GỬI THƠ TẶNG BỘ ĐỘI HẢI QUÂN
Đến chia vui cùng tác giả Ngọc Khương, ngoài động đảo bạn đọc, bạn viết còn các chiến sĩ hải quân. Anh hùng lực lượng vũ trang, đô đốc Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã nhận từ tay tác giả 100 cuốn thơ gửi tăng các anh bộ đội hải quân đang tại ngũ. Anh hùng Mai Xuân Vĩnh, mở ngay tập Đất nước tôi và đọc 4 dòng viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Bạc đầu sóng quặn trùng khơi / Cụ đi sóng cũng như người chịu tang / Ờ kìa núi đứng nghiêm trang / Đội vành mây trắng vắt ngang đỉnh chùa.Xin giới thiệu bài viết về 3 tập thơ mới của tác giả Ngọc Khương
BA TẬP THƠ MỘT NỖI NIỀM ĐẤT NƯỚC
Nguyễn Hữu Trường
1.Một thầy giáo dạy văn giỏi nghề, người góp công mở đường xã hội hóa sân chơi văn học nghệ thuật
Khi là học sinh lớp 10 (tức lớp 12 bây giờ) Ngọc Khương đoạt giải nhất học sinh giỏi văn của tỉnh Quảng Bình và mơ được làm người thầy để truyền đạt niềm đam mê văn học cho lớp trẻ. Ước mơ thành sự thật. Năm 1969, anh được về dạy tại một trường điểm của tỉnh Quảng Bình, trường cấp ba Hạ Trạch nay là trường phổ thông trung học Lưu Trọng Lư. Từ đấy thầy Ngọc Khương vừa dạy học vừa bươn chải kiếm sống vừa kiên trì sáng tác văn học để nay đã có 14 đầu sách. Năm học 1966-1967 tôi học lớp 10/10. Khương học sau tôi một lớp tại trường cấp 3 Nam Quảng Trạch – Quảng Bình. Tôi có bài thơ viết cho báo tường do nhà trường phát động tuần lễ tưởng niệm cô giáo và học sinh trường Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bị máy bay Mỹ ném bom giết hại. Ngọc Khương chọn bài thơ này làm tiết mục tiếng thơ trong hội diễn văn nghệ các trường cấp 3 phổ thông toàn tỉnh. Tiết mục của anh được xếp giải Nhất. Tôi vô cùng xúc động. Cũng từ đây tôi biết và làm thân với Ngọc Khương.
Ngọc Khương sinh ra ở một làng quê hiền hòa thuộc tỉnh Quảng Bình bên dòng sông Gianh thơ mộng, nơi có nhiều dấu tích lịch sử lâu đời, nhiều tướng lĩnh tài ba, nhiều văn nhân khoa bảng nhưng… nghèo, lại gặp cai “eo” đất nước chia cắt, bố mẹ và các em của ông bị cuốn vào Nam trong cơn lốc thời cuộc. Cậu bé Ngọc Khương phải ở lại cùng bà nội vì còn quá bé. Đằng đẵng suốt hơn hai chục năm trời, ông ngậm nỗi đau đêm Nam, ngày Bắc, thay dòng sữa mẹ, bằng lời ru của nội. Mãi cho đến ngày Bắc Nam sum họp một nhà, ông mới gặp lại được cha mẹ anh em! Năm 1980, Ngọc Khương vào TP.HCM. Ông vừa dạy học vừa viết bài cho các báo, vậy mà “cơm áo không đùa với khách thơ” ông tạm gác bút mở doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng tiệc cưới, hỗ trợ cho thanh niên nghèo (158 Bàu Cát 3, P.12, Q. Tân Bình và chi nhánh tại Vĩnh Lộc, Q. Bình Tân). Chính anh giáo trẻ đẹp trai, tốt giọng Ngọc Khương, với kiến thức văn khoa sư phạm, tự tin cầm mic làm MC xe duyên cho cả nghìn cặp tân lang và tân giai nhân; đồng thời thành lập CLB Thơ – Nhạc Hương Nguồn, và trở thành một trong những người đi đầu thực hiện mô hình “Xã hội hóa văn hóa”, tạo một sân chơi văn học nghệ thuật lành mạnh, một diễn đàn văn hóa nhằm giới thiệu tác phẩm tác giả thơ nhạc trong và ngoài thành phố. Mô hình “hát với nhau” giờ đang lan rộng cả nước cũng xuất phát từ CLB Hương Nguồn của ông từ đầu những năm 90 thế kỷ trước.
2.Cú hattrick thơ ca mùa worldcup 2018
Thật bất ngờ, hè này giữa mùa worldcup nóng bỏng Ngọc Khương cùng lúc ra mắt 3 tập thơ, như một tự tin văn chương như quyết tâm thể hiện bút lực của mình - Cò bay giữa phố, Lục bát đảo và Đất nước tôi. Thơ của Ngọc Khương phần lớn được viết bằng ngôn từ giản dị nhưng thi tứ giàu phát hiện và có không ít những liên tưởng thú vị. Đã lâu, gần như thành mặc định, người ta quen mô tả nông thôn với hình ảnh trên cánh đồng lúa xanh có con cò cánh trắng bay liệng đẹp như trong ca dao. Nhưng với Ngọc Khương ông lại có phát hiện mới. Từ việc xuất thân ở nông thôn, lòng luôn nặng nhớ quê, ông nhận ra rằng phố không chỉ có những dãy nhà bê tông cốt thép khô cứng. Ở phố vẫn có những mảng xanh của hồ nước, của công viên. Và đó chính là... "nông thôn" của ông và của các cư dân phố thị:
Hóa ra giữa phố
Còn chút đồng quê
Đàn cò chấp chới
Cõng ca dao về
(Cò bay giữa phố)
Ngọc Khương đi nhiều lắm, để học cánh cò kiên nhẫn kia “cõng” thơ ca về! Ông đến với những hòn đảo từ Bắc chí Nam, từ Bạch Long Vĩ, Cô Tô, đến Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, từ đảo Phú Quý cho đến Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu... Ông vươn angten cảm xúc của mình đến với cả những hòn đảo chưa tới được nhưng đã là những đảo thiêng, đảo trong trái tim của mọi người Việt Nam. Ông viết về người lính đã hi sinh trong cuộc chiến giữ Đảo Gạc Ma:
Nát thân
Còn giữ lời thề
Bạc đầu khăn sóng
Quặn về muôn sau,,,
(Sóng Gạc Ma - Lục bát đảo)
Mười bốn âm tiết mà rất đầy đủ: sáu tiếng nói về người lính chiến bảo vệ Gạc Ma, tám tiếng dành nói về đất nước và nhân dân đau đớn và biết ơn. Môt cặp lục bát đủ sức thơ nối thời cuộc vào giang sơn.
Tuy nhiên, biển và đảo không chỉ là bão tố chiến tranh biển và đảo còn có những vẻ đẹp muôm thuở như vẻ đẹp của đôi hòn Trống Mái trên Vịnh Hạ Long:
Đôi gà
Trụ giữa biển khơi
Triệu năm chung thủy
Cho người mẩn mê
(Hòn Trống Mái – Lục bát đảo)
Cái nhìn rất nghệ sĩ. Đôi gà trụ giữa biển khơi thì có lẽ ai cũng biết, nhưng nhận ra đó là biểu tượng của “triệu năm chung thủy”, chỉ cái nhìn nhân hậu và nghệ sĩ mới thấy được. Bởi thế, đến với Đảo Yến, hòn đảo chở che cho nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ngọc Khương nhìn thấy một điều ít ai để ý:
Ai giăng chi vạt sương mù
Bâng khuâng... Đại Tướng vén thu ngắm trời
(Đảo Yến - Lục bát đảo)
Đi tới, chiêm nghiêm bằng ấy hòn đảo, chưa thỏa sức bút, chữa đủ trang để tác giả thể nghiệm khát khao đổi mới bút pháp của mình, Ngọc Khương viết thêm tập Đất nước tôi. Trong không gian nghệ thuật khoáng đạt của tập thơ mới, hễ có cơ hội, tác giả thể hiện dụng công nghệ thuật, từ cái rộng của trời biển, cái cao của núi non tổ quốc mà hướng tới độ sâu trong tâm tưởng của mỗi con dân. Khi ngắm trăng Vũng Tàu, ánh trăng một đêm ấy sẽ mãi soi sáng những đêm sau:
Rồi tạm biệt, ta về thành phố
Lại thương trăng, nhớ biển Vũng Tàu
Đêm trở dậy, cồn cào sóng vỗ
Trăng bên mình mà cứ ngỡ ai đâu
(Trăng Vũng Tàu – Đất nước tôi)
Cái đẹp của non sống đất nước sẽ đẹp mãi với ai “cồn cào” sóng yêu nước. Cái đẹp ấy có giá trị cảnh tỉnh! Tác giả nhắc nhở, có những mỹ cảm công dân đã thành mỹ tục, thành truyền thống, vậy mà bây giờ trong nhịp sống gấp gáp, có người không còn giữ được! Đến Hóc Môn chơi, ông cứ băn khoăn:
Bây giờ môi nhạt trầu cau
Níu nhau thì ít, buông nhau thì nhiều!
Bao giờ trầu lại xanh đều
Hoa cau lại nở ngát chiều Hóc Môn?
(Vườn trầu của má – Đất nước tôi)
Đọc một hơi cả 3 tập thơ mới của Ngọc Khương như được cùng tác giả đi rộng ra khắp non sông đất nước chúng ta và chính dư vị, chính vĩ thanh của tập thơ giúp mỗi người đọc nhìn lại chính mình từ góc độ ý thức công dân!
N.H.T