Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Hai truyện ngắn trên cùng số báo Văn nghệ 52

30-12-2011 02:45:43 PM

VanVN.Net - Một cái dự thi, cái kia từ nước ngoài lai cảo. Cả hai đều modern, hay nói như người ta đang nói là hậu hiện đại. Truyện thứ nhất là lời kể của con mèo, truyện thứ hai nhà văn gặp gỡ, trò chuyện với nhân vật trong truyện ngắn của mình trong khi nhân vật lại “gặp” một nhân vật khác trong tâm trí của cô. Cả hai đều đi tìm, đường đi và đích đến khác nhau nhưng suy cho cùng, đó chỉ là diện mạo khác nhau của Hạnh phúc. Đường đến cõi Sa – ma – đi là đến tâm linh, như Thiên đàng hay Niết bàn, một giả thuyết của Hạnh phúc vĩnh cửu nhưng do không biết cách đến, cái gia đình lục đục nọ lâm vào địa ngục do chính mình tạo nên; chỉ duy nhất con mèo thiến vốn bị giam trong tù ngục thì vụt thoát để đến được “cõi Sa – ma – đi”, được Tự do. Truyện về nhân vật Sri được viết bởi tâm hồn ngùn ngụt cháy, cái cháy bỏng của khát vọng lục tìm người cha trong ký ức mờ mịt của con người dù cái chết đã treo lơ lửng trên đầu cô; ấy là Người vậy! Hai truyện hay trên cùng một số báo, phải chăng mật độ hay của Văn nghệ đang dầy dần?

ĐƯỜNG ĐẾN CÕI SA-MA-ĐI

Truyện ngắn của McAmmond Nguyen Thi Tu

 

Trở lại với ả ư? Không đời nào. Nếu bảo tôi là tiểu nhân, hay thù dai, hay là gì nữa, tôi chịu. Nhưng tôi không thể cao cả với kẻ đã biến tôi thành tàn phế.

Tôi căm ả. Chỉ cần thấy bóng dáng hay nghe giọng ả là tôi muốn rủa. Thứ ác! Tàn kiếp ngươi cũng chẳng với tới cái cõi ấy. Đừng hòng cái lão già ngươi hôn chân trong bức ảnh trên tường nhảy ra giúp được. Sa-ma-đi! Hãy cứ mơ đi. Haha! Tôi mắc cười. Cứ ngồi khoanh chân nhắm mắt đánh vật với mớ ý tưởng lăng xăng rủng roảng trong đầu. Cứ uốn vặn thân thể, gò ép tứ chi vào những tư thế trái tự nhiên.

Hãy cứ mơ. Sa-ma-đi!

Tôi nhớ hôm ả xuất hiện trong tòa nhà khổng lồ nơi người ta giam giữ bọn tôi để chờ ngày hành quyết. Lúc ả dừng lại chỗ tôi, tôi gắng mọi cách để thuyết phục ả rằng tôi, chứ không ai khác, là kẻ xứng đáng được chọn. Bộ dạng. ánh mắt. Lời cầu. Nụ hôn kính cẩn chạm trên bàn tay ả. Phải nói chưa bao giờ tôi hạ mình thống thiết đến vậy. ả nộp tiền chuộc tôi ra. Đám tử tù chung quanh gật gù, bảo số tôi may. Lũ khờ! Tôi thầm bĩu môi. May con khỉ mốc. Tôi có cả thảy chín cuộc đời, bao nhiêu năm lay lất bươn chải, tiêu tan hết bảy hay tám rồi, còn mỗi mạng tôi không muốn bị thiêu sống trong lò ga với hàng trăm kẻ xấu số khác. May rủi do mình. Chẳng phải sự hiểu biết và đáp ứng nhu cầu của đối phương đã quyết định mạng số tôi lần này sao? Tôi vênh váo nhìn lũ bạn buồn bã chúc mừng tôi.

Ngờ đâu, thoát khỏi án tử hình tập thể, tôi lại bị tống vào ngục giam khác.

Chính ả, người đàn bà tôi lầm tưởng là vị cứu tinh, nhốt tôi trong căn nhà hai tầng tráng lệ. Gia đình cai ngục mới gồm có: ả, chồng, con gái, và thằng chó lông vàng lấc cấc. Của đáng tội, cái thằng chó xuẩn ngốc này, cũng như con gái ả - thứ nhãi ranh vắt mũi chưa sạch, tôi không chấp. Còn lão chồng luật sư nghiện rượu, công bằng mà nói, không làm gì đến nổi tôi phải ghét, chưa kể hắn lại thỉnh thoảng thí cho tôi khi hộp cá mòi, khi mấy lát thịt bò tươi, nhưng tôi luôn nhắc mình phải cảnh giác. Đã từng vào tù ra khám, tôi lạ gì. Bọn cai ngục có chung thứ máu. ác. Điên.

Giờ thuật lại tôi vẫn còn ức. Hôm ra khỏi nhà tù khổng lồ ấy, ả chở tôi thẳng đến nơi hành hình. ả bảo rằng tôi phải sửa đổi, rằng đã đến lúc tôi phải trở thành một gã trai đứng đắn. Nghĩa là phải đi giải quyết cái chuyện cần thiết ấy. Vì lợi ích của môi trường, vì tuổi thọ của tôi nữa. “Bao nhiêu năm nhăng nhít cũng đã rồi còn gì!” ả cười nhả nhớt. ả nói lẽ ra tôi phải làm chuyện này mấy năm về trước. Hơi trễ, nhưng còn hơn không. Tôi rụng rời, nghĩ đến cách chạy trốn khi xe dừng lại. “Đừng sợ. Họ có thuốc gây mê,” ả trấn an, như đọc được ý tôi. Xoay sang chuyện khác, ả bảo ả rất phấn khởi vì từ nay có thêm tôi là bạn. ở khắp chốn trên mặt đất này, biết bao phụ nữ đã nghiệm ra chân lý: không chồng không sao nhưng thiếu bạn thì cả là vấn đề, ả nói và thở dài. Mủi lòng cảm thông với vị ân nhân đã đưa mình ra khỏi cõi chết, tôi dẹp ngay ý định bỏ trốn.

ả bỏ tôi lại trong một căn phòng ngợp thứ mùi kinh dị tôi chưa từng ngửi thấy. Có một người đàn ông và người đàn bà mặc áo choàng trắng, đeo kính và găng tay. Họ ríu rít chào đón tôi, và cũng như ả, họ gọi tôi là bạn. Đêm ấy họ tiêm một thứ chất lỏng vào trong tĩnh mạch làm tôi ngủ say như chết. Thế là họ cắt bỏ hai tinh hoàn tôi. Đó là chuyện cần thiết, ả đã báo trước. Nhưng thật bất ngờ và khủng khiếp, họ chặt luôn mười đầu ngón tay tôi.

Sáng hôm sau ả quay lại. ả moi tiền trong ví đưa cho những người tùng xẻo xương thịt tôi. ả còn rối lên cảm ơn họ.

Tôi tức tưởi ngoảnh mặt. Bạn mà vậy, hỏi ai cần kẻ thù nữa?

*

ả đưa tôi về, nhốt trong một cái cũi nhựa cạnh chân cầu thang dẫn xuống tầng dưới, hằng ngày mở khóa rửa vết thương, thay băng. Chỗ thiến không sao, ơn Trời, nhưng mười đầu ngón tay tôi nhiễm trùng sưng tấy. Tôi đau, không thiết ăn uống. ả bưng đến cái chén đựng một đống hạt màu nâu xám tròn đều y như cứt thỏ, bảo tôi ăn. Lần nào tôi cũng hất đổ. Con gái ả và thằng chó chuyên lon ton bám váy ả tò mò ngó tôi, tôi càng nổi sung. Một lần chờ khi ả nhét thuốc vào miệng tôi, tôi cắn nghiến tay ả. ả rú như bị cắt cổ. Con gái ả sợ khóc ầm lên. Thằng chó không hiểu cơ sự cũng hùa theo sủa. Tôi cười khẩy. Một ngón tay rướm máu, thấm gì với mười đầu ngón bị chặt đứt? ả hoảng không dám rớ đến tôi nữa. Thứ hung tợn. Hôm mới gặp tưởng đâu dễ dạy. ả lầm bầm, đòi đem trả tôi về lại Hiệp Hội Mèo Hoang Thành Phố. Cho nó vào hỏa lò với họ hàng bè bạn nó luôn thể. Chồng ả cản. ả giao luôn cho hắn việc chăm sóc vết thương cho tôi. Hắn khôn, đem cá hộp và thịt bò bằm thơm lựng dụ tôi. Tôi không cắn hắn. Được đâu một tuần, hắn thả tôi ra khỏi cũi. Tôi hết nhảy lên nóc tủ lạnh lại chui trốn dưới gầm giường, không cho ai lại gần. Tin sao nổi bọn cai ngục vừa ác vừa điên. Tôi làm gì nên tội mà sửa đổi tôi, cắt xẻo tôi, làm què cụt tôi?

*

Vợ chồng ả cãi nhau.

Chồng ả bảo thiến tôi đã là dã man, nhưng cưa đứt mười đốt ngón tay tôi vì một mảnh đồ gỗ thì quả là vô nhân đạo.

“May đây là Canada, ở châu Âu chắc phải ra hầu tòa.

“Lại đem luật pháp ra hù dọa.Tội danh gì?

“Bạo hành. Gây thương tật cho kẻ yếm thế.

“Đó chỉ là một phẫu thuật nhỏ như thiến hoạn…

“Bác sĩ thú y… lũ bịp. Rút móng mèo nào phải đơn giản như các bà đi cắt sửa móng tay. Chặt phăng mười đốt ngón mà hô là phẫu thuật nhỏ…

Tôi vểnh tai nghe chồng ả giải thích sự khác nhau giữa vuốt mèo và móng tay người. Vuốt mèo dính liền vào xương nên khi cắt bỏ móng, phải cưa bỏ đoạn xương cuối.Tương đương cắt đốt thứ ba ở ngón tay người. Mười cuộc cắt bỏ riêng lẻ!

Hóa ra hắn cũng có chút hiểu biết về giải phẫu sinh lý cơ thể tôi. Tôi muốn bổ sung rằng mười ngón tay của tôi còn sử dụng để đi cùng với hai chân nữa. Hơn nữa, Trời sinh tôi ra là bước đi trên các ngón. Giờ ngón cụt rồi, làm sao tôi có thể đi đứng chạy nhảy bình thường được? Con chó của họ cào trầy cánh cửa, con gái họ vẽ bậy lên tường, sao ả không cắt ngón tay chúng. Thật vô lý và độc ác khi bắt tôi phải trải qua phẫu thuật đau đớn và mang thương tật suốt đời.

“Sợ nó làm hỏng bộ sa-lông thì mua cái cột quấn giấy nhám cho nó mài móng vuốt, hoặc phun nước có hương chua, hoặc cắt bớt móng. Mèo là động vật săn mồi, bản năng tự nhiên của nó là cào cấu, cắn xé, leo trèo, đuổi bắt, rình, vồ…

“Một người nghiện rượu không có tư cách lên lớp về cách đối xử với một con vật. Tôi biết tôi đang làm gì”. ả cao giọng, rồi chuyển sang chuyện ly hôn và quyền nuôi con. Từ hôm mới đến tôi đã nghe hai người cãi nhau chuyện này. ả dùng đứa con để bắt chẹt hắn trong việc phân chia tài sản.

Hắn ngậm tăm. Đến lượt ả nói. Tôi khập khiệng đi xuống tầng hầm, mặc cho vợ chồng ả xâu xé nhau. Hắn giành làm chi đứa con, tôi thấy nó có tình cảm gì với hắn đâu. Nó còn hùa theo mẹ buông ra những lời hỗn hào với bố. Tôi mà là hắn, tôi sẵn sàng chi tiền để cho hai mẹ con ả xéo đi cho khuất mắt. Con ranh con ấy, tôi không ưa chút nào, hễ thấy tôi lên đến nhà trên là xông tới kéo đuôi chọc ghẹo. Thể nào cũng có lúc tôi cắn cụt ngón tay cho nó chừa.

Từ hôm vết thương lành, tôi không còn chế độ ăn uống đặc biệt nữa. ả lại bỏ vào tô cho tôi những hạt nâu xám tròn như cứt thỏ. Vừa cứng vừa khô, vô vị vô mùi. Vậy mà thằng chó không chút sĩ diện cứ lởn vởn canh chừng, chờ tôi chê là vục mặt vào tô nhai rau ráu. Xơi sạch rồi vẫn còn liếm mép thòm thèm. Tôi chỉ biết lắc đầu khinh bỉ. Con người không hiểu tại sao mèo không ưa chó. Ưa sao nổi thứ vô liêm sỉ, tham ăn tục uống, hèn nhát, nịnh bợ, và to mồm.

 Đến bao giờ tôi mới được trở về với thế giới tự do bên ngoài? Hy vọng trốn thoát âm ỉ mỗi ngày trong tôi. Nói thực, tôi chẳng còn ham muốn chuyện trăng hoa. Tôi gần như quên khuấy chuyện mất hai tinh hoàn. Những cuộc giao chiến đêm khuya giành giật các ả mèo dâm đãng đã trở thành kỷ niệm. Hai vết cắt còn rõ trên tai tôi là dấu vết của trận đánh nhau đẫm máu vì một ả mèo tơ ở đâu lạc đến lãnh địa của chúng tôi. Bộ lông vàng óng mượt và mùi hương quyến rủ mê hồn! Tôi không cay cú lắm chuyện bị hoạn vì đời tôi đến giờ cũng đã nếm vị ân ái với hơn một trăm ả mèo đủ loại. Nghe nói ở nơi nào đó trên trái đất, để chứng minh sự trinh trắng trước khi lấy chồng, các bé gái phải chịu đựng một cuộc thiến sống. Âm vật bị cắt bỏ và khâu kín lại, chỉ chừa một lỗ nhỏ như đầu tăm để thải những thứ cặn bã ra ngoài. Tính ra tôi còn may mắn hơn. Cả đời tôi chẳng phải chứng minh trinh tiết gì với ai, rồi khi cắt bỏ tinh hoàn, người ta còn gây mê để tôi bớt đớn đau.

Bây giờ tôi chỉ thèm trở ra bên ngoài để rình bắt chim chuột rắn rết. Tôi nhớ ngay trước hôm bị người ta bắt, tôi xử trảm một lúc bốn con chuột nhắt ở trạm xe buýt. Trong căn nhà này chẳng thấy hơi hướng chuột bọ. Tôi quan sát thức ăn của gia đình cai ngục. Nhiều món nhưng mùi kỳ cục. Được mấy miếng bò bít-tết coi bộ hấp dẫn nhưng họ không cho tôi. Đói lả, tôi bèn mục kích những cây kiểng trong nhà. Tôi nhấm nháp mỗi cây vài ba lá cho đỡ nhớ cỏ cây vô tận bên ngoài. Phát hiện tôi ăn cây, ả kêu trời kêu đất. Mấy cây nha-đam bé xíu mới nhú lên trong chậu bị tôi cắn đứt gục. Cả cây xương rồng loại quý hiếm từ Mexico bị tôi xơi luôn mấy nụ hoa sắp nở. Sát thủ của chim chuột và cây trồng. ả rên rỉ. Chồng ả nhún vai. Bản chất của mèo. Không chấp nhận nó thì tìm con thú khác mà nuôi. Thấy trêu ngươi được ả, tôi hả dạ. Tôi dự tính ngày mai lại tấn công một cây khác. Tiếc là không còn móng vuốt, không thì mỗi ngày tôi sẽ làm hỏng một mảnh đồ gỗ, trước tiên là bộ sô pha trong phòng khách, tôi sẽ cào cho nát tương. Vì nó mà tôi thành kẻ tật nguyền, đi đứng loạng choạng. Tôi sẽ phá cho đến khi ả phải thả tôi ra.

Không ngờ chưa kịp thực hiện ý đồ thì tôi đã ói mửa thảm hại ngày hôm sau. Mửa ra hết những hoa lá cây. ả và thằng chó đi dạo về nhìn thấy. ả đang nhăn mặt phàn nàn tôi, thằng chó nhanh nhẩu dọn luôn một đống tôi vừa ói ra trên sàn nhà. ả quát nó. Chồng ả lại nhún vai. Ăn bất cứ cái gì, và không bao giờ no, đó là bản tính của chó. ả bảo chó của ả thì khác, nó không được phép ăn bậy, ả sẽ huấn luyện nó, sửa đổi nó. Tôi cười thầm. Hãy đợi đấy. Với bọn chó, cái gì chẳng là thức ăn. ả không biết mấy lần nó lẻn xuống nhà dưới bươi thùng cứt của tôi ăn bị tôi rượt chí mạng.

Ăn cây kiểng không xong, đói quá tôi đành phải hạ mình, ăn cái thứ mà tôi chê là giống những viên cứt thỏ. ả đắc thắng. ả nói với người ta rằng ả sẽ dần dần thuần hóa được tôi, đưa tôi vào nền nếp sống như một thành viên trong gia đình ả. Mèo già nên khó hơn, mất thời gian hơn. Ai bảo mèo ngu. Do mình dạy thôi. Nó hiểu hết, như người, ả nói và đưa mắt về phía tôi. Đó, nó nằm lim dim mắt nhắm như vậy nhưng nghe hết, biết hết. Nó thành cáo rồi. ả nói và cười khanh khách.

Những ngày sau đó, gia đình cai ngục tra tấn tôi với một búp chỉ len và mấy con thú nhồi bông màu sắc treo toòng teng trên cái giá gỗ. ả chỉ tôi cách chơi. Con gái ả cũng bày đặt giảng giải. Tôi ngoảnh mặt dửng dưng. Lũ điên! Tôi năm nay tám tuổi, tính theo tuổi người tôi tương đương một người đàn ông bốn năm mươi, ngang ngửa tuổi vợ chồng ả, mà còn bắt chơi mấy thứ cho bọn nít ranh. Có lẽ tức giận tôi nên ả bày ra thêm những trò hành hình khác. Quả những tên cai ngục vừa ác vừa điên. ả biết thứ tôi ớn nhất là nước. Thế mà vài ngày một lần ả bỏ tôi vào trong bồn tắm, phun nước đẫm người tôi rồi chà cái chất lỏng sủi bọt gây bỏng rát khắp cơ thể tôi. Tôi lạy lục rên la, ả làm ngơ. Con gái ả còn làm tài khôn dỗ tôi ráng đừng vùng vẫy để mẹ tắm cho sạch. Tôi ngứa cả tai. Ai sạch bằng tôi. Ngày nào tôi không làm vệ sinh thân thể với nước bọt của mình. Tôi đâu có mùi hôi như người và chó. Tắm xong, ả trùm tôi trong chiếc khăn dày muốn ngộp thở. Con gái ả lấy máy sấy và bàn chải tóc ra chải lông cho tôi. ả bảo con mèo của một người bạn của ả biết sử dụng toa-let y như người. ả nói sắp tới ả sẽ thuê chuyên gia huấn luyện tôi không những dùng được bồn cầu mà còn biết giật nước sau khi ỉa xong nữa. Tôi phải là con mèo đẹp nhất, khôn nhất, thông minh nhất, đặc biệt nhất! Có nghĩa biết làm được nhiều thứ giống như người. Tôi nghe mà hoảng vía. Tưởng tượng phải ngồi tênh hênh trên miệng toa-lét làm cái việc rất kín đáo ấy trước mặt ả là tôi thấy không xong rồi. Chưa tính tới nguy cơ té nhào xuống chậu nước nữa. Con gái ả lại còn đòi mua cái mũ và áo khoác cho tôi rồi cột tôi lại để nó dắt đi xin kẹo trong dịp lễ gì đó. Khùng! Tôi lừ mắt muốn vả cho nó một cái vào mặt.

Ngày qua ngày. Hy vọng trốn thoát biến thành tuyệt vọng. Tôi e rằng mình sẽ chết rục trong nhà tù này. Gia đình cai ngục luôn canh chừng cẩn mật. Chuẩn bị ra khỏi cửa là dòm chừng sợ tôi tẩu thoát. Bọn họ nêu hàng loạt lý do tại sao tôi không được phép ra ngoài. Bị mèo chó hàng xóm hiếp đáp. Bị sói trên đồi ăn thịt. Bị xe cán. Bị người ta thuốc. Bị bắt bán cho phòng thí nghiệm. Bị nhiễm những thứ bệnh hiểm nghèo rồi truyền cho người như là bệnh dại, và hàng lô thứ bệnh như là ký sinh trùng đường ruột, ký sinh trùng máu, ký sinh trùng ngoài da, ký sinh trùng lông tóc móng.

Bực nhất là ả bảo phải giữ tôi trong nhà để góp phần bảo vệ môi trường. Tôi biết ý ả là cứu giúp bọn chim muông hoang dã. ả bảo mèo xâm nhập vào thế giới tự nhiên gây thảm họa sinh thái, mỗi năm giết chết mấy trăm triệu chim ở Bắc Mỹ. Các nhà điểu cầm học đều qui tội mèo gây tuyệt giống bao nhiêu thứ chim quý hiếm, và làm suy giảm nghiệm trọng các loài bò sát. Họ yêu cầu các nhà lập pháp ban hành những đạo luật hạn chế hoạt động ngoài trời của mèo, và hoạn thiến mèo để bớt sinh sản. Tôi bó tay. Thiệt không ngoa chút nào khi con người bị tiếng “ăn cây táo rào cây xoan”. Lũ chim không những ăn hại mà còn gieo rắc những bệnh dịch xuyên lục địa, thế mà họ cứ ra sức bảo vệ. Lẽ ra người ta phải cảm ơn chúng tôi đã diệt bọn chuột phá hoại mùa màng cắn phá nhà cửa quần áo tài sản và gây dịch hạch. Còn lũ chim, nghĩ xem, chúng làm được cái gì? Bọn lười và vô dụng ấy chỉ biết có bốn thứ: ăn, ỉa, gây ồn, và làm tình. Tưởng tượng không có mèo, cả địa cầu sẽ bị phủ bởi cứt chim. Và nếu loài chim biến khỏi mặt đất này, không ai còn phải chịu đựng mỗi sáng nghe những âm thanh léo nhéo điếc tai.

Chó vậy mà sướng. Nó biết nịnh hót nên con người quý hóa, ban cho lắm đặc ân. Như thằng chó này, ả về đến nhà là nó tíu tít chồm lên hôn hít bám lấy ả, rồi ả ra lệnh nó lặp đi lặp lại cái trò cũ rích: Mi-lu, ngồi! Nằm xuống! Lăn một vòng! Thằng chó hổn hển làm theo. Tôi nhìn phát ói. Tôi thì còn lâu mới để ả sai khiến như vậy. Thế nhưng ả khoái thằng chó, dắt nó đi chơi mỗi ngày. Còn tôi phải ngồi rục bên cửa sổ ngó ra lũ chim nghênh ngang nhí nhảy trên sân cỏ chan hòa nắng ấm mà xót cho phận mình.

Ngồi chán bên cửa sổ, tôi lại đi loanh quanh trong nhà. Có một nơi tôi hay ghé vào là gian phòng rộng nhất ở góc trong cùng, đối diện buồng ngủ con gái ả. Lúc đầu thằng chó sinh sự đuổi tôi. Tôi dừng lại, trừng mắt, xù lông. Tôi đoán không sai, nó lúng túng cụp đuôi lùi lại. Đồ hèn nhát. Từ đó nó không dám kiếm chuyện với tôi nữa.

Căn phòng luôn bí ẩn với tôi. Tôi hay vào ngắm nghía sờ mó các thứ đồ lạ lẫm. Một góc phòng là nơi bày biện sách thiền, sách yoga, tượng các ông thần bà thánh, nhang, đèn cầy, chuông Tây Tạng, thảm, chăn, dây đai, khối gỗ, gối ôm, đĩa CD, khăn san, quần áo và nữ trang đủ loại. Những sản phẩm hằng năm ả đi ấn Độ tu nghiệp yoga mua về bán lại kiếm lời. Tôi chỉ thích cái gối mỏng bọc gấm mịn màng ả dùng khi ngồi thiền, thật hoàn hảo, tôi có thể cuộn mình trên đó đánh một giấc ngon lành.

Sáng sớm trước khi đi làm, ả luôn vào phòng thắp nhang và ngồi thiền.Tôi cũng hay rón rén vào ngồi thu lu một góc sau lưng ả.  Vẻ mặt hết sức nghiêm trang, ả ngồi khoanh chân trên chiếc gối bọc gấm tôi hay ngủ trên đó, tay thả hai bên, mắt nhắm, bất động một lúc lâu. Cái gì đang thực sự xảy ra trong đầu ả khoảnh khắc ấy, tôi hay tự hỏi. Kế hoạch ly hôn, người chồng nát rượu, những lời báng bổ yoga của hắn, ả có thể xua đuổi được những ý tưởng tạp nham ồn ào ấy không? Làm sao ả điều khiển tâm trí bớt bận rộn, và đưa nó về trạng thái tĩnh lặng như ả giảng cho người khác? Tôi đoán ả đang mơ đến cõi Sa-ma-đi. Chốn ấy có cái gì mà người ta phải cất công kiếm tìm? Nó tồn tại thật không? Nó ở đâu? Làm sao đi tới? Dường như tôi cũng chìm trong không gian yên tĩnh đến vô tận. Tôi không dám gây bất kỳ một tiếng động, sợ ả cấm cửa lần tới.  Tôi ngồi im quan sát ả và những thứ chung quanh. Bàn thờ trước mặt ả có bức tượng đồng một đàn ông nửa trên là người nửa dưới là rắn, với bốn tay người và bảy đầu rắn. Cạnh đó là tấm ảnh phóng lớn Gu-ru-chi, bậc đạo sư người ấn, tóc bạc chễm chệ trên chiếc ghế bọc nhung đỏ nổi bật những hoa văn cầu kỳ thiếp bạc. Trông chẳng khác vua ngồi trên ngai.Thế nhưng chồng ả gọi lão già là con sư tử phương Đông mà mỗi ngày có những con cừu phương Tây đến cửa hang để nạp mạng. Hắn còn  gọi lão già là ông “Pốp”, Đức Giáo Hoàng của ả. Trong một tấm hình nhỏ hơn treo trên tường, lão già ngồi trên ghế, còn ả trong bộ áo saree màu xanh lá cây quỳ rạp người, trán chạm lên đầu ngón chân cái lão. ả có đến sáu tấm chứng chỉ lọng khung trang trọng treo một hàng dài trên bức tường đối diện. ả là một trong số ít ỏi những người dạy yoga trong thành phố được chứng chỉ của lão già nhiều nhất. Tám cuộc hành trình đến tận đất nước ấn Độ, ăn ở vất vả lại còn chịu đựng bao khổ nhục và mắng nhiếc của Gu-ru-chi.

Mỗi lần nhóm đàn bà đến nhà ả tập luyện yoga, tôi hay tò mò hóng chuyện. Bọn họ thường bàn về mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm ăn kiêng, về những thứ như khăn choàng lông dê Pashmina, quần bó Lululemon, vi-ta-min Usana, về các ông chồng tầm thường tệ hại không hiểu đời sống tâm linh là gì. Bọn đàn ông là cần phải giáo dục lại, sửa đổi lại. Tôi nghe ả nói. ả bảo nếu có kiếp sau ả cầu được là một nữ tu sống trong một thiền viện trên núi Himalaya để có thể tĩnh tâm trên con đường đến cõi Sa-ma-đi.

Tôi thấy đám đàn bà ngồi lặng thinh, gật gù.

Không còn gì để nói, bọn họ quay sang tôi, khen tôi đẹp, quý phái và thanh lịch. Giống lai giữa mèo Xiêm và mèo Mỹ trông đĩnh đạc ưu tư như một nhà hiền triết. Ai đó tâng bốc tôi. ả không giấu được vẻ tự hào, khoe tôi biết ngồi im lặng thiền cả tiếng đồng hồ với ả. Rồi đám đàn bà lại đua nhau khoe chó của bọn họ. Rồi ai đó trong bọn họ nói đến một nghiên cứu mới tại trường đại học nổi tiếng ở Mỹ. Lại so sánh chó và mèo. Chó thông minh hơn mèo, vì bộ não của chó phát triển hơn mèo.

*

Một buổi sáng gã luật sư nằm không nhúc nhích trên giường. Mấy vỏ chai lăn lóc bên cạnh. Tôi leo lên ngực hắn, đánh thức hắn như thường lệ. Mắt hắn mở trừng trừng, không chớp. Hắn không nhìn tôi. Hắn không đưa tay vỗ lên đầu tôi. Hắn không mỉm cười và nói lời chào buổi sáng với tôi. Bàn tay tật nguyền của tôi đặt lên môi hắn, sờ soạng khắp mặt hắn. Hắn vẫn không động đậy. Tôi kêu. Tôi khẽ khàng gặm cánh tay hắn, lay hắn. Vô ích.

Lần này ả đi ấn Độ hai tháng. Bảy tuần huấn luyện tại học viện của Gu-ru-ji hy vọng nhận thêm một chứng chỉ mới, sau đó theo một nhóm tín đồ Hindu hành hương đến thánh địa Varanasi. Được dầm mình xuống dòng sông Hằng là điều ả muốn thực hiện từ lâu. Con nước thiêng liêng ấy sẽ tẩy uế mọi tội lỗi của con người. Tôi nhớ chồng ả nhún vai khi nghe ả nói. Hắn bảo đó là con sông sình lầy hôi thối đầy rác, cứt, xác động vật và xác người. Có lẽ nó thiêng liêng thật vì bao nhiêu triệu triệu người nhúng mình xuống đó mà vẫn không bị chết vì độc hại. ả xụ mặt.

Trước khi đi, ả đưa con gái và thằng chó sang gửi nhà mẹ ả. ả làm đơn xin tòa bác quyền nuôi con của chồng ả khi ả vắng mặt, với lý do gã uống rượu có thể gây tai nạn khi đưa đón con đi học. Thêm vào đó, đứa con gái cũng không chịu ở nhà với bố. Còn thằng chó, ả phải đưa đi vì sợ tôi và nó sẽ đánh nhau to.

Tôi đợi hắn một lúc, không động tịnh gì. Tôi lò dò lên nhà trên. Tôi vào phòng yoga ngắm nghía đồ đạc, rồi ngủ trên cái gối ả ngồi thiền. Hết ngủ lại nhảy lên cửa sổ ngó ra ngoài. Chán, tôi lại đi xuống tầng dưới, tạt vào phòng hắn, rờ hắn. Hắn nằm bất động, lạnh ngắt, mắt mở trừng trừng nhưng có vẻ như không thấy tôi.Tôi chờ hắn dậy lấy thức ăn cho tôi.

Đã ba ngày. Chuông điện thoại reng liên tục. Hắn không bắt máy. Nhiều lời nhắn để lại. Tôi nằm lả bao lâu cạnh đôi chân giá ngắt của hắn. Tôi đói. Tôi khát.Từ tối qua tôi đã phải uống nước toa-lét. Chợt có tiếng chìa khóa loay hoay ở nhà trên. Tiếng cửa bật mở. Tôi phóng lên cầu thang ngửi ra mùi quen thuộc của ả, của đứa con gái và thằng chó xu nịnh của ả. Con nhãi ranh vồ vập gọi tên tôi và nhào tới rờ rẫm kéo đuôi tôi hỏi tôi hổm rày ở nhà có là “good boy” không. Tôi cáu tiết nhe răng ra dọa. Thằng chó đã không thèm chào hỏi tôi tử tế lại còn gầm gừ kiếm chuyện. Tôi định cho nó bài học, thì nhanh như cắt nó lao xuống chân cầu thang, xộc mõm ngay vào cái hố xí của tôi. Rõ tởm. Nó có phải là thùng bánh qui đâu. Cái gì với mày cũng là thức ăn.Tôi nhào xuống vả liên hồi vào mặt nó. Chẳng ăn thua, móng vuốt sắc nhọn tôi chẳng còn. Tôi giận dữ cắn vào tai nó. Máu tứa ra. Nó thét ăng ẳng như chết tới nơi. “Mi-lu, đồ ngốc, tránh xa cái thùng cứt của con Kít ngay!” ả đứng trên cầu thang quát thằng chó. Nó vừa la vừa chạy lên nhà. Tôi rượt theo. Chúng tôi đuổi nhau vòng quanh phòng khách. ả chí choé bênh thằng chó, nhiếc mắng tôi là hung tợn. Lừa lúc ả mở cửa cho thằng chó ra ngoài đái, tôi tung người phóng theo ra luôn. Ôi, cái không khí tươi mát và mùi nắng gió thân thuộc! Tôi gần như ngộp thở. Cặp vợ chồng chim cổ đỏ đang mải mê cào bới giun trên sân cỏ, không nhìn thấy tôi. Cái ngực và bụng thằng chồng nó mới béo núc óng ả làm sao. Tưởng tượng bộ đồ lòng của nó mà tôi chảy nước dãi. Tôi muốn phóng tới chộp ngay vào gáy nó. Nhưng tôi đâu có thời gian để làm chuyện đó… Kít. Trở vào nhà ngay. Kít…Lạy Chúa. Nó đi mất rồi. Kít. Kít. Tiếng ả gọi thất thanh đằng sau. Tôi chạy biến vào ngỏ hẽm dẫn lên ngọn đồi. Sa-ma-đi. Haha. Cuối cùng thì tôi đã đến nơi. Mỗi mình. Chỉ tiếc là tôi không thể nhìn thấy vẻ mặt ả ra sao khi ả nhìn thấy thằng chồng ả đã chết.

 

TRƯỢT

Truyện ngắn của Nguyễn Hiệp

 

Sau mười năm sống như một con gián nem nép trong nhà, hoang mang đến ngẩn ngơ, tưởng    chừng mình đã gục ngã, tôi lại đột ngột vác ba lô lên cao nguyên trốn hết những công việc không dính gì tới văn chương để tiếp nối cái nghiệp viết của mình. Trong tôi đang có sự thay đổi, những ý nghĩ nên viết về bầu trời sương hay viết về giọt sương đã biến mất, giờ tôi chỉ muốn viết sự thật, thật như hơi thở của núi, của cây, của lá, thật như những suy tư đang kéo trĩu “con gián” tôi xuống từng đêm, từng ngày. Tôi ngộ ra một điều đơn giản: Bản thân của các sự thật quanh ta đã thật đáng để viết, bất kể nó là gì. Trong đề cương nộp cho tổ chức sáng tác tôi chỉ ghi vài ý tưởng chứ cũng chưa biết mình sẽ viết gì trong thời gian ở trại, những trang viết của tôi luôn gắn với những bất ngờ, luôn chờ đợi những bất ngờ. Đài truyền hình địa phương đến đặt vấn đề quay một đoạn tư liệu về tôi để giới thiệu trong chương trình văn nghệ, lưỡng lự một chút nhưng tôi cũng nhận lời và mỉm cười với ý nghĩ người ta đang tốn thời gian cho một con gián. Chính cô đạo diễn người dân tộc Chu Ru đã làm cho tôi phải lang thang nhiều lần trên các triền dốc dựng đứng, mờ ảo huyền hoặc và những lùm dã quỳ lấp lóa vàng nâu. Tôi viết gì đây? Vì sao tôi viết? Chất liệu nào sẽ giúp tôi viết những trang sự thật cân đối và đạo đức? Những câu hỏi ấy cứ bám riết vào tôi. Trong buổi phỏng vấn cuối cùng, tôi có ngồi lại trò chuyện với đạo diễn Srí (tên cô ấy) và tôi bị cuốn đi, háo hức, xúc động. Đêm ấy, giữa khuya, tôi bật dậy như chiếc lò so, người nóng ran với quyết định viết về chính những trải nghiệm có thật của Srí và triền dốc dựng đứng bên kia Nhà sáng tác.

…- Ông chọn đi! Long tu, Hoàng thảo, Tiên hài…? Thanh đạm hay Giáng hương?

- Không, củ lan có tấm hình kèm theo kia.

- Cây lan đen này đang ngủ.

- Thuần hay lai, cô?

- Thuần.

- Tôi lấy.

- Ông nhìn gì thế?

- à… không… Nhẫn đẹp quá! Lâu ngày cô không đánh bóng cặp nhẫn?

- Tôi không biết bằng cách nào

- Đun nước bồ kết cho sôi…

Srí nghe một hơi thở nhẹ từ người đàn ông đang bối rối. Sao ông ta lại nhìn cặp nhẫn? Tay Srí tự dưng mân mê mặt nhẫn trống đính  hạt cây kơ nia đỏ, rồi lại mân  mê nhẫn mái mặt đính hạt cây rừng màu xanh. Cô ra đời vào thời điểm cái lạnh chui vào tận nong tằm của người Chu Ru, cô là kết quả của một chuyện tình buồn có gắn với cái tên mẹ đặt cho là Chiếc Nhẫn này đây. Mẹ đã trốn khỏi nhà Dài trong mùa bắt chồng năm đó. Dòng tộc bị bồi thường một con trâu mộng nên bà lớn tiếng mắng: Đàn ông Chu Ru cả vạn: ở Pró, R’Lơm, Cam Butta, K’Dơn… mầy thích ai thì nói! “Người ấy có… vợ rồi.” Không được! Pô Plây không cho mà. Mẹ trốn khỏi Đơn Dương với một gùi đá lấp lánh, mẹ âm thầm giấu được những khi đi hái dâu trên nương. “Mẹ bán những thứ lấp lánh để nuôi một đứa lấp lánh của, mỗi lần nựng nịu Srí mẹ thường nói vậy. Da chỉ hơi ngăm, tóc duỗi dài thẳng mượt, dáng cao ráo, học hành tới nơi tới chốn. Một thời, người con gái Chu Ru quàng chiếc khăn lụa vàng, đi chiếc SH trên dốc đá trở thành biểu tượng mới của cao nguyên, ai đó đã nói về Srí như thế. Giàng đã cho Srí tất cả, mẹ đã cho Srí tất cả, trừ hạnh phúc.

Chiếc Ford đen trườn lên dốc đá. Srí chồm người theo: “Ông ơi, nó không thích chậu chật”. Nhưng khối đen bo cạnh thật đẹp mắt ấy đã quặc sang phía rừng thông. Srí ngẩn ngơ. Vậy là cặp lan đen của cô đã bị tách đôi. Đau lòng sao đem ra bán? Bán sao còn đau? Srí phẩy tay quay lưng, cô đổ người xuống chiếc ghế xếp. Cả cao nguyên chỉ mình cô có cặp lan quý này, Srí định đưa ra giới thiệu nó để dễ bán những loại lan đại trà, không ngờ chủ nhân chiếc ford đen này mua nó vô điều kiện như vậy làm cô không kịp phản ứng. Mà ông ta là chủ chiếc Ford đen hay chỉ là người làm công? Hay xe thuê? Biển số trắng. Chắc là của ông ta. Mà cũng có thể là thuê. Thời buổi này, không ai dám chắc điều gì. Dám mua một cây lan đang ngủ. Hơi thở nhẹ của người đàn ông này ám ảnh thật, có gì như một làn hơi trên miệng núi lửa đã ngủ. Ông ta là ai? Không phải dân địa phương, nước da sậm nâu tích nắng lẽ nào là người xứ lạnh. Mắt trong veo giữa sương mù. Srí nhấc vội giò lan còn lại đặt sâu vào bên trong. Ông ta là ai? Câu hỏi lại vang lên trong đầu Srí lần nữa. Xe đen. áo da đen. Thích lan đen. Gu này ở đâu ra vậy? Xứ này? Không phải xứ này? Quen? Lạ? Srí đóng cửa quầy sớm, cô định lao về Đài truyền hình, trưa nay cô có chương trình dở dang. Sau thời gian làm phát thanh viên tiếng Chu Ru ở Đài Trung ương, cô được tập huấn, được đưa về quê làm chương trình Văn nghệ dân tộc thiểu số, rồi chung cả chương trình. Nhân vật của cô là một nhà văn biến mất hơn mười năm qua vừa xuất hiện trở lại, đang đến ở Trại sáng tác. Một nhà văn dân tộc thiểu số nhưng trông rất “Kinh”. Srí khẽ cười với cách nghĩ chơi chữ của mình. Thật ra công việc ở Đài truyền hình cũng đã làm cô kiệt sức. Nhưng từ ngày biết mình bị  bệnh thì cô đã ẩn náu trong quầy bán hoa này. Srí tạo thêm công việc để chạy trốn trong công việc, đây là vương quốc nhọc nhằn của mình, cô lao đi lao về để quên đi câu nói của tay bác sĩ:  “Phẫu thuật bảo tồn và sau đó xạ trị hay cắt bỏ tuyến vú là những việc có thể”. Có thể… Srí rụng rời tay chân khi nghe cái từ “có thể” ấy.

Chợt Srí sựng người lại. Một tiếng sạt thật mạnh bên kia chỗ quặt sang phía rừng thông. Srí đứng tim. Có điều gì đó khủng khiếp vừa xảy ra. Ông ta? Ông ta đã bị… Srí hổn hển thở. Cửa quầy đã đóng nhưng Srí không tài nào dắt được xe. Tay chân Srí lập cập run. Đôi môi Srí lập cập run. Cây lan đen xui xẻo?! Srí cố xua cái ý nghĩ nặng nề ấy ra khỏi đầu. Ông ta có sao không? Tiếng sạt mạnh như thế chắc chiếc xe đã lộn đầu xuống đèo. Làm sao đây? Đi chẳng được thì ở. Srí cố dồn sức vào đôi bàn tay run run, đôi đầu gối run run để chống được cửa quầy hoa. Mình đâu có làm gì được. Điện thoại không có. Srí là người duy nhất ở khu này không có điện thoại. Từ ngày mất điện thoại, mỗi lần Srí có ý đi mua chiếc điện thoại mới là anh chồng lại lên tiếng: Mẹ mày làm sao rồi í, thế là thôi, ý định tắt ngấm. Làm sao kêu người đến cứu đây? Mồ hôi lạnh túa ra hai bên thái dương. Tay chân bủn rủn. Đầu Srí nặng trịch, bao nhiêu suy nghĩ trong đầu đông cứng lại. Srí bị dán xuống chiếc ghế xếp, bị lún vào chiếc ghế xếp. Srí cố đứng lên để chồm người ra đoạn được quặt sang phía rừng thông. Gió thông hú ghê quá. Srí lắng nghe động tĩnh, nghiêng đầu, nghiêng tai, chẳng có gì ngoài tiếng thình thịch của trái tim trong lồng ngực mình. Sao thấy ông ta quen quen. Srí cố mường tượng lại khuôn mặt ông ta. Mắt trong veo giữa sương mù. Sao đôi mắt quen quen? Đôi mắt trong veo này Srí đã gặp đâu đó. Nhân vật ở Đài? Nhà văn? Nhà thơ? Chịu, không nhớ nổi. Trại sáng tác này một năm dăm chục đoàn nhà văn nhà thơ làm sao nhớ nổi. Đất nước này sao mà lắm nhà văn nhà thơ thế? Srí phụ trách chương trình văn nghệ nên thường xuyên chọn nhà văn nhà thơ để phỏng vấn, giới thiệu. Chắc không phải, nhà văn không giàu có, không đi xe ford. Quen quen. Nhưng có moi óc cũng không tài nào nhớ nổi người này. Đôi mắt trong veo giữa sương mù. Hơi thở, hình như khung xương sườn hay phổi gì đó có vấn đề, có thể đơn giản là lớn tuổi, hơi thở dài buồn và hiền như làn hơi núi lửa đã già, đã lạnh.

Srí nhấc được cơ thể ra khỏi ghế. Chiếc ghế gập lại bật ngửa. Srí lảo đảo, cố đưa chân tránh chậu lan đen còn lại. Srí vung tay vào khoảng không giữ thăng bằng. Srí thầm trách tính hay ghen của chồng mình, chính vì bị ghen quá sức mà cô không có điện thoại. Biết kêu cứu bằng cách nào đây? Srí vịn một tay vào lùm giáng hương làm gẫy một vòi hoa nâu viền tím. Srí thở gấp. Tim vẫn đang muốn nhảy khỏi lồng ngực. Chắc là máu ông ấy phải ra nhiều lắm? Chắc là bị bắn ra khỏi xe, đập đầu vào gốc thông? Đôi mắt trong veo giữa sương mù đã đập vào gốc thông. Chắc là đau đớn? Hay đã tắt thở. Có nhiều kiến đang bò trên khuôn mặt bất động của ông ấy? Srí rùng mình. Gió thông hú ghê quá. Sương càng lúc càng dày. Chắc là ông ấy đã tắt thở? Câu hỏi ấy vang lên một lần trong đầu Srí, nó cứ vang lên mãi. Srí cố xua nó càng vang lên, vang lên lần nữa, rồi lần nữa. Srí đưa tay bịt tai, ôm đầu, nó càng vang lên rõ hơn nữa. Lẽ nào đôi mắt trong veo giữa sương mù ấy đã chết?! Đôi chân Srí đã lên được tới đỉnh dốc. Srí thấy được đôi chân mình đã tới đỉnh dốc vì nó đã dẫm phải một phiến đá nhọn. Người ở đây mà hồn ở đâu? Hồn mình hay hồn ông ấy? Hồn ông ấy chắc là bay đi rồi. Hồn mình cũng đang muốn bay đi. Hồn mình dường như đã gẫy như vòi hoa giáng hương nâu viền tím. Srí loạng choạng nhưng cũng đã đến chỗ đoạn đường quặt sang phía rừng thông. Một đám dã quỳ gẫy nát. Đường dã quỳ gẫy nát kéo dài xuống dưới lưng đèo. Dấu đất mới bị cày xới. Srí chụm hai tay lại bắt đầu hú. Tiếng hú khản quá. Nghẹn. Srí hắng giọng rồi hú lần nữa, lần nữa. Gió thông hú át. Tiếng hú của Srí lọt thỏm giữa tiếng hú gió thông. Srí bất lực ngã phịch xuống đám dã quỳ gẫy nát. Giàng ơi! Có phải là người ấy không? Có phải là tình yêu tuyệt vọng của mẹ tôi đây không? Có phải là khoảng trống lớn lao trong con người tôi đây không? Đúng là người làm ra những chiếc nhẫn cưới, những chiếc srí tín vật tình yêu. Đúng rồi, đôi mắt trong veo giữa sương mù. Do không nghe được mùi sáp ong và phân trâu nên Srí chưa nhận ra. Ông ấy, vua nhẫn của mình đây mà. Mắt buồn. Hơi thở buồn. Srí chợt hiểu lý do tại sao mùa bắt chồng năm đó mẹ mình bỏ trốn khỏi làng.

Dốc đứng. Độ cao. Nghĩ tới mấy cái tiếng ấy thôi là người Srí đã nổi hết gai ốc. Có một dòng điện lạnh buốt cứ dợn dợn quanh hai thái dương và dọc theo sống lưng. Tay chân cứ như bị rút gân. Những đóa sáng nhờ nhờ lấp lóa trên ngọn thông nhợt nhạt. Sương vốc được cả trên tay. Ông ấy! Đó là một xác nhận trực giác đồng thời cũng là mệnh lệnh đang vang vang trong đầu Srí. Cô nắm tay vào một thân dã quỳ còn lại và đưa chân.

Hai chân Srí líu quíu trượt theo đường gẵy nát của dã quỳ. Sợ. Một nỗi sợ bao trùm lên mọi suy nghĩ, làm tê liệt mọi suy nghĩ. Hu…ú! Vừa chạy vừa hú. Có lẽ hú sẽ đỡ sợ hơn. Srí căng ngực hú hét. Những cây dã quỳ khô quất liên tiếp vào người. Srí ra sức thắng người lại nhưng không được, cơ thể cô đã lao đi mà không cách gì kiểm soát. Cô chết điếng, nước mắt sống tràn ra làm mờ mắt, cũng không cách gì lau được. Nước mắt Srí dầm dề đôi má. Srí mất đà té nhào xuống, lộn vòng, lộn vòng. Nổ đom đóm mắt. Srí thấy mình bay lên lơ lửng. Một vùng sáng ngũ sắc trước mặt. Lung linh. Những đôi cánh ánh sáng nhảy múa. Xứ sở của cái đẹp, của thiên đường chăng? Cô chợt muốn lao vào đó, cô nghĩ nơi đó mình sẽ thanh thản, nhưng cứ lơ lửng, tay chân không cử động được. Cô bị treo ở đó. Srí tự biết căn bệnh ung thư của mình nên nơi này không dung chứa. Cái đẹp đã từ chối cô. Srí chợt mường đến những tế bào xù xì gớm ghiếc đang phình to trong thân xác. Srí cay đắng. Không! Mình không có tội lỗi gì cả! Srí muốn hét lên như vậy nhưng lời của cô đã thành vô thanh trước vùng sáng ngũ sắc lộng lẫy này. Srí thèm một giọt nước mắt lúc này nhưng má cô cứ ráo hoảnh. Tại sao mình không phải là cô gái Chu Ru khỏe mạnh, trong sáng, “lấp lánh” như ao ước của mẹ? Tại sao? Nước mắt sẽ làm mình nhẹ lòng hơn. Nước mắt hóa giải chứ không phải là sự phán xét. Srí ghét sự phán xét. Không… Srí cố gào nhưng không được gì, không có chút âm thanh nào vang lên. Cô kiệt sức dần, xuống thấp dần rồi về nhập lại vào cái xác còng queo trong đám cỏ tranh. Cái xác nhúch nhích. Srí chớp mắt, lồm cồm bò dậy.

Lại trượt. Trượt dài. Tóc bay móc vào cành cây. Da đầu nhói lên. Loáng thoáng trong đầu hình ảnh cái hộp sọ trọc lóc sau khi xạ trị. Lại trượt. Các ý nghĩ biến mất. áo bay móc vào cành cây. Cả da thịt cũng móc vào cành cây. Cả người nhói lên. Vẫn trượt. Không sợ nhưng hai chân không còn làm chủ, bị cuốn, đẩy, va móc vào nhau có lúc chúi nhủi phía trước, lúc ngã nghiêng mất thăng bằng, loạng choạng, những bông dã quỳ khô quệt ngược vào mạnh như cú tát tai, nổ đom đóm nhưng vẫn chạy. Không có gì để bấu víu, những cây dã quỳ lỏng chỏng như bèo, đụng vào là tuôn theo cả gốc cả rễ. Đến gần một góc thông, định vòng tay ôm để thắng lại nhưng nghĩ cây sẽ đập mặt vào, lại né, lại chạy. Không cưỡng được. Không thắng được. Không dám làm điều gì khác thường được. Chỉ nhào theo thứ lực hút ma quỷ nào đó dưới chân đồi. Mấy ngón chân đập vào đá. Chắc là mấy cái móng chân đã tróc gẫy, biết vậy nhưng không dám nhìn. Hình như mấy ngón chân mất cảm giác? Cứ đưa đi, đưa đi về phía trước như hai cây que tự động. Chắc là hai bàn chân đã nát bét. Phải cúi xuống nhìn thử! Không, lỡ đập mặt vào gốc thông thì sao? Nhưng… giá nào cũng phải nhìn thử nó bị bầm dập ra sao… ầm! Ngay lúc Srí vừa cúi xuống chỉ kịp thấy những cọng cỏ tranh thì đã bị một cú trời giáng. Nổ đom đóm. Rạt! Mặt, ngực, bụng chà vào lớp vỏ cứng sần sùi. Một vòng. Hai vòng. Srí tuột tay khỏi cây thông ngã bật ra. Lăn. Lăn tròn. Người rúm lại nhưng vẫn lăn. Móng cỏ tranh đâm cả vào sườn nhói đau, nhức nhối. Hai tay co lại ôm đầu, che mặt. Qua cái hụp cạn, lộn quăng cả người lên. Đổ phịch xuống. Lại lộn quăng lần nữa, tưởng gãy cổ. Lăn tròn. ầm! Không còn biết gì nữa. Không còn biết gì nữa trong bao lâu thì chịu. Khi tỉnh lại chỉ biết là từ nãy giờ mình không còn biết gì nữa. Đây là đâu? Có lẽ hướng đã bị lệch? Không! Hướng đi lên thì nhiều nhưng đi xuống chỉ có một, làm sao mà lệch được. Chắc là không còn đúng vị trí chiếc xe. Nhúc nhích ngón tay. Nhúc nhích khuỷu tay. Đau nhưng vẫn còn cử động. Mở mắt. Gốc thông đen sậm. Gốc thông giống người có hai cái miệng. Chắc là hai vết sẹo trên thân cây. Không. Chắc là một vết mà mình nhìn thành hai. Có lẽ hai cái miệng thật. Mình vừa nghe tiếng rên hư hử, tiếng rên sao như tiếng gọi tên mình, Srí…Sr…i…i…. Cả tiếng thở nhẹ. Đúng là tiếng thở nhẹ đó. Nhưng sao lại phát ra từ cây thông? Hình như phát ra từ người hai miệng. Một miệng rên hư hử. Một miệng thở nhẹ. Cỏ tranh trắng xanh dài dài nhòe nhoẹt sát bên mắt. Tất cả nghiêng chao, dâng lên, hạ xuống. Cố giữ chúng yên để nhìn cho rõ nhưng xanh vẫn chao, trắng vẫn nghiêng. Lại nhắm mắt. Rùng mình. Đầu ê ẩm. Mình mẩy ê ẩm. Tay chân ê ẩm. Xanh vẫn chao. Trắng vẫn nghiêng. Sr…í…í…Srí…Sr…í…í…í… Người hai miệng lại gọi mình. Không. Là cái miệng kia gọi. Một miệng chỉ có tiếng thở nhẹ. Nhẹ và dài. Đúng là tiếng thở đó! Một tiếng thở nhẹ và dài. Tiếng- thở- ra.

Srí đột ngột hú, vừa hú vừa chạy như một thây ma lao trong sương mù. Chiếc váy đã bị rách toạc, một mảnh vải lớn đã móc lại đâu đó, Srí biết về chiếc váy là do thấy lạnh ở hai đùi. Bông quỳ vàng nát vụn dính bết khắp cơ thể. Srí lại mất đà lần nữa. Srí lăn nhanh xuống, đầu óc tối tăm, choáng váng. Tỉnh lại cạnh chiếc xe đen. Mùi sơn. Mùi sắt. Và mùi máu. Srí nhúch nhích bàn tay mình rồi mở mắt từ từ. Bàng hoàng. Rùng mình. Tất cả đã đông cứng trong sương mù. Srí lết người tới vuốt đôi mắt trong veo giữa sương mù. Đôi mắt đã đông cứng. Chậu lan đen ngả cạnh ngực. Srí nghe mùi sáp ong và phân trâu. Srí rút hai chiếc nhẫn từ tay mình rướn người mò mẫm trong sương mù đeo vào ngón tay đầy máu. Máu nhầy nhụa. Srí ráng sức đẩy hai chiếc nhẫn từng chút một cắt qua những nhầy nhụa máu vào sâu trong ngón tay. Rồi tay cô chợt buông xuôi. Đuối. Cô muốn gọi một tiếng ‘Cha ơi” bằng tất cả sức lực còn lại nhưng chỉ thều thào. Cô biết đây chính là cha mình, người đã bỏ làng ra đi, mẹ cũng bỏ làng ra đi trong mùa bắt chồng năm đó, nhưng họ không gặp nhau. Điều gì làm cô chắc chắn như vậy? Cũng không biết nữa. Có lẽ chính là hơi thở ấy. Cô quá đuối sức, máu không biết từ đâu lan khắp người. Ráng khóc. Khóc nấc từng hơi chậm, cô hình dung những giọt nước mắt của mình cũng đông cứng như những giọt thủy tinh, như những giọt máu khô trên má. Trong sương mù, tất cả đều đông cứng, chỉ máu đang lan ra và gió thông là hú mãi. Hú hú hú… hú…huuu…uu…

Srí lại hoàn hồn. Hóa ra cuộc gặp kia chỉ là ảo giác hay mộng mị gì đó. Cơ thể đang bị quật qua quật lại, bị lao đi không kiểm soát được. Sương đục như sữa, có lúc Srí nghĩ nếu sương đông đặc lại có thể giữ được mình. Lại “có thể”, mình sợ cái từ có thể ấy. Rào! Roẹt! Bục! Cơ thể Srí  như món đồ chơi bầm dập trong tay của dốc đá. Trượt! Nghe nhiều nhưng lần đầu tiên cô thốt lên nó trong ý nghĩ rõ ràng về tình trạng của mình. Trượt có nghĩa là trượt mãi không có điểm dừng… Rào! Roẹt! Bục! Cô ân hận vì khởi đầu ý định của mình là cứu người, còn bây giờ nó mang ý nghĩa là cùng chết. Srí chết điếng vì sự nhận biết ấy. Bàn tay phải của Srí chợt chụp lấy bàn tay trái, Srí cố giữ chặt chiếc nhẫn trống và chiếc nhẫn mái, giữ chặt ngón tay đeo nhẫn của mình. Trong lúc còn nghĩ được thì... Cả ý nghĩ của mình cũng đang trượt. Rào! Roẹt! Trượt… Trượt mãi… Trượt mãi… Trượt mãi…

Phần còn lại của buổi nói chuyện giữa tôi và đạo diễn Srí là những tình tiết cô ấy được cứu sống và những bàng hoàng, hoảng hốt, giật mình. Đổi thay nhiều nhưng căn bệnh ung thư vẫn còn trong cơ thể. Cho đến khi tôi viết đến những dòng này, Srí vẫn chưa bị xạ trị, cô ấy sợ nhất là mất mái tóc chứ không sợ một cơn trượt đi vào cõi mộng mị nào đó. Srí cũng nghĩ như tôi: bản thân cuộc sống là phù sinh thì trượt nhanh và đau đớn như Srí chỉ là một bước phù sinh cuối cùng. Tôi định đưa cho Srí xem bản thảo này, chắc cô ấy cũng muốn dừng ở đây mà không muốn viết thêm về những hệ lụy. Vứt bỏ hết những thừa thãi để trượt nhanh hay mang thật nặng để trượt cho nhanh hơn? Tôi đang phân vân như vậy thì nhận được tin Srí đột ngột qua đời vì căn bệnh ung thư, căn bệnh thật ác nghiệt, khi người ta vừa nhận ra mình là bệnh nhân thì cũng là lúc chấm hết mọi chuyện. Tôi lưu truyện này vào máy như một tập tin đã đi vào quên lãng. Đúng hơn là tôi không dám đụng tới. Mãi năm sau, mùa dã quỳ khác đã thay áo mới, tôi quay lại cao nguyên. Mưa. Cơn mưa đã vô hiệu hóa chiếc áo da, hai bàn tay tôi thọc sâu trong túi mà vẫn run lập cập. Chợt tôi nghĩ về Srí. Dưới lòng đất lạnh, chắc mái tóc của Srí đã dài thêm chút nữa, chắc là máu đã khô kiệt và rã mục. Đôi mắt luôn khao khát về cội nguồn của mình chắc giờ đã rữa ra cùng đất đỏ ba dan của cao nguyên. Tôi hình dung trong một mảng đất đỏ nhói nào đó đang hiển hiện đôi mắt của Srí và hai bàn tay cố giữ chặt chiếc nhẫn trống và chiếc nhẫn mái, những tín vật cội nguồn của mình. Tự dưng tôi chóng mặt, đất chao nghiêng và tôi thấy mình đang trượt đi, một con gián huơ huơ cặp râu bất lực đang trượt ngay chính trong cái hốc bé nhỏ. Ngón tay đeo nhẫn của tôi chợt lạnh buốt, đau quặn trong tim, tôi hú một tiếng đến vỡ giọng rồi tiếp tục trượt đi.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn