Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Lời khẩn cầu 600 của Tuệ Tĩnh

Nhà văn Nguyễn Gia Nùng - 23-06-2011 08:49:43 AM

Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là một trong những đại danh y của Việt Nam từ thế kỷ thứ 14. Ông sinh khoảng năm 1330. Năm 6 tuổi, cha mẹ mất, được các nhà sư chùa Hải Triều trong tổng và chùa Giao Thuỷ Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hà Nam) nuôi cho ăn học, 22 tuổi thi đậu Thái học sinh dưới triều Trần Dụ Tông nhưng không ra làm quan mà đi tu, lấy tên hiệu là Tuệ Tĩnh và hành nghề làm thuốc, trị bệnh cứu người, tiếng tăm ngày càng lừng lẫy. Năm 1385, khi 55 tuổi bị cống cho nhà Minh, Trung Quốc. Ông được nhà Minh rất nể trọng về tài năng và đức độ, giao giữ chức Y tư cửu phẩm. Có lần ông trị khỏi bệnh sản hậu cho hoàng hậu, được vua nhà Minh phong cho là Đại thiền sư. Ông mất không rõ năm nào. Mộ ông được đặt tại Giang Nam. Trên mộ còn có lời trăng trối cuối cùng của ông được khắc trên đá: “Ngày sau, có ai người Nước Nam qua đây xin đưa hài cốt tôi về với”.

Là một vị thiền sư, một đại danh y của đất nước, ông đã để lại một di sản vô cùng quý báu cho kho tàng Đông y dược nước nhà. Đó là 2 bộ sách “Hồng nghĩa giác tự y thư” và “Nam dược thần hiệu” với hàng ngàn dược liệu quý, các bài thuốc trị hàng trăm chứng bệnh khác nhau. Ông cũng nổi tiếng với câu nói bất hủ được lưu truyền hậu thế: “Nam dược trị Nam nhân”. Trong lời tựa sách “Nam dược thần hiệu”, ông viết: “Dục hiệu dân sinh tu tầm thánh dược. Thiên thủ dĩ định Nam bang thổ sản hà thủ Bắc Quốc” (Muốn cứu dân sinh phải tìm thánh dược – Thiên thư đã định phân nước Nam thổ sản có khác gì Bắc quốc).

Ông cũng là người nêu nguyên tắc của dưỡng sinh mà cho đến nay vẫn được coi là nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo cho môn Dưỡng sinh ngày càng được phổ biến rộng rãi, nhiều người hâm mộ.

Vậy mà, đã trên dưới 600 năm, nấm mộ cô đơn của ông vẫn dầu dãi nắng mưa nơi xứ người. Dòng chữ ghi lời khẩn cầu tha thiết cuối cùng của ông trên đá nét chữ vẫn chưa phai mờ nhưng ước nguyện của ông vẫn chưa thành hiện thực.

Thiết nghĩ, với truyền thống đạo hiếu “Uống nước nhớ nguồn” được tôn trọng, lưu giữ và phát huy hàng ngàn năm của dân tộc, đã đến lúc hậu thế hôm nay phải bắt tay vào thực hiện cho được lời khẩn cầu đã vang lên từ 600 năm trước của ông.

Việc này với chúng ta hôm nay chẳng khó khăn gì. Vấn đề là công tác tổ chức thực hiện sao cho trọn nghĩa vẹn tình. Ai sẽ đề xướng và đứng ra chủ trì việc này? Theo thiển nghĩ của chúng tôi, đây là lương tâm, trách nhiệm mang yếu tố tâm linh thiêng liêng của mỗi người dân Việt, nhưng đứng ra chủ trì, tổ chức nên là Hội Đông y Việt Nam, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Hải Dương quê ông. Tôi tin rằng khi có người đề xướng và lên kế hoạch sẽ có rất nhiều tổ chức, cá nhân, những người trong ngành Đông y, những Phật tử cả trong và ngoài nước sẽ nhiệt tình ủng hộ cả tinh thần, vật chất để đưa phần mộ của ông về an nghỉ tại quê hương đất nước trong thời gian sớm nhất.

 (Nguồn Văn nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn