Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Làm báo ở Trường Sa

(Chào mừng ngày Nhà báo Việt Nam 21/6)

Nhà phê bình Văn Giá - 17-06-2011 01:08:22 PM

VanVN.Net - Chúng tôi, những người làm báo đã nhập vào Đoàn công tác tham quan tìm hiểu biển đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 mang tên Đoàn công tác số 9. Xin thưa, đi công tác trên vùng hải đảo nên hiểu như đi vào vùng có nguy hiểm, hao hao cái cảm giác như đi vào chiến trường vậy. Chín ngày trên biển đảo mênh mông, giữa nắng gió, sóng biển ngút ngát không có chân trời, giữa những người lính đảo kiên trung sạm mùi muối mặn ngày đêm gìn giữ biển đảo quê hương, những người làm báo nghĩ gì, viết gì, tác nghiệp thế nào?...

1. Những huấn thị trước lúc ra khơi

Vâng, phải nói là huấn thị. Bởi vì hầu hết những người cùng đoàn, trong đó có cánh nhà báo chúng tôi có thể nói chưa hiểu biết nhiều nhặn gì cho lắm về biển đảo. Cũng đọc một số bài báo trước đó. Cũng thấy bảo ở ngoài này lính tráng thiếu nước, thiếu rau, thiếu tình cảm đất liền, chứ còn tinh thần thì khỏi phải nói... Nhưng hiểu được gì về tình hình an ninh trên biển, các cam kết, các điều luật về biển, các đối tác về kinh tế và quân sự, các tri thức tối thiểu về lãnh hải?... Nghĩa là chúng tôi cũng thuộc diện “u tì quốc”. Thế nên buổi tập huấn rất quan trọng và thiết thực. Các sĩ quan mô tả trên bản đồ về vùng biển đảo Trường Sa, giải thích thế nào là đường cơ sở, thế nào là vùng lãnh hải, thế nào là đường biển quốc tế đi qua lãnh hải, quyền và nghĩa vụ của nước ta đối với đường hàng hải quốc tế này... Những tri thức ấy giúp chúng tôi viết không bị...nhỡ tay. Nhất là có những điều thuộc bí mật quân sự, những điều thuộc về chủ trương của nhà nước ta mà cấp trên yêu cầu không được phép đưa tin. Vâng, chúng tôi hiểu không phải cứ chép nguyên xi hiện thực đã được coi là trung thực. Có những cái đưa lên mặt báo, mặc dù thật đấy, yêu quý đấy, nhưng chắc gì đã có lợi, thậm chí hiệu quả âm. Như thế có phải “Yêu nhau hoá chẳng bằng mười phụ nhau”?... Sau buổi huấn thị, tất cả những người trong đoàn và cánh báo chí chúng tôi vô cùng háo hức mong giờ phút nhổ neo. Bao nhiêu lo lắng nào say sóng, ốm đau, áp thấp… bỗng nhiên tiêu biến hết. Trước khi đi, tôi vẫn còn đang bị hơi đau chân, do trước đó va quệt xe máy, trong lòng có chút ngần ngại. Hỏi một người bạn đã đi chuyến năm ngoái, được bảo: “Nên đi. Nên đi. Phải được trải nghiệm trong những không gian lớn, cảm xúc lớn. Đây là một cơ hội. Có tiền cũng không đi được đâu”. Thế là tôi yên tâm khăn gói lên đường.

Đảo chìm nhìn gần

2. Lên đảo, rời đảo - quân lệnh như sơn.

Điểm đảo đầu tiên mà chúng tôi tới sau 2 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển là đảo chìm có tên Đá Lát. Trời ơi, đảo chìm là đây. Đã đọc Đảo Chìm của Trần Đăng Khoa, nhưng chưa thể nào hình dung nổi. Trong ánh bình mình đang tràn lan trên biển, mọi người reo: “Đảo đây rồi!”. Từ xa nhìn lại, trông bé tẹo như một cái chòi. Tàu tiến lại gần. Trông to như một cái...lô cốt thời Tây còn sót lại ở quê tôi. Tầu neo lại cách đảo chừng năm bẩy trăm mét. Bắt đầu đến lượt xuồng đưa người lên đảo. Hai xuồng. Có đến 5 chuyến mới chở hết gần trăm con người lần lượt lên đảo. Chuyến đầu tiên bao giờ cũng dành cho lãnh đạo, giới báo chí cùng đoàn văn công.  Lãnh đạo lên để gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà. Báo chí được ưu tiên để tác nghiệp. Văn công lên để chuẩn bị biểu diễn giao lưu.

Vào tận nơi. Gặp các chiến sĩ tay bắt mặt mừng, cứ như thể đã thân quen từ lâu lắm rồi, nay mới gặp lại. Chúng tôi đi tham quan, tìm hiểu. Này đây là tầng hầm để dụng cụ binh khí. Tầng hai là nơi làm việc. Phòng ốc khang trang sạch sẽ. Bếp ăn có bếp dầu, có tủ lạnh hẳn hoi. Hỏi ra mới biết trên đảo đã có nguồn điện pin mặt trời được vận hành từ năm ngoái. Ngoài ban công là vườn rau. Gọi là vườn rau cho oai, thực ra là các hộp xốp đựng đất vi sinh được mang từ đất liền ra. Thế mà cũng đủ loại. Rau muống. Rau cải. Mùng tơi. Nhiều nhất là lá mơ. Rau trồng ở đây chỉ hợp với dịp tháng 3 - 4 hằng năm, chứ còn các tháng khác gió to, hơi mặn táp lên, rau héo hết, khó lên lắm, dù có che chắn kỹ lưỡng bằng mấy. Khi nhìn thấy hàng rào lá mơ tươi tốt khiến tôi liên tưởng ngay đến đàn chó năm bẩy con mà lúc vừa đặt chân lên đảo đã gặp. Chúng hiền khô, thấy người lạ tịnh không một tiếng sủa. Hỏi, một người lính bảo: “Anh em nuôi chúng để cải thiện dần”. Tầng nóc trên cùng là dàn pin mặt trời, trạm quan sát... Sau khi thăm thú toàn cảnh, chúng tôi gặp gỡ trò chuyện với các sĩ quan và chiến sĩ. Hỏi thăm tên tuổi, quê quán, gia cảnh, năm công tác, ước nguyện... Chụp ảnh, ghi chép lia lịa. Cứ ghi làm tư liệu thế đã, rồi về tính sau. Chuẩn bị, khai thác thông tin mà.

Hoạt động thăm hỏi, tặng quà, biểu diễn văn nghệ  giao lưu cùng chiến sĩ diễn ra chừng gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi được lệnh chia tay. Chưa ai muốn rời. Nhưng lịch trình quy định như vậy. Quân lệnh như sơn mà. Hỏi ra mới biết, nếu không rút ra khỏi đảo sớm thì phải...ở lại đến hôm sau, vì khi đó nước thuỷ triều rút xuống, xung quanh đảo là bãi san hô trơ ra, xuồng không thể nào vào ra được.

Chúng tôi lại tiếp tục đi theo hải trình định sẵn. Tổng cộng chín ngày. Đi qua 9 điểm đảo và nhà giàn. Qua 3 đảo nổi (Trường Sa lớn, Trường Sa đông, An Bang), 5 đảo chìm (Đá Lát, Đa Tây, Tốc Tan, Núi Le, Thuyền Chài). Và một nhà giàn DK1.

Các nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa

Khi đến đảo nổi có tên Trường Sa lớn (để phân biệt với Trường Sa đông, một đảo nhỏ hơn cách xa nhau), lúc đó trời đã về chiều. Chúng tôi được lệnh lên đảo. Ban đầu là việc gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, tặng quà. Sau đó chúng tôi tản đi thăm Nhà thờ Bác Hồ, Chùa, Đài liệt sĩ. Ngoài việc thăm thú các chiến sĩ, chúng tôi được vào nhà dân. Một xóm nhỏ quy hoạch thành một dãy liên hoàn, được xây dựng khang trang, ngăn ra làm 7 hộ có cổng riêng cho mỗi hộ gia đình. Chúng tôi vào từng nhà trò chuyện, chụp ảnh, ghi âm, ghi chép, quan sát đủ thứ. Khi ra ngoài đường, tôi hỏi mấy đồng nghiệp trẻ: “Có gì mới mẻ độc đáo để viết không?”. Mấy bạn đưa mắt nhìn nhau, một bạn bảo: “Khéo tèo rồi anh ơi”. Quả là khó chứ không dễ. Về các hộ gia đình ở đây, báo chí cũng đã viết nhiều lắm rồi. Để có được một thông tin gì hoàn toàn mới là không dễ. Mà báo chí thì cần thông tin. Chả lẽ lại chịu thua. Tôi thầm nhủ hãy chi chút, kỹ lưỡng một chút xem có gì lạ lạ không. Tôi thường nói với sinh viên báo chí của tôi: nhà báo không bao giờ được quyền nói rằng không có cái gì để viết, mà ngược lại, cuộc sống không bao giờ cạn nguồn để viết, chỉ sợ nhà báo không biết nhìn ra mà thôi…

 Riêng tôi, vào thăm một gia đình lại hoá...may. Chả là thấy mỗi ông chồng đón khách. Hỏi vợ con đâu, hoá ra là vợ vừa đi theo máy bay trực thăng về đất liền để đẻ, mang theo cả đứa con 5 tuổi về cùng. Vợ anh là cô giáo, một cô giáo duy nhất ở đây. Trường có 4 lớp: lớp bốn, lớp hai, lớp một và lớp mẫu giáo. Cô dạy cả bốn lớp. Sĩ số thì thật đặc biệt: lớp một có 2, lớp hai có 2, lớp bốn có 2 và mẫu giáo có 2, riêng lớp ba không có học sinh vì không có độ tuổi ấy. Lại hỏi: cô giáo về đất liền thế thì lớp học ở đây ai dạy? Thì ra cô đã dồn chương trình, hoàn thành và kết thúc năm học sớm. Chuyện trò đủ thứ, sau đó tôi được dẫn ra thăm trường. Phòng ốc sạch sẽ, sân có khá nhiều dụng cụ đồ chơi. Lòng tự thấy thế làm mừng. Thế là có cái viết rồi. Tôi xin mấy kiểu ảnh về ông chồng khi vợ vắng nhà. Bài báo ấy, sau đó tôi đăng trên một tờ báo của ngành nông nghiệp.

Riêng đảo Trưòng Sa lớn, chúng tôi đuợc ở lâu nhất. Cập đảo khoảng 4h chiều. Tối ăn cơm trên đảo. 7h giao lưu văn nghệ. 10h30 rời đảo trong niềm chia tay bịn rịn. Lúc này, trời đã về đêm, mấy chục chiến sĩ ra tận cầu tầu đưa tiễn. Người dưới bờ, người trên tàu cùng nhau hát hết bài này bài khác mãi chẳng muốn rời. Miệng hát mà mắt như muốn khóc. Ba hồi hòi rúc lên dứt khoát. Tàu nhổ neo ra khơi. Những bàn tay vẫy những bàn tay. Đảo Trưòng Sa lớn điện thắp sáng trưng nhỏ dần nhỏ dần trong tầm nhìn của chúng tôi. Khi đảo chỉ còn như một con tàu nhỏ được nhận biết qua những ngọn điện thắp sáng, chúng tôi mới chịu rời boong về buồng ngủ. Nhớ và biết bao thương cảm...

 Phóng viên Phương Chi phỏng vấn chàng lính trẻ

3. Các đồng nghiệp của tôi.

Tôi được đi cùng mấy đồng nghiệp trẻ. Nhật Tân ở báo Tài nguyên và Môi trường. Tô Hợp ở báo Khoa học và Đời sống. Phương Chi thuộc Đài TNVN. Toàn những nữ nhà báo trẻ tuổi, xinh tươi. Có thêm hai phóng viên nam cũng trẻ của báo Phụ nữ Việt Nam và báo Kế hoạch & đầu tư. Họ cứ ríu rít với nhau suốt. May mà có ông bạn “giề” Trần Thọ bên Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn đi cùng. Nhớ câu ca dao sinh thời nhà thơ Xuân Diệu hay tấm tắc: “Xuềnh xoàng đánh bạn xuềnh xoàng/ Trẻ vui bạn trẻ, già choang bạn già”... Mấy em tác nghiệp trông rất chuyên nghiệp. Nhìn Nhật Tân thì biết. Người nom có vẻ liễu yếu đào tơ, mà cổ thì đeo cái máy ảnh cỡ bự, tay khư khư cầm quyển sổ, cây bút, máy ghi âm sẵn sàng vào cuộc. Nhật Tân đặc biệt ham chụp ảnh. Nào là ảnh chân dung, ảnh tư liệu, ảnh phong cảnh, ảnh các sĩ quan chiến sĩ, ảnh người trong đoàn cùng đi. Thoắt vừa thấy góc này đã lại nhao sang góc khác. Tô Hợp cũng vậy. Tay năm tay mười. Lúc thì phỏng vấn, khi thì chụp ảnh, lúc lại nghí ngoáy ghi ghi chép chép. Nhìn Phương Chi bên nhà đài phát thanh cũng không thua kém. Hễ mỗi khi đến đâu, Phương Chi nghĩ ngay đến việc tìm người để phỏng vấn, thu âm. Lúc thì đảo trưởng, khi thì chiến sĩ. Lúc đề tài bầu cử, khi đề tài tâm tình... Có lần không thấy Phương Chi đâu cả, mà giờ  lên xuồng rời đảo đã điểm, chạy đi tìm, hoá ra Phương Chi vẫn đang miệt mài phỏng vấn ghi âm tận hút trong nhà Ban chỉ huy. Nhìn sang Trần Thọ tuy không còn trẻ nữa, nhưng cũng thấy chụp ảnh nhoay nhoáy, lại lọ mọ giương mục kỉnh ghi ghi chép chép ra vẻ cần mẫn lắm. Trông mấy phóng viên trẻ, tôi ghé tai Trần Thọ bảo: “Ông xem cánh phóng viên trẻ kìa, mình đến lúc thua chúng rồi ông ạ”. Thọ còn nhưóng mắt lên, lia một kiểu ảnh nữa rồi khoát tay: “Thua là thua thế nào!”....

Sau đợt đi biển Trường Sa độ hơn tuần, tôi gọi điện hỏi mấy nữ phóng viên có viết được nhiều bài không, được Nhật Tân email cho đường link, mở ra thấy 4 bài liền đăng trên báo Tài nguyên và Môi trưòng. Đọc vào thấy thật kỹ lưỡng. Có địa chỉ. Có tên tuổi từng người. Tôi thích nhất chi tiết trong bài báo của Nhật Tân: anh chiến sĩ trẻ được hỏi rằng mỗi khi nhớ nhà anh làm gì, anh trả lời: “Lấy sỏi ném thia lia trên mặt biển cho đỡ nhớ”. Một chi tiết nói lên tâm hồn của anh lính mười tám đôi mươi vẫn đang còn quá trẻ, đang còn tâm tính hồn nhiên kiểu trẻ thơ. Thật đáng yêu. Nhật Tân tâm sự: “Đối với em, chuyến đi Trường Sa cực kỳ mới mẻ. Báo em đã có 3 người (trước em) đi Trường Sa, nhưng mỗi người kể  thì đều khác với những gì em được chứng kiến trong chuyến đi này. Sự  thay đổi ở Trường Sa cũng thật nhanh chóng phải không anh”. Tôi hiểu, cùng trước một hiện thực, mỗi người có một góc nhìn khác, một cách cảm nhận khác. Tuy nhiên, tôi cũng lại hiểu thêm: với một tâm hồn trẻ tuổi và đầy mẫn cảm như Nhật Tân, cuộc sống ở Trường Sa sẽ cất lên những âm thanh mới, sắc điệu mới mà người khác không dễ gì thấy được. “Khi người ta trẻ” mà, đúng thế!

 

Vườn rau và pin mặt trời trên đỉnh nóc nhà giàn DK1

Còn nhà báo Tô Hội thì khoe: “Em viết được một loạt ký sự 3 kỳ, một bài giới thiệu về phong cảnh con người Trường Sa qua ảnh 2 trang, một bài phóng sự 2.500 chữ… và còn nhiều tư liệu để tiếp tục sáng tác vào những dịp phù hợp”. Đúng là những con ong chăm chỉ. Tôi hỏi điều khó khăn nhất khi tác nghiệp trong chuyến công tác Trường Sa, Tô Hội cho biết: “Cản trở lớn nhất đối với chúng em là thời gian sống và tiếp xúc với người trên đảo ít quá. Mỗi đảo chỉ được ở lại khoảng 2 tiếng đồng hồ. Chừng ấy thời gian chưa đủ để hiểu hết cuộc sống ở góc thật nhất, những tâm tư ở góc sâu kín nhất… của mỗi con người”. Tôi hoàn toàn đồng tình với tâm sự này của Tô Hội. Giá như được rảnh rang mà tiếp xúc, ngó nghiêng kỹ lưỡng thêm thì hay biết mấy. Thế mới gọi là kỷ luật nhà binh...

Khi trở về đất liền, chúng tôi những người làm báo thường xuyên mail, nhắn tin, gửi link cho nhau, khoe những bài mới đăng. Mà không chỉ cánh báo chí với nhau đâu, chúng tôi còn í ới với những người cùng chuyến đi, với cả một số cán bộ chiến sĩ trên Truờng Sa, trên con tàu đưa chúng tôi đi trong 9 ngày lênh đênh trên biển đảo Tổ Quốc. Sắp tới đây, chúng tôi dự kiến sẽ gặp lại nhau để cùng nhớ về Trường Sa, cùng hát về Trường Sa lần nữa, và...chắc chắn còn nhiều lần nữa.

---

          Hà Nội, tháng Năm, 2011

(Ảnh do tác giả bài viết cung cấp)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...