Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Nhớ chuyện 50 năm trước…

Hoàng Vũ Thuật - 27-12-2011 04:37:54 PM

VanVN.Net - Tôi nghe rất rõ tiếng tim mình đập thình thịch khi rụt rè bước vào ngôi nhà lợp mái ngói thấp lè tè nơi xóm nhỏ Phú Vinh. Lúc ấy mới hai mươi hai tuổi, chưa phải là cây bút trẻ, tôi chỉ là người có thơ gửi về Hội và sắp được in vào sách. Tiếp tôi là nhà thơ Xuân Hoàng cùng một người quen hồi còn học cấp ba thị xã, Trần Nhật Thu.

Gần nửa giờ trôi qua mà tôi chưa hết hồi hộp. Hội văn nghệ là đây, nhà thơ Xuân Hoàng bấy lâu từng nghe tiếng là đây. Cảm giác linh thiêng cứ len mãi không tan trong tôi. Thời đi học, Trần Nhật Thu cũng giống những người tôi quen, nhưng bây giờ tưởng như có một Trần Nhật Thu mới hơn, khác hơn. Lòng tôi vang lên những câu thơ của anh lúc nào không biết: Thân mẹ thành chiếc hầm thứ hai che chở cho em/ Và đêm ấy mẹ không về nữa… Một Trần Nhật Thu của thơ, chứ không phải ở ngoài đời. Sự linh thiêng của văn học đã trộn lẫn trong người thơ, trong mái nhà con con dùng làm trụ sở sơ tán, nơi làng quê nghèo khó. Từ đó, mỗi lần vác chiếc xe đạp chênh vênh qua cây cầu nhỏ để vào Phú Vinh, cái cảm giác ấy lại dâng lên.

Thời gian không chịu dừng lại. Những con người tôi thân quen, Xuân Hoàng, Dương Tử Giang, Xích Bích, Lê Khai, Tăng Tâm, Hải Bằng, Mai Văn Tấn, Giăng Màn, Ngọc Tranh, Minh Phương, Phan Xuân Hải, Nguyễn Tú, Trần Nhật Thu, Diệp Minh Luyện, Hải Kỳ…đã ra đi. Thời điểm này tròn 50 năm. Bầu trời viên mãn nào đã đón nhận những trái tim trong sáng, giàu sáng tạo ấy? Tôi nhận ra lần nữa sự linh thiêng của văn chương nghệ thuật, dù tỏa sáng hay khuất lấp, trưng diện hoặc bị chôn vùi, thừa nhận hay phỉ báng, thì cái linh hồn thanh khiết, đa đoan, cái bản ngã cao sang vẫn còn bay về với hôm nay và mãi mãi mai sau.

Nhà thơ Xuân Hoàng viết:

                        Nếu cần nữa, tôi là hồ trên núi

                        Trong hoang vu, im lặng ngắm mây trời

                        Em hãy đến, chim thiên nga cánh mỏi

                        Đậu yên lành trên gương mặt hồ tôi

Ông vẫn còn đấy ư, phải không Xuân Hoàng? Cái mặt hồ yên tĩnh nhân ái thi ca của ông sẵn sàng dành cho bao số phận mệt mỏi, đầy thương tích trở lại tịnh tâm. Lâu nay ta vẫn nói về sự cứu rỗi của văn học nghệ thuật như một liều thuốc quý báu. Hiểu được như thế đã khó, ắt hẳn sáng tạo đến ngưỡng ấy càng khó hơn. Tôi lại sực nhớ vở kịch khá nổi tiếng của nhà viết kịch Phan Xuân Hải có tên: Thế đấy hiểu không. Và rồi trong suốt vở kịch, ngôn ngữ hội thoại được ông nhắc đi nhắc lại thế đấy hiểu không, như lời cảnh báo về sự tha hóa của con người trong thời buổi kinh tế thị trường. Con người sinh ra là để yêu thương như cái bầu cái bí mà cha ông đã căn dặn. Một việc dù nhỏ đến mấy, làm biến chất con người là điều không thể. Osho là nhà huyền môn Ấn Độ, nhà triết học vĩ đại của thế kỷ 20 đã nói: “Nếu cắt bỏ cái xấu trong con người thì tiềm năng tiềm ẩn bên trong con người đó trở nên biểu lộ rõ ràng. Thượng đế không có gì khác với con người. Đó chỉ là tên của năng lượng tiềm ẩn bên trong con người. Nhưng như chúng ta đây, có rất nhiều đất sét trộn lẫn với vàng. Nếu đất sét bị lột bỏ thì vàng sẽ trở nên hiển hiện rõ ràng”. Thì  ra, tất cả là ở chỗ nếu con người biết từ bỏ những ham muốn không cần thiết, những thói ích kỉ, đố kị, những dục vọng đớn hèn thì phẩm chất giá trị con người sẽ hiển lộ.

Đầu năm vừa rồi, không hẹn mà gặp, nhà văn Trần Công Tấn sang Lào theo việc Hoàng gia. Ông là con nuôi của Hoàng thân Xuphanuvông hồi chống Pháp. Xong việc, nhận lời mời của Bộ Văn hóa Thể thao và Hội Nhà văn Lào, Trần Công Tấn ở lại dự Lễ hội Punpimay. Gặp nhau, ông say sưa nói chuyện cứ như đang ở Quảng Bình vậy. Ông bảo đất quê ta linh lắm. Anh hùng và nghệ sĩ cứ như cặp bài trùng, khi ông kể về mối quan hệ giữa Quách Xuân Kỳ và nhà thơ Xuân Hoàng thời chống Pháp, Nguyễn Tư Thoan và anh em văn nghệ sĩ ở Hội thời chống Mỹ. Rồi ông luận tiếp, ai phản lại đất đai chính kẻ đó phản lại con người. Phản lại đất đai nghe có vẻ trìu tượng, nhưng đó chính là phản bội những vĩa tầng văn hóa đã hằn sâu trong đất đai mà tổ tiên bao đời gây dựng. Phản lại đất đai đồng nghĩa với bán nước, phản bội chính mình. Nghệ thuật đang làm cái việc đó. Sứ mệnh linh thiêng cao quý của nghệ thuật là tôn trọng con người, đưa con người đến bến bờ chân thiện mỹ. Ai bảo sáng tạo là tài năng bẩm sinh? Người đó chỉ đúng một nửa. Nếu nghệ sĩ không tự mình đào luyện, tháo bỏ những trở lực kìm hãm bước chân con người đi về phía trước. Tôi cho rằng trường năng lượng sáng tạo mỗi người, nằm trong trường năng lượng sáng tạo của mỗi vùng văn hóa, hay nói cách khác đó là cái nết đất mà Nguyễn Du đã viết trong “Truyện Kiều”.

50 năm, tôi may mắn được sống trong môi trường chân thiện mỹ, gặp những con người phúc hậu tài hoa. Một câu thơ xuất thần, một dòng văn ý nghĩa, một nét nhạc sang trọng, một bức tranh huyền bí đều để lại trong tôi ấn tượng thiêng liêng như thuở ban đầu. Cứ thế mỗi độ tết đến xuân về, vào dịp giao thừa, tôi lại tới thắp hương cho Ngôi-Đền-Linh-Nghiệm của mình,  nơi in đậm bóng dáng biết bao tên tuổi và để lại những tác phẩm vô giá, để cầu nguyện cho linh hồn những người đã khuất và cầu mong cho sự sáng tạo của mình.

    Đồng Hới, 26/12/2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn