Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn Đồng bằng Sông Cửu Long một mùa vui

28-12-2011 11:17:04 PM

VanVN.Net - Sáng 28/12/2011 tại hội truờng thư viện tỉnh An Giang, Hội VHNT An Giang – đơn vị đăng cai cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL lần thứ IV đã long trọng tổ chức lễ tổng kết  trao giải cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL lần thứ IV với sự tham gia của đại diện Tỉnh Ủy An Giang, các tác giả đạt giải và các lãnh đạo của 13 Hội VHNT các tỉnh thuộc khu vực. Trước buổi trao giải diễn ra đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi thân mật giữa các lãnh đạo Hội VHNT tại nhà hàng khách sạn Long Xuyên vào tối 27. Sau 7 tháng phát động BTC đã nhận được 152 tác phẩm của 87 tác giả. 56 tác phẩm vào chung khảo được Ban chung khảo gồm: Nhà văn Lê Văn Thảo (trưởng ban), nhà văn Dạ Ngân (thành viên), nhà văn Bích Ngân (thành viên) tiến hành chấm chọn và có kết quả đã được VanVN.Net thông tin tới bạn đọc. Dưới đây là bản tổng kết cuộc thi của Nhà văn Lê Văn Thảo - Trưởng Ban Giám khảo…

Nhà văn Lê Văn Thảo

Vài ba năm một lần, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL lại đến với chúng ta. Cho tới hôm nay, truyện ngắn vẫn là thể loại văn học hay nhứt, đáng tự hào nhứt của văn học Việt Nam. Truyện ngắn ĐBSCL không nằm ngoài dòng chảy đó. Không ồn ào náo động, không có những đột phá lớn, truyện ngắn ĐBSCL trong những năm gần đây vẫn theo truyền thống cũ, ngày càng mở rộng thêm một chút, đào sâu thêm một chút, văn học không phải khoa học công nghệ có thể thay đổi từng năm từng quí. Nhiều năm qua, thông qua cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL, chúng ta có dịp tôn vinh những truyện ngắn đặc sắc viết về sự khắc nghiệt của đời sống cơ chế thị trường, về nông thôn và thành thị, cái cũ và cái mới, cái chung và cái riêng, đời sống thương hồ và gia đình ly tán trong quá trình đô thị hóa… Những câu chuyện với những con người vừa hiền hòa vừa bạo liệt, vừa chân thật giản dị vừa dữ dội khốc liệt, những khám phá khiến ta ngạc nhiên, nhưng vẫn thấy trong đó con người cuộc sống vùng ĐBSCL.

Tác giả Trần Tùng Chinh trả lời phỏng vấn sau lễ trao giải

Đoạt giải nhứt cuộc thi truyện ngắn năn nay là truyện ngắn “Bên giếng nước” của Trần Tùng Chinh. Chúng ta nói nhiều về bản sắc vùng đồng bằng, và đây có lẻ là truyện ngắn mang dáng dấp con người vùng đất vùng đồng bằng nhiều hơn cả. Chuyện kể mà như không kể, câu chuyện cứ lần lượt hiện ra, tự nhiên thanh thoát. Chuyện đất lở ở Tân Châu tưởng như chuyện của tự nhiên trời đất, không biết từ lúc nào vận vào số phận con người. Chúng ta sẽ không tìm ra ở đây những éo le gây cấn, những đâm chém máu me, hận thù đến ngất trời. Đây chỉ là câu chuyện trong một gia đình, những người máu mủ ruột thịt với nhau, anh và em, mẹ và con. Và mấu chốt chỉ là căn nhà, bên giếng nước. Nhưng vẫn có tiếng kêu thét lên đau đớn đến xé lòng. Ay là khi hai mẹ con đùm túm đi ra khỏi căn nhà chính là nơi chôn nhao cắt rún của mình, bị chính người ruột thịt của mình đẩy ra. Đó là vấn đề muôn thuở của cuộc sống, là thói đời, còn con người là còn chuyện đó. Văn học luôn bám theo đề tài đó. Như một nhà văn đã nói, thiên hạ suy vong đâu phải do trộm cướp hay cháy nhà, mà do những tị hiềm, nhỏ nhen như vậy.

Đây là một câu chuyện không thể kể. Truyện hay ở cách viết. Tròn trịa, ngắn gọn, chân thật giản dị, những tiếng nói như tự đáy lòng. Bản thiện là tính con người. Sau bao nhiêu chuyện đau lòng như vậy, bị đuổi ra khỏi chính căn nhà của mình như vậy, về ở nơi đất lở ầm ầm suốt ngày đêm, ngày cúng giỗ lén về nhìn mả người bà, chính người đó đã nói lên lời thật nhân từ, bao dung: “…Rằng mai này khi con Thảo lớn lên, những đứa em của nó ra đời, trưởng thành, sinh con đẻ cái… Mình sẽ dạy chúng yêu thương nhau trong tình ruột rà máu mủ… Mình sẽ trối trăng với chúng, rằng đến ngày đám giỗ mình, chỉ muốn về một nơi một chỗ…”.

Giải nhì thuộc về Võ Diệu Thanh, cây bút nữ mới xuất hiện gần đây. Bạn đọc bắt đầu chú ý tới chị với những truyện ngắn vừa hiền hòa vừa dữ dội. “Giống mùa nghịch” cũng trong dòng khai thác đề tài chủ đề đó. Trong đà tiến hóa của tự nhiên và xã hội, thường những cái “nghịch” như vậy lại thúc đẩy sự phát triển. Đám nghĩ dám làm, đó là chủ đề của truyện. Tác giả đã chọn đúng vấn đề thiết yếu, vốn còn thiếu nhiều trong công cuộc đổi mới hôm nay.

Võ Diệu Thanh còn góp với cuộc thi truyện ngắn thứ hai, “Mười bảy con đường ma”, đoạt giải khuyến khích. Đây cũng là một truyện đổi mới, nhưng về hình thức. Trong văn chương, hình thức chính là nội dung. Chúng ta đã có quá nhiều kiểu viết “hiện thực” xưa cũ, cần tìm cách viết mới, làm sinh động thêm diện mạo văn học vùng đồng bằng.

Tác giả Nguyễn Thị Việt Hà

Đồng hạng nhì là truyện ngắn “Ở lại cùng sông” của Nguyễn Thị Việt Hà. Cuộc sống thương hồ là nét riêng của vùng đồng bằng, nhiều nhà văn đã khai thác, bạn đọc cũng yêu thích đề tài đó, người viết không khéo rất dễ trùng lắp. Câu chuyện của chúng ta tránh được điều đó. Những số phận con người trong truyện thật đặc biệt, hiện ra trước mắt chúng ta với những nét riêng không ghể lầm lẫn được. Một cô gái buồn đau chuyện tình yêu trầm mình, được một gia đình ghe cứu vớt, được chăm sóc, nghe kể chuyện. Và rồi, như mọi quá trình con người trở về với cộng đồng, trở về với quần chúng lao động. Cô gái trẻ mới bước vào đời, nghe chuyện người đàn bà dai dầu mưa nắng, đã bật khóc, không phải thương cho nỗi đau nhỏ bé của mình, mà thương cho nỗi khổ lớn lao của đàn bà.

“Chẻ đá” của Nhật Hồng là một trong hai truyện đoạt giải ba. Công việc khai thác đá có những nét riêng, nhưng ở đây tác giả chọn một câu chuyện hoàn toàn bất ngờ thú vị: anh chàng đi chẻ đá là để có tiền đi tìm người vợ đã bỏ đi. Có cái gì đó hơi khôi hài trong chuyện này, nhưng chính chất humour là xu hướng mới trong văn xuôi hiện đại. Cuộc sống luôn vận động, ở phía trước. Chuyện tìm vợ của anh chàng chẻ đá rồi cũng nguôi ngoai. Sau mấy mươi năm chẻ đá, dập mặt với đá, tai điếc đặc, hai tay dập nát, phổi đông cứng vì hít bụi đá, cuộc sống mới lại đến với anh. Anh lấy vợ, thiết tha gắn bó với vùng đất mới, nghề chẻ đá trở nên máu thịt không rời ra được. Đó là ý nghĩa lớn lao của lao động.

Cùng đoạt giải ba là truyện ngắn “Người già khó ngủ” của Nguyễn Ngọc Đào Uyên. Đúng như tên gọi, chuyện xoay quanh những ý nghĩ lan man của một người già không ngủ được, nằm nhớ bao nhiêu chuyện trên đời. Một vùng quê yên bình, sống nghèo nàn nhưng thanh bạch. Vậy rồi đô thị hóa, làm đường, xây nhà máy, dân tình được nhận tiền đền bù, phân hóa năm đường bảy ngã. Người đầu tư vào khoa học kỷ thuật, mở rộng cơ ngơi ăn nên làm ra, làm cho nông thôn vươn lên. Kẻ trở thành thiếu gia chơi bời tung tẩy. Xã hội mở cửa, cây trái mọc lên, cỏ dại cũng mọc lên. Đó là cái giá phải trả. Không khen không chê, người kể chuyện cứ kể ra như vậy thôi. “Muốn phát triển thì phải chịu”, đó là câu nói của người già, cũng là chủ đề xuyên suốt cốt truyện.

Chúng ta có bốn truyện được giải khuyến khích, cũng nên kể ra đây, bởi sự chênh lệch không lớn lắm.

Ngô Khắc Tài với truyện ngắn “Lấy nhau chẳng đặng”. Nhà văn chưa già lắm, nhiều năm trong nghề, am hiểu cuộc sống đồng bằng, đã viết một truyện công phu, có thể phát triển thành một truyện dài, hoặc một phim nhiều tập. Chuyện không có bom đạn mà như có chiến tranh, bên bàn tiệc rượu thịt ê hề vẫn thấy cô đơn thiếu vắng, sau hơn ba mươi năm hòa bình rồi nhiều lúc vẫn thấy bàng hoàng giật thót. Gánh nặng của chiến tranh lớn lắm, hơn cả một đời người.

Nguyễn Mạnh Hà với truyện ngắn “Bông lục bình” viết về một người chiến sĩ bị thương tật trong chiến tranh, hòa bình rồi sống hẩm hiu thiếu thốn, làm đủ nghề để kiếm sống, thỉnh thoảng vết thương tái phát, nổi cơn điên, tưởng mình đang ở ngoài mặt trận, cất tiếng hô “xung phong xung phong”. Tiếng thét điên loạn lạc lỏng khiến ta đau thắt ruột gan. Nhưng rồi ta thấy ấm lòng, khi đứa nhỏ, người kể chuyện, ngây thơ tốt bụng, nói sẽ phong anh hùng cho người thương binh. Một huy chương đáng giá không thua bất cứ huy chương nào.

Võ Quốc Việt với truyện ngắn “Quê tôi”, viết về một gia đình nông dân làm ăn chăm chỉ, thật thà chất phát. Không có gì to tát cả, chuyện kể về nỗi ân hận của anh nông dân trong một lần phạm sai lầm nho nhỏ, và ngay cả sai lầm đó, ta cũng thấy đáng yêu hơn đáng trách.

Trương Chí Hùng với truyện ngắn “Chuyến nhấp cuối cùng”. Không phải người đồng bằng, ta sẽ không hiểu “nhấp” là gì. Thiên nhiên hoang dã trong truyện hiện ra rõ mồn một, tưởng như có thể sờ mó được. Ngay trong quan hệ giữa con người với nhau, cũng thấy có chất “hoang dã”, không phải người đồng bằng sẽ cảm thấy xa lạ thô thiển.

Chúng ta có 9 truyện ngắn đoạt giải thưởng, theo đúng qui chế, được chọn trong 58 truyện qua vòng sơ khảo. Ban giám khảo chúng tôi đã làm việc kỷ càng, công tâm, bàn bạc thấu đáo, sau đó chấm điểm bỏ phiếu kín, theo thẩm định cá nhân, và theo thang điểm của ban tổ chức. Đây là kết quả tốt nhứt, nhưng chưa chắc là đúng nhứt. Thẩm định chính xác nhứt vẫn là của thời gian và công chúng bạn đọc.

Cuộc thi đã kết thúc, chúng ta đã có những kết quả, tôi gọi là “một mùa vui”, một phần cũng vì chất lượng cuộc thi, nhưng cái chính là ta đã có được một cuộc vận động sáng tác lớn, các nhà văn được dịp gặp gỡ trao đổi, không khí sáng tác được hâm nóng. Có nhiều cuộc thi như thế này sẽ khiên ĐBSCL thành một hội lớn, có thêm sức mạnh và điều kiện tốt cho sáng tác.

Cuối cùng, chúng ta mừng vì có được một số đông nhà văn ĐBSCL tham gia cuộc thi. Nhưng chúng ta cũng hy vọng rằng, những truyện ngắn hay vẫn còn trong hộc bàn và máy tính của các bạn.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn