặt mình trước sự “biến thiên” của thế gian và trần gian, cõi sống của con người: Gõ hai đầu âm dương/ Một tinh cầu vô vọng/ Trên tài hoa nhàu nát/ Trên trần gian khói sương/ Trên mặt người biến sắc/ Mưa in dấu vô thường…Hoàng Nhuận Cầm đã xa những ngày “hát khắp Trường Sơn”: Sáng nay/ Như rất nhiều buổi sáng/ Chuyến xe điện vắng teo/ Lăn bánh qua bản nhạc cuối cùng/ Có một người áo lính/ Khóc rưng rưng (Nến sắp tắt). Phạm Tiến Duật trăn trở trước số phận những người làm thuê ở chợ lao động Giảng Võ: Các anh đứng đó thưa dần trong chiều muộn/ Chỉ còn lại một người, tôi bỗng nhận ra anh/ Đức kiên trì đứng cùng vết sẹo/ Anh là mảnh vỡ cuối cùng của cuộc chiến tranh (Chợ lao động Giảng Võ)…
Quả thật, đã có một sự chuyển đổi trong quan niệm nghệ thuật của các nhà thơ “chống Mỹ”. Chuyển từ cảm hứng sử thi sang thế sự, từ giọng “cao” sang giọng “trầm”, cảm hứng công dân đã hướng sang những vấn nạn thực tại trước mắt. Một sự chuyển hướng phù hợp với cảm thức sáng tạo cũng như tâm trạng của người tiếp nhận. Thơ dường như bớt đi “véo von” để thật hơn, để “sát sườn” hơn với những lo toan của con người hiện tại. Nhiều cây bút đã trở nên sâu sắc trước hiện thực cuộc sống đang có nhiều biến thiên. Về mặt nào đó, có thể nói, thơ của lớp nhà thơ “chống Mỹ” vẫn là tiếng nói chủ đạo trong giai đoạn thơ Việt đương đại, mặc dù khi nền thơ đã có khá nhiều những “hợp âm” mới đáng ghi nhận.
Góp vào dòng chảy của thơ Việt sau 1986 là những sáng tác của những nhà thơ lão thành, trong đó có hai trường hợp đặc biệt: Chế Lan Viên với Di cảo, Nguyễn Đình Thi với Sóng reo. Di cảo là một cuộc cách tân mạnh mẽ của thơ chiêm nghiệm và trí tuệ, đưa thơ Việt vào quỹ đạo hiện đại. Không nên cho rằng Chế Lan Viên sám hối như có người nói. Chế Lan Viên cũng như hầu hết mỗi người Việt Nam bình thường, đã có lúc không bằng lòng với thực tại, một thực tại mà nhân dân đã hy sinh quá lớn để có được, nhưng tiếc thay lại có lúc trở nên chưa đáp ứng được những đòi hỏi bình thường của mỗi con người: Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ/ Ai chịu trách nhiệm vậy?/ Lại chính là tôi? Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời/ Tôi ú ớ/ người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong/ Tôi xấu hổ (Di cảo). Di cảo của Chế Lan Viên đổi mới trên cả hai phương diện: nội dung tư tưởng, tư duy và ngôn ngữ thơ: nội dung mang tính xã hội sâu sắc, tư duy thơ hiện đại kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và cảm xúc, và ngôn ngữ thơ bình dị, không cao giọng, gần với đời sống. Nói thơ Việt Nam đổi mới những năm từ cuối thế kỷ XX, không thể không nói đến Di cảo của ông. Nguyễn Đình Thi một nhà thơ từ buổi đầu, chủ trương thơ không vần cho đến cuối đời vẫn không ngừng đổi mới thơ. Có thể để không lặp lại lối thơ vần vè, êm dịu nhưng dễ buồn tẻ một phần, phần khác do đòi hỏi của cuộc sống, ông làm thơ không vần, đưa những lời nói thường vào thơ (!). Tập thơ cuối cùng của ông, Sóng reo ( 2001 ) vẫn có những bài không vần, nhưng đầy thi cảm: Một khoảng trời xanh kia/ Không phải chuyện đùa/ Bão điên cuồng muốn dập tắt mọi ánh đèn trong ta/ Lớp lớp mây đen đùn lên đe dọa/ Những cơn lốc cuốn bụi rác bay mù/ Hắt vào chúng ta/ Có một khoảng trời xanh kia/ Đâu phải chuyện đùa ( Sóng reo ). Ý thơ sâu sắc, liên tưởng kín đáo, ngôn từ tha thiết gợi cảm mà kiên định, Sóng reo diễn đạt thoải mái, tự do mà vẫn thấy sự chắt lọc, quyết liệt mà vẫn chứa đầy chất thơ, góp thêm vào tính hiện đại của thơ Việt…
Như vậy, thơ Việt đang chuyển động, không hề đứng “tại chỗ”. Tôi không bi quan về tình trạng ít người đọc hiện nay của thể loại kén người đọc này. Ngược lại tôi rất mừng vì chúng ta đang có nhiều cách diễn đạt mới. Đó là niềm hy vọng của một người yêu thơ.